Tình Yêu Thật Sự

#1

Người có học không phải là người biết nhiều, mà là người biết
những gì mình phải biết và hiểu rõ những điều mình đã biết.
– Khuyết danh -

Một buổi tối mùa đông giá lạnh, đang ngồi đọc sách thì Luke - cậu con trai nhỏ của tôi mon men lại gần. Ánh sáng từ chiếc đèn bàn hắt lên khuôn mặt Luke một quầng sáng lấp loáng. Hình ảnh đó chợt khiến một phần ký ức ẩn sâu trong tôi bỗng nhiên sống dậy. Chiếc đèn bàn này ngày xưa ở trong phòng khám bệnh của cha tôi suốt bao nhiêu năm ông làm việc.

Rời mắt khỏi trang sách, tôi ngước nhìn lên. Cậu con trai nhỏ nhìn tôi cười ngượng nghịu, rồi ngập ngừng thông báo: “Con làm bể chiếc xe mất rồi!”. Vừa nói thằng bé vừa đưa bàn tay vẫn giấu sau lưng ra, chiếc xe đồ chơi đã vỡ ra làm mấy mảnh - “Bố gắn lại giúp con đi!”. Thằng bé không hề hỏi liệu tôi có thể làm được điều đó không. Trong đầu óc non nớt của cậu nhóc năm tuổi như nó thì người bố có thể làm được mọi thứ. Tôi cầm lấy mấy mẩu đồ chơi, cố gắn chúng lại với nhau nhưng không được.

- Vẫn còn thiếu một miếng ở đây. Con có giữ nó không? - Tôi hỏi. Thằng bé xòe bàn tay trái của mình ra, ngây ngô xem xét thật kỹ xem còn mẩu nhựa nào sót lại ở đó không, rồi ngước nhìn tôi với ánh mắt thật tha thiết: “Con không còn mảnh nào cả. Bố gắn lại cho con đi!”. Luke chăm chú nhìn tôi, mặt lộ vẻ tin tưởng tuyệt đối rằng tôi có thể làm được điều đó một cách dễ dàng. Tôi xem xét kỹ các mảnh vỡ, lật qua lật lại từng mẩu để gắn cho thật khớp. Và rồi, những ký ức trong tôi sống dậy, sống động như chỉ vừa mới xảy ra ngày hôm qua.

******

Đó là một ngày tháng mười một năm tôi lên bảy. Sau khi tan học, tôi chạy ngay đến phòng khám của bố. Bố tôi là bác sĩ giỏi nhất trong vòng hàng ngàn dặm quanh thị trấn nhỏ Ohio River - nơi chúng tôi sinh sống. Bố luôn làm cho tôi - và cả những bệnh nhân của ông - kinh ngạc về khả năng của mình. Không những chữa được mọi bệnh tật, ông còn có thể thuần hóa ngựa hoang, làm ra những con gụ thật “chiến”, thậm chí bố còn có thể trượt đứng từ dốc đồi Long Hill trên chiếc bàn trượt của tôi. Tôi rất thích đến phòng khám của bố, loanh quanh nơi phòng chờ và được mọi người gọi bằng biệt danh “bác sĩ nhỏ”. Và điều tôi thích nhất là nhìn thấy các bệnh nhân của bố tỏ ra khá hơn nhiều sau khi bước ra khỏi phòng khám của bố. Thế nhưng ngày hôm đó, tôi đến phòng khám của bố là để gặp Jimmy Hardesty - đứa bạn thân nhất của tôi. Nó đã không đến lớp ba hôm nay, và ngày hôm đó, mẹ Jimmy hẹn sẽ đưa nó đến phòng khám của bố tôi.

Bệnh nhân cuối cùng của bố đã ra về mà Jimmy vẫn chưa tới. Bố thu xếp đồ đạc rồi đưa tôi đến nhà Jimmy - một nơi rất xa mà chúng tôi phải đi hơn cả tiếng đồng hồ. Khi bố dừng xe trước nhà Jimmy đã là bảy giờ tối, và tôi biết bố vẫn chưa ăn gì. Alice - chị của Jimmy chạy vội đến ôm chầm lấy bố tôi, nức nở nói giữa làn nước mắt: “Bác sĩ ơi, Jim nguy lắm rồi!”

Rất ít khi bố tỏ ra gấp gáp. Ông vẫn thường bảo rằng vội vàng chỉ làm cho người ta rối trí. Thế nhưng lần ấy, tôi thấy bố chạy thật nhanh lên cầu thang để đến phòng Jimmy. Bạn tôi đang nằm trên giường, thở khò khè từng hơi khó nhọc. Trên người nó có đến vài chiếc chăn bông nên tôi chỉ có thể thấy một phần khuôn mặt Jim dưới ánh sáng lập lòe của chiếc đèn dầu. Trông Jim nhợt nhạt và xanh xao đến mức không thể nhận ra. Bà Hardesty - mẹ của Jimmy khẩn khoản nói trong tiếng nấc: “Xin bác sĩ cứu cháu với. Ban đầu thằng bé thấy hơi lạnh, nhưng đến trưa nó ra mồ hôi rất nhiều!”.

