Những câu hỏi thường gặp và những bằng chứng cần chuẩn bị khi phỏng vấn diện F3 và F4 tại LSQ

Status
Không mở trả lời sau này.

dinhthuynhavan

Cựu Ban điều hành
#1
Những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn diện F3 và F4 tại LSQ

Kính thưa các cô chú và các anh chị. Vân xin phép tập hợp một số câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn diện F3 và F4. Có một số câu hỏi trùng lắp về nội dung nhưng Vân vẫn giữ lại để thấy sự đang dạng của cách hỏi. Hy vọng rằng sẽ giúp ích cho các cô chú và các anh chị. Đồng thời cũng kính mong các cô chú, các anh chị bổ sung thêm để diễn đàn của chúng ta thêm phong phú và giúp ích cho những người đi sau. Vân xin cảm ơn các cô chú và các anh chị đã quan tâm và chia sẻ.

A/ Những câu hỏi về mối quan hệ giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh chính.

  • Người bảo lãnh làm sao qua Mỹ được?
  • Người bảo lãnh đi năm nào?

  • Người bảo lãnh đi diện gì?(đi vượt biên )
  • Đi năm nào? Ở đảo nào? Ở nước nào?
  • Lúc đó đi với ai? Có đi vượt biên chung với bà con không?
  • Có người thân nào bên Mỹ nữa không?
  • Người bảo lãnh có gia đình chưa?
  • Chồng (vợ) người bảo lãnh tên gì?
  • Người bảo lãnh có con chưa?
  • Con người bảo lãnh sinh con lúc nào? Em bé có tên chưa ? tên gì?

  • Người bảo lãnh đi sang Mỹ bằng cách nào?
  • Hiện giờ người bảo lãnh đang sống với ai?

  • Người bảo lãnh đi năm nào? Bằng cách nào?
  • Người bảo lãnh đã kết hôn chưa?
  • Người bảo lãnh có con không?
  • Hình ảnh gia đình đâu?
  • Người bảo lãnh đứng ở đâu?
  • Hình này là hình đám cưới của ai?
  • Chị có người quen bên Mỹ không? Những ai? Kể ra?

  • Người bảo lãnh tên gì
  • Người bảo lãnh sống ở đâu trên nước Mỹ
  • Người bảo lãnh đi năm nào
  • Người bảo lãnh đi diện gì
  • Người bảo lãnh làm nghề gì

  • Người bảo lãnh là ai? (là Bố)
  • Người bảo lãnh có mấy người con?
  • Người bảo lãnh qua Mỹ bằng cách nào? (HO)
  • Người bảo lãnh đang làm gì (hưởng trợ cấp )
  • Lúc đi HO, sao anh không đi cùng? (Lập gia đình nên không đi đươc)
  • Người bảo trợ là ai? , người bảo trợ đang làm gì?

  • Người bảo lãnh đi Mỹ năm nào?
  • Đi bằng cách nào (vượt biên)
  • Ở đảo nào , nước nào?

  • Mẹ chị đi năm nào?
  • Bà đi theo diện gì?
  • Khi bà rời Việt Nam thì bà đi với ai?
  • Ba Mẹ chị có bao nhiêu người con?
  • Có bao nhiêu người bên Mỹ?
  • Những người bên Mỹ làm nghề gì?

  • Người bảo lãnh vượt biên vào tháng năm nào? Vượt biên bằng cách nào?
  • Ở đảo nào thuộc nước nào? Anh đi một mình hay đi chung với bà con?
  • Người bảo lãnh được từ đảo nhập cảnh vào Mỹ vào tháng năm nào?
  • Ai đã bảo lãnh cho anh từ đảo nhập cảnh vào Mỹ?
  • Cùng bảo lãnh từ đảo nhập cảnh vào Mỹ anh có đi cùng với ai không?
  • Người bảo lãnh về VN mấy lần? Vào những tháng năm nào?
  • Người bảo lãnh đã kết hôn chưa? Vợ và các con tên gì?
  • Các con của người bảo lãnh sinh năm nào?
  • Hiện nay người bảo lãnh đang sống với ai?
  • Đang ở địa chỉ bao nhiêu? Số điện thoại và địa chỉ email?
  • Người bảo lãnh đang làm nghề gì?

B/ Những câu hỏi về mối quan hệ giữa người được bảo lãnh chính và các thành viên còn lại trong gia đình được đi theo.
  • Cô còn nhớ sinh cháu năm nào?
  • Ngày mấy tháng mấy?
  • Sanh lúc mấy giờ?
  • Khi mới sanh cháu cân nặng bao nhiêu?
  • Sanh ở bệnh viện nào?

  • Con anh học trường nào? (Mình kể tên trường và đưa học bạ đã xin trích xuất của trường cháu học trước khi đi phỏng vấn ra sau khi trả lời tên trường cho họ xem thì họ lại hỏi con)
  • Cô hỏi con tại sao các môn khác đều 10 điểm, riêng môn khoa học lại có 9 điểm? (Học bạ ghi điểm học kỳ của cháu tất cả các năm từ lớp 1 đến lớp 5 hiện tại)
  • Cháu có nhớ câu bị sai sót đó là câu gì không?
  • Cháu có rút kinh nghiệm sau khi bị sai câu đó không?

  • Ba mẹ chồng của chị tên gì? Anh chồng của chị tên gì? (hỏi người vợ của người được bảo lãnh chính)
  • Gia đình vợ anh có mấy anh em?
  • Tại sao Giấy Khai sinh của chị phải làm lại đăng ký mới? Giấy khai sinh cũ đâu?
  • Con gái chị học trường nào?
  • Con gái chị thích ăn món gì?
  • Con gái út chị sinh ở đâu?
  • Sinh ở nhà hay ở bệnh viện?
  • Sinh có khó khăn gì không – (Dạ,sinh mổ)

  • Anh có mấy người con? (3 người)
  • Tại sao con lớn của anh không đi? (đã lập gia đình )
  • Chị kết hôn được bao lâu? (hỏi người vợ của người được bảo lãnh chính)
  • Chị có mấy người con?
  • Con chị còn đi học không?
  • Học ở trường nào?
  • Trường đó ở đường tên gì?
  • Các cháu sanh ở đâu?
  • Sanh ở nhà hay ở bệnh viện?
  • Bệnh viện tên gi?

  • Chị đám cưới được bao nhiêu năm rồi? Đám cưới ở nhà thờ ngày nào? (hỏi người vợ của người được bảo lãnh chính)
  • Chồng chị sinh nhật ngày nào? Anh ấy làm ở cty tên gì?
  • Em trai của cháu tên gì? bao nhiêu tuổi? (hỏi người chị 23 tuổi về đứa em 19 tuổi)
 
Chỉnh sửa cuối:

dinhthuynhavan

Cựu Ban điều hành
#2
Những bằng chứng cần chuẩn bị khi phỏng vấn diện F3 và F4

Kính chào các cô chú và các anh chị. Vân xin phép chia sẻ kinh nghiệm về các bằng chứng để chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn khi phỏng vấn.
Đây chỉ là chia sẻ kinh nghiệm, vì vậy sẽ có rất nhiều thiếu sót. Kính mong nhận được góp ý bổ sung vào bài viết này. Cảm ơn sự quan tâm của các cô chú và các anh chị.

A/ Những bằng chứng về mối quan hệ giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh chính: Những bằng chứng này có mục đích chứng minh với nhân viên LSQ về mối quan hệ ruột thịt thật sự ngoài tờ giấy khai sinh đã nộp cho NVC.

1 – Những bằng chứng là hình ảnh:
- Những tấm hình nên dán vào hai mặt của tờ giấy bìa A4 có độ dày như bìa cuốn vở. Khi dán hình xong trên hai mặt tờ giấy của A4, tờ giấy A4 này sẽ được ép giữa 2 tờ A4 nilon trong, dùng băng keo trong dán gấp dọc bốn cạnh biên xung quanh (giấy A4 bìa và A4 nilon trong làm bìa đều có sẵn ở các của hàng bán VP phẩm).
- Hình được trình bày theo trình tự thời gian, nơi chốn.
- Dán các ghi chú thích-thuyết minh của tấm hình trên giấy hay trên lớp nilon bọc ngoài. Nội dung thuyết minh bao gồm: Hình được chụp ở đâu, vào năm nào, vào dịp nào, tên người cần thuyết minh mối liên hệ có đánh số (1), (2).
- Dùng viết lông dầu ghi chú số (1), (2), trên lớp nilon phủ ngoài tấm hình để đánh dấu người muốn thuyết minh.
- Các tờ giấy A4 sau khi dán hoàn thành các hình ảnh và chú thích, sẽ được đánh số (page 1 hoặc sheet 1, ...)

2 – Những bằng chứng là các giấy tờ có chứng thực (có mộc) của hành chính, nhà trường, tôn giáo như:
- Bản photo sổ hộ khẩu cũ hay tờ khai gia đình có ghi tên hai người, các giấy giấy quyết định có chứa tên các người cần dẫn chứng (quyết định lưu cư, quyết định cho nhập hộ khẩu, quyết định cưỡng chế tài sản ghi tên các thành viên cùng liên quan đến tài sản, phán quyết án dân sự có ghi tên các thành viên gia đình liên quan ...), học bạ hay sổ liên lạc, sổ gia đình Công Giáo, giấy rửa tội ....
- Các bằng chứng này có thể dùng tờ A4 nilon cắt bằng khổ, sau đó dùng cái kẹp giấy (attach) kẹp tờ nilon đã cắt ở mặt có thông tin cần thuyết minh. Cái kẹp giấy và tờ nilon sẽ làm vật đánh dấu trang và có thể dễ dàng dán giấy thuyết minh hay ghi chú thích bằng viết lông dầu lên tấm nilon.

3 – Những bằng chứng khác: Thư từ hay thiệp chúc, in email giữa hai người, các hình chụp của người bảo lãnh và người bảo lãnh có ghi chú mặt sau gởi về cho người được bảo lãnh (VD như có ghi: ba má chụp ở cầu cổng vàng (F3), hình gia đình anh chị hôm sinh nhật cháu (F4) ...), vé máy bay của người bảo lãnh về VN, sổ khai tạm trú khi người bảo lãnh về thăm nhà, giấy tính tiền hay hóa đơn khách sạn khi người bảo lãnh về VN, các giấy đăng ký tour du lịch, tờ gia phả dòng họ có tên hai người ....

*** Những bằng chứng mối quan hệ được chia làm hai loại:

+ Bằng chứng trực tiếp: Rất cần nhiều bằng chứng loại này. Đây là những bằng chứng trực tiếp giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh chính như: Hình ảnh chụp chung có hai người, sổ hộ khẩu hay tờ khai gia đình có tên hai người, học bạ của con có tên cha mẹ (F3) ....

+ Bằng chứng gián tiếp: Sẽ cần đến nếu bằng chứng trực tiếp không nhiều. Đây là những bằng chứng mối quan hệ ruột thịt thông qua người ruột thịt thứ ba như: Hình người bảo lãnh chụp với con gái lớn và hình người được bảo lãnh chính chụp chung với chị gái (F3), hình người bảo lãnh chụp với ba mẹ và hình người được bảo lãnh chính chụp với ba mẹ (F4), học bạ của người bảo lãnh và người được bảo lãnh chính có cùng tên cha mẹ (F4) ...

B/ Những bằng chứng về mối quan hệ giữa người được bảo lãnh chính và các thành viên còn lại trong gia đình được đi theo: Các bằng chứng này rất cần, nhất là khi người được bảo lãnh chính lập gia đình hay sinh con sau ngày nộp đơn (priority) hay ngày chấp thuận (approval). Những bằng chứng này chỉ có bằng chứng trực tiếp.

1 – Bằng chứng là hình ảnh:
- Ảnh chụp thời hai vợ chồng thời còn quen nhau (chưa cưới), ảnh đám cưới hai vợ chồng, ảnh chụp các kỳ lễ Tết (nên là các hình ảnh chụp trong nhà đang ở ...)
- Ảnh chụp các con từ lúc còn bé đến lớn (nên là các hình ảnh chụp trong nhà đang ở và theo trình tự thời gian để người LSQ thấy được khuôn mặt thay đổi theo thời gian đến hiện nay...)

2 - Những bằng chứng là các giấy tờ có chứng thực (có mộc) của hành chính, nhà trường, tôn giáo như: Giấy chứng sinh, bản sao có công chứng của sổ hộ khẩu cũ, sổ gia đình Công Giáo, giấy tờ nhà đất đứng tên hai vợ chồng, học bạ và sổ liên lạc của các con từ các cấp học ....

Ngoài ra nếu người bảo lãnh ở Mỹ đã lớn tuổi, thì nên có một bằng chứng nữa là tấm hình chụp người bảo lãnh cầm tờ báo có ngày phát hành trước ngày phỏng vấn vài ngày. Điều này sẽ cho nhân viên phỏng vấn biết là người bảo lãnh tuy lớn tuổi nhưng còn sống tại thời điểm phỏng vấn.

Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các cô chú và các anh chị. Nếu có gì sai sót, rất mong được góp ý sửa chữa.
Kính chúc các cô chú và các anh chị sớm đoàn tụ nơi xứ cờ hoa.
 
Chỉnh sửa cuối:
Status
Không mở trả lời sau này.