Đi Mỹ định cư -Kỳ 4 Chuẩn bị tinh thần, tại sao và như thế nào?

quachminhnhat

Thành viên tích cực
#1
Công bằng mà nói thì trong vô số những điều mới mẻ mà người đi Mỹ định cư sẽ gặp khi đặt chân tới mỹ, rất nhiều điều sẽ làm cho người ta thấy thích thú, ngưỡng mộ. Những điều này, hồi sống ở VN, ai chưa có dịp đi đâu ra nước ngoài, chắc chỉ có nằm mơ mới thấy !

· Giáo dục: Trẻ em tới tuổi đi học thì phụ huynh chỉ việc ra đúng trường của khu vực mình mà ghi danh cho con (Khỏi thức trắng đêm xếp hàng…). Cha mẹ không rảnh đưa đón con thì đăng ký xe buýt, miễn phí. Lớp học chừng mười mấy học sinh (hổng có chuyện 50 đứa vô 1 lớp). Qua cấp học phổ thông, vô cao đẳng, đại học mà hổng có tiền thì cứ làm đơn xin chính phủ. Đủ tiêu chuẩn thì chính phủ cho luôn tiền học, không đủ thì cho mượn, cho vay lãi suất thấp. Học xong, ra trường 6 tháng sau (hình như có chỗ còn cho cả năm) mới phải lo trả tiền. Mà nếu lỡ chừng đó vẫn chưa có việc làm, thì lại xin nợ tiếp… Chỉ cần thích học, chịu học, và học được …là được học! (hổng có chuyện thiếu tiền trường mà bị cô giáo cảnh cáo trước lớp, hay bị đọc tên trước trường!!!)

· Y tế: Bé con bệnh nặng, ba của bé tự lái xe đưa con đi cấp cứu. Hai cha con tới nơi khoảng gần 9 giờ sáng. Đến 10 giờ, bé đã được chỉ định chụp hình và đủ các loại xét nghiệm cần thiết. Mọi biện pháp trợ sức, cấp cứu đều được huy động lập tức. Trong phòng săn sóc đặc biệt, bé có riêng 1 y tá túc trực 24/24 để theo dõi từng diễn biến nhỏ. Khi phải đón ngày SN trong bệnh viện, bé lại được bv gửi tặng bánh kem, y tá trong khoa thì mang băng rôn, bong bóng và quà đến tận phòng hát mừng … Bé chỉ là 1 bệnh nhi bình thường như tất cả những bệnh nhi khác trong khoa. Mà cũng chẳng phải chỉ có trẻ em mới được chăm sóc tốt như vậy. Sản phụ sinh mổ cũng không kém chút nào! Suốt những ngày sản phụ nằm viện sau ca mổ, mọi việc vệ sinh cá nhân đều có y tá, điều dưỡng lo chu toàn, nhẹ nhàng, dịu dàng, vui vẻ. Mổ xong, bà mẹ nào mệt mỏi, đau đớn, hay thậm chí chỉ vì muốn nghỉ ngơi, đều có thể giao con cho phòng dưỡng nhi giữ ban đêm. Nếu bé bú mẹ, cứ tới giờ bú, y tá đưa bé về phòng để mẹ cho bú, rồi lại đưa bé đi, cho mẹ ngủ yên…

· Cơ quan công quyền: Có việc đi ra những nơi như phòng làm thẻ an sinh xã hội, phòng an toàn giao thông vv… sẽ thấy viên chức chính phủ tươi cười niềm nở, giải thích rõ ràng. Người nào có “ngầu” mấy cũng không quát tháo, nạt nộ ai. Khỏi có chuyện kẹp tiền vô hồ sơ để làm nhanh…

· Xã hội, thương mại, tài chính: dường như cái gì cũng trật tự hơn, thông thoáng hơn cho mọi người dân vv…

Trước những điều mới mẻ, lạ lẫm tuyệt vời này, chắc không mấy ai không ngạc nhiên, nếu không nói là “sốc”. Nhưng cái sốc ở đây, nếu có, lại là cái “sốc tích cực”. Bởi “cú sốc” này sẽ làm người ta vui hơn, lên tinh thần hơn, vì thấy mình đã có cơ hội sống ở nơi văn minh hơn, xã hội có trật tự kỷ cương hơn, mạng sống con người có giá trị hơn, nhân cách cũng được tôn trọng hơn, cơ hội nhiều hơn, hy vọng tương lai con cái mình sẽ sáng sủa hơn rất nhiều. Vậy cũng đáng công đã lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, sống đời viễn xứ…

Có điều, tấm huy chương nào, dù lấp lánh bao nhiêu, cũng có mặt trái của nó. Chuyện qua Mỹ định cư cũng không phải là ngoại lệ. Thực tế cuộc sống có những va chạm, xung đột, khó khăn, thử thách mà nếu không chuẩn bị trước tinh thần, không ai là không sốc! Thậm chí, dám chắc là, nhiều người có nghe đi nữa cũng không tin…

Xin kể cho bạn nghe những điều người viết đã mắt thấy, tai nghe, hoặc thậm chí đã là “nhân vật chính”…. Nhưng với tâm tình của người đã sống đến 31 tuổi mới rời xa SG và cũng đã lăn lóc trên đất Mỹ gần 6 năm, người viết sẽ kể lại và cố gắng phân tích những điều đó bằng con mắt khách quan. Hy vọng ai đó chuẩn bị lên đường sẽ đỡ ngỡ ngàng nếu sau này mình cũng gặp trường hợp tương tự vậy

· Chuyện của người Mỹ

- Trong 1 tiệm giặt ủi, người cha dẫn đứa con nhỏ chừng 7-8 tuổi đi theo để lấy quần áo đã bỏ giặt trước đó. Trong số quần áo, có vài cái là của đứa con. Lấy đồ xong, người cha rút mấy cái của đứa con ra, đối chiếu với giấy thanh toán rồi tính ra coi tiền giặt ủi số quần áo của đứa con là bao nhiêu. Đứa con móc túi, vét hết tiền lớn tiền nhỏ, đếm đủ rồi trả lại cho cha, xong tự cầm quần áo của mình ra xe.

