Cuộc Sống Hàng Ngày Tại Mỹ

Jenny

Cựu Ban điều hành
#1
Bạn hy vọng điều gì khi đặt chân đến Mỹ ?

Chắc là có nhiều ước mơ đẹp lắm ... cũng như tui ... hồi mười mấy năm về trước.

Xin chia sẻ cuộc sống bình dân ở Mỹ, để bạn có thêm khái niệm ... hoặc bớt ngỡ ngàng trong những ngày đầu định cư tại xứ cờ hoa.

Những chi tiết đại khái này dựa trên k/n bản thân và những người xung quanh.

Tui ở quận Cam, Nam CA, nơi đông người Việt nhất.

Chi thu :

Thu:
- Lương đại khái khoảng $45000/ năm (rành tiếng Anh, có bằng cấp) . Trừ thuế má này nọ đem về khoảng $30000/ năm; cỡ đâu $2500/ tháng . 2 vợ chồng = $5000/ tháng

Chi (tính theo đơn vị tháng):
- Tiền nhà (mua trả góp) khoảng $1800
- Thuế nhà $500
- Bảo hiểm nhà $100
- Ga, điện, nước $200
- Phone + linh tinh $100
- Bảo hiểm 2 xe $150
- Xăng 2 xe $300
- Tiền ăn $400

Cộng trừ còn khoảng $1500/ tháng.

Nhà có nhiều người lớn đi làm dễ thở hơn . Nhà có con nít phải thêm tiền sữa, tã, tiền gởi trẻ ($800-1000/trẻ).

Nhà thuê/ chung cư thì rẻ hơn; trung bình cỡ $400-500/phòng . Thí dụ nhà 3 phòng cỡ $1500/tháng, nhưng 1 phòng thì vẫn $800-1000). Không cần trả thuế nhà, bảo hiểm nhà.

Thời khóa biểu (cụ thể gd tui):
- 7:30AM chở con qua ngoại gởi, đi làm, 8:30AM tới sở
- 6:00PM về, đón con
- tắm con, nấu cơm ăn cơm bới cơm đi làm ngày mai, thu dọn ~ 7:30PM xong
- dạy con homework 8:00PM
- chơi với con, coi TV
- 9:00PM lùa con đi ngủ
- con ngủ rồi ba mẹ online trả bills, coi phim ... tùy thích
- 2 ngày cuối tuần giặt dũ, dọn dẹp nhà, chợ búa, vườn tược

Người trẻ đi làm .
Người già ở nhà coi cháu, đưa đón đi học . Nếu người già đi làm thì đám con nít phải đem đi gởi, tốn tiền cũng tương đương .

Bạn nào qua Mỹ được thân nhân bảo bọc là may mắn nhiều . Nếu có phật ý, xin nhín chút thời gian đặt mình vào vị trí họ để tìm hiểu thêm, tránh ân thành oán ...

Những "cái lo" của người bảo lãnh:

- Nếu bạn còn phụ thuộc (về tài chánh), người bảo lãnh sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm do lỗi bạn gây ra .

Thí dụ :
- phải mua bảo hiểm sức khỏe; nếu không mua ... tiền nhà thương $3000-5000/ngày; đẻ thường $3000-5000, mổ $5000-10000
- lái xe phải mua bảo hiểm; không mua cảnh sát bắt; nếu gây tai nạn thì phiền lắm lắm

Nhịp sống thấy rất bận rộn. Tuy nhiên, cái dễ thương của xứ Mỹ là :

- cơ hội : bạn có tài là bạn có cơ hội tiến thân dễ dàng
- trường học lúc nào cũng rộng mở cho tất cả mọi người
- đầy đủ tiện nghi
- khoa học tân tiến
- xà ra ngủ chỗ nào cũng được, không lo muỗi cắn :)
- chính trị tui không nói tới ở đây
(tạm thời nhớ bây nhiêu đó hà)

"Biết ăn no, biết nằm co ấm"

Ở 1 thời gian bạn sẽ hội nhập . Hồi xưa vượt biên gd còn OK, bạn được bảo lãnh ... có gì phải sợ đúng không ?

Chúc mộng đẹp nhe ... hehe... nhưng đừng bay cao quá ...
 

