Một chút buồn vui nơi tha hương

#1
Tôi không có mộng đi Mỹ nên khi nghe chị tôi bảo " Thanh, em theo anh Lư và chị Hường đi vượt biên nhé!!" tôi chối đây đẩy ...

- không, em không muốn đi đâu ? em ở nhà ...

- đi mới có tương lai chứ ? em lanh lẹ lại học giỏi nhất nhà, có đi ra nước ngoài thì mới giúp đỡ được gia đình ...

- Không chịu!! chị Thúy học giỏi hơn em mà!!

- nhưng con Thuỷ khờ khạo lắm, không lanh lẹ bằng mày đâu !! nghe lời chị đi!! chị chắt chiu lắm mới lo được hai chỗ cho em và Hường đi đó!!

- hichichic!! đi thì đi .....

Tôi giận lẫy, dỗi hờn phụng phịu ....dạo ấy tôi chỉ 13 tuổi, đang học lớp 9, một buổi đi học còn một buổi đi bán, tuổi thơ đang vui nhộn với nhiều bè bạn, tôi chả thích đi vượt biên chút nào!!

Chuyến đi ấy may ít rủi nhiều nên cả gia đình anh Lư và hai chị em tôi đều bị bă't . Tôi nhớ đêm hôm đó chúng tôi theo ghe ra tàu lớn thì bị bể bãi, công an phát giác, anh Lư sợ quá nên nhảy đại xuống nước để bơi vô,hai chị em tôi không biết bơi nên đành chịu trận theo công an về bót!! ai dè anh Lư bơi vô lại bị sa lầy, anh càng nhúc nhích cựa quậy thì càng lún sâu ...anh mếu máo rên rỉ - thôi, chị em bây có muốn đi Mỹ đi tây thì cứ đi, tao ở lại giữ cái mạng già cho chắc ăn!!

Lần ấy chỉ có tôi trẻ con là được tha bổng, còn vợ chồng anh Lư cùng chị Hường tôi thì bị bắt!! Một năm sau, chị Hà tôi lại thu xếp cho chị Hường tôi đi lần nữa nhưng đi cùng anh rể tôi . Tôi nhất định không chịu đi vì lúc ấy tôi hầu như là cánh tay mặt của gia đình trong vấn đề kiếm cơm . Con người ta có số có phần, lần ra đi ấy cũng là lần chị tôi vĩnh biệt gia đình không hẹn ngày tái ngộ ....bọn cướp biển đã cướp đi cuộc đời trinh trắng của chị và sóng biển bão giông đã cướp đi mạng sống của chị . Anh rể tôi may mắn sống sót nhưng không đủ sức để cứu nổi chị tôi khi vỡ taù, cuối cùng anh đành buông trôi và bất tỉnh nhân sự ...Lúc anh tỉnh dậy thì thấy tay mình quàng qua một gốc dừa trên bãi cát, còn chị tôi không biết ở nơi mô ?

Đêm đêm tôi vẫn cứ nằm mơ thấy chị mình hiện về trong tà áo dài vàng mà tru8ớc khi đi, chị tôi đã cẩn thận tặng riêng nó cho tôi làm quà thưởng khi nghe tôi được tuyển thẳng vào lớp 10 và đoạt giải nhất trong kì thi học sinh giỏi .

Kể từ tai nạn ấy, gia đình tôi không dám cho bất kì ai đi vượt biên nữa . Muời năm sau, gia đình tôi cũng lên đường sang Mỹ theo diện bảo lãnh từ vợ chồng anh hai, anh tư và vợ chồng chị ba của tôi . Thật lòng, tôi cũng chẳng muốn đi tí nào vì dạo ấy tôi thất tình, lại bệnh tật, thất chí nên trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái chết . Mẹ tôi đem cái chết ra hăm dọa nên tôi bấm bụng theo gia đình qua xum họp với các anh chị của tôi . Lần đầu tiên đi máy bay, mấy chị em tôi cũng tò mò thích thú ghê lắm!! trong nhóm người đi, chả ai biết tiếng anh gì cả ? tôi chỉ biết lõm bõm vài chữ nên được giao nhiệm vụ dẫn dắt cả phái đoàn . Ngay đến cách xử dụng toilet trên máy bay cũng không ai biết xài cả . Tôi nhớ mãi cái gương mặt hoảng hốt, sợ hãi của anh tôi khi anh hớt ha hớt hải chạy ra khỏi toilet và la lên " có ma!! có ma!!" . Tất cả mọi người đổ mắt về phía anh, cô tiếp viên hàng không cũng vội vã chạy tới và hỏi han rối rít

- what's going on here ?

Tôi vỗ vai anh ôn tồn hỏi :

- có chuyện gì vậy anh ?

- trong cầu tiêu có ma đấy!

- ma cỏ gì ở đây hả anh ?

- hồi nãy tao đi cầu nhưng không tìm thấy cái nút nào để nhấn như hướng dẫn của mấy người chỉ bảo lúc mình coi phim ở Thái Lan, tao thấy kì nên đóng nắp cầu lại ai dè nghe tiếng động lớn quá nên chắc chắn là có ma rồi .....

Tôi phá ra cười ngặt nghẽo vì sự thơ ngây quê mùa của anh mình . Nghe tôi giải thích, cô tiếp viên cũng không nín được cười ....Kỷ niệm đầu tiên của gia đình chúng tôi là như vậy đó!

Về tới khách sạn ở Newyork, chúng tôi bắt buộc phải nghỉ đêm để sáng hôm sau bay đi Baltimore . Phòng ngủ của ba mẹ con tôi rộng thênh thang, hai giường lớn nhưng cả ba mẹ con đều chui vô một cái giuờng chùm kín mít mà vẫn thấy lạnh run!! Sát bên kia là phòng của cha tôi cùng ông anh và thằng Út, anh tôi mau mắn lanh lẹ hơn nên tót lên cái heat ngồi cho nó ấm, lại còn đem áo quần hơ trên cái heat cho bớt lạnh . Rồi thì người hướng dẫn đưa chúng tôi xuống dưới để kiếm gì ăn cho buổi tối .

Nhìn thấy người ta có khoai tây chiên thiệt ngon lành nên thằng em tôi nhanh nhẩu khi ông hỏi :

- What do you like to eat ?

- Pồ tá tồ....chiên .....í .....pồ tá tồ frai!!

- I ' m sorry ! what ?

Tôi không dám lên tiếng vì thực sự cũng không biết khoai chiên gọi bằng gì ? thằng em tôi thì lại nghĩ rằng nó phát âm sai nên đĩnh đạc nhắc lại ....

- Pồ tố tà frais, plis!!!

Thằng cha Mỹ ngơ ngác ....." what ' s that ?" Em tôi bắt đầu lúng túng, còn tôi thì nói " mày nói sai rồi ..."

Nó liền đổi giọng " tồ mế tồ frais, plis!!"

Lúc này thằng Mỹ bắt đầu khúc khích cười nên em tôi quê hơn, còn ba mẹ tôi thì bắt đầu bực mình :

- ra chỗ đó chỉ cho nó xem là xong, nói lăng nhăng nó đâu có biết!!

Tôi bảo em tôi:

- tồ mế tồ là cà chua mày ơi, pồ tá tồ mới là khoai tây!!

- sao em nói nó không hiểu ?

- thôi nhịn ăn là xong chuyện, em gái tôi chêm vào .

Thằng em tôi đâu có chịu ? nó lôi thằng mỹ ra bàn kế bên và chỉ tận gói khoai tây chiên mà người ta đang ăn, lúc đó thằng mỹ vỡ lẽ và cười ngặt nghẽo ....

Chuyện nào có ngừng ở đó, gia đình đi cùng chuyến với chúng tôi còn ngầu hơn, cô nhỏ 16 tuổi muốn ăn bánh mì với trứng gà ốp la nhưng không biết nói tiếng Mỹ . Nghe cô diễn tả mà tất cả mọi người cả Mỹ lẫn việt đều cười bò ... cô đứng giang tay vẫy vẫy, miệng không ngớt la "I want cụ....c tác cụ...c tác ...rồi cho tay vào sau đít giơ ra cái nắm tròn tròn !! khiến tụi mỹ tưởng đâu cô đòi ăn phân gà!!

Tôi cười ra nước mắt ....và cũng vì những hình ảnh ấy khiến về sau tôi quyết chí đi học tiếng anh chứ không thể để người nước ngoài chế nhạo, cười cợt!!

Ngôn ngữ quả thật là vấn đề nan giải cho hầu hết những người việt tị nạn . Vì không biết tiếng anh nên đi làm chúng tôi luôn bị kì thị và ăn hiếp.... Tụi mỹ luôn giao cho người việt làm những công việc bẩn thỉu, nặng nhọc . Cùng là công nhân với nhau nhưng tụi Mỹ cứ đè những người việt mà sai vặt, mà ăn hiếp!! việc ngon, việc nhàn thì chúng nó dành, còn việc khó, việc ít tiền thì chúng đùn qua cho chúng tôi!! Chính bản thân tôi cũng từng bị chúng ăn hiếp đến nỗi tôi phải quit job nhưng số tôi may, quit chỗ này tôi có việc làm ngay chỗ khác, chỉ tội cho em gái tôi cứ bị ăn hiếp dài dài!!

Vấn đề ngôn ngữ khác biệt đôi khi vui nhưng cũng lắm lúc buồn, lắm lúc đau lòng điên dại ....Tôi nhớ hôm đi chợ Lowe mua đồ sửa nhà thì vô tình gặp một ông Vietnam cũng đi chợ .... ông ta ra sức diễn tả cho người nhân viên tìm hộ ông cây búa mà không biết nói làm sao ? cứ " I want the bụp bụp bụp " rồi thì dơ tay gõ xuống khoảng không liên tục khiến thằng Mỹ cũng phì cười, song nó hiểu ngay là ông muốn kiếm cái hammer .

Ngày ngày tôi cuốc bộ đi làm . Tan sở, tôi lại cuốc bộ đi học, trời lạnh, trời mưa, hay trời bão gì tôi cũng quyết không bỏ lớp dù đêm nào về tới nhà mắt tôi cũng đỏ hoe vì khóc, vì không hiểu bài hoặc vì bị thầ cô chiếu cố mà không trả lời được!! Tôi qua Mỹ ở cái tuổi 26, lại không có vốn tiếng anh vững vàng cơ bản ở Việt nam nên qua đây, cái giọng phát âm của tôi cứ sượng như khoai lang sùng!! Thông thường, tôi mang cơm theo để ăn lúc đi làm và kể cả lúc đi học, nhưng có một hôm trên đường đi đến trường, tôi thấy mọi người xúm lại ở góc đường số chín . Tò mò, tôi cũng ghé lại xem thì thấy một bà tóc đen như người VN ta đang gào lên trong phone, bên cạnh là chiếc xe móp đít của bà, giọng nói lớ lớ mỹ không ra mỹ, tàu không ra tàu, Việt nam cũng chẳng giống Viet nam, bà lại dùng tiếng bồi khiến mọi người, nhất là cái đám xì pan nich cứ bu lại rồi cười khả ố :

- Sir .....there is accident on surger nine!! ............chả hiểu ông cop nói gì mà bà gào lên " sugar number 9, understand ? right at the bottom!!" chúng nó lại cười, tôi len vào hỏi chị ta " chị là người Viet nam hả "

- phải, ngọ. ....việt lam lai tàu chút ....lị... lị ...xem, ló ủi vào đít ngọ rồi ló bỏ chạy .....

- à ...thì ra hit and run ....

Chị giãn miệng nở nụ cười khi nghe tôi nói từ hit and run, có lẽ nãy giờ chị rặn mãi mà không ra nên vội quay vô điện thoại nói tiếp ...." hit and run sir!!" Tôi bảo chị " chị đưa điện thoại cho em, em có thể nói cho tụi cop hiểu !!"

Chị nhìn tôi biết ơn rồi huyên thuyên kể " ngọ tốt quá ....cái thằng mỹ đen mất dạy, ngọ chạy xe mỹ, cái đít ngọ cứng như vậy mà ló ủi dô cái rầm rồi bỏ chạy luôn ....lị xem có tức hông ? nó tưởng ngọ ngu dốt hong biết gọi cảnh sát hả !! ngọ không biết tiếng Mỹ thì lói tiếng bồi, đâu có sợ ló !!! ngọ ghi được số xe ló rồi, kì này cho ló chít luôn!!" . Tôi mất cả buổi để giúp chị làm việc với cảnh sát nên hũ cơm tối mang vào trường đã bị thiu, thành thử xuống cafeteria của trường kiếm đồ ăn . Xuống đó, tôi gặp hai chị em nhỏ Thư và Phương cũng mới từ VN qua và vào community này để học .

Nó đứng trước quầy gà chiên dõng dạc order

- 4 chiken window please .

Con nhỏ bán hàng chơi lại nó " sorry, no chicken window!!! I don 't know what you said ....

Tôi bào chữa hộ nó " she meant chicken wing, please!" Tôi tài lanh sửa sai dùm nhưng lại vô tình va chạm tự ái của hai cô bạn việt . Có lẽ họ cho rằng tôi kiêu nên không giao thiệp với tôi nữa . Dẫu nhiều lần nghe những lời dèm pha nói xấu về tôi từ hai cô bé ấy nhưng tôi cũng chả để ý làm gì ? Tự dưng tôi bỗng thay đổi rất nhiều khi sống ở bên Mỹ này .Tôi thấy đời sống ở mỹ giống như là những vòng đua mà người tham dự chỉ cần chểnh mảng một tí thì sẽ là người rớt lại!!

Trẻ con Viet Nam ở Mỹ hầu như mất gốc, da vàng mũi tẹt nhưng lại chẳng biết nói tiếng mẹ đẻ của mình ? mà nếu tự xưng là người mang quốc tịch Mỹ thì dân Mỹ chẳng ai công nhận!! Thằng cháu con của anh hai tôi vẫn thường thắc mắc cùng tôi " I really don 't know who I m ? Vietnamese or American ?" nó bày tỏ với tôi những khắc khoải và tôi chợt nhận ra chính đời sống tất bật ở Mỹ đã khiến các bậc cha mẹ quên bẵng và không còn thì giờ dạy dỗ con cái hiểu biết cội nguồn . Thật đáng buồn !! Tôi tình nguyện làm cô giáo dạy tiếng việt cho cộng đồng người việt của xứ đạo nơi này nhưng ...một cây làm chẳng nên non nên cái lớp học ấy chỉ duy trì hơn một năm rồi cũng rã đám!! tôi chợt nhận ra người việt mình thiếu tinh thần đoàn kết rồi chạnh buồn vu vơ ....cứ như thế này thì có lẽ thế hệ trẻ VN sanh ở Mỹ rồi sẽ mất gốc cả!! chính vì những kinh nghiệm tai nghe mắt thấy mà hơn 10 năm qua tôi từng trải và từng gặp, tôi tự nhủ quyết không để các con mình mất gốc dẫu tôi có phải vất vả đánh đổi cả cuộc đời mình ......

Cội Thông Già