Hãy chỉ cho tôi cách trân trọng những gì tôi đang có
trước khi thời gian buộc tôi phải trân trọng những gì tôi đã có.
(Susan L. Lenzkes)
trước khi thời gian buộc tôi phải trân trọng những gì tôi đã có.
(Susan L. Lenzkes)
Thời gian. Thế giới vận hành quanh nó và cái chết vẫn luôn cố chống lại nó. Nói chung tôi không hay chạy đua với cả đội, và tôi thường không quan tâm đến thời gian. Tuy nhiên, có một lần vào cái ngày đặc biệt ấy, tôi đã chạy đua với cả đội để thực sự chiến đấu với thời gian.
Một bầu trời vần vũ đầy mây đen, trong khi đó những giọt nước mưa đã bắt đầu bắn tung tóe trên mấy đầu ngón tay lạnh buốt của tôi. Tôi - đứa bé gái chín tuổi - đang nắm giữ giữa mấy ngón tay mình những giọt mưa đầu tiên của buổi sáng. Những giọt mưa lạnh len lỏi vào bên trong bộ đồ ấm và cả vào trong đôi giày đang đứng ngay lằn xuất phát của cuộc đua 200 mét. Văng vẳng từ xa, lẫn trong tiếng gió rít là tiếng còi báo hiệu cuộc đua sắp bắt đầu.
Tôi cũng cố tháo bỏ bộ đồ ấm như các bạn - không ai trông có vẻ bị lạnh nhiều như tôi cả. Tất cả đều như nhau, cuộc đua vẫn sẽ cứ bắt đầu bất kể là các bắp cơ đang căng cứng vì lạnh của tôi đã sẵn sàng hay chưa.
Một giọng đàn ông cất lên: “Tất cả vào vị trí…” Đứng trên đường đua, tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng. “Chuẩn… bị…” Tôi ẩy người về phía sau, đôi chân sẵn sàng bắn vọt ra phía trước.
BANG! Tiếng súng lệnh vang lên, và tôi lao vút trên đường đua, nước mưa quất vào mặt tôi cũng nhanh như thân tôi đang xé gió. Chạy được gần nửa đường đua, tôi chợt thấy tiếc phải chi mình sớm nghĩ đến việc đeo kính để nước mưa đừng làm cay mắt. Tuy nhiên, giờ đây điều đó đã là không thể rồi, và tôi cứ phải vừa chạy vừa hơi nghiêng đầu sang bên để tránh không cho nước mưa quất thẳng vào mắt… Và khi đó, tôi hết sức ngạc nhiên khi nhác trông thấy một gương mặt hết sức quen thuộc trong đám đông. Người ấy đứng hơi cách xa những người khác, mặc áo gió trùm đầu màu xanh lá cây, quần jean màu xanh nhạt và mang đôi giày thể thao có ba màu vàng, xanh, trắng. Qua làn mưa nặng hạt, tôi trông thấy người ấy hất chiếc mũ trùm đầu để lộ mái tóc hoa râm, nụ cười thấp thoáng dưới hàng ria nâu nhạt, và vẫy tay với tôi… Ba đó ư? Sao ba lại có mặt ở đây? Có bao giờ ba đến dự những cuộc thi đấu của tôi đâu? Sao ba lại quyết định đến đây và thực hiện cuộc gặp gỡ trên đường đua như thế này?
Cứ mải ngoái đầu nhìn lại trong khi chân vẫn tung bước, nên một lúc sau tôi chợt nhận ra là mình đã chạy lệch đường đua. Vòng đua sắp kết thúc, lúc đó tôi sẽ có thời gian để mà nghiền ngẫm nguyên do vì sao ba lại có mặt ở đây, còn bây giờ thì phải lo về đích trước đã. Thế là, dồn hết toàn bộ sức mạnh vào năm mươi mét cuối cùng, tôi tung mình ra trước và vượt qua lằn ranh đích đến trong tiếng hoan hô vang dội của mọi người.
Quay trở lại chỗ hồi nãy đã nhìn thấy ba, tôi gặp mẹ và chị Carly. Hai người hào hứng tuôn ra một tràng những lời chúc mừng chiến thắng. Phải khó khăn lắm tôi mới ngắt lời mẹ để kể lại việc đã nhìn thấy ba: “Con đã trông thấy Ba. Ba đứng xem con chạy, vậy mà bây giờ con lại chẳng thấy ba đâu nữa. Mẹ giúp con tìm ba đi nha mẹ!”.
