Nổ

#1
Ở Việt Nam trong vài năm gần đây xuất hiện một từ rất vui: nổ. Đi đâu cũng nghe người ta nói “nổ”, với hàm ý tiêu cực. Nhưng cái gì quá phổ biến cũng trở nên dễ bị lạm dụng, và nổ có là cũng không phải là một ngoại lệ. Theo tôi thấy, nổ nếu dùng không đúng cách có thể trở thành một cách hãm tài của người Việt.



Tôi không biết nổ có nghĩa là gì, nhưng chỉ mường tượng rằng nổ có ý nghĩa tiêu cực, xấu. Nổ hình như là hơn xạo một bậc. Theo Từ điển Tiếng Việt, xạo là “không đứng đắn, bậy bạ”. Nhưng Từ điển Tiếng Việt không có định nghĩa nổ theo cách hiểu “dân gian”. Nhưng theo tôi hiểu, nổ là từ dành cho những phát biểu mang tính khoe khoang quá đáng. Làm ít mà nói nhiều được xem là nổ. Mới học được vài điều sơ đẳng từ nước ngoài nhưng về nước hành xử cứ như là guru là nổ. Hứa hẹn điều trị những bệnh phức tạp bằng những liệu pháp vẫn còn trong vòng nghiên cứu là nổ. Vân vân. Cách dùng nổ như vừa mô tả rất phổ biến hiện nay, nhưng hiệu quả của nó chỉ làm cho người nghe mua vui được vài giây.

Nhưng khi nổ được dùng hay gán ghép không đúng có thể gây tác hại. Có lần trong một hội nghị chuyên môn, một đồng nghiệp có một phát biểu nhỏ đại khái như “đây là một trong những công trình lớn nhất ở Á châu”, và thế là đồng nghiệp trong hội trường nhìn nhau ngạc nhiên. Người ta cho rằng người trình bày nổ. Nhưng trong thực tế thì đúng như vị đó phát biểu: dựa vào y văn, công trình đó đúng là thuộc vào hàng lớn nhất ở Á châu. Tại sao người ta không có quyền nói công trình của mình là tốt nhất hay lớn nhất, nếu người ta có cơ sở khoa học, có lí do để tuyên bố như thế? Chúng ta đọc y văn vẫn thấy tác giả tự đưa ra những nhận xét kiểu như “đây là công trình đầu tiên”, “qui mô lớn nhất”, “phương pháp chuẩn nhất”, v.v… Đó chỉ là một cách quảng cáo cho nghiên cứu của mình. Cố nhiên, trước khi công bố thì các chuyên gia bình duyệt đã kiểm tra những tuyên bố kiểu đó; nếu không đúng thì chắc chắn bị đề nghị đục bỏ rồi. Theo tôi, những cách nói như thế không phải là nổ mà là tự tin.

Nói đến tự tin, tôi chợt nhớ đến một chuyến bay gần đây với hãng hàng không Virgin Atlantic. Trong lời giới thiệu của chuyến bay, tôi nghe một cách nói rất ấn tượng. Người tiếp viên trưởng giới thiệu về chuyến bay như sau: Tôi tên là Deborah, tiếp viên trưởng của chuyến bay DJ417. Tôi rất hân hạnh chào đón và vinh hạnh để phục vụ quí vị trong chuyến bay này. Chuyến bay sẽ được điều khiển bởi cơ trưởng Richard Smith, một cơ trưởng tài ba và kinh nghiệm đầy mình; phụ tá cho cơ trưởng là Peter Jones, một người với nhiều năm kinh nghiệm mà quí vị sẽ không tìm được người thứ 2 trên thế giới này. Đoàn tiếp viên của chúng tôi ai cũng xinh đẹp và sẵn sàng phục vụ quí vị. À, tôi quên nói rằng tôi cũng rất xinh đẹp. [tiếng cười của hành khách]. Chúng tôi sẽ làm hết mình để quí vị có một chuyến bay thoải mái và tiện nghi. Blah blah blah. Đối với người Việt chúng ta, một câu như thế có thể xem là nổ. Nhưng đối với người phương Tây, đó là một cách nói tự tin. Người ta tự tin, vì người ta có cơ sở thực tế để chứng minh cho điều người ta nói.

Trong thế giới cạnh tranh ác liệt, nổ có khi cũng cần thiết. Thử nhìn qua các quảng cáo thương mại, chúng ta dễ dàng thấy họ nổ rất dữ. Họ phải tìm ra ít nhất là một điểm đặc trưng, một điểm độc đáo của sản phẩm của họ phân biệt với đám đông làm “điểm nhấn” cho việc kinh doanh. Trong khoa bảng cũng thế. Ở trên, tôi đã nói những câu quen thuộc trong y văn như là nổ nhưng kì thực là tự tin. Bất cứ ai từng xin học bổng ở nước ngoài cũng đều phải viết một bài luận văn ngắn về cá nhân và nguyện vọng của mình khi học xong. Trong phần nói về tương lai, người ta kì vọng ứng viên sẽ nói sau 5 năm học xong sẽ làm gì, sẽ trở thành lãnh đạo hay là một chuyên gia hàng đầu. Tôi thấy phần lớn ứng viên Việt Nam rất kém trong phần này, vì có lẽ họ sợ bị chê là nổ nên không dám nói thật tham vọng của mình. Ở Việt Nam, tham vọng (ambition) được xem là cái gì xấu xa, nhưng ở phương Tây ai mà không có tham vọng thì được xem là thiếu tự tin. Cháu gái tôi trong đơn xin học MBA nó viết rằng nó có kế hoạch sau 5 năm tốt nghiệp nó trở thành phó giám đốc thương mại, và sau 10 năm nó trở thành giám đốc. Đơn xin học bổng MBA của nó được chấp nhận. Đối với tính đố kị của người Việt Nam, vài phát biểu trong đơn của cháu tôi có thể xem là nổ, nhưng nếu nó không nổ thì tôi chắc chắn rằng đơn của nó đã thất bại, bởi vì chẳng ai đi đầu tư cho một cá nhân chẳng biết mình sẽ làm gì trong tương lai!

Nổ có khi lại là yếu tố làm thiệt thòi cho sinh viên Việt Nam. Cách đây cũng khá lâu, tôi ngồi trong hội đồng phỏng vấn ứng viên cho một công việc lab. Trong số 5 ứng viên, có một người Việt tên là P. Hồ sơ của P có thể nói là rất hoàn chỉnh: học giỏi từ lúc trung học đến đại học, có hoạt động xã hội, có kinh nghiệm trong công việc, v.v... Nhưng trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về kĩ năng và khả năng chuyên môn, P chỉ nhoẻn miệng cười [rất dễ thương!] và nói đại khái như “có thể”, “có lẽ”, “sẽ cố gắng”. Đến khi hội đồng ngồi lại để so sánh các ứng viên, P bị đánh giá là học giỏi nhưng thiếu tự tin, và thế là không được chọn. Là người Việt có cùng họ với ứng viên, tôi không cách gì “nói vào” được, nên chỉ biết tiếc cho một tài năng trẻ. Câu chuyện cho thấy cái gọi là “khiêm tốn” của người Việt có khi kiềm hãm người Việt, nhất là trong môi trường phương Tây.

Người ta thường hay xem đối nghịch với nổ là khiêm tốn. Người khiêm tốn là người không tự cho mình là hơn người khác, không tự mãn và không tự kiêu. Nhưng khiêm tốn có khi còn được sử dụng để che đậy sự bất tài và tính thiếu tự tin. Người Việt chúng ta nói chung chọn khiêm tốn, nhưng thật ra là thiếu tự tin. Vì thiếu tự tin nên có người mượn nổ để làm mặt nạ che đậy thói đố kị và ganh tị.

Nguyễn Văn Tuấn