Gửi lời cho gió thoảng mây bay

Status
Không mở trả lời sau này.

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#21
Chờ duyên

PN - An biết mình không ngán đàn ông, vì với Kha, An vẫn thấy tim mình rung lên dịu dàng lắm...


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

An đã từng là người có chồng. Có yêu thương hẹn hò nồng thắm hẳn hoi. Có cưới xin tiệc tùng nhạc sống vang trời. Rồi về với nhau. Cũng như muôn vạn cặp vợ chồng khác, cũng cãi vã, cũng dịu êm, lạnh lùng, rồi nồng ấm. Và cứ thế. Để một sớm kia thức giấc dậy, An cứ cảm giác người nằm cạnh mình xa lạ quá. An đưa tay qua, sờ thử vào khuôn mặt ấy, sao bỗng nhiên không tìm thấy một nét thân quen nào. Nhớ lời người bạn nói “tình yêu lạ lắm, tự nhiên một sáng thức dậy, thấy hết yêu thôi, chẳng lý do gì”. An nghĩ, chắc giờ nó đang đúng với mình.

Chưa bao giờ An có ý nghĩ ra đi như lúc này, đi đâu chưa kịp hình dung. Chỉ cần xuống xe ở một nơi xa lạ nào đó, là đủ. Ý nghĩ đó cứ quay đi quẩn lại trong đầu, thôi thúc An phải đi. Một ba lô con con, vài bộ quần áo, một miền đất xa lạ chỉ có một mình. Cái hình ảnh mình đơn độc khi vừa xuống xe chấp chới trong đầu An, thôi thúc. An mang suy nghĩ ấy ra hét vào mặt chồng khi cả hai đang có trận cãi nhau chí tử. Chưa kịp nghe hết điều An nói, chồng An lao tới, tát thẳng tay vào mặt An, hai tiếng “đồ khốn”. Nhẹ hẫng.

An đi thật. Đi luôn.

Cái quán tạp hóa nơi thị trấn nhỏ này lúc nào cũng đông khách. An vốn hoạt bát, và dễ nhìn. Hôm qua thím Tư hàng xóm nói vọng sang “lấy chồng đi An, tính ở vậy miết sao, thằng Kha lui tới lâu rồi đó, nó là một đứa được, chưa vợ con”. An dạ nhẹ rồi lãng đi. Lấy chồng nữa ư? Sao nghe lạ lùng như thím Tư vừa nói chuyện ai, chứ chẳng phải nói chuyện mình.

An biết mình không ngán đàn ông, vì với Kha, An vẫn thấy tim mình rung lên dịu dàng lắm. An biết mình không ngán hôn nhân, vì chắc chắn sẽ có vui buồn đan xen nhau, ngọt ngào, và cáu gắt đan xen nhau, An hiểu. Nhưng cái cảm giác mình sẽ ở chung nhà hết đời này với một người xa lạ nào đó, đến cái nắm tay rồi cũng hóa ơ hờ, An sợ. Một nỗi sợ không thể lý giải. Thà một mình vậy. An sợ trong mình lại xuất hiện ý nghĩ ra đi.

“Lấy chồng đi, để già như thím, lủi thủi lắm”, thím Tư hàng xóm mỗi ngày lại nhắc điệp khúc ấy. Lần nào An cũng lảng đi “còn chờ duyên thím ơi”, An nói vui.

Ừ, thì chờ duyên.


Ai Nhân
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#22
Trái tim cỏ cháy

PN - Có lúc chị thấy mình chẳng khác nào hòn đá lăn, ngang qua bờ rêu cũng không gợn một cảm xúc. Trái tim cỏ cháy...


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Buổi đi tiệm mua mấy trái mướp nấu canh cho con bé Nhiên, bụng chị Ngồng đã lùm lùm.

Chị vừa quẹo qua hàng cây so đũa, khách là mấy bà chị em bạn trong xóm mắt tròn dẹt.

- Ủa, con Ngồng có bầu!

- Ghê vậy? Với ai vậy?

- Tuổi này còn sinh với đẻ. Của đáng tội.

- Ôi dào ơi, tưởng thế nào…

Chị Ngồng không kịp nghe những lời đàm tiếu. Chân chị bước thoăn thoắt trên lối mòn mùa khô cỏ cháy rạt trụi. Tay xoa xoa lên bụng, khẽ mỉm cười. Nụ cười của tuổi bốn hai mà chị ngỡ là niềm vui của năm hai mươi bốn. Năm đó, chị mang bầu con bé Nhiên. Năm đó, đi qua bờ ruộng xanh mơn mởn lúa đang thì con gái, có anh Đại nắm tay. Anh Đại còn đòi bế chị qua khúc đường trũng nước mưa, sợ chị té. Còn chị bẽn lẽn sợ chòm xóm thấy cười cho. “Anh bế con anh nữa mà!” - anh Đại cười trêu. Năm đó, mặt chị phơn phớt hồng.

Bây giờ, mắt chị đã có chân chim. Da mặt cũng sạm đi. Tóc không dài nữa. Nhiều chiều ngồi ngoài hiên nhà, con bé Nhiên còn mân mê nhổ tóc bạc cho chị. Nói mẹ đừng để già nhanh nữa, mẹ mới bốn hai mà. Chị cười, nghĩ bốn hai thì tóc cũng phải bạc mấy phần rồi. Quanh năm sống ở đồng nắng cháy, làm sao mà được như đàn bà con gái thị thành môi son má phấn.

- Hồi đó mẹ cũng đẹp lắm nghe con! Chị nói vui. Nhiên gật.

- Mẹ con là đẹp nhất xứ Vĩnh An rồi.

Buổi chiều lóa nắng.

Xứ Vĩnh An quanh năm chim trời cá nước, mùa ngầu đỏ phù sa mùa đồng khô nắng khát. Người ta cần mồ hôi rơi để làm ra hạt gạo. Có người đàn bà nào ở xứ này mà không mang dáng vẻ lam lũ, tảo tần. Đẹp hay không cũng chỉ là để lâu lâu mang ra làm thước đo đánh giá hạnh phúc của người này người kia. “Con nhỏ cũng được người mà sao khổ quá!”. “Coi thím Sang kìa, nhìn bả cũng bình thường mà chồng cưng thấy phát sợ”…

Chị Ngồng mấy mươi năm dãi dầu nắng mưa thì nhan sắc mấy cũng phai đi rồi. Cái nhan sắc mặn mà của gái một con cũng từng làm khổ chị. Chỉ cần có người đàn ông nào đó trong làng tình cờ giúp chị đẩy xe lúa, vác bao gạo, lợp giùm chỗ nhà dột là đã bị thiên hạ dòm ngó, xì xầm. Chị có hai con mắt chỉ biết mở ra sống vì bé Nhiên. Nhưng nhà chị nhìn đâu cũng có những đôi mắt người. Vằn sọc soi mói, và ghen tuông. Đến mức chị cũng chẳng còn dám để ai thêm giúp đỡ điều gì nữa. Đôi vai ngày tháng cứ gồng hết từ việc cưa cây, đào mương, vác lúa…

Nhiên bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm tháng chị lùi lũi sống như vậy giữa cánh đồng. Môi má thôi hồng kể từ ngày anh Đại bỏ đi. Anh Đại nói vì con bé Nhiên, anh có thể làm tất cả. Và điều anh đã làm là bỏ đi theo người đàn bà khác, khi con bé chỉ mới chào đời. Có cho chị thêm thời gian sống trở lại từ năm hai mươi bốn đến năm bốn mươi hai tuổi một lần nữa, chị cũng không trả lời được câu hỏi vì sao. Câu hỏi đeo bám chị suốt những ngày ngực còn chảy sữa, lúc thôi nôi, lúc con bé Nhiên hai tuổi bị sốt phát ban phải nằm viện cả tuần liền, lúc chị làm lụng như trâu để có tiền cho con từng năm tháng đến trường, lúc để con bé một thân một mình lên thành phố thi đại học…

Anh Đại đã ở đâu?

Ở trong những lời truyền tai nhau của người làng mỗi khi nhắc đến chị.

“Tội nghiệp con nhỏ. Đẹp người đẹp nết mà thằng chồng không ra gì”.

“Phải chi có thằng Đại, hai mẹ con nhà nó đỡ khổ”.

“Ủa, thằng Đại nó về à?”.

Câu hỏi cuối là khi làng thấy chị Ngồng mang bụng lùm lùm đi chợ.

- Ba mày về hả Nhiên?

Không hỏi được chị Ngồng, người ta hỏi con bé Nhiên khi nó quảy ba lô về quê thăm mẹ. Nhiên học năm cuối ĐH Sư phạm. Tội nghiệp con bé chỉ biết lắc đầu và cắm mặt đi. Từ bé đến lớn, Nhiên còn chưa có dịp gặp ba, chỉ thấy được trong bức ảnh cưới ba đứng cạnh mẹ. Nước da đen giòn. Đầu trọc. Mẹ thì đẹp thật dịu dàng.

Người ta hay nói ai có khuôn mặt phu thê mới phải duyên phải số, mới có thể ăn đời ở kiếp. Mà Nhiên thấy hai khuôn mặt trong bức ảnh cưới khác nhau một trời một vực. Hồi Nhiên mười lăm tuổi, có ông thợ ống nước mấy lần mẹ thuê sửa ống nước nhà bị hư rồi cứ thế tìm tới hoài. Có hôm mẹ Nhiên đi xóm, ông thợ cứ ngồi đồng không chịu về. Nhiên không biết nói chuyện gì đành nói “chú đợi mẹ con, con phải học bài”. Ông thợ ngồi đốt thuốc. Đợi. Chị Ngồng về mồ hôi ướt đẫm lưng áo vì cái nắng tháng Tư, chưng hửng:

- Ủa, nhà nà y đâu hư ống nước?

- À, tui sửa cho nhà người ta, tiện đi ngang ghé thăm Ngồng.

Ông thợ gãi gãi đầu, bối rối như kiểu Nhiên thấy thằng Gà Cồ bứt bông phượng làm bướm rồi dúi vào tay Nhiên. “À, tui thấy bông đẹp tiện tay làm bướm phượng cho Nhiên ép vào lưu bút”.

Tự dưng Nhiên đâm lo. Cứ ông thợ ống nước đến chơi nhà là Nhiên vừa học bài vừa nhìn như thám tử âm thầm dò xét mọi nhất cử nhất động của hai người. Có lần chị Ngồng nằm ôm Nhiên, hỏi vu vơ: “Mẹ lấy chồng nữa, con cho không Nhiên? Chắc không ha!”. Nhiên nghe rồi nằm quay lưng về phía mẹ. “Mẹ mà lấy chồng, con bỏ nhà đi tu”. Nhiên nói rồi co người lại, nhắm mắt. Từ đó những đêm nằm ôm Nhiên ngủ, chị Ngồng không bao giờ nhắc chuyện lấy chồng nữa. Ông thợ ống nước dạo đó cũng thôi sửa ống nước ở nhà.

Nhiên học đại học, vài tháng mới tranh thủ về thăm nhà. Chuyện của hai mẹ con xoay quanh chuyện học hành của Nhiên. Lần nào Nhiên về chị Ngồng cũng tất tả đùm túm đi chợ mua đồ làm sẵn thức ăn, gói cho Nhiên mang theo. Chiều ba giờ Chủ nhật, xe chạy chuyến cuối lên thành phố, hai mẹ con đứng lúp xúp dưới bóng cây so đũa đợi. Không biết đã bao nhiêu lần như thế rồi. Nhiên lên xe ngoảnh lại, thấy mẹ đứng ngóng theo từ tít đằng xa, nhìn cho đến khi chiếc xe đò cọc cạch rẽ qua khúc quanh.

Chị Ngồng không thấy Nhiên chảy nước mắt.

Nhiên không thấy mẹ chảy nước mắt

Cây so đũa những chiều gió rụng bông lả tả. Như cái ngày chị bụng thè lè chạy bời bời trên những lối mòn đi kiếm anh Đại. Mà người đã đi thì biền biệt như chim trời.

Hồi này, chị Ngồng ít giao du với chòm xóm nhưng hay cười một mình. Chị lục trong chiếc rương cũ quần áo của con bé Nhiên hồi hai mươi năm trước. Chị mang ra cắt sửa lại hết những bộ nào phù hợp cho bé trai. Chị lôi chiếc xe nôi bám bụi ra cọ rửa. Chị dọn lại một góc nhà, mua tã sữa, đồ chơi nhiều sắc màu. Chị âm thầm chuẩn bị hết cho một cuộc vượt cạn.

Hai tháng nữa Nhiên thi tốt nghiệp. Cũng tầm đó là chị sinh. Suốt nửa năm Nhiên không về nhà thăm chị, từ khi câu hỏi đầu tiên: “Mẹ mày có chửa với ai vậy con?”. Người ta quan tâm thì ít mà thăm dò thì nhiều. Trời ơi rủi đâu đứa con trong bụng là con của… chồng mình. Ờ mà biết đâu là của mấy thằng thợ hồ. Hơi đâu mà lo. Có khi của thằng Đại cũng nên. Đời cứ tự tìm những câu trả lời rồi tự đời phủ nhận hết.

Rốt cuộc vẫn phải là câu: “Mẹ mày có chửa với ai vậy con?”. Suốt nửa năm Nhiên khóc cạn sức lực rồi vùi đầu vào làm thêm như điên, học như điên. Bạn thành phố tưởng Nhiên thất tình. Tháng thứ bảy Nhiên về, nhào vào lòng mẹ khóc một trận như mưa rồi áp tai lên bụng mẹ, gọi em trai bằng em Cún. Chị Ngồng cười mà nước mắt chảy dài.

Hai mươi năm trước, chị thấy đời như không còn gì ngoài con bé Nhiên đang còn ẵm ngửa trên tay. Hai mươi năm sau, chị cần thêm một lần nữa được ẵm ngửa một sinh linh. Chăm bú, nâng niu, dỗ ngủ, ủi an, cạnh bên, yêu thương, hy vọng… Chị không cần gì ngoài thêm một sự sống, trong ngôi nhà đã đằng đẵng bao năm, ngày cũng như đêm thở ra chỉ nghe tiếng của mình. Nhiên có khi là lấy chồng thành phố chứ nào chọn được đường về. Thuyền theo lái như năm xưa chị bỏ nghề may trên thị trấn để về đồng theo anh Đại.

Có những lựa chọn là mất mát. Có những hy sinh là sai lầm. Ngày áo hoa rượu hồng có ai biết được khi nào mắt cay. Lòng chị như giếng khơi bao năm không ai thả xuống một sợi dây gàu. Dòng nước sâu lấp lánh bóng trăng dưới lòng giếng sâu cô đơn như vũ trụ. Hai mươi năm yêu thương không ngã giá. Hai mươi năm đời như một chuyến xe trôi.

Đời thấy cái bụng chị lùm lùm, buông lời cay nghiệt. Nhưng không thấy cuộc đời chị chìm đi trong nỗi cô đơn căm căm những khi như tượng đá nhìn mưa gió sấm chớp ngoài trời. Những khi nằm ôm lấy mình trong đêm nghe tiếng ếch nhái ễnh ương não nuột ngoài đồng. Những khi nhìn vào gương thấy khuôn mặt mình cằn đi không có sức sống. Những khi ngồi vót đũa tre gia công từng sáng từng chiều mà ước cuộc đời cho mình một kiếp khác. Có lúc chị thấy mình chẳng khác nào hòn đá lăn, ngang qua bờ rêu cũng không gợn một cảm xúc. Trái tim cỏ cháy. …

Buổi đi tiệm mua mướp nấu canh tôm cho con bé Nhiên, là lúc chị Ngồng thấy mình như được tái sinh.


Tiểu Quyên
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#23
Kìa vạt hoa vàng

PN - Chị là mối tình non nớt của tôi, là cơn mưa tuổi trẻ, là màu hoa êm ái, và đã thắp cho tôi biết bao kỷ niệm.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Trong vạt kỷ niệm của tôi và chị, màu hoa mướp vàng đã thắp lên lung linh và hoang hoải, cho tôi và chị nở những nụ cười đẹp như sao. Độ đó, khi tôi chừng năm tuổi, trong mô hình chuyển đổi sản xuất, bố tôi rất ăn ý với bác Cân, bố chị Hằng. Hai nhà ở sát nhau. Vườn tược rộng, và khu liên hợp ao hồ mà hai gia đình đấu thầu được đều ở phía trước nhà, rất cân xứng với con đường đất nhỏ dẫn ra cánh đồng. Hai bên con đường trồng những hàng cau thẳng tắp. Tổ hợp ao hồ được ngăn đôi diện tích, mỗi nhà một nửa. Cây mướp hương được bố tôi, và bác Cân thống nhất trồng đại trà, bắt giàn trên vườn. Xung quanh ao hồ cũng bắc giàn cho dây mướp lan tỏa.

Tôi, và chị Hằng thân nhau có lẽ cũng từ sự ăn ý trong sản xuất của hai nhà. Chị hơn tôi bốn tuổi. Ở tuổi lên mười, chị đã đẹp lung linh. Hai má lúm đồng tiền như hai ông sao. Như thể hai bông hoa mướp vàng rực rỡ đậu hai bên má. Kỷ niệm của chúng tôi là những buổi chiều hái mướp cùng nhau. Mướp hương màu xanh nhạt, lúc lỉu rủ xuống, cứ nhân lên những niềm vui trong trẻo của hai đứa. Kỷ niệm là những buổi tắm cùng nhau với đám trẻ xóm rồi cười vang cả góc làng. Hay những buổi thả diều trên đê, hương mướp vấn vương bay theo con diều lẫn vào không trung diệu vợi. Hai đứa cứ thế lớn lên…

Chị mười sáu, tôi mười hai. Chị thành cô nữ sinh lớp 10 đằm thắm. Nụ cười xinh hơn, đôi môi tươi rói tuổi mới lớn. Khuôn ngực non căng tròn. Hàng ngày chị đạp xe tới trường, cách nhà chừng bảy cây số. Bạn cấp III của chị nhiều quá. Có buổi họ nói chuyện vang cả một khúc đường. Tôi vẫn là thằng nhóc. Tôi sợ mất chị. Một lần tôi hỏi:

- Chị có đi mất không?

Chị cười: - Ô hay, em hỏi gì lạ! Chị có đi đâu mà mất

Chị không hiểu tâm trạng tôi. Ít nhất thì lúc này chị đã vượt tầm kiểm soát của tôi. Rồi chị sẽ đi xa, kết thân với những người bạn mới, sẽ quên tôi mất. Tôi xòe tay che mặt…

Chị khiến hàng xóm phải nức nở khen vì vóc dáng mây mẩy nữ tính. Mẹ tôi khen chị đẹp, sau này ắt hẳn đắt chồng, được hưởng phước. Mẹ chạm vào nỗi đau của tôi. Tôi không muốn điều đó xảy ra, càng sợ chị quên, không nhớ tôi nữa. Thế rồi, ngày đó cũng đến, chị vào đại học, ra phố tít tắp mù khơi. Tôi mong manh dễ vỡ ở lại quê nhà, tập tọe làm người lớn. Nhớ nhung gửi chị qua những lá thư, mỗi mùa rộ hoa mướp, tôi đều kẹp vào thư.

Chị thư lại, nói hoa khô quắt, thâm úa, lần sau đừng gửi. Hoa mướp khô đâu còn mùi hương. Tôi hỏi bao giờ chị về. Về là về thế nào, về chơi hay về hẳn? Chị phân tích rằng, sẽ phải mất bốn năm học ngoài phố, và chị cũng sẽ tìm việc ở phố để làm, không về quê lấy chồng như một số người vẫn nghĩ.

Tôi thốt lên trong vô vọng, và con tim như chết điếng. Vậy là đã mất chị thật ư, không thể cưỡng lại được ư? Sự việc hệ trọng đến nỗi rất nhiều ngày tôi ngồi lẩm bẩm một mình, rằng nhớ, rằng mong. Mẹ thấy con trai có biểu hiện lạ, mẹ nói với bố. Chuyện trẻ con đến tai người lớn. Bố tôi, và bác Cân chỉ coi tôi là một đứa trẻ, với những suy nghĩ non nớt. Tất cả đều cười tôi, bảo: “Nó đang dậy thì vỡ tiếng”. Chẳng biết có bao giờ bác Cân nảy ra ý nghĩ gả chị Hằng cho tôi.

Mẹ hỏi tôi về chuyện cả ngày thơ thẩn ngoài vườn. Tôi hồn nhiên nói nhớ chị Hằng. Mẹ cười: “Rõ khổ, biết gì đâu mà nhớ hả con!”. Tôi nói: “Chị ấy đi xa thì con nhớ. Rồi mẹ cưới chị Hằng cho con nhé”. Mẹ lại cười. Chắc mẹ nghĩ đó là ý nghĩ bột phát của cậu con trai, chứ có gì to tát nghiêm trọng, có khi mẹ còn nghĩ tôi chưa hiểu cưới xin là gì. Tôi cam đoan: “Con sẽ ngỏ lời cưới chị Hằng”. Mẹ nói: “Nó lớn hơn, đẹp thế, sao bằng lòng lấy con…”.

Lời mẹ vậy mà hiệu nghiệm. Chị về chơi, không sành điệu kiểu “hôm qua em đi tỉnh về”, nhưng chẳng còn ăn nhập với quang cảnh bình dị quê hương nữa. Quần bó sát, áo khoét cổ rộng. Môi đánh đỏ, và mắt kẻ mày. Chân guốc cao đỏng đảnh. Động vào cái gì cũng sợ bẩn, chẳng hay lam hay làm như thuở nào. Tôi dẫn chị ra bờ ao. Hoa mướp vàng nhức mắt, cá quẫy uồm uỗm dưới ao. Lũ cá sống tầng sâu thi thoảng nhao lên đớp bóng vàng.

Tôi đề nghị hái hoa tặng. Chị lắc đầu. Hái làm gì cái thứ hoa quê nửa mùa… Tôi ngơ ngẩn không nghĩ đó là lời chị. Sao lạ thế. Vậy, giờ chị thích hoa gì? Chị bảo, ngoài phố người ta bán nhiều thứ hoa sang trọng, có hoa hồng đỏ, hoa hồng xanh, hoa tulip, từ xứ sở xa xôi nào đó nhập về. Hoa không chỉ đẹp mà mùi hương còn quý phái.

Tôi gợi ý chị nhớ về chiếc cầu ao. Cầu ao tuổi thơ chúng tôi đã rửa chân, hồn nhiên lội xuống tắm, chân tay quẫy đạp. Nước ao mùa này vẫn trong văng vắt. Chị em mình xuống tắm nhé. Mắt chị trợn tròn. Chị mà phải tắm ở đây á, eo ơi, ghẻ chết! Cuối cùng, nhìn thấy khuôn mặt thất vọng của tôi, chị đành tháo guốc, lột tất da vắt lên dây mướp, và lội xuống rửa chân. Gót chân trắng, và mong manh. Mong manh như quả tim tôi bây giờ. Người con gái sao bỗng trở nên xa lạ. Chị đã thuộc về thế giới khác... Chị vớt nước, té lên không khí, và bâng quơ nói: “Em học lớp 10 rồi phải không? Nhanh nhỉ!”. Chị còn nói nữa. Cứ như chỉ có mỗi chị mới làm được người lớn, mới thành sinh viên đại học.

Những lá thư giữa tôi, và Hằng thưa thớt dần, và rồi dừng hẳn. Tại chị hờ hững, và chẳng có gì nói với tôi. Tôi chỉ biết thông tin về chị qua bác Cân, khi ông tâm sự với bố tôi. Bác Cân nói chị sống rất ổn, và học rất tốt. Hàng xóm khen chị đẹp, vào trường học tốt, sau này nên người. Gia đình bác Cân tự hào, nở mày nở mặt.

