Đọc báo giùm bạn

Liệu

Cựu Ban điều hành
#1
Xin được mở topic này để các Anh Chị và các Bạn post những bài đã đăng trên báo, trên web hoặc từ những nguồn thông tin khác. 1 bài viết có thể cảnh tỉnh cho chúng ta, tạo cho chúng ta 1 vài suy nghĩ v.v....

Xin được mở hàng nha:


Văn hoá ứng xử của giới trẻ.

Bên cạnh những cái "được" dễ thấy của người Việt trẻ như kiến thức rộng, tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tư duy nhạy bén... thì cũng có những điều trái khoáy: các bạn "thiếu văn hóa" một cách trầm trọng trong ứng xử. Chúng ta vẫn thường nghe "Thanh niên là rường cột của nước nhà", là "hy vọng của quốc gia" và nhiều nữa. Vậy thì Việt Nam ta rồi sẽ về đâu, với một thế hệ trẻ thừa-kiến-thức nhưng lại thiếu-văn-hóa như thế nhỉ?
Nhấc điện thoại lên, tiếng quát bên kia đầu dây: "Mày đang ở đâu đó con... ngựa kia?" làm tôi hốt hoảng dù vẫn biết đó là cô bạn thân của mình. Bạn trẻ vào quán cà phê vô tư cho cả... 4 chân lên ghế cũng không còn là chuyện lạ và họ vẫn mặc nhiên xem đó là chuyện bình thường, vì nào có ai dám nói gì họ đâu. Khách hàng là Thượng Đế kia mà! Một tiếng rít rợn cả người của cái thắng xe ngay trước câu gắt: "Đui sao, ông già?". Nhìn người đàn ông lắc đầu, vội vã bước đi, tôi chợt chạnh lòng sao các bạn trẻ lại có thể hành xử với người đáng tuổi cha chú mình như thế được nhỉ? Chẳng lẽ ở nhà các bạn cũng... chửi rủa phụ huynh mình như thế?

Chuyện các bạn trẻ chửi thề, nói tục có vẻ như không còn thuốc chữa bởi những ngôn từ ấy đã trở thành một thói quen mất rồi. Và, có lẽ là để chứng tỏ sự... sang trọng, sành điệu, đẳng cấp của mình, các bạn đã chửi thề bằng cả tiếng ngoại quốc nữa kia. Chuyện có thật trong một quầy bida, sau khi cô gái tóc nhuộm vàng hoe đánh hụt một cơ, cô giậm chân: "Oh, shit!". Chàng trai đi cùng cô, cũng đánh hụt một cơ, cũng vung cây cơ, buông tiếng "Damn it!". Chắc các bạn nghĩ rằng phải vậy mới là người văn minh mà lại không hiểu rằng đó là một sự phỉ báng tiếng Việt - ngôn ngữ là niềm tự hào của dân tộc. Các bạn đâu biết khi buông lời như thế, các bạn đang phỉ nhổ vào chính bản thân mình.

Cứ thế, những minh chứng cho lối ứng xử thiếu văn hóa của người Việt trẻ vẫn đầy dẫy, mà nếu tôi liệt kê chắc cũng được vài trăm hay vài nghìn trang giấy. Điều đó thể hiện gì? Cả một thế hệ trẻ Việt Nam là những người thiếu văn hóa. Vâng, bạn có thể cho là tôi quá lời. Nhưng hãy cứ thử nhìn ra kia mà xem. Trên những chatroom, forum trực tuyến vẫn nhan nhản những lời lẽ cục súc, miệt thị lẫn nhau. Đến cả những em bé đang theo bậc tiểu học vẫn sử dụng tiếng chửi thề làm tiếng đệm đầu môi. Nếu hỏi chúng từ đâu mà biết những từ ngữ như thế, chúng sẽ trả lời cho ta rằng chúng học được từ cha mẹ, anh chị... Từng ngày từng giờ, chúng ta đang làm nhơ nhuốc tâm hồn của trẻ thơ mà không hề cảm thấy đó là tội ác. Thậm chí khi dạy cho các em bé tập nói ta lại càng khuyến khích trẻ chửi thề qua những câu như: "Chửi nó đi con!".

Mang nỗi lòng ấy trò chuyện với vài bạn trẻ, tôi lại thêm bẽ bàng khi các bạn nhìn tôi như nhìn một sinh vật lạ từ hành tinh nào đấy. Và câu trả lời tôi nhận được là: "Chuyện bình thường thế mà cũng lôi ra nói. Điên à?" Vâng, tôi điên nên mới trăn trở về một thế hệ trẻ - tương lai của nước nhà. Tôi điên nên mới nói về những cái mà các bạn mặc nhiên thừa nhận như là chuyện thường ngày và chẳng có gì sai. Tôi điên?

Chuyện văn hóa không chỉ dừng lại đó khi ta nhìn thấy cảnh chen lấn trước quầy vé tàu, xe, chuyện những chàng trai vô tư "ôm cây đợi thỏ" sau những cuộc nhậu triền miên, chuyện nẹt pô xe trước cổng bệnh viện, chuyện bấm kèn tin tin vào giữa đêm khuya khi ta trở về nhà... Những chuyện tưởng chừng như rất nhỏ ấy lại thể hiện một tầm nhận thức thiển cận, một chuẩn văn hóa thấp kém khiến bạn bè các nước miệt khinh ta. Không miệt khinh sao được khi mà rõ ràng là vẫn còn đấy các cô gái trẻ, đầy nhan sắc từng ngày ngồi trên net để "câu" ngoại kiều, cố sống cố chết moi cho được những đồng đô xanh đỏ...

Văn hóa ứng xử của giới trẻ: còn biết nói gì ngoài hai chữ "Hỡi ôi...!"

Theo Sương Lam - Nguồn: daminhvn
 
Chỉnh sửa cuối:

Liệu

Cựu Ban điều hành
#2
Ðề: Đọc báo dùm bạn

Những chữ cái nhảy múa

Xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Giáo dục LÊ VINH QUỐC, được đăng trên tuoitreonline ngày Thứ Tư, 21/04/2010

TT - Trong bảng chữ cái của mỗi nước, từng chữ cái đều có một tên gọi duy nhất, được xếp theo thứ tự của một hệ thống nhất định để áp dụng thống nhất mọi lúc mọi nơi trong mọi trường hợp.

Ở bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành mỗi chữ cái cũng có tên được xếp theo một trình tự rõ ràng, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì tên của chúng lại được gọi khác nhau ở từng nơi từng lúc.

Thực trạng lộn xộn

Từ mấy thập kỷ nay khi được vào lớp 1 trường tiểu học (và có thể ở lớp mẫu giáo) các em học sinh đã được học đánh vần theo bảng chữ cái với các chữ được phát âm như sau: a, bờ, cờ, dờ, đờ (...), gờ, hờ, (...) lờ, mờ, nờ (...), pờ, quờ, rờ, sờ (nặng), tờ (...), vờ, xờ (nhẹ), y. Theo lệ thường, người ta coi đó là hệ thống tên gọi các chữ cái chính thức của bảng chữ cái tiếng Việt (tạm gọi là hệ thống “a-bờ-cờ”).

Song sau khi học sinh đã học đánh vần (hay ghép vần), tất cả các cấp học trong nhà trường vẫn dùng hệ thống tên chữ theo bảng chữ cái cũ do giám mục Alexandre de Rhodes xác lập (hệ thống “a-bê-xê”).

Như vậy trong nhà trường mặc nhiên tồn tại song song hai hệ thống tên chữ cái. Trên các phương tiện truyền thông việc sử dụng tên chữ cái còn lộn xộn hơn nữa.

