Từ mua nhà đến làm chủ nhà

#1
Trong một bản tường trình được phổ biến giữa tháng trước, Hiệp Hội Ðịa Ốc Hoa Kỳ thông báo rất hồ hởi rằng nhà bán được trong tháng 3 tăng được 6.8% so với tháng 2 trước đó. Nhưng nếu so với một năm trước thì đã tăng được tới 16.1%.


Tin này song song với tin kỹ nghệ xây nhà mới cho biết số nhà bán được của tháng 3 đã gia tăng tới 27% làm giới chơi chứng khoán vội vã bơm tiền mua cổ phiếu của ngành này.

Người mua nhà lợi dụng tín thuế mua nhà của chính phủ trước khi nó hết hạn ngày 30 tháng 4, 2010, hối hả tận dụng một cơ hội hiếm có và không mấy ai tin nó sẽ được triển hạn.

Ngay bây giờ, theo một bản tường trình phổ biến trên một số công ty tài trợ địa ốc, lãi suất chương trình 30 năm lãi suất cố định vẫn nằm bên dưới 5%, nếu người xin vay có điểm số tín dụng tốt đẹp.

Tuy nhiên, qua sự khảo cứu của hãng thông tấn AP, rất nhiều người khi mua nhà, đặc biệt là những người chưa có nhiều kinh nghiệm về mua nhà, chỉ chú ý tới một điều duy nhất. Giá bán căn nhà.

Ðành rằng phải “liệu cơm gắp mắm,” mua nhà thì chỉ mua tới mức khả năng tiền bạc, lợi tức của mình cho phép, nhưng giá bán căn nhà không phải là điều duy nhất cần phải lưu tâm. Có rất nhiều thứ tốn kém gắn liền với việc mua căn nhà. Từ phí tổn vay nợ, chi phí dọn nhà, mua sắm đồ đạc cho chỗ ở mới là một số trong những thứ tốn kém làm cho người mua nhà tốn nhiều hơn là người ta trù tính ban đầu.

Cho nên, để nhắc nhở người mua nhà những điều cần thiết tối thiểu, giới chuyên viên đề nghị các vị nào đang có nhu cầu mua nhà nên để ý những điều sau đây hầu giúp cho chuyện mua nhà trở nên suôn sẻ, và cũng có thể đỡ tốn thì giờ và tiền bạc cũng như làm chủ căn nhà về lâu về dài.



1. Dọn cho sạch sẽ bản tiểu sử tín dụng


Nhiều người không nhìn thấy ngay sự lợi hại này. Nếu quí vị có một bản tiểu sử tín dụng đẹp đẽ, không tì vết, các nợ nần trả đều đặn, đúng hạn và trả dứt phần lớn những món nợ lắt nhắt trước khi mua nhà, bản tiểu sử tín dụng (credit report) tốt đẹp hơn sẽ giúp điểm số tín dụng (credit scores) tăng điểm. Nhà tài trợ khi cứu xét đơn xin vay tiền mua nhà, họ nhìn ngay vào điểm số tín dụng xem quí vị đáng tin cậy đến đâu. Ðộ tin cậy càng cao, mức lời phải trả càng thấp. Nếu phải vay với lãi suất cao hơn mức thấp nhất trên thị trường, có lý do của nó, tức quí vị có điểm số tín dụng không tốt lắm.

Trước khi đi mua nhà, nên có một bản tiểu sử tín dụng, nhìn vào đó nếu thấy cái gì sai, yêu cầu các công ty cung cấp dữ liệu (Credit Reporting Agencies) phải điều chỉnh.

Theo công ty sáng lập hệ thống điểm số tín dụng FICO đang được sử dụng rộng rãi trong kỹ nghệ tài trợ, sự khác biệt của 100 điểm trong bản tiểu sử tín dụng sẽ làm tốn kém thêm cho con nợ $25,000 khi vay món nợ phải trả trong 30 năm. Giả sử số tiền xin vay là $300,000.

Một bản điểm số tín dụng tốn $19.95 khi quí vị mua online tại địa chỉ http://www.myFICO.com. Nhưng nếu quí vị không muốn có điểm số tín dụng, quí vị có thể vào địa chỉ www.annualcreditreport.com để lấy bản tiểu sử tín dụng miễn phí.


2. Các phí tổn liên quan vay nợ

Gần đây, hai định chế tài trợ Fannie Mae và Freddie Mac lấy lệ phí đắt hơn khi mua lại các món nợ từ kỹ nghệ tài trợ, làm cho lệ phí vay nợ tốn kém hơn đối với người mua nhà hay tái tài trợ món nợ cho căn nhà. Lệ phí có thể lên đến 3% đối với một số trường hợp, theo lời ông Marc Savitt, nguyên chủ tịch của Hiệp Hội Ngân Hàng Tài trợ Ðịa Ốc Toàn Quốc (National Association of Mortgage Bankers).

Theo đó, cứ mỗi $100,000 tiền vay, quí vị đã phải trả $3,000 rồi chưa kể một lô những tốn kém khác.

Nếu quí vị trả trước (downpayment) dưới 20%, nhà tài trợ đòi quí vị mua bảo hiểm cho món nợ (mortgage insurance). Tiền này sẽ tốn trung bình tương ứng với khoảng 2.5% của số tiền xin vay. Ðồng thời hàng tháng phải đóng một số bảo phí nữa. Như vậy, với số tiền vay $300,000 quí vị có thể phải trả ngay từ đầu cho bảo hiểm nợ là $7,500 và hàng tháng phải đóng khoảng $100 cho tới khi phần tiền của quí vị có trong căn nhà (equity) đạt 20%.


3. Tốn phí vay nợ


Ngoài tiền trả trước, rất nhiều tốn kém liên quan tới thủ tục vay nợ và chuyển nhượng bất động sản gọi chung là tốn phí hoàn tất chuyển nhượng tài sản (closing costs). Tiền thuê người kiểm tra nhà, tiền thuê người giám định trị giá nhà, tiền lệ phí làm thủ tục vay nợ, tiền mua bảo hiểm nhà, bảo hiểm món nợ và nhiều thứ khác đều phải kể hết. Một chuyên viên địa ốc hoặc tài trợ địa ốc chuyên nghiệp phải làm con tính giúp quí vị biết số tiền tổng cộng cần phải có để mua nhà.

Tùy trường hợp, các loại lệ phí, tốn phí cộng lại chiếm từ 4% đến 6% của giá mua căn nhà. Nếu giá mua căn nhà là $300,000 tốn kém đủ thứ có thể từ $12,000 đến $18,000. Các loại tốn phí này tùy thuộc nhiều yếu tố từ công ty tài trợ, khu vực quí vị ở, số tiền trả trước, điểm số tín dụng, số tiền xin vay.

Theo luật, công ty tài trợ hay ngân hàng mà quí vị tới xin vay tiền phải cung cấp cho quí vị một bản ước tính thành thật về phí tổn vay nợ. Từ ngữ chuyên môn gọi là “Good Faith Estimate.” Mọi tốn phí đều được viết xuống và trao cho quí vị trước khi ký giấy nợ để quí vị biết mà quyết định nên vay hay không.


4. Dọn nhà

Nơi ở mới có thể lớn hơn chỗ ở cũ. Nhà cần thêm đồ đạc. Căn nhà có thể cần thêm một số bàn ghế. Cũng có thể những gì quí vị có trước đó không thích hợp với chỗ ở mới, cần mua thứ khác thay thế. Tùy theo nhu cầu và căn nhà mà quí vị phải trang trí, bày biện đồ đạc thế nào cho đẹp, tốn kém hàng ngàn đô la là chuyện dễ hiểu.

Nếu quí vị tính tới chuyện sửa chữa hay tân trang nhà bếp, phòng tắm, thay mái nhà, hàng chục ngàn đô la sẽ phải đổ ra.


5. Bảo trì

Mua nhà không phải chỉ dọn vào ở cho tới cuối đời và không phải tốn kém gì thêm. Trái lại, bảo trì hàng năm từ hệ thống máy lạnh, máy sưởi, tủ lạnh, đến sơn trong ngoài, hệ thống ống nước, mối mọt v.v... sẽ tốn tiền. Làm chủ nhà mà không bảo trì thường xuyên, căn nhà mỗi ngày một tồi tệ đi, khi bán lại sẽ thiệt thòi lớn vì không bán được bằng giá với căn nhà hàng xóm.

Người Việt Online