Thế là chúng tôi tỏa ra tìm kiếm khắp nơi - trên sân cỏ, trong căn-tin, ở bãi đậu xe, những con đường bên ngoài công viên. Chúng tôi rảo đi rảo lại những nơi ấy nhiều lần nhưng vẫn chẳng thấy bóng dáng ba đâu cả. Tim tôi bỗng se sắt buồn khi biết ba đã đi rồi. Đường về nhà dường như xa thăm thẳm. Trong đầu tôi cứ ong ong câu hỏi: “Tại sao ba lại đến rồi đột ngột bỏ đi như thế?” Nhưng tôi tin chắc rằng ba đã đến. Cuối cùng thì sau bốn tháng trời cách biệt do ba mẹ sống ly thân, hôm nay tôi đã lại được trông thấy người.
Chúng tôi về đến nhà được vài tiếng thì thầy hiệu trưởng trường trung học nơi chúng tôi ở ghé đến thăm. Mặt thầy lộ rõ vẻ trang nghiêm và u buồn, thầy khẽ liếc nhanh về phía hai chị em tôi và hạ giọng nói với mẹ: “Việc hệ trọng, xin phép được gặp riêng bà…”. Thế là hai chị em tôi phải miễn cưỡng ra sân chơi với bọn trẻ cùng xóm. Chúng tôi nghĩ có lẽ mẹ đã bị nhà trường cho nghỉ việc, nhưng khi bước vào nhà những điều trông thấy đã làm hai chị em tôi thật sự bối rối.
Mẹ đang ngồi trên trường kỷ, hai tay ôm mặt khóc nức nở. Chị em tôi vội ghé đến ngồi cạnh mẹ, yên lặng chờ nghe mẹ giải thích. Sau vài phút cố trấn tĩnh, mẹ bắt đầu nói giọng đầy tang tóc: “Các con ơi!…”, mẹ nấc lên, rồi lặng đi một lúc, “ba đã mất rồi!”.
Những lời của mẹ chui vào đầu tôi, chạy rần rần trong đó. “Hồi nào vậy mẹ?”, tôi khẽ hỏi, mắt nhìn chằm chằm vào khoảng trống giữa các ngón tay.
“Đêm qua!”, giọng mẹ tắc nghẹn trong tiếng nấc, “Chuyện xảy ra lúc một, hai giờ sáng”.
Tôi ngồi sững, không khóc nổi, tâm hồn như hóa đá. Sao ba nỡ bỏ tôi ra đi khi mà tôi đã không được nói gì với ba từ mấy tháng nay? Sao ba lại ra đi mà không một lời từ biệt? Sao ba lại có thể chết như thế chứ? Và nếu đã chết, sao ba lại có thể đến đường đua gặp tôi? Một tia hy vọng vụt đến, tôi ngẩng phắt đầu lên, nhưng đôi mắt sưng đỏ vì khóc của mẹ như một gáo nước lạnh chợt làm tôi sực tỉnh. Đó là sự thật. Không ai có thể phủ nhận được điều này. Ba đã bỏ tôi ra đi mãi mãi thật rồi. Dù sao trong thâm tâm, tôi vẫn tin rằng hôm nay ba đã đến đường đua, để gặp tôi, để vĩnh biệt tôi lần cuối…
Giờ đây khi đã bước vào tuổi thành niên, tôi đành chịu chấp nhận rằng ba đã lìa xa mãi mãi. Nhiều năm tháng qua, tôi vẫn giữ mãi niềm tin một ngày nào đó ba sẽ quay trở về, sẽ lại ôm hôn tôi dù chỉ là cái hôn cuối cùng. Nhưng sau sáu năm sống với những giấc mơ ký ức, tôi đã nhận ra một điều quan trọng vẫn mãi hằn sâu trong tâm trí: người ta không thể sống với ý nghĩ về những điều khó thể xảy ra. Thời gian nắm giữ trong tay nó những bất hạnh không ai mong đợi, nhưng thời gian cũng sẽ trôi qua và không bao giờ quay trở lại. Ta phải biết nâng niu và quý trọng những gì ta có ngày hôm nay, ở khoảnh khắc này, và không để thời gian lấy đi những gì quý giá nhất của đời mình.
- Kỳ Thư -