Có thật sự ai cũng cần tấm bằng đại học?

#1
Chìa khóa của sự thành công trên đất Mỹ này, như nhiều người vẫn nói, là phải chăm chỉ học hành, có mảnh bằng đại học, để có công ăn việc làm tốt. Nhưng còn với những người không vào đại học, vì bất cứ lý do gì, thì tương lai họ ra sao? Có giải pháp nào cho họ không?


Chúng ta đang ở vào mùa tốt nghiệp của năm nay. Và ở khắp nơi trên toàn quốc Hoa Kỳ, ý tưởng bốn năm đại học sẽ đưa đến một công việc tốt, có lương cao và đời sống hạnh phúc hơn - sẽ được nhắc đi nhắc lại trong các buổi lễ ra trường, cho tất cả mọi người.


Nhưng có những khía cạnh khác của vấn đề mà ít người muốn đề cập tới. Một nghiên cứu của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ cho hay chỉ vào khoảng một nửa các sinh viên khởi sự chương trình cử nhân bốn năm vào năm 2006 là sẽ hoàn tất chương trình và có mảnh bằng sáu năm (!)sau đó. Con số này không kể tới những sinh viên chuyển trường vì thống kê không theo dõi những người này.


Ðối với các sinh viên từng ở trong số 25 phần trăm cuối lớp khi tốt nghiệp trung học thì khả năng có mảnh bằng còn thấp hơn nữa. Có đến 80 phần trăm trong số này có lẽ sẽ không bao giờ có được ngày lễ nhận bằng cử nhân, hoặc ngay cả tấm bằng cao đẳng hai năm.

Và nếu người ta tính sự lợi hại của việc đi học đại học, ngoài thời giờ sức lực, hao tổn tiền bạc, phải bị thêm nợ nần, mà không có được mảnh bằng để khoe với đời, thì điều này có vẻ không hợp lý chút nào.

Một nhóm nhỏ các chuyên gia nổi tiếng ở trong lãnh vực kinh tế và giáo dục đang đưa ra một giải pháp khác: đối với một số học sinh, có lẽ điều tốt nhất cho họ là đừng đi học đại học. Các chuyên gia này cho rằng đã đến lúc phải tạo thêm các hướng đi khác cho học sinh khi rời khỏi cổng trường trung học, nhất là cho những người khó có khả năng thành công trong việc theo đuổi chương trình đại học, hay không sẵn sàng để dành nỗ lực cho việc này.

Câu hỏi liệu tất cả mọi người đang theo học đại học hiện nay có cần phải đi học hay không, chẳng phải là điều gì mới lạ. Ðây là đề tài được nhiều người nêu ra, viết thành sách, hội thảo... từ nhiều năm nay mà vẫn không có được giải pháp thật sự. Nhưng tình hình kinh tế khó khăn hiện nay đã làm người ta chú ý hơn, vì các tiểu bang cắt giảm rất nhiều sự trợ giúp tài chánh vốn giúp những sinh viên trong thành phần này có động lực đi học dù rằng đây có thể không phải là chọn lựa đúng.

Trong số những người kêu gọi phải có các giải pháp khác gồm cả kinh tế gia Richard K. Vedder ở Ohio University, Robert I. Lerman ở American University, giáo sư khoa học chính trị Charles Murray, và James E. Rosenbaum, một giáo sư ngành giáo dục tại Ðại Học Northwestern.

Tất cả những vị này đồng ý rằng nên có giải pháp hướng dẫn một số sinh viên vào các chương trình huấn luyện ngành nghề ngắn hạn, nhưng thật sự chuyên môn và thật sự hữu ích, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi thực tế bên ngoài - có thể qua các chương trình mở rộng ở bậc trung học và thực tập tại các công ty.

“Ðúng là chúng ta đang cần nhiều bác sĩ giải phẫu trong một số lãnh vực chuyên môn hơn là 10 hay 15 năm trước,” theo lời Giáo Sư Vedder, người thành lập trung tâm nghiên cứu có tên Center for College Affordability and Productivity ở Washington. “Nhưng con số này tương đối vẫn ít so với con số các trợ tá mà chúng ta đang cần. Chúng ta sẽ cần đến hàng trăm ngàn người trong lãnh vực này trong thập niên tới.”

Và ông cho rằng phần lớn việc huấn luyện của họ có thể thực hiện bên ngoài môi trường đại học.

Thêm nữa, rất nhiều công việc chẳng cần tới bằng cấp. Trong số 30 công ăn việc làm được dự đoán là sẽ phát triển mạnh mẽ ở Hoa Kỳ trong thập niên tới, chỉ có bảy ngành thường cần đến bằng cử nhân, theo thống kê của Bureau of Labor Statistics.

Trong số 10 ngành nghề phát triển nhanh chóng, có hai ngành đòi hỏi bằng đại học là kế toán (cần bằng cử nhân), giáo sư trên trung học (cần bằng tiến sĩ). Nhưng nhu cầu này chẳng là bao nhiêu so sánh với con số cần có về nữ điều dưỡng (RN), trợ tá giúp điều trị tại nhà (home health aides), ngành dịch vụ (customer service rep.) và người bán hàng ở các cửa tiệm. Ðây là các ngành nghề không cần có bằng cử nhân.

Giáo Sư Vedder thường thích hỏi một câu là tại sao có đến 15 phần trăm người đưa thư (mail carrier) ở Mỹ có bằng đại học (theo thống kê chính phủ liên bang 1999).

“Ðây là những người có thể dùng tiền chi vào việc học để mua căn nhà của họ,” ông nói.

Không chỉ ở Hoa Kỳ mà có thể nói ở khắp nơi trên thế giới, hiện vẫn chưa có một kiểu mẫu hoàn hảo để giải quyết vấn đề này. Có nhiều người chỉ sang các quốc gia với chương trình học nghề và đi thực tập là những gì Hoa Kỳ có thể tìm hiểu và áp dụng cho ngành giáo dục nơi đây.

Nhưng việc khuyến khích những người được coi là không có khả năng theo học chương trình bốn năm đại học theo đuổi một giải pháp khác cũng dễ gây ra những phản ứng nặng nề vì cho rằng làm như vậy là giảm đi khả năng cầu tiến của người học sinh. Có người còn đi xa hơn khi cáo buộc rằng đây là một hình thức kỳ thị vì rất nhiều những sinh viên bỏ ngang đại học là gốc da đen hoặc người Hispanics.

Cũng có người đưa ra các kết quả nghiên cứu cho thấy có bằng đại học, hay chỉ vài năm đại học, sẽ giúp cho cá nhân làm lương cao hơn và ít bị mất việc hơn, so với với những người không có bằng hoặc không bao giờ đi học đại học.

Giáo Sư Rosenbaum ở Northwestern chọn giải pháp trung dung khi nói rằng, “Tôi không bảo đừng học lấy bằng B.A. Tôi chỉ nói hãy có những chứng chỉ, những nghề nghiệp căn bản. Rồi sau đó, nếu họ muốn học cao hơn, họ vẫn có thể làm được.”

Lê Tâm - Người Việt Online