Ði học, ở dorm: Làm sao có quan hệ tốt với roommate

#1
Lê Tâm

Một trong những điều bạn phải trải qua khi lần đầu tiên đi học xa nhà là cuộc sống với bạn cùng phòng. Có thể là trong gia đình bạn có nhiều anh chị em nên đã quen, nhưng cũng có thể bạn chưa hề phải chia sẻ khoảng không gian với người khác.

Tuy việc có một người bạn cùng phòng có thể đòi hỏi nhiều cố gắng trong lúc đầu, đây cũng là cơ hội giúp bạn có một kinh nghiệm sống hữu ích cho cuộc đời mình về sau. Các đề nghị dưới đây sẽ giúp bạn và người ở cùng phòng có sự vui vẻ, hòa thuận và hỗ trợ lẫn nhau.



Bạn bè gặp gỡ nhau trong một phòng ký túc xá đại học UC Irvine. (Hình: UCI Student Housing)

1. Phải rõ ràng ngay từ lúc đầu

Bạn có là người sống gọn gàng ngăn nắp hay không? Bạn thức khuya dậy trễ hay là người chỉ học được vào buổi sáng sớm? Hãy nói với người bạn cùng phòng những điều này ngay từ buổi đầu, nhưng cũng đừng trông đợi là người ta nhớ những điều này ngay lập tức.

2. Ðừng để câu chuyện nổ lớn mới giải quyết

Phải tìm cách giải quyết các vấn đề khi còn là “chuyện nhỏ.” Người bạn kia có thường luôn vứt bỏ các món đồ lộn xộn trong phòng tắm chung hay không? Người đó có mượn đồ đạc, vật dụng của bạn, có khi hỏi trước, có khi không hay chăng? Giải quyết những việc tưởng là nhỏ nhặt này có thể giúp bạn tránh những vấn đề nhức đầu lớn về sau.

3. Tôn trọng bạn và những gì của bạn

Ðiều rõ ràng nhất để chứng tỏ sự tôn trọng đối với bạn cùng phòng là đừng làm điều gì mà mình không muốn người khác làm đối với mình. Nghe thì quá giản dị nhưng trong cuộc sống nhiều khi bạn dễ quên.

Ðừng mượn của bạn điều mà chính bạn thấy khó cho mượn, như tiền bạc, xe cộ, quần áo... Nếu có phải mượn, phải chắc chắn là bạn có được sự cho phép trước.

4. Cẩn thận về khách của mình

Hãy cẩn thận khi bạn mang người khác về phòng sống chung. Bạn có thể thích có các bạn khác đến học chung với mình. Nhưng người bạn cùng phòng chưa chắc thấy đó là điều thuận tiện. Và cũng nên lưu ý là bạn có khách đến quá thường xuyên hay không. Nếu bạn cùng phòng thích học trong sự yên lặng, bạn có thể thay đổi chương trình bằng cách đặt ra thời khóa biểu khi nào ai học ở trong phòng và khi nào phải vào thư viện hay không?

5. Lưu ý vấn đề an ninh

Ðiều này có vẻ không liên hệ gì với liên hệ giữa các bạn cùng phòng. Nhưng bạn sẽ nghĩ thế nào nếu cái laptop của người bạn mình biến mất chỉ trong vòng mười giây khi bạn rời phòng để chạy ra ngoài một chút? Hay khi điều này xảy ra cho chính mình? Ðóng cửa ra vào và cửa sổ là một trong những điều bạn cần nhớ trong đời sống ở ký túc xá.

6. Có tinh thần cởi mở

Người bạn cùng phòng có thể đến từ nơi bạn chưa hề nghe nói tới hay chưa từng biết. Họ cũng có thể theo tôn giáo hay cách sống không giống bạn. Hãy có tinh thần cởi mở để đón nhận những kinh nghiệm sống mới, nhất là khi những điều này từ người bạn cùng phòng của mình. Có cơ hội nhìn thấy, cảm nhận và học những điều mới là một trong những lý do bạn đến trường.