Tin Việt Nam

Status
Không mở trả lời sau này.

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#1
Hàng chục ngàn người Sài Gòn xem pháo hoa, trung tâm kẹt cứng.

TN - Tối 30.4, hàng ngàn người đổ xô về trung tâm thành phố để thưởng thức màn bắn pháo hoa kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước.

Người dân Sài Gòn hào hứng khi xem pháo hoa - Ảnh: Khẩm Cao​

Dịp lễ này, UBND TP.HCM tổ chức bắn pháo hoa đồng loạt tại 4 địa điểm trong 15 phút ở: Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11), huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ (Tầm thấp) và điểm trên cầu vượt sông sài gòn sẽ bắn tầm cao.

Mặc dù 21 giờ bắt đầu màn bắn pháo hoa, nhưng mới 19 giờ, người dân đã ùn ùn, kéo nhau ra đường, tập trung đông đúc tại một số địa điểm. Người dân từ các tuyến đường như Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Hàm Nghi đều cố gắng đổ dồn về hướng bến Bạch Đằng để theo dõi pháo hoa.

Riêng phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng chật kín người. Tại đây nhiều người say mê với không gian âm nhạc đường phố gồm ca hát, các nhóm nhảy, biểu diễn võ thuật.

Bên cạnh đó, vì lượng người đổ về trung tâm thành phố quá nhiều, nên một số tuyến đường tắc nghẽn, ùn ứ nhiều giờ liền như đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ, Pasteur. Nhiều phương tiện bị lâm vào cảnh ùn tắc giao thông kéo dài.

Đến 20 giờ 30 phút, hầm Thủ Thiêm cấm không cho các phương tiện lưu thông qua hầm để phục vụ cho chương trình bắn pháo hoa, dẫn đến tình trạng kẹt cứng, rối loạn giao thông, hàng ngàn người xếp hàng kéo dài hàng giờ liền trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, quận 5.

Khi pháo hoa bắt đầu, mọi người vui mừng chụp ảnh, quay phim kỷ niệm ngày lễ này.

Khẩm Cao - Phượng Quyên
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#2
Chàng trai tặng 1.000 đóa hoa cho công nhân vệ sinh Sài Gòn

TN - Với mong muốn vinh danh và thắp lên niềm vui trong cuộc sống mưu sinh vất vả của họ, chàng trai Nguyễn Hồng Việt đã nảy ra ý tưởng tặng 1.000 đóa hoa cho công nhân vệ sinh ở khắp các quận tại TP.HCM.


Nụ cười tươi tắn xua đi cực nhọc của người công nhân vệ sinh đường phố Sài Gòn, khi nhận được hoa - Ảnh: Hồng Việt

Qua đây, anh còn giúp họ truyền đi lời kêu gọi mọi người nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, góp phần giảm tải sự mệt nhọc cho người làm công việc quét dọn.

Để thực hiện điều này, Việt cùng nhóm bạn chuẩn bị sẵn cho mỗi công nhân một tấm bảng và cây viết lông để các công nhân vệ sinh ghi ra điều mình mong muốn từ phía cộng đồng.

“Tôi hy vọng lời kêu gọi đến từ chính những người trong cuộc, các công nhân trực tiếp quét dọn đường phố Sài Gòn, sẽ giúp thông điệp này lan tỏa mạnh mẽ hơn!”, Việt nói.

Lướt Facebook, tôi thấy có không ít bạn hô hào khẩu hiệu bảo vệ môi trường, bàn luận những vấn đề an sinh vĩ mô, song việc nhỏ và gần nhất để bảo vệ môi trường là giữ vệ sinh khu vực sống, không vứt rác bừa bãi ra đường phố, vẫn còn nhiều người chưa làm được.

Trong lần tặng hoa, anh gọi các công nhân vệ sinh là “anh hùng đường phố”, song các cô chú nhất quyết không nhận danh xưng đó; họ bảo mình cũng chỉ là người lao động bình thường, đường phố có tinh tươm hay không phụ thuộc vào chính bạn.

“Hằng ngày lướt Facebook, tôi thấy có không ít bạn hô hào khẩu hiệu bảo vệ môi trường, bàn luận những vấn đề an sinh vĩ mô, song việc nhỏ và gần nhất để bảo vệ môi trường là giữ vệ sinh khu vực sống, không vứt rác bừa bãi ra đường phố, vẫn còn nhiều người chưa làm được”, Việt nói.

“Khi các bạn có ý thức chung tay giữ gìn môi sinh sạch đẹp, chiếc xe đẩy rác của các nhân viên vệ sinh cũng sẽ vơi đi phần nào, chiếc chổi dùng được lâu hơn (thông thường với lượng rác ở Sài Gòn, một chiếc chổi chỉ dùng được 2 ngày), họ có thể về nhà sớm hơn…”, Việt nói thêm.

Chia sẻ ý tưởng này lên Facebook, Việt nhận được sự ủng hộ và quan tâm từ nhiều người. Đến nay, Việt và các tình nguyện viên đã có 3 đợt tặng hoa cho các công nhân vệ sinh trong thành phố. Đợt gần nhất diễn ra vào ngày 28.4.

Lê Ái
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#3
Cần Thơ mưa 'vàng' như trút nước sau nửa năm khô hạn

TN - Chiều 1.5, trung tâm TP.Cần Thơ chìm trong cơn mưa rào đầu mùa. Mưa như trút nước xuống Tây Đô sau gần 6 tháng 'khô khốc'.


Mưa to như trút nước ở TP.Cần Thơ sau gần 6 tháng khô hạn

Cơn mưa đầu mùa bắt đầu từ khoảng 15 giờ 30, ngày 1.5 đã nhanh chóng bao trùm toàn bộ các quận trung tâm của TP.Cần Thơ như Ninh Kiều, Phong Điền, Bình Thủy, Cái Răng, và vùng ngoại ô như Ô Môn.

Lượng mưa lớn dần cho đến mức ồ ạt vào khoảng 16 giờ cùng ngày sau đó kéo dài đến qua 16 giờ 30. Mưa bất chợt đã khiến rất nhiều người đi đường phải “tắm mưa” bất đắc dĩ vì không kịp phòng bị áo mưa.

Theo ghi nhận, chưa năm nào cơn mưa đầu mùa lại được người dân Cần Thơ trông chờ, và quý giá như năm nay bởi do ảnh hưởng của El Nino, đã gần 6 tháng qua, TP.Cần Thơ sống trong cảnh khô hạn, thời tiết luôn nóng hầm hập trên 33 độ C, trời đứng gió.

Sau cơn mưa đầu mùa trên, không khí ở TP.Cần Thơ đã dịu mát hẳn.

Đình Tuyển
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#4
Chàng trai Việt mang hip hop đến với trẻ tị nạn

TN - "Trẻ em vùng tị nạn rất khó xin việc. Các kỹ năng được xem và học từ những nghệ sĩ đường phố có thể giúp các em phát triển thành nghề nuôi sống bản thân khi lớn lên", dancer Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.


Anh Tuấn và các em nhỏ tại vùng biên giới Myanmar và Thái Lan - Ảnh: NVCC

Dancer Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1989) sống tại Hà Nội nhưng đã có nhiều năm gắn bó với "gánh xiếc rong" mang niềm vui đến cho trẻ em vùng tị nạn trên khắp Đông Nam Á. Gọi là "gánh xiếc rong" bởi nhóm quy tụ nhiều nghệ sĩ đường phố đến từ khắp nơi trên thế giới, họ rong ruổi khắp các tỉnh vùng biên để trình diễn các tiết mục nghệ thuật, phục vụ đời sống tinh thần các em nhỏ.

Hip hop cũng là môn "văn hóa"
Lần thứ 3 ghi tên mình vào hoạt động cộng đồng ý nghĩa này, Anh Tuấn và các đồng nghiệp trong tổ chức Spark Circus đặt chân đến tỉnh MaeSot, vùng biên giới Burma giữa Myanmar - Thái Lan. Khí hậu nơi đây mát lạnh đặc trưng vùng cao, người dân sống bằng nghề trồng trọt, canh tác trên nương rẫy. Trẻ em được đến trường nhưng không có chỗ chơi, không biết nhiều về cuộc sống bên ngoài những lán trại. Bởi vậy "gánh xiếc" đối với chúng như một thế giới đầy mầu nhiệm.

Mỗi ngày, Tuấn cùng nhóm bạn vượt qua hàng chục cây số để đến với các điểm trường, khu tị nạn. Ở mỗi điểm, đoàn sẽ diễn một chương trình chừng 40 phút, sau đó sẽ chia thành các nhóm để dạy cho các bạn nhỏ một số kỹ năng cơ bản như nhảy hiphop, múa lụa, nhào lộn, hề xiếc.

"Trẻ em vùng tị nạn không có giấy tờ tùy thân, chúng rất khó để đi xin việc làm. Với những kỹ năng cơ bản mà chúng tôi truyền tải, hy vọng các em có thể nắm bắt và chăm chỉ luyện tập, để biến nó thành một nghề để nuôi sống bản thân khi lớn lên", dancer 8X chia sẻ.

Nhưng đó là suy nghĩ xa xôi của người lớn. Với trẻ, hôm nay được thỏa thích xem những tiết mục biểu diễn và cười ngặt nghẽo khi học lỏm các động tác xoạc chân, uốn dẻo, phủi áo làm ngầu của "thầy cô" đã là hạnh phúc. Khó khăn là thật, nhưng niềm vui thường không có biên giới, không nhuốm màu âu lo.

Theo nhận xét của Tuấn, trẻ em nơi đây vô cùng thông minh và hiếu học. Chúng tiếp nhận cái mới rất nhanh, đặc biệt là nghệ thuật phi ngôn ngữ. Có những em từ chỗ chưa bao giờ tiếp xúc với máy tính, sau 2 ngày được Tuấn hướng dẫn đã có thể sử dụng thành thạo phần mềm DJ, đứng ra đảm nhận khâu hậu cần âm thanh ánh sáng trong một show diễn. Cũng có những học trò sáng dạ chỉ sau vài tuần tập hip hop, đã tự tin bước ra thách đấu với "thầy".

Giây phút buồn bã nhất của bọn trẻ và các nghệ sĩ trong suốt 30 ngày "gánh xiếc" đến, có lẽ là lúc cả đoàn chào tạm biệt nhau để ra về. Nhiều cô cậu bé chạy theo hỏi: "Khi nào thầy cô quay trở lại?".

Sau những chuyến đi, 8X nhận ra dạy hip hop cũng là một cách truyền tải văn hóa; bởi: "Nếu như các tổ chức nhân đạo khác dạy các em học tiếng Anh, học toán hay các bộ môn xã hội khác thì tôi lại mang đến các em 'ngôn ngữ' hip hop - một công cụ giúp trẻ tìm được niềm vui trọn vẹn hơn, trong thực tế cuộc sống muôn vàn khó khăn ở các trại tị nạn".

Trưởng thành từ yêu thương
Tuấn thừa nhận, tham gia các hoạt động xã hội vì cộng đồng giúp anh trưởng thành hơn từ trong suy nghĩ đến cách nhìn nhận về nghề nghiệp đang theo đuổi: "Hip hop không chỉ giúp con người rèn luyện thể chất mà còn dạy chúng ta cách sống, giao tiếp, văn hóa tôn trọng lẫn nhau. Nếu đem những điều này đến với các em nhỏ thiếu thốn tình cảm, khó khăn, giúp chúng nhận ra giá trị cuộc sống, thì sẽ càng nhân đôi ý nghĩa môn nghệ thuật".

Trong suốt chuyến đi, Tuấn có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người bạn đến từ các nước Mỹ, Nhật, Úc, Đức, Canada, Anh, song Yahu - chàng trai đảm nhận vai "thằng hề" trong "rạp xiếc", lại là người mang đến cho Tuấn nhiều ấn tượng sâu sắc.

Tuấn kể: "Anh ấy là người giàu năng lượng, luôn xem việc mang niềm vui đến cho người khác là sứ mệnh của mình. Không chỉ hăng hái giúp các em nhỏ vùng tị nạn, Yahu còn chủ động liên hệ với các bệnh viện, nhà dưỡng lão trong vùng, để mang những tiết mục biểu diễn vui vẻ đến phục vụ người già, trẻ em, phụ nữ có thai đang điều trị tại đây". Một câu nói của Yahu mà Tuấn nhớ mãi: "Nghệ sĩ là thiên sứ của trời, họ mang niềm vui đến cho người khác để thấy bản thân mình sống ý nghĩa hơn!".

Năm sau và những năm sau nữa, Anh Tuấn vẫn sẽ gắn bó với chương trình này. Anh đang có kế hoạch mời thêm những người bạn dancer trong nhóm gia nhập tổ chức để quy mô hoạt động ngày một mở rộng, để trẻ em vùng khó khăn có thêm nhiều cơ hội được vui chơi, học tập lành mạnh.

"Tôi hy vọng các bạn trẻ đang có đam mê hãy mạnh dạn đem khả năng của mình để phục vụ, mang lại niềm vui cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Trao đi là nhận về, trong 3 năm vừa qua tôi đã thấy mình sống vui hơn, ý nghĩa hơn bội phần", Tuấn tâm sự.

Lê Ái
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#5
Những cổ vật tiền xưa và gốm sứ quý báu hàng trăm năm

TN - Bộ sưu tập đồ gốm sứ Chu Đậu, Bát Tràng, triều Nguyễn, bộ sưu tập tiền ban thưởng và tiền cổ, bộ sưu tập đồ đồng, đồ chứng tích chiến tranh, đồ dùng sinh hoạt văn hóa người Việt, đồng hồ... xưa có mặt ở phiên chợ này.


Gian hàng gốm sứ đa dạng chủng loại, thời kỳ

Chợ phiên đồ xưa Đà thành lần thứ 4 năm 2016 tại Bảo tàng Đà Nẵng (24 Trần Phú) kéo dài từ 28.4 đến 4.5 nhằm giao lưu giữa giới sưu tập, cũng như tạo thêm sản phẩm du lịch và điểm đến tham qua cho du khách trong kỳ nghỉ lễ. Dịp này, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với 12 nhà sưu tập tư nhân trên địa bàn Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tổ chức trưng bày giới thiệu các bộ sưu tập có giá trị về lịch sử, văn hóa.

Khác với các phiên chợ trước, lần này quy tụ 12 gian hàng, phân chia theo từng khu vực để người dân, du khách tiện thưởng lãm.

Trong đó bao gồm các bộ sưu tập đồ gốm sứ Chu Đậu, Bát Tràng, gốm sứ triều Nguyễn, bộ sưu tập tiền ban thưởng và tiền cổ, bộ sưu tập đồ đồng, bộ sưu tập đồ chứng tích chiến tranh, bộ sưu tập đồ dùng sinh hoạt văn hóa người Việt, bộ sưu tập đồng hồ…

Trong đó, giá trị nhất là các sản phẩm gốm sứ, tiền cổ có niên đại hàng trăm năm.

Bộ sưu tập các kỷ vật thời chiến, thời bao cấp cũng giúp người xem hồi tưởng lại thời kỳ chuyển đổi nhiều thăng trầm của đất nước.

Nguyễn Tú
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#6
Khám phá những loại cây trăm tuổi còn sót lại ở Sài Gòn

TN - Đối với những cây xanh được trồng trong thành phố thì Thảo cầm viên được xem là cái nôi xuất xứ của hàng trăm loại cây trồng đô thị.


Tung cũng là loài cây cao tuổi (khoảng 150 tuổi), hiện có 2 cây rất to với bộ rễ bạnh đồ sộ. Có chu vi thân đến 3m và cao hơn 20m. Đại mộc to, gốc có bạnh lớn hình cánh, suông, có vỏ trắng xám; nhánh to

Thảo cầm viên Sài Gòn được thành lập năm 1864, sau khi người Pháp đánh chiếm Sài Gòn và bắt đầu xây dựng khu vườn ươm, đặt tên là vườn Bách thảo Sài Gòn (Hortus Botanicus Saigonnensis) nằm phía Tây bắc kênh L’avanche (nay là kênh Thị Nghè) với diện tích rộng 12 ha.

Sau năm 1865 ông J.B.Louis Pierre từ Ấn Độ về phụ trách vườn Bách Thảo. Cùng thời gian này diện tích cũng được mở rộng lên 20 ha, được mô phỏng theo hình ảnh vườn thực vật Hoàng Đế Louis XIII của Pháp.

Nhiệm vụ đầu tiên đặt ra cho ông Pierre là sưu tầm các loài thực vật, động vật đặc hữu của vùng Nam Kỳ và 3 nước Đông Dương để mang về Pháp. Đồng thời du nhập những giống cây có giá trị kinh tế về trồng thử nghiệm, từ đó chọn những cây thích hợp để nhân rộng ra. Vào cuối năm 1865, Pierre đã mở rộng diện tích vườn Bách thảo lên 20 ha, mà ở đó còn bảo vệ nhiều cây rừng như: cây sao, dầu, gõ đỏ, giáng hương... còn sót lại trong khu rừng nhiệt đới tự nhiên tại đây.

Ngoài ra ông còn du nhập nhiều loại cây từ Ấn Độ, Châu Úc, Phi, Nhật Bản, Indonesia... trong đó có nhiều loài cây công nghiệp, cây bóng mát, cây ăn quả. Di sản của ông để lại với trên 100.000 mẫu vật. Bên cạnh đó còn hàng ngàn cây cổ thụ có tuổi thọ trên 100 năm ở Thảo cầm viên, trên đường phố trung tâm, và trong Công viên Tao Đàn.

Phạm Hữu
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#7
Đà Lạt với mùa "đặc sản" mưa và mây

TTO - Ngay từ khi những cơn mưa phố núi vừa trút xuống, những người bạn yêu mây Đà Lạt đã vội lên đường. Những cơn mưa cao nguyên mù sương, trắng xóa sợi nước không biết từ bao giờ đã trở thành "đặc sản" với nhiều người.


Suối Vàng Đà Lạt đầu hè huyền ảo trong màn mây buổi sớm - Ảnh: Cao Cát

Những cơn mưa cao nguyên mù sương trắng xóa sợi nước, nhanh, và lạnh nhưng cũng đủ làm xôn xao những vạt áo len với từng hạt bụi mưa bám li ti.

Trung tâm thành phố, ven hồ Xuân Hương vài năm nay rất khó thấy mây sà, và sa mù lãng đãng bay. Vì thế những cung đường mới mở quanh hồ Tuyền Lâm, suối Vàng, và những đồi dốc Trại Mát thường được chọn lựa.

Xa hơn nữa mới là Hòn Bồ, đỉnh Pinhatt.

Tôi có vài người bạn, có người ưa độc hành độc vãng. Cứ đến mùa mưa rơi đầu mùa phố núi ngàn hoa là xách xe đi trong đêm. Để sáng sớm vừa kịp đến những con đồi nhấp nhô khu Trại Mát, để vừa kịp chụp những tảng mây nặng trĩu hơi nước lửng lơ trên các mái nhà kính, những ngọn núi đồi nhấp nhô xa xa.

Phải chụp thật nhanh vì bình minh lên, mọi tảng mây sẽ nhanh chóng tan biến.

Rời Trại Mát, anh lại vào Ma Rừng lữ quán, ngủ qua đêm với túi ngủ để kịp chụp những màn mây sương lãng đãng quanh khu vực suối hồ. Rồi cứ đi đi về về, chỉ để chụp những màn mây sương khói bay là đà lãng đãng quanh những nơi có cây, có suối - tức là có hơi nước, như quanh khu vực suối Vàng, quanh hồ Tuyền Lâm...

Cũng có người hỏi anh: Chụp để làm chi? Anh mỉm cười đôn hậu: Để có những bức ảnh phong cảnh thiên nhiên trong lành. Và cũng có thể để có thể được đi, và sống, hít thở những gì tươi mát. Để thấy Việt Nam vẫn còn đâu đó gần lắm những mảnh màu tươi xanh.

Có cây xanh là có hơi nước tạo thành mây, dù mây vùng cao mịt mờ lãng mạn đó mong manh lắm. Chỉ cần hơi chút nắng là tan vội vã.

Sài Gòn bước vào mùa chớm hạ. Mùa nghỉ lễ luôn là mùa người người từ các thành phố trốn nóng chạy lên phố núi Đà Lạt, dù chỉ hưởng chút không khí dịu mát của thành phố vùng cao đang bước vào mùa của những cơn mưa.

Anh bạn đi săn ảnh trầm tư nói: Những chuyến đi chẳng có gì to tát, chỉ là tuổi mơ mộng thì cũng qua rồi. Mùa khô đô thị Sài Thành sắp qua, chỉ là trốn nóng đổi gió bằng cách lên Đà Lạt, nơi có không gian trong lành mát lạnh gần nhất để thư giãn. Để rồi về làm việc thanh thản hơn...

Sài Gòn theo dự báo mới nhất là vẫn nắng nóng trở lại. Mùa mưa Nam bộ năm 2016 sẽ đến muộn. Và các “phượt thủ” trong mục tiêu chống nóng đang có kế hoạch: nghỉ hè là thu xếp mọi công việc, cuối tuần phóng lên Đà Lạt đón cái lạnh mơn man khi vừa đến khu vực đèo Prenn. Rồi sau đó chờ mưa.

Để sớm mai trong khăn áo xúng xính, lang thang đi "săn" và thu vào ống kính những khung cảnh mây ôm núi, núi ôm mây - trong màn sương trắng như bạc lơ lửng trải khắp chân trời...

Trần Duy
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#8
Chơi xe ở phố đi bộ

TTO - Gần đây ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) về đêm, nhiều bạn trẻ di chuyển không phải đi bộ mà “lượn” khắp phố bằng chiếc xe điện cân bằng (balance wheel) với giá thuê 60.000 đồng/30 phút.


Thú vui chơi xe cân bằng ở phố đi bộ về đêm của các bạn trẻ - Ảnh: Cẩm Tiên

Với thiết kế nhỏ gọn, mang theo dễ dàng, di chuyển nhanh, dễ sử dụng, người điều khiển chỉ cần nghiêng người về hướng nào thì xe sẽ chạy theo hướng đó. Đây là món đồ chơi công nghệ được khá nhiều bạn trẻ ưa chuộng trong thời gian gần đây.

“Chỉ cần 2 phút tập bạn đã có thể sử dụng thuần thục món đồ chơi công nghệ cá tính, mới lạ này rồi”, một bạn tên Trường Sơn vừa di chuyển chậm trên xe vừa hứng thú chia sẻ.

Các bạn trẻ mới tập chơi thì còn e dè về độ an toàn. “Em mới tập chơi nên không làm chủ được sự cân bằng cho xe, chỉ cần người ngả về sau rất dễ bị té” - Nguyễn Hoàng Hải Phong (14 tuổi) nói.

Thoạt nhìn, xe cân bằng có thiết kế bên ngoài giống như tấm ván trượt, nhưng kết cấu bên trong của xe xài bằng nguồn điện sạc, “hiểu” được người lái khi di chuyển nên còn được gọi là “xe điện 2 bánh thông minh”, nghiêng người để điều chỉnh hướng, ngả về trước để tăng tốc độ, và ngả người về phía sau để giảm tốc độ di chuyển. Bên cạnh đó, dòng xe được đánh giá khá thân thiện với môi trường bởi không thải ra chất thải độc hại.

Cô bé Thục Loan mới 12 tuổi nhưng di chuyển xe rất thuần thục, và hào hứng chia sẻ sự vui sướng khi sở hữu món đồ chơi này chứ không phải thuê như các anh chị khác ở phố nơi đây: “Để chơi thôi thì tập rất nhanh, ra đây chơi vài lần em quá thích nên được mua luôn chiếc xe 6,1 triệu đồng được 2 tuần rồi”. Khoảng 3 tiếng sạc pin, xe có thể chạy được khoảng 1 giờ liên tục.

Nhiều bạn “phiêu trong gió” khi di chuyển, trình diễn những cú xoay người dù đôi lần té ngã nhưng thỏa mãn sự vui đùa cùng bạn bè. Cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh người mới tập tìm cách giữ thăng bằng, các cặp đôi “phiêu cùng nhau”, đủ thứ màu sắc từ bánh xe phát ra là những hình ảnh đẹp mắt ở phố đi bộ.

Anh Chi Lăng (31 tuổi), từng sử dụng xe cân bằng thời gian khá dài, chia sẻ kinh nghiệm về độ an toàn: “Xe khá khó cân bằng vì phụ thuộc vào chân và cơ thể, không có thiết bị hỗ trợ nên khi tham gia giao thông với vận tốc tối đa sẽ dễ chấn thương nếu té về phía sau gây nguy hiểm, té về phía trước mình chủ động hơn có thể chỉ sây sát, va chạm vào người đi đường...

Bên cạnh đó, nó chỉ phù hợp vui chơi ở công viên và phố đi bộ. Đã từng sử dụng sản phẩm nên tôi tìm hiểu khá kỹ về độ an toàn, quan trọng nhất của xe là bộ phận pin sạc, cần tham khảo để tránh mua hay dùng loại rẻ tiền gây nổ khi sạc pin”.

Diệu Nguyên
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#9
Mổ xẻ "Hồ sơ Panama" liên quan Việt Nam

Tin 24h - Vấn đề cần quan tâm về 189 cá nhân/pháp nhân người Việt hoặc có liên quan Việt Nam là họ có khai báo nguồn tiền đầu tư hay không, có đóng thuế trên khoản thu nhập đó hay không…


Dễ dàng tìm thấy các cá nhân, công ty Việt Nam trong hồ sơ Panama - Ảnh: Hoàng Triều

Danh sách trong hồ sơ Panama chỉ là danh sách của một công ty luật. Trên thực tế, số các công ty offshore đăng ký tại những thiên đường thuế (tax havens) mà có hoạt động liên quan đến Việt Nam chắc chắn phải gấp hàng trăm lần số lượng trong danh sách này.

Tiết lộ mức độ giàu có và che giấu nguồn thu
Việc đó là xấu hay tốt? Phải nói rằng nó không xấu mà cũng chẳng tốt. Cần hiểu tại sao các nước hay vùng lãnh thổ này được gọi là thiên đường thuế. Đó là những nơi họ hầu như không thu thuế thu nhập doanh nghiệp (DN). Vì thế, các công ty đăng ký kinh doanh tại đây nếu có lãi thì hầu như không phải đóng thuế. Đó là chính sách của họ. Tại một số nơi, mức thuế này bằng 0 (ví dụ British Virgin Island - BVI, Bahamas, Cayman Islands), một số nơi thì mức thuế này thấp (ví dụ: Qatar chỉ 10%, Singapore 17% hay Hồng Kông 16,5%). Ngay cả như ở Mỹ, các tiểu bang cũng có mức thuế đánh vào DN khác nhau và có một số tiểu bang được coi là thiên đường thuế của Mỹ, chẳng hạn Delaware. Hơn 50% số công ty của Mỹ đăng ký ở tiểu bang này, nhiều hơn cả… số dân ở đây, theo The New York Times.

Việc các nước và vùng lãnh thổ này đặt ra mức thuế rất thấp để hấp dẫn các công ty đến đăng ký là quyền của họ và mình không can thiệp được. Điều mà người ta quan tâm liên quan đến hồ sơ Panama nói riêng hay việc các cá nhân hoặc công ty nắm các công ty đăng ký ở các thiên đường thuế nói chung là: Thứ nhất, tiền mà họ đầu tư vào các công ty này đến từ đâu (minh bạch về nguồn tiền); thứ hai, họ có khai báo việc sở hữu các công ty này không, từ đó họ có đóng thuế thu nhập trên nguồn thu từ các công ty này hay không (thực hiện nghĩa vụ thuế).

Báo chí thế giới ồn ào thời gian qua liên quan đến hồ sơ Panama cũng chủ yếu xoay quanh những vấn đề đó. Trong một số trường hợp, nó chỉ ra rằng các quan chức hóa ra có nhiều tiền không khai báo quá - vì họ sở hữu những công ty lớn đăng ký ở các thiên đường thuế. Trong một số trường hợp khác, nó hàm ý những vị quan chức này che giấu các nguồn thu kiếm được từ nước ngoài, và vì thế đã trốn việc đóng thuế thu nhập cá nhân trên các nguồn thu này.

Câu chuyện chỉ có vậy. Bản chất việc có tên trong hồ sơ Panama chưa hẳn có tội lỗi gì cả. Nếu có tội lỗi thì nằm ở 2 vấn đề nêu trên.

Phải có cách chống chuyển giá
Theo quy định của Việt Nam, việc DN đầu tư ra nước ngoài là không vi phạm pháp luật nhưng trong trường hợp này nên được nhìn nhận như thế nào? Và việc các DN đó có tên trong danh sách này có ảnh hưởng gì không?

DN Việt Nam được quyền đầu tư ra nước ngoài nhưng phải xin phép (theo Nghị định 83/2015/NĐ-CP) cả Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước. Một số dự án còn phải xin phép cả Thủ tướng Chính phủ. Nếu chưa được chấp thuận thì không thể chuyển tiền hợp pháp để đầu tư ra nước ngoài. Đây thuộc về vấn đề minh bạch nguồn tiền đã đề cập ở trên. Thẩm định nội dung này không khó, chỉ cần Bộ Kế hoạch - Đầu tư và/hoặc Ngân hàng Nhà nước “chiếu tướng” là ra ngay.

Vì vậy, việc có tên trong danh sách của hồ sơ Panama có ảnh hưởng gì hay không - vấn đề nằm ở chỗ các DN ở Việt Nam khi đầu tư mua sở hữu các công ty đăng ký ở các thiên đường thuế này thì có đăng ký khai báo, có làm thủ tục xin đầu tư ra nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam hay không. Nếu không làm thì đây là lúc các cơ quan nhà nước có thể “soi” vào và DN đó sẽ bị phiền phức rất nhiều.

Từ đây, vấn đề đặt ra là có nên thay đổi chính sách nào về quản lý, đầu tư ra nước ngoài để tránh tình trạng DN đăng ký hoạt động ở những nơi thiên đường thuế và trốn thuế?

Việc các công ty đăng ký ở những thiên đường thuế là bình thường. Trên thực tế, tuyệt đại đa số các DN nước ngoài và quỹ đầu tư quốc tế khi vào Việt Nam thường dùng các pháp nhân ở những thiên đường thuế. Với việc Việt Nam cho phép DN Việt đầu tư ra nước ngoài thì DN Việt đương nhiên cũng sẽ thành lập pháp nhân ở các thiên đường thuế. Mình không cấm được và cũng không nên cấm. Hiện Việt Nam cũng siết rất chặt các quy định về cấp phép đầu tư nước ngoài và cũng khó lòng có thể siết chặt hơn nữa.

Thế thì vấn đề chính nằm ở chỗ nào? Nó nằm ở chỗ chuyển giá. Tức là thay vì để DN mình có lãi ở Việt Nam thì họ thông qua các hợp đồng cung ứng hàng hóa, và dịch vụ (giá cả được đội cao lên) ký với các pháp nhân ở thiên đường thuế, họ sẽ làm cho DN của họ ở Việt Nam không có lãi hoặc lãi ít. Lợi nhuận thật được chuyển ra các công ty đăng ký ở thiên đường thuế, nơi mà họ không phải trả thuế thu nhập DN.

Chuyển giá cũng là hoạt động phổ biến của các DN trên thế giới. Quan tâm của các DN đương nhiên là sẽ luôn tìm cách đóng thuế càng ít càng tốt, miễn là đúng pháp luật.

Do đó, vấn đề của Việt Nam cũng như của mọi quốc gia khác trên thế giới là có quy định pháp luật chặt chẽ để chống chuyển giá. Dựa vào các quy định này, DN sẽ biết “giới hạn” để dừng, và nhà nước cũng chống được việc thất thu thuế.

T.Phương - T.Hà
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#10
Người Việt có tên trong "Hồ sơ Panama" lên tiếng

Tin 24h - Theo dữ liệu mà Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa công bố có 189 cá nhân, tổ chức có liên quan đến Việt Nam.


Có nhiều người Việt có tên trong hồ sơ Panama trên website của Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ). Ảnh chụp màn hình

“Việc chúng tôi mua lại các công ty này vào năm 2005 cũng là bình thường. Chúng tôi là các nhà đầu tư mới thay thế cho các nhà đầu tư trước đó. Do Công ty Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossad tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường. Cũng như các cá nhân là lãnh đạo của công ty chúng tôi như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, và ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sovico, chồng bà Thảo) thì cũng xuất hiện theo” - lãnh đạo công ty cho hay.

Công ty này cũng cho rằng không ngạc nhiên khi bên cạnh Furama Resort còn có địa chỉ một số khách sạn nước ngoài khác tại Việt Nam cũng như tên một số cá nhân khác. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài có những mô hình đầu tư và cử người lãnh đạo tương đối giống nhau.

Ngoài ra, do Sovico đã mua lại Furama Resort nên không chỉ có bà Thảo, ông Hùng mà ông Nguyễn Cảnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Sovico Corporation đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ariyana (chủ đầu tư dự án Furama Villas), cũng có tên trong hồ sơ Panama.

“Không liên quan đến trốn thuế, rửa tiền”
Về việc trong hồ sơ Panama có tên ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), phía công ty cũng đã phát đi thông cáo báo chí.

Theo đó, công ty này khẳng định việc một công ty đầu tư ra nước ngoài khi đã được cơ quan quản lý cấp phép là hoàn toàn bình thường, minh bạch, và tuân theo quy định của pháp luật, và không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các hành vi trốn thuế, rửa tiền hay bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào khác.

Cũng theo thông cáo báo chí, SSI cho biết việc xuất hiện trong danh sách hồ sơ Panama không đồng nghĩa với việc công ty và các đại diện pháp lý đã có hành vi liên quan đến trốn thuế hay rửa tiền.

Thông cáo cho biết thêm, SSI và Công ty TNHH Nguyễn Duy Hưng hiện là hai thành viên góp vốn của Quỹ đầu tư thành viên SSI do Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) quản lý. SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận để thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

SSIAM thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam cũng như tại nước sở tại - nơi SSIAM thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. “Hiện tại cũng chưa có bất kỳ quốc gia nào cấm hành động mở công ty ở nước ngoài để quản lý tài sản. Rất nhiều quỹ đầu tư, cả ở Việt Nam và thế giới sử dụng các công ty ở nước ngoài làm pháp nhân cho các hoạt động kinh doanh của mình” - thông cáo cho biết.

Chân Luận
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#11
Huy động vốn đa cấp mở… quán nhậu

TT - Với mức vốn hợp tác thấp, Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Thái Tuấn đang dùng đủ chiêu trò huy động vốn của người dân theo hình thức đa cấp để mở các quán nhậu bình dân, karaoke...


Một quán nhậu bình dân của Thái Tuấn tại TP.HCM

Theo hướng dẫn của một người đã tham gia hợp tác với công ty này, trong vai khách hàng đầu tư, chúng tôi đến văn phòng có địa chỉ trên đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình, TP.HCM tham dự cuộc gặp gỡ các nhà hợp tác. Nơi diễn ra hội thảo là một căn phòng khoảng 50 m2 với 2 dãy ghế sắt.
Hơn 50.000 người hợp tác?

Buổi hội thảo hôm ấy để công bố gói đầu tư mới với số tiền 5 triệu đồng. Ngay phần mở đầu, người dẫn chương trình giới thiệu: “Thái Tuấn đã có văn phòng tại 30 tỉnh thành lớn trong cả nước, tập trung ở bắc - trung - nam. Hiện có 10 nhà hàng mang thương hiệu Phố Đêm, 1 quán cà phê tại Buôn Ma Thuột, 1 khách sạn 2 sao tại Ninh Bình, 100 ô tô cho thuê trên cả nước, 1 garage ô tô, các cơ sở sản xuất nước suối, khăn lạnh, xưởng gỗ... Xây dựng nhiều dự án bất động sản như đất nền phân lô, chung cư bình dân, biệt thự sân vườn… Sau hơn 1 năm, chúng tôi đã có hơn 50.000 người hợp tác...”.

Trên thực tế, trước khi vào hội thảo này, một “người hợp tác” tên Bình cũng đã “thuyết minh” rất chi tiết với chúng tôi về gói hợp tác 5 triệu đồng. Bình nói, chỉ với 5 triệu đồng, sau hơn 4 tháng “người hợp tác” bắt đầu được hoàn tiền trong 12 tháng liên tục với số tiền 417.000 đồng/tháng, kèm theo nhiều quyền lợi như sở hữu một thẻ giảm giá 15% khi sử dụng các dịch vụ của công ty như ăn uống tại Phố Đêm; khi giới thiệu bạn bè sử dụng các dịch vụ thì sẽ nhận được 10% số tiền mà bạn bè thanh toán cho công ty; được tặng một thẻ mua hàng trị giá 10 triệu đồng... Nếu là cổ đông góp vốn 100 triệu đồng sẽ được chia lợi nhuận 5%/tháng, 200 triệu đồng là 7%, 500 triệu đồng là 10% và góp 1 tỉ đồng là 15%.

Nhưng người này bảo “đó mới chỉ là những quyền lợi nhỏ”, nếu chúng tôi tham gia vào phát triển hệ thống sẽ kiếm được nhiều tiền, thu hồi tiền nhanh hơn là tham gia góp vốn vào cổ đông chỉ nhận tiền chia lợi nhuận. Cụ thể, sẽ nhận được 10% khi giới thiệu được một người khác tham gia gói 5 triệu đồng. Số người giới thiệu sau sẽ được chia thành 2 khu vực, khi số lượng mỗi bên lên 30 người, công ty trả thưởng hơn 20 triệu đồng; lên mỗi bên 50 người, tiền thưởng hơn 30 triệu đồng; lên mỗi bên 100 người, tiền thưởng lên 50 triệu đồng và sẽ được kết nạp vào “Câu lạc bộ kinh doanh”, được chia lợi nhuận 5% toàn quốc. Cứ một chu trình như vậy “người hợp tác” sẽ lấy về tổng cộng 110 triệu đồng, 5 lần tái lại chu trình trên sẽ được tặng xe ô tô, biệt thự.

Tại hội thảo, ông Đỗ Hạnh, Giám đốc tiếp thị công ty kiêm Phó giám đốc điều hành miền Nam - cũng thao thao với những kế hoạch phát triển của công ty. Theo ông Hạnh, giữa năm 2015, công ty xây dựng được 5.000 “người hợp tác” nhưng sau một năm con số đã vượt 50.000 người, dự kiến đến năm 2025 sẽ lên 500.000 - 1 triệu người. “Khi đó, chỉ cần một gia đình mỗi tháng sử dụng dịch vụ ăn uống của hệ thống, công ty sẽ có doanh số 500 - 1.000 tỉ đồng. Mỗi người hợp tác giới thiệu 10 người sử dụng, số lượng khách vãng lai sẽ lên đến 5 - 10 triệu người, mỗi người chỉ cần sử dụng 500.000 đồng, công ty sẽ có doanh thu từ 2.500 - 5.000 tỉ đồng. Đối với bất động sản, sẽ có 100.000 lô đất, 10.000 căn hộ, 2.000 căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại...”, ông Hạnh vẽ ra tương lai xán lạn nhưng trong suốt buổi hội thảo, hình ảnh trình chiếu chỉ là những hình ảnh minh họa, không biết những dự án bất động sản này ở địa chỉ cụ thể nào. Sau khi tham khảo website công ty, chúng tôi tìm đến một địa chỉ mà công ty giới thiệu là nhà hàng Phố Đêm trên đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM). Đây thật ra là quán nhậu bình dân đúng hơn là nhà hàng.

Huy động vốn trái phép
Mặc dù hợp đồng ghi “Đây không phải hợp đồng đầu tư tài chính hay huy động vốn” thế nhưng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, mô hình này là hình thức huy động vốn đầu tư đa cấp. “Việc lách qua hình thức hợp tác đầu tư vào các quán nhậu hết sức rủi ro. Một dự án đầu tư phải có những phân tích cụ thể về các mức độ rủi ro, về thị trường, báo cáo tài chính nhưng ở đây không có, chỉ có những hứa hẹn về quyền lợi, về chia thưởng...”, chuyên gia này cảnh báo.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích theo luật Đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Ở đây, công ty ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh chưa có lợi nhuận đã chia hoa hồng, chia thưởng. Như vậy, việc chia này không phụ thuộc vào lợi nhuận của công ty. Theo hướng dẫn của cơ quan thuế, việc góp vốn này có dấu hiệu cho vay, bản chất là huy động vốn. Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh của công ty trái quy định trong luật Đầu tư, còn trong trường hợp huy động vốn thì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo luật Tổ chức tín dụng và phải được sự cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.

Phân tích thêm về hợp đồng mà công ty ký với “người hợp tác”, ông Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh - Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chỉ rõ: “Điều 6 ghi thời gian hoàn vốn kéo dài là 12 tháng. Trong trường hợp công ty điều chỉnh hoạt động kinh doanh cho phù hợp với tình hình kinh tế thị trường thì công ty sẽ có thông báo cho người hợp tác trước 3 ngày bằng văn bản và thời gian hoàn vốn có thể kéo dài hơn 12 tháng”. Vậy thời gian kéo dài hơn 12 tháng là bao lâu, công ty đảm bảo số tiền gốc cho “người hợp tác” bằng cách nào? Hợp đồng cũng không nêu rõ hợp tác xây dựng kinh doanh ở địa chỉ nào, dự án nào sẽ rất khó xác định được số tiền hợp tác, góp vốn của người dân đầu tư vào đâu, hợp pháp hay cơ sở kinh doanh đó là của người khác...

Theo tài liệu của chúng tôi, khi số lượng “người hợp tác” ở một khu vực lên 300 - 500 người, công ty sẽ thực hiện mở một quán nhậu bình dân mang tên Phố Đêm. Một điểm dễ nhận ra ở mô hình kinh doanh của công ty này đó là “người hợp tác” cũng là nhân viên của công ty và cũng là khách hàng của công ty.

Thanh Xuân
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#12
Bỗng nhiên cõng nợ ngân hàng

TT - Không ít người đứng ra vay tiền giùm bạn bè, người thân hoặc bảo lãnh vay tiền... bỗng nhiên đến một ngày bị ngân hàng ráo riết đòi nợ.


Ảnh minh họa -Nguồn: Internet

Hoàng Thanh, một bạn trẻ ngụ Q.Tân Bình (TP.HCM), kể lại câu chuyện của mình mà nhiều người cứ ngỡ là chuyện đùa. Đầu năm 2016, khi chuyển sang công ty mới có trả lương qua tài khoản của ngân hàng (NH) thương mại cổ phần T., bỗng nhiên Thanh nhận được thông báo rằng cô đang còn nợ NH cả gốc lẫn lãi gần 100 triệu đồng. Vì vậy, từ nay lương tháng của cô sẽ bị NH tự động trừ dần cho khoản nợ nêu trên. Thanh thực sự bị sốc vì không biết mình vay nợ khi nào, liền vội đến NH tìm hiểu. Sau khi làm việc trực tiếp với phía NH, Thanh mới nhớ mấy năm trước có ký vay nợ giùm một người bạn.

“Lúc đó bạn gặp khó khăn và năn nỉ đứng ra ký giấy vay nợ giùm vì tôi đang có việc làm, còn cô ấy thất nghiệp. Cô ấy hứa sẽ trả nợ đầy đủ, không để tôi bị liên lụy nên tôi đồng ý. Sau đó hơn một năm, vì chuyển công việc và nhà trọ nên tôi không gặp lại cô bạn ấy. Nhưng đúng là suốt hơn một năm tôi không được thông báo gì từ phía NH nên nghĩ bạn đã trả nợ đủ. Giờ bạn không biết ở đâu, điện thoại thì không liên lạc được”, Thanh nói và chia sẻ: “Đây là bài học nhớ đời với cái giá phải trả quá đắt cho tôi vì tin bạn”.

Tương tự, cũng vì cả nể gia đình anh họ mà vợ chồng chị Ngọc Lan (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã đồng ý đưa giấy tờ nhà đang ở cho anh ta mang thế chấp NH vay 400 triệu đồng. Mọi việc khá suôn sẻ trong nửa năm đầu tiên, sau đó gia đình anh họ kinh doanh thua lỗ và không còn khả năng trả nợ cả gốc lẫn lãi vay NH. Từ đó, vợ chồng chị Ngọc phải chạy đôn chạy đáo trả nợ thay để khỏi bị rơi vào cảnh ra đường ở vì bị siết nhà.

Quá nhiều rủi ro
Theo các chuyên gia tài chính, vay tiền giùm hay bảo lãnh vay đều có quá nhiều rủi ro. “Từ khi bạn đồng ý và đặt bút ký hợp đồng vay như trường hợp chị Thanh, bạn sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với khoản vay này. Tương tự là trường hợp của vợ chồng chị Ngọc Lan, khi người vay mất khả năng chi trả thì người bảo lãnh phải có trách nhiệm trả nợ thay. Nếu không thì chuyện mất nhà, mất tài sản thế chấp vì bị NH sẽ phát mãi do nợ quá hạn là tất yếu”, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing phân tích.

Chưa hết, theo TS Thuận, bản thân chị Thanh hay vợ chồng chị Lan đều bị NH đưa vào danh sách nhóm khách hàng có rủi ro vì nợ quá hạn, nợ xấu có khả năng mất vốn. Đó là chưa kể khi được bảo lãnh, người đi vay sẽ chủ quan, không sử dụng tiền vay đúng mục đích và nguy cơ người bảo lãnh ôm nợ rất cao. Vì vậy, khi đứng ra vay giùm hay bảo lãnh vay nợ, cần phải xem xét kỹ nhiều yếu tố như khả năng chi trả của người nhờ vay như nguồn thu nhập có ổn định, giá trị tài sản do người đó đứng tên, mục đích thực sự sử dụng khoản vay là gì... đồng thời phải tính đến tình huống xấu nhất là mình có thể trả nợ thay được hay không...

“Danh sách các khách hàng hiện nay đều đưa lên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia VN (CIC) để các NH tham khảo trước khi cho vay. Do đó, nếu khách hàng có lịch sử tín dụng xấu thì sau đó thường sẽ bị các NH từ chối cho vay hoặc yêu cầu những điều kiện đảm bảo nhiều hơn so với khách hàng không bị đưa vào danh sách đen. Điều này là thiệt thòi cho khách hàng khi có nhu cầu vay vốn. Vì vậy, cần cân nhắc trước khi đặt bút ký vào hợp đồng vay tiền dù cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào, nếu không muốn gánh một khoản nợ từ trên trời rơi xuống”, TS Thuận khuyến cáo.

Thảo Vy
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#13
Mua thực phẩm “sạch” như bị… móc túi

TP - Thông tin rau nhiễm sán, thịt bò điên, mực ống nhựa, thịt lợn nhiễm chất cấm... khiến người tiêu dùng lo lắng. Trong khi đó, tìm đến siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm sạch, mối lo của bà nội trợ là chi phí đắt đỏ.


Một cửa hàng trong hệ thống Satrafoods của Vissan. Ảnh: tư liệu

Thực phẩm sạch “một mình một giá”
Trước những thông tin về thực phẩm bẩn khiến người tiêu dùng lo âu, nghi kỵ về mọi mặt, nhiều cửa hàng, siêu thị mini kinh doanh hàng thực phẩm sạch đã nhanh chóng mọc lên.

Từ quả mướp đắng, cải bó xôi, dưa chuột, rau lang, xà lách, cải ngọt, hành, bí, vú sữa, ổi, thanh long, tới cá trắm, gạo, đậu phụ, thịt lợn, cá hồi… đều gắn mác “sạch” và nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua được thực phẩm mà mình cho là sạch.

Chị Mai Phương (Mễ Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Hôm trước tôi vừa mua 2kg cải thảo, 1kg thanh long, một khúc cá trắm sạch và vài thứ lặt vặt, thế mà cũng “đi tong” gần 1 triệu đồng”.

Theo kinh nghiệm của chị Phương, thực phẩm được phân chia thành 4 cấp: Rẻ nhất là thực phẩm bán ngoài chợ cóc, sau đó là chợ lớn, siêu thị rồi cuối cùng là các cửa hàng thực phẩm sạch.

Ví dụ: ngoài chợ bắp cải giá 8.000 đồng/kg, siêu thị bán 15.000 đồng/kg thì trong các cửa hàng thực phẩm sạch giá lên tới 32.000 đồng/kg; cải bó xôi ngoài chợ bán 7.000 đồng/kg, siêu thị 16.000 đồng/kg thì cửa hàng rau sạch giá 32.000 đồng/kg; xà lách ngoài chợ giá 10.000 đồng/kg, siêu thị 16.000 đồng/kg thì cửa hàng rau sạch lên tới 50.000 đồng/kg.

Đối với thịt, thủy hải sản tươi sống, các cửa hàng thực phẩm sạch cũng "chặt chém" không thương tiếc. Cụ thể, ngoài chợ cá trắm trắng cắt khúc giá 70.000 đồng/kg thì cửa hàng thực phẩm sạch bán tới 175.000 đồng/kg; tôm sú ngoài chợ bán 400.000 đồng/kg thì trong cửa hàng giá gần 600.000 đồng/kg.

Dù biết thực phẩm sạch tốt hơn cho sức khỏe nhưng với giá bán “trên trời”, “một mình một giá” như hiện nay, nhiều người cũng khá bức xúc.

Chị Phạm Thương - một nhân viên ngân hàng ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Thu nhập của gia đình tôi không thấp, song nếu để ý kỹ, giá thực phẩm ở cửa hàng sạch rất vô lý. Có hôm mua vài món hàng mà hết cả triệu đồng, cứ như bị… móc túi”.

Bỏ tiền để mua... niềm tin
Anh Lưu Minh - một chủ cửa hàng thực phẩm sạch ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, anh có nhiều bạn bè đầu tư tiền của mở cửa hàng thực phẩm sạch. Người chuyên về rau quả, người chuyên về thịt cá, trong đó có người bỏ cả vài tỷ đồng ra đầu tư nhưng cũng có người chỉ 50 triệu hay 100 triệu đồng.

“Cửa hàng thực phẩm sạch hiện nay xuất hiện nhan nhản trên phố mà người dân đều mua bằng… niềm tin chứ không dựa vào cửa hàng lớn hay nhỏ. Đôi khi chỉ cần một cửa hàng trong ngõ hẻm nhưng có uy tín, khách vẫn tấp nập vào mua và ngược lại, cửa hàng ngoài phố lớn chưa chắc đã hút khách nếu như không đủ độ tin tưởng”- anh Minh chia sẻ.

Theo anh Minh, mấy năm trước bản thân anh đã từng bắt tay vào kinh doanh thực phẩm sạch với số vốn 20 triệu đồng. Anh lên Hòa Bình bắt lợn của người dân trong bản, nhờ họ giết thịt rồi đóng thùng lạnh gửi xe khách về Hà Nội để bán tại nhà, mỗi lần 1-2 con tùy số lượng khách đặt hàng.

Sau một thời gian, thấy phản hồi của khách rất tốt, lượng khách đặt mua mỗi ngày một tăng anh mới tìm địa điểm mở rộng cửa hàng của mình, đồng thời cung ứng đa dạng sản phẩm hơn từ rau củ cho đến hoa quả, thịt cá.

“Nói thế không có nghĩa là khuyên các bạn nên làm ăn nhỏ. Nhưng các bạn phải hiểu rằng, để mở một hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch lớn cần có nguồn cung cấp cực kỳ dồi dào, và đảm bảo độ tin cậy” – anh Minh cho biết.

Theo kinh nghiệm của anh Minh, nếu chỉ tìm kiếm được vài ba mối lấy thực phẩm sạch ở quê hay của người quen thì hãy nên bắt đầu từ cửa hàng nhỏ để tìm kiếm khách, sau đó mở rộng dần cũng không quá muộn.

Trong khi rất nhiều người như anh Minh gặt hái được thành công thì cũng có không ít cửa hàng rau sạch, thực phẩm sạch mở ra nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động phải lặng lẽ đóng cửa.

Ông Võ Minh Khải - Giám đốc Công ty Viễn Phú, đơn vị sản xuất gạo hữu cơ thương hiệu Hoa Sữa, cho rằng, Việt Nam đang thiếu hẳn một cơ chế để bảo vệ những người làm ăn đàng hoàng, đầu tư bài bản.

Bất cứ ai bán rau cũng có thể tuyên bố họ bán rau sạch, rau hữu cơ mặc dù họ không có vùng trồng, không có chứng nhận nào cho thấy họ làm rau hữu cơ. Như vậy là lập lờ với khách hàng, và làm ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính.

Theo Dân Việt
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#14
Tội phạm mạng chuyển từ phá hoại sang "làm kinh tế"

ANTĐ - Hiện nay, các ngân hàng tại Việt Nam đã đầu tư những khoản kinh phí lớn dành cho vấn đề bảo mật. Tuy nhiên, qua vụ việc của vừa xảy ra tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), cho thấy, tin tặc đã có bước triển khai các thủ đoạn mới để xâm nhập vào hệ thống của các ngân hàng.


Cần đầu tư đồng bộ cho hệ thống an ninh mạng của ngân hàng

Giống như hầu hết các lĩnh vực khác, dịch vụ ngân hàng đang được đẩy mạnh bởi sự quan tâm của khách hàng toàn cầu. Khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng thông qua nhiều kênh khác nhau như thiết bị di động, mạng xã hội... Cùng với việc tương tác tăng lên trong nhiều kênh, rủi ro bị đánh cắp thông tin càng tăng.

Thực tế, thống kê của một hãng phần mềm ghi nhận, mỗi năm, trên toàn thế giới, có gần 2 triệu cuộc tấn công bằng mã độc nhằm lấy cắp tiền thông qua dịch vụ online banking, trong đó Việt Nam đứng thứ tám thế giới về danh sách người dùng bị ảnh hưởng.

Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav cho biết, từ cuối năm 2015, đơn vị này đã nhận định, tấn công mạng nhằm mục đích thu lợi về kinh tế sẽ trở thành xu hướng chính của tội phạm mạng trong năm 2016. Tội phạm mạng đang chuyển dần từ phá hoại đơn thuần để “ghi điểm”, “ghi danh” sang tấn công để trục lợi về kinh tế, tài chính và các lợi ích khác. Xu hướng này đã chứng minh khi cách đây không lâu, một ngân hàng lớn của Bangladesh đã bị tin tặc tấn công, và mới đây là TPBank của Việt Nam. Trước đó, ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ cũng bị tấn công.

Các chuyên gia cũng cho rằng, ngân hàng ở các nước đang phát triển như Việt Nam là đối tượng hàng đầu cho các cuộc tấn công mạng bởi các ngân hàng này vẫn thiếu nguồn nhân lực để tạo ra hệ thống “tường lửa” hiệu quả nhằm chống lại các cuộc tấn công mạng.

“Dù đã TPBank ngăn chặn được cuộc tấn công nhưng vụ việc cũng cho thấy, tin tặc đã có thể xâm nhập vào hệ thống của ngân hàng. Việc phòng chống các cuộc tấn công vào hệ thống ngân hàng không hề đơn giản. Các nước đi đầu trong an ninh mạng cũng bị tấn công. Theo thông báo của tổ chức Swift (một hiệp hội có thành viên là các ngân hàng và tổ chức tài chính trên phạm vi toàn cầu), hacker tấn công vào các ngân hàng chủ yếu thông qua lỗ hổng của các hệ thống. Điều này chứng tỏ công tác đảm bảo an ninh ngân hàng cần được rà soát thường xuyên hơn nữa”- ông Ngô Tuấn Anh nói.

Đánh giá về mức độ an toàn, an ninh mạng tại các ngân hàng của Việt Nam hiện nay, đại diện Bkav cho rằng, đa số các ngân hàng Việt Nam đều cung cấp dịch vụ trực tuyến cho khách hàng nên đã đầu tư, trang bị giải pháp an ninh. Tuy nhiên, mức độ, khả năng bảo mật không đồng đều, không toàn diện.

Ví dụ, có ngân hàng trang bị mua sắm thiết bị, giải pháp khá đủ nhưng lại chưa có nguyên tắc hợp lý để đảm bảo tài sản, dữ liệu thông tin. Bên cạnh đó, không phải ngân hàng nào cũng có đội ngũ nhân lực có đủ trình độ, ý thức vận hành, tuân thủ quy trình an ninh của hệ thống nên có thể không phát hiện hoặc chậm phát hiện các rủi ro. Để giải quyết vấn đề này, các ngân hàng nên nhờ đơn vị chuyên về an ninh, an toàn, bảo mật để tư vấn.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, không có hệ thống công nghệ nào đảm bảo an ninh tuyệt đối, những rủi ro luôn tiềm ẩn. Khi đã kết nối vào hệ thống, nguy cơ bị tấn công bởi tội phạm mạng đối với ngân hàng, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước… là như nhau. Tuy nhiên, hệ thống tốt sẽ giảm thiểu rủi ro. Ngay cả trong trường hợp có sự cố, hệ thống tốt sẽ phát hiện sớm và khắc phục kịp thời, để hậu quả xảy ra ít nhất. “Tốt nhất là các ngân hàng tại Việt Nam nên rà soát quy trình đảm bảo an ninh tuân theo các tiêu chuẩn đã được nhiều nước trên thế giới thừa nhận rộng rãi” – chuyên gia của Bkav nói.

Ghi nhận từ đầu năm 2016 đến nay cho thấy, trung bình 1 ngày, Việt Nam có 30-40 website bị tấn công. Tỷ lệ website có lỗ hổng để hacker khai thác là từ 30-40%. Đây là tỷ lệ khá cao so với mức trung bình của thế giới.

Hà Linh - Anh Tú
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#15
Mua hàng Nhật, 
nhận hàng Trung Quốc?

TT - Cho rằng mình đặt mua máy in (loại dùng trong công nghiệp) “xuất xứ từ Nhật Bản” nhưng nhận về máy “made in China”, Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn (Saigonbook) đã đưa nhà cung cấp ra tòa để đòi quyền lợi.


Ông Lương Vĩnh Kim bên máy in xuất xứ từ Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản như thỏa thuận mua bán trong hợp đồng - Ảnh: L.S.

Tuy nhiên, dựa vào chứng cứ do các bên cung cấp trong phiên xử vào cuối tháng 4 vừa qua, hội đồng xét xử TAND Q.3, TP.HCM xác định cả nhà cung cấp, và người mua đều có lỗi, đồng thời tuyên xử hợp đồng mua bán giữa các bên bị vô hiệu. Không đồng tình với kết luận này, ông Lương Vĩnh Kim - giám đốc Saigonbook - cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo để đòi quyền lợi.

Hàng Trung Quốc hay Nhật?
Chỉ tay về phía máy in Konica Minolta C1100 giá trị hàng tỉ đồng bị “trùm mền”, ông Kim cho biết máy này được mua của Công ty TNHH TM-TV-KT Sao Nam (Công ty Sao Nam) với giá trên 3,4 tỉ đồng sau khi được khuyến mãi 20%.

Trong khi đó, một máy in cùng loại cũng của Konica Minolta sản xuất được mua của một công ty phân phối khác với giá chưa đến 1,3 tỉ đồng.

Trước đó, theo ông Kim, sau khi tiếp nhận máy in C1100 mua của Công ty Sao Nam, Saigonbook đã thông báo với các khách hàng, đối tác nhằm quảng bá công nghệ hiện đại cùng loại hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, các đối tác đồng loạt phản hồi việc ông mua máy với giá quá cao khiến giá in ấn cũng bị đẩy lên.

Tá hỏa, ông Kim tìm hiểu lại giá cả từ các đối tác từng mua sản phẩm này mới biết mình bị “mua hố”. Không những bị mua đắt hơn hơn 2 tỉ đồng, sản phẩm ông nhận được có xuất xứ từ Trung Quốc, thay vì sản xuất tại Nhật Bản như trong hợp đồng.

Cụ thể, do nghi ngờ máy mình mua không phải hàng Nhật, ông Kim nhờ Văn phòng thừa phát lại Quận Gò Vấp mở máy ra kiểm tra, và lập vi bằng (ngày 27-1-2016), kết quả cho thấy phần thân máy cùng các phụ kiện đều có xuất xứ Trung Quốc, thay vì Nhật Bản như cam kết trong hợp đồng.

“Tôi chấp nhận bỏ tiền tỉ vì nghĩ rằng mua máy của Nhật, nếu máy Trung Quốc không bao giờ tôi mua” - ông Kim nói. Quá bức xúc, ông Kim đã khởi kiện nhà cung cấp này để đòi bồi thường với cáo buộc bán hàng giá cao, không đúng xuất xứ, lừa dối về bảo hành, khuyến mãi, chất lượng, và dịch vụ liên quan.

Lỗi do không kiểm tra?
Tuy nhiên, trong phiên xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân quận 3, TP.HCM vừa qua, đại diện Công ty Sao Nam phủ nhận các cáo buộc của Saigonbook.

Theo Công ty Sao Nam, tại thời điểm thanh toán đợt 2 theo hợp đồng đã ký trước đó (HĐ 038), do Saigonbook không đủ khả năng tài chính nên đã tìm kiếm nguồn hỗ trợ thông qua hình thức thuê mua tài sản tại ACBL, và đã ký hợp đồng thuê mua tài chính, trong đó ACBL sẽ mua và cho Saigonbook thuê lại máy in C1100.

Do đó, theo Công ty Sao Nam, hợp đồng ký kết ban đầu giữa đơn vị này, và Saigonbook mặc nhiên được chấm dứt, và hết hiệu lực thi hành.

Theo Công ty Sao Nam, việc Saigonbook khởi kiện Sao Nam về HĐ 038 là không có căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Công ty Sao Nam cũng phủ nhận việc lừa dối về giá cũng như khuyến mãi với lý do giá cả mua bán giữa hai bên đều trên tinh thần tự nguyện. Việc Sao Nam giảm giá 20% (tương đương 800 triệu đồng) là đúng sự thực, phía công ty cũng không cam kết sau khi giảm giá sản phẩm sẽ rẻ hơn khi mua ở công ty cung cấp khác.

Cũng theo Công ty Sao Nam, tại hợp đồng 038, Sao Nam, và Saigonbook không đề cập đến xuất xứ mà chỉ ghi là hàng nhập khẩu 100% do Konica Minolta sản xuất.

Tuy nhiên, sau khi thương vụ này chuyển cho ACBL, ACBL đã soạn thảo hợp đồng, và tự thêm chi tiết xuất xứ Nhật Bản vào hợp đồng.

Theo Sao Nam, các bên đã sai khi không kiểm tra lại thông tin này! Hơn nữa, trong bộ chứng từ do Sao Nam nhập khẩu cung cấp cho Saigonbook có thể hiện xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, Sao Nam cho rằng không lừa dối về xuất xứ hàng hóa.

Ngoài ra, trong hợp đồng cũng nêu rõ trách nhiệm kiểm tra tài sản khi bàn giao thuộc về Saigonbook, do đó việc không kiểm tra là lỗi của Saigonbook.

Gây nhầm lẫn cho khách hàng
Cũng tại phiên tòa, căn cứ vào trình bày của các bên, hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân quận 3 kết luận rằng giá cả sản phẩm cũng như chính sách khuyến mãi do các bên tự nguyện thỏa thuận và quyết định, điều này phù hợp với Luật thương mại.

Những thông tin về chênh lệch giá bán do Saigonbook đưa ra không phải nguồn chứng cứ do không phù hợp với Bộ luật tố tụng.

Riêng với cáo buộc về xuất xứ hàng hóa, hội đồng xét xử khẳng định máy in do Công ty Sao Nam bán cho Saigonbook có xuất xứ từ Trung Quốc. Việc Công ty Sao Nam không nói rõ xuất xứ hàng hóa trong bản chào giá gửi cho Saigonbook, cũng như không thông tin cho Saigonbook trước khi ký thỏa thuận mua bán máy là vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, trong đó có nội dung bắt buộc phải thể hiện rõ xuất xứ trên nhãn hàng hóa.

Trong khi đó, tại hợp đồng 03 (thay thế hợp đồng 038) và phụ lục hợp đồng có thể hiện máy có xuất xứ là Nhật Bản, gây nhầm lẫn cho Saigonbook.

Tuy nhiên, theo hội đồng xét xử, phía Saigonbook cũng có lỗi khi không kiểm tra thông tin máy khi được bàn giao.

Do đó, tòa xác định cả phía Công ty Sao Nam và Saigonbook đều có lỗi, đồng thời tuyên xử hợp đồng mua bán giữa các bên bị vô hiệu do nhầm lẫn.

Nhà cung cấp mâu thuẫn?
Trao đổi với chúng tôi, ông Kim bức xúc cho rằng trong khi xác định hợp đồng ký kết ban đầu (038) không có giá trị và chỉ thừa nhận giá trị của hợp đồng ba bên (HĐ 03), nhưng nhà cung cấp lại viện dẫn thông tin trong HĐ 038 không thể hiện nội dung hàng hóa xuất xứ tại Nhật Bản để từ chối trách nhiệm.

Trong khi thừa nhận giá trị của HĐ 03 nhưng lại cho rằng nội dung thể hiện hàng hóa xuất xứ từ Nhật Bản là... nhầm lẫn! “Điều đó quá mâu thuẫn, chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cáo”, ông Kim cho biết.

Lê Sơn
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#16
​Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam

TT - Theo công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan ngày 20-5, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa VN và Hoa Kỳ trong 10 năm trở lại đây luôn đạt mức tăng trưởng cao.


Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty cổ phần công nghiệp Đông Hưng (thị xã Dĩ An, Bình Dương) - Ảnh: Tiến Long

Tính đến cuối tháng 4-2016, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của VN (chỉ đứng sau đối tác Trung Quốc) với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 13,92 tỉ USD, chiếm 13,3% tr​ong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, tăng 13,5% so với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2015.

Cụ thể, nếu năm 2006, kim ngạch xuất nhập khẩu là 8,81 tỉ USD thì đến năm 2015 đạt 41,26 tỉ USD, tăng trưởng bình quân trên 19%/năm. Cán cân thương mại hàng hóa song phương luôn đạt mức thặng dư cao về phía VN, từ mức 8,85 tỉ USD của năm 2006 đã vọt lên 25,67 tỉ USD năm 2015.

Còn tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, mức thặng dư đạt 8,98 tỉ USD, tăng 1,48 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận trong bốn tháng đầu năm 2016, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của VN sang Mỹ hiện nay là dệt may, đạt 3,4 tỉ USD, chiếm 29,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Xếp thứ hai là điện thoại, và linh kiện, đạt 1,4 tỉ USD, dù chỉ chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng mức tăng trưởng rất mạnh, tăng đến 83,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Thứ ba là giày dép các loại, đạt 1,33 tỉ USD, chiếm 11,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó ở chiều ngược lại, VN nhập khẩu nhiều nhất từ Mỹ là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch khoảng 625 triệu USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2015, và chiếm đến 25,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.

Tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, bông các loại, đậu tương, thức ăn gia súc...

Mỹ cũng được ghi nhận là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 5 của VN, với kim ngạch ước nhập khoảng 2,47 tỉ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 4,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Nếu so với tốc độ nhập khẩu từ năm 2006 đến nay, tăng trưởng nhập khẩu của VN đối với thị trường Mỹ ước tăng bình quân 27,4%/năm, từ mức 0,98 tỉ USD của năm 2006 đã lên đến 7,79 tỉ USD năm 2015.

T.V.N
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#17
Quần áo 2.000 đồng thấm đẫm tình người ở Sài Gòn

TN - Chỉ với 2.000 đồng, người lao động nghèo ở TP.HCM có thể mua được cho mình một chiếc áo hoặc chiếc quần vừa vặn để mặc, khi tìm đến cửa hàng Hello Sunbox do các bạn trẻ thành lập.


Người lao động nghèo thấy vui với những bộ quần áo và giày dép mới rẻ như cho -Ảnh: An Huy

Tờ 2.000 đồng sẽ giúp người nghèo đổi được nhiều quà tặng giá trị như quần áo, sách, truyện...

Ấm áp từ hộp carton mặt cười
Xuất phát từ tinh thần giúp đỡ người lao động nghèo, hàng ngày phải quần quật mưu sinh nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cuộc sống. Đối với họ, mua một bộ quần áo mới, đôi dép mới không phải chuyện dễ dàng. Trong khi hiện có nhiều người khá giả hơn, những chiếc áo mới mua dùng vài lần đã bỏ.

Cửa hàng Hello Sunbox giá 2.000 được các bạn trẻ thành lập. Hằng ngày, ngoài giờ làm, các bạn dùng bìa carton gấp thành những chiếc hộp vuông có hình mặt cười đặt tại các quán cà phê để vận động quyên góp. Thành lập từ tháng 10.2015, đến nay tổ chức không ngừng lớn mạnh, và thu hút được nhiều tình nguyện viên.
Ngoài quần áo, giày dép cũ, nhóm cũng vận động quyên góp tập, sách cũ để bán lại cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Theo chị Trần Thúy Quỳnh Ngân, thành viên nhóm Hello Sunbox, thông qua mạng xã hội Facebook, nhóm đã liên lạc, vận động nhiều bạn trẻ khác ở khắp các tỉnh thành trên cả nước ủng hộ và hướng dẫn trở thành chi nhánh của cửa hàng. Từ đó, nhiều bạn đã tự chủ động đem những món đồ còn mới đến ủng hộ.

Ban đầu nhóm nghĩ nên phát miễn phí cho người nghèo, nhưng sau khi bàn bạc thì quyết định đưa ra giá 2.000 tượng trưng, để mọi người nghĩ mình đang mua chứ không phải đi xin.

Món quà của người lao động
Tại cửa hàng bán cơm từ thiện Nụ Cười 3, số 1276 Huỳnh Tân Phát (P.Phú Mỹ, Q.7), chị Nguyễn Thị Thanh (42 tuổi, quê Quảng Ngãi) nói: “Hai chiếc áo đẹp quá, thực sự là những món đồ rất quý đối với người lao động khó khăn chúng tôi. Lúc trước tôi hay mua đồ sida để mặc, giá tới 20 – 30 ngàn đồng một cái nhưng không đẹp bằng”.

Ông Trần Trọng Thức, chủ nhiệm quán Nụ Cười 3, cho biết: “Khi được nhóm bạn trẻ Sunbox ngỏ ý đặt cửa hàng quần áo từ thiện tại quán, tôi rất ủng hộ. Từ khi mở đến nay, cửa hàng nhận được ủng hộ của rất nhiều người, hầu như ngày nào cũng có người đem giày, quần áo cũ, và sách vở đến”.

An Huy
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#18
Đêm ở chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam

TN - Chợ đầu mối Bình Điền được đánh giá là chợ đầu mối lớn nhất nước. Ban đêm, cuộc sống thương hồ nơi đây gợi nhớ cảnh “trên bến dưới thuyền” sầm uất của vùng đất Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông thuở xưa.


Cảnh mua bán nhộn nhịp tại chợ đầu mối Bình Điền -Ảnh: Hoàng Việt

Sài Gòn bắt đầu vào mùa mưa. Có mặt tại chợ Bình Điền lúc 10 giờ đêm 24.5, đập vào mắt chúng tôi là hàng ngàn xe tải nằm ẩn mình dưới mưa lất phất.

Lác đác những xe tải nhỏ từ các tỉnh lân cận tấp đến ăn hàng. Mùi khói bếp, mùi thức ăn tỏa ra từ hàng quán mang lại chút ấm áp cho đêm mưa.

Lấy đêm làm ngày
Bên trong khu vực nhà lồng kinh doanh thủy hải sản đèn điện sáng choang với hàng ngàn người đang sơ chế, phân loại hàng hóa. Càng về khuya, việc mua bán càng nhộn nhịp hơn. Những chàng trai cửu vạn trẻ khỏe, mình trần trùng trục hối hả kéo những chiếc cần xé chất đầy hàng ra xe cho kịp chuyến đi.

Tranh thủ lúc rảnh tay, vài cửu vạn ngồi bệt bệ đá ngay khu vực đầy cá tôm “tiếp năng lượng” vội vàng bằng hộp cơm đạm bạc. Vừa nhai trệu trạo miếng cơm khô khốc vừa đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, một cửu vạn cười: “Công việc nặng nhọc, lấy đêm làm ngày nhưng quen rồi nên gắn bó. Cực mà vui”. Hỏi thăm người chủ hàng, bà này cho biết lương cửu vạn khoảng 250.000 - 300.000 đồng/người/đêm, trả công nhật.

Đây là mức lương được đánh giá cao hơn mặt bằng lương các chợ đầu mối khác. Tất nhiên, đồng lương của dân cửu vạn thấm đẫm mồ hôi, nhọc nhằn.

Nhưng các thương nhân cũng đâu kém vất vả. Chị Phạm Thị Minh Trân, vựa thủy sản 5 Mọi, cho biết đã kinh doanh ở đây 10 năm nay. Đều đặn ngày nào chị cũng ra chợ từ 8 giờ tối, và về đến nhà khoảng 6 giờ sáng hôm sau. “Việc chăm con ăn ngủ hầu như vợ chồng tôi giao hẳn cho người giúp việc. Ngồi chợ cả đêm, sáng về đến nhà, ông xã tranh thủ đưa con đi học, và đó là thời gian duy nhất trong ngày vợ chồng được chăm con”, chị Trân kể.

Tương tự, chị Võ Kim Phượng, chủ vựa Diễm ở khu nhà lồng thủy hải sản, kể mỗi ngày chị ra chợ từ 6 giờ tối, và về đến nhà khoảng 11 giờ trưa hôm sau. “Về đến nhà mệt mỏi là lăn ra ngủ”, chị Phượng cười hiền. Còn chủ vựa Hoa Nốt, khu nhà lồng kinh doanh rau củ quả, nói ngắn gọn: “Mỗi năm tôi chỉ được ngủ nhà 1 đêm, đó là đêm giao thừa. Còn lại, đời tôi gắn với những đêm ngồi chợ bán hàng”!

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó phòng dịch vụ, và quản lý mặt bằng, chợ Bình Điền là nơi giao thương hàng hóa của cả khu vực phía nam, và Tây nguyên (từ Ninh Thuận vào đến Cà Mau, Tây nguyên) với tổng lượng hàng rau, củ, thủy sản... về chợ mỗi ngày đêm khoảng 2.500 tấn.

Ông Hoàng cho biết: “Từ khoảng 8 giờ tối, hàng hóa từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây nguyên, Lâm Đồng tập kết về chợ. Khoảng 12 giờ đêm, chợ mua bán nhộn nhịp cho đến rạng sáng hôm sau. Từ chợ này các xe hối hả đưa hàng đi các tỉnh để phục vụ nhu cầu người dân”.

Từ tiểu thương “chợ chạy” lên thương nhân “đại gia”
Ở chợ Bình Điền, bảng hiệu đều ghi họ tên chủ vựa là thương nhân một cách trang trọng, như: thương nhân Nguyễn Văn Nở; thương nhân Võ Kim Phượng; thương nhân Lưu Tú Quyên… kèm theo đó là những “danh xưng đại gia”. “Giá thị trường mỗi vựa ở khu nhà lồng thủy hải sản này lên đến vài tỉ đồng. Một thương nhân có thể đang sở hữu 5 - 6 vựa như vậy cũng đồng nghĩa nắm trong tay tài sản hàng chục tỉ đồng”, ông Hoàng tiết lộ.

Không hẳn ai cũng biết rằng, nhiều thương nhân hiện tại bán buôn mỗi đêm hàng chục tấn hàng, doanh thu tiền tỉ, vốn xuất thân từ tiểu thương chợ... chạy. Chủ vựa Hoa Nốt cho biết, trước đây chị vốn là tiểu thương chợ Mai Xuân Thưởng (Q.6), buôn bán vỉa hè, khi có lực lượng chức năng truy quét là bưng thau, mẹt chạy. Di dời từ “chợ chạy” về đây, sau 10 năm kinh doanh, hiện vựa Hoa Nốt bán ra 20 tấn hàng/ngày đêm, có mối hàng ổn định ở TP.HCM, và các tỉnh, xây dựng được cơ nghiệp khá vững vàng. Còn thương nhân Lê Văn Giàu, người vừa được Tổng công ty Satra biểu dương là Thương nhân tiêu biểu, cho biết: “Trước đây tôi chỉ là tiểu thương chợ lẻ, buôn bán lẻ mẻ. Khi có quyết định di dời tôi lo lắng lắm, vì sợ thuyền nhỏ làm sao ra biển lớn. Nhưng rồi, sau 10 năm về đây, và có được cơ ngơi bán buôn như hôm nay, tôi thật sự tự hào, yên tâm”.

Thương nhân Triệu Vỹ Tài, chủ vựa Năm Xi khu nhà lồng kinh doanh rau củ quả, nối nghiệp buôn bán của cha mẹ.
Ông Tài nhìn nhận từ khi dời về chợ Bình Điền, việc kinh doanh phát đạt hơn hẳn. Hiện nay vựa của ông bán khoảng 10 tấn hàng/ngày đêm, nhưng quan trọng hơn là từ việc bán buôn, ông thiết lập được nhiều đầu mối rau củ quả dài hạn với số lượng lớn.

“Ban đêm bán hàng ở chợ đầu mối này, ban ngày về tôi còn giao hàng theo hợp đồng cho các đối tác với lượng hàng mỗi ngày vài tấn”, ông Tài tiết lộ, và tranh thủ lúc vắng khách mở điện thoại khoe với chúng tôi hình 2 con trai, gái đang học ở Mỹ: “Tôi chuẩn bị đi Mỹ vừa dự lễ tốt nghiệp của con gái vừa tham dự hội chợ nông sản tại Mỹ theo lời mời của một số kiều bào. Còn thằng út 12 tuổi đang ở VN nhưng nói tiếng Anh như người Mỹ bản địa. Cũng vui vì nhờ buôn bán được, mình có tiền cho con ăn học đàng hoàng”.

Thành công nhờ văn hóa… không chửi
Lý giải các yếu tố giúp chợ Bình Điền, và các thương nhân ở đây thành công, thương nhân Kim Phượng cho biết, ngoài những yếu tố mang tầm vóc một chợ đầu mối lớn nhất nước như quy hoạch hiện đại, hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi… điểm khác biệt rất lớn so với những chợ lẻ trước đây chị từng buôn bán chính là văn hóa… không chửi.

“Ở các chợ lẻ, việc tiểu thương chửi nhau, người bán chửi người mua là thường xuyên nhưng ở chợ đầu mối này không có chuyện đó. Đơn giản, ngoài việc Ban giám đốc chợ xây dựng văn hóa kinh doanh, các chủ vựa cũng tự ý thức rằng việc buôn bán ngày càng khó khăn, thương nhân muốn giữ mối lái làm ăn phải tự giữ gìn nền nếp, ứng xử đúng mực”, chị Kim Phượng giải thích.

Hỏi về chuyện này, ông Nguyễn Văn Hoàng nói đó là thành quả của cả đơn vị quản lý, và các thương nhân, cửu vạn đồng lòng xây dựng môi trường làm ăn văn minh.

“Năm 2003, Tổng công ty Satra tiến hành xây dựng chợ, năm 2006 bắt đầu di dời các chợ bán buôn nội thành ra. Lúc đó, nghe tiếng giang hồ chợ Cầu Ông Lãnh (Q.1) tôi lo lắm, sợ quy tụ nhiều dân cửu vạn giang hồ về chợ xảy ra đánh nhau. Cũng may, rút kinh nghiệm từ các chợ đầu mối khác di dời trước đó nên chúng tôi làm hợp lý hơn, và hầu như tránh được xảy ra xung đột, mâu thuẫn”, ông Hoàng kể thêm.

Hoa tươi... héo hắt
Như “nốt trầm trong bản nhạc hùng tráng”, đối diện khu nhà lồng kinh doanh thủy hải sản sầm uất là khu kinh doanh hoa tươi... hắt hiu. Theo thương nhân Nguyễn Văn Nở, chủ sạp hoa Hai Nở, những năm ngồi ở các chợ bán buôn hoa tươi nội thành, ông thường ám ảnh về kẹt xe, vì chỉ cần kẹt xe vài giờ đồng hồ là toàn bộ hoa tươi đưa về chợ bị hư, đổ bỏ.

Đến khi về chợ Bình Điền, ông lại bị ám ảnh bởi cả khu vực kinh doanh hoa chỉ lèo tèo vài khách mua. “Tôi đã 34 năm theo nghề kinh doanh hoa tươi, từng trôi nổi dập dềnh từ chợ hoa Bến Thành, Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen, Hậu Giang cho đến khi về đây với hy vọng an cư lạc nghiệp, nhưng lại vướng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện của chợ đầu mối kinh doanh hoa tươi cho cả vùng Nam bộ, nhưng lại thiếu một yếu tố duy nhất, và quan trọng chính là khách mua hàng”, ông Hai Nở phân tích và trầm ngâm: “Cũng dễ hiểu thôi, thành phố chủ trương quy hoạch chợ đầu mối, nhưng lại chưa di dời được các chợ hoa bán buôn trong nội thành thì khách vẫn tụ ở đó. Chừng nào còn nghịch lý này, chúng tôi còn phải sống lay lắt”.

Hoàng Việt
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#19
​Cụ bà cao tuổi nhất thế giới đã qua đời

TT - Cụ Nguyễn Thị Trù, người được Hiệp hội Kỷ lục thế giới (World Record Asociation - WRA) công nhận là “Cụ bà cao tuổi nhất thế giới”, đã qua đời vào lúc 18g tối 12-7 tại nhà riêng, đại thọ 123 tuổi.


Cụ Nguyễn Thị Trù sinh năm 1893 tại Sài Gòn - Ảnh: Hữu Khoa

Theo giấy tờ, cụ Trù sinh ngày 4-5-1893 trong một gia đình làm nghề nông ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh (khi đó còn là đất Sài Gòn - Gia Định).

Khi còn trẻ cụ Trù là một cô gái thôn quê khỏe khoắn, lao động không kém gì nam giới. Khi cả nước kháng chiến cụ Trù cũng tham gia đào hầm, nấu cơm tiếp tế cho bộ đội.

Cụ sinh được 11 người con (gồm 3 người con trai, và 8 người con gái), và tính đến thời điểm cụ được công nhận là "Cụ bà cao tuổi nhất thế giới" (tháng 5-2015) thì chỉ còn 2 người còn sống.

Cụ được Hiệp hội Kỷ lục thế giới chính thức công nhận vào ngày 23-4-2015 là “Cụ bà cao tuổi nhất thế giới”.

Lúc còn sống cụ Trù từng chia sẻ bí quyết sống thọ của mình là ăn đúng bữa, biết yêu thương giúp đỡ mọi người, và sống thoải mái để tâm hồn thanh thản.

Có lẽ vì tinh thần đó, mà đám tang của cụ có đông đủ con cháu, và những người thân quen, đại diện các cấp chính quyền địa phương, và đại diện của Công viên nghĩa trang Sài Gòn Thiên Phúc, nơi cụ sẽ được đưa về an táng.

Duy Hiếu
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#20
Làm từ thiện từ... ve chai

TN - Phế liệu sẽ được phân loại và bán cho các cơ sở thu mua. Số tiền có được, dành để mua quà tặng các gia đình chính sách, người nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.


Các đoàn viên, thanh niên phân loại phế liệu trước khi đem bán lấy tiền gây quỹ - Ảnh: Hoa Sen

Nhiều tháng qua, các đoàn viên, thanh niên TT.Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã đi nhặt phế liệu để gây quỹ ủng hộ người nghèo.
Chúng tôi có mặt tại TT.Hậu Lộc khi các nam nữ thanh niên khoác trên mình chiếc áo xanh tình nguyện, đang kéo xe đi khắp các con đường, ngõ xóm để thu gom lon bia, thanh sắt nhỏ, từng mảnh giấy vụn...

Đưa tay quyệt mồ hôi trên trán, bạn Lê Thị Mỹ Linh (ngụ tại TT.Hậu Lộc) cho biết: “Phế liệu sẽ được phân loại, và bán cho các cơ sở thu mua. Số tiền có được, chúng em dành để mua quà tặng các gia đình chính sách, người nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi sáng thứ 7, em đều tham gia nhặt ve chai cùng mọi người. Em vui vì việc làm của mình tuy nhỏ nhưng cũng chia sẻ được phần nào khó khăn cho những người cần sự giúp đỡ, vừa góp phần bảo vệ môi trường”.

Theo anh Bùi Hoàng Anh, Chủ tịch Hội thanh niên đồng hương TT.Hậu Lộc, chương trình thu gom phế liệu gây quỹ ủng hộ người nghèo do hội này phối hợp với Đoàn Thanh niên TT.Hậu Lộc tổ chức, bắt đầu hoạt động từ năm 2015, thu hút nhiều học sinh THPT, sinh viên và công chức, viên chức dưới 30 tuổi tham gia.

Ban đầu, theo anh Bùi Hoàng Anh, cơ sở vật chất thiếu thốn, mỗi lần đi thu gom phế liệu, các bạn trẻ đều phải mượn xe kéo của người dân, không ít người còn nghi ngờ về mục đích của chương trình. Nhưng sau một thời gian, chứng kiến việc làm hữu ích của các thành viên tham gia chương trình như tặng hàng trăm suất quà cho gia đình chính sách nhân dịp Ngày thương binh liệt sĩ 27.7, tặng quà cho các em học sinh trong đêm trung thu... với tổng kinh phí hàng chục triệu đồng, người dân địa phương ngày càng quý mến, và ủng hộ các bạn trẻ nhặt ve chai làm từ thiện.

Ngoài nhặt ve chai, các bạn trẻ còn đặt thùng từ thiện các quán ăn, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn, kêu gọi sự quyên góp, ủng hộ của đông đảo người dân, để có thêm kinh phí tổ chức các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn. Anh Hoàng Văn Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên TT.Hậu Lộc cho biết, các bạn trẻ đang đẩy mạnh hoạt động nhặt ve chai, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ xây nhà cho các hộ nghèo đang gặp khó khăn về chỗ, dự kiến kinh phí khoảng 50-60 triệu đồng/căn nhà.

Bác Trương Văn Phước (ngụ tại Khu 1, TT.Hậu Lộc) vui vẻ nói: “Nhìn các cháu nhặt phế liệu, đặt thùng quyên góp tiền bạc hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi rất ấm lòng. Con gái tôi đang học ngoài Hà Nội nhưng mỗi lần về thăm nhà, cháu cũng đều tham gia cùng bạn bè”.

Hoa Sen
 
Status
Không mở trả lời sau này.