- Một cậu học sinh lớp 11 xin làm part time cashier trong tiệm giặt suốt mùa hè. Mỗi tuần lãnh lương, cậu bé lại hí hửng gom góp, cất kỹ. Hỏi để dành nhiều tiền vậy để làm gì? Đáp rằng “Để cuối hè làm birthday party”. Hỏi ba má hổng làm cho hay sao. Đáp “Ba má lo nuôi ăn học thôi, party thì phải tự lo chứ.”

- Một cô bé 19 tuổi, vừa tốt nghiệp PTTH từ F. phải dọn qua H. sống với cô ruột vì cha cô chuẩn bị cưới vợ sau. Cha cô lo tiền cho cô học nghề làm kỹ thuật viên chụp X Quang. Ngoài giờ học, cô tự đi làm thêm để trang trải cuộc sống: tiền xăng, tiền bảo hiểm, tiền xài lặt vặt vv… Làm partime cashier thì lương có là bao… Cô bị thiếu hụt hoài … Vậy mà tới Halloween, cũng hào hứng chi ra gần nửa tháng lương mua bộ đồ hóa trang.

- Có người vô tiệm thanh toán tiền, bốc ra cả xấp hơn chục cái thẻ tín dụng, trong đó có 2 cái ATM. Bà ta không đụng tới 2 cái thẻ ATM, chỉ đưa credit card cho người tính tiền. Cà hết thẻ này tới thẻ kia đều không được … (Người tính tiền phải mượn ID của bà ta coi có đúng tên trong thẻ không). Khi toàn bộ thẻ đều đã bị từ chối, bà ta cũng không thể xài tới 2 cái ATM (Chắc trong account cũng chẳng còn tiền) … Cuối cùng, bà ta quay ra, không thanh toán được, dù số tiền cần trả chỉ là $15.00 … Có thể đoán được là toàn bộ credit card bà ta có đều đã xài vượt giới hạn… Giả sử mỗi cái thẻ đó có số dư nợ chỉ 1000 đồng, thì ít nhứt bà ta cũng đang nợ trên 1 chục ngàn … trong khi account không có tiền để rút …!

- Trong day care, người ta thường quy định giờ đón bé rất ngặt. Đón trễ là phải đóng thêm tiền, cứ 5 phút là đóng thêm 10 đồng chẳng hạn. Có lần, quá nửa tiếng rồi mà vẫn không ai tới đón. Nhân viên của trường phải gọi điện thoại lung tung, cuối cùng bà của 2 bé mới tới đón. Thì ra là cha mẹ 2 bé bận việc, nhờ bà đón con dùm, mà bà quên béng đi, thành ra trễ. Tiền đón trễ lên tới gần 200 đồng. Hôm sau, khi nhân viên trường nhắc mẹ của bé đóng tiền đón trễ thì nhận được cái nhún vai “Bà nó đón trễ, thì bả sẽ phải đóng tiền”. Cuối cùng, mấy ngày sau, bà của 2 bé cũng phải lót tót chạy tới trường ký check …

- Luật của TX quy định trẻ nhỏ dưới 4 tuổi lên xe phải ngồi car seat, lớn hơn (4 ~ 8) thì phải có booster (Cả hai đều là loại ghế dành riêng cho trẻ em, có dây an toàn). Buổi chiều đó, ở 1 cái day care, tới giờ trường chuẩn bị đóng cửa thì có bà kia tới đón cháu về. Ba mẹ cháu bé (3 tuổi) bận việc, nhờ bác đón dùm. Bà này đi đón mà trong xe không có car seat. Nếu bắt bà ta quay về nhà lấy car seat rồi quay lên thì trễ quá. Trời mùa đông cũng tối rồi. Vậy là cô hiệu trưởng giả bộ không biết, để yên cho bà kia đón cháu về. Bà ta vừa lái xe ra khỏi trường là cô hiệu trưởng cầm phone lên gọi cảnh sát! “Chiếc xe … màu … mang bảng số …. đang đi trên đường …. về hướng …. có chở trẻ nhỏ mà không có car seat”

- Công ty nọ đang phát lương mỗi 2 tuần thì đổi lại, mỗi tuần mỗi phát. Như vậy, tuần lễ đầu tiên lãnh theo kiểu mới, mỗi người sẽ chỉ nhận ½ số tiền vẫn nhận trước đây (nhưng chỉ 1 tuần sau là lại lãnh nữa rồi). Ông boss phải kêu từng người vô hỏi “Tuần này chỉ lãnh có nửa tiền so với bình thường, có bị hụt không? Có cần mượn gấp của công ty không?” Nhiều người phải gật liền. Vì mỗi kỳ lương lãnh ra đều đã được phân chia trả tiền bill gì hết rồi, thiếu 1 nửa, dù chỉ trễ 1 tuần thôi, cũng kẹt!

- Đi dọc đường, thỉnh thoảng hay thấy những cửa hiệu cho vay trương bảng “Payday loan”. Ai chưa tới ngày lãnh lương mà đã kẹt tiền thì đem giấy tờ cần thiết tới vay đỡ. Đến ngày lương, trả hết cả vốn lẫn lời… Mà ở đây, nhứt là làm lao động tay chân, thì lãnh lương mỗi tuần…

- Sáng Black Friday, ngày mua sắm rầm rộ nhất trong năm của Mỹ, vô chợ thấy cả rừng người chen chúc mua đồ, rồi rồng rắn xếp hàng thanh toán? Chuyện bình thường. Nhìn về phía sau chợ, có cái quầy Layaway, cũng thấy 1 hàng dài, mới choáng! (Mua hàng rồi mà không có đủ tiền trả thì đem gửi Layaway. Trong vòng 1 tháng hoặc hơn, tùy chợ, người mua có thể thanh toán từ từ. Khi nào trả đủ hết thì lấy hàng về.)

** Chỉ là những câu chuyện vụn vặt, nhưng cũng là một bức tranh sơ nét nhất về một bộ phận người Mỹ trong một góc xã hội Mỹ…

· Chuyện của người Việt

- Có cô gái, ở VN là sinh viên đại học, yêu 1 anh VK coi bộ khá giả. Anh nói gia đình anh kinh doanh riêng, anh quản lý công việc kinh doanh của gia đình nên kinh tế thoải mái. Hỏi cưới cô, anh hứa chắc như đinh đóng cột là qua Mỹ anh sẽ nuôi cô ăn học. Học ở Mỹ mới là học, chứ ở VN lo học lắm cũng vô ích thôi. Vậy là cô tin chắc tương lai mình sẽ tươi sáng. Qua tới Mỹ, mới biết gia đình anh là chủ 1 tiệm phở rất đông khách. Trong khi cô còn phải lục đục đi học thêm ESL (1 loại lớp dạy tiếng Anh cho người nước ngoài mới tới), mẹ chồng biểu cô tranh thủ ra tiệm phở phụ 1 tay. Riết rồi, phụ cả 2 tay. Cô chính thức ra tiệm phở làm khi còn chưa kịp học xong lớp ESL đầu tiên.

- Một cô khác, nuôi mộng qua Mỹ định cư, nên lấy VK. Qua được 1 năm, vợ chồng khăn gói về VN chơi. Về tới VN, anh chồng giữ hết thẻ xanh, passport, vé máy bay của cả hai vợ chồng. Đưa cô vợ về tới nhà mẹ vợ ở quê xong, anh chồng nói phải quay lên SG có công việc. Anh để vợ lại đó, quay lên SG, lẳng lặng ra đổi chuyến bay, rồi cầm hết giấy tờ của vợ, bay về Mỹ 1 mình! Thì ra, anh ta thâu được 1 – 2 cuộc điện thoại của vợ nói chuyện với gia đình ở VN, phát hiện ra cô ta lấy mình chỉ vì muốn đi Mỹ, nên anh “đem về trả lại chỗ cũ” thôi…

- Chị khác mang nợ nần ở VN quá lớn, chạy vạy ngược xuôi cho có cái visa qua Mỹ du lịch, rồi trốn ở lại. Chị làm nail, cắm đầu cắm cổ làm để gom tiền gởi về VN trả nợ. Chị có người anh ruột là kỹ sư cũng đang định cư ở Mỹ. Hồi mới qua, làm chưa được nhiều, có lần kẹt tiền, chị tới nhà hỏi mượn anh vài trăm. Anh trả lời “dạo này anh cũng kẹt quá, không có.” Vậy là chị ra về tay không.

- Anh kia theo bác ruột vượt biên từ nhỏ nên cũng có sự nghiệp ổn định đàng hoàng. Anh bảo lãnh cha mẹ và 2 cô em vừa tốt nghiệp trung học qua Mỹ. Hai cô em hỏi mượn anh tiền mua xe đi tạm trong thời gian đi học. Anh hỏi lại “Tụi bây cha tao hả?”. Và anh dứt khoát không cho em mượn tiền mua xe. Hai chị em đành tự đón xe bus đi học suốt mấy năm college, bất kể đông hay hè…

- Một chị kia, qua Mỹ cũng lâu lâu rồi, cũng khá giả, có 2 đứa con. Đứa lớn 9-10 tuổi gì đó, đứa nhỏ mới vô mẫu giáo. Có bữa bạn bè tụ tập, nói chuyện con cái đi học mẫu giáo có bữa được sticker mặt xanh, có bữa mặt vàng, có khi mặt đỏ. Mọi người bàn tán rôm rả, rằng mặt xanh là ngoan, mặt đỏ là không ngoan gì gì đó, chị phá ra cười “ủa vậy hả? Nào giờ tui đâu biết đâu.” “Ủa, chị không hỏi cô giáo hả?” “Có khi nào đi gặp cô giáo đâu mà hỏi. Tui hổng biết nói tiếng Mỹ, cô giáo nói tui cũng đâu hiểu đâu. Nào giờ hổng có gặp cô giáo đứa nào hết.”

