Mẹ tôi ra đi vào cõi vĩnh hằng khi tôi vừa tròn hai mươi tuổi, để lại trong tôi một sự hụt hẫng vô bờ khiến tôi tưởng chừng như không thể nào gượng dậy được. Nhưng rồi sau nhiều tháng năm, nỗi nhớ trong tôi dần nguôi ngoai và cuối cùng tôi cũng tìm thấy được niềm vui.
Thời gian đầu khi mẹ mới mất, mỗi lần đến nghĩa trang thăm mẹ, lòng tôi lại nặng trĩu nỗi buồn và niềm thương nhớ khôn nguôi. Nhưng rồi dần dần những ý nghĩ ảm đạm về sự đau buồn cũng phai nhạt dần. Tôi đã vượt qua những hồi ức đau thương bằng cách dành tâm huyết chăm sóc và trang trí cho ngôi mộ của mẹ bằng những đóa hoa tươi rực rỡ.
Bù cho tuổi của mẹ, bố tôi sống rất thọ. Rồi đến một ngày, ông cũng ra đi và đoàn tụ với mẹ tôi trên thiên đường. Giờ đây, bố mẹ đã được nằm gần nhau và tôi thường đến nghĩa trang chăm sóc mộ phần và nhớ thương đến hai người.
Một ngày nọ, tôi chợt chú ý đến nấm mộ khiêm tốn nằm khuất sau phần mộ của cha mẹ tôi. Nấm mộ ấy nằm khiêm nhường giữa những ngôi mộ được xây vững chãi bằng đá cẩm thạch, đá hoa cương. Mặc dù đơn sơ nhưng ngôi mộ nhìn rất tươm tất, sạch sẽ và có bụi hoa thường xuân bao phủ chung quanh. Dường như ngôi mộ này luôn có người chăm sóc. Trên nấm mộ chỉ đặt một chiếc thập giá đơn giản bằng gỗ có khắc tên và tuổi của người đã khuất. Điều khiến tôi chú ý nhiều hơn là người nằm dưới mộ qua đời ở độ tuổi còn rất trẻ - hai mươi hai tuổi.
Một hôm, tôi thấy một cụ già đứng lặng yên bên nấm mộ. Tôi nghĩ có lẽ ông ta đến thăm mộ của vợ mình. Dáng cao gầy, lưng hơi còng, tuổi già đã cận kề và để lại dấu ấn khá đậm nét trên cơ thể ông. Chúng tôi chào hỏi và rồi bắt chuyện với nhau. Tôi hỏi ông về người nằm dưới mộ.
Ông khẽ khàng đáp: “Người nằm dưới đấy là mẹ tôi. Bà qua đời khi còn rất trẻ, lúc tôi chỉ mới được một tuổi rưỡi. Tôi gần như không biết mặt bà”. Ngừng một lát, ông kể tiếp: “Không có ai đến thăm ngôi mộ này ngoài tôi, vì tôi là đứa con duy nhất của bà. Mẹ tôi mất vì bệnh viêm phổi. Sau đó cha tôi cưới vợ khác, mẹ kế của tôi chỉ chăm lo cho những đứa con riêng của bà. Tôi thường tìm tới đây với mẹ, những khi vui cũng như khi buồn. Sau đó, tôi ra mặt trận nhưng tôi không bao giờ quên ngôi mộ của mẹ mình. Những người khác có mái ấm thân thương còn tôi thì có ngôi mộ này. Nó là điểm tựa ấm áp để tôi hướng về. Chừng nào đôi chân tôi còn đi lại được, tôi sẽ còn đến thăm mẹ. Tôi bây giờ đã hơn tám mươi tuổi rồi, không biết tôi còn có thể làm việc này được bao lâu nữa”.
Tôi lắng nghe và lặng người đi, mắt đẫm lệ khi chợt nhận ra trong đời mình, tôi chưa từng chứng kiến một tình yêu nào vô bờ đến thế.
Tôi vẫn còn may mắn biết bao vì được ở bên mẹ những hai mươi năm với bao kỷ niệm vui buồn, và hình ảnh mẹ luôn hiện rõ trong tâm trí tôi. Còn với cụ già này, ông không hề có một ký ức nào về mẹ, ngay cả hình ảnh của mẹ mình ông cũng không rõ, nhưng trong trái tim ông vẫn luôn tồn tại một tình yêu bất diệt dành cho mẹ.
Câu chuyện của cụ già kia cứ vướng vất mãi trong tâm trí tôi. Tôi tự nhủ nếu một ngày nào đó, khi ông không thể đến chăm sóc mộ mẹ mình được nữa, tôi sẽ sẵn lòng giúp ông chăm sóc phần mộ ấy như chăm sóc mộ của cha mẹ tôi, bởi tôi biết khi ấy ở trên trời cao, cuối cùng đứa con - người đàn ông đã có tuổi kia - sẽ được gặp lại người mẹ trẻ của mình và đón nhận trọn vẹn tình mẫu tử thiêng liêng.
Chỉnh sửa cuối: