Làm Ăn Kiểu Việt Nam

#1
Lời tác giả:

Bài viết này không nhằm đả phá, chỉ trích bất cứ một cơ sở thương mại, một cá nhân nào. Tác giả chỉ nêu lên một vài vấn đề rất thiết thực trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nó có thể xem như một lời đề nghị chân tình, trong tinh thần "cái gì hay của người thì mình học, cái gì dở thì mình bỏ đi".

Xin chân thành cảm tạ.


***

Bước chân vào một ngôi chợ Mỹ rồi bước chân vào một ngôi chợ Việt Nam, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng. Ở chợ Mỹ, hàng hoá, thực phẩm được sắp xếp gọn gàng đâu ra đó. Trái cây láng bóng được bày biện mỹ thuật, đẹp mắt, những quả hư, quả thối được thẳng tay cho vào thùng rác. Rau cỏ xanh mát, tươi ngon, những lá sâu, lá dập được cẩn thận cắt bỏ. Trong khi đó, tại chợ Việt Nam, hàng hoá chất đống, hỗn độn, nhiều khi ra cả lối đi. Trái cây thì được chứa trong cần xé, lộn xộn, bầm dập. Rau cỏ cũng chẳng khá hơn, mua về, đôi khi phải rửa ba bốn nước cũng chưa hết đất cát.


Bước vào ngôi chợ Mỹ, chúng ta có cảm giác thoải mái, vì sự gọn gàng sạch sẽ. Hành lang rộng được lau chùi bóng lọng. Ðèn đuốc sáng choang, máy lạnh chạy 24/24. Bước chân vào ngôi chợ Việt Nam, tuy diện tích của nhiều chợ không thua gì chợ Mỹ, có khi còn lớn hơn, nhưng chúng ta lại có cảm tưởng như nó rất chật chội, vì sự xô bồ hỗn độn của nó. Hành lang đã chật, lại không được giữ gìn, lau chùi đúng mức nên lúc nào trông cũng như dơ bẩn, nhất là tại khu bán rau cỏ, trái cây.



Tại sao có sự khác biệt này?

Nhiều người cho rằng chợ Mỹ giàu hơn chợ Việt nên họ có tiền mướn nhiều người làm, xắp xếp, lau chùi, quét dọn chợ nên chợ bao giờ cũng sạch, cũng mát. Tôi đồng ý là chợ Mỹ mướn nhiều người làm, nhưng không đồng ý ở điểm chợ Mỹ giàu hơn chợ Việt. Chợ Mỹ cũng bán, cũng kiếm lời như chợ Việt. Tại sao họ lại có thể mướn nhiều người hơn mà chúng ta không thể làm như họ? (Chúng ta nên nhớ là nhân viên Mỹ lương cao hơn, và có đầy đủ quyền lợi như bảo hiểm sức khoẻ, nghỉ thường niên, nghỉ bệnh, ..., không biết nhân viên Việt Nam có được như vậy hay không?).


Có người lại cho rằng chợ Mỹ bán giá cao hơn chợ Việt, vì vậy họ lời nhiều hơn, do đó họ có tiền mướn nhiều nhân viên hơn. Cũng không hẳn là như vậy. Họ bán giá cao hơn nhưng chưa chắc họ lời nhiều hơn vì tiền overhead của họ rất cao. Việc chợ Việt bán giá rẻ thì chính là lỗi của các ông bà chủ chợ. Vì muốn cạnh tranh nên các ông hạ giá xuống mức tối đa để kiếm khách (làm ăn kiểu Việt Nam mà, như vụ cá Basa). Khi giá hạ thì phẩm chất đương nhiên sẽ hạ. Tại sao các ông, các bà không đồng lòng bán bằng giá chợ Mỹ để có thêm tiền mướn người giữ chợ cho sạch sẽ hơn. Hay là các ông, các bà không dám cạnh tranh với chợ Mỹ, vì nếu các ông bà bán giá bằng chợ Mỹ, khách Việt Nam sẽ bỏ đi chợ Mỹ chăng? Tôi không tin như vậy. Theo tôi, khác hàng Việt Nam sẽ không màng nếu các ông bà bán giá bằng chợ Mỹ, miễn là các ông bà giữ được tiêu chuẩn vệ sinh như chợ Mỹ và đừng bán với giá cao hơn chợ Mỹ thì các ông bà không có gì phải lo ngại. Các ông bà hãy vững tâm, tôi hoàn toàn tin tưởng là người Việt Nam sẽ đi chợ Việt Nam vì đi chợ Việt Nam mới có thức ăn Việt Nam, trái cây Việt Nam, nước mắm, dưa chua... và nhất là tại chợ Việt Nam mới có tình đồng hương thắm thiết.


