Chỉ được mang tối đa 5.000 đôla ra nước ngoài

langvuon

khoai nướng
#1
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải ban hành quy định mức ngoại tệ tiền mặt tối đa mà người cư trú được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan là 5.000 đôla.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về việc quản lý ngoại tệ và ngân hàng thương mại Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến quản lý ngoại hối.


Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện ngay việc quy định trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ đối với cá nhân ở mức 3%. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong tháng 4 này, Ngân hàng Nhà nước phải trình Thủ tướng ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 202 theo hướng tập trung xử lý các vi phạm về quản lý ngoại hối, kinh doanh vàng trong đó có các chế tài để xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc niêm yết, giao dịch, thanh toán, quảng cáo, mua bán, vận chuyển, thu đổi ngoại tệ, vàng không đúng các quy định pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước phải trình Chính phủ trong Quý 3 Nghị định thay thế Nghị định số 134 về việc ban hành Quy chế vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc vay nước ngoài của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các Tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước. Trong tháng 6, ngân hàng phải ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước phải ban hành quy định mức ngoại tệ tiền mặt tối đa người cư trú được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan tối đa là 5.000 đôla Mỹ và quy định thực hiện việc dừng hoạt động huy động và cho vay vàng.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện ngay việc quy định trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ đối với cá nhân ở mức 3% và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ thêm 2%. Ngân hàng phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành để kiểm tra, giám sát chặt chẽ luồng ngoại tệ cho vay và thanh toán theo danh mục do Bộ Công Thương đề xuất. Ngân hàng phải báo cáo và đề xuất với Thủ tướng xem xét cụ thể đối với ngân hàng thương mại được bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỷ lệ tối đa 20% vốn điều lệ.

Kỳ Duyên (VnExpress)
 

langvuon

khoai nướng
#2
Ðề: Chỉ được mang tối đa 5.000 đôla ra nước ngoài

Giảm hạn mức ngoại tệ mặt khi xuất cảnh

Lượng ngoại tệ tiền mặt tối đa mỗi cá nhân được mang theo mà không phải khai báo hải quan khi xuất cảnh sẽ giảm từ mức 7.000 USD hiện nay xuống còn 5.000 USD, theo yêu cầu mới của Thủ tướng.

Văn phòng Chính phủ chiều nay thông báo kết luận của Thủ tướng sau buổi họp của thường trực Chính phủ về quản lý ngoại tệ và bán cổ phần ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến quản lý ngoại hối, để việc điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá được chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình cung - cầu ngoại tệ, tăng tính thanh khoản của thị trường, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và góp phần tăng dự trữ ngoại hối.

Trong quý II, Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu, ban hành trong các quy định về việc ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp và người dân ở mức hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta.

Tuy nhiên, lượng tiền ngoại tệ mặt mang theo khi xuất cảnh sẽ bị siết chặt hơn. Thủ tướng yêu cầu ban hành quy định khống chế ở mức tối đa 5.000 USD Mỹ. Từ năm 2005, Ngân hàng Nhà nước nâng mức ngoại tệ tiền mặt tối đa không phải khai báo hải quan khi xuất cảnh từ 3.000 USD lên 7.000 USD.

Ngoài ra, ngay trong tháng tư, cơ quan này phải trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, theo hướng tập trung xử lý các vi phạm về quản lý ngoại hối, kinh doanh vàng trong đó có các chế tài để xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc niêm yết, giao dịch, thanh toán, quảng cáo, mua bán, vận chuyển, thu đổi ngoại tệ, vàng không đúng các quy định pháp luật, kể cả việc đình chỉ, rút giấy phép hoạt động, tịch thu tài sản vi phạm. Đồng thời, ban hành ngay Thông tư hướng dẫn nhằm kiểm soát chặt hoạt động thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong quý ba, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 134/2005/NĐ-CP về vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vay nước ngoài của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các Tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước.

Trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước phải ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng.

Trong tháng 4 năm 2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư quy định việc mua bán ngoại tệ của Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thay thế qui định hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng thực hiện gồm các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp thành viên là doanh nghiệp nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phải sớm ban hành quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, thay thế quy định hiện hành theo hướng giảm giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ dương và tổng trạng thái ngoại tệ âm của tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập ngay Ban soạn thảo sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối theo hướng quản lý chặt chẽ, nhằm khắc phục căn bản tình trạng đôla hoá.

Yêu cầu dừng hoạt động huy động và cho vay vàng của các tổ chức tín dụng sẽ được đưa vào quy định chính thức, thay vì dừng ở mức mệnh lệnh hay chỉ đạo hạn chế của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện ngay việc quy định trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ đối với cá nhân ở mức 3%; đồng thời, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ thêm 2%. Quy định này đã được Ngân hàng Nhà nước công bố ngay trước kỳ nghỉ lễ và bắt đầu thực hiện từ 13/4 (với việc khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cấp đăng ký kinh doanh vàng; đồng thời xử lý nghiêm, kể cả việc thu hồi giấy phép đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý ngoại tệ và vàng.

Song Linh
(nguồn VnExpress)
 

langvuon

khoai nướng
#3
Ðề: Chỉ được mang tối đa 5.000 đôla ra nước ngoài

Quy định mang ngoại tệ khi xuất cảnh

“Pháp luật về ngoại hối hiện nay chưa có quy định cho phép cá nhân khi xuất cảnh mang ngoại tệ số lượng lớn để kinh doanh ở nước ngoài”, luật sư Nông Thị Hồng Hà tư vấn.

Theo các quy định hiện hành thì cá nhân không thể tự mình trực tiếp mang ngoại tệ số lượng lớn ra nước ngoài mà chỉ được thực hiện thông qua các ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối. Ngoại tệ mang ra nước ngoài là ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi, ngoại tệ gửi tiết kiệm, ngoại tệ tự cất giữ, ngoại tệ cá nhân đó mua của Ngân hàng được phép.

Việc vận chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, đặc biệt là với số lượng, giá trị ngoại tệ lớn là hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng (bao gồm ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng) được hoạt động ngoại hối và cung ứng dịch vụ ngoại hối trong quá trình thực hiện nghiệp vụ của mình.

Theo quy định của ngành ngân hàng thì ngoại tệ là một trong những loại “hàng đặc biệt” được vận chuyển theo một quy trình nghiêm ngặt. Việc tổ chức vận chuyển hàng đặc biệt phải tuân theo quy trình chặt chẽ: bắt đầu từ khi nhận, đóng gói niêm phong tài sản và phương tiện bảo quản; bốc xếp lên phương tiện vận chuyển; vận chuyển trên đường, đến địa điểm nhận; giao hàng và hoàn thành đầy đủ các thủ tục giao nhận mới kết thúc.

Về việc cá nhân mang ngoại tệ ra nước ngoài: Theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 và Nghị định của Chính phủ số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối, “công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng được phép cho các mục đích dưới đây:

- Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;

- Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;

- Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;

- Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;

- Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;

- Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;

- Các mục đích chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác”.

Như vậy, việc bạn mang ngoại tệ ra nước ngoài có thể chia ra hai trường hợp sau đây:

a- Trường hợp bạn xuất cảnh - không thuộc các trường hợp nêu trên - thì theo quy định của pháp luật về ngoại hối, bạn không được phép mang, chuyển ngoại tệ vượt quá số lượng cho phép. Hiện nay, pháp luật về ngoại hối quy định mức ngoại tệ tiền mặt (bao gồm tiền giấy, tiền kim loại, séc du lịch) cá nhân Việt Nam được phép mang theo người khi xuất cảnh không quá 7.000 USD; trường hợp vượt quá mức quy định trên thì phải khai báo Hải quan cửa khẩu và xin giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Mức 7.000 USD được chuyển, mang ra nước ngoài đối với cá nhân áp dụng trong cả trường hợp sử dụng tiền gửi trong tài khoản. Cá nhân (là người cư trú) không thể chuyển tiền vào tài khoản rồi ra nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền; Ngân hàng nơi cá nhân đó mở tài khoản ngoại tệ sẽ chỉ chấp nhận thanh toán trong hạn mức cho phép.

Tuy nhiên vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải sớm ban hành quy định mới, điều chỉnh mức ngoại tệ tiền mặt tối đa mà người cư trú được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan là 5.000 USD, thay vì mức 7.000 USD như hiện nay. Do vậy, hạn mức ngoại tệ được phép mang ra nước ngoài sẽ còn thấp hơn nữa.

Về thủ tục xin cấp Giấy phép xác nhận việc mang tiền mặt quá số lượng quy định ra nước ngoài bạn có thể tham khảo quy định tại Quyết định số 1437/2001/QĐ-NHNN ngày 19/11/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành quy định về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam.

b- Trong trường hợp bạn chuyển vốn ra nước ngoài để phục vụ cho mục đích đầu tư thì theo quy định tại Điều 23 Nghị định của Chính phủ số 78/2006/NĐ-CP ngày 09/9/2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư. Riêng việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư để nghiên cứu, chuẩn bị dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 14 Pháp lệnh ngoại hối và Điều 24 Nghị định số 78/2006/NĐ-CP nói trên cũng quy định: Mọi giao dịch chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến dự án đầu tư được thực hiện thông qua một tài khoản ngoại tệ mở tại một tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam và được đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tóm lại, việc bạn muốn mang lượng ngoại tệ lớn (trên 50.000 USD) khi xuất cảnh với mục đích “để làm ăn” sẽ không thể thực hiện được. Trong trường hợp cố ý vận chuyển ngoại tệ (không phép) ra nước ngoài, tùy từng trường hợp cụ thể, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" theo quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự.

Luật sư Nông Thị Hồng Hà
Công ty Luật Hồng Hà
114 Phan Kế Bính, Ba Đình, Hà Nội

nguồn: VnExpress​