Hoa Kỳ sẽ ‘Cải Tổ Di Trú Toàn Bộ’ Quyền lợi cho di dân hợp pháp?

thieuminh72

Thành viên tích cực
#1
Hoa Kỳ sẽ ‘Cải Tổ Di Trú Toàn Bộ’ Quyền lợi

cho di dân hợp pháp?​



Nếu thắt chặt Luật Di Trú, Hoa Kỳ sẽ thiếu hụt lao động cho các ngành nghề không cần chuyên môn.
Bộ trưởng Bộ Nội An Hoa Kỳ, bà Janet Napolitano.


Năm 2007 các nỗ lực cải tổ Luật Di Trú của cựu Tổng Thống George W. Bush tưởng chừng thành công trong tầm tay, nhưng tới phút chót đã thảm bại khiến hàng chục triệu cư dân bất hợp pháp lại bị đẩy xuống “vực thẳm thất vọng.”

Khi vận động tranh cử, Tổng Thống Obama cũng sử dụng cây bài “Cải tổ Di Trú” để tìm kiếm sự ủng hộ của người Mễ vì đa số cư dân bất hợp pháp đến từ Mễ Tây Cơ.

Cho đến nay vấn đề cải tổ di trú vẫn chưa được hâm nóng trở lại vì chính quyền Obama còn phải lo đối phó với hai cuộc chiến gian nan và nền kinh tế chưa có dấu hiệu ra khỏi cơn khủng hoảng trầm trọng và cải tổ bảo hiểm y tế đang ở đỉnh cao của cuộc chiến giữa hai đảng; trong khi đó hàng chục triệu người Mỹ thất nghiệp khiến vấn đề cải tổ di trú bị đóng băng trong trái tim của đa số dân Mỹ.

Có thể sau khi vấn đề cải tổ y tế đã ngã ngũ thì vấn đề “Cải Tổ Di Trú Toàn Bộ” mới được khơi dậy vì mới đây bà Janet Napolitano, bộ trưởng An Ninh Quốc Nội, trong bài diễn văn đọc tại Trung Tâm Center for American Progrress đã đưa ra những ý tưởng chỉ đạo cho chính sách “Cải Tổ Di Trú Toàn Bộ” (Comprehensive Immigration Reform), từ đây xin được viết tắt la CIR, của chính quyền Obama.

Bà Janet Napolitano đưa ra các nét chính của CIR của chính quyền Obama như sau:

“Khi nói tới ‘cải tổ di trú’ là tôi nghĩ tới một cái ‘ghế 3 chân’ bao gồm sự cam kết về các nỗ lực thi hành luật pháp một cách nghiêm chỉnh và hữu hiệu, về gia tăng làn sóng di dân đoàn tụ gia đình và di dân lao động, về phương thức giải quyết một cách công bằng cho tình trạng cư trú của 12 triệu cư dân (bất hợp pháp) đang sống ở Mỹ. Ðó là cách giải quyết các vấn nạn di trú vì chúng ta phải giải quyết cả ba mặt đó để thiết lập được một hệ thống (di trú) thành công.”

Bà Napolitano cho rằng nếu chỉ cải tổ một mặt, như thất bại đã thể hiện trong luật ân xá năm 1986. Các nỗ lực thi hành luật pháp, mặc dầu được đặt ra trong chính sách cải tổ 1986 để cân bằng với hành động ân xá nhưng không thực hiện rốt ráo dẫn đến sự hiện diện của trên 12 triệu cư dân lậu khiến người dân Mỹ mất tin tưởng vào mọi nỗ lực cải tổ di trú của chính phủ.

Ðó chính là nguyên nhân đưa đến thảm bại cải tổ di trú năm 2007 của TT Bush vì dân Mỹ không tin tưởng chính quyền có thiện chí và khả năng ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp. Các biện pháp dựng hàng rào biên giới, truy tố các công ty trục lợi nhờ nguồn lao động rẻ mạt của cư dân bất hợp pháp.

Bà Janet Napolitano đã đưa ra những “thành tích” mới để trấn an dân chúng như:

- Hệ thống bảo vệ biên phòng gồm nhân lực, kỹ thuật hiện đại và hạ tầng cơ sở mới được tăng cường liên tục: 20,000 nhân viên bảo vệ biên phòng; trên 600 dặm hàng rào biên giới

- Truy lùng, bắt giam và trục xuất trên 111,000 cư dân lậu can phạm.

- Trên 167,000 chủ nhân đã sử dụng hệ thống điện tử kiểm chứng tình trạng cư trú (E-Verify System), mỗi tuần có thêm 2,000 chủ nhân sử dụng hệ thống này.

- Phối hợp các cơ quan thi hành luật di trú với các cơ quan an ninh địa phương trong nỗ lực tảo thanh các cư dân lậu can phạm.

Bà Napolitano muốn thuyết phục dân chúng rằng nếu chính sách cải tổ di trú mới có một điều khoản ân xá cho 12 triệu cư dân bất hợp pháp thì hệ thống bảo vệ biên giới mới, và chính sách thi hành luật pháp nghiêm chỉnh và hữu hiệu sẽ bảo đảm chấm dứt làn sóng di dân lậu vào Mỹ như đã diễn ra sau luật ân xá 1986.

Di dân là hai mặt của chiếc huân chương. Nếu buông lỏng thì làn sóng di dân lậu sẽ làm cho hệ thống trường học, nhà thương sẽ bị phá sản, đồng thời gia tăng tội ác trên đường phố. Nếu thắt chặt quá thì Hoa Kỳ sẽ thiếu hụt lao động cho các ngành nghề không cần chuyên môn. Do đó một mặt phải đóng cánh cửa di dân lậu, mặt khác phải mở rộng cánh cửa di dân đoàn tụ gia đình và di dân lao động. Nhưng tăng như thế nào để người di dân không ảnh hưởng tới an toàn của thị trường lao động bản xứ.

Vấn đề không phải là không thể tìm được một giải pháp đúng đắn cho vấn nạn di trú mà là không tìm được một chính sách cải tổ đáp ứng được mọi yêu sách của các tầng lớp xã hội khác nhau.

Chính vì thế mà vấn nạn di trú cứ như một trái banh bị thẩy lên thẩy xuống hết từ năm này sang năm khác, từ Quốc Hội này sang Quốc Hội khác, từ chính quyền này sang chính quyền khác.

Liệu chính quyền Obama có thực hiện được những cam kết mà bà Janet Napolitano đã tuyên bố không. Riêng đối với người di dân đoàn tụ gia đình nỗi lo âu chung vẫn là thời gian chờ đợi đằng đẵng 5 năm, 10 năm và có khi lên tới 20 năm. Nếu Quốc Hội không gia tăng “quota” thì thời gian chờ đợi sẽ tăng dần theo thời gian, vì càng ngày càng có thêm người bảo lãnh mà “quota” vẫn giậm chân tại chỗ./-



-------
Hà Ngọc Cư