Thời gian thấm thoắt trôi. Tôi đỗ đại học Thủy lợi, và ra phố. Trải qua nhiều khó khăn tôi mới tìm được chỗ ở của chị, dù Hằng không muốn. Qua điện thoại, chị nói gặp chẳng để làm gì. Tôi thảng thốt nghe lồng ngực mình chực vỡ vụn. Chị đã không sống tốt như tôi tưởng. Lẽ ra chị phải tốt nghiệp rồi, nhưng nợ môn quá nhiều nên phải trả một năm mới hết.

Căn phòng chị thuê trọ chung với một cô gái sống bằng nghề nhậu thuê. Tôi quan tâm đến Hằng, dò la hỏi han bạn bè, tôi biết chị cũng đang làm vậy. Chị cần tiền để trát lên mình thứ nhung lụa hào nhoáng phố xá. Chị bị cuốn theo những thói đua đòi. Bia rượu hành hạ chị, khiến chị mờ mắt. Tôi là thằng sinh viên năm nhất chẳng biết gì, bỗng trở nên già dặn hơn khi phải tìm hiểu về chị. Làm sao để kéo Hằng trở lại?

Đêm ấy, trên cây cầu bắc qua sông Hồng lộng gió, chị nói mình không thể quay lại được nữa. Nước mắt chị nhỏ xuống sông. Đứng sát thành cầu, hai tay chị dang ra. Tôi hét lên: “Chị đừng làm dại”. Chị quay lại mắng: “Cậu tưởng chị làm bậy ư? Nhầm rồi, chỉ là thử cảm giác thôi”. “Nhưng rất nguy hiểm đấy”, nói vậy rồi tự nhiên tôi muốn ôm chị. Dẫu rằng chị đã trở nên xa lạ, nhưng tôi vẫn nặng lòng với những hoài niệm, và yêu chị.

Giọng tôi thảng thốt: “Em ôm chị nhé”. Hằng nghĩ một lúc và lắc đầu: “Ôm làm gì, cậu là người trong trắng”. Tôi hiểu ý chị, nhưng tôi đã lớn, tôi thương chị, và hiểu những gì chị đã trải qua. Tôi nói: “Chị đừng buồn, em sẽ ở bên chị”. Hằng lắc đầu: “Cậu không làm gì được đâu. Quá muộn rồi. Chị đã dấn quá sâu. Cậu mới ra đây, vẫn chỉ là một cậu nhóc, chưa hiểu gì đâu…”.

Hằng bỏ lửng câu nói, kèm một tiếng thở dài. Trời khuya vắng sao. Mắt đèn như mắt phố trêu ngươi. Gió cuốn hơi nước từ dòng sông, lành lạnh. Tôi đưa chị về, chỉ nghe tim mình đập. Nó kêu to đến nỗi tôi cảm giác chị cũng nghe thấy. Chị không nói gì, như đêm quê nhà thanh vắng. Hằng bảo tôi dừng ở đầu ngõ, tự đi bộ về dẫu tôi muốn đưa vào tận nơi. Tiếng guốc bấm vào ngõ khuya. Chị đi rồi, tôi vẫn đứng nhìn theo.

Rồi một cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng. Tôi cảm thấy chuyện chẳng lành sắp đến với chị. Tôi dong xe máy sâu vào trong ngõ. Quả nhiên phía kia, gã đàn ông đang khống chế chị, áp chặt Hằng vào tường. Gã tra vấn: “Em trốn đi đâu? Tại sao tắt máy, anh đã bảo phải mở để giữ liên lạc liên tục cơ mà?”.

Bất ngờ, gã giơ tay giáng vào mặt Hằng một cú, rồi ngồi lên xe, ném lại một câu: “Mày chưa xong đâu”. Rồi gã phi mất.

Tôi lao đến đỡ Hằng lên. Chị loạng choạng chực ngã, nước mắt giàn giụa. Tôi nói sẽ đưa chị rời khỏi thành phố này. Phải trốn khỏi đây. Những cạm bẫy đã bủa vây, và quấn lấy Hằng. Tôi biết đưa Hằng đi đâu?

Chị đã cố trốn khỏi gã đàn ông đó, rồi bị đánh. Máu thấm trong đêm kinh hoàng. Tôi biết chuyện thì chị đã được chuyển vào bệnh viện, nằm thoi thóp thở. Thấy tôi, mắt chị sáng lên đôi chút hy vọng. Sau nửa tháng điều trị, tôi đưa Hằng về quê, như một cách trốn phố phường. Hoa mướp nở rộ. Những vạt hoa vàng thắp sáng góc trời quê, chỉ mắt chị thâm quầng, và tâm trạng mệt mỏi.

Chị ra đi kiêu sa, sau ngần ấy năm, đời ném lại một người con gái tuyệt vọng. Cha mẹ hỏi chuyện, chị giấu, tôi giấu. Nói vẫn tốt. Bình phục hẳn, chị lại rủ tôi, và lũ trẻ hàng xóm bơi, thả diều. Chị đang cố tỏ ra thoải mái, hay chị đang nén lại cơn đau, khỏa lấp bằng những trò chơi thuở thiếu thời?

Dù gì, thì giờ cũng là lúc để sống khác đi.


Nguyễn Văn Học
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#24
Em có vui không?

PN - Em có vui không? Thi thoảng anh hỏi em điều đó. Để làm gì... Ngần ấy thời gian chưa đủ để vùi chôn nước mắt ngày xưa sao anh!?


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Biết trả lời anh thế nào đây khi chúng mình tình cờ gặp nhau trong cái quán cà phê ấm áp mùi trầm ấy. Em cố nén để không nhăn mặt khó chịu, để bình thản nói với anh rằng: em vui. Tự nhiên em ghét cái kiểu an nhiên của mình. Tự dưng em ghét cái không gian quen thuộc này. Sài Gòn, đâu phải duy nhất chốn này mới có cà phê ngon.

Tình cờ mình gặp rồi yêu nhau cũng trong quán cà phê ấy. Hôm đó, anh dường như đã chạy theo em đến nơi giữ xe, chỉ để rụt rè hỏi “có phải chị công tác ở C. không?”. Em cười thiệt giòn nói rằng không phải. Rồi chả biết xui khiến thế nào em hỏi thêm anh câu nữa, đủ để em đưa anh danh thiếp của mình, ra về và quên.

Tin nhắn đầu tiên anh gửi là ngay chiều mưa hôm đó: “Chị ơi, rất vui được làm quen với chị”. Em đọc mà cười ngặt nghẽo, cười anh thật thà quá. Làm quen gì mà ngộ, có bao nhiêu câu nói để mở đầu cho việc làm quen, cớ gì anh chọn kiểu cũ rích vậy.

Cũng vì anh chân thật vậy, chúng mình mau chóng kết thân. Cũng vì câu nói thật lòng “anh sẽ đi làm thêm”, khi em vu vơ hỏi “anh làm gì để nuôi em, chúng mình yêu nhau chỉ sau vài tháng quen biết.

Em có vui không? Thi thoảng anh hỏi em điều đó. Để làm gì, anh muốn biết gì về em? Ngần ấy thời gian chưa đủ để vùi chôn nước mắt ngày xưa sao anh!? Trong em vẫn còn nguyên hình ảnh chiều mưa như trút. Con nhỏ vốn hay yếu lòng là em tưởng đã ngã quỵ khi anh lạnh tanh “đừng phiền anh nữa. Mình ngừng ở đây nhé, anh đã hết yêu thương rồi”.

Thay vì gào. Thay vì thét. Thay vì cào cấu xé nát anh. Em ngẩn người ra và gật đầu. Tình yêu là gì? Từ ngày chia xa ấy đến giờ thi thoảng em vẫn tự hỏi mình như thế. Cũng ngần ấy thời gian em ngạc nhiên khi nhận ra lòng mình không đau như vẫn hình dung. Cuộc tình ấy đã ngơ ngác đi qua đời chúng mình, từ lâu lắm rồi.

Em có vui không? Anh hỏi câu ấy cả lúc chuẩn bị làm chú rể. Lúc đang bồng trên tay đứa con đầu lòng. Lúc cả nhà anh đang đi nghỉ ở Mũi Né rộn ràng vui. Lúc em đang trên đường du lịch một mình. Lúc em đang trong một cuộc hẹn mới. Lúc em đang cười nói lớ phớ với bạn bè đâu đó. Anh vẫn hỏi, em có vui không?

Lần đầu anh hỏi, em nghe tim mình ngưng nhịp. Lần thứ hai anh hỏi, em muốn chạy đến, và nắm chặt đôi bàn tay ấy… Lần này anh hỏi, em mỉm cười quay đi. Nói với nhau làm gì, dù chỉ một câu, khi mọi thứ trở nên quá xa lạ.

Em có vui không? Vui không em? Vui không em? Vui không em?... Như một điệp khúc ngân vang trong đầu mỗi lần nhận câu hỏi từ anh. Em rồi cũng tập quen dần với thắc mắc ấy. Tập quen dần với câu hỏi nhiều thăm dò hơn là quan tâm.

Dường như, anh vẫn muốn xác tín lại với chính mình rằng, em không bao giờ vui, em sẽ không có gì vui kể từ lúc mình chia xa nhau. Mà biết cũng chẳng để làm gì, buồn vui của một cuộc tình rồi cũng phải đóng gói lại và cất đi. Em, vốn chẳng phải người hay sống bằng hoài niệm. Em vẫn đang sống rất bình lặng như vốn dĩ trước giờ vẫn thế.


Lan Khôi
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#25
Tình đầu và tình cuối

PN - Người tình đầu tiên trong đời là ai? Dù năm tháng qua đi, có một điều chắc chắn cảm xúc ấy không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Một ngày đóng cửa, giam mình giữa bốn bức tường, ngước nhìn lên chỉ thấy sách. Sách chất từ chân tường chạm lên trần nhà. Chỉ thấy tranh-Tranh đã vẽ trong khoảng thời gian tĩnh lặng nhất, buồn tẻ nhất.

Những dòng chữ từ sách-người bạn của quá khứ; những sắc màu từ tranh-cảm hứng của tâm trạng, chẳng thể sẻ chia, an ủi. Lúc ấy, nghĩ về điều gì? Với y, khoảnh khắc đó như một cuốn phim quay chậm, lần lượt những người tình cũ như những lớp sóng vỗ mơn man vào ghềnh đá, loang dần ra từng bóng hình “hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.

Người tình đầu tiên trong đời là ai?


Dù năm tháng qua đi, có một điều chắc chắn cảm xúc ấy không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ. Nhớ như in cái thuở “Em tan trường về-Mưa bay mờ mờ”. Nhớ như in cái lúc: “Anh trao vội vàng-Chùm hoa mới nở”. Nếu không có âm nhạc, không có giọng ca mượt mà gấm lụa một nỗi buồn, có lẽ cảm xúc của thơ không đủ sức lay động một nỗi muộn phiền dậy lên ngây ngất đến thế. Hát lại lần nữa đi. Để cảm thấy từng sợi tơ óng mượt, từng sợi tơ chùng giăng mắc dọc ngang trong tâm tưởng.

Thử hỏi, có buồn không? Chẳng một ai buồn. Kỷ niệm đã xa. Đã hằn vết. Vì thế, dù không buồn nhưng vẫn nhói buốt như có, như không.

Khi viết những dòng này, y lại nhớ đến thời trung học đã biết nhung nhớ, trằn trọc vì cô bạn cùng lớp. Suốt những năm tháng ấy, y chưa hề dám ngỏ lời, chỉ có những lá thư học trò vụng về. Rồi thời thế biến động. Vừa học xong lớp 11 đã có lệnh nhập ngũ. Đất nước vừa hòa bình, vừa chiến tranh. Biên giới Tây Nam đã đón nhận những bước chân thư sinh, những lồng ngực còn run lên những câu thơ tình chợt đến lúc hành quân: “Vẫn trong như ngọc trắng ngần-Tình em thắp sáng trăng rằm Angkor-Trăm năm đất khách hẹn hò/Làm sao tri ngộ giày vò lẫn nhau?”

Ước mơ thăm thẳm ấy không bao giờ đến. Có người vướng mìn trên nẻo về hư không. Thoát xác về trời. Ngã vào lòng đất vẫn con trai. Rồi ở hậu phương, người con gái, từng thầm thương trộm nhớ bằng tất cả sự non nớt, ngây thơ học trò, năm tháng ấy đã chìm giữa trùng dương sóng vỗ. Vĩnh viễn không còn đọng lại chút gì trên dương thế, ngoài một, hai tấm ảnh nữ sinh của cái thời “Em tan trường về-Mưa bay mờ mờ”.

Kỷ niệm ngày tháng đó cũng mờ mờ như sương mù dằng dặc ở Đà Nẵng vào những sớm mùa đông có tiếng chim lạnh lẽo trên ngọn sầu đông hoa tím. Vệt sương ấy đã lưu dấu trong thơ của ngày còn đi học: “Dấu cỏ hiền ngoan mờ trong sương-Đi giữa mùa trăng ngập mây vương. Bé-nàng công chúa nghe cổ tích. Nhớ kỷ niệm hồng đầy yêu thương”. Đọc lại những câu thơ viết lúc mười ba, mười bốn tuổi (đã được in báo rồi đấy), tự dưng thấy thương nhớ về một thời thơ dại.

Tự nhận “mối tình đầu” nhưng đã thốt lên lời nào đâu? Nào đã có ai hứa hẹn với ai một câu gì. Ông Phạm Thiên Thư nói đúng tâm cảnh: “Ôi mối tình đầu-Như đi trên cát-Bước nhẹ mà sâu-Mà cũng nhòa mau”. Nhưng rồi tại sao suốt đời người ta lại không quên? Cảm xúc như lửa vùi trong than, gặp gió sẽ bùng lên. Tại sao như thế?

Có lẽ đó là cảm xúc chân thành như hương lúa đầu mùa, là tình cảm trong veo như nắng thủy tinh. Không hề gợn lên một chút dục vọng, toan tính nào. Trạng thái tâm lý đó, về sau, đã nhiều lần yêu, đã nhiều chung chạ hoan lạc, đã thất vọng ê chề, đã chạm đến sự khoái lạc của lửa, đã rơi tuột xuống thẳm sâu địa ngục tuyệt vọng của nước, vẫn không thể tìm thấy.

Nhiều người thích đọc Mái Tây của Vương Thực Phủ-nó được xếp vào “lục tài tử thư”, có lẽ cũng do cuộc tình của Thôi Oanh Oanh, và Trương Quân Thụy trong trẻo quá. Chân tình quá. Yêu là yêu. Chỉ là nhịp đập của trái tim đang réo rắt tiếng nói của lứa đôi: “Tương tư vừa mới qua cầu. Biệt ly lại chuốc mối sầu mênh mang-Chợt nghe một tiếng “lên đường”. Rụng rời tay ngọc xuyến vàng rộng thênh!”. Nỗi buồn ly biệt sao lại đau đớn đến thế? Xuyến ngọc đeo trên tay ngọc, bỗng dưng rộng thênh là cớ vì sao? Có thể xếp câu thơ đó vào hạng tinh tế bậc nhất khi diễn tả cảm xúc của người yêu chia tay người yêu.

Khó quên tình đầu bởi cảm xúc thật, không ma mị, phủ lên bất kỳ một lý do, một “nhân danh” nào khác, chứ chẳng phải do lần đầu tiên biết yêu. “Định nghĩa” như thế là đúng? Là sai? Không biết nữa. Nhưng, không riêng gì y, nhiều người đã có suy nghĩ này: tình cuối cùng, chính là tình đầu. Bởi từ đó, họ không còn tìm đến bất kỳ một chọn lựa nào khác. Cuối cùng là kết thúc. Chính vì kết thúc nên chính nó mới có ý nghĩa trọn vẹn của “mối tình đầu”.

Chiều đã chiều. Từ ngôi chùa đối diện nhà vọng về tiếng cầu kinh. Từng tiếng rời rạc. Từng tiếng đuổi theo nhau, lúc khoan, lúc nhặt. Đọc lại một đoạn văn xuôi trong truyện ngắn Mùa hè quái ác của nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Ngọc Lan không có thật. Cái chết không có thật. Và ngay cả tình yêu tôi nói với Ngọc Lan cũng không có thật. Tất cả đều không có thật. Nhưng điều làm tôi đớn đau là mùa hè có thật. Mùa hè chắc chắn đã có thật một cách quái ác ở trong tôi”.

Thời gian có thật. Vì lẽ đó, mối tình đầu tiên trong đời làm sao có thể quên?

Lê Minh Quốc
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#26
Xin anh hãy trân quý tình yêu trong hiện tại

PN - Tôi biết, trước tôi, anh đã từng yêu sâu đậm một người con gái khác. Anh đến với tôi, âu cũng phần nhiều là để lấp chỗ trống sau chia tay.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Hầu hết đàn ông đều "say đắm tình vừa mới quen". Chồng tôi cũng không phải người ngoại lệ. Tới sau này kết hôn, anh có nói với tôi một điều mà tôi chắc chắn không bao giờ quên "đàn ông khi đã có vợ và gia đình, họ sẽ sống hết mình cho hiện tại, không vương vấn quá khứ và tất cả để hướng về tương lai".

Anh nói vậy chính là đang nhắc nhở tôi phải biết trân trọng tình cảm của anh cũng như không được nhắc về "người cũ" của anh. Thế mà anh nói một đằng rồi lại làm một nẻo. Anh không cho tôi hỏi về chuyện xưa trong khi chính anh lại không thoát nổi ra khỏi quá khứ.

Tôi không biết phải làm sao để gạt đi hình ảnh người yêu cũ của anh trong căn nhà này. Cô ấy đã từng thân quen với anh, với gia đình anh, với mọi thứ trong nhà anh suốt sáu năm rồi. Làm sao để trước mặt tôi, mọi người thôi thi thoảng hỏi nhau "không biết cái T dạo này thế nào nhỉ?"...

Mỗi khi anh đi làm về, dù mệt mỏi, bận rộn tới đâu tôi cũng đều cố gắng tươi cười để anh vui. Còn anh, vác nguyên vẻ lạnh lùng, âu sầu về gặp tôi. Tôi không muốn đổ lỗi cho ai. Nhưng khổ một điều, lần nào anh như vậy thì tôi đều thấy trên facebook của chị vô tình đăng những dòng tâm sự rất tâm trạng về tình yêu xưa của chị, và chồng tôi.

Mỗi khi tôi làm gì không được, mẹ chồng, chị chồng cũng lôi tôi ra để so sánh với chị. Thậm chí có lần còn nói bóng nói gió "Hai đứa ấy chẳng qua có điều khó xử nên mới phải chia tay. Chị em quý nhau lắm, giờ thi thoảng vẫn hay gọi điện thoại tâm sự".

Tôi biết, mình chỉ là kẻ lấp chỗ trống trong trái tim anh. Nhưng anh phải biết, tôi đã lấp chỗ trống ấy trong anh bằng tình yêu chân thành đầu đời của mình. Về làm dâu con trong nhà, tôi cũng đã cố hết mình để có những bữa cơm ngon, những buổi họp gia đình vui vẻ. Mẹ chồng họ, tôi cũng không dám ngủ trọn giấc vì lo lắng. Không lẽ, những điều đó chưa đủ để anh cũng yêu tôi trọn vẹn hơn?

Tại sao mọi người không thử một lần đặt mình vào hoàn cảnh của tôi để hiểu trái tim một nàng vợ, nàng dâu mới cảm thấy tủi phận, đau đớn tới nhường nào. Tôi tồn tại hữu hình mà cứ như chiếc bóng đi sau cái bóng "người cũ" của chồng.

Cùng là phận đàn bà, đều phải làm vợ, làm dâu mà sao mọi người lại đối xử với nhau nghiệt ngã thế? Tại sao không sống trân quý, vun vén cho hiện tại mà cứ dầm mình vào dòng chảy quá khứ? Người sẽ đồng hành cùng anh cả đời này là tôi, không phải "tình cũ" của anh. Người sẽ chăm sóc cho mẹ chồng tôi lúc tuổi già ốm đau là tôi, chứ cũng không phải "tình cũ" của anh. Vậy, sao cứ hoài niệm về một thời đã xa nay cũng chẳng còn vang bóng?

Tôi biết, trước tôi anh đã từng yêu sâu đậm một người con gái khác. Anh đến với tôi, âu cũng phần nhiều là để lấp chỗ trống sau chia tay. Tôi biết điều đó và cũng đã chấp nhận đau thương để đến với anh. Vậy nên xin anh - chồng của em, đừng mơ giấc mơ ngày hôm qua, mà hãy biết sống trong thực tại để cùng em hướng tới tương lai.


L.K
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#27
Điều kỳ diệu ngắn ngủi

PN - Đã có thoáng chốc nào đó, tôi tin tôi chính là điều em mong muốn, tôi có thể mang đến cho em điều em cần.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Tôi quen em trong một lần lang thang trên internet. Lạc vào trang hẹn hò của những người độc thân. Gần 50 tuổi, tôi vẫn sống một mình với cô con gái nuôi đã 18 tuổi. 18 năm qua, tôi sống với trách nhiệm, nghĩa vụ làm cha một cách tình cờ. Tôi trở thành bố của một sinh linh bé nhỏ, yếu ớt gần như bị bỏ rơi trong một hoàn cảnh bất hạnh. Ngày ấy, tôi đang đau khổ vì đổ vỡ mối tình đầu 10 năm gắn bó, đã chìa tay ôm bé vào lòng. Đôi bàn tay một công nhân xây dựng vụng về, thô ráp phải tập tành bao việc để chăm sóc một bé gái đỏ hỏn. Tôi quên đi bản thân, cuộc sống của mình, dồn tình thương cho con gái.

Rồi con gái lớn lên, vào đại học, chính cháu đã thủ thỉ với tôi: Sao ba không tìm lấy cho mình một người yêu thương? Chính cháu là người đẩy tôi ngồi vào bàn máy vi tính, hướng dẫn tôi cách sử dụng, thúc đẩy tôi lang thang vào thế giới mạng, nghe nhạc, đọc báo, và cuối cùng là tôi đã rụt rè bước vào thế giới làm quen trên mạng. Nhớ lần đầu thấy lời đề nghị làm quen, gặp gỡ của em với những người đồng cảnh ngộ và nhấn mạnh đây là lời làm quen nghiêm túc chân thành, tôi đã run tay khi gửi tới em một tin nhắn, và số điện thoại của mình. Em trả lời tôi ngay sáng hôm sau, bằng một tin nhắn rất nghiêm túc về một tình bạn, để tìm hiểu nhau.

Sau này, em nói với tôi, khi bước vào mạng xã hội, và gửi lời làm quen ấy, em đang khủng hoảng tình cảm trầm trọng từ cuộc ly hôn. Em sợ mình bị trầm cảm, tự kỷ hay gì gì đó như người ta thường nói và cố tìm cách thoát khỏi trạng thái đờ đẫn, đau khổ ấy bằng mọi giá, kể cả bằng cách mà em cho là tệ nhất: làm quen qua mạng. Em đã hoảng hồn khi nhận được gần như lập tức hàng trăm lời hồi đáp, với đủ mọi kiểu cách từ bỡn cợt, khiếm nhã tới coi thường, khinh rẻ.

Trong số đó, em chọn ra vài lời nhắn có nội dung nghiêm túc và chân thành để trả lời. Tôi và em quen nhau tình cờ như thế, bằng một cách mà người ta ít tin tưởng nhất như thế. Nhưng có hề chi, bởi tôi tin những người có tấm lòng thật sự có thể hiểu nhau, cảm nhận nhau dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chỉ sau vài lần trò chuyện, tôi đã biết em là một người có địa vị xã hội cao hơn tôi gấp 10 lần, có trình độ học vấn cao hơn tôi gấp 20 lần và có đời sống khá giả hơn tôi… cũng bấy nhiêu lần. Tôi sững lại, choáng váng, bất ngờ. Lòng tự trọng của một người đàn ông khiến tôi gõ những dòng nhắn gửi em mà trái tim đau như cắt: “Vậy thì anh không thể làm bạn với em được rồi. Anh nghèo, dốt và hèn kém hơn em nhiều lắm. Anh chỉ là một người thợ”.

Trên cửa sổ chat, tôi thấy em như lặng đi, rồi em gõ trả lời, rồi em lại im lặng. Dường như em cũng bối rối, suy nghĩ, và cân nhắc câu trả lời cho tôi. Trái tim tôi trĩu nặng. Cuối cùng, câu trả lời của em cũng hiện ra: “Có sao đâu anh. Em đang đi tìm một người bạn. Chúng ta cứ là bạn của nhau đã. Mọi chuyện… để trời tính. Em đang tìm một người đàn ông chân thành, hiền hậu và trung thực. Em đã cảm thấy điều đó từ anh”. Không thể nói là tôi phục sinh, nhưng những dòng đó khiến trái tim tôi run lên những tia hy vọng mỏng manh. Biết đâu, đời có những chuyện kỳ diệu...

Chúng tôi đã gặp nhau vài lần ở một quán cà phê đẹp trong thành phố. Em nhỏ nhắn và dịu dàng. Những câu chuyện của chúng tôi thường xoay quanh đổ vỡ hạnh phúc của em. Tôi nhận ra em đang tìm mọi cách để hàn kín vết thương ấy lại.

Em khóc, em cười, em giận dữ, em oán trách, em hối hận khi nhắc về quá khứ. Tôi chỉ biết lắng nghe, và an ủi. Bằng những hiểu biết của mình, tôi chia sẻ với em mọi điều, cố giúp em vượt qua bằng niềm tin: Con người không xấu, hạnh phúc là có thật, đừng vì một sai lầm, một mất mát nho nhỏ mà hy sinh cả trái tim của mình. Giữa những dòng nước mắt, có khi khuôn mặt em sáng lên niềm vui bình dị: “Anh đúng là một người hiền hậu. Sao trong mắt anh, cái gì cũng tốt đẹp đến thế?”.

Lần đầu tiên thấy em, những người thân của tôi đã nghi ngại vì sự chênh lệch giữa hai chúng tôi quá lớn. Em đã luôn cố gắng san bằng khoảng cách ấy, vì tôi. Em bảo, em không cần địa vị, vật chất, hay tri thức. Có những thứ ấy để làm gì? Với người chồng kia, mọi thứ giữa hai người đều cân bằng, đầy đủ, sao cuối cùng cũng chỉ là lọc lừa, gian dối, cay đắng. Cái em cần bây giờ là một trái tim yêu em thật sự và không bao giờ lừa dối em.

Đã có thoáng chốc nào đó, tôi tin tôi chính là điều em mong muốn, tôi có thể mang đến cho em điều em cần. Có lúc em còn vẽ ra cho tôi một cuộc sống bình yên trong tương lai, nhưng tôi chợt nhận ra trong bức tranh ấy không có người thân, bạn bè của em. Và tôi hiểu, nếu đến với tôi, em sẽ phải chối từ tất cả những gì em đang có. Từ đó, tôi chỉ mỉm cười những khi em bắt đầu nói về hạnh phúc. Tôi nhận ra đó chỉ là những mơ mộng, không chỉ của tôi mà cả của em, vào một điều không bao giờ có thể xảy ra.

Thời gian trôi, vết thương tình cảm của em đã dần lành miệng. Em tỉnh lại, và tiếp tục cuộc sống của mình. Tôi cũng nhận ra, em đã hiểu khoảng cách của chúng tôi là không thể san bằng được. Đó là khi em đặt bàn tay mịn màng, mềm mại của em vào bàn tay chai sần của tôi. Đó là khi tôi trò chuyện với em qua điện thoại trong những tiếng ầm ào của công trường xây dựng, còn phía bên em là phòng máy lạnh êm ái tĩnh lặng.

Đó là khi em bỏ quên, không trả lời những tin nhắn yêu thương của tôi suốt một ngày bận rộn, chỉ xin lỗi rối rít khi chiều xuống, thậm chí ngày đã qua… Em dần không còn nhắc đến những viễn cảnh hạnh phúc bình yên, tôi cũng từ từ quên đi những hy vọng nhỏ nhoi của mình… Cho đến một ngày, tất cả tự tàn lụi… Giữa chúng tôi chỉ còn một tình bạn nhẹ nhàng.

Lâu lắm rồi, em không gọi cho tôi nữa, tôi cũng không gọi cho em, bởi cả hai đều tự hiểu mọi việc đã qua. Có lần em nhỏ nhẹ nhắn tin xin lỗi tôi, rất vô cớ. Thế nhưng chúng tôi đều hiểu em xin lỗi vì điều gì. Tôi trả lời em: “Không sao đâu, anh phải cám ơn em mới đúng”. Em im lặng, không hỏi tôi vì sao. Chắc em đã hiểu, dù gì chăng nữa, em cũng đã là một điều kỳ diệu ngắn ngủi trong cuộc sống của tôi, bây giờ và mãi về sau.


Yên Hà
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#28
Nghỉ phép để yêu thương

PN - Tuổi trẻ thì dùng sức khỏe kiếm tiền, về già lại dùng tiền mua sức khỏe. Cứ loay hoay mãi trong cái vòng luẩn quẩn ấy hết một đời người...


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Giờ nghỉ trưa, đột nhiên nhận được tin nhắn: Em có thể xin nghỉ phép không? Ngạc nhiên. Lâu lắm rồi, từ ngày có con, tôi cứ phải cắc củm dành dụm từng ngày phép. Nay đứa lớn đau, mai đứa nhỏ bệnh. Nay xin về sớm đám giỗ đằng nội, mai nhìn trước nhìn sau len lén về đám cưới bên ngoại. Thôi thì đủ thứ lý do phải để dành những ngày phép ít ỏi. Thế mà đột nhiên chồng lại bảo: Dạo này ít việc, nếu được em xin nghỉ ngày thứ Sáu đi, có việc! Hỏi tới lui chồng vẫn chỉ nói vậy. Điểm lại trong đầu xem bên nội, bên ngoại, rồi cả đám bạn bè thân hữu vẫn không thể nhớ nổi ai có chuyện cần mình phải nghỉ phép.

Vận hết miệng lưỡi thuyết phục mà chồng cũng không nói, đành cằn nhằn rồi cũng xin nghỉ. Tối thứ Năm, chồng bảo: ngày mai cả nhà mình đi nghỉ một chuyến. Mắt tròn mắt dẹt, tưởng gì quan trọng lắm, cần kíp không thể trì hoãn được, hóa ra lại là vậy. Mình ngỡ ngàng đến buông rơi cả chiếc áo đang cầm trên tay, thốt lên: Sao tự nhiên lại đi chơi, giữa bề bộn bao nhiêu là việc?

Chồng quay lại, cắt ngay lời nói của mình: Anh muốn cả nhà nghỉ ngơi, lâu lắm rồi chúng mình chịu biết bao áp lực…

- Nhưng…

- Đừng nhưng gì hết!

Lặng một lúc, anh tiếp: Anh đã chuẩn bị cho những ngày nghỉ này lâu rồi. Giờ là lúc hợp lý nhất. Đã bao nhiêu ngày cố gắng, chúng mình cũng cần nghỉ ngơi. Con cái, vợ chồng sau những tất bật cần có những ngày thực sự thoải mái bên nhau, không phải lo nghĩ gì cả…

Tự nhiên mình nghi ngại: Anh… có bị sao không? Một cảm giác bất an chợt dấy lên trong lòng. Chưa bao giờ thấy một người tham công tiếc việc như chồng mình, lại sẵn lòng xin nghỉ phép để đi chơi như vậy. Đáp lại cái nhìn như dấu hỏi của vợ, giọng anh trầm hẳn lại: Thực ra cũng có lý do. Đồng nghiệp của anh đang lên như diều gặp gió đột nhiên phát bệnh ung thư.

Những ngày này của anh ấy gắn chặt với bệnh viện. Tiền bạc cũng chẳng còn có ý nghĩa gì cả. Từ đó anh nghĩ, mình nai lưng ra kiếm tiền để làm gì? Dành dụm cũng chừng mực nào đó thôi. Đúng ra là cần phải lo cho chính ngày hôm nay, chứ không phải một ngày mai xa vời nào đó mà mình hoàn toàn chẳng biết.

Từng lời của chồng như ngấm vào lòng mình. Ừ, sao không sống cho ngày hôm nay mà cứ lo lắng mãi những chuyện đâu đâu. Tuổi trẻ thì dùng sức khỏe kiếm tiền, về già lại dùng tiền mua sức khỏe. Cứ loay hoay mãi trong cái vòng luẩn quẩn ấy hết một đời người. Không kịp vui, không một ngày hưởng thụ. Vèo cái bệnh, vèo cái những đột ngột cướp đi hạnh phúc tưởng như sẽ lâu bền mãi mãi. Ai biết ngày mai sẽ như thế nào, sao không sống trọn vẹn cho ngày hôm nay?

Nghỉ phép để đi chơi! Chắc cũng không nhiều người rời khỏi công việc vì một lý do có thể là… lãng nhách như thế. Mà thú thật, nếu chồng không lên ý tưởng thì chính mình cũng không bao giờ nghĩ được như vậy.

Có thể nghỉ phép vì những đãi đằng xã giao, sao lại không thể nghỉ phép cho chính bản thân? Nghỉ ngơi, xốc lại tinh thần để rồi bước vào những ngày mới, hẳn sẽ hưng phấn hơn rất nhiều. Nghĩ thế, lòng thấy vui hẳn lên. Chúng ta cũng cần phải nghỉ phép để yêu thương!


Đinh Thùy Hương
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#29
Tỏ tình bằng thơ

PN - Một lời hẹn hò, tỏ tình hết dám thốt ra; một chút say nắng cũng không; làm sao dám tung tăng, bay nhảy như thời trẻ?


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Đọc lại Số đỏ, chắc hẳn ai cũng phì cười trước cảnh ngộ đáo để: Trong lúc Tuyết, một cô gái tân thời đang tung tăng trong vườn hoa, có chàng thi sĩ lẽo đẽo theo sau: “đôi mắt lờ đờ, cái thân thể ốm o lẫn trong bộ Âu phục quần chân voi, cứ đăm đăm chiêu chiêu nhìn Tuyết”. Và… ngâm thơ: “Chẳng được như hoa vướng gót ai/ Lòng ta man mác tả tơi thay/ Vội vàng nhặt lấy bông hoa nát/ Ðể áp cho lòng nỗi đắm say!”. Lúc ấy, Xuân Tóc Đỏ đi bên cạnh Tuyết, chẳng lẽ im lặng để mặc cho “tình địch” sử dụng thơ chiếm lấy trái tim trinh nguyên của nàng ư? Không, Xuân Tóc Đỏ cũng há mồm ra đọc thơ, xem ra hiệu quả lắm, nếu không, sức mấy Tuyết thốt lên khen: “Giời ơi, anh là một bậc kỳ tài! Thật là xuất khẩu thành chương!".

Nhắc lại chi tiết này, dù dẫn chứng từ tiểu thuyết trào phúng, nhưng rõ ràng, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng tình tiết từ cuộc đời thật. Nghĩa là, tỏ tình bằng thơ trước đây phổ biến và nay, chưa chắc đã mất đi.

Một trong những câu thơ hay nhất của Lưu Trọng Lư: “Em chỉ là người em gái thôi/Người em sầu mộng của muôn đời/ Tình em như tuyết giăng đầu núi/Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời” - chính là thơ tỏ tình dành cho cô nữ sinh Phùng Thị Cúc, 17 tuổi, học trường Thăng Long (Hà Nội). Sau này, cô là nhà điêu khắc lừng danh năm châu bốn biển: Điềm Phùng Thị.

Từ những vần thơ thời thanh niên, mãi vài chục năm sau, khi gặp lại, cả hai đều đã lập gia thất, trong hồi ký Nửa đêm sực tỉnh, Lưu Trọng Lư kể: “Hôm ấy, Nguyễn Tuân dắt Cúc lại ngồi bàn với tôi và vợ tôi là Mừng, Tuân cười xì xì: “Đây rồi, đối mặt ngâm gì thì ngâm đi”. Tất cả chúng tôi cùng cười với nhau vui vẻ, tưởng chừng như cuộc sống chẳng có điều gì xảy ra, có khi như thật mà cũng như đùa vậy”.

Vâng, cuộc sống nó vốn thế, cứ diễn ra mọi điều, có thể lúc mình không toại nguyện, nhưng về sau, ngẫm lại, biết đâu lại hay.

Khi đang là sinh viên năm thứ hai, y đã chết mê chết mệt một nữ sinh viên khóa trước, được giữ lại trường, học tiếp làm giảng viên. Trời, nghe giọng nói Mỹ Tho mà ngỡ như uống nước dừa xiêm. Làm thế nào để bày tỏ tình cảm? Chỉ có thơ.

Một trong những bài thơ y viết cho nàng năm tháng ấy: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương, sau này nhiều người yêu thích: “Tình yêu làm nắng hạ hóa mưa xuân-Có phải tôi về nên mùa này mưa vội? Qua kênh Chợ Gạo một chiều bão nổi-Đôi mắt tôi chìm trong đôi mắt của em…”. Còn nhớ, buổi chiều hôm đó trời mưa tầm tã, y và bạn học Trương Nam Hương đã đi chung chiếc xe đạp sườn ngang lên nơi nhà nàng ở trọ để trao thư. Con đường Phạm Viết Chánh ấy, làm sao có thể quên?

Khi đến nơi, ướt như chuột lột, mặc dù gọi đến khản giọng nhưng cửa vẫn im ỉm đóng. Đành bỏ bài thơ vào bao ni lông cho khỏi ướt, rồi ném vào trong sân. Vài ngày sau, tình cờ gặp nhau, nàng bảo: “Em trả lại bài thơ cho anh đây. Em đã đính hôn rồi. Anh ấy cũng bộ đội xuất ngũ như anh”. Chính câu cuối cùng khiến y tự ý thức phải rút lui.

Bẵng đi một thời gian dài, ngày nọ có một bạn đọc nam đến báo Phụ Nữ TP.HCM tìm gặp y. Thật ngạc nhiên khi anh đưa thiệp cưới và mời dự. Ngạc nhiên quá, y có quen biết gì đâu. Sau một lúc trò chuyện, anh cho biết đã chép bài thơ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương nhằm “thay lời muốn nói”. Không ngờ, cô bạn gái gật đầu cái rụp. Một phần do thơ, còn một phần do nội dung nói đúng tâm trạng của chàng trai miền Trung yêu cô gái Tiền Giang. Anh kể: “Vợ sắp cưới của tôi tâm sự là bị “đốn ngã” bởi mấy câu này: “Đừng ví tôi như sỏi đá miền Trung-Tình yêu đến ai không nghe cỏ hát? Tôi vội vã vì trong ruột đất/Mẹ tôi gieo hạt lúa phải còng lưng”. Cô ta bảo đọc xong thương… tôi quá”.

Thế đấy, có những bài thơ đã viết, chính tác giả thất bại, trái tim giai nhân không run rẩy, xúc động mảy may nhưng lại ép-phê người tình của kẻ khác. Đúng. Làm sao có thể “thống kê” đầy đủ bao nhiêu người trải qua nhiều thế hệ đã mượn thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Bùi Chí Vinh, Trương Nam Hương, Nguyễn Nhật Ánh… để thổ lộ tâm tình? Và bao nhiêu người đã nhờ vần thơ ấy mà nên duyên vợ chồng?

Trong vòng hơn 20 năm y đã in đến chục tập thơ, có bao nhiêu bài thơ đã viết riêng cho những ai đó? Khó có thể đếm hết, dẫu rằng y vẫn còn nhớ như in từng nhan sắc ấy. Nhưng rồi, y nghiệm ra rằng, những bài thơ ban đầu được gửi đi, có thể vọng về một tín hiệu nào đó, nhưng thơ không là tất cả. Ngoài thơ, tình yêu còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác nữa. Nhiều lắm. Đôi lúc, người thơ không đáp ứng nổi, chẳng gì to tát, có thể chỉ là món quà ngày sinh nhật, câu nhắc chúc mừng ngày lễ Valentine, 8/3 chẳng hạn, nhưng rồi lơ tơ mơ với thơ nên lại quên khuấy. Thế là bao nhiêu công sức tỏ tình bằng vần điệu du dương trở thành công cốc.

Đến một lúc nào đó, bản thân nhà thơ cũng không còn viết những bài thơ tỏ tình như thời trẻ nữa. Đơn giản, họ đã “yên bề gia thất”. Một lời hẹn hò, tỏ tình hết dám thốt ra; một chút say nắng cũng không; làm sao dám tung tăng, bay nhảy như thời trẻ? Hôm nọ, y bảo nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Bây giờ Q. sống nhẹ nhàng lắm. Cái gì của mình ắt của mình, bằng không chẳng gì phải dằn vặt, đớn đau, thổn thức, mất ăn mất ngủ như trước. Tuyệt quá, phải không anh?”. Ông nhà văn Tình nhỏ làm sao quên cười mà rằng: “Thế, liệu còn có thơ?”

Mà thôi. Thời tuổi trẻ đã xa rồi.

Đọc lại những bài thơ đã viết, chẳng thể lý giải vì sao, lúc ấy, thời điểm ấy, với người này, người nọ mình phải buột miệng thốt lên đau đớn: “Anh đi tìm trong bụi bặm lao xao/Một tình yêu đang rụt rè bước đến/Mọi sự vật anh đều nhìn lơ đễnh-Đi giữa đám đông mà thắp đuốc tìm người/Chẳng nhìn thấy ai trong dục vọng chợ đời-Anh tìm được anh bơ vơ như trẻ lạc”.

Tự dưng, thương quá.

Thương lấy tuổi trẻ, và tình yêu vô tội của chính mình.


Lê Minh Quốc
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#30
“Giá”của tình yêu?

PN - Người ta có bao giờ yêu nhau đâu. Người ta yêu những giá trị người kia mang lại cho mình, chia sẻ với mình khi đến với nhau.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Có người hỏi tôi từ lúc nào tình yêu bị tính toán, ngã giá, và người yêu trở thành một giá trị để người ta có thể sở hữu, gọi đấy là “của mình”? Tệ hơn, khi không thể sở hữu được nữa, họ vứt bỏ như một món đồ? Người ta đổ lỗi cho xã hội, nào là giá trị giáo dục, văn hóa, đạo đức bị xáo trộn, suy đồi. Cái gì cũng được mang ra để so sánh với… “hồi xưa”, nhất là chuyện tình cảm, theo cái nghĩa là ngày xưa thì tốt hơn.

Tôi chỉ cười, thế nào là như xưa?

Trước đây, ông bà ta xem con, cháu như một món đồ. Nhà giàu có thì con cái là món đồ quý. Con nhà nghèo thì như món nợ. Sinh con ra, nuôi dạy cho khôn lớn, gán cho con gái một cái giá tương đương với thóc lúa, trâu bò, vàng bạc, nữ trang, tiền bạc, lụa là... Khi gả con, hình thức không khác gì bán con qua tục thách cưới. Đương nhiên nhà trai cũng xem như đang đi mua một cô dâu - ngã giá xong thì hôn nhân tiến hành. Người con gái trả được “hiếu đạo” cho gia đình qua những của lễ nhà trai. Cô dâu từ nay thuộc sở hữu của nhà chồng. Cuộc đời còn lại, tình cảm, suy nghĩ, công sức lao động… đều phải theo, cống hiến cho nhà chồng.

Nếu cô dâu không được như mong đợi của nhà chồng, họ sẽ trả cô về cho cha mẹ ruột, như trả lại một món hàng hỏng. Có khi họ sẽ đòi lại một phần của cải đã trao trước đây, như đòi lại tiền đặt cọc. Bị trả về, cô gái xem như bỏ cả cuộc đời còn lại.

Thời nay, người ta nghĩ rằng mình đã thôi lạc hậu khi không cần mai mối, không thách cưới, không ngã giá... Họ gặp nhau, để ý, tìm hiểu, yêu, và cưới. Nhưng hôn nhân kia nào chỉ thuần là tình nghĩa. Đàn ông sẽ xem đàn bà có xinh đẹp không, khỏe mạnh không, khả năng sinh con thế nào, có biết bếp núc nấu nướng, có công ăn việc làm không… Đàn bà sẽ tìm hiểu xem đàn ông có vững vàng về tài chính, khả năng tình dục ra sao, ngoại hình tướng tá đủ cao ráo sáng sủa để con cái sau này xinh đẹp không, gia đình đông con hay ít, con một, hay con thứ… Họ đến với nhau qua sự đồng thuận sẽ đóng góp, chia sẻ dựa trên căn bản hai bên đều cân bằng về mọi mặt như nhau, để không ai phải “nuôi” ai.

Thật sự, mọi thứ vẫn như xưa, chỉ là họ tự ngã giá với nhau, không qua mai mối cũng chả qua gia đình.

Bạn tôi có một cuộc tình 5 năm. Anh người yêu mùa tết nào cũng đòi cưới, nhưng cô bạn tôi bảo, khi nào mua được căn hộ, mua được chiếc xe hơi, tiền trong tài khoản hòm hòm vài trăm triệu nhàn rỗi rồi hẵng cưới.

Một anh bạn khác, tiền tài danh vọng đủ cả, áp lực con trai một, nhà cần cháu đích tôn; anh bảo với cô người yêu rằng anh chỉ cưới sau khi cô có thai, mà phải là con trai. Sau vài tháng chuyện bầu bì không xảy ra. Anh đến với cô khác, với cùng yêu cầu: máy đẻ.

Với những tiền đề tình yêu có giá trị sở hữu, và có hạn sử dụng như thế, khi mọi thứ không như ước ao, người ta chấp nhận rằng mình đã “chọn nhầm người”, và trả giá cho sự chọn lựa ấy; bởi không có gì đau khổ hơn là sở hữu một tài sản mình không ưa thích, giữ lại thì chật chội, cho đi thì không biết cách nào để vẹn toàn, để không bị mất mát quá nhiều.

Đa số đàn ông trả giá bằng… tiền - bằng tài sản bị xâu xé, chia chác - những thứ mà họ không còn đủ kiên nhẫn, sức khỏe để bắt đầu lại như xưa. Đàn bà trả giá bằng tuổi thanh xuân - thứ mà dù có đi mỹ viện nâng chỗ này, bóp chỗ kia, căng chỗ nọ cũng không thể quay về. Mắt đã bớt trong, điệu cười nhuốm mùi chua chát, sức lực cũng mỏi mòn sau bao nhiêu năm.

Người ta có bao giờ yêu nhau đâu. Người ta yêu những giá trị người kia mang lại cho mình, chia sẻ với mình khi đến với nhau. Như nhà cửa, xe cộ, đất đai, tiền bạc, và niềm vui. Khi không còn những thứ đấy nữa, người kia trở nên tầm thường, không còn chút giá trị.

Chỉ vì tình yêu có bao giờ vô giá đâu.


Lê Phương Thảo
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#31
Đôi khi, tình yêu vẫn thế…

PN - Thiện bảo bạn vẫn đang đi tìm một tình yêu thực thụ, ở tuổi 40. Để tin rằng người ta yêu nhau, vì người ta yêu nhau.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Tháng 5 năm trước, tôi ngồi với Thiện, cậu bạn thân suốt thời trung học đến giờ, trong một quán cà phê đẹp, trời Sài Gòn buổi chiều hâm hấp nóng. Chúng tôi cùng nói với nhau về bạn bè ngày xưa, về mình bây giờ, và cả về tình yêu. Thiện, bây giờ đã là một người đàn ông thành đạt, giàu có, và đặc biệt là vẫn độc thân.

