Niên học tới, đại học ở California lại tăng học phí

Liệu

Cựu Ban điều hành
#1
SACRAMENTO - Cuộc chạy nước rút nộp đơn xin tài trợ học đường đợt hai diễn ra giữa lúc các trường đại học tăng thêm mức học phí.

Sau khi Thống Đốc Jerry Brown của California ký ban hành đạo luật SB 70, để tăng học phí tại các trường đại học cộng đồng, từ mức 26 Mỹ kim lên tới 36 Mỹ kim một đơn vị tín chỉ. Các giới chức đại học cộng đồng nói rằng những học sinh nào muốn tìm cách làm giảm nhẹ tác động của chuyện tăng học phí nên tìm cách tận dụng những nguồn tài trợ đang có sẵn, để giúp trả những khoản chi phí để theo học ở bậc đại học. Việc tăng học phí bắt đầu có hiệu lực vào mùa thu năm nay, tại tất cả 112 trường đại học cộng đồng trong tiểu bang California.

Mặc dù các trường đại học cộng đồng của California vẫn có những mức học phí thấp nhất trên toàn quốc Hoa Kỳ, nhưng các giới chức nói họ biết rằng việc gia tăng học phí xảy ra vào một thời điểm hết sức khó khăn cho một số sinh viên tương lai. Nếu phải đóng mức học phí hiện nay là 26 Mỹ kim một tín chỉ, thì các sinh viên học toàn thời gian ghi danh vào vào 15 tín chỉ đều phải đóng khoảng 780 Mỹ kim trong một niên khóa. Nhưng sắp tới đây khi phải trả 36 Mỹ kim cho một tín chỉ, thì những sinh viên toàn thời gian này phải chi ra khoảng 1.080 Mỹ kim cho một năm học.

Một số đại học cộng đồng đang gia tăng nỗ lực khuyến khích sinh viên tìm tài trợ. Chẳng hạn, giữa tháng Tư, các giới chức trường đại học cộng đồng Chaffey College đã đăng một số chương trình trên mạng Facebook của trường, để giúp cho những sinh viên gặp eo hẹp về tài chánh có thể đáp ứng được những chi phí dành cho việc học. Giám đốc tài trợ học đường Patricia Bopco của trường này nói: “Càng nộp đơn trễ để xin trợ cấp thì bạn càng ít có cơ hội nhận được tiền bạc. Bạn cũng muốn nộp đơn sớm, để có tiền trợ cấp sẵn sàng, nếu bạn dự định dự những lớp học mùa hè”. Các giới chức trường đại học Chaffey đề nghị một số chương trình trợ cấp như Free Application for Federal Student Aid, Board of Governors Fee Waiver, Extended Opportunity Program and Services, và những khoản phúc lợi cựu chiến binh. Giám đốc Bopco nói: “Ngay khi khi học sinh nghĩ rằng mình không hội đủ điều kiện để xin được trợ cấp, thì họ vẫn nên nộp đơn. Làm như thế họ có bị thiệt gì đâu”.

* Những cắt giảm ngân sách giáo dục của California

Hôm 6-2-2011, trên báo The Mercury News, Theresa Harrington lên tiếng báo động rằng các học khu thuộc tiểu bang California đang chuẩn bị đối phó với điều tệ hại nhất có thể xảy ra, nếu kế hoạch về ngân sách và thuế khóa của Thống Đốc Jerry Brown chuốc phải thất bại. Trong ngân sách tiểu bang do Thống Đốc Brown đề nghị trong tháng qua, những ngân khoản dành cho giáo dục đại học sẽ bị cắt giảm đi nhiều, trong khi đó ngân sách từ mẫu giáo đến lớp 12 (K-12) dành cho các học khu của tiểu bang California vẫn được giữ nguyên. Ông Brown hứa hẹn không đụng tới K-12, nhưng với một điều kiện là nếu cử tri California bỏ phiếu trong tháng 6 năm nay chấp thuận triển hạn tăng thuế thêm năm năm nữa, nhằm mục đích góp phần vào chuyện giải quyết mức thâm thủng ngân sách trầm trọng của tiểu bang, hiện nay lên tới 26,6 tỉ Mỹ kim.

