Khi an ủi người khác nên phát triển khả năng thụ cảm chứ đừng vươn sừng ra.
Một hãng luật ở Philadelphia gửi hoa chúc mừng cho một đồng nghiệp ở Baltimore nhân dịp hãng này khai trương văn phòng mới. Không biết công việc ở cửa hàng hoa bận rộn, lu bu thế nào mà trên lẵng hoa chúc mừng khai trương lại đính một dải băng ghi dòng chữ: “Thành Kính Phân Ưu”.Khi người bán hoa được nghe báo lại về sự nhầm lẫn của mình, cô ta đã hét lên kinh hãi: “Vậy là lẵng hoa gởi đến chỗ đám tang ắt hẳn đã gắn dòng chữ: “Chúc Mừng Khai Trương Địa Điểm Mới”.
Thật là khó đưa ra lời an ủi chân thành mà cảm xúc không bị xáo trộn! Và trên thực tế, nhiều người đã lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười chỉ vì không biết phải nói gì với những người đang gặp chuyện đau buồn vô hạn hoặc nỗi đau xé lòng. Cũng giống như một vị linh mục mới thụ chức kia, khi nghe một cô gái trẻ thổ lộ rằng cô ta đã trót mang thai, đã vụng về thốt lên: “Con có chắc cái thai đó là của con không?”
Thường thì, chúng ta rất muốn an ủi những người đang gặp chuyện đau buồn, tuy nhiên phải thừa nhận rằng những cố gắng san sẻ, xoa dịu nỗi đau của chúng ta thường được bày tỏ không thành công lắm. Luôn có một câu nào đó chân thành mà chúng ta có thể nói ra.
Một ông cụ có người cháu nội vừa qua đời trong một vụ tai nạn đã cảm thấy được an ủi thật nhiều khi nhận được những chia sẻ chân thành từ các bạn mình sau khi biến cố ấy xảy ra. Trong số những lời an ủi thân tình mà ông nhận được, có hai câu giúp ông thấy ấm lòng và cảm thấy được nguôi ngoai là: “Cảm ơn anh đã chia sẻ chuyện này với tôi” và “Tôi cũng rất đau buồn vì chuyện này”. Khi nghe được những lời này ông không còn cảm thấy mình đơn độc trong nỗi mất mát nữa. Ông cảm thấy bạn bè dường như đang cùng gánh chịu nỗi đau này với ông và chính điều đó đã giúp ông cảm thấy dễ chịu hơn.
James Angell, cựu hiệu trưởng của trường đại học Michigan, đã phát biểu rất đúng về bí quyết để thành công khi an ủi người khác: “Phát triển khả năng thụ cảm chứ đừng vươn sừng ra”.
Chúng ta không thể thay đổi được những chuyện đau buồn đã xảy ra. Cũng đừng cố gắng đưa ra lời khuyên. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được nỗi đau, mất mát của người khác vì chúng ta chỉ là người ngoài cuộc, vì chúng ta không thực sự đang ở trong tình cảnh ấy. Tuy nhiên, chúng ta có thể mang lại cho họ niềm an ủi bằng sự chia sẻ chân thành xuất phát từ con tim.
- Steve Goodier -