- Anh nọ, qua Mỹ cả chục năm mới về VN cưới vợ. Vợ anh ở VN có công việc làm cũng tốt, đủ khả năng chuẩn bị đám cưới tươm tất mà không cần anh gởi tiền về trước. Chị biết anh ở Mỹ đi làm hưởng lương căn bản, chỉ vừa đủ xài chứ không dư giả. Thậm chí chị cũng biết anh không có tích lũy gì. Chị nghĩ cũng chẳng sao, vì biết mình cũng có thể đi làm phụ chồng, và mình cũng không ăn xài hoang phí. Thấy anh còn biết mua nhà để vợ chồng ở riêng, chị cũng yên tâm. Trước khi đi, tiền bạc ở VN có được bao nhiêu, chị chia ra từng phần mua sổ tiết kiệm tặng lại cho cha, mẹ, gia đình ở lại. Qua đến Mỹ, sau vài tháng “hội nhập”, chị mới biết ra là chẳng những anh không có tích lũy mà anh còn mang nợ đầm đìa! Mua vé về VN đám cưới, cà credit card. Mua quà đem về VN, cà thẻ. Mua vật dụng cho nhà mới, cà thẻ. Dẫn vợ đi ăn tiệm, cà thẻ. Tất tần tật đều cà thẻ! Vật dụng đắt tiền, không cà thẻ thì mua trả góp… Đến lúc chị đủ hiểu biết để nhìn vô ngân quỹ gia đình thì đã thấy anh nợ thẻ gần 20 ngàn, mua trả góp cũng cả chục. Mỗi tháng, cộng hết tiền góp nhà, xe, đồ gia dụng, tiền trả thẻ, và kính thưa các loại bill … thì tiền lương của anh không đủ trả … Ngày chị cấn thai, trong túi chẳng có lấy 1 xu dành dụm. Chị cật lực đi làm, bỏ ống từng đồng để chờ ngày con chào đời. Lương quá thấp, mà nợ quá cao… Chị liều đi làm luôn 2 job. Bụng bầu 4-5 tháng mà chị đi làm ngày thường ở 1 nơi, cuối tuần ở 1 nơi… Không có lấy 1 ngày nghỉ … Ngày “kỷ niệm 1 năm đặt chân lên đất Mỹ”, chị ngất xỉu vì kiệt sức ngay tại nơi làm việc.

- Có cô kia, hồi ở VN, là giáo viên dạy AV giỏi. Lập gia đình rồi qua Mỹ theo chồng. 1 năm rồi 2 năm, không thể tìm được việc gì làm cho thích hợp: muốn vô trường dạy cũng không đủ tiêu chuẩn, muốn xin đi làm văn phòng cũng không có đủ kỹ năng, mà ra làm việc tay chân thì cô không quen chịu cực, mà cũng không chấp nhận được … Cuối cùng, cô quay về VN sinh sống.

- Cô khác, theo chồng qua Mỹ rồi mới biết anh này ham chơi 1 cây. Chẳng chơi bời trai gái, hút xách gì, chỉ là tụ tập bạn bè rồi nhậu nhẹt triền miên. Qua tới nơi, cô cấn thai. Chồng chỉ là thợ hồ, chuyên đi làm gạch cho nhà người ta, nên đâu có dư giả gì. Cô cũng phải ra nhà hàng xin làm phụ bếp. Từ nhà ra nhà hàng không xa lắm, nhưng cũng chẳng phải gần, cô vẫn phải mang bụng bầu cuốc bộ đi làm mỗi ngày, bất kể nắng hay mưa, nóng hay lạnh. Chồng đi làm về, không cần biết vợ ở đâu, cứ thoải mái đánh xe ghé đâu đó lai rai tới tối. Tối nào cũng như tối nấy, cô về tới nhà cũng thấy chồng nằm say mèm trên salon. Chẳng được nghỉ ngơi,cô lại phải nhào vô bếp lo cơm nước phục vụ. Anh chồng nọ chẳng cần giúp vợ, cứ hứng lên là chỉ việc đè vợ xuống giường … Sống ở Mỹ chưa đầy 4 năm, cô đã sanh liền 3 đứa con nheo nhóc …

- Nếu không phải doanh nhân lớn, thu nhập thật cao, thì ở Mỹ này, khó mà mơ tới chuyện mướn “Oshin” làm việc nhà. Chợ búa, cơm nước, dọn dẹp, quét lau, rửa ráy, con cái, nhà cửa … tất tần tật đều phải tự lực cánh sinh. Người mẹ nào chỉ việc ở nhà lo nội trợ với chăm con thì hy vọng còn được chút thời gian rảnh rỗi. Ai đi làm luôn thì lịch trình hàng ngày cứ đều đặn sáng đi làm, chiều về lo cơm nước, nhà cửa, con cái … tới khuya. Sống ở Cali, Houston, ở những nơi có cộng đồng người Việt đông thì muốn ăn món VN còn chạy ra tiệm được … chứ ở nơi ít người Việt, mà thèm … thì tự mà nấu hết! Hỏi 10 người phụ nữ VN ở Mỹ, thì chắc cũng hết 7-8 người nấu được từ bữa cơm bình thường cho tới phở, bún riêu, bún măng, bún mắm, bún bò, mì Quảng vv.. Dù là, có khi, những người phụ nữ đó, hồi ở VN, chưa bao giờ bước chân vô bếp…

- Một anh khác, đi theo diện HO từ những năm đầu thập niên 90. Không biết anh nhập quốc tịch từ lúc nào, nhưng dứt khoát không bảo lãnh cha mẹ. Anh vẫn nói anh đã có bằng kỹ sư của Mỹ, đi làm lương cao. Chẳng hiểu sao, khoảng năm 2000 thì anh nói với gia đình là anh làm hồ sơ bảo lãnh cho 2 người em còn ở VN (Cả 2 đều đã có chồng/vợ, có con). Hai người em vui lắm, trông chờ từng năm…. Đến tận năm 2007, trong 1 dịp tình cờ, họ mới biết thật ra anh chẳng hề nộp hồ sơ bảo lãnh cho ai … Cả gia đình oán giận, trách phiền… Người anh nọ từ đó cũng chẳng có ý định về VN thăm nhà…

- Có người anh, cũng bảo lãnh em. Dĩ nhiên, khi người em được qua tới Mỹ thì thời gian đầu phải ở nhà người anh, cùng với chị dâu và các cháu. Vốn không quen lề thói sinh hoạt, vệ sinh ở nhà anh mình, lại thêm vài thói quen cũ ở VN, người em cứ lóng nga lóng ngóng trong nơi ở mới. Vài món đồ hỏng hóc. Vài vật dụng vấy bẩn… Người chị dâu khó chịu ra mặt. Đám cháu cũng tỏ ra bực bội với người chú “kém văn minh”… Tiếng bấc, tiếng chì … Cuối cùng, người em bỏ ra ngoài ở, mang theo trong lòng nỗi ấm ức rằng anh mình đã vì vợ con mà quên tình anh em ruột thịt …

- Lại có người con, bảo lãnh cha mẹ, kèm theo được 1 đứa em dưới 21 tuổi qua theo. Cha mẹ già ở VN qua thì thèm món ăn VN, mà con dâu (vốn qua Mỹ từ khi còn nhỏ xíu) thì không chịu được mùi nước mắm. Những món con dâu thích ăn, hay nấu thì cha mẹ già nuốt không trôi. Bữa cơm gia đình hễ vừa miệng người này thì làm người kia nhăn nhó… Mẹ chồng giận dỗi. Con dâu cũng nặng nề. Đã hết đâu, đứa em lấy được bằng lái xe thì nhất định đòi anh chị mua cho chiếc xe hơi đời mới. Anh chị phân tích hết lời, rằng chưa nên mua xe mới lúc này … Em ấm ức, rằng anh chị trọng đồng tiền mà khi dễ thằng em ăn bám… Em không rành tiếng Mỹ, muốn đủ trình độ theo học college phải học ESL thêm 1 thời gian. Anh khuyên em nên tìm việc làm thêm trong thời gian học ESL nhàn rỗi. Em nổi sùng, méc ba má, rằng anh đón em qua mà không chịu nuôi em ăn học nữa…

- Có người chồng, về VN cưới vợ, rước qua và cố gắng chu cấp cho vợ con một cuộc sống đầy đủ nhất, sung sướng nhất. Mình anh làm cật lực, để vợ ở nhà nuôi con, cơm nước. Chuyện nội trợ, con cái chẳng phải nhẹ nhàng. Anh không muốn vợ nhọc thân ra ngoài kiếm tiền làm gì. Khi con lớn, đến tuổi đi học, chị cũng thong thả hơn, thì cũng chẳng còn muốn ra đi làm chi nữa. Rảnh rỗi, chị thích đi shopping. Thẻ chồng đưa, cứ thoải mái mà cà. Cuối tháng bill về, chồng lại âm thầm ký check … Cuộc sống có lẽ sẽ cứ bình thản mà trôi nếu không có ngày anh bị thất nghiệp. Bao nhiêu năm mình anh làm nuôi vợ con, tiền dành dụm chẳng được bao nhiêu. Anh thất nghiệp … Chị thì chẳng có trong tay 1 nghề nghiệp gì để có thể ra ngoài đi làm… Thời buổi kinh tế khó khăn, anh tìm hoài không ra việc mới. Tiền thất nghiệp, tiền để dành … rồi cũng không còn đủ…. Không trả nổi tiền nhà liền mấy tháng … Vợ chồng con cái dắt díu nhau đi mướn apartment … Mất trắng…

- ……………………….

Còn nhiều, nhiều lắm những chuyện đời như thế. Ai sống ở Mỹ lâu năm một chút, quan sát nhiều 1 chút, thấy nhiều chuyện hơn một chút, sẽ hiểu vì đâu mà ra những xung đột, những tréo ngoeo đến giật mình đó. Chứ còn người mới qua, lạ nước lạ cái … hiểu sao cho nổi?

Nhưng nếu bạn đã đọc, đã nghe đâu đó những mẩu chuyện vặt như kể trên về người Mỹ, thì có lẽ bạn cũng sẽ lờ mờ nhận ra vì sao cuộc sống người Việt ở đây lại có những bất đồng, xung đột này. Chúng ta hay hô hào, kêu gọi người Việt xa xứ phải “giữ gìn bản sắc dân tộc”, không được “mất gốc” … Không sai. Nhưng cũng cần nhìn vấn đề qua 1 góc độ nhẹ nhàng hơn. Thế hệ người Việt đầu tiên qua Mỹ tính ra cũng trên dưới 30 năm rồi. Rất nhiều người vẫn còn trong lứa tuổi nhi đồng khi qua tới Mỹ. Họ đã sống cùng người Mỹ, trong xã hội Mỹ chừng đó năm. Dù muốn dù không, phần nào đó họ cũng quen, cũng thấm theo suy nghĩ của xã hội Mỹ…

Ø Bạn thấy rồi đó, ở Mỹ, trẻ em luôn là ưu tiên số một, nhưng cha mẹ không “bao … trọn gói” cho con cái. Đến tuổi được đi làm thì hầu như đứa nào cũng tìm cách xin việc part time mà kiếm tiền riêng. Cha mẹ, ông bà, con cháu, anh chị em một nhà có thể rất thân thiết, thương yêu nhau, nhưng không có chuyện ai đó bắt buộc phải có nghĩa vụ chăm lo về tài chính cho ai (Trừ việc cha mẹ phải chu cấp cho con dưới 21 tuổi). Thậm chí nếu mẹ có lỡ quên đón cháu, phải chịu phạt thì tự mẹ cũng phải lo đóng tiền, chứ con không đóng thay… Mỹ là vậy! Cho nên, nếu có người anh, người chị nào đó, sống ở Mỹ lâu năm, bảo lãnh được cha mẹ, chị em ở VN qua, mà không chấp nhận chu cấp, “nuôi ăn học” nữa … thì cũng chắc bạn cũng có thể hiểu vì sao. Có thể họ vẫn thương anh chị em mình, nhưng với họ, yêu thương này không “gắn liền” với trách nhiệm tài chính.

Ø Nhiều người VN ở Mỹ hay có câu cửa miệng “Ở Mỹ này, ai hổng mắc nợ”. Hình như câu này đúng lắm… Ai mà hổng nợ. Có cái nhà, cái xe chưa pay off là nợ. Có 1 cái credit card thôi, cũng là nợ…Chủ doanh nghiệp cũng nợ. Nhân viên lương ba cọc ba đồng cũng nợ. Mà mang nợ chút ít để đời sống thoải mái hơn, tiện nghi hơn, tội gì hổng nợ? Nhưng nhìn cho kỹ, thì người có tiền nợ kiểu khác, người hổng có tiền, lại nợ kiểu khác …

Với phương châm “đồng tiền trong túi là đồng tiền sinh lợi”, người có tiền có thể mượn tiền để kinh doanh, để đầu tư vv… Người có tiền thường không thích xài tiền mặt. Làm gì cũng lấy cái thẻ ra cà. Nhưng họ kiểm soát được chi phí của mình, xài tháng nào trả dứt tháng đó, không dây dưa tiền lời.

Người có tiền đi vay nợ làm ăn, đầu tư, không nói làm gì. Người ít tiền, nhiều khi cứ vay , chỉ để sắm sửa, tiêu xài không tính toán. Bởi điều kiện vay nợ quá dễ dàng! Cầm cái credit card trong tay, cà lấy cà để, hết mấy trăm đồng, có khi cả ngàn. Cuối tháng, bill về, bill chỉ yêu cầu thanh toán rất nhẹ nhàng: “Minimum due” chừng vài chục đồng… Ừ, thì trả có vài chục, nhằm gì! Nhưng toàn bộ số dư chưa trả thì sẽ được tính tiền lời. Thẻ lời ít thì cũng 6-7%, thẻ cắt cổ có khi 28.99% cũng nên! Nếu bạn xài thẻ liên tục vài tháng, mà hàng tháng chỉ ký check trả “minimum due” thì chỉ vài tháng sau, số dư nợ của riêng cái thẻ này có thể lên mấy ngàn… Có chừng 3 cái thẻ, mỗi thẻ nợ chừng vài ngàn…Mỗi tháng, sơ sơ bạn cũng phải trả vài trăm, mà coi kỹ lại, hầu như chỉ đủ trả tiền lời… nợ cứ thế mà chồng, mà chất. Thỉnh thoảng, muốn mua những món đồ giá trị lớn hơn, thì người ta lại có thể trả góp. Cái TV mấy ngàn đồng, mua trả góp 1 – 2 – 3 năm gì cũng được. Mỗi tháng cũng chừng vài chục, vài trăm… Thử tưởng tượng 1 người có 3 cái thẻ credit card và 3 món đồ trả góp, cộng thêm tiền nhà, tiền xe, tiền bảo hiểm, các loại bill, vv… Không khéo tính, thì có khi tiền lương lãnh ra còn không đủ trả hết những món này, nói gì tới đi chợ, đổ xăng… Vậy mà nhiều người Mỹ sống theo kiểu đó lắm… Bởi vậy mới có cảnh chưa tới ngày lương phải đi vay, cảnh xách cả chục cái thẻ theo mà không xài được cái nào… Bởi vậy, thất nghiệp 1 cái, là mất nhà, mất xe, có khi mất hết …

Có thể nói, trong cuộc sống ở Mỹ, credit card và mua hàng trả góp là những con dao hai lưỡi. Nếu bạn hiểu rõ cách thức sử dụng nó, hiểu rõ khả năng tài chính của mình, và kiểm soát được thói quen tiêu xài của bản thân, của gia đình… thì credit card & mua hàng trả góp sẽ là công cụ đắc lực giúp bạn có được cuộc sống tiện nghi, thoải mái mà đầu óc vẫn thanh thản, nhẹ nhàng. Bằng không, bạn sẽ trở thành “nạn nhân” của chính 2 công cụ đó.

Tiếc là, một số không ít người VN lại nằm trong nhóm “nạn nhân” này: cũng nhắm mắt cà thẻ, cũng tha hồ trả góp rồi … mặc sức đóng tiền lời … và số dư nợ luôn nằm đâu đó ở mức 5 chữ số… Đã vậy thì có gì khó hiểu đâu, khi họ có nhà cửa, xe cộ, có công ăn việc làm đó, nhưng nhiều khi hỏi mượn vài trăm … họ cũng chẳng có dư! Gánh vác cho cả một đại gia đình gồm luôn cha mẹ, anh chị em từ VN mới qua ư? Quả là quá sức… Nào phải họ ghét bỏ gì gia đình mình cho cam …

Vậy đó, những chuyện như vầy, chưa qua Mỹ, làm sao bạn hình dung được? Thậm chí ngồi ở VN mà chỉ nghe ai đó kể bâng quơ, cũng chưa chắc bạn đã tin. Bởi nhiều vị “Việt Kiều” hợm hĩnh mỗi khi về VN thường hay kể những điều tốt đẹp ở “thiên đường” mà quên (hay không dám nói) những đắng cay, vất vả, những mặt trái xù xì mà chính mình, hay nhiều đồng hương khác đã, đang và còn sẽ trải qua..

Kể lại và phân tích những điều vặt vãnh xung quanh những câu chuyện nhỏ này, người viết không có ý định kêu gọi người sắp đi Mỹ thôi đừng đi nữa… Cũng không dám khen chê người nào tốt, người nào xấu, chuyện nào đúng, chuyện nào sai … Chỉ mong phác họa vài nét lớn để bạn hình dung được những khó khăn, thử thách mà mình có thể sẽ phải đương đầu. Chỉ để giải thích vì sao người viết cứ nhấn mạnh rằng người sắp đi Mỹ định cư, cần nhất là chuẩn bị tinh thần. Tinh thần càng vững càng tốt! Chứ bạn nghĩ mà coi, đã sống ở VN chừng ấy năm trời, đã hồ hởi phấn khởi thế nào khi cầm được cái visa đi Mỹ, qua đây lại đụng những thực tế này … nếu không chuẩn bị trước tinh thần … làm sao chịu nổi?

Nói “chuẩn bị tinh thần” nghe có vẻ mơ hồ và giống … khẩu hiệu , chứ theo người viết, thì nếu bạn sắp lên đường đi Mỹ định cư thì bạn cứ tự nhủ với mình một trong những điều sau (hoặc nều cần thì vài điều ...):

- Suy nghĩ thực tế, không viễn vông: Đây chỉ là 1 cuộc dọn nhà quy mô lớn mà thôi. Nơi mình sắp đến cách xa nhà cũ đến nửa vòng trái đất, với văn hóa, ngôn ngữ, xã hội, con người … cái gì cũng xa lạ. Nhưng đó không phải đương – nhiên – là – thiên – đường. Cuộc sống ở căn nhà mới này sẽ tốt hơn, hay xấu đi, là tùy thuộc ở chính mình.

- Tinh thần tự lực: Rất có thể người thân của mình (cha mẹ, anh chị em, chồng / vợ, vv..) cũng đã quen sống theo kiểu Mỹ, nghĩ như người Mỹ rồi. Rất có thể họ sẽ cư xử giống ai đó trong trường hợp nào đó như trên, hoặc thậm chí còn lạ lùng hơn… Điều đó cũng không hẳn là vì họ đã trở thành tồi tệ, họ ích kỷ với mình. Đơn giản, đó chỉ là quan niệm sống của họ. Hoặc, đó chỉ là vì điều kiện tài chính của họ không cho phép mà thôi. Tốt hơn hết là đừng trông mong rằng họ sẽ giúp mình cái này, sẽ cho mình cái kia vv… Nghĩ trước được như vậy, qua đây, nếu họ thật sự giúp mình được chuyện này chuyện kia, tự nhiên bạn sẽ thấy trân trọng lắm, dù đó chỉ là 1 điều gì rất nhỏ. Cảm giác này sẽ dễ chịu lắm. (Chứ kỳ vọng nhiều quá, mà qua đây hổng có gì hết … sẽ giận hờn, oán trách … thất vọng và nặng lòng lắm, phải không bạn?)

- Chịu thương chịu khó: Bắt đầu lại từ đầu, bao giờ cũng là một chuỗi những khó khăn, thử thách. Càng khó khăn hơn gấp nhiều lần khi mình ở 1 đất nước khác, 1 xã hội khác, giữa những con người nói ngôn ngữ cũng khác mình. Muốn tồn tại, bắt buộc mình phải cố gắng gấp đôi người ta, mà muốn thành công, càng phải gấp nhiều lần hơn …

- Quyết tâm sắt đá: Cho dù dự định học nghề, hay học chữ, thì mình cũng phải dựa vào khả năng của mình mà quyết định. Đừng vì "gia đình kỳ vọng" mà đăng ký học y dược cho oai, khi biết chắc sức học mình không kham nổi. Đừng vì thấy "người ta học kế toán" thì mình cũng học kế toán, trong khi mình không thể chịu nổi chuyện ngồi suốt ngày với 1 rừng số là số. Để rồi học được vài mùa, phải đổi major. Hoặc tệ hơn, là bỏ cuộc giữa chừng. Cũng đừng vì "gia đình ai cũng làm nghề này, có tiền mau" mà quyết định học nghề làm nail, làm tóc, khi biết chắc mình không có khiếu ... Và một khi đã chọn 1 nghề, 1 ngành học nào, thì hãy bền lòng mà đi theo hướng đi mình đã chọn. Đừng vì cái này khó quá, cái kia cực quá, hay vì người này nói vô, người kia nói ra mà đổi ý giữa chừng…

**** Nói với các bạn gái chuẩn bị đi Mỹ theo diện vợ chồng (Nhiều khả năng là bạn rời bỏ hết gia đình mình ở VN, khăn gói theo chồng. Nghĩa là ngoài chồng và gia đình chồng ra, bạn sẽ hoàn toàn “bơ vơ nơi xứ lạ quê người”):

- 90% là sẽ vất vả hơn ở VN nhiều! Trừ khi bạn lấy được ông chồng giàu sụ, chủ doanh nghiệp lớn (thiệt lớn nhe, chứ chủ tiệm này nọ cũng không ăn thua đâu), bạn có thể hy vọng thuê được người giúp việc. Bằng không, bạn sẽ là người phải quán xuyến tất cả (Vì ở đây, đa số người ta ở riêng). Một số ông chồng người Việt cũng biết đỡ đần cho vợ, một số thì không. Bạn nên tìm cách nào đó để thuyết phục chồng chia sẻ việc nhà với mình. Đừng ôm đồm tất cả. Vì sau này, khi có con cái, khi bạn đi làm, nếu mình bạn lo hết mọi việc nội trợ nữa thì không xuể. Ráng tập nấu ăn trước nữa nhe bạn!

- Những người theo chồng qua Mỹ có thể chia thành 2 nhóm: nhóm có chồng không nhiều tiền và nhóm có chồng khá vững về tài chính.

o Nếu bạn rơi vào nhóm đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ phải lo đi làm để cả hai vợ chồng cùng gánh vác gia đình. Cực lắm! Nhất là khi có con nhỏ, bạn vẫn phải đi làm, nhưng cũng phải lo chăm sóc con cái, nội trợ vv… Nhưng nếu vợ chồng yêu thương nhau, đồng tâm hiệp lực gầy dựng gia đình thì rồi bạn sẽ vượt qua được hết. Chỉ cần bạn chịu khó làm lụng, và vững tinh thần thôi.

o Còn nếu bạn may mắn hơn 1 chút, rơi vào nhóm thứ hai thì trước hết là chúc mừng bạn. Có thể mình ông xã đi làm cũng đủ lo chi phí trong gia đình. Khi bạn bầu bì, sinh bé, và nuôi con nhỏ, có thể chồng sẽ nói bạn ở nhà lo chăm con và nội trợ thôi. Được vậy thì tốt cho cả mẹ và con. Có điều, khi con đã lớn, đã đi học, bạn cũng không nên tiếp tục ở nhà nội trợ như thế. Vì thật ra, áp lực phải đi làm để gánh vác gia đình rất nặng nề. Nếu bạn không đi làm, nghĩa là chồng bạn phải gánh hết: đi làm để có lương trả bill, có tiền đi chợ, có bảo hiểm cho vợ con vv… Chồng mà thất nghiệp là cả gia đình khốn đốn. Sống với cái áp lực đó suốt đời, cũng tội nghiệp cho chồng, bạn nhỉ! Chưa kể có thể có tai nạn bất ngờ, dẫn tới tàn tật, hoặc tử vong. Hoặc thậm chí, ngay cả việc vợ chồng ly dị cũng có thể xảy ra … Khi đó, bạn sẽ thành người trụ cột cho cả gia đình, hoặc ít nhứt (nếu ly dị), thì cũng là trụ cột cho các con… Mà ở nhà suốt từ đầu tới cuối, tới hồi có chuyện, không nghề nghiệp, không vốn liếng, không cả ngôn ngữ giao tiếp … bạn sẽ làm sao đây??? Chi bằng, trong thời gian con còn nhỏ, bạn ở nhà nội trợ, chăm sóc con, bạn tranh thủ học càng nhiều càng tốt. Học chữ được thì hay quá! Ráng sao đến khi con vô trường học thì mẹ lấy được cái bằng tốt nghiệp, rồi ra đi kiếm việc làm… Mà không học chữ được thì học nghề. Nghề gì cũng tốt, miễn phù hợp với sức khỏe, khả năng, sở thích của mình… Và quan trọng hơn nữa là vẫn phải học thêm Anh văn, để có thể tự tin giao tiếp với người bản xứ… Làm được như vậy, nếu có gì xảy ra, bạn cũng có thể đỡ khốn đốn hơn. Mà nếu chẳng có gì bất trắc xảy ra, thì hành trang chuẩn bị sẵn trong thời gian ở nhà nuôi con cũng hữu ích lắm, phải không bạn?

Thật ra, nhiều người qua Mỹ cũng không phải đối mặt, đương đầu gì với khó khăn. Có thể bản thân họ có sẵn nhiều vốn liếng từ VN đem qua để có thể xoay sở tốt. Có thể thân nhân của họ ở Mỹ cũng đã quá vững vàng về kinh tế, và vẫn còn giữ nguyên tinh thần VN đến mức sẵn lòng bảo bọc họ trong thời gian đầu … Được vậy thì tốt quá. Và những người này chắc sẽ cười khì, hoặc cũng có thể bĩu môi khi đọc cái entry dài thậm thượt này … Nhưng người viết bài này thì tin rằng, có nhiều người khác, vừa đến Mỹ được vài tháng, vài năm …, đã trải qua 1 tình huống nào đó bên trên … sẽ hiểu …

Vậy thì bạn ơi, nếu bạn sắp sửa lên đường đi Mỹ định cư, người viết xin tặng bạn loạt bài này. Coi như đọc để hình dung trước vậy thôi. Nếu bạn may mắn, không phải gặp hoàn cảnh nào khó khăn, không phải chịu tình huống nào hụt hẫng … thì hãy coi loạt bài này như 1 bài tham khảo, rồi quên, bạn nhé!

Còn nếu bạn có lỡ phải rơi vào 1 trường hợp nào đó mà người viết đã kể, hoặc trường hợp lạ lùng hơn, bi kịch hơn … thì người viết mong rằng, với những gì đã đọc trong loạt bài này… bạn sẽ đủ bình tĩnh đón nhận vấn đề, đủ sáng suốt tìm ra giải pháp, và đủ ý chí để đi đến cùng con đường mình đã chọn… Bởi bạn đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho tất cả những thử thách này, phải không bạn?

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nhất định bạn sẽ thắng, bạn nhé!

Chúc một ngày vui…

Trích internet
 

baoxda7ou

Thành viên mới
#2
Cảm xúc lẫn lộn khi đọc xong bài này, vừa vui lại vừa lo. Công việc nay tuy đã ổn định tại Việt Nam nhưng vẫn có mong muốn đi Mỹ (đang diện F2B). Cám ơn bài viết rất nhiều vì đã cho em thấy rõ nét hơn về xứ ''thiên đường'' mà bao lâu nay em vẫn hằng mong ước, đọc xong mới thấy thấm thía lời dạy của cha mẹ khi đang định cư ở Mỹ là phải biết sống tiết kiệm, phải biết tự nấu ăn và nhất là phải biết trân trọng thời gian ở Việt Nam để học và rèn luyện bản thân.
Cảm ơn chủ thớt nhiều nha, mong anh có thêm nhiều bài viết hay để cho chúng em được hiểu và cố gắng hơn nữa.