Liệu

Cựu Ban điều hành
#2
Ðề: Cuộc Sống Hàng Ngày Tại Mỹ

Chào bạn Jenny và bác phuthohoa;

Sau khi đọc xong bài viết của bạn Jenny và comment của bác phuthohoa, chả biết nói gì hơn ngoài câu "Cám ơn, cám ơn và cám ơn" :41::41::41:. Vì những lời chia sẻ trên rất thực về cuộc sống hiện tại tại US, mà chúng tôi những người đang chuẩn bị, sắp qua bên đó sẽ phải đối diện và hòa nhập với cuộc sống mới.

Hy vọng rằng, với topic này, các Anh Chị và các Bạn đã đi trước, hiện đang sinh sống tai US, dành chút thời gian viết bài và chia sẻ cuộc sống thực tại trên xứ sở này. Mong lắm thay.

Riêng ACE còn ở VN, xin dừng chân 1 chút tại topic này để đọc, cảm nghiệm và chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống mới sau này.

Cầu chúc cho tất cả ACE nhiều sức khỏe, bình an và mọi sự tốt lành.
 

Jenny

Cựu Ban điều hành
#3
Ðề: Cuộc Sống Hàng Ngày Tại Mỹ

Cám ơn anh phuthohoa, lieuvh & mấy bạn ủng hộ tinh thần để tui viết thêm :)

Chào mấy bạn lần nữa,

Xin đọc những gì tui viết như những lời chia sẻ từ thực tế (ít nhất của những người Việt - nhiều lắm - xung quanh tui) ... chứ không phải tui "hù" làm giảm niềm nô nức của bạn sắp đến Mỹ ... nhe .

-----

Bạn nào định cư tại những nơi đông người Việt như Little Saigon (hay Phước Lộc Thọ) tại Nam CA, San Jose Bắc CA ... sẽ thấy ít bỡ ngỡ hơn đến những tiểu bang miền Đông lạnh lẽo, thưa thớt VN .

Hehe... bạn tin không ... đi vòng vòng khu Little SG gặp người Mỹ hiếm hơn gặp người VN đó . Nón lá, áo bà ba, áo dài ... và ngay cả đồ bộ, tất cả đều có mặt trên đường đi bộ hết á . Bà con Việt mình bày bán hàng như sạp ở VN, rao um sùm . Trái cây tươi như mít, măng cụt, xoài, mãng cầu, mận, nhãn, vải, chôm chôm ... giờ đủ hết không thiếu gì đâu; chỉ có điều ... mắc thôị (Thí dụ : chôm chôm cỡ $5-6/pound - khoảng gần nửa kg).

Mấy bác lớn tuổi rất thích sống vùng này ... vì không bị trở ngại ngôn ngữ . Mấy bạn trẻ đi bang khác thì tiếng Anh mau khá hơn (vì phải thích nghi với môi trường) . Ở Nam CA, tuy đông người Việt, nhưng nếu muốn tiến thân, bạn phải tự nổ lực ... vì tất cả mọi giấy tờ, hợp đồng này nọ đều phải bằng Anh ngữ. Đi xin việc làm mà không rành Anh ngữ thì không thể kiếm lương khá được, trừ khi bạn mở business chính bạn. Nghề làm móng tay cũng kiếm được nhiều tiền nhanh.

Những tiểu bang lạnh thì buồn hơn, lạnh hơn. Nhưng bạn đừng chán nản. "Vạn sự khởi đầu nan". Nơi nào cũng có cái hay, cái dở .

"Khi ta ở đất là nơi ta ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn"
(Thơ ở đâu nó chạy ra không biết :), mà chẳng nhớ của ai)

Những khoản tiền đại khái tui nói ở bài trước ... bạn đừng lo lắng nhiều. Đa số người Việt mình hay lắm, chăm chỉ, cần cù, tiết kiệm. Những năm vừa qua, biết bao căn nhà bị tịch thu vì vỡ nợ, nhưng không có bao nhiêu nhà VN đâu. Nhà VN nếu bị tịch thu phần lớn là do cờ bạc mà ra. Còn không VN mình đa số sống gói ghém theo túi tiền. Khá thì ở 1 người 1 phòng, eo hẹp thì 2-3 người 1 phòng. Tiền chợ thì sang mua thêm đồ biển, bình dân thì thịt cá trứng rau cũng ung dung. Tùy ở mình gia giảm trong chi tiêu hà. Đọc cho biết thôi, chứ tới đâu tính tới đó há.

-----

Tui "lết" "trong nhà" ra ngoài đường, để rảnh "lết" lại vô nhà ... kể mấy bạn nghe vai trò của chồng vợ trong nhà ở Mỹ nhe .

Bye for now.
 

Jenny

Cựu Ban điều hành
#4
Ðề: Cuộc Sống Hàng Ngày Tại Mỹ

Tui rời VN hồi cuối năm 1991. 17 tuổi bấy giờ, khái niệm trong tui là người chồng chuyên đảm nhiệm tài chánh trong gd, người vợ đa số chuyên nội trợ.

Tui thấy ba tui có khi "ăn hiếp" mẹ tui; mẹ tui trùm mền khóc. Tui thấy "thằng cha" hàng xóm không đi làm, lại có tới 2 vợ, và thỉnh thoảng đánh vợ quần áo rách tơi lê lết ngoài đường ... mà người vợ rồi vẫn cam chịu ... nuôi chồng vũ phu ...

Có lẽ VN và Mỹ cách xa nửa vòng trái đất, nên có nhiều thứ ở Mỹ và VN cũng ... nửa vòng khác nhau.

Những cảnh hiếp đáp vợ con gần như không còn tồn tại trong gd ở Mỹ. Chỉ cần cãi vã to tiếng, Mỹ nghe họ cũng "xía" vào nhắc khéo. Nếu thấy bạo động là tự họ gọi cảnh sát tới, dù rằng người bị hành hung không gọi. Người vợ trở nên được bảo vệ hơn.

1 nguồn lợi tức từ phía người chồng thường không đủ chi tiêu cho cả gd; hoặc đủ thì lại eo hẹp. Rốt cuộc người vợ cũng xông xáo ra ngoài làm việc. Có rất nhiều trường hợp, người vợ làm ra nhiều tiền hơn người chồng. Người chồng đa số không còn là nguồn tài trợ chính của gd, mà chỉ là một nửa; người vợ nắm toàn bộ số tiền.

Do cuộc sống bận rộn, vợ chồng phải thay phiên nhau làm việc nhà. Vợ nấu ăn thì chồng rửa chén. Vợ lau bếp, chồng đổ rác. Vợ chồng có con nhỏ cũng thay phiên nhau thức khuya cho con bú. Ra đường vợ lỉnh kỉnh túi sữa tã, chồng xách car seat bế con. Nói chung, tất cả mọi thứ đều tự giác chia nửa - nửa.

Ba tui & thế hệ trước như ba tui, cũng đã thay đổi. Dĩ nhiên đàn ông không thể chu đáo, quán xuyến như đàn bà; ba tui cũng thay tã, đút ăn cho cháu những khi mẹ tui bận rộn. Mẹ tui cũng thay đổi. Hôm nào gây gỗ ba tui lớn tiếng là mẹ tui cũng lớn tiến~g lại :)

Tui & thế hệ lưng lửng nửa Việt nửa Mỹ như tui - cũng nửa nạc nửa mỡ. Cuối tuần, mấy ông chồng lang thang quán nhậu hay la cà cafe là đám vợ tụi tui bỏ đói, hay cho ăn mì gói (tự làm :) ) . Lặp lại nhiều lần, cái máu muốn ly dị, ly thân nó nổi lên :) . Nhưng rồi cái bản chất người vợ/ người mẹ của người VN đồng thời nó cũng xuất hiện. Thôi thì bỏ qua cho gd thuận hòa bởi mấy ổng vốn là... đàn ông.

Khi lập gd, không phải là vợ phải theo chồng nữa; mà vợ muốn đâu là chồng dọn theo đó.

Nói chung, trách nhiệm đi đôi với quyền lợi. Do người vợ phải lo chuyện tiền bạc, cơm nước, con cái, lau chùi ... nên người vợ trở nên mạnh mẽ hơn, quyền thế hơn. Mấy ông ít "nghe lời" là mấy bà hay cho ra rìa ... ngồi lãnh tiền chu cấp cho con cái từ lương mấy ổng.

Đa số, đàn bà qua Mỹ được ưu đãi, ưu thế hơn .
Đàn ông qua Mỹ trở nên giỏi giang hơn về phụ giúp vợ con, việc nhà.

:)