Nước Mỹ những tuần qua – Số 7-2011

#1
Tác giả: Hiệu Minh
Copyright (C) – Nguồn “Blog Hiệu Minh”


Tidal Basin. Ảnh: Ngọc Dung

Thế là mùa hoa anh đào đã về khắp phố phường DC. Xung quanh Tide Basin hoa rực rỡ dù trời còn khá lạnh. Trời hơi ấm lên, các nàng bắt đầu khoe chân dài, váy cộc, bưởi bòng lủng lẳng, thả rông, vật lên vật xuống theo nhịp bước quân hành. Trông thấy chỉ muốn bứt một quả để thử xem sao.



Xứ Mỹ này đàn bà ăn mặc hở hang thế mà mình nhìn chằm chằm vào đó là bị kiện vì tội quấy rối tình dục, có khi tiền mất, tật mang, khổ vào thân. Tốt nhất là ngoảnh mặt đi, giả vờ ngắm hoa lá rồi tưởng tượng ra. Tối về với bà xã thì cứ hô lên “Đây là cô gặp ở ngoài đường ban sáng”, chắc chắn các bác thấy “xuân này hơn hẳn những xuân qua”.


Kinh tế Mỹ tiến triển tốt

Obama ra lệnh ném bom Tripoli bỗng làm cho Wall Street index bỗng lên vù vù. Mấy tuần trước xuống thảm hại, cuối tháng 3 lại ngoi lên. Chiến tranh đôi khi cũng thúc đẩy thị trường khởi sắc.

VOA cho hay, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 3 giảm tới mức thấp nhất trong vòng 2 hai năm, và chính phủ cho biết nền kinh tế đã có tiến bộ lớn trong việc tạo ra công ăn việc làm.

Phúc trình do Bộ Lao động công bố hôm thứ Sáu cho thấy tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 3 là 8,8%, thấp hơn 0,1% so với tháng trước. Con số này thấp hơn 1% so với tỉ lệ của tháng 11.

Nền kinh tế Mỹ đã có thêm 216.000 công ăn việc làm. Tất cả những sự gia tăng này đều phát xuất từ khu vực tư và vượt trội số công ăn việc làm bị mất đi trong khu vực công.

Một nền kinh tế với hàng chục ngàn tỷ đô la mà họ tính tới hàng trăm nghìn việc làm trong một quốc gia 350 triệu dân.


Hôm qua Tổng Cua “gọi điện” cho Obama để hỏi thăm Libya thì ông lại khoe về tăng trưởng kinh tế vì các con số này cho thấy kinh tế Mỹ có những dấu hiệu mạnh thực sự. Các vấn đề về công ăn việc làm cho người dân là chuyện đầu tiên ông uống ly starbuck sáng và cũng là điều cuối cùng trước lên giường với chị Michelle.

Tuy thế, kinh tế gia Heidi Shierholz của Viện Chính sách Kinh tế dự báo có lẽ phải đến 2018 mới có thể kéo mức thất nghiệp trở lại mức trước khi có khủng hoảng.

Tới 2018 thì hai cu nhà HM cũng 18 và 16 tuổi. Lúc ấy không lo việc làm, chỉ sợ mất cân bằng giới ở VN như hiện nay, các cháu không lấy được vợ, phải phiêu lưu sang Lào lấy người Mường.

Dẫu Tổng thống lo cho dân như thế nhưng cử tri Hoa Kỳ vẫn không bằng lòng. Một cuộc thăm dò cho thấy 48% người Mỹ không tán thưởng công việc mà ông Obama đang làm, so với 42% những người tán thưởng. Nhiều cử tri phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Libya hơn là ủng hộ.

Hôm nay (4-2), Hoa Kỳ chính thức ngừng ném bom Libya. Nhiều quan chức Mỹ tỏ ra thất vọng vì quyết định “thất thường” của Obama. Có lẽ ông học được bài Việt Nam, Iraq nên tìm cách tránh chiến tranh trên bộ.



Homeless in DC – Vô gia cư ở DC

Giống như các quốc gia khác trên thế giới, nước Mỹ không phải chỗ nào cũng phồn hoa. Kinh tế đi xuống thì thất nghiệp, kéo theo mất nhà cửa và vô gia cư.



Một người vô gia cư ở DC. Ảnh:WP.


Nhà cửa hầu hết là mua trả góp. Ngân hàng cho vay một khoản 400.000$, hàng tháng trả cả vốn và lãi khoảng 2000$ trong 30 năm. Mất việc thì không thể trả tiền nhà. Thế là ra đường. Các nàng chân dài ham tiên định cưới Việt kiều thì nên hỏi là mortgage (tiền nhà) anh trả được bao nhiêu rồi. Nhà có thể rất đẹp, xe sang trọng, credit card quẹt xoèn xoẹt, nhưng có khi là nợ đầm đìa đó.

Tin trên Express cho hay, một khu đất của Nhà nước của vùng Dale vừa bị thu hồi. Tại đây có khoảng 80 người vô gia cư ở. Hiện họ không biết đi về đâu. Khu “nhà” ở là những túp lều tạm bợ. Có người đã chết cóng vì mùa đông giá lạnh. Hầu hết người vô gia cư bị bệnh tật, đau ốm, hoặc nghiện ngập nặng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Washington DC có khoảng 12 nghìn người vô gia cư. Ngay trong công viên nhỏ trước cửa “tòa soạn Cua Times”, ghế nào cũng có một “bác” chiếm làm của riêng, vừa là nơi ngủ, nơi tình tự và giải quyết nỗi buồn.

Vô gia cư có thể là do gia đình ruồng bỏ, sống độc thân nhưng lương bổng không đủ tiền thuê hay mua nhà, do thất nghiệp, mất nhà cửa, bị đuổi việc, có thể do lười biếng, nghiện ngập, hoặc tội phạm. Vô vàn lý do.

Ở Mỹ nếu thu nhập khoảng 10.000$/năm/người (gia đình 4 người là 20.000$/năm) thì được coi là dưới nghèo. Trong 5 gia đình ở DC thì có một nhà sống dưới mức nghèo khổ.

Thu nhập 10.000 đô la (200 triệu đồng VN) mà vẫn nghèo, dân ta sẽ khó hiểu. Xin nói thêm vài chi tiết về giá cả: 3.5$/gallon xăng. Ổ bánh mỳ rẻ nhất là 1,5$, 1 gallon sữa giá 3,2$, mớ thì là 1$, gói rau cho nồi canh 1,5$. Vé metro 6$/ngày cho hai chiều đi lại nếu ở gần gần DC, xa hơn là 10$. Với 800$/tháng mà không biết chi tiêu thì coi như đói meo.

Với tổng thu nhập 10.000$/năm không thể đi đâu, không có nhà, không có bảo hiểm y tế, khó mà nuôi nổi cái xe hơi để đi lại. Vì thế vô gia cư nhiều là phải thôi.

Những tổ chức nhân đạo hàng ngày vẫn dùng tiền quyên góp để mua thức ăn, mang đến cho những người không nhà cửa. Mùa đông có nhà chung nhưng cánh vô gia cư thích lang thang xin tiền đây đó.



Sờ soạng trên metro mà bị bắt


Metro DC rất đông khách nhưng lịch sự, sàn tàu trải thảm, sạch sẽ, không được ăn uống, không nghe nhạc ầm ĩ, không nói chuyện to. Tầu chật ních mà chỉ nghe tiếng thì thào lẫn trong tiếng tầu chạy lao vun vút. Ngược hẳn với New York hay Tokyo, ầm ỹ và nhộn nhạo.

Một phụ nữ đi metro đã bị sờ soạng. Chị viết trên blog về vụ việc và tả người đàn ông khá kỹ. Không may cho cụ “dê” DC (không phải dê Hoa Lư), cảnh sát chìm đọc blog này và quyết tâm theo dõi. Và chàng “dê” DC đã bị bắt quả tang thì có hành động tương tự với một hành khách nữ khác trong tầu điện ngầm.

