Định cư Mỹ - kỳ 1 Có thật sự đổi đời

quachminhnhat

Thành viên tích cực
#1
Hôm nay, em đọc được 1 loạt bài về Định cư mỹ. thấy rất hay. Em xin chia sẻ cùng anh em XNC để có những chuẩn bị tốt hơn về cả tinh thần và kỹ năng để đón nhận cuộc sống mới nhé.

Đi Mỹ định cư - có thật sự đổi đời?

** Có vài người bà con của tui đang chuẩn bị phỏng vấn đi Mỹ. Bản thân tui cũng đang làm hồ sơ bảo lãnh anh chị tui… Mới đây, bạn zZ cũng hỏi bâng quơ là đi Mỹ cần chuẩn bị gì để bạn sửa soạn đón vợ con… Nghĩ tới nghĩ lui, tui mạn phép viết loạt bài này. Xin nói trước là tui chỉ dựa trên quan sát, nhận xét và kinh nghiệm của riêng tui thôi. Thế nào cũng có nhiều sơ sót. Ai thấy có gì hổng phải, vui lòng chỉ giáo dùm (chớ đừng chửi tui, tội nghiệp)… Xin lỗi, và cám ơn trước hen!
Nói tới "đổi đời", người ta hay nghĩ tới ý nghĩa tích cực, rằng cuộc đời đã được thay đổi theo hướng tốt hơn, sáng sủa hơn. Và cũng thật tự nhiên, rất nhiều người cũng mặc nhiên gắn từ “đổi đời” này với việc “đi Mỹ định cư”. Thật vậy không? Khách quan mà nói, thì chắc chắn, không nhiều thì ít, cuộc sống người nào từ Việt Nam qua Mỹ định cư cũng thay đổi. (Mà hình như nhiều chứ không thể ít). Chỉ có điều, sự thay đổi đó là tốt đẹp hơn, sáng sủa ra, hay cơ cực đi, tăm tối lại … thì cũng tùy từng người, từng gia đình, từng hoàn cảnh. Và chỉ có bản thân người trong cuộc mới thật sự hiểu đời mình đã thay đổi ra sao mà thôi.
Thập niên 80-90, người đi Mỹ đa phần là vượt biên, rồi ODP, rồi HO (còn được gọi là thuyền nhân, là người tị nạn chính trị). Với những người đã phải “tháo chạy” chế độ Cộng sản ở VN thì đương nhiên, cuộc sống mới ở đất Hoa Kỳ (hoặc 1 nước thứ ba khác) gần như là chọn lựa duy nhất, tốt đẹp nhất. Họ được thoát khỏi “gông xiềng” vô hình của chế độ, được hít thở bầu không khí tự do, được sống trong đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của con người. Dầu rằng ai trong số họ cũng đều đã từng phải trải qua những tháng ngày đầu tiên vô cùng nhọc nhằn, gian khó để sống nơi xứ lạ quê người, nhưng hầu như tất cả những người VN di dân thời kỳ đó đều đã đạt được American dream của mình.
Khi những thuyền nhân, những người tị nạn chính trị đó đã ổn định cuộc sống trên xứ người, họ lại lần hồi bảo lãnh thân nhân ở VN sang đoàn tụ gia đình. Nhiều người quay về VN cưới vợ, lấy chồng, rồi cũng đón vợ, chồng, con cái qua theo. Phải công nhận, nhiều gia đình đoàn tụ vui vẻ, hạnh phúc. Cuộc sống thật sự sang trang theo đúng ý nghĩa tốt đẹp của nó. Nhưng với nhiều gia đình thì xung đột, bi kịch cũng từ chuyện “đoàn tụ” này mà ra…Người viết bài này không dám nói là tất cả… nhưng quả tình là có những câu chuyện cười ra nước mắt…

• Gia đình tan nát

Hồi anh chị 7 còn ở VN thì anh là họa viên kiến trúc, chị ở nhà nội trợ nuôi con. Họ có 2 đứa con (1 trai 1 gái) xinh xắn, ngoan ngoãn. Anh chị ở sát vách nhà với mẹ ruột của anh. Đại gia đình anh sống quây quần gần nhau, đầm ấm, thuận hòa. Chị cũng được gia đình chồng quý mến. Ba mẹ ruột chị bảo lãnh vợ chồng anh chị qua Mỹ. Qua tới nơi, anh quyết tâm đi học để theo nghề họa viên kiến trúc. Chị thì bắt tay vô nghề nail. Chị muốn anh cũng lo làm nail cho lẹ, và có nhiều tiền như chị… Anh vẫn kiên quyết học. Vợ chồng mâu thuẫn. Ỷ có tiền, chị lên giọng với chồng. Chị dạy con gọi 911 khi ba nó rầy la lớn tiếng. Chị cặp bồ ngay trước mặt con. Thằng con trai của anh chị mới vô tới lớp 10 đã trốn học liên miên. Anh bị ra tòa mấy lần về tội con bỏ học… Cuối cùng, họ ly dị… Thằng con trai về VN cưới vợ, có con ở tuổi 20, giờ đang lo đi làm để bảo lãnh vợ con. Đứa con gái ở với mẹ, mà cứ trốn về kiếm ba. Giấc mơ Mỹ đâu chưa thấy, chỉ thấy gia đình họ nát tan.

• Anh em sứt mẻ

Người anh vượt biên qua Mỹ từ đầu thập niên 80. Ở VN, người em rể là thợ sửa đồng hồ lành nghề, làm ăn rất khấm khá ở CD, cô em gái thì chỉ việc ở nhà lo cơm nước cho chồng và 3 đứa con trai. Vợ chồng người em gái thì thuộc diện HO, có anh bảo trợ, nên khi qua Mỹ là về cùng tiểu bang với anh. Mới qua, họ ở chung nhà. Không biết vì người chị dâu không thích có người lạ trong nhà hay vì lý do gì, mà được 2 tháng là anh đuổi em đi. Một buổi chiều mùa đông lạnh cắt da, vợ chồng người em đi làm về đã thấy anh để sẵn vali của mình ngay trước cửa. Anh chở gia đình em tới 1 cái apartment đã mướn sẵn, rồi để cả nhà ở lại đó, quay đi. Vợ chồng con cái họ phải tự xoay sở cho qua mùa đông đầu tiên nơi xứ người (trong khi cả nhà đều hổng rành tiếng Mỹ)… Gần chục năm rồi, cuộc sống giờ cũng ổn định rồi, mà người em gái vẫn còn hận ông anh ngút trời!

• Cha con oán trách:

Anh vượt biên đi Mỹ từ hồi chưa 20 tuổi. Một thân 1 mình bươn chải xứ người. Rồi anh bảo lãnh cha mình qua. Lúc đó ông cũng chưa phải già cả gì. Chừng đầu 50 thì phải. Ở Mỹ này thì tuổi đó còn dư sức đi làm. Nhưng ông không thích làm. Ông nói không muốn đi làm công cho ai. Thì thôi, anh cũng có thể nuôi được cha mình. Nhưng ông muốn anh phải lo đưa ông đi đây đó chơi cho vui tuổi già, phải sắm sửa nọ kia cho ông lấy le vv… Anh chỉ là 1 dược tá trong bệnh viện, anh còn phải đi làm, phải nuôi sống bản thân, và nuôi ông nữa chứ! Anh không chìu ông nổi! Ông giận hờn, và cuối cùng là đùng đùng bỏ về VN sống …

• Tương lai mờ mịt:

Ở SG, chị làm việc trong 1 công ty nước ngoài. Chẳng phải quý tộc gì, nhưng lương tháng cũng tính bằng USD, mua sắm cũng có thể chọn hàng cao cấp, giải trí cũng tha hồ tùy thích. Rồi chị lấy chồng Việt kiều. Chồng chị hứa qua Mỹ sẽ cho chị đi học rồi tìm việc làm thích hợp. Qua tới nơi, chưa kịp học gì thì chị cấn thai. Sinh con ra, ở nhà giữ con, rồi giữ cả cháu chồng. Anh cũng lớn tuổi rồi, phải lật đật sanh luôn 2 đứa… Thế là học cũng không, mà đi làm cũng chẳng… Tới giờ, chị vẫn loay hoay ở nhà nuôi con, giữ cháu. Ừ, gì thì cũng có chồng lo, sướng chớ! Nhưng, nói dại, lỡ anh có mệnh hệ gì, chị và 2 nhóc sống làm sao? Chừng đó mới loay hoay lo kiếm việc làm, chẳng phải mờ mịt lắm sao?
Kể những mẩu chuyện trên ra đây, người viết bài này chẳng có ý phê phán hay phiền trách gì bất cứ ai trong từng chuyện. Cũng chẳng có ý định lấy đó làm mẫu số chung cho tất cả những trường hợp đoàn tụ gia đình của người VN trên khắp nước Mỹ. Bởi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Và chuyện gì thì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó, mà người ngoài không tài nào hiểu cho được tới chân tơ kẽ tóc. Có chăng, chỉ mạn phép nhận xét chung chung, rằng chuyện xảy ra như vậy, có lẽ phần nhiều là vì những gia đình đó, những người đó, trước khi đặt chân lên đất Mỹ, đã chưa thật sự chuẩn bị đầy đủ “hành trang” để hòa nhập vô cuộc sống mới, ở một nơi hoàn toàn mới.
Nói “hành trang” thì nghe to tát, chứ thật ra, theo thiển ý của riêng người viết bài này, thì cái cần chuẩn bị, tuy rất quan trọng, nhưng cũng chẳng phải là ngoài khả năng ai cả! Đã quyết định xây cuộc sống mới trên xứ người thì ít nhất cũng cần xác định mình sẽ làm gì để sống, và cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần đương đầu với bất kỳ thứ khó khăn gì có thể xảy ra…
Tiếc là không phải ai cũng chuẩn bị được 2 món cơ bản đó cho hành trang của mình… Để rồi cuộc sống mới nơi xứ người lại hóa ra bi kịch …Bởi vậy, ai có ý định sẽ qua Mỹ định cư thì cần lắm một sự chuẩn bị chu đáo, mới mong “giấc mơ Mỹ” có cơ hội trở thành sự thật…

Trích blog