Du học tại Hoa Kỳ

#1
Tác giả: Nguyễn Xuân

Cho dù hiện nay nền kinh tế Hoa Kỳ hiện đang gặp khó khăn, nhiều tiểu bang phải cắt giảm ngân sách giáo dục, tạo sự khó khăn để duy trì phẩm chất và hoàn cảnh học hành tốt đẹp cho sinh viên, nhưng rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới vẫn muốn theo học đại học ở Hoa Kỳ.


Các nguyên do chính là vì trường đại học Hoa Kỳ thường xuyên đứng đầu trên danh sách các trường của thế giới, vì người sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn ngành học và sự uyển chuyển của hệ thống giáo dục đại học ở Hoa Kỳ, và cũng vì có nhiều khả năng kiếm việc làm từ các công ty Hoa Kỳ hay các công ty quốc tế sau khi tốt nghiệp.


Hiện nay Hoa Kỳ có nhiều sinh viên ngoại quốc đến học hơn là bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, với khoảng hơn 600,000 người. Số sinh viên quốc tế chiếm khoảng 4% tổng số sinh viên cử nhân ở Hoa Kỳ và khoảng hơn 10% thành phần sinh viên bậc trên cử nhân. Các sinh viên này cũng đóng góp mỗi năm hơn $13 tỉ vào nền kinh tế Hoa Kỳ.


Nhưng sự đa dạng của hệ thống giáo dục đại học ở Hoa Kỳ cũng làm cho nhiều người cảm thấy như đi vào mê hồn trận khi muốn nạp đơn xin học. Xin vào trường nào, làm sao biết được trường có tốt hay không, làm sao xin, cần giấy tờ gì, chi phí ra sao, liệu có xin được học bổng hay không và làm thế nào để xin... là những câu hỏi thường thấy nhất.


Những câu hỏi này, thật ra không chỉ đến từ những người sống bên ngoài nước Mỹ, mà còn từ ở những người đang sống trên đất nước này. Vì đã từng xảy ra nhiều trường hợp “khóc dở mếu dở” do đóng tiền theo học một trường nào đó rồi về sau mới biết là văn bằng được cấp chẳng có giá trị vì trường không được sự chứng nhận cần thiết (accredited), chẳng thể dùng để học lên cao hơn hay nộp xin việc làm. Ngoài ra cũng có một số lường gạt khác như đóng tiền để giúp “kiếm học bổng” mà chỉ nhận được một danh sách các nơi xin chung chung, có thể kiếm dễ dàng trên Internet, một trò lừa không ít người sống ở Hoa Kỳ cũng gặp qua.


Con đường nộp đơn xin học đại học ở Hoa Kỳ cho sinh viên từ các nước khác tuy mất thời giờ nhưng có hướng đi rõ rệt, thông thường người nộp đơn cần phải mất khoảng 18 tháng.



Bước đầu của tiến trình xin học đại học Mỹ



Sự đa dạng của hệ thống giáo dục đại học ở Hoa Kỳ cũng làm cho nhiều người cảm thấy như đi vào mê hồn trận khi muốn nạp đơn xin học. Xin vào trường nào, làm sao biết được trường có tốt hay không, làm sao xin, cần giấy tờ gì, chi phí ra sao, liệu có xin được học bổng hay không và làm thế nào để xin... là những câu hỏi thường thấy nhất.


Ngày nay, ai cũng có thể tìm thấy tin tức, dữ kiện về các trường đại học ở Mỹ qua Internet hay những trang quảng cáo hấp dẫn. Tuy nhiên những trang quảng cáo hay trang web này không cho bạn biết rõ về những trường mà họ muốn tiếp thị. Nhiều sinh viên ngoại quốc ghi danh đi học chỉ dựa trên những gì họ đọc trên web và đến khi vào trường mới biết mình sai lầm và phải gánh chịu tổn phí tài chánh, học sai chương trình và đi học trong môi trường mà họ không thể nào tưởng tượng trước đó.


Mục tiêu của loạt bài này nhằm cung cấp cho các bạn muốn du học ở Hoa Kỳ một bảng lộ trình tổng quát, chúng tôi không có tham vọng cung cấp đầy đủ mọi chi tiết hoặc giải đáp mọi câu hỏi của bạn. Chúng tôi chỉ mong giúp cho bạn một số dữ kiện cần thiết để từ đó bạn khởi sự bước đi của mình.


