Lòng Trắc Ẩn

#1
Tôi từng nghe kể câu chuyện về Fiorello La Guardia, thị trưởng thành phố New York trong suốt thời kỳ Đại Suy Thoái (1929-1939) và Thế Chiến thứ II (1939-1945). Dân chúng New York rất ngưỡng mộ ông và gọi ông bằng cái tên thân mật “Bông Hoa Nhỏ” - vì tên ông, vì thân hình thấp bé của ông và cũng bởi vì ông luôn đeo một bông cẩm chướng nhỏ nơi ve áo.

Ông là một người rất năng động và nhiệt thành – lái xe cứu hỏa thành phố New York, tham gia bố ráp những quán rượu lậu cùng với sở cảnh sát, mời tất cả trẻ em mồ côi đến xem các cuộc thi đấu bóng chày, và khi các tờ báo ở New York đình công, ông lên đài phát thanh đọc truyện vui cho thiếu nhi trong chương trình Chủ Nhật.

Một đêm tháng Giêng buốt giá năm 1935, ngài thị trưởng xuất hiện tại một phiên tòa đêm mở ra tại khu vực dân cư nghèo nhất thành phố. Thị trưởng LaGuardia tạm thời bãi chức vị chánh án riêng trong tối hôm đó và lên ngồi thay vị trí của ông ta. Ít phút sau, người ta đưa một bà lão quần áo rách tả tơi bị buộc tội ăn cắp một ổ bánh mì tới trước mặt ông. Bà lão cho LaGuardia biết con gái bà đã bị chồng bỏ rơi, hiện cô đang bị bệnh còn hai đứa cháu ngoại của bà đang lả đi vì đói. Nhưng người chủ tiệm bị lấy cắp bánh mì từ chối bãi nại. Ông ta nói với ngài thị trưởng: “Khu vực này thực sự tồi tệ thưa Ngài. Bà ta phải bị trừng phạt để làm gương cho những người xung quanh”.

LaGuardia thở dài. Ông quay sang người phụ nữ tội nghiệp và nói: “Tôi phải phạt bà thôi. Luật không có trường hợp ngoại lệ. Bà muốn đóng phạt 10 đô hay 10 ngày tù giam”. Nhưng ngay khi vừa tuyên án xong, ông thò tay rút ví, lấy ra một tờ giấy bạc và bỏ vào chiếc nón nổi tiếng của mình, rồi nói: “Đây là 10 đô tiền phạt tôi phải đóng; và hơn nữa, tôi muốn phạt mỗi vị có mặt trong phiên tòa này 50 xu vì đã sống trong một thành phố nơi mà người ta phải ăn cắp bánh mì để nuôi cháu ngoại mình. Ông Bailiff, vui lòng thu tiền phạt và đưa lại cho bị cáo”.

Ngày hôm sau, các báo ở New York loan tin 47,5 đô đã được chuyển giao cho bà lão, mặt chưa hết vẻ sửng sốt vì phiên tòa lạ lùng này. Trong khoản tiền đó có 50 xu là phần đóng góp của người chủ tiệm bánh, trong khi khoảng chừng 70 người phạm tội vặt, những người vi phạm luật giao thông và cảnh sát thành phố New York, mỗi người đã phải đóng 50 xu. Sự kiện này giúp ngài thị trưởng nhận được nhiều sự tán thưởng của dân chúng.

Một ai đó đã thốt lên những lời rất hay như sau: “Sự thông cảm nhìn thấy và nói: Tôi rất tiếc! Lòng trắc ẩn nhìn thấy và nói: Tôi sẽ giúp! Nếu nhận thấy được sự khác biệt của chúng, bạn rồi sẽ tạo nên sự khác biệt".

(Stevie Goodier)



Fiorello La Guardia, thị trưởng thành phố New York.




Bức tượng thị trưởng Fiorello La Guardia
- người rất được dân chúng ngưỡng mộ và yêu thương.