T
GIẬN VÀ GHÉT
Chúng ta không thể biết được là bắt đầu từ lúc nào, vì có vẻ như ta đã hình thành nhận thức về thế giới bên ngoài cùng lúc với những cảm xúc giận và ghét. Cả hai cảm xúc này đều xuất phát từ sự không hài lòng về đối tượng, nhưng giận thường phát sinh – với nhiều mức độ khác nhau – ngay khi sự việc xảy ra, còn ghét có nhiều khả năng là một cảm xúc tích lũy từ nhiều sự việc.
Khi ai đó thực hiện một hành vi mà chúng ta không hài lòng đến mức độ muốn chặn đứng ngay hành vi đó, chúng ta nổi giận. Nếu hành vi không thể ngăn lại được, sự tức giận của chúng ta kéo dài và có thể phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn kèm theo sự thôi thúc muốn làm điều gì đó để gây hại cho đối tượng.
Nhưng nếu mức độ không hài lòng chưa đủ mạnh để làm ta tức giận, nó sẽ tạo một ấn tượng xấu trong lòng ta và tạo ra sự không thích, ghét bỏ đối tượng. Sự lập lại nhiều lần sau đó sẽ nuôi lớn dần cảm xúc ghét bỏ này, khiến cho ta không muốn tiếp xúc với đối tượng hoặc có thể mong muốn những điều không tốt xảy ra cho đối tượng.
Chúng ta có thể minh họa cho những nhận xét trên qua việc phân tích một ví dụ cụ thể. Khi bạn nhìn thấy một người có hành vi ngược đãi một người khác, nếu hành vi đó ở mức độ rất nghiêm trọng, bạn sẽ tức giận. Nếu chỉ ở một mức độ nhẹ, bạn không tức giận nhưng cảm thấy không thích, điều đó khơi nguồn cho cảm xúc ghét bỏ đối tượng. Mặt khác, nếu người bị ngược đãi là một người thân của bạn, bạn có thể sẽ tức giận. Nhưng nếu là một người xa lạ, bạn cũng chỉ thấy ghét thôi. Nói cách khác, có sự tương quan giữa hai cảm xúc ghét và giận, tuy khác nhau về mức độ nhưng đều xuất phát từ sự không hài lòng về đối tượng.
Giận và ghét đều là những cảm xúc tiêu cực, là những trở lực mà chúng ta phải vượt qua để có thể đạt đến một đời sống hạnh phúc. Những cảm xúc này làm cho ta mất đi sự an ổn và sáng suốt, vì thế chúng có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều cảm xúc hoặc hành vi tiêu cực khác nữa.
Thật ra, nếu chúng ta phân tích sâu vào vấn đề, ta sẽ thấy được một điều là, những cảm xúc giận và ghét tuy phổ biến trong tất cả chúng ta, nhưng lại là những cảm xúc hoàn toàn không cần thiết. Chúng ta vẫn có thể sống tốt mà không cần đến chúng. Hay nói cách khác, chúng chỉ là những cảm xúc có hại cần loại bỏ.
Một số người cho rằng khía cạnh tích cực của giận và ghét là nó kích thích chúng ta hành động để điều chỉnh những điều sai trái trong xã hội. Nếu ta không biết giận kẻ ác, ghét kẻ xấu, thì xã hội sẽ không có động lực thúc đẩy để điều chỉnh những hành vi xấu ác.
Nhìn qua bề mặt của vấn đề thì quan điểm trên có vẻ như thật chính xác. Sự thật thì giận và ghét tuy có tạo ra những động lực nhất định, thậm chí có thể là những động lực rất mạnh mẽ, nhưng điều quan trọng là những động lực đó thường rất mù quáng, thiếu sáng suốt, bởi vì chỉ được định hướng bởi những cảm xúc giận và ghét, thay vì là bởi sự sáng suốt của lý trí.
Khi ta chống lại một ai đó do sự tức giận hoặc căm ghét, ta không có khả năng nhận ra được những ưu điểm hoặc khía cạnh đúng đắn của người ấy. Chính vì thế mà tục ngữ đã có câu: “Nóng mất ngon, giận mất khôn.” Hơn thế nữa, năng lượng sản sinh do những cảm xúc giận và ghét là một kiểu năng lượng tiêu cực, không chỉ nhắm đến đối tượng, mà còn – và chủ yếu là – gây tác hại đến chính bản thân chúng ta. Khi chúng ta giận giữ hay căm ghét ai, những năng lượng tiêu cực này nung nấu trong ta làm cho ta không một lúc nào được thanh thản, an vui.