Nước Mỹ chào đón du học sinh


Ðúng là như vậy, không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác trên thế giới, tòa đại sứ Hoa Kỳ luôn có nỗ lực giúp sinh viên ngoại quốc đến Hoa Kỳ để theo đuổi việc học, đồng thời đóng góp cho đất nước này về mặt kiến thức lẫn kinh tế.


Các trường đại học ở Hoa Kỳ, cả trường công lẫn trường tư, cũng đều hân hoan đón nhận sinh viên ngoại quốc, nhất là vào thời buổi ngân sách giáo dục đang bị cắt giảm trầm trọng này.


Phải khẳng định như vậy để bạn thấy rằng Hoa Kỳ là một môi trường thuận lợi cho việc đi học và để tự tin hơn trong nỗ lực này.



Giấy tờ nhập cảnh



Nếu bạn muốn vào học một trường ở Mỹ, điều đầu tiên bạn cần có là sự cho phép của chính phủ Hoa Kỳ. Việc này đòi hỏi một số điều kiện: bạn phải khỏe mạnh, tuân thủ pháp luật, tự túc được về tài chánh, và phải sẵn sàng rời khỏi Hoa Kỳ sau khi hoàn tất việc học. Vì bạn không là công dân Hoa Kỳ, sự hiện diện của bạn ở đây chỉ có tính cách tạm thời, mục tiêu bạn đến Mỹ không phải là để có quốc tịch mà để theo đuổi việc học, đây là điều bạn cần nhớ nêu ra cho rõ.


Thường thì sinh viên ngoại quốc được nhận vào Mỹ theo hai loại visa: F-1 dành cho sinh viên học đại học toàn thời gian (full-time) hay học ngôn ngữ (language training), và loại M-1 dành cho sinh viên học trường nghề. Với visa F-1, bạn có thể học các trường đại học, chủng viện, trường nhạc hoặc ngay cả trường trung học cho các học sinh. Nếu thuộc diện sinh viên/học sinh trao đổi (exchange student) bạn cần xin visa loại J-1. Loại visa bạn xin rất quan trọng vì có những giới hạn khác nhau, kể cả về thời gian.


Luật lệ về việc xin visa F-1 hay M-1 khá phức tạp, nhưng đây là một số điều căn bản:


* Bạn cần phải nộp đơn và được nhận vào học toàn thời gian tại một trường đại học, một khóa dạy ngôn ngữ hay một chương trình huấn nghệ trước khi bạn nộp đơn xin visa. Bạn phải cho viên chức tòa lãnh sự/đại sứ ở nơi bạn ở biết là bạn sẽ theo học trường nào.


* Trường bạn theo học phải được sự chấp thuận của Bộ Nội An Hoa Kỳ (US Department of Homeland Security - DHS).


* Bạn phải có khả năng tiếng Anh hay ghi danh học các lớp dạy Anh ngữ giúp bạn có vốn liếng đủ để theo học đại học.


* Bạn phải có chứng cớ cho thấy đủ khả năng tài chánh để sinh sống khi đi học ở Hoa Kỳ.


* Bạn phải có chứng cớ là có nơi thường trú tại Hoa Kỳ.


Sau khi nhận bạn vào học, nhà trường sẽ gửi tin tức về cá nhân bạn vào hệ thống hồ sơ “Student and Exchange Visitor Information System” (SEVIS) thuộc Sở Di Trú Hoa Kỳ. Nhà trường sau đó sẽ cung cấp cho bạn tờ I-20 (Certification of Eligibility for Non-Immigrant Student Status, for Academic/Language Students).


Tờ I-20 này sẽ liệt kê ngày giờ bạn dự trù hoàn tất chương trình học theo thời khóa biểu bình thường. Ðiều này quan trọng vì sẽ cho biết visa của bạn có hiệu lực trong bao lâu. Nếu bạn ghi danh nhiều trường thì bạn sẽ có hơn một mẫu I-20. Nhưng bạn cũng cần biết rằng bạn sẽ phải trả tiền lệ phí cho mỗi mẫu I-20 được cấp.


Ðể xin visa, bạn sẽ phải đến tòa đại sứ/lãnh sự nơi bạn ở để lấy hẹn. Bạn sẽ cần mang theo những giấy tờ như: giấy I-20 được cấp, đơn xin visa (mẫu DS-156, DS-158, và có thể cả DS-157), sổ thông hành, một tấm hình, giấy tờ chứng minh khả năng tự túc tài chánh...


Thường thì bạn sẽ phải qua một cuộc phỏng vấn với giới chức trách nhiệm cấp visa vì họ phải chắc chắn rằng bạn sẽ trở về quốc gia của mình sau khi hoàn tất việc học. Cũng nên nhớ rằng dù có đầy đủ giấy tờ, đôi khi bạn vẫn bị từ chối cấp visa. Việc duyệt xét visa đòi hỏi giấy tờ phải chuẩn bị đầy đủ và cẩn thận, chỉ cần chút sai sót hoặc không thống nhất cũng đủ để bạn bị từ chối.


Những chỉ dẫn này chỉ có tính cách đại cương, bạn cần liên lạc trực tiếp với tòa đại sứ Mỹ ở nơi mình sống để biết rõ chi tiết.


Ðối với các bậc phụ huynh muốn cho con em mình sang học bậc trung học trong các trường công lập ở Mỹ (từ lớp 9 đến 12) với visa loại F-1, quý vị cần phải chứng minh được là có khả năng tài chánh để trả trước cho học khu tiền học phí một năm (có thể từ $3,000 trở lên, tùy theo địa phương). Với F-1 visa, học sinh không thể theo học trường trung học công lập quá một năm.



Học ngành gì? Học trường nào?


Ðối với các sinh viên du học bậc cử nhân, việc học ngành gì và học trường nào thường là những vấn đề họ chỉ biết lờ mờ, và chỉ sau một thời gian theo học mới nhận ra rõ ràng là có chọn đúng các lớp học hay không và trường mình theo học có cho mình nhiều cơ hội để học lên cao hơn hoặc có mảnh bằng giá trị hay không.


Khi nói đến việc du học ở Hoa Kỳ, điều đầu tiên ai cũng nghĩ tới là vào ngay các trường đại học lớn, danh tiếng, với những điều kiện khó khăn, đòi hỏi khả năng tài chánh cao, mà không nghĩ rằng có những hướng đi khác cũng có thể giúp họ đạt được ước mơ có một căn bản học vấn vững vàng mà không quá khó khăn.


Một trong những hướng đó là qua hệ thống trường đại học cộng đồng ở Mỹ. Hiện nay, với tình trạng ngân sách giáo dục bị cắt giảm, các trường đại học cộng đồng đều hân hoan đón nhận sinh viên quốc tế vì đây là một nguồn thu nhập tài chánh cho họ do các sinh viên địa phương chỉ phải trả tiền học phí tối thiểu. Hơn thế nữa, nhiều trường đại học, cả trường công lẫn trường tư, đều có những thỏa thuận để đón nhận sinh viên từ các trường đại học cộng đồng.


Dữ kiện từ College Board cho thấy tại California, trong niên khóa 2007-2008, tiền học phí trung bình ở các trường đại học cộng đồng vào khoảng $2,360. Trong khi đó tiền học trung bình ở các trường đại học công lập bốn năm là $6,185, và cho một trường đại học tư là vào khoảng $23,712.


Tuy với tình trạng gia tăng học phí hiện nay, và với sự kiện là người sinh viên ngoại quốc sẽ phải trả học phí ở mức cao hơn rất nhiều so với sinh viên địa phương, các con số này cũng cho ta thấy điều lợi về tài chánh khi vào các trường đại học cộng đồng.


Do đó việc khởi đầu con đường vào đại học qua cửa trường đại học cộng đồng hai năm trước khi chuyển sang một trường đại học bốn năm có thể giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền, cho bạn cơ hội tìm hiểu thêm về ngành muốn học để có được tấm bằng cử nhân từ trường mình chọn lựa.


Thường thì có ba nhóm sinh viên vào học ở các trường đại học cộng đồng 2 năm tại Hoa Kỳ:

(1) các sinh viên không muốn lấy bằng cử nhân 4 năm
nhưng muốn vào học trường đại học cộng đồng Hoa Kỳ, theo chương trình cao đẳng (associate degree program) và để lấy bằng cao đẳng;

(2) sinh viên muốn lấy bằng cử nhân nhưng muốn hoàn tất hai năm đầu đại học bằng cách ghi danh vào chương trình cao đẳng rồi sau đó chuyển lên đại học bốn năm trong hai năm sau cùng;

(3) những người không muốn theo đuổi một học kỳ nhất định, chỉ học những gì cần thiết cho họ trong nhu cầu công việc làm hay để thỏa mãn sở thích học hỏi riêng trong đời sống (continuing education).

Có rất nhiều loại trường đại học cộng đồng ở khắp nơi trên đất Mỹ. Có nơi chỉ có vài trăm sinh viên, có nơi lên đến 30,000 với khoảng 10% là sinh viên từ khắp thế giới đến học. Và dĩ nhiên là ngoài tiền học phí tương đối không khác nhau nhiều, chi phí nhà ở, ăn uống, di chuyển... thay đổi nhiều tùy theo địa phương sinh sống.

Trong bài này, chúng tôi xin nói đến một trường đại học cộng đồng lớn ở tiểu bang California, trường Santa Monica Community College, ở thành phố Santa Monica. Trường có hai đặc điểm là đông đảo sinh viên ngoại quốc theo học và có nhiều sinh viên được chuyển lên các trường bốn năm. Cũng xin khẳng định người viết bài không có liên hệ về công việc hay tài chánh với các trường đề cập tới trong loạt bài này.


Trường Santa Monica City College

Trường Santa Monica College là trường đại học cộng đồng hai năm, được thành lập năm 1929. Trường được sự hỗ trợ của tiểu bang California và được chứng nhận về mặt văn bằng của Western Association of Schools and Colleges (WASC). Trường có nhiều ngành học khác nhau, các sinh viên ngoại quốc hoàn tất chương trình học hai năm nơi đây sẽ nhận được văn bằng cao đẳng (Associate in Arts AA) trước khi chuyển lên đại học bốn năm để hoàn tất học trình cử nhân. Trường cũng có chương trình học để lấy chứng chỉ (Certificates) trong một số ngành nghề. Trường có sinh viên quốc tế từ hơn 90 quốc gia, chiếm khoảng 10% trong tổng số 30,000 sinh viên theo học.

Các sinh viên theo học Santa Monica College thường thuyên chuyển vào hệ thống UC. Chương trình học của trường giúp người sinh viên tiếp tục theo học các trường nổi tiếng ở vùng Los Angeles như UCLA hay USC (University of Southern California), cùng là các trường khác trên khắp nước Mỹ.

Thành phố Santa Monica cũng nổi tiếng là nơi có khung cảnh đẹp đẽ, địa điểm đến của du khách quốc tế, nên giá nhà rất cao.

Những bước căn bản để được thu nhận (dành cho sinh viên ngoại quốc)

- Hoàn tất mẫu đơn “International Student Application”.

- Gửi bảng điểm TOEFL trực tiếp từ ETS. Ðiểm tối thiểu để được nhận là 450/133 CBT / 45-46 IBT.

- Viết một bài luận ngắn (dài từ một đến hai trang) nói lý do tại sao muốn theo học Santa Monica College.

- Nộp học bạ, chứng chỉ, văn bằng từ trường trung học hay trường đại học đã học qua. Nếu ngôn ngữ chính không là tiếng Anh, phải nộp thêm bản dịch có thị thực (certified).

- Hoàn tất hồ sơ “International Student Financial Statement”. Thêm vào đó, người sinh viên nộp đơn hay người bảo trợ phải nộp một giấy của ngân hàng “bank statement”, theo đó chứng nhận là có ít nhất $19,000 để đáp ứng nhu cầu học phí và tiền ăn ở sinh sống theo như ước tính của trường. Bản này phải cập nhật (trong sáu tháng trở lại).

- Hoàn tất mẫu đơn “General Requirements for Students Accepted to Santa Monica College.” Văn kiện này cho biết các đòi hỏi nhà trường trông đợi ở người sinh viên khi được chấp nhận.

- Ðóng tiền lệ phí nộp đơn (không hoàn lại) là $50.00.

Hạn định nộp đơn:

Khóa Mùa Thu (Fall Semester) - June 30

Khóa Mùa Xuân (Spring Semester) - December 10

Khóa Mùa Hè (Summer Session) - May 1

Khóa Mùa Ðông (Winter Session) - November 1

Hai khóa Mùa Hè và Ðông là hai khóa phụ, ngắn hơn nhiều so với hai khóa kia.

Muốn biết thêm chi tiết, bạn có thể liên lạc về trường ở trang

www.smc.edu/international

@nguồn: Nguoi Viet online
 
Chỉnh sửa cuối: