Visa diện j-1

Status
Không mở trả lời sau này.

Thành

Thích đủ thứ ...
#1
Hungviet 06 Jun 2008, 15:33
Visa J dựa trên vấn đề trao đổi văn hóa giữa Hoa Kỳ và nước ngoài. Visa này là một visa bao gồm nhiều diện khác nhau: (1) du học sinh; (2) người tập sự; (3) giáo viên; (4) giáo sư; (5) khách quốc tế; (6) bác sĩ; (7) khách chính phủ; (8) nhà nghiên cứu; (9) học giả ngắn hạn; (10) chuyên gia; (11) cố vấn về cắm trại; và (12) những người trong chương trình Au Pair (những người trẻ được xếp sống chung với gia đình Mỹ để chăm sóc trẻ).

Đa số các diện này cho phép làm việc toàn thời gian ở những thời điểm khác nhau.

Những diện sau đây sẽ được bàn đến:


1. Du học sinh

Giống như du học sinh diện F-1, du học sinh diện J-1 được phép làm việc ngoài khuôn viên trường hay trong khuôn viên trường nếu có một nhu cầu khẩn cấp và bất ngờ. Công việc làm bị giới hạn 20 giờ một tuần khi trường đang học và toàn thời gian khi trường nghỉ hè.

Đối với vấn đề đào tạo bậc đại học, du học sinh diện J-1 được 18 tháng đào tạo. Thời gian đào tạo tổng cộng phải bằng hoặc ngắn hơn thời gian học tập trong ngành. Dù học thêm một bằng khác, du học sinh cũng không được thêm thời gian đào tạo.

Một ngoại lệ cho thời gian đào tạo tối đa này là thời gian đào tạo có thể kéo dài thêm 18 tháng chỉ nhằm thỏa mãn những đòi hỏi bắt buộc của ngành học ở Mỹ. Thí dục, bằng Master in Social Work (Cao học về hoạt động xã hội) bắt buộc 24 tháng đào tạo có giám sát. Do đó, thời gian đào tạo tối đa có thể được gia hạn để đáp ứng điều kiện đó.

Đối với du học sinh không theo đuổi một bằng cấp nào thì thời gian lưu trú không quá 24 tháng. Thời gian lưu trú đó bao gồm thời gian học tập và thời gian đào tạo.

Đối với nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, thời gian đào tạo tối đa sau khi hoàn tất bằng tiến sĩ là 36 tháng. Thời gian đào tạo này bao gồm thời gian sử dụng cho vấn đề đào tạo trong lúc học bất kể là công việc đào tạo đó toàn thời gian hay bán thời gian. Tất cả công việc đào tạo hậu tiến sĩ phải bắt đầu trong vòng 30 ngày sau ngày học cuối.

Khác với du học sinh diện F-1, du học sinh diện J-1 không cần giấy phép chấp thuận của Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS). Họ chỉ cần giấy phép của người cố vấn du học sinh rằng công việc có liên quan đến bằng cấp.


2. Giáo sư và học giả nghiên cứu

Công việc không thể là công việc có tính cách thường xuyên và đương đơn diện J-1 không thể ở Mỹ với visa J trong bất kỳ thời gian nào trong vòng 12 tháng trước khi chương trình bắt đầu, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ không đáng kể. Thời gian cho phép tối đa là 3 năm. Tuy nhiên, đương đơn có thể gia hạn thêm 6 tháng nếu có nguyên nhân chánh đáng.

Học giả nghiên cứu ngắn hạn (Short-term scholar) đến Mỹ để diễn thuyết, quan sát, tham khảo và tham gia các hội nghị, các hội nghị chuyên đề, các workshops, các cuộc kinh lý học hỏi, các cuộc họp chuyên nghiệp, hay những hoạt động có tính cách giáo dục khác. Diện học giả nghiên cứu ngắn hạn cho phép đương đơn vào Mỹ một hay hai ngày với thời gian lưu trú tối đa là 6 tháng. Diện chuyên gia cho phép đương đơn ở Mỹ tối thiểu là 3 tuần và tối đa là 1 năm.

Những thành viên gia đình của đương đơn diện J-1 tức J-2 có thể xin giấy phép làm việc nếu họ có thể chứng minh thu nhập không cần để hỗ trợ đương đơn diện J-1. Họ có thể đi học bên Mỹ mà không bị bắt buộc xin visa du học sinh diện F-1 hay xin đổi qua diện F-1.


3. Au Pair

Kể từ năm 2005, chính phủ Hoa Kỳ có cho phép mướn người nước ngoài để làm việc nhà và ở luôn trong nhà. Người đó phải có ít nhất là một năm kinh nghiệm làm việc nhà. Tuy nhiên, người chủ muốn mướn phải xin giấy phép lao động (Labor Certification) ở Bộ Lao Động (Department of Labor). Ngoài ra, người chủ muốn mướn phải chứng minh người ở sống luôn tại chỗ là một nhu cầu cho cơ sở kinh doanh. Hai bên phải có một hợp đồng trong đó có điều khoản qui định tiền lương trả cho người làm việc nhà.

Người lao động đó có thể xin thẻ xanh với điều kiện có hai năm kinh nghiệm và có nơi bằng lòng nhận họ làm việc toàn thời gian.

Ngoài ra, có diện visa J-1 Au Pair cho phép mướn người qua để giữ trẻ. Điều kiện để người nước ngoài xin visa này là tuổi từ 18 đến 26, tốt nghiệp trung học và thông thạo tiếng Anh.

Visa này có thể kéo dài cho đến 12 tháng. Sau đó, visa này có thể gia hạn thêm 6 tháng, 9 tháng hay 12 tháng.

Đương đơn không được làm việc quá 10 tiếng một ngày và không được quá 45 tiếng một tuần.

Ngoài ra, đương đơn phải hoàn tất ít nhất 6 tiếng học tại một trường post-secondary (hậu trung học) ở Mỹ.

Đương đơn sống trong gia đình đón tiếp (Host family) lựa chọn bởi cơ quan bảo trợ, được nuôi ăn nuôi ở, mỗi tháng được nghỉ trọn hai ngày cuối tuần, có hai tuần phép được trả lương, và được trả tiền học cho đến 500 $. Đương đơn không phải làm việc nhà tổng quát, nhưng phải chăm sóc trẻ.

Chương trình này nằm dưới sự quản lý của Bureau of Economic and Cultural Affairs (ECA) thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Gia đình nào muốn tham gia chương trình Au Pair này cùng người nước ngoài phải làm việc với một trong 12 tổ chức được chấp thuận. Gia đình đón tiếp người nước ngoài trong chương trình Au Pair phải trả cho các tổ chức được chấp thuận lệ phí từ 4 990 $ cho đến 6 955 $ tùy theo tổ chức. Người nước ngoài cũng phải trả một khoản tiền cho các tổ chức ở Mỹ cũng như ở trong nước họ (nếu họ không làm đơn xin trực tiếp ở các tổ chức bên Mỹ).

Một vài đương đơn diện J-1 có thể bị trở về nước cư trú cuối cùng trong vòng 2 năm sau khi hết hạn visa J-1 chiếu theo điều 212(e) của Đạo luật Immìgration and Nationality Act (INA). Bạn nên tham khảo trường đại học, văn phòng liên lạc với du học sinh nước ngoài hay cố vấn luật pháp về di trú xem bạn có bị ràng buộc bởi điều kiện này hay không và xem có visa nào khác để tránh ràng buộc này hay không.

Thông thường, đương đơn diện J-1 có thể bị ràng buộc bởi điều 212(e) của Đạo luật INA nếu ở trong những trường hợp sau đây :

- Chương trình mà đương đơn tham gia được tài trợ hoàn toàn hay một phần bởi chính phủ Hoa Kỳ hay bởi chính phủ nước quốc tịch hay nước cư trú của đương đơn.

- Đương đơn là công dân hay thường dân của nước được chỉ định là cần sự đóng góp của đương đơn trong lãnh vực hiểu biết chuyên môn hay kỹ xảo mà đương đơn đeo đuổi trong suốt thời gian của chương trình học.

- Đương đơn đến Mỹ để học hay để được đào tạo trong ngành y khoa hậu đại học.

Đương đơn bị ràng buộc bởi điều 212(e) của Đạo luật INA không thể xin chuyển diện qua diện visa H, L, K hay qua diện thường trú nhân cho đến khi đã về nước tối thiểu được hai năm hay cho đến khi xin miễn được điều 212(e) của Đạo luật INA. Lý do xin miễn điều 212(e) của Đạo luật INA dựa trên các cơ sở riêng biệt sau đây: No Objection Statement (Thư không phản đối của cơ quan ngoại giao của nước quốc tịch hay cư trú của đương đơn), Exceptional Hardship or Persecution (Lý do nhân đạo hay hành quyết), Conrad Program (Chương trình Conrad), or Interested Government Agency (Quan tâm của cơ quan chính phủ).
 
Status
Không mở trả lời sau này.