Tên gọi tắt của các nhóm nước như G7, G8, G20... được các phát thanh viên Đài truyền hình trung ương (VTV) đọc là “gờ bảy”, “gờ tám”, “gờ hai mươi”; trong khi đồng nghiệp của họ ở Đài truyền hình TP.HCM (HTV) đọc là “giê bảy”, “giê tám”, “giê hai mươi”...

Đáng ngạc nhiên là khi gặp chữ GM (tên viết tắt của công ty Mỹ nổi tiếng General Motors), chính những người của VTV lại đọc là “giê em” chứ không phải “gờ mờ”! Tương tự, chữ GDP (viết tắt của tổng sản phẩm quốc nội) họ cũng đọc là “giê đê pê” (hoặc “gi đi pi”)!

Theo hệ thống “a-bờ-cờ”, nếu G là “gờ” thì V là “vờ” và T phải là “tờ”. Song chính các phát thanh viên của VTV lại đọc tên viết tắt đó của cơ quan mình là “vê tê vê”! Tên tắt của Đài truyền hình VTC2 cũng được đọc là “vê tê xê...”, nhưng bản tin thời sự ICT của chính đài này lại được đọc là “ai xi ti”!

Chữ tắt MC (người dẫn chương trình) đã trở nên quen thuộc với công chúng khi họ được nghe đọc là “em xi”; nhưng chữ MU (tên gọi tắt của đội bóng đá Anh nổi tiếng Manchester United) lại được các bình luận viên bóng đá đọc là “mờ u” chứ không phải “em iu”. Trong trò chơi đoán chữ Chiếc nón kỳ diệu trên truyền hình, một người chơi đoán được chữ X và tuyên bố: “Chữ xờ! Xờ nhẹ!”, người hướng dẫn liền khẳng định: “Đúng rồi, íchxì! Có một chữ íchxì!”.

Một số đài truyền hình và đài phát thanh khi hướng dẫn khán thính giả soạn tin nhắn với ký hiệu GPRS đã thản nhiên đọc ký hiệu đó là “gờ pê rờ étsì”, mà không biết rằng đọc như vậy là đã trộn lẫn hai hệ thống tên chữ cái khác nhau vào cùng một chỗ (“gờ” và “rờ” cùng hệ thống, còn “pê” và “étsì” thuộc hệ thống khác)...

Rõ ràng, việc các chữ trong cùng một bảng chữ cái luôn “nhảy múa” bằng những tên gọi khác nhau ở từng nơi từng lúc đã làm tiếng Việt trở nên thiếu chặt chẽ và kém chính xác. Đó chính là vấn đề của hệ thống tên chữ cái tiếng Việt.

Nguyên nhân “nhảy múa”

Thực tế cho thấy các chữ cái đã nhảy múa xoay quanh ba hệ thống: 1-Hệ thống “a-bờ-cờ”; 2-Hệ thống “a-bê-xê”; và 3-Hệ thống tên chữ cái tiếng Anh (“ây-bi-xi”). Vậy tại sao cùng một bảng chữ cái tiếng Việt người ta lại sử dụng (khi riêng biệt, lúc lẫn lộn) nhiều hệ thống tên chữ cái như vậy?

Hệ thống “a-bờ-cờ” hình thành từ phong trào bình dân học vụ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để cấp tốc đẩy lùi giặc dốt qua các lớp học “i tờ”. Thế nên khi áp dụng cho các môn khoa học ở nhà trường chính quy hoặc khi dùng để đọc những thông tin phức tạp có những chữ viết tắt theo mô thức quốc tế, hệ thống này đã trở nên bất cập và không thích hợp.

Thậm chí việc đọc bảng chữ cái từ A đến Y cũng không được trôi chảy nên nhiều người không thuộc bảng này.

Trong khi đó, hệ thống tên chữ cái cũ mặc dù có vài tên hơi khó đọc đã đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu khi áp dụng cho khoa học và thông tin, lại cũng dễ thuộc vì giữa các tên chữ có sự liên kết thành một dòng ngữ lưu trôi chảy. Chính vì vậy người ta vẫn phải sử dụng hệ thống tên chữ cái cũ.

Giữa lúc hai hệ thống tên chữ cái tiếng Việt song song tồn tại thì sự xâm nhập mạnh mẽ của tiếng Anh vào tiếng Việt đã làm vấn đề trở nên phức tạp thêm.

Cần một hệ thống tên chữ cái duy nhất

Từ các nguyên nhân trên, thiết nghĩ việc tìm ra giải pháp cho vấn đề không phải là quá khó. Tạm gác lại sự xâm nhập của tiếng Anh để xem xét ở một góc độ khác, câu hỏi được đặt ra là: làm cách nào để bảng chữ cái tiếng Việt chỉ còn một hệ thống tên chữ cái duy nhất áp dụng ở mọi lúc mọi nơi?

Từ năm 2003 các chuyên gia giáo dục tiểu học đã thực hiện một giải pháp cho vấn đề này. Theo đó hệ thống “a-bê-xê”được khẳng định là hệ thống tên chữ để sử dụng khi đọc từng chữ cái riêng biệt; còn hệ thống “a-bờ- cờ” là hệ thống âm của các chữ dùng để ghép vần. Thế là đã có một hệ thống chuẩn mực giúp ta đọc đúng tên chữ cái ở mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên, sự khác nhau giữa âm và tên chữ cái là rất trừu tượng, khó có thể phân biệt rạch ròi, nên nhiều người vẫn thản nhiên sử dụng lẫn lộn cả hai hệ thống như chưa hề có giải pháp này.

Bên cạnh đó giải pháp này làm việc học trở nên phức tạp và chất thêm gánh nặng tri thức cho học sinh. Bởi ngoài việc đánh vần bằng âm theo hệ thống “a-bờ-cờ”vốn đã có nhiều hệ lụy, giờ đây các em còn phải học thêm các tên chữ theo hệ thống “a-bê-xê”; lại phải biết sự khác biệt giữa âm và tên chữ, biết khi nào dùng âm, khi nào dùng tên...

Có lẽ nên chọn giải pháp đơn giản và có hiệu lực hơn là: áp dụng duy nhất hệ thống tên chữ cái “a-bê-xê” cho việc ghép vần và cho mọi trường hợp khác như ở nước ngoài người ta vẫn thực hiện, cũng như các thế hệ đồng bào ta trước đây vẫn dạy, học và áp dụng vào đời sống.
 

Liệu

Cựu Ban điều hành
#3
Ðề: Đọc báo dùm bạn

Có thể viết Tiếng Việt tự do hay tùy tiện?​

Hầu hết người Việt Nam đều biết viết, nhiều người nghĩ là mình viết đúng, nhưng thực ra không phải hoàn toàn như vậy. Không ở một nước nào như ở nước ta lại có tình trạng mỗi người dùng các chữ cái, các kí hiệu một cách quá tự do đến mức không thể chấp nhận được.

Có lẽ Quốc hội cần ra một đạo luật về CHỮ VIỆT. Sự lộn xộn trong CHỮ VIỆT hình như đã trở thành một quốc nạn.

Sách báo ở nước ta ngày nay được in khá đẹp nhưng khi đọc chúng không ai không nhìn thấy Chữ Việt đươc viết một cách rất không thống nhất, thậm chí sai: Từ cách dùng các chữ cái, đặc biệt là các chữ cái i , y, k, c , việc dùng dấu chấm, dấu phẩy trong các dãy số đến việc dùng các chữ viết tắt, việc lạm dụng tiêng Anh (English)… Đó là chưa kể đến vô vàn lỗi chính tả đơn thuần chỉ do người viết phát âm sai về nguyên âm, phụ âm, dấu thanh. Có những cái thực sự sai về nguyên tắc cần được bàn luận sâu xa như các trường hợp ghép vần với các phụ âm qu, gi đã được trình bày trong bài báo của tôi trên tờ Dân trí điện tử ngày 19/4/2010 ở mục Bạn đọc viết (Trao đổi về cách ghép vần trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1). Có những cái sai rất bình thường nhưng lại rất đáng phải xem xét gây ra bởi sự quá tự do của mỗi chúng ta, của người viết (đã từng đi học) và người dạy học cũng như người quản lí.

Hiện nay chúng ta sử dụng gần như hoàn toàn tùy tiện 2 chữ cái i và y khi chúng đóng vai trò nguyên âm.Cần chú ý chữ cái y không đóng vai trò nguyên âm trong những chữ như hay, cây…, chữ cái i không đóng vai trò nguyên âm trong các chữ như nai, nôi… Hãy chỉ bàn 2 chữ lí và lý. Chữ nào được viết đúng, chữ nào được viết sai? Cả 2 chữ đều được đọc như nhau, ai cũng đọc được; Vậy cả hai đều được viết đúng. Thế là người thì viết chữ lí, kẻ thì viết chữ lý, cùng một người nhưng lúc này thì viết chữ lí còn lúc khác lại viết chữ lý khi đề cập cùng một khái niệm.

Xin bạn đọc dành ít phút tự suy ngẫm xem mình có như vậy không, có thực sự nhất quán trong việc dùng 2 chữ đó trong các từ có liên quan không và những người khác có thống nhất với mình không. Cũng xin bạn đọc mấy phút đọc một số minh chứng sau đây. Trên bìa quyển sách về luyện thi đại học môn vật lí ông Lê Văn Thông dùng từ vật lí, còn ông Nguyễn Thanh Dũng lại dùng từ vật lý trên bìa quyển sách cùng chủ đề; Hai quyển đó cùng do Nhà xuất bản trẻ ấn hành. Nhà xuất bản thanh niên có quyển 1100 câu hỏi trắc nghiệm vật lí của Nguyễn Hùng Trường và quyển 289 câu hỏi trắc nghiệm về vật lý của Trương Thu Hường; Cả 2 quyển đều được xuất bản năm 2007. Nhà xuất bản đại học quốc gia TPHCM có quyển tìm hiểu và giới thiệu các câu hỏi-bài tập trắc nghiệm vật lí của Mai Huy- Đức Anh nhưng lại có quyển câu hỏi giáo khoa vật lý của Trần Quang Phú-Huỳnh Thị Sang. Có lần tôi thấy trên bìa một quyển sách in chữ vật lí to tướng nhưng trên gáy quyển sách đó lại có chữ vật lý cũng khá to. Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyển đại từ điển tiếng việt phổ thông trong đó dùng từ lí tính, vật lý. Chắc chắn là 2 chữ lí và lý trong 2 từ đó là đồng âm và đồng nghĩa. Ông Nguyễn Văn Phong chỉ dùng chữ lí trong quyển từ điển chính tả phổ thông, ngược lại trong quyển từ điển tiếng Việt phổ thông của mình ông Trương Văn Hùng lại chỉ dùng chữ lý mà hoàn toàn không dùng chữ lí. Vậy các học sinh bé nhỏ và cả chúng ta nữa biết theo ai đây? Thế cho nên việc mọi người dùng 2 chữ cái nguyên âm i và y một cách rất tự do cũng là một hiện tượng không quá khó hiểu, dù thật đáng buồn.

Nếu các nhà ngôn ngữ học, các nhà sư phạm, những người quyền cao chức trọng bỏ chút thời gian, chịu khó bỏ bớt cái tôi phi lí của mình, ngồi lại với nhau, nghe nhau một chút thì khả năng tìm ra một sự thống nhất ở đây là rất cao. Chẳng hạn ta quy ước là chỉ dùng chữ cái nguyên âm y khi nó đứng độc lập một mình (như trong chữ y tá ),còn trong tất cả các trường hợp còn lại ta đều dùng chữ cái nguyên âm i.Trong bài báo này tôi áp dụng quy tắc đó, mặc dù vẫn biết là hơi liều, mọi người không thích thì sao, hơn nữa đơn giản quá chưa chắc đã hay. Còn có những phương án khác.Chẳng hạn vẫn dùng cả 2 chữ cái nguyên âm i và y, nhưng phải có quy định cụ thể cho từng từ một, trong từ nào thì dùng chữ cái nào. Phương án này phức tạp hơn rất nhiều nhưng có ưu điểm là tăng tính đa dạng. Phương án này đòi hỏi người viết, người học nói chung, phải rất am hiểu tiếng Việt. Ví dụ, có lẽ không nhiều người phân biệt được 3 chữ lí trong 3 từ vật lí, địa lí, lí trưởng có mấy nghĩa (2 hay 3).

Hiện tượng quá tự do như thế có vẻ như vô hại nhưng thực ra là kì lạ, gây ra nhiều phiền toái.Chẳng hạn làm sao ta viết được một chương trình vi tính về chính tả cho Chữ Việt , muốn lập một bảng chơi ô chữ (crossword) thì làm thế nào, dùng thứ tự chữ cái ra sao khi soạn thảo, tra cứu từ điển…Có lẽ chỉ ở Việt Nam ta mới có kiểu tự do quá trớn như thế.Trong chữ của các nước trên thế giới gần như không có hiện tượng một chữ có thể được viết theo nhiều cách.Trong chữ Nga (nếu tôi không nhầm) không có, trong chữ Pháp hình như cũng không, trong chữ Anh có lẽ chỉ có một trường hợp (một chữ ).

Ta cũng rất thường gặp những sự tùy tiện khác.Tôi không hiểu tại sao trong sách giáo khoa địa lí lớp 9, tác giả dùng gạch nối trong chữ y-a-ly, còn trong từ Gia Lai ngay bên cạnh (trong cùng 1 bản đồ) lại không có gạch nối. Trong rất nhiều thư liệu hiện nay, ví dụ như trên màn hình VTV, trong sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục và Đào tạo có những chữ rất lạ như Đăk Lăk, Đăk Nông, Bắc Kạn. Các phát thanh viên của VTV đọc dòng chữ VTV ORG.COM là vê tê vê o rờ gờ chấm com. Đã đọc là vê tê vê sao lại còn o rờ gờ, đã đọc là o rờ gờ sao lại còn vê tê vê? Một thầy giáo trên VTV nói cho tam giác a bê xê (ABC) với đường cao a hờ (AH).Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 từ trước đến nay có dạy học sinh như vậy đâu. Hay là sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo dạy sai hoặc thiếu?Nếu thế thì cần sửa nhiều.

