Khi đối mặt với nỗi đau của người khác, sự an ủi hữu hiệu nhất
đôi khi chỉ là một sự đụng chạm thân tình – một cái siết tay,
một vòng ôm chia sẻ – và đôi tai biết lắng nghe.
đôi khi chỉ là một sự đụng chạm thân tình – một cái siết tay,
một vòng ôm chia sẻ – và đôi tai biết lắng nghe.
Trong cuộc sống chúng ta đã từng hoặc sẽ có lúc phải an ủi một người nào đó đang đau buồn. Đó là vai trò quan trọng của một người bạn tốt. Câu hỏi tôi thường nghe nhất trong những dịp như thế là: “Tôi nên nói gì đây?” Chúng ta muốn giúp họ, nhưng chúng ta cảm thấy mình bất lực, không biết phải nói gì, làm gì để giúp họ vơi đi nỗi đau trong lòng. Mỗi khi lâm vào tình thế đó, tôi lại nhớ đến câu chuyện của Joseph Bayly. Ông đã liên tiếp mất đi ba người con chỉ trong một vài năm. Sau những biến cố đau buồn đó, ông đã viết một quyển sách có tựa đề “Cái Nhìn Từ Nhà Tang Lễ” (NXB Lifejourney Books, 1992), trong đó ông nói về nỗi đau của mình, về sự an ủi của những người khác đối với ông trong những phút giây đen tối đó của cuộc đời.
“Tôi ngồi đó, lòng tan nát vì nỗi đớn đau. Có người bước đến cạnh tôi và nói về Chúa, về những việc Người đã làm khi ta mất đi, về niềm hy vọng được theo bước chân Người đi vào cõi thiên đàng… Những điều ông ta nói không có gì là sai trái cả. Tôi biết và hoàn toàn thấu hiểu nhưng lúc này tôi không hề có cảm xúc gì, tôi chỉ muốn ông ta đứng dậy và để cho tôi yên. Sau cùng thì ông ta cũng đứng lên và đi ra ngoài. Một người khác đến ngồi cạnh tôi. Ông ta không nói gì cả. Ông ta chỉ ngồi đó với tôi trong khoảng hơn một giờ, lắng nghe khi tôi nói, trả lời ngắn gọn, cầu nguyện và sau cùng bước ra ngoài cùng tôi. Tôi hết sức cảm động và cảm thấy như được an ủi thật nhiều. Tôi ước gì ông ấy đừng ra về”.
Không phải chỉ mình Joseph Bayly cảm thấy như thế. Cả hai người bạn đều quan tâm đến ông, đều muốn an ủi ông. Nhưng chỉ có một người biết cách an ủi thật sự. Điều khác biệt ở đây là một người cố làm cho ông thấy tốt hơn bằng việc hướng cảm xúc và suy nghĩ của ông vào một viễn cảnh khác để thoát khỏi nỗi đau hiện tại, người kia thì tôn trọng cảm xúc của ông. Một người cố sức để diễn giải. Người kia chỉ chú ý lắng nghe. Một người bảo với ông rằng mọi việc rồi sẽ ổn. Người kia chia sẻ niềm đau với ông.
Khi đối mặt với nỗi đau của người khác, sự an ủi hữu hiệu nhất đôi khi chỉ là một sự đụng chạm thân tình – một cái siết tay, một vòng ôm chia sẻ – và đôi tai biết lắng nghe. Nó có thể không giúp người kia vơi bớt đi đau buồn, nhưng là cách để họ hiểu rằng nỗi đau của họ cũng là của bạn và bạn luôn sẵn lòng chia sẻ cùng họ.
(Theo “Riches of the Heart – Sự Giàu Có Tâm Hồn
- Steve Goodier)
- Steve Goodier)