Người VN canh tác trên đất Mễ

#1
Giáng Sinh sắp tới trên đất Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với những cơn mưa tuyết và gió lạnh thổi vào Bắc Mỹ. Nhưng trên những quầy hàng của các siêu thị người Á Châu, nhất là người Việt, những bó rau thơm xanh ngát, những trái bầu, trái bí, khổ qua, cà tím v.v.. vẫn tươi thăm gọi mời khách hàng. Mùa Hè nhiệt đới như quanh quẩn đâu đây.

Vài người mau miệng cho là hàng từ Việt Nam mới gởi qua, người biết hơn một chút thì cho là từ các nông trang người Mễ gởi tới. Người thông hiểu hơn chút nữa thì phán ngay: Hàng do người Việt thu mua từ các nông trang bên Mễ đem về...

Mỗi người một câu nhưng không ai hiểu hết ngọn ngành. Ngày 16 tháng 12 năm 2003. Nhân có chuyến kiểm tra cơ sở vào dịp cuối năm của ban giám đốc công ty Đồng Hương chúng tôi đã có dịp theo chân về tận nơi chốn mà những trái cây, rau thơm được trồng ra và đưa về đến các siêu thị.

Chúng tôi đã có một ít ngày lang thang trong các thành phố nông nghiệp cổ và tuyệt đẹp của Mễ Tây Cơ, những bãi biển trong xanh của hai bờ Thái Bình Dương. Nhưng có lẽ là chúng ta nên nói ngay đời sống của người Việt Nam trên xứ sở Mễ Tây Cơ xa lắc xa lơ này trước. Từ đó chúng ta mới có cơ hội hiểu được tâm tình người bản xứ và những nét đẹp của đồng quê nước Mễ.

Công ty "Tran Internacional" là một công ty con của công ty Đồng Hương. Tọa lạc ngay bên rìa thị trấn Santiago Ixcuiintla, thuộc tiểu bang Nayarit của Mễ Tây Cơ, cách biên giới San Diego của Hoa Kỳ hơn 2 giờ bay và 22 giờ nếu lái xe. Văn phòng, kho lạnh, nhà máy sửa chữa nông cụ chiếm một tòa nhà kiên cố xây bằng gạch và bê tông, rộng 60 ngàn sqf trên khu đất 100 ngàn sqf có hàng rào bao bọc chung quanh mua lại của công ty máy John Deer. Cơ sở rộng thênh thang này được hai anh Thu và Thiện "trụ trì" suốt 7 năm nay.

Anh Thu "được coi như là giám đốc và anh Thiện là phó nhưng kiêm nhiệm hết việc ngoài đồng ruộng trong khi anh Thu là người phụ trách về tài chánh và ngoại giao. Anh Thu là người vui tánh, gốc Nam Định, dáng nhỏ nhắn nhưng lanh lẹ. Anh vượt biên sang Hồng Kông từ năm 1982, sau đó cư ngụ chính thức tại thành phố San Francisco. Anh đã làm rất nhiều nghề khác nhau như là xây dựng, lợp mái nhà, lái taxi v.v.. Sau đó vào năm 1996, do sự quen biết với anh Thể tổng giám đốc công ty và chợ Đồng Hương, anh được "nhờ cậy" sang coi giùm cơ sở trồng trọt bên này với tư cách là "Giám Đốc Công Ty: Tran International".

Anh tươi cười nói: "Chức vụ Giám Đốc, nghe kinh quá, tháng 06-1996 tôi với ông Thiện tới đây chỉ có mỗi một căn nhà (anh chỉ sang bên kia đường) ăn, ngủ, làm việc trong 1 căn phòng chưa tới 30 mét vuông. Lúc đó thì ông Thể đã mua được khu rừng và đang trồng mít tận bờ biển Santa Cruz. Nhưng đó là loại cây lâu năm (chúng tôi sẽ nói chuyện trần ai của loại đầu tư cây lâu năm sau này). Tôi thì không biết một "chữ Mễ" nào, đi đâu cũng cầm theo cuốn sách tiếng Tây Ban Nha. Cũng may mà có "lão Thiện" làm bạn không thì chết vì buồn, nhìn tới nhìn lui chỉ có; hai thằng. Cho đến bây giờ cũng chưa ai chịu nổi ở đây lâu hơn. Trước đây có mấy người đến rồi cũng phải đị Vì buồn quá".