Tôi biết, người Việt Nam có thói quen bươi bới để tìm trái cây lớn hoặc rau quả tươi. Tôi đã từng chứng kiến nhiều bà nội trợ Việt Nam, mất cả một thời gian dài chỉ để chọn một quả sầu riêng, một quả dưa hấu, một vài trái lê hay một vài quả cam, cho dù chỉ lớn hơn một chút. Tôi cũng đã từng chứng kiến cảnh nhiều người mua xoài, họ tốn cả một thời gian dài để tráo đổi một vài quả xoài trong một thùng xoài 9 trái. Khách Mỹ không vậy, họ chỉ lấy hoặc lựa những gì sắp ở trên, không bươi bới, không tráo đổi. Vì vậy, hàng của họ bao giờ nhìn cũng gọn, cũng đẹp mắt.


Tôi nghĩ, nếu các ông bà chủ chợ VN chịu khó mua hàng tốt, trái cây không hư, rau cải tươi, thì khách Việt Nam đâu cần bươi bới từ dưới lên trên để chọn, để lựa. Bằng chứng là rất nhiều bà nội trợ Việt Nam đi chợ Mỹ, có thấy các bà bươi, các bà bới bao giờ đâu? Như trình bày ở trên, hàng tươi tốt dẫu đắt hơn một vài xu, khách hàng sẽ vẫn vui lòng trả tiền.

...

Người Việt Nam xa xứ, nhất là những người được sống ở Quận Cam, nơi có Tiểu Sài Gòn, nơi được mệnh danh là thủ đô tinh thần của người Việt, đều rất biết ơn các tiệm ăn Việt Nam. Ở đây, bạn có thể tìm thấy bất cứ một món ăn Việt Nam nào bạn thích, từ phở, mì, hủ tíu, bánh cuốn, bánh bèo, cơm tấm ...Tại nhiều nhà hàng, chỉ cần nhìn cái thực đơn là bạn đã sướng mắt: hơn 100 món ăn để bạn lựa chọn. Ðã thiệt.

Nhưng bên cạnh điều tốt, nhà hàng Việt Nam cũng có những điều không được tốt lắm. So với các nhà hàng Mỹ, các ông bà chủ nhà hàng Việt Nam còn phải học rất nhiều.



Thứ nhất là cung cách phục vụ khách hàng.

Ðiểm này nhà hàng Việt Nam đáng được cho điểm D nếu không muốn nói là điểm F. Tại những nhà hàng Mỹ (ở đây chúng ta chỉ nói đến những nhà hàng bình dân hoặc trung trung), các nhân viên phục vụ đều phải qua một khoá huấn luyện về cung cách phục vụ. Khi chúng ta đi ăn tại một nhà hàng Mỹ, chúng ta sẽ được phục vụ đúng mức. Những người phục vụ, dầu nam hay nữ, trên môi họ lúc nào cũng nở nụ cười thân thiện mặc dù đôi khi họ cũng rất mệt mỏi vì phải chạy lên, chạy xuống mấy giờ liền. Nhưng không vì vậy họ gắt gỏng hay cau có với khách hàng. Họ luôn hỏi han, châm nước, thêm đá mà không cần khách gọi. Khi mang thức ăn ra, họ luôn xoay phần thịt về phía khách hàng và luôn hỏi khách cần thêm gì hay không ? Tóm lại, họ phục vụ thực khách tận tình trong suốt thời gian khách ăn uống. Vì vậy khi đứng lên, khách rất vui lòng khi để lại 15 hay 20 phần trăm tiền phục vụ.


Trái lại, khi bước chân vào phần đông các nhà hàng Việt Nam, dù lớn hay nhỏ, chúng ta đều không được phục vụ đúng mức, nếu không muốn nói là quá tệ. Những người phục vụ chẳng bao giờ cười, đôi khi mặt mũi còn như đưa đám. Khi mang thức ăn ra, họ đặt tô hoặc đĩa thức ăn một cách vô ý thức trước mặt thực khách rồi quay lưng đi thẳng. Họ không nhìn mặt thực khách chứ đừng nói đến việc hỏi khách còn cần thêm gì không. Ðó là lần đầu cũng như lần cuối họ trở lại bàn đó nếu khách không gọi.


