Câu Chuyện Thầy Lang - Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Liệu

Cựu Ban điều hành
#1
Xin giới thiệu 1 loạt bài về sức khỏe của Bác sỹ Nguyễn Ý Đức M.D. Texas-Hoa Kỳ

DINH DƯỠNG Ở TUỔI GIÀ​

Hỏi rằng có một công thức dinh dưỡng nào toàn hảo cho tuổi thọ trường sinh, thì câu trả lời là không có. Nhưng những lời khuyên thực tế sẽ là: thực phẩm phải đa dạng, phẩm chất dinh dưỡng cao và các chất dinh dưỡng phải cân bằng.

Tại sao lại có chuyện đa dạng, cân bằng, dinh dưỡng cao?

Thưa lý do là vì ngoài các chất dinh dưỡng chung thì mỗi loại thực phẩm lại có những chất mà chỉ riêng mình mới có. Cho nên, bữa ăn cần phải có nhiều món ăn khác nhau. Chẳng hạn ta chỉ ăn thịt cá mà quên món rau tươi xanh, thì là điều thiếu sót rất đáng trách vì thịt cá không có chất xơ của rau. Mà chất xơ lại rất cần cho cơ thể.

Đa dạng nhưng không “hổ lốn”, hỗn độn, nhất bên trọng, nhất bên khinh mà cần theo một lỷ lệ đã được nghiên cứu chỉ định. Đó là sự cân bằng giữa các loại thực phẩm. Thông thường các nhà dinh dưỡng khuyến cáo nên dùng từ 45-55% chất carbohydrate từ cơm, gạo, mì, rau trái, 25-30% chất béo và phần còn lại là chất đạm thịt cá, các loại hạt.

Và món ăn phải có giá trị dinh dưỡng cao, tức là có đủ các chất mà cơ thể cần để hoạt động, để tái tạo tế bào hư hao, để trẻ thơ tăng trưởng. Các thực phẩm như đường tinh chế, rượu chỉ cho calori mà không cho chất dinh dưỡng, cho nên nếu tiêu thụ nhiều chỉ làm cho cơ thể phì lộn, béo bệu.

Dù ở tuổi già, nhưng quý lão niên vẫn cần năng lượng để làm việc, để duy trì sức khỏe tuổi cao đồng thời, nếu dinh dưỡng tốt, cũng có thể phòng tránh được một số bệnh như bệnh loãng xương, bệnh tim, bệnh cao huyết áp, thiếu hồng cầu, sa sút trí tuệ Alzheimer và vài loại ung thư. Chẳng may mà cụ nào đang mắc một vài trong các bệnh vừa kế thì dinh dưỡng đúng cách cũng khiến cho bệnh nhẹ nhàng, hồi phục mau hơn.

Về số lượng chắc chắn là nhu cầu của quý cụ sẽ ít hơn là khi còn trung niên trai tráng, vì bây giờ đâu còn phải lao động chân tay cật lực. Do đó quý cụ vẫn cần các chất dinh dưỡng chính như mọi người. Đó là chất carbohyrat (chất bột, đường), chất dạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.

Con người, nói chung, không giống các sinh vật khác ở chỗ là ta không phải di chuyển để lùng kiếm thức ăn hay e ngại không kiếm đủ thức ăn. Mà ta lại có mối lo là làm sao không chỉ-ngồi-đó-mà-ăn hoặc ăn-quá-nhiều. Lý do là tại nhiều quốc gia, thực phẩm quá dư, chỉ muốn ăn gì và có tiền là xong. Nhưng ăn nhiều mà không vận động, tiêu dùng thì thật là nguy hiểm.

Sau đây là một số điều cần làm để có dinh dưỡng tốt cho tuổi già:

1- Biết lựa thức ăn thích hợp.

Tại Hoa kỳ, năm 1990 một đạo luật liên hệ tới việc liệt kê phẩm chất, thành phần của thức ăn đã được ban hành với mục đích để giới tiêu thụ dễ chọn lựa thức ăn thích hợp với nhu cầu của mình. Các quốc gia khác cũng phụ họa, làm theo.

Nhãn hiệu (Food label) đó không hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng ít nhất cũng có giá tri hướng dẫn. Ta nên coi kỹ bảng phân tích này để lựa thức ăn thích hợp với cơ thể của mình.

2- Khi nào thì ăn?

Tất nhiên sẽ có câu trả lời: Thấy đói là ăn. Vậy khi nào thì đói, đói bụng hay đói con mắt? Laị nữa: ăn để sống hay sống để ăn?.

Người phương Tây có thói quen: ăn bữa sáng bữa trưa nhe, bữa tối thịnh soạn. Kể ra cũng tiện, vì sáng dậy vội vã đi làm, chỉ đủ thì giờ để chiêu một ly cà phê.

Trưa ngồi ở sở vừa làm việc vừa nhai miếng bánh mì kẹp chả mới làm tối hôm qua, kèm theo quả chuối, ly coke.

Tối về rảnh rang, làm một bữa cơm rượu no nê, rồi lên giường ngủ.

Thế là cholesterol trong máu tăng cao, những tảng mỡ không mời mà ngang nhiên xâm lấn vùng bụng, vùng hông.

Từ hơn ba chục năm trước, tại viện Đaị Học Chicago, nhà dinh dưỡng Clarence Cohln đã chứng minh rằng những người ăn một bữa no mỗi ngày thì cholesterol sẽ cao hơn những người nhâm nhi nhiều lần trong ngày. Ðây có lẽ cũng là lý do mà cholesterol ở nữ giới, lúc thiếu thời, thấp hơn ở nam giới, vì quý bà hay ăn quà vặt. Còn quý ông thì nhồi nhét một bữa cho xong.

Ăn một bữa no cũng bắt buộc sự biến hóa thực phẩm phải làm việc qúa sức, vị tố tiêu hóa, nhất là Insulin, phải tiết ra nhiều trong một thời gian qúa ngắn, đôi khi có khuyết điểm.

Tốt hơn hết là tuổi già cứ nhâm nhi, chia phần ăn ra nhiều phần nhỏ rồi ăn lai rai nhiều lần trong ngày.

3- Hỏi rằng ăn bao nhiêu cho đủ?

Xin thưa là các cụ Á đông ta quan niệm để sống lâu chỉ nên ăn” ba phần đói, bẩy phần no”. Để còn hơi thòm thèm, sau này còn muốn ăn món đó nữa và cũng để tránh ăn quá nhiều.

Các nhà dinh dưỡng lại khoa học hơn. Họ khuyên:

- Nam giới trên 50 tuổi tiêu thụ khoảng 2000 calo nếu ít hoạt động, 2200-2400 calori nếu hoạt động vừa phải và nếu còn rất hoạt động lại cần nhiều hơn: 2400-2800 calo mỗi ngày.

Với nữ giới thì theo thứ tự như trên sẽ là 1600 calori, 1800 calori và từ 2000-2200 calori.

4- Làm sao để ăn ngon?

Ăn uống đứng đầu tứ khoái (ăn, ngủ, sinh lý, “đổng ìa”). Nhưng nhiều vị cao niên lại chẳng muốn ăn hoặc thấy món ăn nhạt tuếch, vô vị. Trở ngại này có thể là vì răng không còn nhiều, lợi viêm sưng, nhai nuốt khó khăn, nước miếng giảm hoặc đang uống nhiều dược phẩm trị bệnh làm giảm khẩu vị; hoặc cô đơn lủi thủi ăn uống một mình.

Hãy thổ lộ với các nhà chuyên môn dinh dưỡng, y tế để cùng nhau giải quyết.

Lựa nấu món ăn ưa thích, cho thêm chút gia vị mầu mè để món ăn hấp dẫn hơn. Và cũng tìm thêm bạn để đồng thực, đồng ẩm.

5- Giới hạn thực phẩm có nhiều chất béo nhất là mỡ động vật.

Chất béo bão hòa làm tăng cholesterol trong máu. Chất béo từ thực vật, bất bão hòa, làm giảm cholesterol.

Giản dị nhất là ăn thịt nạc, thịt gà, vịt bỏ lớp da đầy mỡ; hấp hay nướng nhiều hơn là chiên; thay thịt bằng cá, rau, trái cây; uống sữa ít chất béo.

6- Ăn thực phẩm có nhiều rau, trái cây hạt ngũ cốc

Các thực phẩm này tương đối vừa rẻ lại tốt lành và cũng có nhiều năng lượng.

Các nhà dinh dưỡng khuyên nên dùng 5 đơn vị trái cây và rau mỗi ngày, 6 tới 11 đơn vị hạt ngũ cốc. Mỗi đơn vị là lượng thức ăn mà ta thường dùng như là một bát cơm, một quả táo cỡ trung.

Nên nhớ là trên thế giới có cả hàng trăm triệu người ăn chay mà họ vẫn sống lâu. Như vậy ăn chay chắc phải có một gía trị dinh dưỡng nào đó.

Lại nữa: phần ăn của các lực sĩ vô địch trước khi tranh giải đều có nhiều carbohydrat, là một lý do để ta tăng số lượng rau và trái cây trong bếp và trên bàn ăn của chúng ta.

7- Một vài ý kiến về chất đạm protein

Cơ thể được cấu tạo bằng chất đạm. Chất này có nhiều nhất trong thịt động vật nhưng cũng có trong thảo mộc, nhất là các cây thuộc họ đậu như đậu hoà lan, đậu cô ve, đậu nành.

Khoa học đã chứng minh là một khẩu phần có nhiều thịt động vật làm tăng hiểm họa bệnh tim.

Do đó, tới tuổi cao, nên theo một chế độ thực phẩm với thịt nạc, sữa ít chất béo, nhiều rau, trái cây.

8- Nước và muối cũng cần được lưu ý

Trong cơ thể, tỷ lệ nước lên đến 60% trọng lượng, mỗi ngày thận lọc gần hai trăm lít máu và thải ra1/100 dung dịch nước. Như vậy cơ thể cần có một số nước tối thiểu để tồn tại. Trung bình, cần uống 1 lít rưỡi nước mỗi ngày, và uống thêm khi nào thấy cần để tránh tình trạng khô nước hay loãng tiểu.

Nước không có calories, không có khoáng chất, đôi khi không mất tiền mua lại còn là chất bôi- trơn (lubricant) tốt cho cơ thể.

Với muối, chỉ cần một phần tư thìa cà phê mỗi ngày là đủ. Dân chúng dùng nhiều muối, như người Nhật, thường có nhiều nguy cơ cao huyết áp.

9- Tăng tiêu thụ chất xơ

Gần đây, chất xơ (fiber) trong rau và trái cây được nhắc nhở tới nhiều vì có công dụng trong việc hạ thấp lượng cholesterol trong máu, tăng tốc độ di chuyển của thức ăn trong ruột, tránh táo bón và viêm ruột.

Chất xơ không có giá trị dinh dưỡng mà chỉ làm đầy bao tử, cho nên còn có tác dụng giúp ta giảm béo mập...

10- Dùng bổ sung sinh tố và khoáng chất

Các vi chất này có tác dụng xúc tác trong việc chuyển hóa thức ăn và có nhiều trong các loại thực phẩm. Tuy nhiên, ở người cao tuổi, khẩu phần nhiều khi không được cân bằng và có thể thiếu một vài loại sinh tố, khoáng chất. Vì vậy nên dùng thêm một phân lượng phụ trội.


Kết luận

Để sống già sống khỏe, cần có dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, đa dạng.

Hãy tiêu thụ nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Hãy giới hạn các thực phẩm “rỗng”, chỉ có calori mà không có chất dinh dưỡng, như rượu, nước có hơi, bánh ngọt.

Hãy lựa thực phẩm có ít cholesterol, chất béo.

Và phòng tránh ngộ độc, tiêu chẩy với vệ sinh an toàn thực phẩm. Ăn chín, uống sôi, rau trái sạch, rửa tay thường xuyên.
Nguồn: Công giáo VN
 
Chỉnh sửa cuối:

Liệu

Cựu Ban điều hành
#2
Ðề: Câu Chuyện Thầy Lang

CHĂM SÓC CHA MẸ GÌA​

Nhân ngày “Từ Phụ”, Lang tôi xin cùng quý thân hữu đi vào một vấn đề có tính cách gia đình. Vì nhìn gần nhìn xa, thấy các vị đàn anh và một số bạn đồng tuế đang từ từ đối diện. Và các con cũng rất ưu tư suy nghĩ.

Đang ngồi họp, Vân được cho hay có điện thoại khẩn cấp. Chị vội đứng lên, về phòng. Bà hàng xóm nơi mẹ Vân đang ở, cho hay bà cụ vừa được đưa vào nhà thương. Bà cụ té ngã.

Vân vào cáo lỗi với ông chủ rồi xuống lấy xe lái vào bệnh viện thăm mẹ.

Trên đường đi, nàng dùng điện thoại di động báo cho Huân, chồng nàng hay. Huân hiện đang đi công tác ở miền miền Trung nước Mỹ, tuần sau mới về. Rồi suốt mười lăm phút lái xe, nàng suy nghĩ mung lung, với nhiều lo âu, bối rối. Sự việc mà nàng hằng nghĩ trước sau gì cũng xẩy ra, thì bây giờ nó đã đến, hơi sớm một chút.

Sau khi ba Vân mất cách đây dăm năm, mẹ Vân dọn về ở với vợ chồng nàng. Rồi sau một thời kỳ thích nghi với hoàn cảnh mới, nếp sống mới của người góa phụ, bà cụ dọn ra ở riêng.

Cụ tới khu người già trong khuôn viên chùa Linh Sơn. Cụ nói lên đây ở để đi lễ bái cho gần, lại có mấy cụ già quanh quẩn với nhau cho vui. Nhất là có hai người bạn học từ thuở xưa ở Hải Phòng, mà họ thường hay liên lạc chuyện trò.

Khu người già được lập ra từ hơn mười năm, có 40 phòng, dành cho các cụ độc thân, còn đủ sức khỏe, đi lại được, còn tự chăm sóc nấu ăn, giặt giũ. Các cụ sống hợp quần với nhau rất vui. Ngày ngày các cụ lên Chùa lễ bái, tụng kinh rồi làm công quả. Lâu lâu nhà Chùa tổ chức đi thăm viếng đây đó hoặc đi lễ hội Chùa tại thành phố khác. Đôi khi trời mưa, các cụ ở nhà rủ nhau làm vài hội chắn hoặc bài cào để tiêu khiển giải trí.

Nhưng từ trong thâm tâm thì cụ không muốn phiền con cháu quá lâu. Từ trước tới nay cụ là người rất hoạt động, phải nói là đảm đang nữa. Cùng chồng, cụ đã đôn đáo tìm đường thoát khỏi Sài Gòn vào biến cố 1975, rồi nuôi nấng, gây dựng cho sáu mặt con từ khi còn ở trong nước tới khi sang Hoa Kỳ hơn ba chục năm nay. Cháu nội ngoai các cụ có hơn một tá.

Mọi việc xuôi sẻ cho đến ngày hôm nay.

Thực ra thì từ năm ngoái, cụ đã không được khỏe lắm. Huyết áp lên cao, các khớp xương thì mỗi khi trái gió, trở trời là đau nhức, khiến cụ mất ngủ. Có đêm, cụ chỉ ngủ được có vài ba giờ, nên ban ngày mệt và hay kêu chóng mặt, nhức đầu.

Cách đây ba tuần cụ phải nằm bệnh viện mất mươi ngày vì sưng phổi. Sau khi xuất viện, vợ chồng Vân muốn mời cụ về ở chung một thời gian cho khỏe nhưng cụ một mực từ chối, nói không sao. Vân đã cho anh chị em biết về tình trạng sức khỏe của cụ và mọi người dự định là tháng tới sẽ về để cùng thảo luận coi xem nên làm gì.

Tới bệnh viện, Vân được cô y tá cho hay tự sự.

Số là sáng nay, mấy ông bà hàng xóm sang rủ cụ lên Chùa tụng niệm, như lệ thường. Gõ cửa không có tiếng trả lời, một lão ông bèn đẩy cửa bước vào và thấy mẹ Vân nằm song soài dưới đất, cạnh bàn điện thoại, nét mặt nhăn nhó. Cụ sửa soạn lên Chùa thì bị một cơn chóng mặt, xỉu đi và ngã xuống nền nhà. Cụ cố với tay tới điện thoai để kêu cứu, nhưng đau quá, không lết thêm được.

Bác sĩ đã khám, chụp hình thì thấy cụ bị gẫy xương hông. Cụ hiện đang nằm trong phòng cấp cứu. Bác sĩ chờ thân nhân tới để thảo luận vì cụ cần được giải phẫu.

Vân vào phòng, thấy mẹ nằm thiu thiu mà nước mắt trào ra. Da mặt bà cụ xanh nhợt, vẫn còn phảng phất nét đau đớn. Vân nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, để mẹ tiếp tục ngủ. Nhìn mẹ mà lòng vân bối rối. Cả trăm vấn đề hiện lên trong đầu Vân. Sau giải phẫu, mẹ sẽ ra sao? Liệu có đi lại được không? Huyết áp cao, bệnh phong thấp hoành hành, lại mất ngủ thì sức khỏe chắc là phải sa sút.

Mấy tháng trước, khi vợ chồng Vân đến thăm, thấy cụ cứ than là ăn không ngon miệng, nên đôi khi chẳng thèm nấu cơm, mà chỉ uống ly sữa, ăn miếng bánh khô cho khỏi đói bụng. Coi tủ lạnh, Vân thấy mấy món ăn thiu đã lên men. Vào buồng tắm thấy nước vặn bỏ quên không khóa. Vợ chồng Vân đã lo ngại...

Rồi Vân nghĩ tới hoàn cảnh của mình.

Trong sáu người con, Vân là người duy nhất ở gần mẹ. Mà bà cụ vẫn có cảm tình đặc biệt với Vân, nên trước sau cụ vẫn nói là mai mốt nếu cần “tao chỉ ở với vợ chồng con Vân thôi. Nó bướng bỉnh nhưng có lòng”.

Vợ chồng Vân được hai trai một gái đã vào đại học nên cũng nhẹ gánh. Vân mới được lên chức và trong tương lai gần, sở sẽ cho nàng đi học thêm để lấy bằng chuyên môn. Vân đã sắp xếp như vậy cho mình. Chồng nàng thì cứ vài tháng phải đi công tác xa mươi ngày.

Bây giờ, cơ sự sẩy ra như thế này, mọi dự tính của Vân đều phải xét lại. Để chờ cụ giải phẫu xong rồi tuần sau anh chị em về sẽ tính. Nhưng Vân có linh tính rằng nàng sẽ là người đứng mũi chịu sào. Mẹ mình vẫn muốn vậy, nàng tự nhủ.

Bà cụ chợt tỉnh giấc, mở mắt. Nhìn thấy Vân, Cụ gượng cười. Và trong đôi mắt của mẹ, Vân đọc thấy những nét thất vọng, sợ hãi, chịu thua...

Trường hợp của chị Vân là một trong cả trăm ngàn trường hợp tương tự.

Tuổi thọ con người kéo dài lâu hơn, tới 75, 80 là chuyện thường. Chứ không “Thất thập cổ lai hy” như vào thế kỷ trước. Số những người cao tuổi mỗi ngày mỗi gia tăng. Sức khỏe người già có khá hơn nhờ các cụ biết giữ gìn nếp sống cũng như được cung cấp dịch vụ y tế, thuốc men đầy đủ.

Nhưng một cơ thể lâu đời vẫn có những thay đổi tự nhiên theo chiều đi xuống cộng thêm những bệnh kinh niên, những tai nạn bất ngờ, với hồi phục chậm chạp. Biết bao nhiêu mất mát đã chồng chất lên niên kỷ, những xói mòn làm mong manh thân xác.

Dù vậy nhiều người già vẫn gắng gượng tự lo, chưa muốn phụ thuộc vào các con. Họ cũng có những kiêu hãnh riêng tư, những niềm tự trọng, đôi khi cũng chỉ e ngại “cảnh cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày ”. Nhưng sức gắng gượng chỉ có hạn, rồi một ngày nào đó cũng yếu đi. Như căn nhà tranh vách đất trước gió bão, cần được chống đỡ.

Và cũng là lúc con cái phải suy nghĩ, xem ai sẽ là người lãnh trách nhiệm. Chắc phải là người có thiện chí, có điều kiện, khả năng và hoàn cảnh thuận tiện.

Phục vụ thân nhân cao tuổi là một vinh dự cho con cái đồng thời cũng là vấn đề quan trọng của nhiều xã hội hiện nay. Tại Hoa Kỳ hiện nay có tới cả 40 triệu người cung cấp chăm sóc không lương cho cha mẹ già. Sự chăm sóc này ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều lãnh vực khác. Sẽ có nhiều người vắng mặt ở sở hoặc đi làm trễ; sẽ có dùng nhiều điên thoại để lấy hẹn bác sĩ, gọi mua thuốc. Nhiều nhân viên tới sở than phiền mỏi mệt mất ngủ. Tai nạn tại chỗ dễ sẩy ra. Thay đổi việc làm nhiều hơn. Và số người bị trầm cảm, đau ốm sẽ gia tăng.

Trong thực tế thì có rất ít gia đình đã sửa soạn để sẵn sàng giải quyết việc chăm sóc cha mẹ khi về già. Nhiều việc xẩy đến bất thường, đòi hỏi có quyết định ngay.

Ông bố đang có sức khỏe tốt, đột nhiên bị tai biến não, liệt nửa thân, nằm bất động cần giúp đỡ với nhu cầu căn bản, thiết yếu hàng ngày: ăn uống, tắm rửa, đại tiểu tiện, cho uống thuốc...

Con dâu đang vừa đi làm vừa trông nom bà mẹ chồng, giờ đây con dâu cũng thường đau ốm. Ai là người sẽ lãnh trách nhiệm săn sóc ông bố? Ai sẽ tiếp tay với mình trông nom mẹ chồng?

Theo kinh nghiệm thì dù có nhiều anh chị em, nhưng trách nhiệm chăm sóc không đồng đều chia sẻ khi bố mẹ cần. Có thể là người con gái lớn với cả một bầy con hoặc cô út chưa đi ở riêng, hoặc nàng dâu nhà ở gần bố mẹ. Đôi khi là cậu con trai cưng. Nhưng thường ra thì chỉ có một người đóng vai chính, thường xuyên.

Nói như vậy không có nghĩa lã không có chia sẻ về tài chánh, về công việc chăm sóc mà qua người này mọi việc được giáo phó, phối hợp và thông báo cho người khác khi cần. Một tiểu gia đình cộng thêm hai cụ thân sinh. Thế hệ người chăm nuôi được ví như thế hệ của một chiếc “ bánh mì kẹp chả” , với trách nhiệm làm cha mẹ, bổn phận làm con và đời sống riêng tư của mình.

Nói đến người săn sóc thường thường là ta nghĩ đến vai trò của người phụ nữ: con gái, con dâu, chị em, cháu. Theo kết quả thăm dò tại Hoa Kỳ, cứ 10 người chăm sóc thì 6 người là con gái hoặc con dâu. Cũng chẳng ai hiểu tại sao. Có lẽ đó là thiên chức của họ sinh ra với những nét dịu dàng, nhậy cảm, những quan tâm, linh động, nhất là đức tính hy sinh, nhẫn nại, thông cảm để chăm sóc chồng con, bố mẹ. Điều đó cũng đúng vì việc tề gia nội trợ, việc chăm sóc nâng niu thì cũng hiếm đàn ông làm hơn quý bà được.

Cho nên khi một bà cụ khoe “tôi ở với con trai ” thì thực ra phải hiểu là bà cụ đang ở với con dâu mới công bằng, chính xác. Đàn ông cũng làm được công việc đó nhưng tổng quát hơn, sắp đặt nhiều hơn là đi vào chi tiết. Mà những chi tiết mới là điều mà người phụ thuộc cần và quan trọng đối với họ.

Người đàn bà có chín tháng mười ngày sửa soạn để đón chào đứa con ra đời, nhưng họ không có một phần mười thời gian đó để sẵn sàng cho trách nhiệm nuôi cha nuôi mẹ .Vì sự việc xẩy ra không lường trước.