Mỗi khi ngồi với nhau, tôi đều hỏi bạn lý do mãi đến giờ bạn vẫn chưa thành thân, dù dư mọi điều kiện để hẹn hò thậm chí với chân dài trẻ đẹp. Bạn chỉ cười khi nói về tình yêu của mình. Thiện bảo bạn vẫn đang đi tìm một tình yêu thực thụ, ở tuổi 40. Để tin rằng người ta yêu nhau, vì người ta yêu nhau. Để xác tín rằng điều đó vẫn còn ở đời này.

Điều bạn ấy muốn là: người phụ nữ nào bạn ấy chọn, phải là người chọn bạn ấy vì bạn ấy, không vì một gạch đầu dòng điều kiện nào. Tôi thương bạn. Thương một con người luôn đau đáu vì tình yêu. Trong tôi, đôi khi cái gọi là tình yêu lớn đã lụi tàn đâu mất. Tôi hình như quên mất mình cũng đã từng tha thiết, từng đớn đau, từng ngông cuồng, từng hết lòng bảo vệ cái tình yêu, vì tình yêu của mình ngày ấy.

Rằm tháng Giêng vừa rồi Thiện cưới, một cái đám cưới nhỏ gọn ấm cúng. Trước ngày cưới vài hôm chúng tôi lại ngồi cùng nhau, lại nói về tình yêu. Mắt Thiện lấp lóa vui. Tôi cũng nghe lòng mình lấp lóa vui. Thiện kể, tình yêu ấy như câu chuyện cổ tích của đời mình. Thiện bảo rốt cuộc thì tình yêu cũng có thật. Mình vững tin vào tình yêu là đúng. Chỉ có tình yêu, mới cho chúng ta can đảm. Chỉ có tình yêu mới có đủ một cái níu tay thật mạnh cho chúng ta đứng dậy. Chỉ có tình yêu mới sáng suốt nhận ra cái tầm thường nhất trong mỗi con người, và xem nó hiển nhiên. Để mai kia mốt nọ, ta trở về chính mình, về với con người cốt lõi tay trắng, chẳng danh lợi, bạc tiền. Người vẫn vì ta mà đứng đợi.

Vợ bạn là một người phụ nữ đen và gầy. Nhìn chị kém tươi tắn, và hầu như không có chút gì gọi là sành điệu. Chị lớn hơn Thiện ba tuổi, và có một cô con gái 11 tuổi. Họ tình cờ ngồi cạnh nhau trong một chuyến du lịch bình dân. Thiện vốn thích rong ruổi một mình với các chuyến đi giá rẻ, đi đôi khi chỉ để thấy mình đỡ đơn côi. Chị ấy thì thỉnh thoảng muốn đi đâu đó ra khỏi Sài Gòn một ngày.

Họ ngồi đó, và nói chuyện với nhau. Về Tiêu Phong, về Lệnh Hồ Xung, về Vi Tiêu Bảo. Về sự siêu phàm của Kim Dung. Lâu lắm rồi Thiện mới thấy mình hào hứng đến vậy. Buổi trưa, khi mọi người lục đục kéo nhau vào quán, chị bày cơm nắm muối mè ra mời Thiện ăn cùng. Là cơm nắm muối mè. Là ký ức. Là bà ngoại. Là những chuyến tàu Bắc Nam của ba mẹ những năm tháng khó khăn. Bấy nhiêu thôi, mà Thiện đã thấy lòng mình thật kỳ lạ…

Vài lần gặp gỡ. Sinh nhật, chị may tặng Thiện bộ drap giường, thêu tay những cánh hoa nho nhỏ vàng vàng quanh bao gối. Lâu lâu Thiện ghé nhà chị, ngồi ăn cùng bàn với mẹ con chị. Chút ấm áp của hai mẹ con. Mùi canh chua cá cơm, mùi cá ngừ kho cải chua. Chén chè lục tàu xá. Thiện nấn ná không muốn về.

Bạn bắt đầu mơ về một ngôi nhà. Ngôi nhà có gian bếp luôn đỏ lửa cuối ngày. Ngôi nhà mỗi chiều lại thoang thoảng mùi hành mùi tiêu. Ngôi nhà có người phụ nữ ân cần vén khéo. Ngôi nhà có người phụ nữ chưa một lần thắc mắc về bạn, chưa một lần mở cánh cửa xe bạn, chưa bao giờ nhận lời mời ra ngoài ăn tối của bạn. Và, bạn yêu.

Vượt qua bao khó khăn phản đối của gia đình và cả bạn bè. Thiện tin vào chính cảm nhận của mình. Yêu, chưa khi nào có câu trả lời chính xác, nên đừng bao giờ hỏi tại sao.

Đôi khi, yêu nhau chỉ vì muốn yêu.


Ái Nhân
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#32
Tôi và anh

PN - Anh đã có gia đình. Tôi cũng vậy. Chúng tôi tình cờ ngồi cạnh nhau trong một cuộc họp.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Đi họp tôi thường đem theo một cuốn sách, để lỡ diễn giả nói chán ngắt thì mình đỡ tiếc thời gian. Cuộc họp ngày hôm đó, tôi nhiều lần úp sách lại rồi giở sách ra.

Tôi hơi bất ngờ khi chủ tọa mời anh phát biểu. Tôi vội úp ngay cuốn sách lại và tỏ ra chăm chú lắng nghe, lòng tự trách mình vô ý không nhận ra anh là người quan trọng. Cứ tưởng ngồi bàn cuối chỉ là nhân viên lèng xèng.

Phát biểu xong, trở về chỗ ngồi, anh cười nhẹ: “Chắc là tôi dài dòng đủ để cô đọc xong nguyên một chương?”. Tôi đỏ mặt. Biết là anh đùa thôi nhưng không thoát được cảm giác mình bị trách móc là đã phụ công sức của những người tổ chức cuộc họp này.

Giờ giải lao anh lịch sự hỏi tôi thích uống cà phê hay trà. Rồi anh hỏi mượn cuốn sách tôi đang cầm. Anh kể vui, hồi còn trẻ anh là mọt sách, bây giờ thì những cuộc họp thâu tóm hết thời gian của anh mất rồi. Nói chuyện với anh lúc nào tôi cũng muốn bật cười. Thật vui.

Lời mời cà phê đầu tiên tôi đã định từ chối. Là người phụ nữ đã bước vào đời sống hôn nhân, tôi hiểu ngay tín hiệu trong lời mời nghe như vu vơ đó. Nhưng tôi đã nhận lời, và tự phân bua đây là cơ hội quen biết với người có quyền, biết đâu mai này công việc làm ăn có lúc cần nhờ. Mà tôi chẳng dám nhờ anh điều gì. Tình cảm tôi dành cho anh ngày càng lớn đến nỗi tôi không cho phép mình mang tiếng lợi dụng. Anh cũng vậy, tôi nhận ra anh luôn tránh nói tới công việc khi chúng tôi gặp nhau. Cả hai đều giữ gìn, và nâng niu…

Rồi đến lúc không chỉ là muốn gặp nhau ở quán cà phê cho đỡ nhớ nhung, chúng tôi cảm thấy muốn gần gũi nhau hơn nữa.

Chẳng biết điều gì đã níu tôi dừng lại kịp. Có thể vì tôi yêu anh thật lòng, và sợ tình yêu đó trở nên tầm thường một khi đã thỏa mãn. Có thể vì anh trân trọng tôi đủ để không làm tôi tổn thương. Và cảm giác mình có lỗi với chồng con cũng rất mạnh mẽ, khiến tôi hổ thẹn với chính mình nếu… Có lẽ cũng nhờ những cuốn sách nữa. Chúng tôi thường tranh cãi về nhân vật trong sách, về những đúng sai mà nhân vật được phép làm hay không, để rồi sau đó... chẳng lẽ mình lại để mình phải nói hối hận như nhân vật ấy sao?...

Có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn mỗi khi yếu lòng khiến tôi luôn tự vấn mình giữa khóc, và cười. Tôi tự chiến đấu với mình trước mỗi cuộc hẹn hò. Rồi thì tôi cũng dừng lại được. Email cuối cùng anh gởi cho tôi: “Đợi suốt buổi mà em không đến. Anh hiểu. Chúc em bình yên”. Tôi lục lại những email cũ, đọc lại một lần nữa, khóc, rồi nhấn phím delete. Những cuốn sách anh tặng, tôi xé đi trang đầu có chữ viết của anh. Quyết đẩy lùi tất cả vào quá khứ.

Tám năm trôi qua, con gái tôi đưa bạn trai về nhà. Tôi nhận ra ngay đó là con trai của anh vì giống anh quá, từ khuôn mặt, đôi mắt, đến miệng cười, và cả lối nói chuyện nồng nhiệt, thông minh, dí dỏm.

Trên kệ sách của con gái, ngày càng nhiều thêm những cuốn sách người yêu tặng, tôi nhận ra ngay đó là những cuốn mà thế hệ tôi đã đọc mê say. Những cuốn sách của một thời được tái bản đẹp hơn xếp trên kệ nhắc nhở tôi nhớ bước đi lạc lòng mà đôi khi, như một thử thách trêu ngươi của ông trời.

Tôi mừng vì ngày đó mình đã ngừng lại kịp, để giờ tôi và anh đối diện nhau bàn chuyện con cái mà trong lòng không phải ngại ngùng. Hơn thế, tôi thấy thương con rể nhiều hơn và chắc anh cũng thương con dâu nhiều hơn, một sự bù đắp khó giải thích rành mạch, nhưng rất trong sáng. Mỗi khi vợ chồng con gái về thăm, nhìn khuôn mặt rạng ngời niềm vui của hai đứa là tôi biết con mình đã nhận được nhiều yêu thương. Bằng cách đó tôi biết mình, và anh đã thật sự rẽ qua một khúc quanh khác.

Tôi vui đợi tới ngày mình bế trên tay đứa bé gọi tôi là bà ngoại, gọi anh là ông nội. Số phận đã sắp xếp cho tôi và anh trở thành người thân theo một cách khác, đầy trách nhiệm, và thân ái.


Nguyên Hương
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#33
Lỡ đường

PN - Ông ngồi trên xe, vói trông qua cửa xe hình ảnh túp nhà lụp xụp, và bóng người đàn bà cô quạnh, gió vút qua tấm bạt nghe rõ tiếng lật phật...


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Xe lên đến lưng chừng dốc thì dừng hẳn, máy móc tắt phụt, như tiếng thở phào mỏi mệt giữa ánh nắng chiều đang tỏa rạng. Chỉ chừng vài mươi phút nữa thôi, mặt trời sẽ tắt phía bên này triền núi, dù bên kia, có thể nhìn thấy nắng vẫn còn lấp lóa, vàng ươm, nhưng đã phảng phất một vẻ buồn tĩnh lặng của ánh hồi quang. Gió chớm mang hơi ẩm của đêm, báo hiệu một tối cuối thu ảm đạm, và lạnh lẽo.

Ông nặng nhọc đứng dậy, lê cái túi trên vai, kéo thêm một túi nặng trình trịch bên chân, ngao ngán nhìn xuống quang cảnh đìu hiu ngoài cửa sổ. Vài ba căn lều quán tạm bợ, mái tôn, vách nứa, phía trước căng bạt xanh, bạt đỏ tùm hum như thời nào đã xa xôi lắm… Mấy cái chòi nhỏ xíu bằng gỗ tạp che phía trước quán, nhô hẳn ra ngoài mặt đường nghễu nghệnh tương to chữ “đái, tiểu” quệt bằng sơn đỏ như trêu ngươi. Mọi người lục tục vừa chửi rủa, than vãn, vừa ùa ra khỏi chiếc xe dở chứng.

Không quen bỗng thành quen nhờ vào những câu nói vô thưởng vô phạt kiểu: “Xe cộ thế này chán quá!”, hoặc “Xuống đây chẳng biết có cái gì bỏ bụng không nữa?”, hoặc thậm chí đơn giản hơn như: “Trời chiều rồi nhỉ?!”… chỉ cần người tình cờ đi cạnh hưởng ứng bằng cái gật đầu, hay nụ cười mệt mỏi, vậy là đã quen, có thể kéo dài hơn mối quan hệ bằng cách cùng nhau chui một lượt vào trong cái chòi “đái, tiểu” cho đỡ mất thời gian, chia nhau bữa cơm tạm bợ, cùng ngồi uống cà phê tán gẫu chờ xe sửa xong thì chạy tiếp…

Ông không cần làm quen kiểu đó, vì ông có sẵn người bạn đồng hành chia sẻ với ông những thứ vặt vãnh lê la trong buổi chiều này, kể cả hàng ngàn hàng vạn buổi chiều khác. Bà - vợ ông, cũng vừa đi phía sau vừa than vãn y hệt những người khách cùng chuyến xe cuối ngày. Hai vợ chồng già, ông chồng gầy ốm, mặt đen, răng vàng ệch, vóc rạc đi vì khói thuốc, đi cạnh bà vợ đẫy đà tóc muối tiêu uốn loăn xoăn kiểu những bà già thành thị, một cặp kiểu mẫu cùng nhau hờ hững bước không chủ định vào một trong những lều quán ven đường. Ngồi sát rào tre, nhìn xuống thung lũng đầy nắng chiều, nếu đừng bận tâm đến đống rác sát ngoài bìa vách thì khung cảnh có thể nói là vô cùng đẹp, một vẻ đẹp đơn sơ, và khoáng đạt.

Một bà già khác, đoán là chủ quán, không có vẻ gì là đon đả, có lẽ do quá hiểu cách chi xài của những cặp vợ chồng già, chậm chạp bước đến, cộc lốc buông hai chữ: “Uống gì?”.

Ông nhìn bà chủ quán, nhìn như thói quen của một người đàn ông, đến tuổi nào thì nghe giọng nữ cũng phải nhìn. Chỉ khác cách nhìn mà thôi. Mắt ông đọng lại giữa ánh mắt của bà ta trong một chốc, rồi quay đi. Bà chủ quán cũng quay đi bằng cách nhìn sang bà, chờ đợi. Bà nhấm nhẳng: “Uống gì thì gọi đi! Ai biết ông thích gì mà gọi cho”. “Thì bà cứ gọi gì cũng được, vào mấy chỗ này thì quan trọng gì?”. “Thế thì vào chỗ nào mới quan trọng?”. Ông cắt đứt trận chiến đã được khai mào bằng vài từ ngắn gọn: “Một chai bia”.

Nhưng ông vẫn chưa được yên thân. Bà chủ quán hỏi nhỏ nhẹ: “Ông thích bia gì?”. Lần này không phải là hai chữ cộc lốc. Giọng nói cũng không còn xa lạ nữa. Bà ta hỏi ông thích gì? Câu hỏi này ông đã từng được nghe biết bao lần… Lòng bàn tay ông bắt đầu ẩm ướt. Vợ ông không để ông phải bối rối, bà tiếp ngay lời: “Bia gì mà chẳng được! Bà chị cứ lấy bừa đi. Ông ấy thì ai mà hầu cho nổi? Người gì mà suốt ngày cấm ca cấm cẳn, việc gì làm cũng không nên thân, mà cứ ra vẻ khệnh khạng không quan tâm việc nhỏ nhặt. Thế có bao giờ làm được việc gì lớn chưa? Chỉ mệt cái thân tôi thôi. Hôm nay thánh thần gì nhập mà lại còn đòi uống bia nữa chứ? Uống rồi thì chốc nữa đừng có kêu nhà xe nó dừng cho mà tiểu tiện liên tục thì mang nhục đấy…”.

Không đợi bà nói hết câu, bà chủ quán đã quay lưng. Còn lại hai vợ chồng già ngồi lườm nhau, lườm đến chán thì cùng nhìn ra ngoài thung lũng. Gió chiều thổi phần phật làm bốc tung đám bụi ven đường quốc lộ. Ông cúi mặt tránh làn gió bụi, thấy mắt mình nhòe nhoẹt, nhớ ra là mình lại quên mang kính.

Khi ngẩng đầu lên, mắt ông tự khắc nhìn vào sau quầy nước. Mới đó mà đã vùn vụt bốn mươi năm! Như chớp mắt.

Ông không biết cơn cớ gì đã đưa bà ta đến vùng đất hoang lương này. Cũng chưa từng nghe tin tức gì về bà sau từng ấy năm ly tan. Lần cuối, ông cũng không còn nhớ lần cuối hai người gặp nhau chi tiết ra làm sao. Chỉ biết rằng, hai con người lúc đó, hoàn toàn không còn chút gì để có thể liên tưởng đến hai con người bây giờ. May ra thì bà vẫn còn đôi mắt đẹp và buồn, nhìn là nhận ra ngay. Còn ông? Ông còn sót lại gì của những ngày trai trẻ?

Bà ta đặt bia xuống bàn cho ông, trà đá cho vợ ông vì bà vợ từ chối không gọi thức uống gì. Có lẽ để tạo chút thiện cảm nhằm xóa đi mặc cảm mình vào quán mà tiết kiệm chẳng gọi gì để uống, vợ ông giả lả khi bà ta sắp quay đi: “Vùng này chắc buồn lắm bà chị nhỉ?”. “Dạ, thì chị cũng thấy”. “Tôi là tôi không thể nào sống nổi ở mấy chỗ khỉ ho cò gáy này. Bước ra cửa gặp chợ, mua thức này, bán thức nọ, vậy là tôi vui! Nhưng cái ông thần này thì bướng lắm! Lúc nào cũng về quê, về quê... Tôi cứ phải can mãi cho đến khi ông ấy nằng nặc năm nay phải về, sợ có khi chết bất tử không còn đường mà về! Đấy, trên đường về quê thì chết dí ở đây”.

Hồi xưa, ông với bà ta từng thề ước. Về già hai người sẽ dành dụm tậu một mảnh vườn ở thôn quê. Vườn nằm cạnh sông, lên liếp trồng cà trồng ớt… Bây giờ bà ta lầm lũi ở đây. Ông nhìn quanh quất, thấy sào phơi đồ giăng mấy thứ tủn mủn chỏng chơ. Con chó già nằm uể oải nơi ngạch cửa. Không thấy một liếp cà liếp ớt nào.

Tiếng bà vợ vẫn ong ong bên tai: “Chị được mấy cháu?”. “Dạ một thôi, nhưng nó đi làm xa thỉnh thoảng mới tạt về”. Ông thấy căng thẳng, dỏng tai mong bà vợ hỏi tiếp, nhưng mà vợ ông chỉ chờ cho bà ấy dứt câu thì hát ngay một bài quen thuộc: “Ôi! Thế thì chị cực quá! Tôi khác chị. Tôi không được đường chồng, nhưng được đường con. Hai đứa con, một trai, một gái. Ngoan, và thành đạt lắm! Thằng lớn có công ty riêng, đứa nhỏ là giảng viên đại học. Có hiếu với mẹ lắm. Thì cũng phải thôi, một tay tôi làm lụng nuôi từng đứa cho đến tận khi ăn học thành tài. Hồi xưa, tôi khổ với cha nó ra trò. Vừa nách con, vừa ghen chồng. Cứ đi biền biệt, không muốn ghen mà thiên hạ họ soi mói mãi cũng phải ghen. Chứ báu gì của đó với tôi. Tôi là tôi lo cho con thôi…”.

Ông để cho đầu óc mình lơ đãng quay về những ngày tháng cũ. Trong ánh tà dương trải dài ra thung lũng xanh trước mắt, ông như thấy lại hình ảnh người con gái trẻ trung, đằm thắm. Nhớ lần chạy loạn, ông phải cõng nàng, thân thể mềm mại tựa vào lưng ông ấm áp. Nhớ những buổi chiều mưa, hai người ngồi ăn kem trên đường Trương Minh Giảng. Nhớ cái đêm buồn trong cư xá, họ đã trao thân lần đầu. Rồi nhiều đêm sau đó, mãnh liệt và chìm đắm, những ngày mà thành phố tan tác thảm thương. Những ngày, những đêm, không biết sẽ ai còn, ai mất. Họ không quan tâm đến chiến sự bên ngoài, đến radio đang ra rả hay tiếng trực thăng quần đảo. Cứ yêu nhau, như ngày mai không bao giờ tồn tại…

Nhưng ngày mai tưởng không bao giờ đến đó lại là hiện thực hôm nay, ông ngồi đây, giữa ông và bà ta, là một người đàn bà khác, miệng vẫn huyên thuyên không dứt: “Sống như chị vậy mà sướng, như thân tôi, lắm lúc bực đến chết được chị ơi! Mình khổ mình biết, ai đâu mà biết cho…”. Ông cười thầm, trong im lặng. Không biết ai sướng, ai khổ? Ông hay hai người đàn bà kia?

Tiếng máy xe bỗng vang lên tạo nên âm thanh ồn ào tán thưởng từ khắp dãy lều quán, cắt đứt tiếng nói của bà, và dòng hồi tưởng của ông. Lập tức ông đưa mắt nhìn bà ta. Bà ta cũng đang nhìn ông, cái nhìn ngập ngừng, ái ngại.

Phải, bà ta đang thương hại ông. Lúc nào cũng thế. Dù trẻ hơn ông, nhưng bà luôn là người dày dạn, hiểu đời. Có lẽ bà ta không thấy tủi thẹn gì về hoàn cảnh của mình đâu! Ông cảm thấy vậy. Chẳng những thế, bà còn thương cảm cho ông. Cho cái cuộc đời mà ông đã từng vẽ ra với bà ta biết bao nhiêu viễn cảnh. Bà chưa từng nói với ông về một viễn cảnh nào của riêng bà.

Mọi người lại lục tục kéo trở lên xe khi trời đã chập choạng chìm vào bóng tối, bà vợ trả tiền, thốt vài lời từ biệt mang tính xã giao. Ông đờ đẫn lặng nhìn đỉnh núi phía xa đang dần phủ đầy sương… Tiếng bà vợ gắt: “Còn không đi?”. Ông hơi giật mình rồi trấn tĩnh, im lặng kéo lê hai túi hành lý bằng đôi cánh tay bị hành hạ mỗi ngày vì tê thấp. Bà ta cúi đầu thu dọn ly tách, tránh nhìn vào mắt ông. Khi kéo ghế bước ngang qua bà để theo vợ lên xe, một cách vô thức, ông nhìn vào phía sau tai trái của bà.

Hơn bốn mươi năm, tự dưng có một dấu ấn nhỏ nhoi mà đã lâu không nhớ đến, trong một khoảnh khắc bỗng ùa về. Cái nốt ruồi vẫn nằm đó, sau tai trái. Đẹp một cách lặng lẽ, rất buồn. Nốt ruồi đó, ông vẫn hay hôn, những khi họ yêu nhau. Cái bắt gặp nhỏ nhoi làm ông đau đớn tưởng khụy chân không bước nổi. Nhưng rồi ông vẫn lên xe, ngồi im lặng. Cạnh ông, bà vợ vẫn càu nhàu gì đó, hình như bà phàn nàn quán sá gì mà dơ bẩn đến đi tiểu cũng không dám đi.

Ông ngồi trên xe, vói trông qua cửa xe hình ảnh túp nhà lụp xụp, và bóng người đàn bà cô quạnh, gió vút qua tấm bạt nghe rõ tiếng lật phật…

Chiếc xe rên lên vài tiếng lục khục rồi lăn bánh. Ông thẫn thờ ngoái lại. Bà vợ buông câu hỏi bâng quơ cho có: “Ông kiếm gì?”. Ông buột miệng: “Đứa con của bà ấy là trai hay gái?”.


Phan Ngọc Diễm Hân
 
Chỉnh sửa cuối:
Status
Không mở trả lời sau này.