Những điều nên biết về bảo trợ tài chánh

#1
Thursday, July 29, 2010
Lợi tức tối thiểu – Đồng Bảo Trợ - Trách nhiệm của người bảo trợ
(*) Hà Ngọc Cư (riêng cho Người Việt)


Luật Di Trú luôn luôn thay đổi theo biến đổi về xã hội, kinh tế, chính trị. Trước khi đạo luật IIRAIRA (Illegal Immigration Reform and Immigrant Responsibility Act) ra đời năm 1996 thì trợ cấp an sinh xã hội cho người di dân và tỵ nạn tương đối rộng rãi và dễ dãi.

Cùng với những giới hạn về trợ cấp xã hội là những quy định mới về trách nhiệm cấp dưỡng của người bảo lãnh cho người vào Mỹ theo diện di dân (immigrant visa) hay diện không- di- dân như du học hay du lịch (nonimmigrant visa). Trước khi có luật IIAIRA thì chỉ có một mẫu bảo trợ (Affidavit of Support) là mẫu I-134 cho cả hai diên (di dân và không di dân). Nay có hai mẫu bảo trợ:


1/Mẫu I-134 dành cho người xin vào Mỹ theo diện không-di-dân như du lịch (B1/B2) hoặc du học (F-1) chẳng hạn. Trước kia mẫu I-134 phải thị thực chữ ký (notarize), nay mẫu mới không cần thị thực chữ ký của người bảo trợ (sponsor).


Người ký mẫu I-134 có trách nhiệm gì đối với người mình bảo trợ? Xin trích một vài điều khoản trên mẫu I-134.


-Tôi thực hiện mẫu đơn này với mục đích cam kết với chính phủ Hoa Kỳ rằng người tôi bảo trợ sẽ không trở thành gánh nặng cho nước Mỹ.


- Tôi sẵn sàng đón nhận, duy trì và bảo trợ người đó cũng như bảo đảm người đó sẽ giữ nguyên quy chế không-di-dân (nonimmigrant status), và sẽ rời Mỹ trước khi hết thời hạn được phép tạm cư ở Mỹ.


- Mẫu I-134 sẽ được các cơ quan trợ cấp Food Stamps, SSI hoặc TANF của tiểu bang và liên bang truy cứu. Nếu người đó xin các trợ cấp này thì lợi tức và tài sản của tôi sẽ được tham khảo để cứu xét đơn xin trợ cấp của người đó.

Vì thời hạn cho phép cư trú tối đa của người vào Mỹ du lịch thông thường chỉ có 6 tháng nên những cam kết trên không ai cần quan tâm. Chỉ có sinh viên du học ở Mỹ là được phép ở Mỹ lâu dài nghĩa là cho đến khi hoàn tất việc học của mình. Mục đích chính của mẫu I-134 là bảo đảm về phương diện luật pháp rằng chính phủ Mỹ không có trách nhiệm nuôi ăn ở cho người vào Mỹ theo diện không-di-dân hay nói khác đi là chính phủ Mỹ sẽ dùng mẫu I-134 để từ khước mọi trợ cấp cho người vào Mỹ theo diện không-di-dân.


Về chuyện bảo đảm (guarantee) rằng người mình bảo trợ sẽ giữ nguyên quy chế không-di-dân thì sao? Khi ta mời bố mẹ sang Mỹ du lịch, nếu ông/bà muốn ở lại Mỹ thì Sở Di Trú vẫn cho phép ta bảo lãnh cho họ xin thẻ xanh khi họ còn ở Mỹ nghĩa là họ không cần phải về bản xứ để được bảo lãnh theo thủ tục bảo lãnh thông thường.


Mặt khác nếu người ta bảo trợ trốn lại ở Mỹ bất hợp pháp thì ta cũng chẳng có quyền hạn gì cấm cản họ cả. nên chính quyền không thể buôc ta phải có trách nhiêm về việc đó. Vả lại trong luật Di Trú làm gì có điều khoản nào cấm người vào Mỹ theo diện không-di-dân xin đổi sang diện di dân mà ngược lại luật Di Trú còn cho phép họ xin đổi từ quy chế không-di-dân sang quy chế di dân.


2/Mẫu I-864 dành cho người vào Mỹ theo diện di dân

Khi mới ban hành mẫu này người bảo trợ phải thị thực chữ ký, từ hai năm nay thị thực chữ ký trên mẫu này được miễn.


Mẫu I-864 là một “hợp đồng” (contract) giữa người bảo trợ và chính phủ Hoa Kỳ. Người ký mẫu I-864 có trách nhiệm bảo trợ cấp dưỡng người đó nghĩa là sẽ không để người đó trở thành gánh nặng cho nước Mỹ. Hay nói khác đi chính phủ Hoa Kỳ sẽ không có trách nhiệm trợ cấp cho người mình bảo trợ.

Do đó, người vào Mỹ theo diện di dân sẽ không xin được các khoản trợ cấp chính phủ thuộc “means-tested “ như Food Stamps, SSI , welfare (TANF), Medicaid... nhưng vẫn có thể xin được các trợ cấp như ‘National Lunch and Child Nutrition Act’, chủng ngừa và thử nghiệm bệnh truyền nhiễm và trợ cấp “means-tested” thuộc Elementary and Secondary Education Act, Emergency Medicaid, cứu trợ hiện vật khẩn cấp và ngắn hạn (như cứu trợ thực phẩm, thuốc men, vật dụng cho bão lụt chẳng hạn.)


Bao giờ thì người bảo trợ hết trách nhiệm.


Có 4 trường hợp:

-Khi người đó trở thành công dân Mỹ hoặc,

-Đã làm việc được 40 quarters (khoảng 10 năm) có đóng thuế lợi tức.

-Người đó qua đời.

- Người đó rời Mỹ vĩnh viễn hoặc bị trục xuất.


Xin lưu ý nếu người mình bảo trợ là người phối ngẫu của mình thì sau khi ly dị mình vẫn còn trách nhiệm bảo trợ (ngoại trừ các trường hợp nêu trên).

3/Lợi tức tối thiểu để bảo trợ.

Để đủ điều kiện ký mẫu bảo trợ thì lợi tức của mình phải bằng 125% mức lợi tức nghèo (Poverty Guide lines) của Liên Bang. Mức lợi tức này được ấn định hàng năm. Năm nay mức lợi tức tối thiểu để bảo trợ (tức 125% của Poverty Guide line), tùy theo số người trong gia dình người bảo trợ và số người mình bảo trợ được tính như sau:


Số người trong gia đình người bảo trợ: 1

Số người mình bảo trợ: 1

Lợi tức tối thiểu:$18.212

Cứ thêm một ngưới ở bất cứ bên nào thì cộng thêm $4.675.


Thí dụ gia đình người bảo trợ có 2 người , bảo trợ 1 người , hoặc 1 người bảo trợ cho 2 người thì lợi tức tối thiểu là: $18.212 + $4.675 = $22.887.


Ta có quyền cộng tất cả các lợi tức của vợ, chồng, con, bố mẹ, anh chị em nếu ở cùng một địa chỉ.


Trong trường hợp này thì người bảo trợ chính (principal sponsor) phải điền mẫu I-864. Các thành viên có đóng góp lợi tức để bảo trợ phải điền mẫu I-864A , mỗi người một bản.

Ngoài ra , nếu lợi tức gia đình không đủ thì ta có thể nhờ thân nhân hoặc bạn bè (ở bất cứ nơi nào trên nước Mỹ) đồng bảo trợ (Joint sponsor). Người đồng bảo trợ cũng có thể dùng lợi tức của thân nhân ruột thịt nếu ở cùng địa chỉ cho đủ lợi tức quy định giống như ở trên.

Để chứng minh lợi tức thì phải nộp các giấy tờ sau:


-Giấy khai thuế mới nhất kèm theo các mẫu W-2 hoặc 1099 – Chỉ cần giấy khai thuế của năm gần nhất , thay vì 3 năm như trước.


-Giấy chứng nhận đang đi làm hoặc giấy chứng nhận đang là chủ của công ty của mình (Certificate of Assumed Name)


-Copy bằng quốc tịch/passport hoặc thẻ xanh


-Copy hôn thú, nếu hai vợ chồng khai thuế chung và người phối ngẫu ký mẫu I-864A


-Copy khai sinh nếu người con điền mẫu I-864A.



4/ Thông báo về chiếu khán di dân của tháng 8 năm 2010

F-1 (con độc thân của công dân Mỹ) 01 tháng 8 năm 2005
F-2A (vợ/chồng và con độc thân dưới 21 tuổi của Thường Trú Nhân) 01 tháng 3 năm 2009
F-2B (con độc thân từ 21 trở lên của TTN): 02 tháng 01 năm 2004
F-3 (con có gia đình của công dân Mỹ) 01 tháng 01 năm 2002
F-4 (anh chi em ruột của công dân Mỹ) 01 tháng 6 năm 2001


(*) Tác giả Hà Ngọc Cư hiện là Giám đốc điều hành cơ quan CISS chuyên lo về di dân và tị nạn, văn phòng tại: 2701 Fannin, Suite # 100-107, Houston, TX 77002. ÐT: (713) 651-0371. Fax: (713) 715-5801
 

kid4l0ve

Thành viên kinh nghiệm
#2
Ðề: Những điều nên biết về bảo trợ tài chánh

Thấy hay, cũ, đọc lại vẫn thấy hay, với dạo này nhiều người hỏi về cái này quá nên up lên cho mọi người xem ^^