Tôi chưa thấy mẹ Jimmy đau buồn như thế bao giờ. Mỗi khi tôi đến nhà nó chơi, bà luôn cười đùa và vui vẻ pha trò. Giọt nước mắt của bà khiến tôi cảm thấy vô cùng bối rối.

Bố tôi lắng nghe nhịp tim của Jimmy rồi gắn kim vào và chích cho nó một mũi thuốc. Tôi nghĩ rằng chắc chắn phép lạ sẽ xảy ra, bạn tôi sẽ tỉnh dậy và mỉm cười với tôi. Nhưng mọi việc không diễn ra như tôi nghĩ. Bố lấy từ chiếc hộp đen của mình một miếng gạc, đặt trên miệng Jimmy rồi cúi xuống thổi hơi cho nó. Tất cả mọi người có mặt trong phòng lúc ấy đều đứng bất động, không có bất kỳ một âm thanh nào phát ra, ngoài tiếng thở mạnh của bố và tiếng khò khè của Jimmy. Thế rồi đột nhiên chỉ còn lại tiếng thở của bố. Tôi thấy bàn tay mẹ Jimmy đang đặt trên vai tôi bóp lại thật chặt. Ngay lúc đó tôi hiểu ra mọi chuyện. Nhưng bố tôi vẫn không ngừng thổi hơi vào phổi Jimmy. Một lúc sau, ông Hardesty bước đến bên giường, đặt tay lên vai bố tôi và nói khẽ: “Thằng bé đi rồi, bác sĩ à! Con của chúng tôi đã không còn ở đây nữa!”. Bố tôi ngồi bất động một hồi lâu, đầu cúi xuống đầy đau khổ.

Mẹ Jimmy dẫn tôi xuống bếp và để tôi ngồi trên chiếc ghế dựa êm ái. Còn bà, bà ngồi ở chiếc ghế đối diện, trơ trọi, khổ sở với hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Không chịu nổi cảnh ấy, tôi bước ra ngoài, ngồi trên bậc thềm nhà họ giữa đêm tối, lặng lẽ khóc cho bạn mình. Tôi chỉ ước mình biến khỏi cuộc đời vào lúc này.

Quãng đường về của bố con tôi diễn ra trong im lặng. Tôi cảm thấy lòng nặng trĩu. Cuộc sống mà tôi ngỡ rằng đã biết, trở nên thật đáng sợ - có cả sự hiện diện của cái chết, nỗi đau và những giọt nước mắt chứ không chỉ là niềm vui như tôi vẫn hằng nghĩ. Bố không đưa tôi về nhà, mà lại quay về phòng khám của ông. Ông vùi đầu vào đọc hàng đống sách với một tâm trạng bực dọc và kích động khiến tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi.

Tôi ngồi lặng yên trên chiếc ghế nơi phòng chờ, không nói một lời nào. Tôi muốn khóc, nhưng nước mắt sao chẳng chảy ra được. Cuối cùng, tôi nghe tiếng chân ai đó bước vào, nhẹ nhàng ôm lấy tôi. Người đó chính là mẹ. Mẹ quỳ xuống bên tôi, đưa hai tay ôm choàng tôi vào lòng, dịu dàng giụi đầu tôi vào vai bà như thể tôi là một em bé.

- Mẹ ơi, sao bố lại không thể? - Tôi nấc lên trong nỗi tức tưởi, nghẹn ngào.

Mẹ vỗ nhè nhẹ vào lưng tôi như an ủi, rồi thì thầm bên tai tôi: “Bố lớn hơn con, nhưng lại nhỏ hơn cuộc sống này. Chúng ta yêu bố vì những điều bố làm được, nhưng tình yêu đó không giảm đi vì những điều bố không thể làm. Đó mới là tình yêu thật sự con à, một tình yêu hoàn toàn vô điều kiện!”.

Dù không hoàn toàn hiểu được những điều mẹ nói với tôi hôm ấy, nhưng tôi cảm thấy những lời nói đó thật quan trọng. Mẹ xoa dịu nỗi đau trong lòng tôi, và cả nỗi đau to lớn trong lòng bố. Mùa đông năm đó là mùa đông dài nhất trong đời tôi.

******

Loay hoay một lúc với món đồ chơi, tôi nhẹ nhàng quay sang bảo con: - Bố không sửa được con à!

- Bố làm được mà!

- Không con ạ, bố rất lấy làm tiếc.

Thằng bé nhìn tôi, niềm tin tưởng vững chắc đang dần tan vỡ. Môi dưới của nó run run. Tôi biết thằng bé đang gặp phải một cú sốc lớn và nó phải cố gắng để nén những giọt nước mắt đang chực trào ra. Tôi đưa tay ôm con vào lòng, nhẹ nhàng an ủi nó về món đồ chơi bị bể, và cả về việc hình tượng trong lòng nó đổ vỡ.

Khi Luke rời khỏi phòng, nó choàng tay ôm lấy tôi rồi trao cho tôi một nụ hôn trìu mến. Ngay lúc đó, tôi như phảng phất nghe thấy lời mẹ nói năm xưa: “Tình yêu thật sự là tình yêu vô điều kiện!”.
- Kỳ Thư -​


 
Chỉnh sửa cuối: