Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Jenny

Cựu Ban điều hành
#1
1.

Nhà mình qua Mỹ theo diện HO vào cuối năm 1991. Vì là tị nạn chính trị nên gđ được hưởng trợ cấp căn bản trong 6 tháng đầu. Trong vòng 6 tháng đó, gđ mình cũng đã bắt đầu đi kiếm việc làm.

Ba mình phụ bếp cho nhà hàng VN. Một lần ông về khuya, làm mệt hoa mắt nên vượt đèn đỏ xảy ra tai nạn. Rất may là ông không bị thương tích. Xe vốn cũ nên hư hoàn toàn. Mình mới qua, cũng chẳng có đồng nào trong bank nên bảo hiểm đối phương đòi riết mà không được; họ chịu thua thôi. Mình trọc đầu làm sao họ nắm tóc mình được.

Mẹ mình không biết lái xe, ở nhà đưa đón em mình đi học & nấu cơm, nội trợ.

Chị mình ban đầu làm ở shop may. Thình lình shop đóng cửa giựt luôn tiền công. Sau này chị đi làm hãng may áo tắm.

Mình lúc đó dưới 18 tuổi nên chui vào High School. Mình đi đi về về bằng xe đạp; ba mình mua xe đạp bự bằng xe đạp VN, sườn đặc nên nặng lắm (học sinh bên này chạy xe đạp nhỏ xíu hà, nhỏ hơn xe đạp mini nữa). Đi xe bus $1/ngày. Gđ mình còn nhiều thứ chi tiêu khác nên mình muốn tiết kiệm, không muốn tạo gánh nặng thêm cho gđ.

Một lần, trời mưa to không ngớt. Bầu trời còn mây đen xám xịt nên mình và nhỏ bạn VN (cũng chạy xe đạp cùng đường) rủ nhau đi về. Có ông Mỹ tới đón con nói lên ông chở dùm (ông tưởng 2 đứa đi bộ)...

- Cám ơn ông, tụi tui còn xe đạp nữa...
- Bỏ sau xe tao chở luôn cho...
- Xe tui bự lắm, chắc chắn không vừa. Cám ơn ông lần nữa...

Và rồi 2 đứa đạp xe về trong mưa. Vừa chạy vừa vuốt nước mưa trên mặt để thấy đường, cũng đồng thời cố gập người che cái ba lô lúc đó đổi đeo ra đằng trước để che cho tập vở khỏi bị ướt . Có đoạn nước mưa chưa rút kịp, xe chạy ngang bắn tung tóe lên áo quần. Về đến nhà là ướt như chuột lội.

Thấy mình ướt mèm, bưng chiếc xe đạp nặng trịch lên khu apartment tầng 2, mẹ mình xót xa lắm. Nhưng mình ngược lại thì thật sự hoàn toàn không có cảm giác bi quan cho mình. Ở Mỹ, ở VN, hay ở đâu cũng vậy, lúc nào cũng là "vạn sự khởi đầu nan". Hơn nữa, đạp xe dưới cơn mưa... có gì là to tát đâu. Giá mà lúc đó mình biết yêu sớm, cùng người yêu đạp xe trong mưa... lãng mạn biết biết chừng nào! Tắm rửa sạch sẽ... là mọi việc trở nên bình thường.

Sau này ba mình mua chiếc xe cũ khác, chở mình tới trường rồi ông ra nhà hàng làm. Mình đi bộ về nhà. Tan học, mình ghé shop may chị mình may xin cắt chỉ (cắt chỉ dư ở những mối chỉ bắt đầu và cuối cùng trên áo quần may). Lúc đó là 3 cents/cái. Ngày này dồn ngày nọ, kiếm thêm chút đỉnh. Lần cuối cùng mình bị "giựt hụi" chung số với chị mình.

Bực, tức... nhưng rồi cũng chẳng sao. Mình hiểu cuộc sống đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng... nên cho nó vào dĩ vãng (mà không cho nó cũng tự vào, vì mình còn nhiều thứ khác để làm, không rảnh để giữ nó hoài trong đầu).

Cả nhà mình rồi cũng đâu vào đấy. Mình thấy ai cũng cố gắng, chẳng ai than phiền gì cả.

Mình tốt nghiệp High School, nhận văn bằng (Diploma). Cả nhà đi dự. Tuy bằng High School (phổ thông trung học) chẳng có gì đáng khoe, nhưng là cái bằng cấp đầu tiên mình nhận được ở Mỹ. Ai cũng phấn khởi...


2.

Mình bắt đầu vào Đại Học Cộng Đồng (Community College - ĐH 2 năm)...

Mùa học đầu tiên mình cứ nhằm những lớp ESL, Toán mà lấy . Quyển tự điển lúc nào cũng kè kè bên người . Đụng bài đọc nào là mình cũng một đến ba tờ giấy tra từ vựng . Đọc để làm bài, rồi mình giữ, nhìn tới nhìn lui ... riết quen mắt ... từ từ nó vô bộ nhớ lúc nào không hay.

Lớp Toán cũng vui lắm. Bài kiểm tra đầu tiên mình được 3/10. Lý do là mình không biết cách trình bày theo kiểu Mỹ. Bạn nghĩ xem, học xong lớp 11 ở VN, đơn giản phân số mình nhẩm (số dưới 100) là ra đáp số dễ dàng. Mình ghi kết quả, vậy mà ông thầy cho là mình "cọp bi" người khác, cho mình điểm 0 phần đó. Mình bắt đầu coi kỹ lại cách sách và bài giảng họ trình bày. Bài kiểm ngay kế mình ẵm 10/10 gọn ơ . Ông thầy có thói quen đọc tên những người đạt điểm 9, 10. Mèn ơi, mình mắc phải tên 4 chữ - N T H T. Cái chữ "HIEU" lại trở thành tên chính của mình . Ổng cứ "Hi you, Hi you" (Hi = HI, you= EU như đọc trong chữ Europe). Mình chỏng tai như điếc . Rồi ổng đánh vần ra, lúc đó mình mới ngỡ ngàng giơ tay. Sau này ổng biết mình, mỗi lần đọc tên là ổng nhìn tới mình rồi. Lần nào cũng được đọc tên (vì Toán so với VN dễ quá mà), riết mình thành nổi tiếng trong lớp. Mình thấy rất vui, rất muốn học thêm, học thêm ...

Chọn ngành gì cho tương lai đây?!!! Mình không có người quen để tham khảo. Vô hỏi người cố vấn trong trường họ chỉ cho mình ý kiến chung; ở đây họ muốn mình tự quyết định cho mình, họ không nói mình nên làm này, không nên làm kia. Mình tự phân tích :

- Cái gì có chữ Sĩ như Bác sĩ, Nha sĩ, Dược sĩ mình không rớ tới ... vì mình biết trí thông minh của mình không đạt tới đó.

- Cái gì liên quan tới đọc chữ nhiều như Sinh, Sử, Địa, Y tá ... mình lướt qua; vì bài tập phải đọc ở nhà rất nhiều, Anh văn mình chưa đủ đọc để hiểu. Tra tự điển có từ không có nghĩa tiếng Việt, bắt buộc mình phải học thuộc lòng từ tiếng Anh. Mà một khi không hiểu thì chỉ tốn thời gian ... học vẹt.

- Computer lúc đó cũng OK, nhưng mình cái computer còn chưa có thì làm sao mà thực hành. Bỏ qua luôn.

- ...

- ...

Ghi tới ghi lui, gạch tới gạch lui, mình thấy chỉ còn Toán, Lý, Hóa đa số là nhìn con số, chữ số mà giải . Toán, Lý không có nhiều ứng dụng ... Nên chọn lựa sau cùng, gần như là bắt buộc ... mình mon men theo ngành Hóa .

---

Mình thuộc gđ có lợi tức thấp nên có tiền trợ cấp của Liên bang, Tiểu bang, hoặc mùa may mắn có thêm chút đỉnh từ quỹ của trường cho. Họ còn cho vay, chỉ trả góp với phân lời thấp sau khi ra trường 6 tháng . Thiếu nữa thì họ có thể cho vay thêm với phân lời cao hơn; phần vay thêm này phân lời tính từ lúc mình mượn. Nhưng mình không vay.

Mình đi học trường gần nhà, ở chung với gđ nên tiết kiệm được nhiều . Tiền mình dư ra sau khi mua sách vở cũng giúp ba mẹ mình phần nào chi phí trong gđ.

Ba mình nghỉ làm nhà hàng (không nhớ lý do gì ... hình như là tiệm đóng cửa).

Chị mình từ lúc làm ở shop may đã nhận hàng về nhà may đêm . Ba mẹ và mình phụ làm những khâu dễ, khâu khó chị mình làm . Mình cũng leo lên bàn máy may đạp "mô tơ" "lốc" (vắt sổ) hàng rào rào . Lúc chuẩn bị đi ngủ, đứng dậy là bụi bặm bám đầy áo quần .

Shop may khi họ tin tưởng giao hàng cho mình về nhà làm, họ giao cho mình đa số chỉ mới còn nguyên trong bọc kiếng. Mình cất chỉ mới để bán lại, dùng chỉ còn dang dở từ những đợt trước may (chỉ dang dở chủ shop không có đòi lại).

Vì muốn may nhanh, đôi khi không đạt yêu cầu, cả nhà ngồi tháo ... mòn móng tay. Có lần, họ đưa chỉ cô-tông, mình xài chỉ cũ ... ai dè nhằm chỉ ny-lông. Khi họ nhuộm hàng chỉ ny-lông không nhuốm màu, họ "mắng" mình tráo chỉ . Vừa quê, vừa tháo hàng khờ luôn . Sau lần đó, họ không cho nhận hàng nữa, phải đi kiếm shop khác .

Đa số VN mới qua lúc bấy giờ là ban ngày làm việc khác, ban đêm may thêm ở nhà .

---

Mình thấy cuộc sống cũng tạm ổn . Ở trường mình bắt đầu tham gia "Đoàn Đội". Người bạn sinh hoạt chung (qua trước mình), giới thiệu cho mình vào làm bán thời gian ở Target (bán tạp hóa, áo quần ...). Người bạn này cũng làm ở Target nhưng khâu khác . Sau này mình lại giới thiệu cho 2-3 người bạn khác qua sau mình vô làm luôn .
Họ xếp mình vô khâu xếp áo quần . Ban ngày khách hàng lựa xáo, ban đêm trước 3-4 tiếng, mình bắt đầu vô sắp xếp lại . Không chỉ đơn thuần xếp áo quần, họ kêu mình (người làm) trả lời thắc mắc của khách hàng trong chợ & qua phone . Trong chợ thì họ hay hỏi "món này nằm dãy nào","mày vô kho coi giùm tao còn món kia không" ... đại loại là như vậy . Không khó, nhưng cũng không suôn sẻ hoài .

Một lần khách hàng hỏi...

- "Bô thai" nằm đâu ?

Mình nghe được 2 chữ "bô - thai",nhưng biết được mỗi chữ "thai = tie",cộng với cái tay bả để lên cổ khi hỏi, mình cho là bả hỏi cà-vạt . Mình chỉ tay; bả theo đó .

Khì khì ... bả lườm mình muốn đứt da mặt rồi phán 1 câu với bà đi chung ...

- She don't speak English.

... rồi bỏ đi .

Mình cũng hơi quê quê, nhưng trong bụng cũng ráng "bắt bẻ" - "she mà bà dùng với don't thì bà có ngon gì đâu".

Bà khách hàng khác đứng đâu gần đó, thấy bà khách kia "khinh" mình, bả tiến tới "an ủi"...

- Mày đừng buồn . Thường những người kém học, hay ganh tị mới hay tỏ ra khó chịu với người khác . Có người này người khác; đừng để ý lời bà kia nói . Cố gắng vươn lên ...

Và bà cố gắng giải thích cho mình "bô = bow = cái nơ đeo cổ của đàn ông.

Mình nghe và hiểu được lời bà khách ... cũng có nghĩa là Anh văn của mình đã tiến bộ hơn . Mình mừng chứ không buồn suy nghĩ về bà khách khó chịu .

Mà nói nghe được chứ mỗi lần bốc phone trả lời khách hàng gọi từ nhà vào, mình run lắm . Ngay cả bây giờ mình còn không biết hết tên của những món hàng trong chợ, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, vì mình không biết nó dùng để làm gì ... thì làm sao mình tự tin nổi khi họ hỏi qua phone lúc bấy giờ .

Nhưng so sánh ra, những ngày gặp "rắc rối" với những ngày làm việc "bình yên" được xếp quý mến ... thì đâu có gọi gì là đáng kể đâu . Ngược lại, va chạm càng nhiều càng giúp mình sắc bén hơn, lanh lẹ hơn trong cuộc sống . Mình không cảm thấy bất mãn điều gì ...

---

3.

Hết mùa này sang mùa khác ... rồi mình đủ điểm chuyển lên Đại Học 4 năm (University) để tiếp tục với ngành Hóa học mình đã chọn ...

Cũng như ĐH 2 năm, mình ghi danh từ lớp dễ đến lớp khó . Lúc này, nghe thầy cô giảng bài, nghe người xung quanh nói chuyện mình đã hiểu rất nhiều; đọc sách vẫn còn nhiều từ không biết, nhưng đọc nguyên câu mình cũng nắm được nội dung . ĐH 4 năm - bài về nhà đọc + làm bài tập làm không hết; không biết mình hơi chậm hay bài giảng đi quá nhanh với ngôn ngữ mới lớn lên của mình ... mà lúc nào mình cũng không chu đáo được . Những ngày nghỉ lễ là những ngày mình tranh thủ bắt cho kịp bài .

Lúc đó mình vẫn tiếp tục việc làm part-time ở Target. Mình làm nhanh nhẹn, được việc nên được phân nhiều giờ hơn . Hơn nữa, mình cũng thích kiếm tiền, mình thấy nó dễ dàng - dạo qua dạo lại xếp ba mớ quần áo, siêng thì xếp ngay ngắn, đàng hoàng theo size theo chỗ qui định, lười thì lựa những dãy hàng nằm cuối hoặc nằm trong vách nhét cái mớ "không cùng loại" vào. Vừa làm vừa shopping, cái nào đẹp, rẻ mua luôn; cứ tà tà, mỗi tiếng qua đi là mình có $5.90 (lương minimum lúc đó là $4.25/giờ) . Vì thấy dễ dàng kiếm tiến nên ai bịnh nghỉ hoặc bận là mình sẵn sàng "thế ca"...

Và rốt cuộc là ... có vài mùa học, mình phải bỏ 1-2 lớp trong 4-5 lớp vì kham không nổi .

Nếu được "lên lớp" đều đều, nghĩa là chọn đúng lớp, không lang bang "đứng núi này trông núi nọ" rồi chạy qua chạy lại chuyển ngành, và học khá không bị điểm kém cho lớp nào, thì đúng tiêu chuẩn :

- 2 năm học sẽ đậu bằng 2 năm (AA = Associate of Arts, hoặc AS = Associate of Science)
- học thêm 2 năm sẽ đậu bằng cử nhân (BA = Bachelor of Arts, hoặc BS = Bachelor of Science)

(AS, BS cấp cho những ngành liên quan khoa học; AA, BA cấp cho những ngành khác như thương mại, kế toán, múa, vẽ ...)

Và mình, vì ham kiếm tiền, vì kẹt lớp, vì nhảy tới nhảy lui giữa Hóa và Sinh Hóa, cộng thêm vì khả năng ngôn ngữ và học không giỏi lắm ... nên kết quả là :

- Tốn 3 năm mình mới xong bằng 2 năm
- Tốn 3 năm nữa mình mới xong bằng 4 năm

Tuy nhiên, thực sự mình thấy nó rất bình thường (hay tự mình "an ủi"), vì với vốn Anh ngữ từ con số không, mình và gđ không hoài vọng mình bắt kịp dân bản xứ dược . Hơn nữa, không phải dân bản xứ ai cũng học ĐH; cũng còn nhiều người chỉ tốt nghiệp trung học . Họ cặp bồ, ngủ chung, có con ... hết học luôn . Lúc mình làm ở Target, có con Mỹ làm chung vác cái bụng bầu bự, nói là đứa thứ hai, mà nó cứ nói "bạn trai tao ..." làm mình cứ chưng hửng (vì nghĩ nó ngủ trước đám cưới, có bầu còn khoe !!!). Sau mình mới biết xã hội Mỹ đó là chuyện thường tình .


Tương tự , mình chọn ĐH 4 năm gần nhà nhất để tiện việc đi lại . Mình vẫn xin được trợ cấp liên bang, tiểu bang & trường, nhưng ít hơn vì mình có đi làm . Trả tiền học, tiền mua sách xong mình vẫn còn dư . Vì ở chung với gđ nên mình không tốn kém gì . Tiền mỗi người kiếm được đều đưa mẹ mình giữ, gom chung lại ... để chờ mua nhà .

Khi nào định cư Mỹ, bạn để ý sinh viên ở đây đi bộ rất nhanh . Lý do là trường ĐH 4 năm rộng hơn rất nhiều so với ĐH 2 năm . Lớp học nhiều khi tiết 1 đầu trường, tiết 2 gần cuối trường, đi như chạy mới kịp vào lớp . Có nhiều lớp rất rộng, gọi là "forum", có cả 100-300 học sinh, ngồi tầng tầng như trong rạp hát, và thầy giáo có micro để nói, viết trên projector phóng lên màn hình bự .

Mình không phải là "con mọt sách", cũng không phải là đứa
"miệt mài ... chơi", mình chỉ cứ ghi danh lấy lớp theo dòng thời gian .

Đã qua 2-3 mùa học, mình vẫn còn lưỡng lự - ra trường với Hóa học thì chỉ xin được việc trong ngành Hóa, còn ra trường với Sinh Hóa thì mình có cơ hội 2 bên (?)!. Nghĩ tới nghĩ lui, mình lấy lớp hướng vào Sinh Hóa (thêm vài lớp Sinh vật). Trời ơi, chui vô rồi, mình lại phải vật lộn với những từ khoa học - những từ mà nhiều khi tra ra, có khi không có, có khi có tiếng Việt mà mình cũng chẳng hiểu nghĩa của từ tiếng Việt luôn . Nội cái đơn giản nhất là cấu tạo của 1 tế bào và hình thù, chức năng ra sao mình vẫn mãi lọng cọng thì làm sao mình nhớ hết nổi những phân loại mang tiếng La-tinh của những cây cỏ, con thú . Mình không hiểu nên không thể "cố nhớ" hoài được . Bài kiểm bên này hay tổng kết toàn bộ kiến thức, không phải học ngang phần nào kiểm tra phần đó .

Chật vật lết qua 1 lớp, mình vẫn lì tiếp tục lết tới thêm lớp nữa . Kỳ này thì khuỵu thiệt, lớp kế cần kiến thức tồn đọng từ lớp trước . Thấy không "sống sót" nổi, mình đành báo bỏ lớp thay vì đợi cuối mùa lãnh hạng kém .

Hết có đua đòi, mình "an phận" chú tâm vào mỗi Hóa học .
Không phải là Sinh Hóa phải học 2 môn nên khó hơn Hóa học 1 môn, mà khi mình chọn Hóa học thôi thì mình sẽ phải đi sâu hơn về Hóa học . Lớp học càng ngày càng khó, mình cũng xém bị trượt vài môn . Có khi ông thầy ra bài kiểm khó quá, trò đạt 6/10 là cao nhất . Thầy thấy tình trạng đó lại nâng điểm lên, thí dụ cộng thêm mỗi trò 3 điểm; chứ không thì 6/10 = 60% = Thấp nhất của D = Yếu = Rớt cả lớp sao .

Sàng tới sàng lui qua bao nhiêu mùa, và cuối cùng rồi mình lại cũng đủ điểm để vinh dự nghe đọc tên lên nhận bằng cử nhân . Cả tuần kế mình vẫn còn thao thức ... tạm biệt cái thời học sinh/ sinh viên (mình không dự định học lên tiếp) . Dù sớm hôm vật lộn với sách đèn, nhưng dù sao đối với mình cũng là thời đáng yêu nhất ...

Mình đã ngủ thẳng cẳng mấy ngày sau đó bù lại những đêm thức trắng, gật gù ...

Cầm mảnh bằng trong tay, mình vẫn hoang mang ... với bằng Hóa học ... mình sẽ làm gì, công việc ra sao trong hãng xưởng . Mình trong tâm trạng mơ hồ, nhưng không 1 chút lo lắng ... vì mình tin ở Mỹ học xong mình sẽ tìm được việc nay mai mà thôi . Đất Mỹ đối với mình là miền đất hứa, nhiều triển vọng - "land of opportunities" .

4.

Và mình chuẩn bị viết đơn đi xin việc làm ...

Bắt đầu đọc báo, tìm trên" internet ... thấy cái nào dễ dễ, “không cần kinh nghiệm”, "entry level" là mình khoanh lại hết. Chưa có viết đơn xin việc làm, chưa viết bản lý lịch "resume"... nên mình còn chưa nhúc nhích . Lúc đó mình vẫn còn làm ở Target; nghỉ học nên được làm nhiều giờ hơn .

Không biết bạn còn nhớ, hay có giống mình không, vì mình nhớ hồi VN 2 tiết viết Văn, lúc nào cũng là tiết 1 mình "suy nghĩ", đến tiết 2 mình mới bắt đầu chạy trối chết từ mở bài, thân bài ... Vừa viết, vừa nhìn đồng hồ . Còn khoảng 5 phút là mình bắt đầu "Tóm lại" và viết kết luận .

Viết đơn xin việc lúc đó đối với mình cũng vậy. "Vạn sự khởi đầu nan" .

Mình "cặm cụi" sửa tới sửa lui, vì mới ra trường, có biết bên ngoài sẽ ứng dụng ra sao đâu . Bao nhiêu lần định gởi đơn đi, nhưng đơn chưa viết xong . Mình lại đọc báo, tìm việc trên internet tiếp; lại thấy họ đăng cần người . Với thôi thúc mãnh liệt ... hơn, mình rốt cuộc hoàn tất lá thư xin việc và bản resume ngắn củn .

Mình fax đơn đi, fax đi, fax đi ... Cái nào đọc thấy có liên quan Hóa học là mình fax .

Chờ đợi phone reng ...
.....
.....
.....
.....
.....

Không có ai gọi hết . Bạn ra trường cùng ngành cũng chưa . Có đứa bắt đầu đi làm thì lại đi xa, không phải lân cận .

Đợi nữa ...

Cũng chưa thấy . Mình cũng hơi hoang mang.

Cùng lúc thì chị mình chuẩn bị sinh em bé . Chị mình đã bước vào nghề nails và làm ở tiểu bang xa. Chị làm công rồi 2 vc sang tiệm ở North Carolina .

Khóa học nails vào mùa hè năm đó ở California hạ giá học phí chỉ $400. Mẹ mình cản, nhưng mình cương quyết ghi danh học . Mình nghĩ tốn $400 nhưng mình có được cái nghề phòng thân trong tay . Thí dụ xin hoài không được việc thì mình cũng có đường xoay xở ... Mình có thể bay sang chỗ chị mình, trước là phụ coi giúp tiệm trong khi chị sinh em bé, sau là "kiếm miếng cơm" của mình . Ngành nghề nào cũng OK, miễn kiếm được nhiều tiền là mình thích hà .

Sau ba tháng học, mình đi thi và đậu bằng nail.

Bay qua chỗ chị mình làm, tiệm nhỏ nhưng đông khách . Chị cho mình "vọc" một con khách; mình làm "tay chân nước". Hì hì ... tay chân mình run như cầy sấy; sơn chân mình còn OK, vì móng chân nhỏ; sơn tay mình run tay quá, móng tay mấy bà bên Mỹ vừa dài, vừa bự, mình sợ "vuốt" nó không có láng nên đẩy lại cho chị mình sơn .

Nói thiệt mình học nail để "phòng thân" chứ mình chưa có ý định hành nghề nên cũng không chú tâm trong nghề nail lắm . Vì có chuyện trong gia đình nên sau một tháng mình về lại California.

Mình lại bắt đầu đọc báo.

Thấy có việc đăng "làm tại nhà, bỏ quảng cáo vào bao thư"; mình gọi phone . Nói "ba láp ba xàm" xong nó bắt phải đặt cọc tiền vì nó sợ mình giựt . Mình "thiệt vàng sợ chi lửa", móc số ngân hàng đọc cho nó . Mèn ơi, cuối tháng báo cáo nhà băng về, mình thấy hụt một mớ . Tiền thì bị rút rồi mà đồ đạc thì chẳng thấy nó gởi gì về cho mình làm . Hoảng quá, gọi phone lại nó nói mình bỏ không muốn làm nữa . Nó không chịu trả tiền nhe . Đòi hoài, và hù nó "tao kiện mày rút tiền, ăn cắp tiền tao" ... nó mới chịu nhả ra, mà cũng bị tốn mấy chục đồng; nó nói tiền công "processing fee" nói không trả được . Thôi thì thí cho nó vậy . Và chừa "work from home"!!!
Sau cùng mình nộp đơn qua email, đụng phải cơ quan xin việc trung gian. Họ gọi mình đi phỏng vấn .

Mừng lắm . Và cũng lo "ôn bài" lung tung beng .

Hãng rất gần nhà . Mình hồi hộp đến nơi . Cô phỏng vấn người Tàu Hồng Kông, Đài Loan gì đó, nhìn cũng nghiêm nhưng dễ chịu . Cô hỏi sơ trong trường mình làm qua những gì, rồi nhìn resume hỏi :

- Nhà mày gần đây há !
- Ừa
- Mày về thay đồ rồi trở lại làm liền được không ?
.....

Trời ! Mình đâu có ngờ bả mướn mình liền như vậy . Mình hỏi bả lương bao nhiêu; bả nói cơ quan trung gian (agency) trả, còn hãng bả trả cho trung gian .

- Vậy để tao hỏi agency về lương đã .
- OK, hy vọng mai gặp mày .

Lương Target trước khi mình nghỉ việc là $7.60/giờ .

Bà ở agency nói trả mình $8.00/giờ .

Kèo nài bả cho lên $9.00 và nói không lên được nữa . Mình nói cho mình suy nghĩ rồi gọi lại . Bả OK (có nghĩa là bả thực sự không nhích thêm được nữa).

Off phone, mình suy nghĩ nhanh - không lẽ vác cái bằng 4 năm cực khổ ra lương chẳng khá hơn lương không có bằng bao nhiêu ? Bèo vậy ...? Hay là bỏ đi làm nail; mà nghĩ làm nail lại thấy tiếc tiếc cái bằng 4 năm bỏ không . Học xong bằng Hóa 4 năm cũng nhiều gian nan, bao đêm thức trắng, lo âu, cũng đâu phải dễ đạt được . Thôi thì đi làm trước, lấy kinh nghiệm, coi với cái bằng đó mình làm được gì, ứng dụng ra sao ... cho biết . Nếu không có đường tiến triển thì quay lại nghề nails cũng không muộn ...

- OK, mai tao đi làm .
- Vậy mai mày gặp bà xxx lúc xxx giờ nghe. Tao sẽ fax giấy tờ qua đó cho mày điền .

Và mình đã bắt đầu việc làm đầu tiên ...
-----

Trời ! Mình la trong bụng .

Việc mình được hướng dẫn làm vô cùng đơn giản . Ở trường học, trong phòng thí nghiệm, có thể nói mình làm từ A tới Z. Ở đây chỉ làm cỡ A tới C là cùng . Mình thấy thằng làm cũ đó, bà supervisor (bà phỏng vấn là manager) coi nó như cứu cánh của bả, mà việc làm nó cỡ tới E tới F là cùng . Mình làm việc đó dư sức, nhưng mình mới quá, bả chưa tin mình, giao mình có chút việc tí ti . Mình thấy mình có cầu thang đi lên, không đến nỗi "bèo" như mình nghĩ .

Cùng một lúc mình đã gởi đơn xin việc nhiều nơi .

Làm job đầu tiên được hai tuần thì có hãng khác gọi phỏng vấn . Mình "cáo bịnh" xin nghỉ đột xuất một ngày để đi phỏng vấn chỗ mới .

Manager hãng này người Đại Hàn, nhìn cũng hiền lắm . Mình sợ "ảnh" hỏi mình nhiều trong khi mình không có kinh nghiệm gì, nên mình tranh thủ "tấn công" khi có cơ hội . Mình chủ động nói những gì mình biết, hỏi về hãng . Nó vẫn vui vẻ nghe và đồng ý mướn mình $11/giờ .

Từ $9/giờ nhảy lên $11/giờ trong hai tuần . Mình đành "thú thật" là mình kiếm được việc trả cao hơn, xin lỗi xếp cũ, vì mình phải đi lên .

Ngày mình nghỉ là ngày bạn mình (do mình chỉ đường vô) bắt đầu làm ở hãng đó . (Bạn mình hiện giờ vẫn tiếp tục ở hãng cũ; còn mình thì không ...)

Mình bắt đầu việc ở hãng thứ hai ...

Làm được ba tháng, sau khi manager đánh giá, mình được tăng lương.

Cứ sau mỗi năm đa số hãng nào cũng vậy, sẽ đánh giá nhận xét việc làm của nhân viên và xét lên lương . Mình cũng không ngoại lệ ...

Việc làm khó dần, từ làm tay chân đến sử dụng máy móc, phân tích. Nhưng dẫu sao đi nữa cũng rất nhàn hạ so với thực hành trong phòng thí nghiệm ở trường . Ở hãng, mình chỉ tập trung làm một phần, không phải tổng quát ôm đồm nhiều thứ như ở trường . Ra khỏi hãng là đầu óc mình nhẹ tênh, không phải lo homework, kiểm tra ... của thời học sinh .

Khi cảm thấy đã vững với những việc làm trong hãng, mình lại "mon men" đi xin việc ở hãng mới, có thể tình cờ do bạn bè giới thiệu, hoặc mình tự đi tìm .

Mình báo xếp của job 2 nghỉ. Nó rất hài lòng với công việc mình làm nên nó đồng ý trả lương bằng job mới mình sắp đi.

Mình lại báo hủy job 3, ở lại làm job 2.

Làm được ba tháng ở job 2 với mức lương mới . Xếp job 3 kiếm hoài không có người thích hợp, lại kêu mình nói sẽ trả cao hơn job 2 hiện tại .

Lần này thì từ $12/giờ của job 2, nhảy tới nhảy lui bằng miệng, mình vọt lên $16/giờ trong vòng 3 tháng . Không biết đối với người khác ra sao, chứ đối với mình, mình rất hớn hở .

Và mình lại quyết định đi .

Mình không dám nói thật với manager là xếp job 3 lại trả cao hơn, chắc nó cạo đầu mình chết . Mình tìm cách nói dối - nói bận phải nghỉ thời gian dài . Nó "dễ thương" lắm, cứ đợi mình miết làm mình áy náy nhiều hơn . Nhưng khổ, đồng tiền nó dắt đường mình ...
Mình phải bấm bụng cám ơn nó rồi cho qua chứ biết sao giờ !

Việc của job 3 tương tự như việc job 2; máy sử dụng khác hiệu nên chỉ học cách chạy máy là mình lại đâu vào đấy .

Mình tận tâm làm việc trong những lúc hãng cần . Cái phong bì bự đựng "hồ sơ việc" của khách hàng có để giá tiền nên mình biết mình làm được rất nhiều tiền cho hãng . Vậy mà tới kỳ xét lương, nó chỉ tăng cho những đứa to miệng, ưa complaint, hay ưa nịnh nọt ... mà lại hứa lần hứa lượt với mình .

Hồi đó cell phone chưa thịnh hành . Nên lúc mình lại quyết định đi xin việc làm mới, mọi liên lạc phải qua phone của hãng . Lúc mình tan sở thì cũng là lúc hãng khác tan sở nên về nhà liên lạc rất khó khăn . Mình xin những ai gọi phỏng vấn số phone và giờ trưa mình gọi lại .

Sau cùng thì cũng có chỗ muốn mướn mình với lương cao hơn .

Xếp và chủ hãng của job 3 này lại kèo nài mình ở lại và hứa trả thêm 20-25% mức lương hiện tại . Mình thấy đợi nó xét lên lương trần ai quá, nên mình không muốn ở lại nữa (chứ mình tin và dĩ nhiên đòi điều kiện ký giấy tờ tăng lương nếu ở lại). Hơn nữa, job 4 này hãng ngắn chỉ nửa đường so với job 3.

Job 4 này cũng là job mình đang làm hiện tại . Mình làm được chắc cũng 7 năm rồi . Cũng có lần xin đi, được tăng lương và ở lại . Tuy làm cùng một hãng, nhưng mình cũng đã "nhảy" lung tung - chậm hơn, nhưng không ngừng . Khi mình cảm thấy vững ở một khâu nào đó, mình lại xin đi khâu khác, học hỏi thêm và cũng để được tăng lương thêm ...

Lương cao hay thấp tùy theo đánh giá của mỗi người . Mình thấy mình hài lòng với lương của mình và yêu thích công việc mình làm ... là mình thấy đủ lắm rồi trong công việc làm ăn .

-----

Mình nhận thấy rằng :

- Mình dân thường ... kiếm tiền lương bằng Tổng Thống không thể bằng, nhưng mình có thể tiêu bằng mức ổng tiêu được . Nên bao nhiêu mới gọi là đủ thì là do mình quyết định và tiết kiệm .

- Thật sự Mỹ là đất có nhiều cơ hội . Sự học hỏi không có giới hạn; bất kể trường học hay hãng xưởng, nơi nào cũng còn rất nhiều điều mới cho mình học . Khi mình thấy đủ khả năng, mình sẽ thấy bậc thang kế tiếp .

- Mấy bạn trẻ nếu có điều kiện ráng học nhe, vì có học mới dễ vươn lên hơn .

Thân mến.
(Hết)
 
Chỉnh sửa cuối:

TaoDi

Thành viên mới
#2
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

...hồi hộp và háo hức dõi theo bước chân của Jenny....:):):):)
 

Jenny

Cựu Ban điều hành
#3
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Đã chuyển chung ở trang đầu ...

---

(Mình bước thêm 1 bước dài nè bạn BM. Còn đi tiếp nhe ...
Mà mình viết chạy ngược chạy xuôi, xen kẻ việc học, việc làm, việc nhà ... mấy bạn đọc thấy dài dòng chán không ? Chắc là không há . Mình "mất công" kể, mấy bạn chịu khó "mất công" đọc nhe . Giờ mình đi ngủ đã :))
 
Chỉnh sửa cuối:

dohoaibao

Thành viên tích cực
#4
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Không đâu, tiếp đi Jenny cũng có khiếu viết văn lắm đó.
 

thuykha

Thành viên tích cực
#5
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

bài viết hay. 1 cái nhìn thật và sát với thực tế với cuộc sống ở mỹ (những rủi ro xảy ra bất chợt ko biết đc). Năm nay mình vào 12 nhưng đã rút HBa để chuẩn bị PV nên qua đó phải học lại 11. Mình mất căn bản hóa bên này :12::12: nhưng học tốt lý và toán cũng khá, bạn có thể nói sơ chương trình toán và lý 11, 12 bên đó học gì ko. Tks bạn và Sr vì đã comment làm loãng topic của bạn (mình góp ý là mỗi lần bạn viết bài mới nên edit bài #1 để mọi ng tiện theo dõi) <--chỉ là góp ý thôi nha.

Thân
 

quaidan

Cựu Ban điều hành
#6
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

..........
Mà mình viết chạy ngược chạy xuôi, xen kẻ việc học, việc làm, việc nhà ... mấy bạn đọc thấy dài dòng chán không ? Chắc là không há . Mình "mất công" kể, mấy bạn chịu khó "mất công" đọc nhe . Giờ mình đi ngủ đã :))
Tuyệt quá Jenny :41::41::41: giọng văn nhẹ nhàng, giản dị, đậm chất tươi trẻ, yêu đời và lạc quan :101: cứ tiếp tục vậy nhé :43:
 

Jenny

Cựu Ban điều hành
#7
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Cập nhật : Đã chuyển chung ở trang đầu ...

---

Dạo này mình hơi bận, cho mình trả lời chung nhe:

Cám ơn quaidan & các bạn đã đọc & cổ vũ tinh thần . Mình sẽ cố gắng sớm viết tiếp phần cuối về đi làm .

Bạn thuykha,

Cho mình hẹn lại, mình sẽ viết sơ lược chương trình đại học ở Mỹ sau nhe . Không phải xao lãng đề tài ... mà mình đang bận quá ; chắc 2-3 tuần sau mình mới thư thả hơn . Chúc vui nhe .
 

kid4l0ve

Thành viên kinh nghiệm
#8
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Bài viết rất thực tế. Tuy nhiên, bây giờ đỡ hơn hùi xưa 1 tý ^^.
Thanks.
 

luckyseafood

Ban điều hành
#9
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Hi Jenny, cho hongtran cám ơn "Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn" của bạn nhé, hay lắm và... như anh phuthohoa nói, đáng đuợc đăng tin trên các trang web như VNexpress đó.

Ngay từ những ngày đầu khi bạn tham gia diễn đàn, những bài post của bạn luôn làm hongtran ấn tượng với cái nhìn lạc quan, trẻ trung và cũng đầy tình thân.

Rất mong bạn dành thêm ít thời giờ (nếu đuợc) hỗ trợ diễn đàn XNC này nhé. Và trên hết là tiếp tục viết về nước Mỹ tuy là với cái nhìn của riêng bạn, nhưng hongtran nghĩ sẽ giúp ích rất nhiều người.

Trân trọng, hồi sau sẽ rõ.
 

Jenny

Cựu Ban điều hành
#10
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Mình mới viết tiếp phần cuối - bỏ chung trang đầu :)

-----

Cám ơn anh phuthohoa, anh hongtran và các bạn nhín thời gian đọc bài mình viết nhe. My pleasure!

Mình muốn "diễn tả" nước Mỹ không phải là Thiên Đàng - có cây Đô La ngoài đường cho mình hái khi mình không cố gắng; đồng thời cũng muốn các bạn không nhìn Mỹ trong những ngày đầu mới tới với cái nhìn bi quan .

Mình "chơi" ở đâu, mình post bài nơi đó ... tại mình thấy thân thiện hơn.

kid4love,

đúng rồi, so với mình hồi xưa thì giới trẻ ngày nay rất tân tiến, cập nhật hóa mọi vấn đề, được thân nhân hướng dẫn giúp đỡ . Mong là các bạn sớm hội nhập và thành công trong cuộc sống mới .

Mấy bạn không ở thành phố cũng vẫn có cơ hội vươn lên công bằng . Ráng nhe .

Cám ơn 2 anh và mấy bạn .
 

quaidan

Cựu Ban điều hành
#11
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Hi, cảm ơn Jenny, bài này hay quá :41::41::41: cho phép mình "rinh" bài này qua đề mục <Gửi lời cho gió & nhật ký> nghen :43:
 

Jenny

Cựu Ban điều hành
#12
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Xin lỗi, mình chỉ viết rồi post, chưa có th/gian đàm thoại với anh chị em nhiều . Hẹn lần khác .

---

Bạn thuykha qua Phòng Học Tập đọc giùm mình nhe, mình post bên đó cho thích hợp hơn; có bạn khác có cùng câu hỏi đó.

Nói Toán, Lý, Hóa thì Hóa là dễ xin việc nhất . Học Hóa xin làm trong phòng lab phân tích thuốc, đất đai, nghiên cứu ... nhiều việc .

Toán Lý thì ngoài đi dạy, mình không thấy có ứng dụng nhiều .

Bạn mình ra trường Toán ở trường nổi tiếng kiếm việc không ra; sau phải học thêm computer language C, C+, Visual Basic ... để xin việc về Computer.

bài viết hay. 1 cái nhìn thật và sát với thực tế với cuộc sống ở mỹ (những rủi ro xảy ra bất chợt ko biết đc). Năm nay mình vào 12 nhưng đã rút HBa để chuẩn bị PV nên qua đó phải học lại 11. Mình mất căn bản hóa bên này :12::12: nhưng học tốt lý và toán cũng khá, bạn có thể nói sơ chương trình toán và lý 11, 12 bên đó học gì ko. Tks bạn và Sr vì đã comment làm loãng topic của bạn (mình góp ý là mỗi lần bạn viết bài mới nên edit bài #1 để mọi ng tiện theo dõi) <--chỉ là góp ý thôi nha.

Thân
 

vinhhung

Thành viên tích cực
#13
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Chào bạn Jenny,
Bài viết của bạn thật ấn tượng, thực tế và rất ý nghĩa vì góp phần giúp cho chúng tôi, những người sắp định cư tại Hoa Kỳ, đặc biệt là lớp trẻ có một cái nhìn tốt hơn và tích cực hơn về nước Mỹ. Tôi đã in bài viết của bạn, gồm 10 trang giấy để đưa cho con trai tôi đọc (cháu năm nay 21 tuổi). Hy vọng, những điều bạn viết vừa "thay lời tôi muốn nói", vừa là "công thức" giúp cháu (cũng như những bạn trẻ khác) hiểu hơn về nơi mà các cháu sắp đặt chân đến.
Qua những gì bạn ghi chép, tôi nghỉ, sau 19 năm "vật lộn" trên đất Mỹ, ngày nay bạn (và gia đình bạn) đã có một cuộc sống tốt ở xứ sở này. Có lẽ, ngoài sự học thì chính nhờ cái nhìn lạc quan ngay từ đầu của bạn đã giúp bạn vượt qua được những "chướng ngại vật" để có sự thành công như ngày hôm nay.
Kinh nghiệm này thật đáng để học hỏi.
Chúc Jenny và gia đình luôn sức khỏe và thành công. Rất mong bạn có thêm những chia sẽ khác cùng diễn đàn.
Thân chào
 

TaoDi

Thành viên mới
#14
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Hi Jenny,

Mình vừa theo chân bạn đi qua những khúc quanh, những chỗ rẽ, những nhọc nhằn...của bạn trên bước đường học hành, kiếm việc, làm việc và...tồn tại.

Cảm ơn bạn đã cho mọi người có dịp trải nghiệm những bài học, những kinh nghiệm đầu tiên khi quyết định chọn xứ cờ hoa nhiều cơ hội nhưng cũng lắm gian truân làm quê hương thứ hai. Qua bài viết của bạn, bản thân mình đã có thể hình dung những thử thách đang chờ được mình ở phía trước. Tuy nhiên, bằng văn phong nhẹ nhàng, phớt đời, tươi trẻ..., bạn đã thổi vào mạch văn sự lạc quan, yêu đời, ẩn chứa nhiều lời động viên những người chuẩn bị sang Mỹ định cư hãy cố gắng, đừng nản chí; cơ hội và tương lai sáng sủa rồi sẽ chóng đến với những người chăm chỉ, kiên định và thông minh, nhanh nhẹn ... (như Jenny hihihi....)

Rất mong bạn giành ít thời gian rảnh rỗi (nếu có thể) chia sẻ thêm những gì bạn cho là có thể giúp cho lớp người đi sau học hỏi và rút kinh nghiệm cho hành trang cuộc sống mới sắp tới.

Many thanks.
 

trantai

Thành viên tích cực
#15
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Hay quá!

Chúc Jenny ngày càng thành công trong cuộc sống nhé!
 

HOAITRAN

Thành viên tích cực
#16
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Cảm ơn Jenny về bài viết. Jenny rất giỏi, Jenny cho mình hỏi tí nhá. Nếu mình có bằng high school ở vn rồi, khi qua mỹ muốn học 2 năm college nữa thì mình có phải thi hay làm bài test về kiến thức 3 năm high school của mình nữa không?.Cảm ơn Jenny rất nhiều.
 

Jenny

Cựu Ban điều hành
#17
Ðề: Nước Mỹ Với Cái Nhìn Lạc Quan Hơn

Cám ơn mọi người dành nhiều thiện ý cho mình . Yes, đó là quá trình mình trải qua - thuộc trung bình giữa cao và thấp . So với những người bạn cỡ 20-30 người qua cùng lúc với mình (có học chung trường college/ university 1 lúc), có người học Bác Sĩ (không biết ra trường không mình mất thông tin); 5-6 người hiện đang là Dược Sĩ (lương ~ $100000/năm); 1-3 người do lêu lổng nhiều nên lương thấp, lại ưa đổi xe mới liên tục nên giờ tuy có job nhưng vẫn "không ổn định lắm"; phần đông còn lại là rớt vô khoảng trung như mình . Làm lâu năm nên rải rác có vài người làm supervisor nữa .

Cũng so trong số đó thì có người chỉ lo ăn học, tài chánh có gđ khá & hổ trợ 100%. Thí dụ học ở tiểu bang khác (do đeo đuổi đúng ngành), gđ đã coi lịch trình của trường và mua vé máy bay khứ hồi sẵn vào những ngày lễ để bạn mình về nhà chơi . Nhà ở thì gđ đã mướn & trả trước . Cho thẻ tín dụng, muốn xài gì cứ cà thẻ, về gđ trả . Ngược lại, có bạn phải đi làm full time mới đủ giúp gđ; đi làm ca đêm, học xong là chạy đi làm ngay ... có đôi khi ngủ gật trong lớp . Có người giỏi lắm, đi học full time, đi làm full time mà điểm toàn A không hà; mình thật ngưỡng mộ . Mình thì mặt nào cũng trung trung .

Chú vinhhung,

Đa số những bậc cha mẹ đi Mỹ là chỉ mong cho thế hệ sau, chứ thế hệ đầu bị trở ngại nhiều về Anh ngữ . Thế hệ con - thời gian đầu lúc nào cũng thấy khó khăn; ngay như ở VN, nếu không có trợ giúp của cha mẹ, thế hệ trẻ cũng phải tốn nhiều công sức mới tự xây được "cơ ngơi" cho chính mình, không phải chỉ đến Mỹ mới khó khăn . Thế hệ cháu - thì tụi nó có thể tự lo lấy phần lớn rồi .

Hehe... nói đến cuộc sống của người định cư lâu năm và mới qua ... khác thì có khác nhưng cái lo vẫn như nhau .

Thí dụ mình không khá đi thuê nhà; chỉ trả tiền thuê nhà --> xong .
Khá hơn, đi mua nhà; phải lo trả tiền nhà (vì nhà toàn mua trả góp không hà), tiền bảo hiểm nhà (bảo hiểm cháy, lụt, động đất ... đủ trò), tiền thuế nhà . Cái vốn bỏ vô cho tiền "down" (tiền phải trả trước khoảng 20% trị giá căn nhà) nên sạch túi, thêm nhiều chi phí phụ hơn đi mướn nhà . Rủi mất việc mà không có tiền phòng thân thì vẫn hoàn tay trắng lẹ lắm .

VN mình qua đây cũng tặn tiện nhiều, nên vừa rồi kinh tế Mỹ trì trệ, người Mỹ hay người sắc dân khác bị tịch thu nhà nhiều lắm; đa số họ không có khoản tiết kiệm . Trong khi VN mình đa số vẫn "ung dung"; nhà VN mà bị kéo là do ăn xài phung phí quá hoặc cờ bạc thôi .

BinhMinh,

Nói không lo không đúng, nhưng cũng không nên lo quá ... vì mình thấy nếu lo làm ăn, không cờ bạc ... thì đa số đều toại nguyện sau 1 th/gian sinh sống . Hehe... mình không nói đến chuyện thất tình trai gái à nhen :)

trantai,

Bạn cũng còn trẻ; chúc bạn sớm thành công trên đất mới nhe .

hoaitran,

Làm bài test trắc nghiệm là họ cốt sắp lớp cho đúng trình độ thôi . Đó là bắt buộc của trường, nhưng không ảnh hưởng tới việc cho hay không cho nhập học . Bạn đọc bên Phòng Học Tập bài mình viết về cách thức Mỹ phân phối chương trình - đa số là tự mình sắp xếp để ra trường nhanh hay chậm .

Mình biết ở Nam CA, không cần có bằng high school vẫn vô college học được . Nếu bạn ở tiểu bang khác, bạn có thể tìm trên google "community college" ở zip code nơi bạn sẽ đến; vô website của trường đó, email hỏi họ "how to be qualified for admission" + hỏi luôn "tuition fees for residents who live locally for at least one year".

:)