Mặt khác, không có những cảm xúc giận và ghét không có nghĩa là ta sẽ luôn thỏa hiệp với những gì là xấu, ác. Trong thực tế, để có thể khách quan nhận ra được điều xấu, điều ác thì chúng ta cần đến một lý trí sáng suốt chứ không phải chỉ dựa vào những cảm xúc chủ quan. Và để loại bỏ cái xấu, cái ác trong cuộc sống, chúng ta không nhất thiết lúc nào cũng phải đối nghịch mà còn có thể – và cần thiết phải – chuyển hóa được chúng.
Trong thực tế, việc tiêu diệt những điều xấu ác bằng vào sức mạnh đối nghịch rất thường dẫn đến thất bại. Nói chính xác hơn là chỉ có thể đạt được những kết quả tạm thời. Khi sức mạnh đối nghịch của ta suy yếu, sự xấu ác sẽ nhanh chóng phát triển trở lại. Ngược lại, quá trình chuyển hóa những điều xấu ác có thể diễn ra khá chậm chạp và khó khăn hơn, nhưng điều chắc chắn là một khi đã hoàn tất thì sẽ loại bỏ đến tận gốc rễ sự xấu ác.
Khi biết được những tác hại của việc hút thuốc lá đối với cá nhân và xã hội, chúng ta ban hành những lệnh cấm hút thuốc thật nghiêm khắc ở nơi công cộng, trong phòng họp, tại văn phòng làm việc... và nhiều nơi khác nữa. Điều này có vẻ như mang lại hiệu quả tức thời. Mọi người sẽ tuân thủ và ngay tức khắc ta không còn thấy có ai hút thuốc ở những nơi bị cấm. Nhưng những người nghiện thuốc vẫn còn đó. Và họ hút thuốc ở những nơi khác. Một thời gian qua, lệnh cấm của chúng ta không còn nghiêm ngặt nữa, và khói thuốc dần dần quay trở lại với những nơi trước đây nó đã từng ngự trị, có thể là ngay cả khi những tấm biển cấm hút thuốc vẫn còn đó.
Nhưng nếu chúng ta giải quyết vấn đề bằng những cuộc vận động và giáo dục sâu rộng trong toàn xã hội về tác hại của việc hút thuốc lá, hỗ trợ những điều kiện cụ thể và khuyến khích mọi người bỏ hút thuốc lá. Điều này tất nhiên là phức tạp, khó thực hiện hơn, và có vẻ như mang lại hiệu quả một cách chậm chạp hơn. Nhưng khác biệt ở đây là, sự giảm thiểu khói thuốc sẽ có giá trị lâu dài, bởi vì những người nghiện thuốc đang dần dần bỏ hẳn việc hút thuốc. Và chúng ta có thể yên tâm trong việc duy trì những kết quả đã có được.
Vì thế, ta vẫn có thể kết luận một cách khách quan là ngay cả việc đối phó với điều xấu ác cũng không cần đến những cảm xúc giận và ghét. Trong thực tế, có rất nhiều người đã chuyển hóa được những cảm xúc này, và họ sống thanh thản, hạnh phúc hơn hẳn mà không gặp phải vấn đề gì khi không còn ghét giận bất cứ ai.
Vậy thì, liệu những con người bình thường như mỗi chúng ta đều có thể nỗ lực để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực này được chăng? Câu trả lời là được. Tất nhiên là với những hiểu biết nhất định và sự kiên trì. Vì như đã nói, chúng ta có những cảm xúc giận và ghét ngay từ khi nhận thức được cuộc đời này, nên việc loại bỏ chúng tất nhiên không thể là một việc xảy ra trong một sớm một chiều.
Khi những cảm xúc giận và ghét sinh khởi, chúng ta không thể chỉ đơn giản là đè nén, kiềm chế chúng. Điều đó đôi khi cũng có thể có hiệu quả tức thời, nhưng thường là dẫn đến thất bại. Và thậm chí nếu chúng ta có thành công trong việc đè nén những cảm xúc này thì đó cũng là một việc không nên làm, vì nó chỉ có hiệu quả nhất thời và tạo ra một sự ẩn ức tâm lý rất tai hại về sau.
Vì thế, phương thức tốt nhất để loại trừ giận và ghét là phát triển những đức tính đối trị được chúng: sự kiên nhẫn và lòng khoan dung. Với sự phát triển của các đức tính này, chúng ta dần dần chuyển hóa được những cảm xúc giận và ghét, thay vì là đối nghịch để triệt tiêu chúng. Bởi vì, về mặt nguyên tắc, tất cả những cảm xúc của chúng ta đều là một dạng năng lượng phát sinh từ khả năng tiếp xúc và nhận thức về môi trường quanh ta. Khi chúng ta vẫn còn có khả năng đó thì không một cảm xúc nào có thể triệt tiêu cả, ta chỉ có thể chuyển hóa từ một cảm xúc này sang một cảm xúc khác mà thôi.
Khi chúng ta nuôi dưỡng và phát triển sự kiên nhẫn, lòng khoan dung, mỗi sự việc xảy ra sẽ không khơi dậy cảm xúc giận và ghét trong lòng ta, hoặc nếu có, ta cũng sẽ có đủ khả năng vượt qua được. Với sự kiên nhẫn, ta có thể bình thản quan sát sự việc và sáng suốt nhận ra những điểm tích cực hoặc tiêu cực trong đó, đồng thời nghĩ ra được những phương thức ứng xử hợp lý, hiệu quả hơn thay vì là nổi giận. Ta biết được rằng sự nổi giận của chúng ta không phải là một cách giải quyết vấn đề, mà hoàn toàn chỉ là một cảm xúc nảy sinh theo quán tính. Khi ta biết được như thế, ta không còn đồng tình, nuôi dưỡng cơn giận, mà quay sang tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp thực tiễn cho sự việc. Điều này cắt đứt nguồn năng lượng tinh thần cần thiết để nuôi dưỡng cơn giận. Vì thế, tất yếu là nó sẽ tàn lụi đi như một bếp lò bị rút sạch không còn than củi.
Tương tự, khi chúng ta sinh khởi cảm xúc ghét bỏ ai, đó là vì chúng ta thiếu lòng khoan dung. Mỗi một hành vi sai trái hay một khía cạnh không tốt của ai đó đều có những nguyên nhân nhất định mà nếu hiểu rõ được ta có thể rộng lòng tha thứ. Khi phát triển lòng khoan dung, ta không nhìn sự việc với khuynh hướng bắt lỗi nữa, mà là theo khuynh hướng tìm lý do để tha thứ. Vì thế, trong hầu hết các trường hợp ta đều có thể tha thứ thay vì là ghét bỏ. Có thể hình dung trong khả năng xấu nhất là ta hoàn toàn không thấy có lý do nào đáng để tha thứ, thì ta vẫn có thể tha thứ vì sự dại dột của đối tượng, đã không biết rèn luyện, tu dưỡng để trở nên người tốt.
Như đã nói, việc loại bỏ những cảm xúc ghét giận và phát triển sự kiên nhẫn, lòng khoan dung cũng là một quá trình chuyển hóa từ những yếu tố tiêu cực trở thành tích cực. Vì thế, chúng ta vẫn phải cần đến sự hiểu biết và kiên trì để vượt qua những giai đoạn cần thiết của quá trình.
Chúng ta sẽ bắt đầu với sự học hỏi, suy ngẫm về những tác hại của các cảm xúc ghét, giận và những lợi ích của sự kiên nhẫn, lòng khoan dung. Về những điều này, sự phân tích nội tâm là vô cùng quan trọng, bởi vì chúng ta đang tìm hiểu về những cảm xúc của chính mình mà không phải là của ai khác. Chúng ta có thể hình dung những trường hợp tức giận hay ghét bỏ ai, hoặc thực nghiệm ngay với những cảm xúc này khi chúng sinh khởi, và phân tích những tác hại mà chúng mang lại cho tâm hồn chúng ta. Chúng ta cũng thực hành sự kiên nhẫn và khoan dung tha thứ với một ý thức tỉnh táo để phân tích những lợi ích mà chúng mang lại cho tâm hồn.
Khi một ai đó tức giận, bạn cũng có thể tận dụng cơ hội này như một bài tập thực hành. Hãy lặng lẽ quan sát người ấy từ xa và chú ý phân tích mọi tác động của cơn giận lên con người ấy. Bạn sẽ thấy được những thay đổi rất cụ thể về cung cách, cử chỉ, ngôn ngữ... của một người đang giận. Tất nhiên là với một sự quan sát khách quan, bạn sẽ thấy rõ đó không phải là những hình ảnh đẹp. Ghi nhớ điều đó và tự hứa với lòng mình: “Tôi sẽ không bao giờ để cho những cơn giận chi phối giống như người ấy.”
Bạn không thể loại bỏ ngay tức thì những cảm xúc giận và ghét. Vì thế, vẫn có một lúc nào đó bạn nổi giận. Đừng tự trách mình, nhưng hãy sử dụng ngay cơ hội này để thực hiện một bài tập. Sau cơn giận, khi đã có thể bình tĩnh hơn, hãy ngồi yên và nhớ lại tất cả những gì diễn ra trong lòng khi bạn nóng giận. Hãy phân tích những cảm giác khó chịu, bực tức hoặc nóng nảy... và xác định rõ tính chất tiêu cực, không tốt đẹp của chúng đối với tâm hồn. Cuối cùng, hãy tự nhủ: “Nếu tôi khôn ngoan hơn, tôi đã không phải chịu đựng cơn giận này. Vì thế, trong tương lai tôi sẽ không bao giờ để cho cơn giận chi phối như thế nữa.”
Trong thực tế, những bài tập như trên có thể phải lập lại rất nhiều lần trước khi bạn có thể hoàn toàn chuyển hóa được những cơn giận hay cảm xúc ghét bỏ. Nhưng điều cần thiết là không được nản lòng và tự trách mình. Bạn cần có thời gian, đó là điều tất yếu. Và cho dù bất cứ mức độ nhỏ nhoi nào bạn đạt được trong sự rèn luyện này cũng đều đáng khích lệ hơn là một sự buông thả. Bạn cần phải củng cố niềm tin vào mục tiêu theo đuổi của mình và hình thành quyết tâm thực hiện cho bằng được những điều tốt đẹp để đạt đến mục tiêu ấy.
Điều cuối cùng cần nêu ra ở đây vẫn là sự nỗ lực và kiên trì. Bạn sẽ thành công, nhưng đừng bao giờ đòi hỏi là ngay vào lúc này. Bởi vì như đã nói, quá trình chuyển hóa tất yếu phải cần có thời gian.
HẠNH PHÚC KHẮP QUANH TA - NGUYÊN MINH
Chúng ta không thể biết được là bắt đầu từ lúc nào, vì có vẻ như ta đã hình thành nhận thức về thế giới bên ngoài cùng lúc với những cảm xúc giận và ghét. Cả hai cảm xúc này đều xuất phát từ sự không hài lòng về đối tượng, nhưng giận thường phát sinh – với nhiều mức độ khác nhau – ngay khi sự việc xảy ra, còn ghét có nhiều khả năng là một cảm xúc tích lũy từ nhiều sự việc.
Khi ai đó thực hiện một hành vi mà chúng ta không hài lòng đến mức độ muốn chặn đứng ngay hành vi đó, chúng ta nổi giận. Nếu hành vi không thể ngăn lại được, sự tức giận của chúng ta kéo dài và có thể phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn kèm theo sự thôi thúc muốn làm điều gì đó để gây hại cho đối tượng.
Nhưng nếu mức độ không hài lòng chưa đủ mạnh để làm ta tức giận, nó sẽ tạo một ấn tượng xấu trong lòng ta và tạo ra sự không thích, ghét bỏ đối tượng. Sự lập lại nhiều lần sau đó sẽ nuôi lớn dần cảm xúc ghét bỏ này, khiến cho ta không muốn tiếp xúc với đối tượng hoặc có thể mong muốn những điều không tốt xảy ra cho đối tượng.
Chúng ta có thể minh họa cho những nhận xét trên qua việc phân tích một ví dụ cụ thể. Khi bạn nhìn thấy một người có hành vi ngược đãi một người khác, nếu hành vi đó ở mức độ rất nghiêm trọng, bạn sẽ tức giận. Nếu chỉ ở một mức độ nhẹ, bạn không tức giận nhưng cảm thấy không thích, điều đó khơi nguồn cho cảm xúc ghét bỏ đối tượng. Mặt khác, nếu người bị ngược đãi là một người thân của bạn, bạn có thể sẽ tức giận. Nhưng nếu là một người xa lạ, bạn cũng chỉ thấy ghét thôi. Nói cách khác, có sự tương quan giữa hai cảm xúc ghét và giận, tuy khác nhau về mức độ nhưng đều xuất phát từ sự không hài lòng về đối tượng.
Giận và ghét đều là những cảm xúc tiêu cực, là những trở lực mà chúng ta phải vượt qua để có thể đạt đến một đời sống hạnh phúc. Những cảm xúc này làm cho ta mất đi sự an ổn và sáng suốt, vì thế chúng có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều cảm xúc hoặc hành vi tiêu cực khác nữa.
Thật ra, nếu chúng ta phân tích sâu vào vấn đề, ta sẽ thấy được một điều là, những cảm xúc giận và ghét tuy phổ biến trong tất cả chúng ta, nhưng lại là những cảm xúc hoàn toàn không cần thiết. Chúng ta vẫn có thể sống tốt mà không cần đến chúng. Hay nói cách khác, chúng chỉ là những cảm xúc có hại cần loại bỏ.
Một số người cho rằng khía cạnh tích cực của giận và ghét là nó kích thích chúng ta hành động để điều chỉnh những điều sai trái trong xã hội. Nếu ta không biết giận kẻ ác, ghét kẻ xấu, thì xã hội sẽ không có động lực thúc đẩy để điều chỉnh những hành vi xấu ác.
Nhìn qua bề mặt của vấn đề thì quan điểm trên có vẻ như thật chính xác. Sự thật thì giận và ghét tuy có tạo ra những động lực nhất định, thậm chí có thể là những động lực rất mạnh mẽ, nhưng điều quan trọng là những động lực đó thường rất mù quáng, thiếu sáng suốt, bởi vì chỉ được định hướng bởi những cảm xúc giận và ghét, thay vì là bởi sự sáng suốt của lý trí.
Khi ta chống lại một ai đó do sự tức giận hoặc căm ghét, ta không có khả năng nhận ra được những ưu điểm hoặc khía cạnh đúng đắn của người ấy. Chính vì thế mà tục ngữ đã có câu: “Nóng mất ngon, giận mất khôn.” Hơn thế nữa, năng lượng sản sinh do những cảm xúc giận và ghét là một kiểu năng lượng tiêu cực, không chỉ nhắm đến đối tượng, mà còn – và chủ yếu là – gây tác hại đến chính bản thân chúng ta. Khi chúng ta giận giữ hay căm ghét ai, những năng lượng tiêu cực này nung nấu trong ta làm cho ta không một lúc nào được thanh thản, an vui.
Mặt khác, không có những cảm xúc giận và ghét không có nghĩa là ta sẽ luôn thỏa hiệp với những gì là xấu, ác. Trong thực tế, để có thể khách quan nhận ra được điều xấu, điều ác thì chúng ta cần đến một lý trí sáng suốt chứ không phải chỉ dựa vào những cảm xúc chủ quan. Và để loại bỏ cái xấu, cái ác trong cuộc sống, chúng ta không nhất thiết lúc nào cũng phải đối nghịch mà còn có thể – và cần thiết phải – chuyển hóa được chúng.
Trong thực tế, việc tiêu diệt những điều xấu ác bằng vào sức mạnh đối nghịch rất thường dẫn đến thất bại. Nói chính xác hơn là chỉ có thể đạt được những kết quả tạm thời. Khi sức mạnh đối nghịch của ta suy yếu, sự xấu ác sẽ nhanh chóng phát triển trở lại. Ngược lại, quá trình chuyển hóa những điều xấu ác có thể diễn ra khá chậm chạp và khó khăn hơn, nhưng điều chắc chắn là một khi đã hoàn tất thì sẽ loại bỏ đến tận gốc rễ sự xấu ác.
Khi biết được những tác hại của việc hút thuốc lá đối với cá nhân và xã hội, chúng ta ban hành những lệnh cấm hút thuốc thật nghiêm khắc ở nơi công cộng, trong phòng họp, tại văn phòng làm việc... và nhiều nơi khác nữa. Điều này có vẻ như mang lại hiệu quả tức thời. Mọi người sẽ tuân thủ và ngay tức khắc ta không còn thấy có ai hút thuốc ở những nơi bị cấm. Nhưng những người nghiện thuốc vẫn còn đó. Và họ hút thuốc ở những nơi khác. Một thời gian qua, lệnh cấm của chúng ta không còn nghiêm ngặt nữa, và khói thuốc dần dần quay trở lại với những nơi trước đây nó đã từng ngự trị, có thể là ngay cả khi những tấm biển cấm hút thuốc vẫn còn đó.
Nhưng nếu chúng ta giải quyết vấn đề bằng những cuộc vận động và giáo dục sâu rộng trong toàn xã hội về tác hại của việc hút thuốc lá, hỗ trợ những điều kiện cụ thể và khuyến khích mọi người bỏ hút thuốc lá. Điều này tất nhiên là phức tạp, khó thực hiện hơn, và có vẻ như mang lại hiệu quả một cách chậm chạp hơn. Nhưng khác biệt ở đây là, sự giảm thiểu khói thuốc sẽ có giá trị lâu dài, bởi vì những người nghiện thuốc đang dần dần bỏ hẳn việc hút thuốc. Và chúng ta có thể yên tâm trong việc duy trì những kết quả đã có được.
Vì thế, ta vẫn có thể kết luận một cách khách quan là ngay cả việc đối phó với điều xấu ác cũng không cần đến những cảm xúc giận và ghét. Trong thực tế, có rất nhiều người đã chuyển hóa được những cảm xúc này, và họ sống thanh thản, hạnh phúc hơn hẳn mà không gặp phải vấn đề gì khi không còn ghét giận bất cứ ai.
Vậy thì, liệu những con người bình thường như mỗi chúng ta đều có thể nỗ lực để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực này được chăng? Câu trả lời là được. Tất nhiên là với những hiểu biết nhất định và sự kiên trì. Vì như đã nói, chúng ta có những cảm xúc giận và ghét ngay từ khi nhận thức được cuộc đời này, nên việc loại bỏ chúng tất nhiên không thể là một việc xảy ra trong một sớm một chiều.
Khi những cảm xúc giận và ghét sinh khởi, chúng ta không thể chỉ đơn giản là đè nén, kiềm chế chúng. Điều đó đôi khi cũng có thể có hiệu quả tức thời, nhưng thường là dẫn đến thất bại. Và thậm chí nếu chúng ta có thành công trong việc đè nén những cảm xúc này thì đó cũng là một việc không nên làm, vì nó chỉ có hiệu quả nhất thời và tạo ra một sự ẩn ức tâm lý rất tai hại về sau.
Vì thế, phương thức tốt nhất để loại trừ giận và ghét là phát triển những đức tính đối trị được chúng: sự kiên nhẫn và lòng khoan dung. Với sự phát triển của các đức tính này, chúng ta dần dần chuyển hóa được những cảm xúc giận và ghét, thay vì là đối nghịch để triệt tiêu chúng. Bởi vì, về mặt nguyên tắc, tất cả những cảm xúc của chúng ta đều là một dạng năng lượng phát sinh từ khả năng tiếp xúc và nhận thức về môi trường quanh ta. Khi chúng ta vẫn còn có khả năng đó thì không một cảm xúc nào có thể triệt tiêu cả, ta chỉ có thể chuyển hóa từ một cảm xúc này sang một cảm xúc khác mà thôi.
Khi chúng ta nuôi dưỡng và phát triển sự kiên nhẫn, lòng khoan dung, mỗi sự việc xảy ra sẽ không khơi dậy cảm xúc giận và ghét trong lòng ta, hoặc nếu có, ta cũng sẽ có đủ khả năng vượt qua được. Với sự kiên nhẫn, ta có thể bình thản quan sát sự việc và sáng suốt nhận ra những điểm tích cực hoặc tiêu cực trong đó, đồng thời nghĩ ra được những phương thức ứng xử hợp lý, hiệu quả hơn thay vì là nổi giận. Ta biết được rằng sự nổi giận của chúng ta không phải là một cách giải quyết vấn đề, mà hoàn toàn chỉ là một cảm xúc nảy sinh theo quán tính. Khi ta biết được như thế, ta không còn đồng tình, nuôi dưỡng cơn giận, mà quay sang tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp thực tiễn cho sự việc. Điều này cắt đứt nguồn năng lượng tinh thần cần thiết để nuôi dưỡng cơn giận. Vì thế, tất yếu là nó sẽ tàn lụi đi như một bếp lò bị rút sạch không còn than củi.
Tương tự, khi chúng ta sinh khởi cảm xúc ghét bỏ ai, đó là vì chúng ta thiếu lòng khoan dung. Mỗi một hành vi sai trái hay một khía cạnh không tốt của ai đó đều có những nguyên nhân nhất định mà nếu hiểu rõ được ta có thể rộng lòng tha thứ. Khi phát triển lòng khoan dung, ta không nhìn sự việc với khuynh hướng bắt lỗi nữa, mà là theo khuynh hướng tìm lý do để tha thứ. Vì thế, trong hầu hết các trường hợp ta đều có thể tha thứ thay vì là ghét bỏ. Có thể hình dung trong khả năng xấu nhất là ta hoàn toàn không thấy có lý do nào đáng để tha thứ, thì ta vẫn có thể tha thứ vì sự dại dột của đối tượng, đã không biết rèn luyện, tu dưỡng để trở nên người tốt.
Như đã nói, việc loại bỏ những cảm xúc ghét giận và phát triển sự kiên nhẫn, lòng khoan dung cũng là một quá trình chuyển hóa từ những yếu tố tiêu cực trở thành tích cực. Vì thế, chúng ta vẫn phải cần đến sự hiểu biết và kiên trì để vượt qua những giai đoạn cần thiết của quá trình.
Chúng ta sẽ bắt đầu với sự học hỏi, suy ngẫm về những tác hại của các cảm xúc ghét, giận và những lợi ích của sự kiên nhẫn, lòng khoan dung. Về những điều này, sự phân tích nội tâm là vô cùng quan trọng, bởi vì chúng ta đang tìm hiểu về những cảm xúc của chính mình mà không phải là của ai khác. Chúng ta có thể hình dung những trường hợp tức giận hay ghét bỏ ai, hoặc thực nghiệm ngay với những cảm xúc này khi chúng sinh khởi, và phân tích những tác hại mà chúng mang lại cho tâm hồn chúng ta. Chúng ta cũng thực hành sự kiên nhẫn và khoan dung tha thứ với một ý thức tỉnh táo để phân tích những lợi ích mà chúng mang lại cho tâm hồn.
Khi một ai đó tức giận, bạn cũng có thể tận dụng cơ hội này như một bài tập thực hành. Hãy lặng lẽ quan sát người ấy từ xa và chú ý phân tích mọi tác động của cơn giận lên con người ấy. Bạn sẽ thấy được những thay đổi rất cụ thể về cung cách, cử chỉ, ngôn ngữ... của một người đang giận. Tất nhiên là với một sự quan sát khách quan, bạn sẽ thấy rõ đó không phải là những hình ảnh đẹp. Ghi nhớ điều đó và tự hứa với lòng mình: “Tôi sẽ không bao giờ để cho những cơn giận chi phối giống như người ấy.”
Bạn không thể loại bỏ ngay tức thì những cảm xúc giận và ghét. Vì thế, vẫn có một lúc nào đó bạn nổi giận. Đừng tự trách mình, nhưng hãy sử dụng ngay cơ hội này để thực hiện một bài tập. Sau cơn giận, khi đã có thể bình tĩnh hơn, hãy ngồi yên và nhớ lại tất cả những gì diễn ra trong lòng khi bạn nóng giận. Hãy phân tích những cảm giác khó chịu, bực tức hoặc nóng nảy... và xác định rõ tính chất tiêu cực, không tốt đẹp của chúng đối với tâm hồn. Cuối cùng, hãy tự nhủ: “Nếu tôi khôn ngoan hơn, tôi đã không phải chịu đựng cơn giận này. Vì thế, trong tương lai tôi sẽ không bao giờ để cho cơn giận chi phối như thế nữa.”
Trong thực tế, những bài tập như trên có thể phải lập lại rất nhiều lần trước khi bạn có thể hoàn toàn chuyển hóa được những cơn giận hay cảm xúc ghét bỏ. Nhưng điều cần thiết là không được nản lòng và tự trách mình. Bạn cần có thời gian, đó là điều tất yếu. Và cho dù bất cứ mức độ nhỏ nhoi nào bạn đạt được trong sự rèn luyện này cũng đều đáng khích lệ hơn là một sự buông thả. Bạn cần phải củng cố niềm tin vào mục tiêu theo đuổi của mình và hình thành quyết tâm thực hiện cho bằng được những điều tốt đẹp để đạt đến mục tiêu ấy.
Điều cuối cùng cần nêu ra ở đây vẫn là sự nỗ lực và kiên trì. Bạn sẽ thành công, nhưng đừng bao giờ đòi hỏi là ngay vào lúc này. Bởi vì như đã nói, quá trình chuyển hóa tất yếu phải cần có thời gian.
HẠNH PHÚC KHẮP QUANH TA - NGUYÊN MINH