KÝ VÀO ĐƠN I--864 Bảo Trợ Tài Chánh, có đồng nghĩa với việc "mang nợ" vào thân hay không ???

vuthangsi

Ban điều hành
#1
Những Cam Kết Bảo Trợ Tài Chánh Và Những Chờ Đợi Thực Tế


Nếu qúy vị ký đơn I-864 Bảo Trợ Tài Chánh, liệu vấn đề "bảo lãnh" có đồng nghĩa với việc "mang nợ" vào thân không?

Câu trả lời là KHÔNG .


Bảo lãnh một người KHÔNG giống như bảo đảm một món nợ và bất cứ loại nợ nào của người di dân (tức người được bảo lãnh) và không là trách nhiệm của người bảo lãnh. Những món nợ thẻ tín dụng, nợ cờ bạc và bất cứ món nợ nào hoặc những cam kết tài chánh mà người được bảo lãnh gây ra là trách nhiệm của chính người được bảo lãnh, chứ không của người bảo lãnh.

Người bảo lãnh ký tên trên đơn I-864 Bảo Trợ Tài Chánh sẽ có những trách nhiệm nào? Nói ngắn gọn, chính phủ có thể yêu cầu người bảo lãnh hoàn lại những món tiền liên quan đến các chương trình lợi ích công cộng đã được thẩm tra trước khi trợ cấp, và không dành cho những di dân được bảo lãnh, chẳng hạn như:

- Phiếu thực phẩm (food stams)
- Trợ cấp An Sinh Xã Hội (SSI)
- Trợ cấp y tế (Medicaid)
- Trợ Giúp Tạm Thời Cho Những Gia Đình Cần Thiết (Temporary Assistance for Needy Families)
- Chương Trình Bảo Hiểm Sức Khỏe Trẻ Em Trong Tiểu Bang (State Child Health Insurance Program).

Nếu người di dân được bảo lãnh sử dụng những lợi ích công cộng của liên bang, người bảo lãnh phải hoàn lại những phí tổn này. Nhưng trên thực tế, trong suốt 25 năm qua, chúng tôi chưa hề nghe thấy có một trường hợp nào mà chính phủ yêu cầu hoàn lại tiền cho những trợ giúp xã hội kể trên.

Những chương trình trợ giúp nào cho phép người di dân được nhận dù được Bảo Trợ Tài Chánh?

Đó là:

- Trợ giúp Y Tế Khẩn Cấp
- Chương trình ăn trưa miễn phí trong trường học
- Chích ngừa và điều trị những bệnh truyền nhiễm
- Trợ giúp sinh viên cấp đại học hoặc cao hơn
- Một số loại trợ giúp chăm sóc hoặc trợ giúp xin con nuôi
- Các chương trình huấn nghệ
- Chương trình giáo dục mầm non (Head Start)
- Sự trợ giúp khẩn cấp không có tiền mặt và ngắn hạn.



Sự cam kết chủ yếu của người bảo lãnh là duy trì sự giúp đỡ người được bảo lãnh ở mức 125% trên quy định tối thiểu về mức độ nghèo đói của liên bang. Ngoại trừ một số trường hợp ly dị, chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy một người được bảo lãnh thưa kiện người bảo lãnh vì đã không giúp đỡ họ trên mức 125%.

Khi nào người bảo lãnh không còn những cam kết của đơn I-864 Bảo Trợ Tài Chánh?

Trách nhiệm của người bảo lãnh kéo dài cho đến khi người được bảo lãnh trở thành công dân Hoa Kỳ, hoặc đã làm việc đủ 40 qúy có đóng tiền an sinh xã hội (tức khoảng 10 năm làm việc), hoặc qua đời, hoặc rời khỏi Hoa Kỳ vĩnh viễn.

Ly dị không chấm dứt những cam kết của người bảo lãnh theo đơn I-864. Nhưng, nếu người bảo lãnh đang trả tiền cấp dưỡng con cái ít nhất 125% theo mức tối thiểu, thì người này không phải trả thêm những trợ giúp khác. Nếu không có cấp dưỡng con cái, nhưng người phối ngẫu cũ đang đi làm và có lợi tức 125% theo mức tối thiểu thì người bảo lãnh không phải trả thêm nữa. Nếu người phối ngẫu cũ có mức lương ít hơn 125%, người bảo lãnh sẽ chỉ trả số tiền sai biệt.