Vả lại, nuôi con là thấy mỗi ngày chúng vươn ra khỏi vòng phụ thuộc, còn nuôi bố mẹ già thì nhu cầu giúp đỡ mỗi ngày mỗi tăng, mỗi đi sâu vào sự lệ thuộc. Nhiều người như bơi lội quay cuồng trong vai trò mới của mình. Kinh nghiệm chưa có, làm sao học được cách thức điều dưỡng trong vài ngày. Tài chánh giới hạn. Sức khỏe kém. Công việc trở ngại. Ngoài việc làm kiếm gạo, mỗi ngày cũng phải dành ra vài giờ cho việc săn sóc. Họ cảm thấy cô đơn, buồn chán, nhiều khi bực bội, bất mãn, tuyệt vọng. Không còn riêng tư cho mình. Tương lai như ngưng lại. Họ mủi lòng cho người thân, người mà bạn đường đã sớm bỏ ra đi, sức khỏe đang hao mòn và biết rằng đang là gánh nặng cho con cháu.

Tình nghĩa gia đình, lòng hiếu thảo, mặc cảm chịu ơn là những hỗ trợ để người chăm sóc tiếp tục. Họ nghĩ là có bổn phận phải chăm sóc cha mẹ như cha mẹ đã nuôi nấng, trìu mến họ.

Tuy nhiên dù có cứng nhưng cũng có ngày ngả nghiêng trước gió táp. Những chia xẻ trách nhiệm, những giúp đỡ từ anh chị em, thân nhân đã tới lúc cần có vì việc chăm sóc là trách nhiệm chung của cả gia đình.

Thường thì một người tình nguyện chăm sóc thường xuyên. Còn người khác phụ giúp khi được yêu cầu hay khi có cơ hội thuận tiện. Sắp xếp sao để tránh khỏi một người bị kiệt sức. Hoặc đưa tới bất hòa giữa anh chị em. Một người mẹ có thể chăm sóc cả bầy con mười đứa, nhưng khi cha mẹ già thì mười đứa con không chăm sóc được một mẹ. Kể cũng éo le, tội nghiệp.

Sau một thời gian cố gắng, người chăm nom bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn. Đôi khi họ cố tình gạt bỏ những nhu cầu riêng, quên những đau ốm cá nhân để lo cho người thân yêu. Có người từ chối sự tiếp tay của anh chị em hoặc bạn bè, nhóm hội. Họ cứ nghĩ có đủ sức làm mọi việc và nếu nhận sự tiếp tay là thú nhận thất bại, kém khả năng. Có người cho là chỉ có mình mới chăm sóc chu đáo, không tin ở người khác.

Để rồi kiệt sức, ngã bệnh. Thử tưởng tượng một người không có sức khỏe dồi dào, săn sóc một người không khỏe lắm, thì chắc kết quả cũng chẳng được mấy hoàn hảo, như ý muốn của đôi bên.

Theo mấy ông bà thống kê thì người cống hiến chăm sóc bị cao huyết áp gấp đôi người khác, 91% bị trầm cảm, bốn lần bực bội, cau có hơn người nhận. Họ bất mãn vì đã cố gắng hết mình mà tình trạng người thân mỗi ngày mỗi suy kém, nên họ phải cố gắng hơn trong việc chăm sóc. Họ có cảm tưởng như mình là người duy nhất có thể trông nom chu đáo được cho người thân, luôn luôn e ngại rằng sự săn sóc của anh chị em sẽ làm cha mẹ già suy yếu hơn.

Đôi khi họ thấy không có được một thì giờ dành cho mình, một chút riêng tư với chồng con. Rồi tính tình thay đổi, hay cau có, bực tức, giận dỗi vu vơ; cảm thấy khó chịu với người mình đang trông nom, đã chẳng chịu hợp tác lại còn bướng bỉnh, đòi hỏi.

Lâu lâu họ thấy trong người mệt mỏi, ngủ không được. Nhiều sáng họ sợ không dám thức dậy, sợ phải đương đầu với những thường lệ mỗi ngày lại diễn ra.

Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc cũng gây trở ngại cho công việc làm ăn, cho đời sống giao tế hàng ngày. Và đôi khi họ không còn thấy vui vẻ kiêu hãnh về trách nhiệm của mình, hoặc cảm thấy tội lỗi về những ý nghĩ không tốt của mình đối với người thân.

Rồi một lúc nào đó ngã bệnh, buông xuôi...

...Để tiếp tục chăm lo cho mẹ, Vân đã dành cho bản thân chị một vài chăm sóc, nhân nhượng. Vân đã như nghe thấy từng thớ thịt kêu gào với Vân, “cho tôi nghỉ chút xíu chứ, bạn đã sử dụng quá sức lao động của tôi để phục vụ bà cụ rồi đó”!

Vân đã sẵn sàng, dễ dãi tiếp nhận sự giúp đỡ của anh chị em.

Cô Lan ơi, tuần sau lên đón mẹ về với em, đỡ hộ chị mươi ngày nhé, anh chị định đi xả hơi ngoài biển.

Anh Hoan ơi, bác sĩ nói mẹ cần uống thêm sữa đậu nành, hay là anh nói với chị làm hộ em mỗi tuần vài lít nhé.

Chị đã xen kẽ xả hơi và chăm sóc để duy trì sinh lực, lấy lại nhiệt tâm. Dạo này Vân để ý đến ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hơn. Ngày nào chị cũng dành 15 phút để vận động cơ thể.

Nàng lo nhất là bị rối loạn giấc ngủ. Ban đêm nhiều khi Vân phải thức dậy giúp đưa mẹ vào phòng tắm, lấy miếng nước, viên thuốc cho mẹ. Vân biết là mất ngủ sẽ mau đưa tới nhiều tiêu hao tinh thần thể xác.

Chị cũng đã nghĩ đến một ngày nào đó phải cần đến sự giúp đỡ của các dịch vụ chăm sóc người già của chính phủ, của các tổ chức trong cộng đồng, tôn giáo, xã hội, những nhóm hỗ trợ tư nhân, trung tâm chăm sóc ban ngày. Các dịch vụ này có sẵn tại mỗi địa phương lớn nhỏ tại Hoa Kỳ.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là nói chuyện với anh chị em. Để phân chia công việc săn sóc, phụng dưỡng người mẹ cô đơn được chu đáo trong những năm tháng còn lại của Mẹ...

Vì:

“ Mẹ già như chuối chín cây”.

Rụng lúc nào, không biết.

Cũng như Cha đã về nguồn cách đây mấy năm.


Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D. Texas - Hoa Kỳ - Nguồn: CGVN
 

Liệu

Cựu Ban điều hành
#3
Ðề: Câu Chuyện Thầy Lang

mua láng giềng gần​

khi nói: “bán anh em xa, mua láng giềng gần” thì các cụ ta có ý ám chỉ tính cách quan trọng trong tình nghĩa thuận hòa lối xóm, ngày ngày đi về thấy nhau, tháng năm gần gũi với nhau.

Trong kinh thánh cũng ghi một câu tương tự: “far better a neighbor that is near than a brother far off.”

trong khi đó thì giám đốc stephen glaude của hiệp hội hàng xóm quốc gia tại thủ đô washington, hoa kỳ, lại thực tế hơn: “hàng xóm là một loại bảo hiểm có giá trị tương đương với bảo hiểm tài sản, hỏa hoạn hoặc sức khỏe”.

Và theo hiền triết khổng tử: “lý nhân vi mỹ. Trạch bất xử nhân, yên đăc trí”. Xóm có nhân hậu là xóm tốt. Người chọn chỗ ở mà chẳng chọn xóm nhân hậu thì làm sao gọi là trí được.

Thực vậy, hài hòa hàng xóm láng giềng không những cần thiết mà còn có lợi cho sức khỏe. Cơ quan y tế thế giới định nghĩa sức khỏe tốt là sự vẹn toàn về thể xác, tinh thần vài hài hòa xã hội, trong đó có hòa nhập với những người sống trong cùng khu phố.

Các nhà chuyên môn y khoa học cũng đồng ý là hàng xóm tốt giúp đời sống an bình hơn. Có nghiên cứu cho hay nơi nào dân chúng sống hòa hoãn với nhau thì bệnh tim cũng ít. Họ không bị ảnh hưởng của những căng thẳng trong giao tế giữa những người lân cận.

Thử tượng tượng sống cạnh một gia đình mà họ thường xuyên “hang thịt nguýt hang cá”, dòm ngó sang nhà mình, bình phẩm điều này, chê bai điều kia, vặn nhạc ồn ào, xe đậu bừa bãi thì làm sao mà đời sống của mình thoải mái, ăn ngon ngủ yên cho được.

Ngược lại, khi nấu bát canh chua, thiếu quả cà to mát mà lối xóm sẵn sàng “có đây”,tiếp tế. Cần nhờ để mắt coi chừng nhà khi đi nghỉ hè mà họ sẵn sàng nhận lời. Cần thợ sửa xe kinh nghiệm mà họ ân cần giới thiệu một nơi…thì đời sống chắc là nhẹ nhàng dễ chịu hơn…

tại hoa kỳ, sự quan trọng của tình nghĩa hàng xóm láng giềng đã được quốc hội biểu quyết và các tổng thống nixon, ford và carter ký ban tuyên cáo ngày quốc gia hàng xóm tốt “national good neighbor day” vào năm 1978. đó là ngày chủ nhật thứ tư của tháng 9. Tới năm 2003, thượng viện hoa kỳ đổi sang ngày 28 tháng 9 hàng năm.

Mà muốn trở nên hàng xóm tốt với nhau cũng không phải là khó thực hiện. Có những điều làm vui lòng nhau thì cũng có nhiều việc mang lại cảnh “bằng mặt mà không bằng lòng”, bất bình lối xóm.

làm vui lòng nhau:

- trước khi dọn vào tố ấm mới, ghé qua mấy nhà kế cận thân thiện tự giới thiệu, hỏi han vài điều về lối xóm, xã giao “vườn nhà ông bà chăm sóc giản dị mà đẹp đấy nhỉ!” hoặc tôi thích mầu sơn phía trước nhà ông bà, rất “bắt mắt”.

- khi dọn tới rồi thì lần lượt “hello” từng nhà, làm quen. Vì không gì dễ dàng để giải quyết khó khăn có thể xảy ra sau này là nếu ta đã biết qua về họ và họ cũng biết ta ra sao. đôi khi tìm ra được người có cùng ngành nghề, sở thích thì cũng vui hơn.

- cởi mở trò chuyện với lối xóm, giúp đỡ họ khi thấy cần, nhất là với người tuổi cao hoặc cháu bé. Gửi bà hàng xóm một thiệp chúc mừng mới sanh baby. Giúp bác cao tuổi lấy báo mỗi sáng. Nếu lối xóm có tập tục block party thì vui vẻ tham gia hoặc tạo ra thói quen hữu ích này để có cơ hội gặp nhau.

- để ý tới lối xóm, canh chừng có sự việc bất thường xảy ra. Một người lạ khênh vật quý từ một ngôi nhà mà chủ nhân đi nghì mát. Một lão nhân mọi ngày vẫn ra nhặt báo, đột nhiên vắng mặt hai, ba ngày? Mình để ý tới hàng xóm thì họ cũng trông chừng cho mình.

- giữ vườn tược nhà cửa tươm tất, sạch sẽ. Nhặt bỏ lon nước, giấy quảng cáo, báo cũ, đậu xe vào lối đi nhà mình, đóng cửa nhà xe khi không cần mở.

- thấy một gia đình mới dọn tới, sẵn sàng tiếp tay dỡ bốc vật dụng, bàn ghế, mang biếu một bữa cơm mà học chưa kịp nấu.

- nếu có ý định làm một hàng rào giữa hai nhà thì cũng cho lối xóm hay trước và đề nghị thay phiên gìn giữ sơn phết của chung cho đẹp mắt mọi người.

- mượn nhau cái kìm, cái búa, bơm bánh xe đạp thì nhớ mang trả càng sớm càng tốt với lời cám ơn. Thay thế vật hư hao hoặc lau chùi sạch sẽ trước khi hoàn cố chủ

- định liên hoan họp mặt đông người, nên cho lối xóm hay, xin sự thông cảm vì nhiều xe đậu cản lối đi, người ra vào tấp nập, con trẻ chạy loăng quăng la hét. Cho lối xóm số điện thoại của mình để kêu khi có xe cản lối ra vào hoặc có điều muốn nói. Hãy để họ kêu mình trước khi họ kêu cảnh sát. Họ than phiền thì giải quyết ngay.

- nuôi vài con chó con mèo làm bạn thì cũng đừng để chạy rông nhà này nhà khác, moi móc thùng rác, sủa cắn om sòm nửa đêm, về sáng.

đưa chó dạo chơi, chạy bộ với dây dắt chó, thánh toán “của thừa” do chó thải ra trên bãi cỏ đường đi để người khác đừng dẵm phải.

- hàng xóm tốt làm cuộc sống của mình dễ chịu hơn, nhưng đừng quên đó là con đường hai chiều, có qua có lại mới toại lòng nhau. Vả lại, đã là hàng xóm thường thì phải phụ thuộc với nhau dù khác chủng tộc, tôn giáo, nghề nghiệp. Nhớ giao hữu nhưng vẫn tôn trọng tính cách riêng tư lối xóm.

- anh hàng xóm có cái xe cũ rích nằm cạnh nhà cả mấy năm chuột bọ làm tổ, rác rưởi tung tóe, thì thay vì kêu cảnh sát, nhẹ nhàng góp ý là tôi sẽ giúp ông kéo nó đi, để lâu e rỉ xét, vừa kém mỹ quan vừa đưa tới rủi ro cho sức khỏe các cháu.

và mích lòng nhau:

- lái xe ra vào ào ào nhanh như gió.

- thùng rác lăn lóc trước cửa cả tuần lễ không mang vào

- sớm tinh sương, tối 9, 10 giờ máy cắt cỏ chạy ầm ầm.

- đậu xe lấn nát sân cỏ đẹp nhà người.

- con trẻ chơi nhạc quá to, party quá trễ.

- chơi đêm về khuya, rượu say lái xe lạng quạng, dập cửa xe cửa nhà rầm rầm, la hét người phối ngẫu, bầy con om sòm…

kết luận:

hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau.

Hàng xóm tốt đôi khi không được tán thưởng nhưng luôn luôn được để ý. Tâm lý con người thường có thói quen truyền miệng rỉ tai, “buôn lê” về người hàng xóm xấu chứ ít khi nói tới người hàng xóm tốt.

Và một chuyện vui hy vọng chẳng bao giờ xảy ra ở khu phố nhà mình:

Hai người láng giềng trò chuyện, một người nói:

- "tôi rất tiếc là mấy con gà nhà tôi đã mổ hết những hạt hoa vừa gieo bên vườn nhà bác".

- ôi, chuyện nhỏ thôi mà bác ơi. Nhân tiện cũng xin bác thứ lỗi cho, con vện nhà tôi đã cắn chết mấy con gà ấy rồi.

- không sao, tối qua bà nhà tôi đã lỡ chẹt chết con chó nhà bác bằng ôtô.

- tôi biết rồi, vì thế lúc tôi cưa cây tôi cũng đã cưa thủng lốp xe của bà nhà.

- vậy à! Nhân tiện tôi xin hỏi nhà bác mua bảo hiểm hỏa hoạn chưa đấy?”
 

Liệu

Cựu Ban điều hành
#4
Ðề: Câu Chuyện Thầy Lang - Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

MUA DƯỢC PHẨM QUA INTERNET


Internet đã xâm nhập và thay đổi nếp sống của con người rất nhiều.

Ngồi trước máy vi tính kết nối với liên- mạng, ta có thể say mê, bận rộn với nhiều công việc khác nhau. Đọc tin tức thời sự nóng hổi từ năm châu, bốn biển. Xem phim ảnh, tiểu thuyết của mọi quốc gia. Gửi nhận thư cho bạn bè chỉ trong vài phút. Mua bán mọi thứ cần dùng, kể cả xe hơi, thực phẩm, quần áo, nữ trang, thuốc men. Thôi thì trăm hồng, nghìn tía, đủ các tiết mục khác nhau.

Mua thuốc qua liên-mạng đã trở nên rất phổ biến trong những năm vừa qua.

Thông thường, sau khi đi khám bác sĩ là ta phải tới dược phòng để mua thuốc về dùng. Với một số người, việc này có thể là một trở ngại nhỏ, vì không có thì giờ và phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, mua như vậy ta sẽ có cơ hội nói chuyện trực tiếp với dược sĩ và hỏi thêm về cách dùng, đặc tính và tác dụng phụ của thuốc.

Ngày nay, vai trò của dược sĩ không chỉ là điều khiển việc bán thuốc mà còn có nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn. Ngoài dược học, các vị này đã được huấn luyện thêm về lâm sàng, về dược trị liệu. Họ cũng tham gia vào việc trị bệnh, góp ý kiến với bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, theo dõi sự công hiệu và tác dụng ngoại ý do dược phẩm gây ra. Các vị đó cũng dành thời gian để giải thích cho bệnh nhân cách dùng thuốc: uống khi nào, bao nhiêu như chỉ định của bác sĩ, cho bệnh nhân biết tác dụng phụ của thuốc ra sao.

Mua thuốc qua mạng được manh nha từ thập niên 60 nhưng chỉ phát triển mạnh vào thập niên 80 với sáng chế máy vi tính rồi mạng lưới internet. Dịch vụ này có một vài lợi điểm như tiện lợi, tiết kiệm thì giờ, không phải kiếm phương tiện di chuyển, mua được thuốc với giá khá rẻ vì chi phí điều hành ít. Một số người vì lý do này lý do khác lại không muốn đi khám bệnh hoặc không có bảo hiểm sức khỏe nhưng muốn có thuốc. Họ bèn mua thuốc qua internet một cách dễ dàng.

Nhiều trang web đứng đắn, hợp pháp dành nhiều cơ hội để bệnh nhân hỏi thêm về thuốc với các dược sĩ của họ hoặc có bác sĩ để lấy y sử, bệnh tình rồi biên toa. Họ cũng cung cấp thêm các tin tức về bệnh và dược phẩm qua mạng internet. Nhưng cũng không ít trang web bán thuốc không cần toa, dù là thuốc thường hoặc thuốc trong danh sách kiểm soát, chỉ được mua, bán với toa thuốc do bác sĩ biên.

Hiện nay, bán thuốc qua mạng hiện diện khắp mọi quốc gia, đặc biệt tại nơi mà thuốc được bán tự do, không cần toa của bác sĩ.. Riêng tại Hoa Kỳ có cả ngàn cơ sở có giấy phép và cơ sở lậu bán dược phẩm qua internet. Các cơ sở hợp pháp đều được National Association of Boards of Pharmacy và Federation of State Medical Boards. chứng nhận đã hội đủ các điều kiện về bằng cấp và các tiêu chuẩn hành nghệ dược. Những cơ sở trên internet có mang dấu triện hình bầu dục mầu xanh đặc biệt với hàng chữ VIPPS (Verified Internet Pharmacy Practice Sites) do NABP cấp phát đáng tin cậy vì đó là dấu hiệu bảo đảm sự tuân thủ của cơ sở này với chính quyền và báo cho người tiêu thụ biết được phẩm chất về thuốc mà họ cung cấp. Người mua cũng có thể tìm hiểu thêm những cơ sở này khi click vào dấu ấn trên trang web quảng cáo của họ.

Điểm cần lưu ý khi mua dược phẩm qua internet

Có một số điểm cần lưu ý để bảo đảm công hiệu và an toàn khi mua dược phẩm qua internet, như là:

1- Chỉ mua dược phẩm tại các cơ sở được chính thức công nhận với địa chỉ, số điện thoại rõ ràng. Dè dặt với các cơ sở ở nước ngoài hoặc chỉ có hộp thư liên lạc vì các nơi này có thể bán các dược phẩm cấm bán ở quốc gia mình đang cư trú. Có thể tìm ra các cơ sở này bằng cách hỏi ở National Association of Boards of Pharmacy's (NABP). Cơ quan này có danh sách các tiệm có giấy phép hành nghề dược trên internet tại tiểu bang.

2- Chỉ nên mua thuốc do bác sĩ biên toa cho mình.

3- Lưu ý nơi bán là các dữ kiện liên quan tới cá nhân mình như tên tuổi, địa chỉ, tình trạng bệnh, thẻ tín dụng phải được giữ kín, riêng tư. Nhiều cơ sở mang bán các dữ kiện cá nhân của khách hàng cho công ty khác.

4- So sánh giá cả giữa vài ba cơ sở. Nếu thấy giá mua qua internet quá thấp thì cũng nên tự hỏi tại sao, có phải là thuốc « rỏm » hoặc đó là cơ sở buôn bán “chui lậu” không.

5- Nên để ý tới các dược phẩm “nhái” giả hiệu, chỉ có đường, bột, vài hương vị thơm thơm, hăng hắc không có dược tính. Cơ quan FDA cho hay, một lần họ thử mua thuốc trị bệnh cúm Tamiflu của một công ty có trụ sở ở Ấn Độ. Phân chất thuốc này, FDA chỉ thấy có phấn rôm và acetaminophen mà không chứa một tý hoạt chất oseltamivir trị cúm nào.

Theo cơ quan y tế Thế giới, trên 50% thuốc giả mạo được bán ra từ các cơ sở dấu diếm địa chỉ của mình và đa số thuốc “rỏm” này được sản xuất từ châu Á, châu Mỹ La Tinh, Đông Âu. Thuốc “rỏm”có thể không có hoạt chất cần thiết cho bệnh, chế biến với chất mà mình không biết tên, có thể gây hại; phân lượng hoạt chất không cân bằng, tất cả có thể đưa tới tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe.

6- Đừng mua thuốc ở các cơ sở mà họ không cần mình chứng minh có toa của bác sĩ. Các cơ sở như vậy là bất hợp pháp, hành nghề không giấy phép, vì theo luật định, chỉ có bác sĩ mới có quyền cho toa sau khi đã khám bệnh.

7- Không mua thuốc ở các cơ sở không số điện thoại và dược sĩ để liên lạc, trả lời các câu hỏi của khách hàng.

8- Đừng mua thuốc ở các cơ sở quảng cáo là có các “thần dược”, trị được bá bệnh.

9- Không mua các loại thuốc cần phải toa bác sĩ đặc biệt thuốc nằm trong danh sách dược phẩm đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan y tế như thuốc có chất ma túy, có thể gây nghiền. Cũng đừng mua dược phẩm chưa được cơ quan FDA hoặc tương đương công nhận là an toàn, hữu hiệu khi dùng.

Mua dược phẩm kiểm soát (controlled substances) mà không có toa thuốc hợp lý của bác sĩ có thể bị giam cầm, theo luật lệ liên bang Hoa Kỳ.

10- Khi nhận thuốc, kiểm soát nhãn hiệu coi có đúng tên mình, tên thuốc, liều lượng như chỉ định của bác sĩ, coi xem thuốc có bất thường như đổi mầu, biến dạng, ẩm ướt; thuốc nước có vẩn đục, có quá thời hạn sử dụng. Coi kỹ xem có đúng với thuốc mình đang uống, hàng được chuyển giao an toàn.

Có bất cứ nghi vấn nào, nên liên lạc ngay với nơi bán để hiểu rõ và nếu cần đổi thuốc. Thậm chí nếu thấy có gì bất hợp pháp thì khiếu nại ngay với các cơ quan hữu quyền như FDA (Food and Drug Administration)…

Mang thuốc vào Hoa Kỳ

Cũng lưu ý rằng luật pháp Hoa Kỳ cấm nhập cảnh các dược phẩm mới chưa được cơ quan FDA thừa nhận công hiệu trị bệnh, tính cách an toàn cũng như sản xuất từ các cơ sở đã khai báo với cơ quan này.

Thêm vào đó, còn cơ quan DEA (Drug Enforcement Administration) là cơ quan theo dõi việc sản xuất, mua bán, lưu hành và sử dụng dược phẩm trong danh sách cần kiểm soát (controlled substances) như thuốc chống đau có chất opiate, thuốc an thần, thuốc có chất steroid. Các thuốc này cần phải có toa của bác sĩ thực sự khám bệnh rồi biên toa. Tìm cách mua các thuốc này mà không có toa bác sĩ hoặc mua “chui” qua internet có thể bị phạt tù.

Nhân viên quan thuế có thể du di cho phép mang vào một ít dược phẩm chưa được FDA thừa nhận, không có ở Mỹ, cho cá nhân dùng không quá 3 tháng khi có bệnh trầm trọng, không có phương thức trị liệu tại đây.

Thuốc phải đưng trong chai lọ nguyên thủy, có giấy chứng nhận của bác sĩ điều trị đã khám tại nước ngoài cũng như bác sĩ sẽ tiếp tục chăm sóc bệnh tại Hoa Kỳ.

Thuốc mang vào không có mục đích quảng cáo hoặc thương mại.

Thuốc không gây ra rủi ro đáng kể.

Khi có nghi ngờ tính cách an toàn và hợp pháp của thuốc, nhân viên quan thuế cửa khẩu sẽ liên lạc với cơ quan FDA hoặc DEA gần nhất để xin ý kiến coi có cho phép nhập cảnh thuốc hay không.

Trong thực tế, du khách về từ một số quốc gia như Canada, Mexico… đều có thói quen mua thuốc cho cá nhân dùng, vì giá rẻ hơn rất nhiều. Cơ quan chính quyền thường cũng thông cảm, vì họ nhắm vào giới nhập cảng lậu, các dược phòng bất hợp pháp trên mạng nhiều hơn là nhắm vào bệnh nhân, kém lợi tức, cần một ít thuốc trị bệnh. Giá thuốc tại Hoa Kỳ rất cao, nhiều người không đủ khả năng mua thuốc. Nhưng mình phải khai báo. Vì mang dược phẩm vào Hoa Kỳ mà không khai báo là phạm luật.

Kết luận

Mua thuốc qua internet có thể là tiện lợi, dễ dàng và tiết kiệm nhưng không phải là luôn luôn an toàn. Do đó, trước khi mua, nên cân nhắc lợi hại với hoàn cảnh cá nhân và chỉ nên mua qua các trang web có uy tín và có giấy phép hành nghề.

Và đừng mua dược phẩm chưa được FDA của Hoa Kỳ hoặc cơ quan tương đương tại các quốc gia khác thừa nhận.
 

Liệu

Cựu Ban điều hành
#5
Ðề: Câu Chuyện Thầy Lang - Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Hiến Thân Xác Cho Y Khoa Học

Chúng tôi gặp nhau rất tình cờ. Hôm đó ông Vinh tới thử máu và đo huyết áp trong một Hội Chợ Y Tế do nhóm thiện nguyện Việt-Mỹ tổ chức. Ông ta mang kết quả tới nhờ tôi giải thích vài điều mà ông thắc mắc. Sau đó Vinh đột nhiên dụt dè nói, “tôi muốn hiến tặng thân xác cho khoa học khi tôi chết, liệu bác sĩ giúp tôi làm thủ tục được không?” Tôi hơi ngạc nhiên nhưng thấy Vinh có vẻ thành thực nên nói chuyện thêm với Vinh vài phút rồi xin số điện thoại để sau này gặp lại. Hơn tuần lễ sau tôi mời ông tới chơi để tìm hiểu. Trò chuyện thì nhiều nhưng tập trung vào việc hiến xác. Ông cho hay là hiện nay sống một mình, có việc làm với bảo hiểm sức khỏe và hưu bổng đầy đủ, gia đình con cháu ổn định, đời sống cá nhân an lạc. Ý nghĩ hiến xác ông đã có từ lâu, vì thấy khoa học ở đất nước này tiến bộ quá, mình hưởng được nhiều phúc lợi thì bây giờ trả ơn vì nghe nói thân xác được dùng trong các nghiên cứu của khoa học gia cũng như sinh viên y khoa thực tập…

Ý nghĩ của ông Vinh mang người viết trở lại với thời kỳ học y khoa khi xưa. Hai năm đầu, có môn Cơ Thể Học, vừa lý thuyết vừa thực hành ngõ hầu hiểu rõ được sự cấu tạo của cơ thể con người. Đây là một trong nhiều môn học quan trọng nhất để đào tạo bác sĩ và các nhà chuyên môn về sức khỏe khác. Thực hành là cặm cụi trên những hình hài vô danh, tay dao tay kéo rạch từng đường gân, thớ thịt, mạch máu để có cái nhìn cụ thể. Thầy dạy là vị giáo sư khả kính và các sinh viên đàn anh. Thầy có dọng nói truyền cảm hấp dẫn, lời giảng rõ ràng minh bạch lâu lâu chêm. vào một câu nói vui vui để đám học trò bớt căng thẳng. Nét vẽ của thầy trên bảng đen thật tuyệt vời, đâu ra đó, rất thành thạo, nhanh và diễn tả đầy đủ tác phẩm kỳ diệu của tạo hóa là con người. Đó là Giáo Sư Y Khoa Nguyễn Hữu, Giám Đốc Cơ Thể Học Viện trong nhiều thập niên của một thời xa xưa..

Những hình hài vô danh nằm trên bàn đá lạnh trong căn phòng nhỏ ngợp mùi phóc môn tại Cơ Thể Học Viện, đường Trần Hoàng Quân Chợ Lớn, tới từ đâu, không ai biết. Có thể là từ tự hiến hoặc bán xác của bệnh nhận bệnh viện Chợ Quán, viện tâm thần Biên Hòa hoặc tử thi trôi sông dạt biển, tử tội vô thừa nhận. Nhưng những hình hài đó đã giúp sinh viên y khoa rất nhiều và đã đựoc ghi ơn, nâng niu tôn trọng trong khi thực tập. Mới đây, đồng nghiệp Phan Bảo Khánh tại Sài Gòn, rất xúc động với những người hứa nguyện hiến xác đã có ý kiến "Họ đã ra đi nhưng còn đó những bó cơ, mạch máu, từng bộ phận cơ thể… cho chúng ta giảng dạy, nghiên cứu để phục vụ cho khoa học và cao hơn là vì cuộc sống tươi đẹp. Họ là những người bất tử”.

Các viện nghiên cứu khoa học, trường y, bệnh viện trên khắp thế giới đều khẩn khoản mong ước được đón nhận những “người bất tử” như vậy. Vừa mới ra đi thì các bộ phận tốt lành tức khắc được ghép cho người bệnh có nhu cầu, mang lại đời sống gần như bình thường cho họ. Trong vài ba năm thì hình hài liên tục được mổ xẻ, nghiên cứu mang lại những hiểu biết về chữa trị, phòng ngừa nan bệnh.

Với hình hài để nghiên cứu, đơn vị thu nhận sẽ ướp xác với formaldehyde chích vào mạch máu để các mô bào được cất giữ, tránh hư rữa. Đó là lý do thân xác phải toàn vẹn để có thể tẩm niệm ướp giữ. Đôi khi xác cũng được cất giữ bằng cách ướp với chất nhựa dẻo plastic.

Thủ tục hiến xác cũng giản dị. Một văn bản ngỏ ý muốn hiến, ký tên bên dưới với 2 người trưởng thành làm chứng, gửi tới cơ quan nghiên cứu mà mình muốn tặng dữ. Người hiến tặng cũng ở tuổi thành niên hợp pháp.

Chẳng hạn như:
“Tôi ký tên dưới đây là Nguyễn Văn Trần, 72 tuổi, hiện ngụ tại số 1234 đường Marie Curie thành phố Sơn Lâm, trong tâm trạng rất tỉnh táo, sáng suốt, làm giấy này nguyện hiến tặng thân xác tôi, khi mãn phần, cho Bệnh viện của trường Đại học Y Khoa với mục đích góp phần vào sự tiến bộ y khoa học và giáo dục.
Tôi hiểu rằng ý nguyện của tôi cần phải được ban Giám đốc của trường cứu xét và chấp nhận. Trong trường hợp ý nguyện của tôi không được thỏa mãn, thân nhân của tôi sẽ đứng ra lo phần tang chế.
Tôi cũng đồng ý là tất cả hồ sơ y khoa của tôi được chuyển giao cho trường để hiểu rõ tường tận về tình trạng sức khỏe của tôi.
Tôi cũng ý thức rằng thời gian mà trường xử dụng thân xác tôi cho mục đích y khoa học và giáo dục có thể kéo dài cả 2, 3 năm.
Tôi yêu cầu những ai lo việc hậu sự của tôi thông báo ngay cho trường về sự mãn phần của tôi.
Ngày tháng năm tại địa phương mình đang cư ngụ
Ký tên.
Hai người làm chứng đồng ký.

Và nhớ cho thân nhân biết rõ ý định của mình để tránh trường hợp bất đống ý kiến sau này. Cũng lưu ý rằng, một lúc nào đó mình không muốn hiến tặng thì chỉ cần viết một văn bản đổi ý gửi cho cơ quan thụ hưởng.

Ý nguyện cần được đơn vị thu nhận đồng ý tùy theo tiêu chuẩn riêng của họ và tùy theo mỗi quốc gia. Chẳng hạn có nơi từ chối nếu người hảo tâm có tiền sử bệnh truyền nhiễm như viêm gan các loại, HIV, lao; phỏng nặng, thương tích trầm trọng, chết đuối, quá mập phì, đói ăn cơ thể bắt đầu rữa hủy, đã có ý định quyên sinh…Có cơ quan chỉ nhận thân xác toàn vẹn, không hư rữa, chưa bị mổ khám nghiệm tử thi, không bị lấy đi một bộ phận để cấy ghép trị bệnh, ngoại trừ giác mạc của mắt.

Người hiến được cấp một thẻ ghi nhận hiến xác để luôn luôn mang theo mình, phòng khi cần khẩn cấp.

Tại Hoa Kỳ, hiến bộ phận có thể thực hiện tại nơi thi bằng lái xe và sẽ đựơc ghi chú trên bằng này.
Trong thời gian nghiên cứu, hình hài sẽ được cơ quan thụ hưởng bảo tồn trang trọng, đảm bảo chân giá trị của người hiến tặng cũng như tôn trọng quà tặng mà người cho đã trao cho
Sau nghiên cứu, hình hài sẽ được hỏa thiêu. được đưa về cho thân nhân mai tang nếu họ muốn hoặc sẽ được bệnh viện long trọng rải trên biển cả hoặc trong lòng đất. Cát bụi trở về cát bụi.
Người cho không được hưởng một hiện kim hiện vật nào. Đó là quy luật của chính quyền, để tránh mua bán hoặc kẻ bất lương đào mồ trộm xác. Bệnh viện chi trả phí tổn chuyên trở hình hài tới bệnh viện, nếu không quá xa.

Thân nhân có thể tổ chức lễ phát tang, cầu nguyện trước khi chuyển cho bệnh viện, nhưng lưu ý nhà quàn không tẩm niệm. Đó là việc mà sau này bệnh viện đảm trách theo phương pháp khoa học thích hợp.
Cũng xin ghi nhận rằng, hầu hết các tôn giáo đều khuyến khích sự hiến xác để phục vụ cho mục đích cao cả khoa học vì đây là một cử chỉ vị tha, bác ái, từ bi.

Kết luận.

Để kết luận, xin ghi lại cảm nghĩ của nam ca sĩ Ngọc Sơn, khi ký giấy hiến xác cách đây mấy năm: “Con người sinh ra từ cát bụi, lìa trần thì cũng trở về với cát bụi. Nếu đem thân xác đi chôn vùi trong lúc các trường y họ thiếu tiêu bản người để thực tập và nghiên cứu khoa học thì phí phạm quá. Tôi muốn phụng sự cuộc sống cả sau khi mình đã chết”.


Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ
www.bsnguyenyduc.com
Nguồn: Daily News Online
 

funnyngo139

Thư ký nhà máy pháo! Ác Ôn...
#6
Ðề: Câu Chuyện Thầy Lang - Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Ông ngoại của Funny cũng đã từng Hiến xác cho khoa học khi ông ngoại còn minh mẫn, khỏe mạnh, cách đây hơn chục năm. Lúc đó Funny còn bé lắm ko biết gì về chuyện của người lớn, nên ko biết lúc ông ngoại đi đăng ký hiến xác có người nhà theo ko nữa hay là âm thầm làm 1 mình, chỉ biết sau này mẹ và mấy dì nói là ông ngoại mất sẽ ko làm đám tang gì cả.
Trước tết 2011, độ khoảng tháng 10 âm lịch, ông ngoại Funny đã qua đời. Lúc đó người nhà đã gọi điện cho trường Đại học Y Dược để thông báo và họ nói rằng: người nhà chỉ được để xác tại nhà trong vòng 12 tiếng đồng hồ để xác ko bị hư rữa . Tức là ông ngoại Funny mất lúc 6h chiều thì 6h sáng hôm sau họ sẽ đến để chở xác đi. Trong thời gian này dòng họ bà con, hàng xóm, láng giềng có thể đến thăm viếng, và lập 1 bàn thờ Phật và 1 bàn thờ ông ngoại. Nhưng bàn thờ ông ko được thấp nhang, chỉ đứng lạy mà thôi. Sáng hôm sau, bệnh viện đến đem xác đi, họ cầm theo 1 lẵng hoa để viếng và vô xin phép theo nghi thức đàng hoàng, rồi họ bỏ xác ông ngoại trong 1 túi dài 2m, còn ngang bao nhiêu hỏng bit hehehe. Sau đó bỏ lên băng-ca, đậy nắp lại, giống như cái hòm nhưng hòm này bằng i-nox rất đẹp, trên nắp hòm có tấm băng-rôn ghi là: QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG. Nhìn vào thấy ko có cảm giác sợ như cái hòm bằng gỗ đâu. Người nhà chạy theo lên bệnh viện. Lúc vào họ mở nắp thùng ra cho người nhà nhìn mặt cuối. Sau khi người nhà đã về họ sẽ tắm xác rồi chích thuốc vào để giữ xác, nếu để quá lâu xác sẽ bị thối rữa.

Hiện tại, bệnh viện Đại học Y Dược có hơn 400 xác để các bạn sinh viên năm cuối thực tập. Có nghĩa là sau 4 năm thì xác của ông ngoại mới được xét nghiệm xong. Trước khi hỏa táng họ sẽ báo với người nhà, nếu nhận tro cốt về thì họ sẽ hỏa táng luôn, còn người ko nhận họ sẽ lột da, lấy bộ xương người để làm các mô hình.

Đã thành lệ thường, mỗi năm cứ tới rằm tháng chạp, những người hiến thân thể cho khoa học được tưởng nhớ trong niềm xúc động và biết ơn, đó còn được gọi là LỄ Macchabée (Lễ Macchabée là một hình thức văn hóa độc đáo, rất phổ biến ở các nước có nền y học phát triển. Đó là một lễ hội đa sắc, vừa có tính nghi lễ, vừa có không khí hội hè, có âm nhạc và cả nghệ thuật tạo hình. Ngay từ buổi ban đầu, Macchabée đã mang tính nhân bản sâu sắc thể hiện sự thương tiếc và chúc phúc của những người sống cho những người đã khuất, qua đó gửi gắm khát vọng hạnh phúc, bình đẳng và bất tử đến cho tất cả mọi con người). Sân trường đại học Y dược TP.HCM ngày cuối năm dịu nắng. Từ sáng sớm, các bạn sinh viên đã cất công trang hoàng thật đẹp lối hành lang dẫn từ hội trường đến phòng thực hành giải phẫu. Hàng ngàn con hạc giấy được treo lên như chuyên chở ước vọng về sự bình an. Rất nhiều người thân của thi hài, người hiến xác còn tại thế cũng được mời về. Và, không thiếu những cái siết tay, những giọt nước mắt hồi nhớ những người mà hồn phách đã về chốn vĩnh hằng, chỉ còn lại xác thân tiếp tục ươm mầm yêu thương cho những người được sống. Trong căn phòng thực hành giải phẫu của trường, những thi hài được đặt trên những tủ sắt ngay ngắn. Dọc hành lang dẫn về phòng thực hành giải phẫu có nhiều hoa. Các bạn sinh viên đứng xếp thành hàng dài để vào dâng hương, tưởng nhớ người đã khuất. Đến với buổi lễ, Funny cảm thấy rất xúc động và tự hào về người ông của mình. Là người đầu tiên trong họ hàng gồm 16 người con (chỉ tính ông bà thui nha, chưa tính mẹ và các cậu dì á hehhe) đã hiến xác cho khoa học. Ông đã sống và ra đi rất trọn vẹn.

Trên đây là những gì Funny biết được về hiến xác và cách thực hiện của Trường Đại học Y Dược khi người hiến xác đã lâm chung. Nếu cả nhà sau khi đọc bài của Bác Liệu có ý định hiến xác cho khoa học thì cũng nắm sơ sơ về cách thức thực hiện của họ về thi thể người chết thế nào nhá.