Chúng ta viết tắt, ai cũng có lúc cần viết tắt, nhưng hiện nay có vẻ như chúng ta quá tùy tiện khi viết tắt. Người ta ngang nhiên viết TW để chỉ từ trung ương dù ai cũng biết rất rõ là trong bảng chữ cái của ta không hề có chữ cái w. Ở một hàng tít trên màn hình VTV có dòng chữ BBT và Ban CĐ. Viết BBT là Ban Bí Thư có thể chấp nhận được vì Ban Bí Thư được coi là một danh từ riêng được dùng khá phổ biến, còn viết Ban CĐ thì khó hiểu ngay, hơn nữa sao chữ Ban ở chữ Ban CĐ lại không được viết tắt.Có không ít lần, trong phần giới thiệu chương trình của VTV 1 có dòng chữ khá to …tác phong và đạo đức HCM. Sao lại bất kính đến thế? Mà có phải thiếu không gian đến mức không đưa được chữ Hồ Chí Minh lên màn hình đâu. Ở nhiều nước người ta chính thức hóa, thông tục hóa rất nhiều chữ viết tắt, đưa chúng vào từ điển.Ta chưa bao giờ làm được như vậy. Ta nên bỏ thời gian sưu tầm, chọn lọc, tổng kết để có thể đưa các chữ viết tắt vào các quyển từ điển.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
Việc sử dụng dấu chấm, dấu phẩy để viết các số có nhiều chữ số cũng là một vấn đề cần suy nghĩ. Bên cạnh cách dùng đã quen vẫn được coi là chính thống và phổ biến thì khá nhiều người, chủ yếu là lớp trẻ, thích dùng theo kiểu của khối Anh-Mĩ vốn hoàn toàn ngược với kiểu truyền thống của ta. Nạn lộn xộn này gây ra rất nhiều phiền toái, hiểu sai nguy hiểm, làm mất nhiều thời gian, sức lực để người đọc có thể suy luận, nắm bắt các con số, một việc tiêu phí thời gian và sức lực không những hoàn toàn vô ích mà còn rất có hại, thậm chí vô cùng nguy hiểm. Có lần tôi thấy trên màn hình VTV có 2 con số; ở con số dòng trên dấu chấm được dùng để phân tách 2 cụm 3 chữ số chỉ hàng đơn vị trở lên, dấu phẩy đứng ngay sau chữ số hàng đơn vị như ở cách dùng truyền thống của ta, trong khi đó ở con số ngay dòng dưới đó kiểu ngược lại của khối Anh-Mĩ lại được dùng. Có người đổ lỗi đó cho máy vi tính, nhưng đâu phải thế, đó là lỗi của người viết, lỗi gây ra bởi đầu óc sính ngoại, của thói quen nô lệ.Thử hỏi cách dùng của khối Anh-Mĩ có gì hay hơn về mặt khoa học, chẳng đơn giản hơn, chẳng đẹp hơn cũng chẳng tiện hơn.Có chăng là tiện lợi hơn trong nhiều trường hợp giao dịch quốc tế vì nhiều giao dịch quốc tế được thực hiện bằng Anh ngữ, nhưng tuyệt đại bộ phận giao dịch của chúng ta là giao dịch nội địa chứ, bằng tiếng Việt chứ. Người Pháp giao dịch quốc tế nhiều hơn chúng ta nhiều song họ vẫn dùng kiểu của họ, kiểu như của ta, vì thực ra kiểu của ta là do người Pháp đem vào. Ta không bài ngoại, ta cần hướng ngoại nhiều hơn, cần học hỏi những cái hay, cái đẹp của các nước khác, nhưng không phải tất cả những gì của người Anh đều hay. Mà giả sử họ có cái gì đó hay hơn của ta không nhiều, nếu áp dụng cái đó vào hoàn cảnh của ta mà lợi bất cập hại thì ta có nên dùng không.

Nhân thể cũng xin phép nói thêm là hiện nay chúng ta quá lạm dụng tiếng Anh. Ví dụ dân ta đã quen gọi thủ đô của nước Nga là Mat cơ va (Moskva) thì có nên dùng Moscow hay không, có nên gọi Bắc kinh là Pekin hay Beijing không, có nên đọc tên thủ đô nước Pháp là Pa ri xơ hay không (Người Anh và người Pháp đều viết tên thủ đô nước Pháp là Paris, người Pháp đọc chữ đó là Pa ri, người Anh đọc là Pa ri xơ, còn người Việt ta đã từ rất lâu nói Pa ri).Dân ta ngày nay rất hay dùng kí hiệu & thay cho chữ và của ta. Có nên không? Nếu thấy hay thì phải thống nhất hóa, chính thức hóa, đưa vào từ điển, dạy trong sách giáo khoa. Trong sách báo của ta hiện nay nhan nhản những chữ Anh như index, games show, live show, hot, blog, marketing.Người ta tương cả những từ ít thông dụng ở ta hơn như background, key lên báo chí. Trong một bài báo ở phần đầu có từ Moscow, ở dưới đó lại viết Armenia, Grudia. Sao không viết luôn là Georgia mà lại là Grudia, vừa chữ ta vừa chữ tây, lộn xà lộn xộn, chẳng ra làm sao. Chúng ta còn ở trình độ thấp hơn người Anh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, chúng ta phải vay mượn từ tiếng Anh cũng như từ những tiếng khác nhiều từ, đặc biệt là từ tiếng Hán. Đó là một việc làm cần thiết, không phải coi là quá xấu hổ, nhưng không nên vay mượn tiếng Anh theo kiểu hiện nay, kiểu văn bản chữ Việt lố nhố những chữ Anh.Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi mãi viết New York, London hay sao? Người Pháp vẫn dùng chữ Berlin để chỉ thủ đô nước Đức, nhưng họ đọc từ đó theo kiểu Pháp, người Anh vẫn dùng từ Paris để chỉ thủ đô nước Pháp, song họ đọc nó theo kiểu của họ vì tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức đều thuộc ngôn ngữ đa âm, ví dụ một người Pháp hoàn toàn không biết tiếng Đức có thể dễ dàng đọc chữ Berlin. Còn một người Việt không biết tiếng Anh thì không thế đọc chữ New York, chữ Washington, vả lại nếu đọc được ta cũng không nên (không được) viết bằng chữ Anh. Chữ Việt phải 100% là chữ Việt, ai cũng đọc được, cũng thấy tự hào. Với kiểu lạm dụng chữ Anh như hiện nay thì rất có thể là sau vài trăm năm nữa chữ của ta biến mất.

Phải tìm mọi cách Việt hóa những từ cần vay mượn một cách nhanh nhất có thể được.Cha ông ta đã từng Việt hóa rất tài tình nhiều từ do người Pháp đưa vào. Chỉ riêng liên quan đến chiếc xe đạp thôi cũng đã cũng đã có tới trên chục từ, nay còn khoảng dăm từ thông dụng. Một trong những điển hình về nghệ thuật Việt hóa là sư chuyển chữ Pháp enveloppe thành chữ lốp. Enveloppe là một từ có 3 âm tiết với trọng âm ở âm cuối cùng. Cha ông ta đã bỏ 2 âm tiết đầu, chỉ dùng âm tiết quan trọng cuối cùng, nên giờ đây ta có chữ lốp rất Việt Nam.Thử hỏi trong hơn nửa thế kỉ chịu ảnh hưởng của khối Anh-Mĩ ta đã Việt hóa được bao nhiêu từ tiếng Anh. Ít quá!

Hình như tình hình đã trầm trọng nếu không muốn gọi sự lộn xộn đó là quốc nạn LỘN XỘN CHỮ VIỆT.Muốn đất nước trở nên hùng cường thì ít nhất chữ viết của ta phải chỉnh chu, sách báo phải mang thứ chữ thống nhất, chuẩn mực, trí tuệ hơn, dễ đọc, dễ hiểu hơn, để thế giới cũng phải ngước nhìn. Chữ viết là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ văn minh của một dân tộc, là niềm tự hào của một nước, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển của mỗi dân tộc. Mỗi người chúng ta cố gắng một chút là được.Nếu cần nước ta nên có luật về chữ Việt.

Trong bài báo này tôi có trích dẫn những ví dụ lấy từ VTV, sách giáo khoa, từ điển.Tôi có lời xin lỗi vì chưa hỏi ý kiến các tác giả .Thực ra không phải chỉ ở đó mới có sai sót mà ngược lại ở đó có ít sai sót nhất, tôi trích dẫn như thế chỉ vì làm như vậy thì ai cũng dễ có điều kiện kiểm chứng, hơn nữa lẽ ra trên VTV, trong sách giáo khoa, trong từ điển, nhất là trong từ điển tiếng Việt, từ điển chính tả không thể có những sai sót như vậy.Nếu ý kiến của tôi có gì sai tôi xin được các độc giả chỉ giáo, tôi xin tiếp thu và xin được tha thứ.

Theo Phan Tử Bằng - Nguồn: dantri.vn
 

Liệu

Cựu Ban điều hành
#4
Ðề: Đọc báo giùm bạn

Chúng ta dạy học sinh nói dối nhiều quá!


"Chúng ta còn dạy học sinh nói dối nhiều quá. Ta phát động nhiều phong trào, nhưng không đi vào thực chất. Ra khỏi cổng trường, thậm chí hết giờ dạy đạo đức, hết buổi mít tinh phát động phong trào là học sinh thấy những cách hành xử khác" - GS, TS Nguyễn Minh Thuyết nhận định.

62 tuổi, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết là một trong những đại biểu Quốc hội nổi tiếng với những phản biện thẳng thắn, gai góc nhưng đầy tính xây dựng trên nghị trường.

Là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông cũng thường có những chia sẻ thực tế, gần gũi trong những vấn đề văn hoá – xã hội.

Ông chia sẻ khi bắt đầu cuộc trò chuyện: “Khi mới xem clip nữ sinh ẩu đả đầu tiên, tôi thực sự bị sốc và dư luận xã hội hầu như đều bàng hoàng, phẫn nộ. Nhưng xem ra đó không phải trường hợp hy hữu, vì sau đó, một loạt vụ khác liên tiếp được báo chí đưa lên. Điều này cho thấy bạo lực học đường đã trở nên phổ biến và trong nhiều trường hợp đã đến mức nghiêm trọng là có hành vi vi phạm pháp luật”.

Báo chí đừng nêu ra vấn đề rồi để đấy!

Cảm giác bàng hoàng, phẫn nộ của dư luận đã vơi dần, dù sau đó có những clip hay sự việc bạo lực học đường khác nghiêm trọng hơn. Có một nghịch lý thú vị là khi mức độ phổ biến và nghiêm trọng tăng cao, đáng cần một sự quan tâm sâu rộng hơn, thì tâm lý chung lại là, chuyện phổ biến thành ra… bình thường.

Điều này một phần phản ánh tâm lý người dân: chuyện hy hữu, chuyện lạ dễ được chú ý hơn chuyện quen thuộc, phổ biến. Cũng có phần do báo chí, vốn có ưu thế là phương tiện tác động nhanh, mạnh đến công chúng.

Thực ra, hiện tượng bạo hành trong nữ sinh không phải bây giờ mới có, nhưng chỉ đến khi báo chí phát hiện ra vụ nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông và đồng loạt lên tiếng phê bình thì mới được chú ý. Khi báo chí đề cập thì kéo theo sự quan tâm, mà khi báo chí giảm quan tâm thì độc giả cũng không còn diễn đàn để bày tỏ.

Khi đặt vấn đề trở lại mổ xẻ hiện tượng này, để nhìn rộng ra các vấn đề xã hội, văn hoá, giáo dục... bản thân chúng tôi có lúc băn khoăn là sự việc cũng đã nguội dần.

Dù sự việc lúc này đã lùi hơi xa nhưng tôi thấy đây vẫn là vấn đề rất thời sự và bức xúc bởi không phải chỉ có những vụ việc báo chí đã nêu, mà còn nhiều vụ tương tự như vậy ở nhiều nơi như Phú Thọ, Đà Nẵng, Hải Phòng… và nói rộng ra, chuyện nữ sinh bạo hành liên quan đến những vấn đề xã hội rộng lớn hơn. Báo chí cần tham gia tích cực giải quyết vấn đề này.

Báo chí đã làm được việc đánh động dư luận trước hiện tượng này, tuy nhiên theo tôi cần phải tiếp tục đeo đuổi. Tôi thấy báo chí đôi khi cũng giống như một số đại biểu Quốc hội, đưa ra vấn đề rồi bỏ đấy, như thế không mong giải quyết hiệu quả.

Chúng ta còn dạy học sinh nói dối nhiều quá!

Có ý kiến cho rằng, thực trạng bạo lực học đường tràn lan là hệ quả của nền giáo dục còn chưa chú ý đến dạy đạo đức. Là một nhà giáo, rồi quản lý giáo dục, ông có chia sẻ với ý kiến này?

Tôi cho rằng không phải, thậm chí ngược lại. Ở bậc phổ thông, chương trình dạy đạo đức của chúng ta rất được quan tâm, thậm chí khá nặng. Hơi một tý là xã hội đòi nhồi nhét vào nhà trường: nào luật giao thông, nào phòng chống tham nhũng, nào bảo vệ môi trường, di sản văn hoá,… Bên cạnh đó còn rất nhiều phong trào, nhiều buổi sinh hoạt Đoàn, Đội, Hội hỗ trợ thêm.

Nhưng kết quả giáo dục đạo đức thì kém. Một trong những nguyên do quan trọng là chúng ta còn dạy học sinh nói dối nhiều quá. Ta phát động nhiều phong trào, nhưng vẫn chủ yếu là hô hào, không đi vào thực chất. Ra khỏi cổng trường, thậm chí hết giờ dạy đạo đức, hết buổi mít tinh phát động phong trào là học sinh thấy những cách hành xử khác. Cho nên học sinh nói trên lớp, nói trong các buổi mít tinh là một chuyện, nghĩ thế nào lại là chuyện khác, hành động lại càng khác nữa.

Có nghĩa là vấn đề không chỉ nằm ở phương pháp giáo dục mà còn là quan niệm, triết lý giáo dục?

Cả xã hội cần có trách nhiệm với học sinh, với lớp trẻ, bởi vì nếu để thanh thiếu niên hư hỏng thì hậu quả rất khó lường, tương lai đất nước rất khó lường.

Chúng ta có nhiều tổ chức xã hội, hội đoàn, nhưng ít sáng kiến thiết thực. Nếu các hội đoàn chịu khó suy nghĩ tìm nội dung, cách làm phù hợp thì sẽ có tác động tích cực. Ví như có những trung tâm tư vấn cho học sinh, những lớp giáo dục kỹ năng cho các bậc cha mẹ, hay những hoạt động tinh thần cho thanh thiếu niên thì sẽ rất tốt.

Tôi nhớ ngày xưa có tổ chức Hướng đạo sinh thu hút đông đảo thanh thiếu niên, định hướng cho họ về kỹ năng sống và ý thức công dân bằng những cách rất hay. Nhờ vậy mà hướng đạo sinh nói chung rất tháo vát, năng động, đồng thời có ý thức kỷ luật cao; họ tự hào về tổ chức của mình, do đó không mấy ai dám làm những điều không xứng đáng.

Những kinh nghiệm này không phải khó để áp dụng.

Niềm tin vào những lý tưởng đẹp đang giảm sút!

Nhìn vào một số hiện tượng liên quan đến học đường, đến giới trẻ mà báo chí phản ánh thời gian gần đây, có cảm giác ngổn ngang khá nhiều vấn đề. Nhìn trên góc độ một nghiên cứu xã hội học, GS Tương Lai cho rằng, đó là những chỉ báo sống động và trung thực về hệ thống giá trị đang bị xáo trộn, những chuẩn mực xã hội đang bị chao đảo… Ông có chia sẻ với nhận định này?

Tôi chia sẻ với nhận định của GS Tương Lai và đề nghị các nhà quản lý quan tâm đến ý kiến này. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn nói rằng vụ việc này như cái tát vào mặt người lớn. Có thể có người không thích cách nói hình tượng này nhưng xét về bản chất thì nhà văn nói đúng.

Trẻ em là tấm gương phản chiếu hình ảnh người lớn. Người lớn không gương mẫu thì trẻ em bắt chước, hư theo. Chẳng thế mà tục ngữ có câu “Rau nào sâu ấy”. Các hiện tượng nữ sinh ẩu đả, thầy giáo mua dâm học trò,… có nguyên nhân từ xã hội. Trong xã hội bây giờ đang nảy sinh nhiều cách sống, cách suy nghĩ không phù hợp với đạo đức truyền thống mà chúng ta chưa có cách đề kháng hữu hiệu.

Ở một bộ phận giới trẻ cũng như dân chúng, niềm tin vào những lý tưởng cao đẹp vì thế đang giảm sút rất nhiều. Trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, của cả xã hội bây giờ là phải bảo vệ và phát triển những giá trị, chuẩn mực phù hợp với truyền thống của dân tộc và đặc điểm của thời đại.

Trong sự nghiệp ấy, báo chí có vai rò rất lớn. Cùng với việc phê phán cái xấu, báo chí nên đưa nhiều hơn những gương tốt thực chất để góp phần định hướng lối sống tốt đẹp cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Đời tư cần tôn trọng, xử lý cần phải nghiêm!

Tuy nhiên, những sự vụ như thế này luôn thu hút được đông đảo độc giả, tức là rất nhiều người bị hấp dẫn bởi những thông tin dạng này. Báo chí nên làm như thế nào để tận dụng sự quan tâm đó trong việc góp phần “giải quyết” vấn đề, theo ông?

Khi đưa thông tin, có một số bài viết có xu hướng phấn khích, hào hứng khi mô tả tỉ mỉ sự việc. Điều đó đương nhiên không có tác dụng giáo dục, thậm chí còn gây phản cảm.

Tôi cũng phản đối xu hướng tìm hiểu, khai thác sâu về đời tư học sinh, gây ảnh hưởng bất lợi tới tương lai các em. Phải nói rằng ngay đối với tội phạm, nhiều nước còn quy định không chụp ảnh các phiên toà, chụp ảnh bị cáo, chỉ những tội phạm bị truy nã mới đăng ảnh.

Tôi mong báo chí có những thông tin và phân tích theo hướng nghiêm túc hơn: trách nhiệm thuộc về ai, xử lý thoả đáng hay chưa, những biện pháp ngăn chặn, những phương hướng đề phòng…

Không chỉ ở hiện tượng này, mà những vấn đề xã hội khác, cũng mong có những cách tiếp cận như vậy.

Đã có nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau đưa ra nhiều phương án giải quyết, nhưng để được áp dụng, rồi đến áp dụng hiệu quả là một chặng đường còn rất dài...


Minh Phương (thực hiện) - Nguồn Vnmedia
 

Liệu

Cựu Ban điều hành
#5
Ðề: Đọc báo giùm bạn

LEONARDO DA VINCI: NHÂN VẬT THỜI PHỤC HƯNG​

Sinh năm 1452 và mất năm 1519, Leonardo da Vinci là con ngoài giá thú của Ngài Piero da Vinci, một cố vấn pháp luật, và một thôn nữ không tiếng tăm. Leonardo đã được sinh ra bên ngoài ngôi làng của Vinci, gần Florence thuộc trung tâm nước Ý. Người ta không biết nhiều về thời thơ ấu của ông, triết lý sống của ông hoạc lịch sử hôn nhân của ông.

Ở tuổi niên thiếu của mình, Leonardo đã được cha mẹ gửi đến Florence để bắt đầu học nghề hội họa. Dưới sự dạy dỗ của một họa sỹ và là một điêu khắc gia hàng đầu ở Florence, Andrea del Verrocchio, ông đã trở thành một trợ tá đắc lực hợp tác với thầy mình về tác phẩm kỷ niệm “Chúa Ki-tô chịu phép rửa” (The Baptism of Christ). Tuy nhiên, những màu sắc tao nhã và những lối đánh bóng phơn phớt mượt mà, những đặc trưng truyền thống của phong cách Phục Hưng sợ khởi của Verrocchio. Kỹ thuật tinh tế của người thanh niên này đã đánh dấu sự khởi đầu của giai đoan hưng thịnh thời Phục Hưng, thế nhưng những tác phẩm đặc biệt của ông 25 năm sau vẫn chưa được phổ biến.

Là một “người dự án” với đầu óc kinh doanh, đa tài, Leonardo có một khuynh hướng bắt đầu những công việc duy nhất để tìm “tính ham mê du lịch” và những tham vọng thuộc đỉnh cao trí tuệ của mình đưa ông đến một lĩnh vực nào khác. Thói quen này đã được biểu lộ rất sớm khi ông được giao nhiệm vụ để vẽ một bức phông nổi tiếng đặt sau bàn thờ của một giáo đường miêu tả ba nhà thông thái đến thờ lạy Chúa Hài đồng Giê-su. Nó được biết với cái tên “Adoration of the Three Kings,” (Lòng Sùng Kính của Ba Vua) bức họa này thể hiện một cách trong sáng sự sinh động, nhất quán hơn hẳn của da Vincy mà ở đó các nhân vật được sắp xếp theo hình bán nguyệt xung quanh Thánh Gia trái ngược lại với những nét mặt nhìn nghiêng riêng rẽ của những bức chân dung vẽ theo lối cổ điển trước đó.

Leonardo có lẽ là bậc tài hoa nhất trên đời. Rất lâu sau khi ông mất, người ta mới công nhận thiên tài siêu phàm của ông trong các lãnh vực như thiết kế máy móc và nghiên cứu về cơ thể học. Tuy nhiên, nghệ thuật hội họa của da Vincy mới thật sự làm cho ông nổi tiếng trong suột cuộc đời ông, và cũng chính từ nghệ thuật hội họa này mà ngày nay nhiều người biết đến ông. Bức tường của phòng ăn trong tu viện Santa Maria Delle Grazie đã hình thành một khung cảnh phù hợp cho sự sáng tạo lẫy lừng nhất của ông, “The last Supper” (Bữa Ăn tối Cuối cùng/ Bữa Tiệc ly) được hoàn thành vào khoảng năm 1495.

Những biểu hiện truyền thống thời Phục Hưng của cảnh này đã mô tả mười ba nhân vật ngồi thành một hàng. Nhưng cách miêu tả của Leonardo cho thấy rằng Chúa Giê-su là nhân vật trung tâm được những nhóm nhỏ các tông đồ vây quanh, với phản ứng của mỗi cá nhân khi Chúa Giê-su công bố sắp có kẻ phản bội Người. Được thừa nhận là một tác phẩm vĩ đại vì nó đã lột tả những khuôn mặt trong sáng thể hiện nội tâm của các tông đồ và theo cách bố trí rất linh động, bức họa này đã chứng minh một triết lý hoàn toàn mới lạ của Leonardo; một thứ triết mà được thể hiện thậm chí trong cả cách pha trộn nước sơn để vẽ của ông. Leonardo muốn làm việc chậm chạp và cẩn thận để giảm bớt những bóng râm trên bức họa và để điều chỉnh lại những chi tiết cần sửa của ông.. Sơn nước dùng vào thời kỳ ấy khô nhanh, không cho phép tốc độ chậm hơn thế. Vì thế, da Vincy đã pha chế một loại sơn cho riêng mình sử dụng để sơn phủ lên tường của tu viện. (Những năm sau này, chất nhựa thông chất lượng kém của ông bắt đầu tróc ra. Việc phục hồi gần đây đã khám phá ra những vật, những màu sắc và những đường nét mà trước đó không thấy, công việc khôi phục này đã đưa kiệt tác này trở lại gần với nguyên trạng của nó.)

Ít lâu sau, khi da Vincy đã đổi hướng niềm đam mê của ông sang những lĩnh vực như cơ thể học, thiên văn học, thực vật học, địa chất học – những lĩnh vực này thường được xem như thuộc lĩnh vực khoa học – hiệu suất nghệ thuật của ông đã chậm lại. (thực ra, nó không bao giờ ngang tầm sáng tác sung mãn với các họa sỹ hàng đầu khác – Rembrandt, Rapheal, Van Gogh, Picasso và Michelangelo, chẳng hạn.)

Sau khi da Vincy ở Milan được 17 năm, Sforza, người đỡ đầu của ông bị người Pháp lật đổ, và Leonardo đã chạy trốn, thoạt đầu ông đến Matua và sau đó đến Venice trong một thời gian ngắn, trước khi trở về Florence. Ở đó ông được chào đón như một anh hùng. Ông nhận thấy rằng những bức họa trước đó của ông có một ảnh hưởng lớn đối với các họa sỹ trẻ hơn ở Florence (nhất là Botticelli và di Cosimo). Và rằng giờ đây bậc thầy hội họa của thời kỳ Phục hưng đã trở về quê nhà, ông đã bắt đầu truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp của các bậc thầy trong hội họa gồm có Michelangelo và Rapheal.

Một kiệt tác huyền thoại cuối cùng được hoàn thành vào thời kỳ này: bức chân dung Lisa del Giocondo vợ của một lái buôn địa phương. Nụ cười huyền bí của Mona Lisa nổi tiếng khắp Âu châu. Không giống những bức chân dung trước đó do các họa sỹ khác vẽ, họ đã cắt nhân vật mẫu ở tầm ngang ngực, tạo ra một dáng vẻ sáo mòn, chân dung “Mona Lisa”gồm cả đôi tay của người phụ nữ, được khoanh lại như để tạo thành một ấn tượng của một kim tự tháp toàn diện. Tác phẩm này đã đáp ứng để truyền cảm hứng cho những nghệ sỹ khác vẽ những đề tài của họ trong tư thế tự nhiên hơn.

Vào năm 1517, Leonardo định cư ở Pháp theo lời mời của vua Francis đệ nhất, ông là một trong số ít những nhân vật tiêu biểu tối cao của nền văn hóa Phục Hưng. Ông đã từ trần hai năm sau đó.

Mặc dù Leonard không đặc biệt quan tâm đến văn chương, lịch sử hoặc tôn giáo, nhưng việc quan tâm đến nhiều ngành kiến thức khác như thế, trong những thế kỷ qua, đã mang đến cho ông danh tiếng như mẫu mực của “Con người thời Phục Hưng,” chân chính, một thiên tài thế giới chói lọi.

(Leonardo da Vinci: Renaissance Man)
Theo Jos. Tú Nạc, NMS - Nguồn: VietCatholic.
 

Liệu

Cựu Ban điều hành
#6
Ðề: Đọc báo giùm bạn

Xin giới thiệu bài viết trên www.vnexpress.net, mời các bạn cùng đọc:

Tôi làm giàu ở Mỹ thế nào?


Bỏ cuộc sống xa hoa ở Việt Nam, tôi lên đường sang Mỹ học thạc sĩ, mong đạt được giấc mơ Mỹ.

Tôi sinh ra trong một gia đình có bố là luật sư, mẹ là bác sĩ. Do may mắn, gia đình tôi mua được bất động sản trước khi giá nhà đất bùng lên.

Trước khi sang Mỹ, tôi từng học tại một trường đại học nổi tiếng. Do có chút nhan sắc và tham gia một số hoạt động văn hóa trong trường nên tôi quen biết rất nhiều người nổi tiếng và giới thượng lưu. Cuộc sống của tôi lúc đó khá sung sướng. Tôi ngồi uống cà phê hằng ngày ở các khách sạn hay nhà hàng nổi tiếng.

Đến năm 2000, cha mẹ bán nhà, cố gắng cho tôi đi học thạc sĩ ở Mỹ. Sang tới đây, buổi sáng tôi đi học, buổi tối tôi đi làm thêm. Bất cứ việc gì tôi cũng làm từ chăm sóc người già, lau nhà, rửa bát ở quán ăn. Tôi không ngại, không xấu hổ, miễn là có tiền giúp đỡ phần nào cho gia đình mặc dù bố mẹ tôi cũng có thể nuôi tôi ăn học đàng hoàng. Nhiều lúc tôi tủi thân vì trình độ văn hóa cao mà bị chủ nhà hàng chửi mắng nhưng tôi cam chịu vì còn hơn là không có việc làm.

Tôi vừa học vừa làm, ra khỏi nhà từ 6h sáng tới 10h đêm mới về đến nhà. Một tuần 7 ngày như vậy, mà tôi lại là con gái. Chắc ít người có thể lao động cật lực như tôi nhưng chưa bao giờ tôi hối hận vì đã từ bỏ cuộc sống xa hoa ở Việt Nam để đi tìm giấc mơ Mỹ. Tôi nghĩ, làm việc chăm chỉ rồi có một ngày tôi sẽ thành công.

Tôi tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ, có việc làm tại một ngân hàng Mỹ, rồi lấy chồng Mỹ cũng là thạc sĩ. Sau 10 năm ở đây, tôi có một cô con gái xinh xắn và sắp đón chào bé gái thứ hai. Vợ chồng tôi thu nhập hơn 250.000 USD một năm. Mới hơn 30 tuổi nhưng hai vợ chồng tôi đã làm chủ 3 căn nhà và 13 căn hộ tập thể. Tất nhiên, 50% là do vay ngân hàng. Lúc lấy nhau, chúng tôi chẳng có tài sản gì, chỉ do chăm chỉ làm việc mà có thành quả hôm nay.

Hai vợ chồng tôi đều đi làm 60 giờ một tuần. Về nhà còn phải chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng. Ai cũng nói sao không về Việt Nam sống sung sướng, có người giúp việc. Nhưng tôi thiết nghĩ, ở đâu có tiền, có việc làm là nơi đấy mang lại hạnh phúc. Tất nhiên, quê hương vẫn là quê hương, nơi có cha mẹ, anh chị em, họ hàng, nhưng tôi không còn quen cuộc sống ở Việt Nam nữa.


Tôi về Việt Nam chơi, thấy người Việt Nam mua sắm còn tốn kém hơn ở Mỹ. Có những người bạn hai vợ chồng đi làm 8 tiếng mà vẫn thuê người giúp việc, còn than thở vất vả. Thiết nghĩ nước Mỹ giáo dục tôi làm việc chăm chỉ hơn. Vợ chồng tôi đi làm, còn kinh doanh mà vẫn chăm sóc con nhỏ. Dù chúng tôi không ai giúp đỡ nhưng thấy lúc nào cũng vui vẻ, tuy có bận rộn nhưng vẫn còn thời gian rảnh để đi chơi, du lịch hay ăn nhà hàng. Nhìn người Việt Nam bỏ ra vài trăm đôla mua điện thoại di động, tôi cũng thấy ngạc nhiên. Tôi ở Mỹ dù gọi là có thu nhập cao nhưng bao giờ tôi cũng dùng điện thoại miễn phí.

Ở Mỹ hay ở Việt Nam mỗi nơi đều có một cái sướng hay khổ khác nhau. Ở Mỹ, những người Việt Nam như tôi cảm thấy trống trải, cô đơn nhưng nhiều cơ hội làm giàu. Còn ở Việt Nam, ăn uống, sung sướng, tinh thần thoải mái nhưng không phải ai cũng có cơ hội mua nhà, mua xe nếu không có gia đình hỗ trợ. Rất nhiều các bạn tôi ở Việt Nam làm 20 triệu đồng một tháng nhưng vẫn không có khả năng mua nhà chung cư nếu không có bố mẹ cho tiền. Đấy là hai sự khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam.


Bài viết của: Anhchu81

Và đây là những comment của những người đã đọc xong bài viết của tác giả Anhchu81. Xin được trích 1 vài commnet thú vị

Vài ý kiến cho đời thêm vui

Tôi đến Mỹ khi văn thì dỡ mà võ thì dốt, tiếng Anh cái gọi là cử nhân mà 1 vài năm đầu cũng ú a, ú ớ. Thêm vào đó là nỗi nhớ quê hương da diết, cứ tự nhủ là kiếm chút tiền rồi lại Việt Nam quách.

Thế nhưng khi có việc làm, có tiền, có xe và bắt đầu khám cuộc sống, luật lệ... thì bắt đầu thấy thích. Ở đây không đề cập đến thu nhập cũng như làm giàu như chị. Tôi chỉ nói các thủ tục giấy tờ rất nhanh chóng ví dụ như thi đậu bằng lái xe thì chừng 10 - 15 phút có bằng ngay. Hoặc mở cơ sở làm ăn nho nhỏ thì chỉ cần theo hồ sơ hướng dẫn mẫu, điền vào và gửi đi kèm theo lệ phí. Rồi đợi người ta xuống kiểm tra để đảm bảo các yêu cầu của luật quy định., và OK thì mở thôi, thế là xong. Chẳng phải chạy chọt cửa này cửa kia xu nào.

Thêm nữa là con cái đi học trường công lập thì chẳng cần đóng tiền học phí mà chương trình học cũng nhẹ nhàng. Không phải học thêm học bớt (nếu có thì chỉ là các môn năng khiếu, không bắt buộc). Không bắt buộc phải đồng phục (chỉ cần sạch sẽ, tươm tất), đã gọi là trường cho người nghèo mà, đòi hỏi quá thì qua trường tư...

Còn nhiều cái mà mình thấy là Một khi chính quyền đã tính rồi (tức là ra luật rồi), người dân đừng có tính lại cho mất công. Bởi vì Chính quyền không có ra luật này lệ nọ tầm bậy tầm bạ đâu. Luật lệ nào cũng phải có sự đồng thuận của dân hoặc đại diện của dân hết. Nên thấy thích là chỗ đó,

Còn nỗi nhớ Việt Nam ư, chắc chắn rồi, Quê hương là chùm khế ngọt mà. Kẹt nỗi ở đâu phải âu đó đã. Rồi khi về già thì lá cũng rụng về cội thôi. Mình rụng về VN còn con cái mình sinh đẻ ở đây thì nó rụng về nước Mỹ thôi.

Khakhakha. VNexpress nhớ đăng giùm cho vui nha. Đùa nhưng không đùa. Thật 100% mà.

( Quảng Nhân )
Ghen ăn tức ở

Điều đầu tiên tôi muốn nói là "tôi yêu VN" tôi yêu đất nước mình hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Sau khi đọc hết các comment của mọi người tôi nhận thấy 1 điều là có một số bạn "ghen ăn tức ở" nếu nói 1 cách dân dã. Hầu hết mọi người đều chê bai bài viết của Chuanh81 và thường bắt lỗi.
Sau khi đọc bài của bạn Chuanh81 xong tôi cũng có cảm nhận của riêng mình về thông điệp bạn đó đưa đến đấy là, trong cuộc sống phải nỗ lực phấn đấu thì kết quả sẽ tốt đẹp. Ngoài thông điệp tốt đẹp này ra những câu từ so sánh về VN và Mỹ, hay về cách sống... bạn Chuanh81 chia sẻ tôi không để ý cũng như không muốn chỉ chích đến cách kheo khoang của cô đây, nhưng nếu có người nào đọc hết các comment thì đa phần là nói vào các đoạn này, bao nhiêu cái tốt, cái hay trong bài viết sao không đề cập đến, sao không hỏi người ta sao thành công vậy mà lại đi "dạy" người ta thế này thế khác...
Sau khi đọc bài này xong tôi chỉ ước, có nhiều người chia sẻ hơn cách làm giàu cho tôi.
Chúc Chuanh81 thành công hơn nữa!

( Nguyễn Phương )


Nếu có điều kiện, tôi cũng đi nước ngoài!

Tôi cũng đọc nhiều bài tâm sự về cuộc sống của những người VN định cư ở nước ngoài. Có người lựa chọn ở lại, có người lựa chọn quay về. Hiện nay tôi đang ở VN, chưa hề học tập hay định cư ở nước ngoài, chỉ có thường xuyên đi công tác và du lịch :) Tôi có nhiều bạn bè là người VN ở nước ngoài, Mỹ có, Châu Âu có, Nhật Bản, HQ, Sing... Việt kiều hay người Việt sinh ra ở nước ngoài cũng có. Quan điểm của tôi nhận thấy:

- Những người đã có thời gian sống ở VN khoảng 25-30 năm rồi mới ra nước ngoài, đa phần họ có suy nghĩ sẽ quay trở lại VN sau này. Cho dù thành đạt, có bạn bè Việt lẫn Tây nhưng họ vẫn luôn thấy trống trải, không hoàn toàn hoà nhập được như người bản xứ. Có lẽ chất Việt đã thấm trong họ quá nhiều.

- Còn các bạn trẻ sang du học từ tuổi phổ thông (cấp 3), sau khi học đại học và đi làm, họ bày tỏ suy nghĩ không có ý định quay về VN. Thậm chí có người quay về 2-3 năm rồi lại kéo cả gia đình quay trở lại nước ngoài. Họ tâm sự rằng tuy là người Việt với nhau nhưng làm việc sao khó thế, cách làm việc cũng "ngoắt nghéo", khiến họ stress nặng. Ở nước ngoài tuy 2 vợ chồng chỉ đủ sống nhưng tinh thần thoải mái, điều kiện sống và điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn, mặc dù gia đình họ ở Hà Nội rất giàu có.

Riêng cá nhân tôi nhận thấy cuộc sống ở nước ngoài biết hưởng thụ, chăm sóc bản thân hơn. Họ có 1 cuộc sống chất lượng cao, đặc biệt là ở châu Âu. Họ biết dành thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch, khám phá những điều mới mẻ, và khi làm việc cũng làm việc hết mình. VN vẫn còn nhiều hạn chế, chất luợng cuộc sống còn thấp. Đâu đó chúng ta vẫn phải lo lắng về kẹt xe, an toàn thực phẩm, giáo dục con trẻ hay vấn đề khám chữa bệnh. Tất nhiên mọi so sánh đều là khập khiễng, vì vấn đề nào cũng có tính 2 mặt. So sánh nên ở VN hay ở nước ngoài cũng gần như tranh luận tại sao người Hà Nội vẫn vào SG định cư.

Riêng tôi, nếu có điều kiện, tôi sẵn sàng định cư ở nước ngoài vì muốn thế hệ sau được tiếp nhận những điều kiện hoàn hảo hơn!

Trần Anh Hùng

Suy nghĩ của một người Việt Nam

Sống fải cống hiến và fải được hưởng thụ, nếu như bài viết của tác giả là đúng sự thật thì hỏi 100 người Việt Nam tôi tin chắc rằng có đến 99 người sẽ chọn cuộc sống ở Việt Nam, cuộc sống như tác giả nói đối với người Việt Nam không khác gì là gánh nặg và địa ngục... Người Việt Nam không cần đến 3 căn nhà và 13 căn hộ tập thể để phải lao động vất vả hành xác như bạn đâu...

Tôi chưa từng đến Mỹ nhưng có nhiều bạn thân đang định cư tại Mỹ, họ nói rằng sự thật về cuộc sống của người Việt Nam ở Mỹ ít người dám nói ra... Người Việt Nam có thể bỏ ra vài tỷ đồng để mua ô tô, trả hết 1 lần bằng tiền mặt và số người như vậy không phải là ít, liệu người Việt nam ở Mỹ có thể thực hiện được điều đó không??? Cuối cùng, tôi không biết bạn đã từng nghe câu hát này của Hương Lan chưa: "...bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay..."???

( Hieu Bien Hoa )
Và còn rất nhiều comment thú vị nữa, sẽ post tiếp, nếu có thời gian
 
Chỉnh sửa cuối: