Vào mùa đông, khi những cơn gió se lạnh bắt đầu tràn về, chúng ta thường thấy hàng đàn vịt trời bay từ Bắc xuống phía Nam để tránh cái rét giá lạnh của mùa đông. Và chúng luôn bay theo đội hình chữ V. Các nhà khoa học khám phá ra rằng những đàn vịt trời đó có những quy luật di chuyển rất đáng cho chúng ta suy ngẫm.
Khi một con vịt trong đàn vẫy cánh nó sẽ tạo ra một luồng gió và tạo ra một hấp lực nâng con vịt bay bên cạnh. Như vậy khi bay thành đội hình như vậy, con nọ nhờ nương vào hấp lực của con kia, sẽ có thể bay nhẹ nhàng hơn, khỏe hơn và tăng khả năng bay xa hơn gấp hai lần.
Con người chúng ta cũng vậy, nếu biết dựa vào sức nhau trong tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái chúng ta có thể sẽ tạo nên những chuyển biến lớn.
Trong đội hình chữ V, riêng con vịt đầu đàn là không được hưởng hấp lực của bạn đồng hành nên sẽ rất mau mệt. Mỗi khi cảm thấy đuối sức, nó sẽ bay xuống nương vào đội hình và một con vịt khỏe mạnh khác sẽ bay thế vào vị trí dẫn đầu, cứ như vậy chúng luân phiên thay đổi vị trí cho nhau trong suốt lộ trình bay. Và trong khi bay, chúng thường kêu lên để thúc giục nhau bay theo kịp tốc độ.
Trong cộng đồng con người cũng vậy, vai trò lãnh đạo luôn luôn được thay đổi tùy theo tình thế, theo tinh thần dân chủ. Và chúng ta cũng cần phải biết nhắc nhở nhau để giữ vững tinh thần hay thắt chặt tình đồng đội.
Khi một con vịt bị đuối sức không bay nổi hay bị bắn trọng thương phải rời khỏi đội hình, thì sẽ có hai con vịt khác đồng hành cùng rời theo để nâng đỡ và bảo vệ cho con vịt kia. Hai con vịt đó sẽ ở bên cạnh bạn mình cho đến khi nó khỏe lại và tự bay được hoặc là nó bị chết, thì chúng mới bỏ đi và bay theo đàn vịt khác.
Tình thương yêu đồng loại của đàn vịt trời và cách chúng cư xử với nhau khi gặp hoạn nạn đáng để cho con người chúng ta suy ngẫm và học hỏi theo.
Chỉnh sửa cuối: