Minh Triết Lúa Nước

Asm

Giám đốc nhà máy pháo
#1
Năm nay con Mèo nhưng mình có bài luận của người Thầy và là người bạn đang cùng chung với mình trong việc ứng dụng green power. Bài luận này rất thích hợp cho các anh chị em có sự lựa chọn đúng con đường tương lai của mình , nó thực sự giúp ích cho bạn mở rộng tầm nhìn trong mọi mặt. Mời các anh chị xem và suy ngẫm.

Minh triết lúa nước

Năm Canh Dần này, nhớ lại chuyện ngày xưa có một nông dân sẵn lòng cho hổ xem trí khôn, nhưng lại sợ hổ ăn thịt trâu của mình, nên đã dùng mẹo đốt hổ thành những vết đen vằn vện trên bộ lông vàng. Để khỏi uổng phí trí thông minh của anh, người xưa đã chép những ý kiến của anh lại thành một pho sách. Pho sách ấy nay đã thất lạc, tuy vậy những mẩu sót lại vẫn đáng được xem là minh triết có thể áp dụng cho thời đại “ hiếm hổ báo thừa máy tính” thuộc những năm đầu thế kỷ 21 này.

Cách đây mấy ngàn năm, có một nông dân đã dùng lửa rơm vẽ được những vết đen vằn vện trên bộ lông mướt vàng của hổ, như trong truyện “trí khôn” đã chép. Kể từ đó anh thường huyênh hoang khoe tài của mình. Dân làng phục thì phục, nhưng vẫn muốn kiểm tra thêm thực tài của anh. Một cụ già hỏi: “Anh đã có tài xử lý tình huống
ngắn hạn đuổi hổ để bảo vệ trâu, nhưng vấn đề chiến lược đời người, sống thế nào cho ra sống, vừa giàu sang, vừa hạnh phúc mà lại có thể để lại tiếng thơm muôn đời, thì anh có lời khuyên nào cho dân làng, hoặc hơn nữa cho đám thanh niên”
. Anh liền đáp, mà không đắn đo gì nhiều: “Đời người vốn ngắn, nếu muốn giàu sang, hạnh phúc mà lại để tiếng thơm muôn đời thì luôn luôn phải theo những chỉ dẫn sau đây, chệch ra thì khó đạt lắm. Nhưng nếu tuân thủ đúng thì chả những một nhà ấm no, mà cả Tổng cũng sung túc, rồi vài ngàn năm sau sẽ xây dựng được một xã hội cực kỳ phồn thịnh”.

Nghe anh nói vậy các cụ bô lão trong làng liền bảo nếu bí kíp quan trọng đến thế thì anh hãy từ từ để chúng tôi lập đàn. Anh chay tịnh 5 hôm, rồi hãy lên đàn thiền định 6 giờ, 8 khắc. Sau đó hãy truyền giảng, mà anh nên nói chậm thôi, để chúng tôi bố trí nhiều người cùng ghi chép thật kỹ. Làm vậy, may ra có thể truyền lại lâu dài, mà
không thất lạc.

Dân làng và anh nông dân đã theo đúng nghi lễ đó, nên đã ghi lại được những lời giảng dạy quan trọng của anh thành một pho sách. Nhưng do đã quá lâu, mà lại trải nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều thiên tai địch họa, nên cuốn sách ấy cũng mất. Do đó, những lời của anh giảng đến bây giờ toàn là truyền khẩu cả. Hôm mồng hai tết Canh Dần vừa rồi, cụ Nguyễn người Làng Đan, Tỉnh Nam, vốn là hậu duệ lâu đời của anh nông dân nọ, nằm mơ thấy tiền nhân hiện về bảo rằng thành ngữ “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” chính là một chương quan trọng trong quyển thượng của sách ấy.

Khi tỉnh dậy, cụ Nguyễn nhớ lại lời mộng truyền mà chép lại như sau. “Tậu trâu” không đơn thuần là mua con trâu thường, dù có là trâu sắt hay máy cầy liên hợp, mà là trau dồi nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, mua sắm công cụ, phương tiện sản xuất. “Con trâu xịn” không đơn giản là bằng cấp cao mà là khả năng giải quyết thông
minh, hợp lý, hợp tình những tình huống khó khăn trong công tác thực tế. Cái khả năng ấy phải “tậu” lâu mới được, phải trả bằng nhiều thất bại nữa. Khi tậu trâu người ta phải nghĩ đến ruộng.
Ngày nay, phương thức hoạt động kinh tế đã khác rất nhiều ngày xưa, cho nên ta có thể tạo các mảnh “ruộng ảo”. Ví dụ, ruộng của giáo viên là bục giảng nên nhiều Giáo Sư danh tiếng khi đi dạy học bảo là “tôi đi cày”. Ruộng của công nhân là nhà máy nên đi ca cũng gọi là đi “cày”. Ruộng của một “pro” IT là bàn phím máy tính nên đến văn phòng người ta cũng gọi là đi cày nữa. Vậy “tậu trâu” chính là bước đầu tiên quan trọng nhất của đời người. Nếu không tậu được trâu, không rèn được năng lực đi “cày” trong một xã hội nghề nghiệp đầy biến động thì khó mà lập thân được, thậm chí ngoài 30 tuổi chưa chắc đã dám nói “tam thập, nhi lập”. Học sinh lớp 11, 12 băn khoăn chọn trường đại học cũng là đang suy tư về việc tậu trâu. Khi đó chớ
nên lấy tiêu chí “chọn trường dễ xin việc” làm hàng đầu. Mà nên chọn trường nào có thể cung cấp nhiều kiến thức thích hợp nhất với “năng lực cày” của mình mà xin thi tuyển. Do đó, cha mẹ, thầy cô, và chính các học sinh nữa phải suy tư để tìm cho chuẩn xác “năng lực thiên bẩm” của mình mà chọn trường. Bởi vì đi học là tậu kiến thức, tức
là tậu trậu, cho nên phải lựa nơi có trâu phù hợp mà đến. Chăm lo cho con trâu ngày một lớn khoẻ tức là chăm lo bồi dưỡng kiến thức suốt đời. Cho nên tậu trâu là công việc quan trọng nhất phải làm đầu tiên trong đời, và phải làm suốt đời nữa.

Trong mơ cụ Nguyễn bẩm Ngài rằng đời nay kiến thức rất nhiều, vậy tậu kiến thức nào trước kiến thức nào sau. Tiền nhân bèn trả lời kiến thức quan trọng nhất là những hiểu biết cơ sở cho phép suy ra, chắt lọc, nâng cấp các kiến thức khác. Đó là một kiểu bộ lọc cho phép lưu giữ các vết của thông tin. Như con chim bay trên trời,nhìn lông nhìn dáng ta có thể đoán là chim gì, nhưng nhìn cung cách bay lượn thì biết
được vết. Vậy nên đầu tiên phải tậu những kiến thức cho phép ta lưu giữ lại cái “thần” chứa trong thông tin, trong kiến thức. Hoặc giả người xưa bình về tướng giỏi có câu “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa biết lòng người, thì được gọi là tướng giỏi và đánh trăm trận trăm thắng”. Thực ra ông tướng giỏi ấy là kẻ nắm được vết
của sự thay đổi, dù là thay đổi của trời đất, hay thay đổi trong lòng người. Vì biết được nhịp điệu thay đổi nhanh hay chậm, ít hay nhiều của chiến cuộc nên ông tướng biết thắng ngay cả khi thế và lực đều kém giặc. Thực vậy, ông tướng ấy đã tậu được những kiến thức cho phép đoán được những sự biến đổi của thời cuộc và của lòng người tàng ẩn trong những thông tin chiến sự. Tóm lại tậu trâu nghĩa là tậu tri thức, mà tri thức quan trọng nhất cần phải tậu là những tri thức về “nhịp điệu biến dịch” của tự nhiên và xã hội. Còn các kiến thức chuyên môn khác dần dà ta sẽ càng tích lũy được nhiều thêm thông qua năm tháng và kinh nghiệm.

Sau tậu trâu,việc quan trọng thứ hai, là lấy vợ. Tiền nhân vừa nói đến đây, cụ Nguyễn bèn hỏi cắt ngang: “Bẩm, tậu được kiến thức và năng lực lao động rồi thì phải đi “cày”, cớ sao lại lấy vợ luôn”. Ngài mỉn cười ung dung trả lời:
-Lấy vợ hoàn toàn không nên hiểu theo nghĩa đen. Hãy xem cái sự lấy vợ, xưa nay chẳng ai lấy người luôn chống đối mình làm vợ, làm chồng. Mà còn có câu “thuận vợ thuận chống tát biển Đông cũng cạn”. Vậy nghĩa bóng của “lấy vợ” chính là kết với những người có chung chí hướng với mình. Sau khi “tậu trâu”, có kiến thức và năng
lực làm việc rồi, nhất định sẽ nảy sinh ý định làm một việc gì đấy. Do đó, để đi cái đích đã chọn, thì người ta phải kết với người cùng chí hướng. Khi kết chạ rồi trách nhiệm công việc sẽ thôi thúc ta, ta không đứng núi này trông núi nọ nữa, ta sẽ chuyên tâm hơn, do đó cái mục đích cũng rõ ràng hơn và sự phấn đấu cho công việc cũng chuyên sâu hơn. Dần dần ta sẽ đạt đến những kết quả nho nhỏ, rồi có thêm kinh nghiệm. Theo năm tháng ta sẽ có một nghiệp. Sự nghiệp ấy chính là cái nhà. Hiểu theo nghĩa đen là cái nhà để ở. Hiểu theo nghĩa bóng là nhà này, nhà kia. Bán thuốc thì có nhà thuốc.
Dạy học thì thành nhà giáo. Viết lách thì thành nhà báo, nhà văn. Làm sản xuất hay buôn bán thì thành nhà doanh nghiệp,…. Mà làm vua thì thành nhà Lý nhà Trần,….

Vậy việc thứ ba quan trọng trong đời là làm nhà. “Làm nhà” chính là hệ quả của hai việc “tậu trâu”, “lấy vợ” mà thôi.

Rồi tiền nhân truyền tiếp. Nếu xét theo thuyết “thiên địa nhân” thì con người là trọng vật sánh ngang trời đất. Do đó, mang câu “tậu trâu lấy vợ làm nhà” mà truy cứu thì “tậu trâu” và “lấy vợ” cùng chiều vận động, còn làm nhà thì ngược chiều ấy.Nghĩa là, nếu lấy mình làm “trụ” thì “tậu trâu” và “lấy vợ” là thu về mình, “tích luỹ”
về phía mình hoặc những đối tượng phi vật thể như kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm, dữ liệu,… hoặc là những đối tượng vật thể như công cụ tư liệu sản xuất, vợ chồng, bè bạn, người chung chí hướng,… Trong khi đó, “làm nhà” là tản ra từ phía mình đến không gian bên ngoài những kết quả của hành vi “tích luỹ” kể trên. Do đó, theo thuyết tích/tản thì “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” chính là hai hành Kim và Thuỷ trong môn Ngũ Hành [1]. Ba công việc ấy tạo thành nhịp điệu của cuộc đời, nhịp điệu tích/tản để sinh sáng tạo[2]. Nếu sự sáng tạo ra “nhà” mà đạt đến trình độ “nhà tiên tri” như Nguyễn
Bỉnh Khiêm, “nhà thơ” như Nguyễn Du, “nhà quân sự” như Quang Trung, “nhà doanh nghiệp” như Bạch Thái Bưởi, “nhà văn hóa” như Nguyễn Hiến Lê….thì có phải là “làm nhà” mà lưu được tiếng thơm muôn thủa không?

Tiền nhân bảo mộng đến đây thì cụ Nguyễn cựa mình chợt tỉnh. Trước khi khuất bóng tiền nhân còn nói:
- Ngày nay, người ta đề cao văn minh lúa nước nhiều lắm, ta tin rằng trong số ấy chắc có người hiểu rõ bí kíp “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” chính là minh triết quan trọng nhất trong nền văn minh lúa nước vĩ đại của tổ tiên ta đấy?”

Tài liệu tham khảo

[1]. Thu San Nguyễn Thế Hùng, “Ngũ Hành Nhịp Điệu sáng tạo” 2008, NXB Văn Hóa Thông Tin
Văn hoá Thông tin.
[2].Thu San Nguyễn Thế Hùng, “Những nhịp điệu của tự nhiên”

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng hiện đang công tác tại Viện Cơ học Vật Lý Việt Nam . Đề tài mà mình đang tham dự cùng thầy là động cơ Stirling sử dụng năng lượng mặt trời từ 2009.
 
Chỉnh sửa cuối:

Asm

Giám đốc nhà máy pháo
#2
Ðề: Minh Triết Lúa Nước

Trên đây có sử dụng cụm từ " Tích , tản " hơi khó hiểu em xin giải thích . thường người ta hay thấy " tích lũy" " tích tụ" tức là gom về , thu về 1 nơi nhiều giọt nước sẽ có 1 ly nước đầy. Tích tản ở đây là hấp thu năng lượng , sau đó giải phóng năng lượng để sử dụng cho việc khác, Như việc tích trữ điện vào bình accu sau đó lại sử dụng cho các ứng dụng khác , như khởi động xe hơi..... Tích tản ở đây là anh tích lũy kiến thức và sử dụng nó để xây dựng cho anh cuộc sống tốt đẹp hơn. Mời anh chị có ý kiến để ta tản mạn mùa xuân nhé.