HƯỚNG DẪN XNC Phiếu Lý lịch Tư pháp có thời hạn bao lâu?

Status
Không mở trả lời sau này.

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#1
Lý lịch Tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. (khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch Tư pháp 2009)

Phiếu Lý lịch Tư pháp là một loại tài liệu (phiếu) do Sở Tư pháp (hoặc Trung tâm Lý lịch Tư pháp quốc gia) cấp, trên đó cung cấp các thông tin chứng minh:

+ Một người có hay không có án tích, bản án, các quyết định xử phạt của Tòa án.

+ Có đang bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm các chức vụ hoặc thành lập, quản lý công ty, doanh nghiệp trong trường hợp công ty, doanh nghiệp bị Tòa án tuyên bố phá sản.



Vậy xét về mặt thời hạn, phiếu Lý lịch Tư pháp sẽ có thời hạn bao lâu?

Thời hạn phiếu Lý lịch Tư pháp của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được quy định rõ ràng, thống nhất mà vẫn phải phụ thuộc vào quy định trong các văn bản của từng lĩnh vực pháp luật liên quan và phụ thuộc vào quyết định của cơ quan, tổ chức có nhu cầu xác minh về tình trạng Lý lịch Tư pháp của cá nhân đó.

Ví dụ:

+ Hồ sơ xin nhập, thôi và trở lại quốc tịch Việt Nam phải có phiếu Lý lịch Tư pháp được cấp không quá 90 ngày. (Điều 20, 24 và 28 Luật Quốc tịch năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014)

+ Hồ sơ xin nhận con nuôi trong nước phải có Phiếu Lý lịch Tư pháp được cấp không quá 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã, Phiếu Lý lịch Tư pháp của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi. Phiếu Lý lịch Tư pháp của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi. (Điều 5 Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi)

+ Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên phải có Phiếu Lý lịch Tư pháp, Khoản 8 Điều 1 Luật sư 2006 được sửa đổi, bổ sung 2012 quy định trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải có Phiếu Lý lịch Tư pháp, tuy nhiên cả hai văn bản Luật nêu trên cũng không có quy định về thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch Tư pháp. Ngoài ra, trong tuyển dụng công chức hiện nay, nhiều cơ quan chỉ quy định thành phần hồ sơ phải có Phiếu Lý lịch Tư pháp mà cũng không nêu rõ là Phiếu Lý lịch Tư pháp được cấp từ thời điểm nào.(Khoản 2 Điều 12 Luật Công chứng 2014)

+ Bên cạnh đó, một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài ở Việt Nam cũng quy định về thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch Tư pháp khi giải quyết yêu cầu xin cấp thị thực, chẳng hạn như Lãnh sự quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quy định các đương đơn xin thị thực nhập cảnh từ 16 tuổi trở lên cần phải nộp Phiếu Lý lịch Tư pháp có giá trị được cấp trong vòng một năm (đăng trên Website Tổng Lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Như vậy, thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch Tư pháp ở Việt Nam hiện nay không được quy định rõ ràng, thống nhất mà phụ thuộc vào quy định trong các văn bản của từng lĩnh vực pháp luật khác nhau và phụ thuộc vào ý chí của cơ quan, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu về tình trạng án tích của đương sự. Do đó, cần quy định thống nhất về thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch Tư pháp, việc xác định thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch Tư pháp một cách khách quan, khoa học, phù hợp rất cần thiết, tránh những bất cập cũng như để áp dụng pháp luật thống nhất.

Nguồn: Xem tại đây
 
Status
Không mở trả lời sau này.