Gánh nặng $555,000 nợ tiền học của một bác sĩ

#1
(Theo WSJ)

Khi Michelle Bisutti, 41 tuổi, một nữ bác sĩ gia đình đang hành nghề tại Columbus, tiểu bang Ohio, ra trường y khoa năm 2003, món nợ tiền học (studen loan) của bà lên đến khoảng $250,000. Từ đó đến nay, số nợ này tăng vọt lên thành $555,000.


Ðây là kết quả của việc bà trì hoãn trả nợ trong lúc đang hoàn tất thời gian thực tập của mình (residency), vì các món tiền phạt, tiền lời chồng chất, kể cả một khoản tiền lệ phí $53,870 khi món nợ của bà được chuyển sang cho một công ty chuyên đòi nợ.

“Có thể một phần lỗi là ở nơi tôi vì không chịu đọc kỹ các điều kiện khi mượn nợ,” nữ Bác Sĩ Bisutti cho hay. “Nhưng đến mức này thì thật quá quắt.”

Cũng phải nói rằng các trường hợp như của Bác Sĩ Bisutti cũng hiếm thấy, và các ngân hàng nói rằng các điều kiện cho vay tiền học thường rất rõ ràng và họ cũng muốn hợp tác giải quyết vấn đề với các con nợ gặp khó khăn.

Nhưng vào lúc tiền học phí tăng cao, nhiều người đang phải mượn số tiền lớn để trả chi phí của mình. Một số coi đây là “nợ tốt” vì có bằng cấp chuyên môn sẽ dẫn đến mức lương cao hơn. Nhưng trên thực tế, nợ tiền học là một trong những món nợ thuộc loại nguy hiểm nhất, đòi hỏi người mang nợ phải vô cùng cẩn thận và cũng phải có trách nhiệm, như Bác Sĩ Bisutti đã nhận ra.

Không giống như các món nợ khác, nợ tiền học là loại nợ không dễ trốn. Các chủ nhà không thể trả tiền nhà có thể đưa chìa khóa lại cho chủ nợ. Các người thiếu nợ thẻ tín dụng và ngay cả đánh bạc đến khánh tận cũng có thể thoát nợ bằng cách nộp đơn phá sản. Nhưng việc thoát ra khỏi một món nợ tiền học coi như không thể xảy ra, nhất là một khi công ty đòi nợ can dự vào. Dù là các ngân hàng có thể cho giảm số tiền phải trả hàng tháng, việc hủy bỏ các món tiền lệ phí hay giảm tiền nợ là điều rất hiếm khi xảy ra.

Hiện nay có khoảng $730 tỉ tiền nợ ‘student loan’ mượn của chính phủ Hoa Kỳ cũng như các ngân hàng tư nhân chưa được trả hết, theo lời Mark Kantrowitz thuộc FinAid.org, một trang web chuyên theo dõi các vấn đề liên quan tài trợ học hành-và chỉ có 40% số nợ này là đang được trả đều đặn. Phần còn lại thuộc loại không trả nợ hay tạm không trả, trong khi tiền lời vẫn tiếp tục tăng lên.

Ở khắp Hoa Kỳ, cũng có nhiều trường hợp cựu sinh viên gặp khó khăn khi trả nợ tiền học và gây khó khăn cho gia đình, như trong trường hợp anh Tellez ở Boston. Khi anh tốt nghiệp năm 2008, anh mắc nợ khoảng $50,000 vay của SLM Corp. (Sallie Mae), cơ quan cho vay tiền học tư nhân lớn nhất Hoa Kỳ. Ðến Tháng Mười Hai năm ngoái, khi đang đi làm ở Boston với số lương $29,000 một năm, anh bị cho nghỉ việc và ngưng việc trả nợ tiền học. Nay bà mẹ của anh, người từng đứng ra ký giấy nợ chung với anh và hiện cũng đang thất nghiệp, bị cắt $120 trong số tiền trợ cấp thất nghiệp $300 để trả cho món nợ này. Anh Tellez nói rằng khi anh ký giấy nợ, các điều khoản đã không được giải thích rõ ràng, tuy anh thú nhận rằng mình không đọc kỹ mọi thứ trên giấy nợ.

Heather Ehmke ở Oakland, tiểu bang California, tái thương thảo các điều kiện về nợ nhà của bà sau khi căn nhà đang ở bị công ty cho vay dọa xiết. Nhưng ngay cả sau khi khai phá sản, bà cho hay vẫn không thể thuyết phục Sallie Mae, một trong các công ty cho vay nợ tiền học, điều chỉnh khoản nợ của bà. Sau 14 năm, tiền nợ tăng từ $28,000 lên hơn $90,000. Tiền trả hàng tháng tăng từ $230 lên $816. Và hồi tháng qua, đơn xin giảm nợ vì có quá nhiều khó khăn tài chánh của bà đã bị tòa bác bỏ.

Bác Sĩ Bisutti cho hay bà yêu nghề của mình nhưng hối tiếc vì đã mượn nợ quá nhiều. Bà công nhận có lỗi lầm khi không chịu trả đều đặn tiền nợ, trì hoãn trả nợ và không hoàn tất các hồ sơ cần thiết, nhưng vô cùng ngạc nhiên khi thấy món tiền nợ có thể tăng vọt lên cao chỉ trong một thời gian ngắn.

Bà nói khi vào trường Y năm 1999 bà đã biết là sẽ mượn nhiều nợ, nhưng nghĩ rằng số tiền kiếm được khi hành nghề bác sĩ sẽ giúp trả các món nợ này thật dễ dàng.

Bác Sĩ Bisutti mượn hết số tiền có thể mượn được từ chính phủ liên bang, khoảng $152,000 trong bốn năm, và mượn thêm tiền từ các ngân hàng tư, kể cả Sallie Mae và Wells Fargo. Tổng cộng số tiền nợ là $250,000.

Năm 2005, bà phải bắt đầu trả nợ lại cho Wells Fargo. Nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho cha của bà, ông Michael Bisutti, mỗi ngày trong hai tháng liền để đòi nợ, vì ông đã ‘co-signed’ cho con gái mình. Ông Bisutti cuối cùng phải bằng lòng trả $550 mỗi tháng.

Sallie Mae trong khi đó gọi điện thoại cho hàng xóm của ông Bisutti và người hàng xóm kể lại cho biết. “Nay thì ai cũng biết là bà bác sĩ con gái ông Bisutti trốn nợ,” Bác Sĩ Bisutti cho hay.

Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện chuyên môn (fellowship) năm 2007, Bác Sĩ Biscutti vất vả trong việc trả nợ, kể cả các món nợ thẻ tín dụng. Bà không đủ sức trả các món nợ tiền học lên đến khoảng $1,000 mỗi tháng. Năm đó, bà ngưng trả nợ chính phủ cũng như các món nợ tư nhân. Ðó là lúc số tiền “lệ phí đòi nợ” $53,870 được cộng thêm tổng số nợ ngân hàng tư nhân của bà.

Trong khi đó, tiền lời tiếp tục được cộng thêm vào tiền nợ và nợ đơn nợ kép cứ chồng chất lên nhau. Bà hiện trả $550 mỗi tháng cho hai món nợ từ Wells Fargo. Ðến khi trả dứt số nợ, bà sẽ phải trả ngân hàng này tổng cộng $128,000-nghĩa là hơn gấp ba lần số tiền $36,000 đã mượn.

Mới đây, Bác Sĩ Bisutti ký kết thỏa thuận về các món nợ chính phủ liên bang, theo đó bà phải trả $990 mỗi tháng, trong số này chỉ có $100 dùng để trả vào món nợ lúc đầu, phần còn lại là trả tiền lời. Các món nợ liên bang dự trù sẽ trả xong trong 351 tháng. Lúc đó bác sĩ Bisutti sẽ được 71 tuổi.

Bác Sĩ Bisutti kể câu chuyện nợ nần của mình cho cô cháu gái 17 tuổi để “thế hệ sau khi vào đại học biết trước như thế nào,” bà nói. “Phần tôi, tôi sẽ phải ôm món nợ này trong suốt đời mình.”

(N.X.) - Người Việt Online