Sáng ngày 17 anh Thu đưa tôi đi thăm khu vực trồng bầu, bí, khổ qua và đậu đũa. Lúc đó mới 06 giờ sáng. Tiếng nông dân cười nói ồn ào. Những người nông dân Mễ được xe của công ty chở từ các nơi về đậu trước cổng để giao cho người đội trưởng.

Phần lớn họ cư ngụ từ các ngôi làng nhỏ. Đa số là người có nguồn gốc thổ dân da đỏ, một ít đã bị lai người Tây Phương nên khá là cao lớn và khỏe mạnh. Anh kể tiếp về giai đoạn hình thành công ty Tran Inc. như sau:

- Lúc đó khu vực này hoàn toàn là do các công ty thuốc lá quản lý, dân trong tỉnh phần lớn là làm việc cho các công ty trồng thuốc lá là chính. Lúc đó chúng tôi tới mướn một khu đất cỡ chục mẫu trồng thử thì dễ lắm, họ nhượng cho ngay, giá cả cũng không đáng kể. Bây giờ thì khác rồi, vì đã có mấy người Việt đến mướn đất, người nào cũng phải khai thác cỡ trăm mẫu trở lên mới đủ sống.

- Vậy công ty Tran của mấy anh khai thác bao nhiêu mẫu?

- Trước đây, không kể vườn mít, công ty khai thác khoảng 300 mẫu. Bây giờ xuống bớt, nhưng bù lại mình có kế hoạch thu mua từ các trang trại nhỏ hơn. Ngay hôm nay công ty đang thu hoạch khoảng 60 mẫu các loại: Bầu, bí đao, cà tím, khổ qua và quan trọng hơn hết là đậu đũa đang được giá nhất, trong vòng 1 tháng nữa chúng tôi sẽ cho xuống 28 mẫu đất mà công ty vừa mới ký xong hợp đồng mướn lại cũng của một công ty trồng thuốc lá (hôm sau anh có đưa tôi ra xem khu vực này, lúc đó đang đóng cọc giăng lưới để làm giàn leo cho đậu đũa).

Đồng thời ngày mai (18-12)chúng tôi sẽ cho chở về Los 22 tấn gồm có đậu đũa, bí đao và nhiều nhất là đu đủ mới thu mua xong của các nơi quanh đây. Sau đó sẽ có cách đưa đi về các tiểu bang miền Đông bằng phi cợ

- Hiện nay trung bình anh chở về Los mỗi tuần bao nhiêu tấn nông sản?

- Chúng tôi có xe đi hầu như mỗi ngày, mỗi xe là 22 tấn. Nhưng chính xác thì phải nói trung bình là 4-5 chuyến 1 tuần chứ ít khi được 7 chuyến, vì cuối tuần khó huy động nhân công. (Anh nháy mắt hóm hỉnh nói tiếp: Hơn nữa cũng phải nghỉ ngơi chút chút).

Chúng tôi đi dạo giữa các luống bí đao xanh ngát. Từng trái bí bằng cổ tay, xanh đậm còn phủ một lớp lông măng trắng sương, mới đủ tiêu chuẩn, còn lớn hơn hay méo mó là bị vứt ra ngoài. Anh Thu cho biết mỗi ngày bỏ đi cả hàng tấn như thế. Khu vực trồng khổ qua cũng có hàng mấy chục nông dân đang hái. Mỗi luống dài 100 mét, tùy theo nhu cầu, hiện nay khu vực trồng đậu đũa rộng nhất, kéo dài đến 7-8 trăm mét. Họ cứ đi hết một luống như thế (100 mét) thì lại quay về đổ vào thùng, nơi đây một số người lại chọn lại một lần thứ hai mới bỏ lên xe kéo, đưa về phòng lạnh của công ty.

Tại phòng lạnh, các công nhân phải rửa hết thuốc trừ sâu còn sót lại, gói vào giấy, bỏ gọn trong thùng rồi mới đẩy vào phòng lạnh chờ xe tới đưa đi. Tôi có thắc mắc về vấn đề nhân công tại đây:

- Sao công ty không hợp đồng thuê mướn thường trực một số nông dân làm việc cho công ty.

Anh Thu cho biết là ngoài trừ vài người kỹ sư và nhân viên kế toán ra, tất cả đều làm việc tùy theo thời vụ và tùy hứng của họ. Không thể nào kêu họ vào làm thường trực được, khó lắm.

- Mỗi ngày họ làm việc được bao nhiêu tiền?

- Lương hiện nay là 80 pesos mỗi ngày (1 Mỹ kim = 11 Pesos).

Họ đi làm ghi tên nơi người đội trưởng, cuối tuần sẽ phát một lần vào ngày Thứ Bảy. - Vậy nếu đúng lúc thu hoạch mà không có người cũng mệt.

Anh cười nói:

- Thứ Bảy này phát lương anh sẽ đến coi tất cả hàng trăm nông dân ở các khu vực đều về đây. Có một cách giữ được họ, dù chỉ là tương đối, không chắc chắn lắm. Đó là phát lương còn thiếu nợ lại họ chút chút. Một phần mình ít khi đủ tiền sau khi trang trải các phí khoản về vật liệu và một phần cũng phải làm vậy để câu họ lại tuần kế tiếp.

Nói chung là người nông dân nào cũng rất chất phác, dễ thương. Đặc biệt với người Mễ thì càng lè phè hơn nữa. Lãnh lương xong là vô quán bia ngay. Lắm khi lương suốt tuần chỉ đủ trả một bữa nhậu suốt đêm với nhau.


Thành phố Santiago Ixcuintla

Quay trở lại ngày đầu khi lên đường sang Mễ Tây Cơ thăm viếng nơi chốn canh tác của người Việt Nam trên đất Mễ. Chúng tôi khởi hành từ San Diego vượt biên giới để đến phi trường Mexicali thuộc Tijuana. Chúng tôi phải bay mất 02 giờ 15 phút để đến phi trường Tepic thuộc tiểu bang Nayarit Mễ Tây Cợ Anh Thu là giám đốc công ty "TRAN Internacional" là một công ty con của Đồng Hương đang phụ trách sản xuất các mặt hàng nông sản cho thị trường Hoa Kỳ đưa xe đến đón và đi thêm 01 giờ 30 phút nữa mới đến tổng hành dinh của công ty thuộc thành phố Santiago Ixcuintla.

Từ phi trường Tepic đến Santiago Ixc, mất 01 giờ 20 phút cho đoạn đường dài 72 cây số thì cũng không lấy gì làm chậm. Ngoài trừ một đoạn ngắn chỉ có 2 lanes cho hai chiều khiến phải chạy chậm, ngoài ra đường xa lộ này có 4 lanes (2 lanes mỗi bên) và tráng nhựa rất tốt nên cũng khá là thoải mái. Khi vào thị trấn Santiago thì trời đã tối. Trưa hôm sau tôi nhờ cô bé Gina, làm việc cho một người Mễ trong công ty đưa ra phố bằng taxị