Chúng tôi chỉ nghe nói đến người được bảo lãnh đã thưa kiện người bảo lãnh trong một vài trường hợp ly dị. Dĩ nhiên, đôi khi người được bảo lãnh chưa bao giờ có ý định kéo dài mối liên hệ hôn nhân, nhưng phải làm như vậy để lợi dụng người bảo lãnh nhằm đạt được quy chế di dân hợp pháp. Nếu người bảo lãnh có thể chứng minh rằng người được bảo lãnh lừa dối mình, việc này có thể bảo đảm hoàn toàn những trách nhiệm pháp lý trong tương lai và cũng có thể được quyền xin hủy hôn (thay vì ly dị).

Ký tên trên đơn I-864 là một vấn đề nghiêm chỉnh và nên thực hiện khi hoàn toàn tín nhiệm người được bảo lãnh. Dù là một cuộc hôn nhân giả tạo chấm dứt bằng ly dị, nhưng người bảo lãnh vẫn còn trách nhiệm theo những đòi hỏi của đơn I-864. Nếu người bảo lãnh nói rằng không chịu trách nhiệm về tài chính vì đã biết rằng đó là một cuộc hôn nhân giả tạo thì người này sẽ có khả năng bị phạt nặng hoặc bị tù.

Một số người hành nghề di trú đề nghị rằng những người được bảo lãnh nên ký một bản thỏa thuận sẽ không thưa kiện người bảo lãnh về việc bảo trợ tài chánh và sẽ hoàn trả tiền cho người bảo lãnh nếu họ nhận trợ cấp xã hội. Điều này cũng giống như bản thỏa thuận trước khi hai người nào đó kết hôn. Chúng tôi không nghĩ rằng điều này thích hợp và người được bảo lãnh sẽ không hoan nghênh vì việc làm này thể hiện sự thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng tốt nhất nên cho người được bảo lãnh biết những vấn đề tài chánh sẽ gặp sau khi đến Hoa Kỳ. Đến một quốc gia mới là một thách thức và sẽ giúp họ thông hiểu những loại cam kết nào mà người bảo lãnh sẽ thực hiện và sẽ không cần thực hiện.

Thí dụ, đã có một vài tin đồn cho rằng người bảo lãnh đã nhận được tiền của chính phủ Hoa Kỳ khi bảo lãnh. Một số người được bảo lãnh, khi bối rối và căng thẳng khi hội nhập cuộc sống mới, đã đòi hỏi người bảo lãnh trả cho họ số tiền mà người bảo lãnh đã nhận được từ chính phủ Hoa Kỳ, hoặc đòi người bảo lãnh phải trợ giúp họ mãi mãi. Ngay cả họ có thể tự động rời khỏi nhà của người bảo lãnh và nộp đơn xin trợ cấp xã hội.


Trải qua nhiều năm chờ thủ tục bảo lãnh, nhiều người có kỳ vọng rất cao. Người bảo lãnh lẫn người được bảo lãnh đều mệt mỏi những thủ tục di trú ở Hoa Kỳ và ở Việt Nam. Người được bảo lãnh khi đến nơi ở mới của họ, những va chạm về văn hóa, ngôn ngữ khó khăn, việc làm khó kiếm, đã làm cho một số người lại có ham muốn thà ở Việt Nam nhận tiền trợ giúp của người bảo lãnh hơn là sang Mỹ. Một số người được bảo lãnh đôi khi không nhận thấy những nỗ lực của người bảo lãnh đưa họ sang Hoa Kỳ và họ bất cần những góp ý của người bảo lãnh về phương cách hộp nhập thành công trong xã hội Hoa Kỳ.

May mắn thay, những việc xảy ra không tốt đẹp chỉ là con số nhỏ.

Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều người được bảo lãnh hội nhập tốt đẹp tại Hoa Kỳ và xây dựng đời sống rất thành công. Họ trân trọng những nỗ lực của người bảo lãnh.

Họ trân qúy đời sống tự do. Họ tự trọng khi vươn đến tương lai với chính sức lực và cái tâm sáng của họ.




BÀI VIẾT ĐƯỢC TRÍCH DẪN TỪ NGUỒN INTERNET .

Một bài viết khác có nội dung tương tự đã được ANH VHA08 viết trên diển đàn XUATNHAPCANH.

Hy vọng qua bài viết này NGƯỜI ĐƯỢC BẢO LẢNH TẠI VN có sự nhìn nhận thông cảm và luôn luôn trân trọng về những việc khó khăn , trăn trở của NGƯỜI BẢO LẢNH tại HOA KỲ , những việc đã và đang làm của NBL trong suốt quá trình thực hiện một hồ sơ di trú định cư .



 

vuthangsi

Ban điều hành
#2
Ðề: KÝ VÀO ĐƠN I--864 Bảo Trợ Tài Chánh, có đồng nghĩa với việc "mang nợ" vào thân hay không ???



Di Dân Việt Nam: Một Đời Sống Tốt Đẹp Hơn Ở Hoa Kỳ .

Đi Mỹ Hay Ở Lại Việt Nam?


Trong những bài viết cùng chủ đề vừa qua, chúng ta đã nói về những khó khăn và thách thức mà mỗi người di dân mới sẽ đối diện tại Hoa Kỳ. Học văn hóa mới, cố gắng học ngôn ngữ mới, và cần việc làm nhanh chóng là những đòi hỏi cần quan tâm một cách cẩn trọng trước khi người sắp di dân nộp đơn xin chiếu khán (visa) sang Hoa Kỳ.

Một số người bảo lãnh nói với người thân rằng có lẽ sẽ là điều tốt hơn nếu họ ở lại Việt Nam vì những khó khăn mà người di dân sẽ gặp sau khi đến Hoa Kỳ. Nhưng, khi người bảo lãnh về thăm Việt Nam, họ nhanh chóng than phiền về sự ô nhiễm, thời tiết nóng nực, lưu thông hỗn loạn, nhiều lúc cần phải trả tiền "trà nước" và thiếu nhiều thứ tự do mà họ đang thụ hưởng ở Hoa Kỳ. Sau khi thăm viếng Việt Nam, liệu có bao nhiêu người bảo lãnh muốn trở về sống ở Việt Nam? Không nhiều đâu!

Những người NBL Ở HOA KỲ đều biết rất rõ những khó khăn mà những người mới đến sẽ gặp ở Hoa Kỳ.

Người bảo lãnh cần dùng kinh nghiệm riêng của mình để quyết định nên dùng cách góp ý nào cần chia xẻ với thân nhân ở Việt Nam.

Thí dụ, nếu đang bảo lãnh cho gia đình anh-chị-em có gia đình, qúy vị có nghĩ rằng gia đình này sẽ có thể thích ứng êm đẹp trong xã hội Hoa Kỳ không?

Liệu con cái của họ có tha thiết đến Hoa Kỳ để tiếp tục học hành không, hoặc chúng sẽ bị gián đoạn việc học hành ở Việt Nam?

Liệu anh-chị-em của qúy vị có hiểu rằng qúy vị sẽ chỉ có vài tuần lễ giúp thân nhân ổn định và rồi qúy vị sẽ phải trở về với công việc của mình? Và họ sẽ phải tự lo bản thân mình!

Người bảo lãnh cũng phải quan tâm đến người phối ngẫu của mình. Liệu người phối ngẫu có 100% tán thành việc chào đón người di dân mới vào nhà mình không?

Liệu việc này sẽ làm cho hai vợ chồng phải cãi nhau?
Liệu người di dân có cảm thấy có tội khi ăn nhờ ở tạm nhà của người bảo lãnh, và liệu điều này có sẽ là áp lực để họ phải dọn ra khỏi nhà trước khi họ có thể sẵn sàng tự mưu sinh mà không cần sự giúp đỡ thường nhật của người bảo lãnh?

Qúy vị biết người thân của qúy vị, vì thế, vấn đề của qúy vị là khuyến khích họ hoặc làm họ nản chí, dựa trên những gì qúy vị biết về khả năng của họ có thể đáp ứng những điều kiện mới trong cuộc sống, và dựa vào thái độ chào đón của gia đình qúy vị đối với người di dân như những thành viên mới trong gia đình của qúy vị.

Lại có câu hỏi rằng vậy gia đình người thân của qúy vị có thực sự tồi tệ khi ở lại Việt Nam không? Lại nghe nói rằng Việt Nam ngày càng phát triển và tự do hơn cơ mà?




Chúng ta không thể nói về vấn đề này mà không nhắc đến các trẻ em. Chúng tôi được biết có một số cha mẹ thực sự không muốn di dân sang Mỹ, nhưng họ phải làm như vậy để con cái có thể học tại Hoa Kỳ. Ngay sau khi con cái hoàn tất việc học ở một trình độ nào đó, cha mẹ quay về sống ở Việt Nam. Nhưng một số người này chỉ có thể làm như vậy nếu họ còn có nhà và công việc làm ăn đang chờ họ quay về Việt Nam. Nhưng đối với nhiều phụ huynh khác, việc di dân sang Mỹ là việc di chuyển lâu dài và muốn hy sinh cá nhân mình vì tương lai của con, của cháu chắt sau này.

Những thế hệ di dân đầu tiên có cảm thấy đất nước mới là nhà của mình không? Nếu chúng ta nói đến thế hệ cha mẹ của người bảo lãnh thì câu trả lời có lẽ là "không". Cha mẹ sẽ luôn luôn cần trông cậy vào người bảo lãnh và ít khi ra khỏi nhà ngoại trừ cần thăm viếng những người di dân khác cùng tuổi tác với họ, hoặc đi chùa, nhà thờ, thánh thất, hoặc đi mua sắm với người bảo lãnh. Những di dân trẻ hơn có thể nói được tiếng Anh sẽ có cơ hội tốt hơn để hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ. Một số di dân trẻ hơn trong giai đoạn đầu chưa thông thạo Anh ngữ có thể cảm thấy lạc lõng đôi chút, nhưng họ sẽ quen dần trong tương lai.

Thế hệ thứ hai của người di dân dân gồm có những trẻ em sinh ở Hoa Kỳ hoặc đến Mỹ khi còn quá nhỏ nên rất dễ dàng thông thạo Anh ngữ. Việc hòa nhập vào xã hội với họ sẽ dễ dàng hơn nhưng thường cảm thấy vẫn còn bản chất Việt Nam hơn là trở thành một người Mỹ, vì ảnh hưởng thế hệ cha mẹ của họ. Những đứa con của họ (tức thế hệ di dân thứ ba) sẽ là nhưng người cảm thấy rất thoải mái khi sống ở Hoa Kỳ.

Nếu những người thân ở Việt Nam có tiền cho con cháu được học hành tốt đẹp, có tiền để trang trải những phí tổn chăm sóc sức khỏe thích hợp, có tiền để được sống trong một môi trường khỏe mạnh ở ngoại ô, thì có lẽ họ không nghĩ đến việc di dân. Nhưng đối với hầu hết những gia đình không có đủ khả năng thì việc di dân là con đường duy nhất để có được một đời sống tốt đẹp hơn cả về tinh thần lẫn vật chất.

Hai mươi năm trước, khi người ta di dân sang Mỹ, thân nhân tiễn đưa tại phi trường luôn luôn khóc. Họ có cảm tưởng sẽ không thể nhìn thấy người thân được nữa. Năm 2014, chúng ta có quá nhiều các phương tiện truyền thông điện tử như webcam, Skype, Tango, Viber…. Có rất nhiều phương tiện để liên lạc xuyên Thái Bình Dương.

Để tạm kết thúc loạt bài chủ đề đặc biệt này, chúng tôi xin trích dẫn một số cảm tưởng của một gia đình di dân sang Hoa Kỳ qua sự bảo lãnh diện chị em. Cảm tưởng được đăng trên một nhật báo điện tử ở Việt Nam, cũng là một sự kiện khá hiếm hoi: Người được bảo lãnh là một kỹ sư và vợ của anh là một dược sĩ. Cả hai vợ chồng được xem là rất thành công về mặt tài chánh ở Việt Nam. Nhưng cả hai đều không lưỡng lự bỏ lại tất cả để mang hai con sang Mỹ. Vừa qua đến Mỹ, hai vợ chồng sắn tay ngay vào những việc làm lao động tay chân và không hề than thở về sự mệt nhọc hàng ngày. Anh chị quên hẳn những ngày sống khá đầy đủ tiện nghi so với nhiều người dân khác khi còn ở Việt Nam. Anh nói gia tài duy nhất của vợ chồng anh là hai đứa con và việc giáo dục cho tương lai của chúng là quan trọng nhất. Thời gian trôi qua nhanh chóng, hai người con của anh đã tốt nghiệp đại học ở những trường nổi tiếng, và có việc làm được trả lương tương xứng. Giờ đây, khi tờ báo hỏi anh có hối tiếc khi rời khỏi Việt Nam không? Câu trả lời của anh rất nhanh và gọn: "Có gì để hối tiếc cơ chứ!".

TRÍCH DẪN TỪ INTERNET .