* Đại học công lập có thể tăng học phí

Hôm 6-4-2011, nhật báo The Daily California đưa tim cho biết rằng trong một bài diễn văn đọc vào hôm ấy, Thống Đốc Jerry Brown nói rằng học phí tại hệ thống đại học công lập University of California (UC) có thể sẽ tăng cao gấp đôi, lên tới mức tổng cộng trên 20.000 Mỹ kim một năm, nếu các cử tri California không chấp thuận tăng thuế. Trong dự luật ngân sách tiểu bang, do ông Brown đề nghị hồi tháng 1-2011, sẽ cắt giảm chi tiêu hơn 12 tỉ Mỹ kim, trong đó có khoản cắt bớt 500 triệu Mỹ kim từ ngân sách dành cho UC. Mới đây nhất, hôm 3-5-2011, đài CNN đưa tin cho biết rằng học phí tại CSU có thể tăng lên 10 phần trăm, và UC sẽ tăng học phí lên 7 phần trăm. Giới giáo sư sẽ bị ảnh hưởng vì ngân sách dành cho nhân sự giảng dạy sẽ bị cắt bớt 408 triệu Mỹ kim.

Như vậy trong chuyện cắt giảm chi tiêu của tiểu bang California, ngân sách dành cho giáo dục đại học bị ảnh hưởng nặng nhất. Ngân sách của cả hai hệ thống đại học công lập tiểu bang là University of California (UC) và California State University (CSU) bị cắt bớt 500 triệu Mỹ kim. Đối với UC thì điều này có nghĩa là trường sẽ phải từ chối nhận 20-30 ngàn sinh viên hội đủ điều kiện theo học, và tăng học phí thêm 1.000 Mỹ kim mỗi năm. Đối với CSU việc cắt giảm ngân sách có nghĩa là trường phải từ chối 15.000 sinh viên hội đủ điều kiện, sau khi trước đó đã từ chối nhận 30.000 sinh viên như vậy, và tăng học phí lên mức cao hơn.

Còn đối với các trường đại học cộng đồng, chuyện cắt xén ngân sách sẽ làm cho mức học phí tăng thêm, và khiến cho các trường phải từ chối nhận thêm hàng ngàn sinh viên, vào một thời điểm mà nhu cầu nhập học đang gia tăng. Thường khi nền kinh tế sa sút, thì nhu cầu xin học trong những lớp ở các trường đại học cộng đồng lại tăng lên. Ngoài ra việc cắt giảm ngân sách đại học còn làm cho UC phải cắt bỏ nhiều công trình nghiên cứu tại hệ thống này, chỉ trừ UC Berkeley và UCLA. Đối với hệ thống đại học công lập CSU, thì điều ấy có nghĩa là có thể họ phải đóng cửa một trường. Chuyện xén bớt ngân sách cũng có thể làm cho các sinh viên tốt nghiệp chậm hơn, và phải buộc tăng thêm số ngày nghỉ việc cho các giáo sư và viên chức.

* Hai hệ thống đại học công lập CSU VÀ UC

Hệ thống California State University (CSU) bao gồm 23 trường trường công lập, với tổng cộng 405.000 sinh viên và 44.000 giáo sư và những viên chức khác. Hệ thống đại học lớn nhất và bao gồm nhiều ngành đa dạng nhất này cung cấp 1.800 chương trình học có cấp văn bằng. Đa số các đại học của CSU nằm rải rác ở các quận dọc theo vùng bờ biển California. Có khoảng 60% giáo viên và 40% kỹ sư ở California tốt nghiệp từ các đại học CSU. Khoảng một phân nửa trong số các văn bằng cử nhân và một phần trong tổng văn bằng cao học được cấp hàng năm ở California là do CSU. Cựu sinh viên của hệ thống đại học này hiện nay nay lên đến hai triệu người. Học phí hiện tại cho một niên khóa ở CSU là khoảng 5.000 Mỹ kim, sắp tới tăng lên 5.670 Mỹ kim cho 2011-12. Tổng số học phí bao gồm cả những thứ lệ phí khác của CSU thay đổi tùy theo từng trường. CSU được gọi là “People's University” (Đại Học của Dân Chúng) vì kích thước lớn rộng của trường cũng như mức học phí thấp, vừa tầm khả năng tài chánh của nhiều người.

Hệ thống đại học công lập University of California (UC) bao gồm 9 trường, nằm rải rác trong tiểu bang California: Berkeley, Davis, Irvine, Los Angeles, Merced, Riverside, San Diego, Santa Barbara, và Santa Cruz. Các trường UC có tổng cộng 208.000 sinh viên, 121.000 giáo sư và những giới viên chức khác. Hiện nay có hơn 1,3 triệu người là cựu sinh viên xuất thân từ UC. Học phí hiện nay đối với thường trú nhân lên tới khoảng 10.302 Mỹ kim một năm học, sẽ tăng lên 11.124 Mỹ kim trong niên khóa 2011-12. Sinh viên không có quy chế thường trú nhân phải đóng thêm 22.879 mỗi niên khóa. Học phí có thể thay đổi chút ít tùy theo từng trường trong hệ thống UC.

* Biểu tình chống tăng học phí

Cách đây nửa tháng vào hôm 14-4, trong một “Ngày Hành Động Tập Thể”, hàng ngàn sinh viên kéo nhau xuống đường biểu tình, để phản đối chuyện cắt giảm 500 triệu Mỹ kim từ ngân sách dành cho CSU và tăng học phí thêm 10 phần trăm, trong mùa thu năm nay tại 23 trường thuộc hệ thống đại học công lập CSU trên khắp tiểu bang California. Mục đích của những cuộc biểu tình này là nhằm làm cho công chúng gia tăng ý thức về những hậu quả tai hại của việc cắt giảm ngân sách giáo dục đại học, xén bớt 1,4 triệu Mỹ kim từ những ngân khoản dành cho các trường đại học công lập của tiểu bang, theo đề nghị của Thống Đốc Jerry Brown.

* Cắt giảm ngân sách đẩy sinh viên sang đại học tư nhân

Hôm 28-4-2011 báo The Moral Liberal cho biết rằng chuyện cắt giảm ngân sách các trường đại học công lập ở California đang đẩy các sinh viên chuyển qua học tại những trường đại học tư nhân, với một số lượng đông nhất từ trước đến nay. Những trường tư này thu học phí cao hơn, nhưng các lớp học có số sinh viên ít hơn, chú ý chăm sóc sinh viên nhiều hơn, và sinh viên dễ ghi danh vào những lớp học mà họ cần để tốt nghiệp, thay vì phải chờ đợi vì sĩ số quá đông tại trường công.

Những đặc điểm này đang làm cho các trường đại học tư trở nên hấp dẫn đối với các sinh viên. Những trường nhỏ hơn đang nhận càng ngày càng nhiều những lời yêu cầu chuyển trường, với một tốc độ nhanh hơn bắt đầu từ năm 2008, chẳng hạn như trường Notre Dame de Namur cho biết số lượng những người muốn chuyển từ các trường đại học công lập tới để học đã tăng lên gần gấp đôi trong năm 2008.

Những trường tư khác cũng cho biết có sự gia tăng con số những đơn xin chuyển trường. Số đơn xin chuyển trường tới học tại trường Santa Clara University đã tăng lên 24 phần trăm trong năm ngoái. Trường Dominican University ở San Raphael cho biết số đơn xin chuyển trường tới đây học tăng lên 38 phần trăm. Trong số đó, những đơn của các sinh viên học ở CSU và UC xin chuyển về đây học đã tăng lên gần gấp đôi, từ 61 đơn vọt lên tới 119 đơn.

Trong lúc chính phủ Obama vẫn nhấn mạnh đến việc phát triển giáo dục và khoa học, tạo điều kiện cho bất cứ công dân Mỹ nào cũng có thể theo học ở bậc đại học, như là phương thức giúp cho Hoa Kỳ tiếp tục giữ được vị thế cường quốc hàng đầu trong tương lai, thì tình trạng các trường đại học tăng học phí, ở California cũng như tại các tiểu bang khác, sẽ gây khó khăn trở ngại cho một phần quan trọng trong “giấc mơ Mỹ” của nhiều người.

Theo: Hòa Giang - Nguồn: Viễn Đông Daily News