Cô bé Gina mới 17 tuổi, chỉ học hết tiểu học, sinh ra trong một gia đình đình nông dân, nhưng có hơi lai chút ít nên nước da sáng hơn người địa phương. Cô bé cũng không biết nhiều gì về thành phố ngoài trừ khu vực trung tâm, nơi đây là chỗ mà cô thường hay đến chơi vào mỗi cuối tuần. Sau đó tôi phải ra hiệu mãi cô ta mới hiểu là tôi muốn xem tổng quát thành phố Santiago nên Gina đưa tôi đi băng qua một số nhà dân để lên chỗ cao nhất trong thị trấn. Nơi đây ngày xưa có thể là một đài quan sát của thổ dân, di tích còn sót lại là một bờ thành hình bán nguyệt, chung quanh đã bị nhà dân lấn chiếm hết. Từ vị trí này chúng ta có thể thấy hết thành phố, kéo dài tới tận bờ sông Rio De Santiagọ Những cánh đồng bát ngát chạy dài giữa thị trấn và bờ sông đến mút tận chân trời.

Thành phố Santiago thành lập từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Khác với nhiều thị trấn của Mễ Tây Cơ do người da trắng xây dựng. Thành phố Santiago Ixcuintla do chính những bộ lạc người da đỏ từ các vùng núi xa xôi thành lập nên. Họ đi theo bờ sông Rio De Santiago đến đây thì dừng lại lập nên xóm làng đầu tiên. Theo thống kê năm 1990 thì dân số của Santiago chỉ có 19 ngàn người, đến nay cũng tăng khoảng hơn 25 ngàn là nhiều.

Vì là người thổ dân nên họ có ý thích xây cất nhà trên cao, dọc trên sườn đồi nhìn xuống dòng sông Rio de Santiagọ Cũng có thể là để phòng thủ chống lại các cuộc tấn công của kẻ thù mà cũng có thể vì nước sông Rio De Santiago thỉnh thoảng dâng lên làm ngập lụt vùng đồng bằng này. Sau này người Tây Phương đến lập một thị trấn buôn bán ngay dưới chân những dãy đồi có nhà ở của người da đỏ, nhưng cũng cách xa bờ sống vài trăm mét để tránh sự lụt lội hàng năm do nước sông lên rất nhanh trong mùa lũ.

Họ cũng đem theo giáo lý Thiên Chúa đến đây truyền bá mà căn nhà thờ cổ kính cho đến nay vẫn còn sừng sững ở vị trí dễ nhìn thấy nhất ngay giữa thị trấn. Hình ảnh ngôi nhà thờ cũng là biểu tượng của thành phố. Hiện nay số người nguyên gốc thuần chủng cũng không thấy còn sinh sống nhiều trong thị trấn. Đa số đã bị lai, ít hay nhiều nhìn vào nước da là biết ngay. Cô Varnetsa làm tại văn phòng da trắng như người Tây Phương, trái lại cô Dora thì da nâu, môi dày, mắt tròn to còn mang hình ảnh rất đậm nét của thổ dân da đỏ tuy cũng đã lai chút đỉnh. Cũng như cô bé Luper bồ của anh chàng "play boy" lái xe cho công ty thì da đen sậm, tóc thẳng, là hình ảnh người thổ dân chính hiệu.

Ông già Robeto, râu ria làm ngoài vườn bầu-bí đã gần 70 tuổi nhưng khỏe mạnh, sống trong một ngôi làng cách công ty chỉ vài cây số rất thích nói chuyện với tôi dù ông chẳng thể hiểu nổi một từ tiếng Anh nào và tôi thì hoàn toàn không biết chữ Tây Ban Nha nào ngoài chư "si" là vâng. Qua sự thông dịch cũng rất là "ba rọi" của anh chàng "play boy" chúng tôi cũng mù mờ biết được hoàn cảnh tội nghiệp của ông Roberto. Thì ra ông già có 2 cô con gái mà theo lời ông thì "đẹp hết sẩy". Nhưng cũng vì vậy mà cả hai đã bỏ Santiago đi lên Tepic, sau đó đi tận đâu ông cũng không biết với "thằng bồ" lúc mới 14 tuổi. Nên bây giờ ông chỉ có một mình, ngoài giờ làm việc thì lon bia chính là người bạn thân thiết nhất của ông mà thôi.

Còn bà Mary làm công nhân dọn dẹp cho văn phòng. Khi phát lương chiều Thứ Bảy đã giới thiệu cô con gái với tôi và vui mừng cho biết: "Nó đã có chồng được 6-7 tháng, bây giờ cũng OK để vô làm trong nông trại". Cô bé có nước da trắng, hàm răng bịt bạc 2 cái nhìn duyên dáng. Sở dĩ bà Mary vui khi cô ta chịu vào làm việc vì trước đây nó đã theo một người để sống riêng lúc chỉ mới 15 tuổi làm bà rất bực mình.

Ngoại trừ một số trai trẻ có đời sống tình cảm phát triển khá sớm, hầu hết những người lớn tuổi mà tôi tiếp xúc đều rất mộ đạo. Họ ít khi nào bỏ nhà thờ vào sáng Chủ Nhật hàng tuần, dù trước đó tối Thứ Bảy ít khi nào họ chịu đi ngủ trước 03 giờ sáng. Cuộc sống của một thị trấn nhỏ, sống bằng nghề nông rất đơn điệu. Chỉ mới 6-7 giờ tối thì hàng quán, phó xá đã đóng cửa, toàn thị trấn có vài quán bar, 1-2 chỗ có vũ thoát y nhưng chỉ vào cuối tuần. Anh Thu cho biết là rất ít người tới những chỗ này, mỗi quán vũ như thế chỉ có khoảng chục người là đông.

Thành phố Santiago cổ kính, nghèo, không có nhiều cơ sở công nghiệp, cũng không nằm trong khu vực du lịch. Ngoài trừ con đường xa lộ đi từ thủ phủ Tepic về được tráng nhựa, 80% những con đường trong thị trấn Santiago được lát bằng đá cuội, từng viên lớn nhỏ bằng nắm tay cho tới bằng trái dừa nối kết với nhau bằng một loại đất sét cho nên xe hơi chỉ có thể chạy độ trên dưới 20 km/h mà thôi. Hơn nữa đường trong thị trấn cũng rất nhỏ, chỉ vừa 2 xe tránh nhau.

Trong thị trấn cũng có đầy đủ các cửa hàng và dịch vụ như bất kỳ một thành phố trung bình nào khác, nhưng tại đây như đã nói trên chỉ khoảng 6-7 giờ tối là đã kín cửa. Không phải vì vấn đề an ninh mà vì toàn bộ sinh hoạt của người dân chỉ có vậy. Họ thức giấc lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị ra đồng. Các cửa hàng cũng mở cửa vào khoảng 8-9 giờ sáng.

Thú vui của dân chúng Santiago là uống bia sau giờ làm việc, đàn ông cũng như đàn bà, họ uống bia rất nhiều và không bao giờ say. Cuối tuần vào tối Thứ Bảy thì ngay trung tâm có mở một buổi hòa nhạc để tất cả đến đó nhảy múa vui chơi. Các làng nhỏ chung quanh thị trấn cũng vậy. Mỗi làng đều có một công viên như thế, họ gọi là "Plaza Center" là nơi tập trung, hội họp, vui chơi của dân chúng sống chung quanh đó.

Tại thành phố Santiago chỉ có khoảng 10 người Việt Nam sinh sống, khai thác nông sản và ở rất xa nhau. Công ty Tran Inc. chỉ có anh Thu và anh Thiện thường trực để chỉ huy và điều động từ 150 đến 200 nông dân làm việc.

Sau 5 giờ chiều thì văn phòng vắng teo. Chúng tôi nhìn thấy trong phòng anh Thu vài tờ báo cũ của năm 2002 để ngay ngắn trên kệ. Anh rất vui khi thấy tôi đem sang mấy tờ báo, sở thích của anh là đọc báo nhưng vì lộ trình giao hàng từ Santiago lên Los Angeles rồi trở về không cùng một chuyến xe nên đưa báo tới VP là một trở ngại, khiến anh phải giữ lại các số báo cũ đọc cho đỡ buồn.

Tiểu bang Nayarit có rất nhiều bờ biển đẹp, nổi tiếng như: San Blas, Santa Cruz, Chalaca, Punta Mita v.v.. và rất nhiều bãi biển nho nhỏ khác. Có thủ phủ là thành phố Tepic với khoảng 200 ngàn dân. Nằm trên độ cao 3146 f. so với mặt biển nên khí hậu mát mẻ. Cũng như nhiều thành phố của Mễ. Nền giáo dục của Tepic lệ thuộc rất nhiều vào các trường Công Giáo. Nhất là tại Tepic. Vì thành phố này khởi thủy là do các vị Thừa Sai Công Giáo xây dựng nên, do vậy nơi đây theo thống kê cho biết có tới 6 trường College và 23 trường học trực thuộc Giáo Hội. Không kể 72 trung tâm sinh hoạt nhỏ khác nhau.

Thị trấn Santiago Ixcuintla là nơi có người Việt đang khai thác nông sản thì cách bờ biển khoảng 30 đến 50 km và cách thủ phủ của là Tepic khoảng 72 cây số. Như trên đã nói. Thành phố không nằm trong khu vực du lịch mà chủ yếu là sống bằng nông nghiệp, chăn nuôi. Trước đây Santiago trồng và cung cấp lá thuốc cho các công ty thuốc lá Mỹ-Mễ. Nơi đây hoàn toàn không có một ưu tiên gì cho du lịch hay các hoạt động nhằm phục vụ ngành du lịch cũng như công nghiệp, cho nên Santiago cổ kính không phát triển được. Bên cạnh của Santiago thì trái lại có rất nhiều bờ biển đẹp được du khách chiếu cố rất nồng nhiệt, nhiều gia đình giàu có rủ nhau về nghỉ ngơi trong Mùa Đông giá lạnh của nước Mỹ vì tiểu bang Nayarit quanh năm nắng ấm. Ngay tháng 12 khi chúng tôi về thăm Santiago chưa bao giờ nhiệt độ xuống dưới 70 độ F kể cả ban đêm. Có buổi trưa lên đến 90 độ F. Những bờ biển của bang Nayarit đều mang vẻ hoang dã, không có nhiều cao ốc nên đã hấp dẫn rất nhiều du khách đến nghỉ ngơi, nhất là du khách từ Hoa Kỳ sang.

Cũng vì thời tiết rất ấm quanh năm như thế nên một số người Việt Nam chúng ta đã tìm đến Santiago để khai thác lợi điểm này. Anh Thể là người có thể coi là kẻ khai phóng cho con đường sản xuất và kinh doanh hàng nông sản tươi đưa về từ nông trường đến các siêu thị Á Châu sau khi đã lái xe tìm kiếm khắp vùng phía Nam Mễ Tây Cơ này, mặc dù trước đó cũng đã có người Việt khai thác nhưng không ai chịu làm lớn như hai anh Thể và anh Sĩ sau này.

Dừng chân, sau khi hư hết hai bộ máy xe Wowangen, anh bắt đầu bằng 25 ngàn Mỹ kim cho kế hoạch sản xuất những loại trái cây miền nhiệt đới như: Bầu, Bí, Cà Tím, Mướp Hương, Mướp Thơm, Khổ Qua, Đậu Đũa, Đu Đủ và một vườn mít rộng 5 mẫu gần bờ biển tuyệt đẹp Santa Cruz. Giờ đây sau 7 năm. Công ty TRAN Internacional của anh đã có một thế đứng khá mạnh trong thị trường buôn bán hàng nông sản từ Mễ Tây Cơ sang các siêu thị Á Châu tại Hoa Kỳ. Số đất bên cạnh bãi biển Santa Cruz đang được công ty Đồng Hương nghiên cứu trồng thanh long bên cạnh vườn mít đã có sẵn. Anh Thể cho biết: Vùng này đất cát, nóng, rất giống Phan Rang nên hy vọng loại cây thanh long sẽ phát triển nhanh.

Nguyễn Trung Tín