Nhiều người làm nghề này vì hoàn cảnh bắt buộc chứ họ chẳng yêu gì cái nghề bưng thức ăn cho người khác. Theo ý của tôi, nếu một người không hợp hoặc không thích làm nghề phục vụ thì người đó hãy tìm cho mình một nghề khác thích hợp hơn. Còn nếu đã chọn nghề phục vụ, thì xin làm trọn bổn phận của mình. Hầu hết thực khách Việt Nam đều để lại tiền tip cho những người phục vụ nhưng chỉ khoảng 10% . Tôi nghĩ điều này đúng vì họ có phục vụ đâu mà được 15% hay 20% như trong nhà hàng Mỹ.

Thứ hai, nhà hàng Mỹ không bao giờ xếp người lạ vào bàn người khác. Nếu hết chỗ, khách phải chờ, giản dị như thế. Có bao nhiêu người trong chúng ta, đang thưởng thức món ăn thì đã phải bỏ dở, nuốt không trôi vì bỗng dưng nhà hàng xếp vào bàn mình một ông lạ hoắc. Tôi tin rằng ông lạ hoắc đó ăn cũng chẳng ngon miệng chút nào.


Thứ ba, tôi rất khó chịu là phần đông những nhà hàng Việt Nam thường đòi hỏi khách phải ra quầy tính tiền. Trong nhà hàng Mỹ, họ đem hoá đơn đến tận bàn của khách khi được yêu cầu, hoặc khi thấy khách đã dùng xong.


Những nhà hàng Việt Nam hầu hết không nhận tiền nhựa. Họ chỉ nhận tiền xanh. Tại sao vậy nhỉ ? Tôi không trả lời được câu hỏi này. Có lẽ họ ngại phải trả cho công ty credit vài phần trăm chăng? Ðây là một điều rất bất tiện cho tôi và chắc cũng cho nhiều người khác, vì ít khi nào tôi có trên 20 đồng tiền mặt trong túi. Hầu hết các nhà hàng Mỹ đều làm chuyện này, mặc dầu họ phải trả ra thêm vài phần trăm, nhưng khách được nhiều tiện lợi. Nhiều khi chính khách hàng là người phải trả cho dịch vụ này nhưng chúng ta có bao giờ thấy ai than phiền đâu. Hãy thử tưởng tượng một chàng thanh niên đi ăn với người yêu nhưng quên coi lại tiền mặt, hoặc người yêu lỡ trớn gọi nhiều món nặng tiền ...Vì vậy, tôi luôn nhớ kiểm soát ví của mình trước khi bước vào một tiệm ăn VN.


Thêm vào đó, phần đông cách nhà hàng, sau khi tính tiền, không bao giờ giao lại cho khách biên nhận, ghi rõ những món ăn, thức uống mà khách đã gọi, cùng những phụ phí khác. Ða số khách Việt thường dễ dãi, không nề hà về chuyện này, nhưng theo tôi, đây là cách làm ăn không được minh bạch lắm.

...

Tại Hoa Kỳ, phương châm của nhiều cửa hàng là khách hàng trên hết. Họ làm đủ mọi điều để chiều khách vì họ biết khách sẽ trở lại và giới thiệu cho bạn bè. Nếu chúng ta mua một món đồ trong tiệm Mỹ, vì bất cứ một lý do nào đó chúng ta không vừa ý, chúng ta có thể đem đổi lại, hoặc trả lại, miễn là chúng ta theo đúng nội quy của tiệm đó. Với tiệm VN, điều này hơi khó. Món hàng khi đem ra khỏi cửa thì đừng mong trả lại, mặc dù đôi khi nó bị hư hay trục trặc. Chỉ có nước quăng vào thùng rác. Bao giờ thì chúng ta mới tiến bộ?

...

Ai cũng biết quảng cáo là một vấn đề rất quan trọng cho những người làm thương mại. Kỹ nghệ quảng cáo trên toàn cầu nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng là một kỹ nghệ được xếp vào hàng đầu và có ảnh hưởng rất mạnh mẽ với chúng ta. Quảng cáo hiện diện ở khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức. Từ báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, trên xa lộ, đường phố cho đến hông xe buýt, xe điện, trên băng ghế đá, trên nền trời và ngay cả trong nhà vệ sinh. Một kỹ thuật mà các công ty thường áp dụng là dùng các tài tử nổi tiếng, các thể tháo gia, các danh ca và các siêu người mẫu để quảng cáo sản phẩm cho công ty của họ, nhất là những tài tử, danh ca, người mẫu duyên dáng như Britney Spears hoặc có thần hình khêu gợi như Claudia Schiffer. Do đó, chi phí quảng cáo không phải rẻ, đôi khi, có thể lên đến bạc triệu. Thật vậy, một show quảng cáo của Nike, Pepsi Cola hoặc Budweiser dài chỉ một phút trong trận Super Bowl đã được trả với giá một triệu Mỹ kim hoặc hơn nữa. Thật khó tưởng tượng. Những chủ nhân của các công ty thương mại đều biết rằng, nếu muốn sống còn trên thương trường, họ phải tốn tiền quảng cáo. Tuy hơi đau, nhưng cái lợi nhiều hơn cái hại. Bỏ con tép bắt con tôm là thế.


Nhưng dầu sao giới tiêu thụ chúng ta cũng phải cám ơn họ. Chính nhờ vào sự tung tiền ra quảng cáo mà chúng ta mới có được những chương trình truyền hình, hoặc truyền thanh miễn phí, mặc dù nhiều người lý luận rằng các chương trình này không miễn phí vì chính chúng ta đã trả tiền cho chúng dưới một hình thức khác.


Các cơ quan truyền thanh truyền hình và báo chí đã có công rất lớn khi họ mang đến cho chúng ta những kiến thức về các sản phẩm, các dịch vụ mà nếu không có họ, chúng ta sẽ không bao giờ biết đến các sản phẩm hoặc dịch vụ này.


Nhưng buồn một nỗi, nhiều cơ quan truyền thanh, truyền hình, báo chí của cộng đồng Việt Nam, vì cái lợi về vật chất trước mắt mà họ đã quên đi nhiệm vụ chính của họ là đem lại món ăn tinh thần cho khán thính và độc giả. Họ đã không cân bằng được tỷ số quảng cáo với tỷ số các chương trình hoặc chuyên mục khác.

Làm ăn kiểu Việt Nam là thế.


Nếu chúng ta xem một chương trình truyền hình hoặc nghe một chương trình truyền thanh Hoa Kỳ, ba phần tư thời gian của họ là chương trình chính và chỉ một phần tư là phần quảng cáo. Ngược lại, nếu chúng ta xem những chương trình truyền hình hoặc nghe những chương trình truyền thanh của Việt Nam, chỉ có một phần tư thời gian dành cho chương trình chính, còn ba phần tư, nếu không muốn nói là chín phần mười, là phần quảng cáo. Thậm chí, có những đài phát thanh còn có những cái tên nghe rất văn nghệ hoặc khoa học, nhưng chương trình cũng chỉ toàn là quảng cáo thương mại. Có lẽ họ nên đổi tên đài cho thích hợp hơn.


Việc làm thiếu sự suy tính này đã làm phản tác dụng của nghành quảng cáo vì số khán thính giả nghe đài hoặc xem truyền hình bực tức, lẩm bẩm văng tục và sau đó chuyển qua đài khác không phải là ít.


Tôi thường hay xem một chương trình kịch dài trên đài truyền hình Ðại Hàn. Trong 30 phút phim kịch, họ chỉ chạy 2 hoặc 3 phút quảng cáo trước khi vào phim và 2 hoặc 3 phút quảng cáo vào khoảng giữa phim. Tại sao các đài truyền hình, truyền thanh VN không làm được như vậy? Tôi hy vọng là các ông bà chủ đài suy nghĩ về vấn đề này, cân bằng thời lượng của quảng cáo và chuyên mục thì đoan chắc số thính giả, khán giả sẽ tăng gấp bội, các thương vụ của thân chủ của các ông bà sẽ gia tăng, và lẽ dĩ nhiên thương vụ của các ông bà cũng sẽ gia tăng. Tất cả đều được lợi.


Cộng đồng Việt Nam của chúng ta còn rất nhiều điều phải học hỏi và sửa đổi. Trên đây chỉ là những thí dụ điển hình . Ðã sống trên đất Mỹ, một cường quốc văn minh đứng hàng thứ nhất trên thế giới thì chúng ta cũng nên làm ăn một cách văn minh và khoa học hơn. Tôi đã thấy một vài doanh nghiệp đã thay đổi và đã được đồng hương Việt Nam hưởng ứng nhiệt liệt. Một vài nhà hàng đã có lối trang hoàng mỹ thuật hơn, sạch sẽ hơn và sự phục vụ khá hơn. Một cơ sở bán bánh mì đã có sáng kiến dùng máy điện toán để lấy và giao hàng, tránh cảnh chen chúc, hỗn loạn của người mua. Thương vụ của những doanh nghiệp này càng ngày càng phát triển.


Mong rằng những doanh nghiệp khác cũng nên theo gương của họ để chúng ta khỏi phải xấu hổ khi phải giới thiệu những cơ sở thương mại của người Việt với những bạn bè người ngoại quốc.

Mong lắm thay.


Trần Quốc Sỹ