Chả bù cho xe bus Hà Nội. Hành khách nữ bị nắn sờ đủ kiểu, rồi trộm cắp móc túi hoành hành. Có lần Cua đi bus thấy một cậu nhóc cứ lẽo đẽo theo sau. Mình đã đề phòng nên chẳng mang gì “trên răng dưới…dép”.

Thằng cu sờ vào túi cả hai túi quần, mình biết nhưng cứ lặng yên. Lát sau hắn nhìn và mắng mình “Trông rõ là trí thức mà chả có đồng mẹ nào trong túi. Gặp thằng rớt mồng tơi hơn cả mình”.

Lời khuyên cho khách đi xe bus Hà Nội: Nên viết blog, biết đâu các đồng chí cảnh sát của ta đọc được và lần theo dấu vết bọn “dê trốn trại từ Hoa Lư” ra hoành hành ở thành phố, thế là bắt gọn.


Sập mỏ đá ở Nghệ An

Tin này không liên quan đến nước Mỹ, mà nó xảy ra ở Việt Nam. Nhưng nó liên quan đến Chile, một nước Nam Mỹ.

Sáng 1-4-2011, một vụ sập mỏ đá kinh hoàng xảy ra tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, khiến cho ít nhất 18 người thiệt mạng và hơn chục người khác mất tích. Hiện công tác cứu hộ cứu nạn vẫn đang diễn ra và con số nạn nhân đang tiếp tục được cập nhật.

Không rõ các quan chức chính phủ VN đã làm gì để cứu những người còn kẹt lại trong khối đá hàng trăm tấn.



Tổng thống Chile báo tin. Ảnh: CNN

Một bạn đọc than trên blog “Khi những comment, những câu chuyện đùa vui, tếu táo cho ngày ¼ đang sôi nổi thì tai nạn sập mỏ đá kinh hoàng ở Nghệ An xảy ra, với 18 người chết trong tích tắc. Thật đau xót và tang thương. Hai ngày qua, tôi dõi theo một hành động thiết thực từ chính phủ, dẫu rằng không thể đem lại cuộc sống cho những công nhân đã chết, thì cũng là sự chia sẻ với gia đình của họ, những người đang hết sức đau khổ. Sự có mặt của đại diện chính phủ còn là nguồn động viên cho lực lượng cứu nạn tại đây....


Nhớ lại Tổng thống Sebastian Pinera Chile từng bỏ ra 69 ngày đêm để cứu 33 người thợ mỏ bị sập hầm. Ông cầu cứu Hoa Kỳ gửi máy khoan khổng lồ sang, dồn tất cả sức lực để cứu những thợ mỏ.

Nhiều người còn nhớ như in lúc ông phát biểu trên CNN khi người thợ mỏ đầu tiên được đưa lên mặt đất. Ông cảm ơn Chúa, cảm ơn những thợ mỏ kiên cường, những người cứu hộ, và cảm ơn người dân Chile đã không từ bỏ hy vọng, đồng lòng trong công cuộc giải cứu những người gặp nạn. “Đêm nay là một đêm đầy cảm xúc, đầy hạnh phúc của chúng ta”.

Khi người cuối cùng được đưa lên mặt đất sau hơn hai tháng cố gắng không ngơi nghỉ của Tổng thống, thì cả thế giới khâm phục đất nước Chile. Họ gọi Tổng thống Sebastian là người thợ mỏ thứ 34.

Khi phát biểu trên bục “sống vì nước vì dân” thì hãy hành xử ngoài đời thiết thực như tổng thống Chile. Mạng sống của những người thợ đá Nghệ An không thể rẻ hơn cuộc đời của những người thợ mỏ Chile.

Mục nước Mỹ tuần qua xin kết thúc ở đây. Chúng ta hãy dành một phút im lặng cho những người đã chết tại mỏ đá Nghệ An và cầu mong sự thần kỳ nào đó sẽ đến với những người còn mắc kẹt.


HM. 2-4-2011
 
Chỉnh sửa cuối: