Ký Ức

#1
Ký Ức


Tỉnh giấc nửa đêm vì tiếng chuông điện thoại, tôi không khỏi khó chịu bởi sự quấy rầy không đúng lúc của ai đó. Hóa ra là bố tôi, ông cụ sống tại trại dưỡng lão ở Nam Georgia. Giọng ông nài nỉ khẩn khoản: “Có việc gấp bố muốn nhờ con. Ngày mai con xuống Miami làm giúp bố việc này nhé!”. Rồi ông dặn tôi kỹ lưỡng những việc phải làm, trước khi gác máy ông còn cẩn thận nói thêm: “Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, con tranh thủ đi liền nhé. Nhớ viết cho thật tình tứ, nét chữ khỏe, thẳng và hơi tròn”.

Sáng hôm sau, tôi gọi điện đến công ty xin nghỉ rồi vội vã lái xe vượt hơn trăm dặm để thực thi cái việc mà bản thân tôi cũng chỉ hiểu mù mờ. Nhưng tôi tin bố, mọi việc ông làm đều trong sáng, thiết thực và có ý nghĩa. Một tháng sau lên thăm bố, tôi mới được ông kể tường tận về câu chuyện.

Ở trại dưỡng lão nơi bố tôi đang sống có bà cụ Maria nhiều năm liền không có người thân thăm viếng. Gần đây cụ lú lẫn và yếu lắm, ngày lên thiên đàng chắc cũng không còn xa... Trong những ngày cuối đời này, ký ức tươi đẹp thuở xa xưa bỗng tìm về và sống lại trong trí óc nửa tỉnh nửa mê của cụ. Cụ hay lôi ra một xấp thư và những tấm thiệp đã ố vàng theo năm tháng khoe với mọi người: “Của Paul gửi đấy, anh ấy tình cảm và chu đáo lắm!”. Cụ hỏi ngày tháng rồi lẩm bẩm một mình: “Sắp đến Lễ Valentine rồi sao chưa thấy gì nhỉ, thường thì Paul vẫn hay gửi thiệp cho mình trước lễ khoảng hai ba ngày mà!”

Sáng ngày Lễ Tình Yêu, sau bữa điểm tâm, các cụ tụ tập đông đủ tại phòng sinh hoạt chung của trại. Một nhân viên bưu điện xuất hiện với bó hoa đỏ thắm trên tay, anh đưa mắt nhìn khắp các cụ rồi hỏi lớn: “Ai là cụ Maria, xin mời nhận hoa và thiệp!”. Bà cụ hồ hởi hẳn lên, gương mặt bừng sáng, rướn người trên xe lăn ôm bó hoa vào lòng, rồi run run cầm tấm thiệp lật qua lật lại. Cụ xúc động cất giọng thều thào: “Ðúng là dấu bưu cục Miami. Tôi đã bảo mà, tôi đã bảo mà, anh Paul chẳng bao giờ quên đâu!”. Cụ nhờ cô điều dưỡng đọc lớn nội dung cánh thiệp như thể muốn mọi người cùng chia sẻ với mình: “Maria của anh! Nhân Ngày Lễ Tình Yêu, anh gửi tới em niềm thương nhớ vô bờ. Trong lòng anh, em mãi mãi là người yêu thủy chung và xinh đẹp nhất trên đời!”​

Tối hôm ấy cụ Maria trút hơi thở cuối cùng. Những người kề cận lúc cụ lâm chung nói rằng cụ ra đi rất thanh thản, trên khuôn mặt nhăn nheo còn vương vất một nụ cười mãn nguyện, tay vẫn ôm ghì lấy tấm thiệp và bó hoa tươi.

Người ta tìm thấy trong mớ giấy tờ của cụ một mảnh báo cũ từ năm mươi năm trước, viết về một con tàu đánh cá mất tích ngoài khơi Florida giữa cơn giông bão. Trong số sáu người vĩnh viễn không trở về có một chàng trai mang tên Paul!

(KT - Cuộc Sống Diệu Kỳ)​
 

DucTran

Thành viên mới
#2
Ðề: Ăn mày ... MBA

ĂN MÀY CŨNG CẦN CÓ TRI THỨC !!!




Học MBA để làm gì ? (MBA : Married But Available! … :6:!!!)



“Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Gucci ra khỏi Tràng Tiền Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn.

Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sấn tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học MBA ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.
- Xin anh… cho tôi ít tiền đi! - Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
Ăn mày rất thích kể lể.
- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Gucci ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…
- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! - Tôi ngạc nhiên.
- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. - Ông ta bắt đầu mở máy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…
- …???
- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.
Ông ta lấy giọng nói tiếp:


- Ở khu Tràng Tiền Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? - Tôi căn vặn.
- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.
- Hả? Nhiều vậy sao?
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.
Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
- Ông nói tiếp đi! - Tôi hào hứng.
- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.

- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.
- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: “Hồng ơi, anh yêu em”, gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.
Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
Quá chuẩn!
- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
- Ối ông cũng có vợ con?
- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng Vietinbank mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.

Tôi buột miệng:
- Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không? ...

Góp nhặt từ bạn bè tôi. Tác giả KHIẾT BÔNG.
 

DucTran

Thành viên mới
#3
Công Hàm Đàn Ông !!!

Công hàm đàn ông


(Giấy chứng nhận là đàn ông)

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng là dân đi làm thuê, cộc lốc hạch sách:
· Vé tàu!
Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.
Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:
- Đây là vé trẻ em.
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bằng mặt, nhỏ nhẹ đáp:
-Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?
Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:
-Anh là người tàn tật?
-Vâng, tôi là người tàn tật.
-Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:
-Tôi... không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em
Cô soát vé cười gằn:
-Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên - Anh chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn, bảo:
- Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ ‘Giấy chứng nhận tàn tật’, có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật!
Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích:
- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra tai nạn ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định...
Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.
Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật ...
Trưởng tàu cũng hỏi:
- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?
Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.
Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:
- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.
Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:
- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.
Trưởng tàu nói kiên quyết:
- Không được.
Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:
- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.
Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý:
- Cũng được.

Một người lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:
- Anh có phải đàn ông không?
Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:
- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?
- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?
- Đương nhiên tôi là đàn ông!
- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?
Mọi người chung quanh cười rộ lên.
Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:
· Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?
Người lão thành lắc lắc đầu, nói:
· Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.
Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.
Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với người lão thành:
· Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.
Người lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng:
· Cô hoàn toàn không phải người!
Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:
· Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?
Người lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:
· Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận “ người ”của cô ra xem nào...
Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.
Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn trân trân vào hư vô, mắt đẫm lệ,
Không rõ vì tủi thân, xúc động, hay thù hận ./.
Trich tu Web PhanchauTrinhdanang