Đi Mỹ định cư – Kỳ 3 Học gì & chuẩn bị gì trước khi đi?

quachminhnhat

Thành viên tích cực
#1
** Trước khi đi Mỹ, tui cũng chuẩn bị nhiều thứ lắm, cả tinh thần lẫn phi tinh thần, mà rốt cuộc vẫn không đủ. Bởi vậy cũng bị nhiều thực tế phũ phàng làm cho sốc toàn diện… Nhân danh cái sự đau thương của chính mình, tui nghiên cứu thêm chút đỉnh để viết tiếp bài này. Hy vọng có thể giúp được chút ít cho ai
đó đang sửa soạn lên đường.

Sách có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Câu này áp dụng đâu cũng hợp lý, mà hình như câu này áp dụng cho “trận … nghề” của người đi Mỹ định cư càng hợp hơn. Bởi dù cho đi Mỹ định cư chỉ là 1 cuộc “chuyển chỗ ở” bình thường thôi thì đó cũng là 1 cái chuyển tới nửa vòng trái đất, đến 1 nơi xa lắc xa lơ nhà cũ của mình cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Xã hội, ngôn ngữ , văn hóa, chính quyền vv… cái gì cũng khác xa! Hổng biết “người” có những cơ hội gì dành cho ta, có cản trở gì đối với ta thì làm sao ra trận? Biết người rồi, mà không biết ta có hoàn cảnh, điều kiện như thế nào, khả năng ra sao … thì chắc cũng khó lòng mà “thắng”…

Trong bài trước, người viết đã cố gắng phác họa sơ vài nét về “thị trường nghề nghiệp” ở Mỹ, coi như những thông tin chung chung nhất để “biết người”. Ở từng tiểu bang, từng thành phố, thực tế chắc chắn sẽ khác hơn, đòi hỏi người mới đến phải tự nghiên cứu thêm. Còn việc “biết ta”, chắc chỉ có mỗi người mới tự nhìn lại hoàn cảnh riêng của mình để biết mình “có gì” …

- Tình trạng gia đình: Độc thân hay đã kết hôn, qua Mỹ sống với chồng/vợ hoặc với cha mẹ, anh chị, ở riêng hay sống chung đại gia đình, có con nhỏ hay không, con còn nhỏ xíu hay đã đi học, có ai phụ giúp gì không hay sẽ phải hoàn toàn tự lực cánh sinh vv…

- Điều kiện tài chính: Có “vốn liếng” gì ở VN đem qua không, có bắt buộc phải đi làm ngay/sớm để lo kinh tế gia đình hay không, nếu có thể chịu được 1 thời gian không đi làm thì trong bao lâu…

- Trình độ học vấn và/hoặc kinh nghiệm chuyên môn: Ở VN đã có nghề nghiệp gì trước chưa, nghề đó qua Mỹ có tiếp tục được không, trình độ Anh văn ở mức nào (chỉ nghe nói giao tiếp, đã đọc viết được kha khá, sử dụng lưu loát trong công việc, có thể nghiên cứu vv…); học vấn ở VN đến đâu (chỉ biết đọc biết viết, hay tốt
nghiệp phổ thông, cao đẳng, đại học vv…). Nếu đã hơi hơi có tuổi (hơn 30 – 40 chẳng hạn) thì còn học “vô” nữa không vv…

Nghiêm túc nhìn nhận lại hoàn cảnh của mình ở những điểm mấu chốt đó rồi, người ta sơ bộ sẽ có thể vạch ra cho mình hướng đi cơ bản nhất

- Sẽ học nghề hay học văn hóa?

- Nếu học văn hóa thì liệu có thể tập trung chỉ học thôi không? Hay sẽ phải vừa làm thêm vừa học?

Xin phép không bàn tới chuyện ai ở hoàn cảnh nào nên chọn hướng đi nào. Trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của mình, người viết chỉ dám nêu ra vài chọn lựa dưới đây:

· Học nghề: Thật ra, không phải nghề gì có ở Mỹ thì cũng có thể học trước ở VN. Và ngược lại, cũng không phải nghề nào học ở VN qua Mỹ cũng làm được. Có chăng, bạn chỉ có thể học trước cho biết làm, cho quen tay quen chân, để khi qua Mỹ cũng
đỡ phần bỡ ngỡ thôi.

o Nghề nail, uốn tóc & massage: Nếu dự tính theo nghề này khi qua Mỹ, có lẽ bạn chỉ nên học trước ở VN để làm cho quen. Chứ khi qua Mỹ thì dù đã có lành nghề tới đâu, bạn cũng phải học đủ giờ, thi đủ bài mới lấy được giấy phép hành nghề. Có điều, ai đã quen tay làm ở VN thì khi đã có giấy phép, ra ngoài làm sẽ dễ lên tay nghề hơn, khả năng có thu nhập cao cũng nhiều hơn

o Nghề may: Mở 1 cái tiệm may ở Mỹ thì không chắc đã là 1 thương vụ béo bở, nhưng nếu bạn biết sửa quần áo lành nghề thì bạn có nhiều cơ hội lắm. Như đã nói ở bài trước, người Mỹ đa số mua quần áo may sẵn rồi về đem đi chỉnh lại cho vừa (gọi là alteration). Nếu bạn “trị” được tất cả những thủ thuật để chỉnh sửa quần áo cho vừa vặn: lên/hạ lai, bóp/thả eo/ngực/lưng quần, thay dây kéo, đơm nút, mạng chỗ rách, làm được cho cả áo đầm đắt tiền, quần áo vest vv… thì bạn không lo thiếu khách hàng đâu. Bạn nào dự tính vừa phải đi học, vừa phải làm thêm thì học trước nghề này cũng là một giải pháp hay.

o Nghề nấu ăn: Nếu bạn có khiếu nấu ăn và nhắm mình đủ tài chính, đủ sức mở nhà hàng thì cũng nên học nghề nấu ăn, luyện càng nhiều món ngon càng tốt. Qua đây, bạn có thể khởi nghiệp từ chỗ phụ bếp, rồi sau đó nấu cơm tháng …từ từ mở nhà hàng.

o Nghề mộc: Đóng tủ kệ, bàn ghế vv…

o Nghề sửa chữa nhỏ (sửa cửa, sửa ống nước, đổ xi măng, lót gạch vv…???): Học chuyên 1 món thì có thể hơi khó hành nghề, nhưng nếu bạn làm được hết những bài sửa chữa vặt trong nhà thì ít nhất bạn có thể tự chăm sóc ngôi nhà của
mình, sau nữa là có thể nhận sửa cho người ta.

· Học văn hóa: Lẽ đương nhiên, nếu qua Mỹ trước 18 tuổi thì bạn bắt buộc phải vô học lại trung học. Nhưng nếu bạn đã quá tuổi bắt buộc đến trường, mà vẫn muốn học để lấy bằng cấp của Mỹ thì bạn vẫn có thừa cơ hội. Điều kiện duy nhất bạn bắt buộc phải có là 1 quyết tâm sắt đá: Tôi muốn học! Và để cho cái quyết tâm đó phát huy hết tác dụng giúp bạn vượt mọi khó khăn theo đuổi sự nghiệp học hành thì bạn cũng có thể chuẩn bị 1 số việc trước khi đi:

o Sao y, dịch ra tiếng Anh và công chứng toàn bộ bằng cấp, bảng điểm đã có ở VN: Dù đó chỉ mới là bằng tú tài hay bằng cao đẳng thì bạn cũng cứ chuẩn bị để đem theo. Biết đâu bạn may mắn, bằng cấp của bạn được chấp thuận (toàn
bộ hoặc 1 phần) ở Mỹ thì sao? Bạn sẽ đỡ mất 1 khoản thời gian (và tiền bạc) đáng kể.

o Lên internet, tìm hiểu càng nhiều càng tốt về hệ thống giáo dục, trường lớp ở nơi mình sắp đến. Nếu được thì nhờ người nhà ở Mỹ hỗ trợ thêm, tìm chọn những trường tốt, thích hợp cho mình, coi họ có yêu cầu gì đặc biệt trước
khi đăng ký học không (Có trường đòi TOEFL, TOEIC or TSE, có trường đòi GMAT, hoặc SAT…) Thường thì các kỳ thi GMAT, SAT đều có bài luyện thi online. Có thời gian, bạn cứ nghiên cứu trước các bài luyện thi này, làm thử coi sức mình ra sao, mà cũng là để làm quen với kỳ thi của họ. Như vậy, khi qua tới nơi, muốn đăng ký học, bạn cũng biết trước mình cần phải làm gì

o Học Anh văn: Đây là yếu tố quan trọng nhất, quyết định việc bạn có thể theo được chương trình học mình đã chọn hay không. Và nếu đã quyết định theo học chương trình đại học, cao đẳng, bạn càng nên tranh thủ thời gian ở Việt
Nam để luyện Anh văn càng nhiều càng tốt. Nếu được, đề nghị bạn đầu tư học ở các trung tâm uy tín, có giảng viên nước ngoài giảng dạy để bạn có thể chủ động luyện được những kỹ năng quan trọng, cần thiết cho việc học trên giảng đường

§ Kỹ năng nghe: Nghe người Việt nói tiếng Anh không giống như nghe người Mỹ nói tiếng Anh! Nếu bạn chỉ quen nghe giọng của giáo viên VN, 90% là qua đây bạn sẽ không nghe nổi người Mỹ nói

§ Kỹ năng nói: Học với người nước ngoài, bạn sẽ tập được thói quen nói với người nước ngoài, khống chế được sự nhút nhát (nếu có) trong giao tiếp ngoại ngữ

§ Kỹ năng đọc & viết: Tốt nhất là bạn nên đăng ký những chương trình luyện thi TOEFL, TOEIC … để luyện 2 kỹ năng này, cộng luôn khả năng nghe lecture. Bằng không, những chương trình dạy AV khác có thể không trang bị đủ cho bạn kỹ năng đọc được những bài viết với văn phạm chuẩn của textbook, hoặc kỹ năng viết được essay theo yêu cầu của trường ở Mỹ.

Ngoài chuyện học hành, bạn còn nên chuẩn bị thật tốt về mặt tinh thần. Có lẽ phần đông những người chuẩn bị đi Mỹ định cư đều chuẩn bị sẵn tinh thần để đến với xứ sở tự do, miền đất của cơ hội, của tương lai vv… Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng nếu chỉ như vậy thì không đủ. Chuyến đi đến Mỹ định cư còn mang tới cho bạn và gia đình rất nhiều thử thách nghiệt ngã mà nếu không vững lòng, không có tinh thần “thép”, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng. Nói “bỏ cuộc” không có nghĩa là bạn sẽ khăn gói quay về VN sống (cũng có, nhưng ít người làm vậy). Mà “bỏ cuộc”, ở đây, có thể là bạn sẽ từ bỏ hết những dự định tốt đẹp đã có, chấp nhận cuộc sống tạm bợ cho qua kiếp tha hương…

Vậy thì bạn ơi, hãy chuẩn bị cho mình 1 tinh thần thật vững vàng, rằng “cho dù có xảy ra chuyện gì tối tệ đền đâu (mà sự thật thì chuyện tệ hại gì cũng có thể xảy ra trong những năm tháng đầu tiên nơi xứ người…) thì mình cũng sẽ phải bình tâm, vững trí mà tìm cách giải quyết. Nhất định không buông xuôi!”

“Sắm sửa” được cho mình 2 điều cơ bản đó (chuyện học hành/nghề nghiệp & tinh thần) cho hành trang trước khi đi, tin rằng bạn sẽ đứng vững và đi tốt con đường mình đã chọn. Dù là thời gian đầu của cuộc sống mới nơi xứ người sẽ đầy dẫy những cú sốc có thể làm bạn tối tăm mặt mày…

trích internet
 

trantai

Thành viên tích cực
#2
Ðề: Đi Mỹ định cư – Kỳ 3 Học gì & chuẩn bị gì trước khi đi?

Trời ơi....bài viết hay quá trời hay....

Đọc xong mà lòng thấy nao nao...1 cảm giác thật khỏ tả....

Không biết số mình quá tới đó thì số phận mình ra sao nữa...:12: