TAPS - Giai Điệu Của Tình Yêu
Đối với các chiến sĩ trong thời chiến thì đêm là thời khắc quý nhất trong ngày vì đó là lúc họ thật sự thoát khỏi những ám ảnh kinh hoàng sau một ngày dài chinh chiến: tiếng súng nổ không ngừng, tiếng rên la thảm thiết của những người lính bị thương, những khoảnh khắc đứng dưới bóng tử thần và rùng mình nhận ra rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết dường như không tồn tại.
Giờ đây, khi chiến trường đẫm máu đã thôi gầm gừ và nằm gọn trong bàn tay của bóng tối – yên ắng, tĩnh mịch – cũng là lúc các chiến sĩ được nghỉ ngơi đôi chút. Họ tận dụng những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi ấy để rít một điếu thuốc, chuyện trò đôi ba câu với nhau hay chỉ đơn thuần là ngắm nhìn bầu trời đêm lấp lánh ánh trăng.
Vào một đêm trong thời chiến vô cùng tăm tối ấy – những đám mây tranh nhau không cho trăng ló dạng, một đêm của năm 1862 khi Cuộc Nội Chiến giữa hai miền Nam Bắc Hoa Kỳ đang diễn ra ác liệt – có một người không hề ngơi nghỉ, đó là đại úy Robert Ellicombe thuộc Liên quân miền Bắc. Ông và binh lính của mình đóng quân gần vùng đất Harrison ở Virginia, trong khi Liên quân miền Nam dựng trại ngay phía bên kia dải đất, đó thật sự là một bất lợi lớn trong việc bảo đảm an toàn và thoải mái cho doanh trại đôi bên.
Các cuộc giao tranh trong ngày đã diễn ra khắc liệt và hiện liên quân miền Bắc đang chiếm thế thượng phong trong khi liên quân miền Nam đang phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, đại úy Ellicombe không hề có cảm giác chiến thắng hoặc xem đó như là một thắng lợi vẻ vang vì ông biết trong cuộc chiến này, đồng bào mình đang tàn sát lẫn nhau, số người tử vong do cuộc chiến này thật sự làm ông khiếp sợ. Là một người tốt, ông không ngừng lên án cuộc chiến này nhưng với cương vị là một đại úy và một người lính nơi sa trường ông không thể làm gì khác hơn ngoài việc nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp trên.
Đêm ấy, đại úy Ellicombe đứng bên ngoài lều của mình mải mê suy nghĩ về những sự kiện xảy ra trong ngày và chuẩn bị chiến lược cho trận đánh hôm sau. Đột nhiên một âm thanh phát ra, phá vỡ sự tập trung cao độ của ông. Đó là tiếng rên rỉ đau đớn và yếu ớt của một người lính đang bị thương và không hiểu vì sao lại bị bỏ rơi trên chiến trường gần đó. Ông nhìn quanh để tìm xem âm thanh ấy phát ra từ đâu nhưng ngoại trừ không gian tĩnh mịch của màn đêm và vài người lính gác không rời vị trí thì không thấy điều gì bất thường cả.
“Dường như người chiến sĩ ấy đang phải đơn độc chống chọi lại nỗi đau và không có ai bên cạnh để giúp đỡ, anh ta cần phải được cứu chữa ngay lập tức” – đại úy nghĩ – “Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta không phải lính của mình mà thuộc Liên quân miền Nam?” Ông nghĩ và rồi tự trả lời: “Không có khác biệt nào giữa những đau thương, mất mát mà con người phải gánh chịu trong cuộc chiến này, dù là kẻ thù thì cũng cần được cứu chữa. Thế là sau một hồi đấu tranh tư tưởng, Ellicombe quyết định: “Bằng mọi cách phải cứu người lính ấy”.
Trườn sát đất để tránh đạn lạc, đại úy Ellicombe từ từ tiến về phía người lính đang rên la đau đớn. Giờ phút ấy ông mới nhận ra giá trị của một đêm không trăng vì đã vô tình trở thành bình phong che chở cho ông khỏi con mắt của kẻ thù. Giờ đây, cách duy nhất đưa ông đến chỗ người lính bị thương là lần theo tiếng rên rỉ yếu ớt của anh ta nhưng điều đáng ngại là âm thanh ấy càng lúc càng mờ nhạt cho dù Ellicombe đã đến rất gần. Sau cùng ông cũng tìm được người lính bị thương và nhận ra anh ta đang trong tình trạng rất nguy kịch. Vì đang trong tình huống hiểm nguy nên ông buộc phải kéo anh ta về doanh trại của mình, không kịp suy nghĩ gì nhiều.
Cứ thế, ông di chuyển không ngơi nghỉ cho đến khi về đến doanh trại an toàn. Sau khi định thần, ông kiểm tra mạch đập và sững sờ khi phát hiện tim người lính ấy đã ngừng đập. Bỗng chốc, mọi mạo hiểm và nỗ lực cứu người của đại úy Ellicombe trở thành vô nghĩa khi người lính vô danh đáng thương kia không còn đủ sức để chống chọi lại tử thần.
Bất lực trước cái chết của người lính trẻ, điều duy nhất đại úy Ellicombe có thể làm lúc này là xác định thân phận của anh ta. Vì vậy ông bắt đầu soi đèn vào người chiến sĩ và biết được anh ta là một quân nhân thuộc liên quân miền Nam qua bộ quân phục mặc trên người. Tiếp đến, ông dời ngọn đèn về phía gương mặt và gần như chết sững. Một gương mặt với những đường nét quen thuộc và những đặc điểm không lẫn vào đâu được. Dù không muốn tin nhưng ông vẫn phải đau đớn thừa nhận một sự thật quá đỗi kinh hoàng: người chiến sĩ ấy chính là con trai ông.
Con trai ông, một nhạc sĩ tài hoa, đang học âm nhạc tại một nhạc viện nổi tiếng ở miền Nam khi cuộc nội chiến bùng nổ. Không hiểu tại sao anh ta lại đầu quân cho Liên quân miền Nam mà không nói với cha một lời nào. Vào lúc ấy, những gia đình sống ở những miền khác nhau của đất nước muốn liên lạc với nhau là một điều cực kỳ khó khăn và gần như không thể. Đại úy Ellicombe mất liên lạc với con từ rất lâu nhưng ông luôn cầu nguyện cho con được bình an. Năm tháng trôi qua, con ông vẫn bặt vô âm tín khiến ông càng lúc càng lo lắng hơn. Đau khổ, dằn vặt và không biết cuộc sống của con ra sao, ông luôn sống trong hoài nghi và sợ hãi. Tâm trí ông cứ lặp đi lặp lại một câu hỏi không lời đáp: “Nó hiện đang ở đâu?”
Giờ đây, ngay tại doanh trại của ông trên chiến trường này, ông đã được gặp lại con mình bằng xương bằng thịt sau những tháng ngày ly tán. Tưởng chừng như số phận đã ban tặng cho ông điều tuyệt diệu nhất trên đời nhưng kỳ thực đó lại là một hình phạt khủng khiếp không gì sánh nổi khi khoảnh khắc cha con trùng phùng cũng là lúc ông mất con lần nữa. Mọi việc diễn ra như thể tạo hóa ban cho ông hy vọng để sống nhưng liền sau đó lại dập tắt nó bằng nỗi thất vọng triền miên. Đau đớn tột cùng, ông ôm con vào lòng và bật khóc. Dù đang thời kỳ chinh chiến nhưng không phải bất kỳ một thế lực nào khác mà chính nỗi đau mất con đã thực sự đánh gục ông.
Một lúc sau, khi nước mắt đã cạn khô, ông nghĩ đến việc lục soát bộ quân phục của con vì biết đâu chúng có thể cung cấp cho ông những thông tin quý giá về những tháng ngày cuối đời của con – khoảng thời gian hai cha con ông ly tán nhau. Ông tìm kiếm mọi nơi trên bộ quân phục của con nhưng không phát hiện được gì nhiều ngoài một số giấy tờ thông thường và một vài nốt nhạc được viết vội trên một mẩu giấy nhỏ. Bằng linh cảm của người cha, ông biết đó là đọan nhạc do đứa con tài năng của mình sáng tác và có lẽ cũng là tác phẩm duy nhất của anh trên chiến trường.
Sáng hôm sau, đại úy Ellicombe thỉnh cầu cấp trên cho con mình được an táng theo đúng truyền thống quân đội. Tuy cảm thông sâu sắc trước nỗi đau mất con của đồng đội nhưng vì con trai ông là lính của Liên quân miền Nam nên cấp trên không thể chấp thuận lời thỉnh cầu truy điệu anh theo đúng truyền thống quân đội. Tuy nhiên họ cho phép đại úy Ellicombe được chọn nhạc công mà ông muốn để thổi bản nhạc tiễn đưa con.
Bản nhạc đại úy Ellicombe tìm thấy trong bộ quân phục của con trai là những lời trăn trối sau cùng và cũng là tài sản duy nhất của con ông. Dù không có năng khiếu âm nhạc như con và cũng không hiểu gì nhiều về nhạc lý nhưng với tấm lòng thương yêu con vô bờ bến và sự thấu hiểu sâu sắc về con, ông biết chắc chắn đây sã là một tác phẩm tuyệt vời. Vì vậy ông đã nhờ một nhạc công thổi lên những giai điệu của bản nhạc như một tặng phẩm cuối cùng mà người cha gửi đến con trai.
Và thật bất ngờ, ước muốn tưởng niệm cuộc đời con bằng bản nhạc đã được đáp ứng ngoài mong đợi. Ông nghĩ giai điệu ấy chỉ được cất lên một lần duy nhất để rồi sau đó sẽ chìm vào lãng quên. Ông không thể nào biết được cái đêm định mệnh ấy, cái đêm ông phát hiện ra bản nhạc nhàu nát và lấy nó ra từ bộ quân phục nhuốm máu của con trai, một giai điệu của tình yêu thương đã ra đời và đã tồn tại qua nhiều thế hệ!
Năm tháng trôi qua, bản nhạc bất hủ khi xưa đã trở thành một di sản âm nhạc của Hoa Kỳ. Giờ đây, giai điệu quen thuộc ấy đã là một phần không thể thiếu trong các nghi thức tang lễ quân đội, lễ đặt vòng hoa, lễ tưởng niệm và lễ truy điệu. Mỗi buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống giai điệu ấy lại cất lên như một hồi trống điểm quân ở các căn cứ quân sự để triệu tập mọi người khi kết thúc một ngày luyện tập ở quân trường. Giai điệu ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử và truyền thống của Hoa Kỳ – một giai điệu của tình yêu thương mà mọi người đều biết đến với tên gọi là “Taps”.
(Ngọn Lửa Trái Tim - Kỳ Thư)
[YOUTUBE]Nhtr5J00ntA[/YOUTUBE]