Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

langvuon

khoai nướng
#1
Chào Mừng Quý Vị Đến Hoa Kỳ:
Sổ Hướng Dẫn Dành Cho Người Mới Nhập Cư

Nguồn bài viết: USCIS (Cơ Quan Nhập Tịch Và Di Trú Hoa Kỳ)
BẢN MỚI ĐƯỢC CHỈNH SỬA
Vào link dưới đây tải về Sổ Tay Hướng Dẫn với định dạng PDF:
http://xuatnhapcanh.com/forum/showthread.php?t=307

Chúc mừng quý vị đã trở thành thường trú nhân của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Thay mặt Tổng Thống và toàn thể nhân dân Hoa Kỳ, chúng tôi xin chào đón quý vị và chúc quý vị thành công ở nước Mỹ.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Hoa Kỳ đã đón tiếp rất nhiều người nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới. Nước Mỹ đánh giá cao những đóng góp của người nhập cư, những người tiếp tục làm giầu cho đất nước và bảo tồn di sản cho mảnh đất của tự do và đầy cơ hội này.
Là một thường trú nhân ở Hoa Kỳ, quý vị đã quyết định coi đất nước này là quê hương của mình. Trong khi làm việc để đạt những mục tiêu của mình, quý vị cũng nên dành chút thì giờ để tìm hiểu về đất nước này cũng như lịch sử và con người ở đây. Từ bây giờ trở đi, quý vị có quyền cũng như có trách nhiệm góp phần vào việc xây dựng tương lai cho nước Mỹ để đảm bảo thành công liên tục.
Những cơ hội hấp dẫn đang chờ đón khi quý vị bước chân vào cuộc sống mới với tư cách là thường trú nhân của đất nước vĩ đại này. Xin Chào Mừng Quý Vị Đến Hoa Kỳ!
Cơ Quan Nhập Tịch Và Di Trú Hoa Kỳ
___________________________________________


CÁC BỘ VÀ CƠ QUAN CỦA CHÍNH QUYỀN LIÊN BANG

Quý vị cũng có thể vào xem trang web
http://www.USA.gov để biết thông tin tổng quát về
các bộ và cơ quan của chính quyền liên bang.

Department of Education (ED)
(Bộ Giáo Dục)

U.S. Department of Education
400 Maryland Avenue SW
Washington, DC 20202
Điện thoại: 1-800-872-5327
Dành cho người khiếm thính: 1-800-437-0833
http://www.ed.gov

Equal Employment Opportunity Commission
(EEOC)
(Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Bình Đẳng)

U.S. Equal Employment Opportunity Commission
1801 L Street NW
Washington, DC 20507
Điện thoại: 1-800-669-4000
Dành cho người khiếm thính: 1-800-669-6820
http://www.eeoc.gov

Department of Health and Human Services (HHS)
(Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ)

U.S. Department of Health and Human Services
200 Independence Avenue SW
Washington, DC 20201
Điện thoại: 1-877-696-6775
http://www.hhs.gov

Department of Homeland Security (DHS)
(Bộ An Ninh Quốc Nội)

U.S. Department of Homeland Security
Washington, DC 20528
http://www.dhs.gov

U.S. Citizenship and Immigration Services
(USCIS)
(Cơ Quan Nhập Tịch Và Di Trú Hoa Kỳ)

Điện thoại: 1-800-375-5283
Dành cho người khiếm thính: 1-800-767-1833
http://www.uscis.gov

U.S. Customs and Border Protection (CBP)
(Cục Hải Quan Và Biên Phòng Hoa Kỳ)

Điện thoại: 202-354-1000
http://www.cpb.gov
U.S. Immigration and Customs
Enforcement (ICE)
(Cục Kiểm Soát Di Trú Và Hải Quan)
http://www.ice.gov

Department of Housing and Urban Development
(HUD)
(Bộ Gia Cư Và Phát Triển Đô Thị Hoa Kỳ)

U.S. Department of Housing and Urban Development
451 7th Street SW
Washington, DC 20410
Điện thoại: 202-708-1112
Dành cho người khiếm thính: 202-708-1455
http://www.hud.gov

Department of Justice (DOJ)
(Bộ Tư Pháp)

U.S. Department of Justice
950 Pennsylvania Avenue NW
Washington, DC 20530-0001
Điện thoại: 202-514-2000
http://www.usdoj.gov

Internal Revenue Service (IRS)
(Sở Thuế Vụ)

Điện thoại: 1-800-829-1040
Dành cho người khiếm thính: 1-800-829-4059
http://www.irs.gov

Selective Service System (SSS)
(Đăng Ký Với Sở Quân Vụ)

Registration Information Office
(Phòng Thông Tin Về Việc Đăng Ký)
PO Box 94638
Palatine, IL 60094-4638
Điện thoại: 847-688-6888
Dành cho người khiếm thính: 847-688-2567
http://www.sss.gov

Social Security Administration (SSA)
(Sở An Sinh Xã Hội)

Office of Public Inquiries
(Phòng Giải Đáp Thắc Mắc)
6401 Security Boulevard
Baltimore, MD 21235
Điện thoại: 1-800-772-1213
Dành cho người khiếm thính: 1-800-325-0778
http://www.socialsecurity.gov hoặc
http://www.segurosocial.gov/espanol/

Department of State (DOS)
(Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ)

U.S. Department of State
2201 C Street NW
Washington, DC 20520
Điện thoại: 202-647-4000
http://www.state.gov

ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN:
Vào xem trang web của chúng tôi tại địa chỉ http://www.uscis.gov.
Cũng xin viếng mạng http://www.welcometousa.gov nơi có các nguồn tài liệu cho người mới nhập cư.
Gọi cho Dịch Vụ Khách Hàng số 1-800-375-5283 hoặc 1-800-767-1833 (dành cho người khiếm thính)
Để xin các mẫu đơn của USCIS, hãy gọi 1-800-870-3676 hoặc xem trên trang web của USCIS.
 
Chỉnh sửa cuối:

langvuon

khoai nướng
#2
Ðề: Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

Vài Nét Về Sổ Hướng Dẫn Này

Quý vị sẽ cần nhiều thời gian để thích nghi với đời sống mới ở Hoa Kỳ. Sổ hướng dẫn này chứa đựng những thông tin căn bản nhằm giúp quý vị định cư lập nghiệp ở Hoa Kỳ và tìm được những gì quý vị và gia đình cần cho cuộc sống hàng ngày. Nó cũng tóm tắt những thông tin quan trọng về tình trạng pháp lý của quý vị và về những cơ quan và tổ chức cung cấp giấy tờ hoặc dịch vụ mà quý vị có thể cần đến.

Với tư cách một thường trú nhân (permanent resident), quý vị nên bắt đầu tìm hiểu về quốc gia này cũng như con người và hệ thống chính quyền ở đây. Hãy sử dụng sổ hướng dẫn này để tìm hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của mình với tư cách là một người mới nhập cư, tìm hiểu về cách làm việc của chính quyền liên bang, tiểu bang và chính quyền địa phương cũng như tìm hiểu về những sự kiện lịch sử quan trọng đã góp phần hình thành nước Mỹ. Sổ hướng dẫn này cũng giải thích về tầm quan trọng của việc
tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng và đưa ra những ý kiến để giúp quý vị làm được việc đó.
Sổ hướng dẫn này tóm tắt chung các quyền lợi, trách nhiệm và những thủ tục liên quan đến thường trú nhân. Để biết thêm thông tin chi tiết, quý vị nên tham khảo các văn bản pháp luật, quy định, mẫu đơn và những hướng dẫn của Cơ Quan Nhập Tịch Và Di Trú Hoa Kỳ (U.S. Citizenship and Immigration Services, hay USCIS). Nếu có thắc mắc về trường hợp nhập cư, cách tốt nhất là tham khảo những nguồn thông tin này. Quý vị có thể tìm thấy hầu hết những thông tin cần thiết trên trang web của USCIS
tại địa chỉ: http://www.uscis.gov. Gọi số 1-800-870-3676 để xin các mẫu đơn của USCIS.

Những Nơi Trợ Giúp

Sổ hướng dẫn này sẽ giúp quý vị cách bắt đầu, nhưng không thể trả lời tất cả những câu hỏi của quí vị về đời sống ở nước Mỹ. Để tìm thêm thông tin, quý vị có thể liên lạc với các cơ quan của chính quyền tiểu bang, quận hoặc thành phố để tìm hiểu về những dịch vụ quý vị đang cần hoặc hỏi thông tin từ một tổ chức trong cộng đồng giúp người mới nhập cư ổn định đời sống. Quý vị có thể tìm những văn phòng và tổ chức này bằng cách sử dụng các dịch vụ miễn phí được nêu ra sau đây.

Thư Viện Công Cộng
Mọi người đều có thể sử dụng miễn phí những Thư Viện Công Cộng trong nước Mỹ. Hầu hết mọi cộng đồng đều có thư viện. Nhân viên thư viện có thể giúp quý vị tìm kiếm thông tin cho hầu hết mọi chủ đề và cấp cho quý vị một thẻ thư viện để quý vị có thể mượn miễn phí những thứ như sách và băng video. Quý vị còn có thể đọc báo địa phương và sử dụng máy điện toán để tìm kiếm thông tin trên mạng Internet trong hầu hết các thư viện. Hãy yêu cầu nhân viên thư viện hướng dẫn cách sử dụng máy điện toán để tìm kiếm thông tin trên mạng Internet.

Một số thư viện có những lớp học miễn phí hướng dẫn cách tìm kiếm trên mạng Internet. Một số thư viện cũng cung cấp những lớp học hoặc buổi dạy kèm Tiếng Anh và những chương trình khác cho trẻ em và người lớn.

Danh Bạ Điện Thoại Địa Phương của quí vị
“Danh Bạ Điện Thoại” địa phương của quý vị (niên giám điện thoại) bao gồm các số điện thoại và thông tin quan trọng về những dịch vụ của liên bang, tiểu bang và cộng đồng địa phương. Danh Bạ có thông tin cần thiết trong trường hợp khẩn cấp, bản đồ địa phương, và thông tin về cách đặt dịch vụ điện thoại.
Trang màu trắng liệt kê các số điện thoại của tư nhân, trang màu vàng có số điện thoại và địa chỉ của các cơ sở thương mại và tổ chức; và trang màu xanh cho biết số điện thoại và địa chỉ của các văn phòng chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang. Quý vị cũng có thể gọi số 411 để tìm số điện thoại cụ thể ở bất cứ nơi nào trong Hoa Kỳ. Thành phố của quý vị có thể cũng có danh bạ điện thoại cộng đồng riêng.

Mạng Internet
Mạng Internet có thể kết nối quý vị đến nhiều nguồn thông tin, bao gồm những trang web của các cơ quan chính quyền liên bang, tiểu bang, và địa phương. Hầu hết các địa chỉ web của chính quyền có chữ “.gov” ở cuối. Nếu không có máy điện toán ở nhà, quý vị có thể sử dụng máy trong thư viện công cộng hoặc ở một quán “cà phê Internet”, là cơ sở kinh doanh thu tiền sử dụng máy điện toán có kết nối với Internet. Quý vị sử dụng Internet để tìm việc làm, nơi ở, tìm hiểu về trường học cho con em mình, và tìm những tổ chức cộng đồng và nguồn trợ giúp có thể giúp quý vị. Quý vị cũng có thể xử dụng Internet để tìm các tin tức và diễn biến hiện tại quan trọng cũng như khám phá các thông tin thú vị về đời sống ở Mỹ, lịch sử và chánh quyền của Hoa Kỳ và cộng đồng địa phương của quý vị. Hãy viếng mạng http://www.welcometousa.gov để tìm các nguồn tài liệu về chánh quyền có sẵn cho các người mới nhập cư.

LỜI KHUYÊN: Là một người nhập cư, quý vị cần coi chừng những địa chỉ web giả trông giống với trang web của chính quyền mà bọn bất lương đã tạo ra để đánh lừa và lợi dụng quý vị.
Nên nhớ rằng http://www.uscis.gov là trang web chính thức của Cơ Quan Nhập Tịch Và Di Trú Hoa Kỳ.

Các Tổ Chức Cộng Đồng Và Tôn Giáo Trợ Giúp Người Nhập Cư
Trong nhiều cộng đồng có những tổ chức trợ giúp miễn phí hoặc giá rẻ cho người nhập cư. Những tổ chức này có thể giúp quý vị tìm hiểu về cộng đồng của mình và những dịch vụ sẵn có dành cho những người nhập cư như quý vị. Quý vị có thể tìm những tổ chức này qua mạng Internet, trong danh bạ điện thoại địa phương, ở thư viện công cộng, hoặc tại cơ quan dịch vụ xã hội của chính quyền địa phương.

Tham Gia Vào Cộng Đồng
Tham gia vào cộng đồng sẽ giúp quý vị cảm thấy đây là quê nhà. Cộng đồng cuả quý vị cũng là một
nguồn thông tin tốt. Sau đây là một số cách tham gia:
• Tự giới thiệu và làm quen với những người hàng xóm.
• Nói chuyện hoặc thăm viếng những tổ chức cộng đồng giúp những người nhập cư sống ổn định ở Mỹ.
• Tham gia vào những tổ chức ở chùa/nhà thờ của quý vị.
• Tham gia vào hội hàng xóm. Đây là một nhóm người trong khu xóm hợp lại cùng nhau tìm cách giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến khu xóm.
• Tình nguyện làm việc tại một tổ chức cộng đồng, trường học hoặc chùa/nhà thờ.
• Ghi danh vào một lớp học Tiếng Anh.

Quý vị có thể tìm thêm những ý kiến về việc tham gia vào cộng đồng trên trang web của Bộ Gia Cư Và Phát Triển Đô Thị (Department of Housing and Urban Development) tại địa chỉ http://www.hud.gov.
Hãy vào phần “Communities” (Cộng đồng) để biết thông tin về cộng đồng và những lời khuyên để tham gia vào cộng đồng.
 

langvuon

khoai nướng
#3
Ðề: Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

Quyền Và Trách Nhiệm Của Quý Vị
Với Tư Cách Là Một Thường Trú Nhân


Với tư cách là một thường trú nhân (permanent resident), quý vị cần phải tôn trọng và trung thành với nước Mỹ cũng như phải tuân thủ pháp luật của quốc gia này. Là một thường trú nhân cũng có nghĩa là quý vị có các quyền và trách nhiệm mới.
Là một thường trú nhân là một “đặc ân” chứ không phải là “quyền”. Chính quyền Mỹ có thể bãi bỏ tình trạng thường trú nhân của quý vị trong một số điều kiện nhất định. Quý vị phải duy trì tình trạng thường trú nhân nếu muốn sinh sống và làm việc ở Hoa Kỳ cũng như muốn trở thành công dân Mỹ vào một ngày nào đó. Trong phần này, quý vị sẽ tìm hiểu xem là một thường trú
nhân có ý nghĩa là gì và cách duy trì tình trạng thường trú nhân của quí vị.

Các Quyền Và Trách Nhiệm Của Quý Vị


Là một thường trú nhân, những gì quý vị làm bây giờ có thể ảnh hưởng đến khả năng trở thành công dân Mỹ sau này. Quá trình trở thành một công dân Mỹ được gọi là “nhập quốc tịch”.
Là một thường trú nhân, quý vị có quyền:
• Sống và làm việc vô hạn định ở bất cứ nơi nào trên nước Mỹ.
• Nộp đơn xin nhập quốc tịch Mỹ khi quý vị hội đủ điều kiện.
• Xin thị thực cho chồng hoặc vợ và con cái còn độc thân đến sống ở Hoa Kỳ.
• Xin hưởng tiền An Sinh Xã Hội (Social Security), tiền Phụ Cấp Bệnh Tật SSI (Supplemental Security Income), và tiền trợ cấp chăm sóc Y tế (Medicare), nếu quý vị hội đủ điều kiện.
• Sở hữu bất động sản trên nước Mỹ.
• Xin bằng lái xe trong tiểu bang hoặc trong khu vực quý vị đang sống.
• Xuất nhập cảnh nước Mỹ trong một số điều kiện nhất định.
• Theo học ở những trường phổ thông và trường đại học công lập.
• Gia nhập vào một số binh chủng của Lực Lượng Vũ Trang Hoa Kỳ.
• Mua hoặc sở hữu một khẩu súng, với điều kiện tiểu bang hoặc địa phương của quý vị không có hạn chế nào nói rằng quí vị không được phép.

Là một thường trú nhân, trách nhiệm của quý vị là:
• Tuân thủ toàn bộ luật pháp của liên bang, tiểu bang và địa phương.
• Đóng thuế thu nhập cho liên bang, tiểu bang và địa phương.
• Đăng ký với Sở Quân Vụ (Selective Service, thuộc Lực Lượng Vũ Trang Hoa Kỳ), nếu quý vị là nam giới từ 18 đến 26 tuổi. Xem hướng dẫn ở trang 8.
• Duy trì tình trạng nhập cư của mình.
• Luôn mang theo giấy tờ chứng minh tình trạng thường trú nhân của quý vị.
• Khi chuyển chỗ ở, phải báo địa chỉ mới trên mạng hoặc gởi thơ báo địa chỉ mới tới Bộ An Ninh
Quốc Nội (Department of Homeland Security hay DHS) trong vòng 10 ngày mỗi lần chuyển chỗ.
Thường trú nhân được phát thẻ Thường Trú Nhân hợp lệ (Permanent Resident Card, dùng Mẫu đơn I-551) để chứng minh cho tình trạng hợp pháp của họ ở nước Mỹ. Có người gọi thẻ này là “Thẻ Xanh”. Nếu quý vị là một thường trú nhân từ 18 tuổi trở lên, quý vị phải mang theo giấy tờ chứng minh tình trạng thường trú nhân của mình. Quý vị phải xuất trình giấy tờ cho nhân viên di trú khi có yêu cầu. Thẻ này có giá trị trong 10 năm và trước khi hết hạn, quý vị phải đổi thẻ mới. Quý vị phải nộp mẫu đơn I-90 để xin thay thế hoặc thay mới Thẻ Thường Trú Nhân của mình.
Quý vị có thể lấy mẫu đơn này tại địa chỉ http://www.uscis.gov hoặc gọi cho Đường Dây Xin Đơn USCIS (USCIS Forms Line). Quý vị phải trả lệ phí khi nộp mẫu đơn I-90.
Thẻ Thường Trú Nhân của quý vị cho thấy rằng quý vị được phép sinh sống và làm việc ở nước Mỹ.
Quý vị cũng có thể sử dụng thẻ Thường Trú Nhân của mình để tái nhập cảnh vào nước Mỹ. Nếu quý vị đi ra ngoài nước Mỹ quá 12 tháng, quý vị cần trình nộp thêm một số giấy tờ để trở lại nước Mỹ với tư cách là một thường trú nhân. Xem trang 7 để biết thêm thông tin về những giấy tờ cần thiết để trở lại nước Mỹ nếu quý vị đi ra nước ngoài hơn 12 tháng.

NHỮNG GIẤY TỜ QUAN TRỌNG KHÁC
Hãy cất giữ ở nơi an toàn tất cả những giấy tờ quan trọng mà quý vị đã mang theo từ quốc gia của mình. Những giấy tờ này bao gồm hộ chiếu, giấy khai sinh, giấy hôn thú, giấy ly dị, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đại học, và những chứng chỉ cho thấy quý vị đã qua những quá trình huấn luyện hoặc có những kỹ năng đặc biệt.


Duy Trì Tình Trạng Thường Trú Nhân


Có một số điều quý vị phải làm để duy trì tình trạng thường trú nhân của mình. Đó cũng là những điều quan trọng nên nhớ nếu quý vị dự định xin nhập quốc tịch Mỹ trong tương lai:
• Đừng rời nước Mỹ một thời gian dài hoặc tới sống vĩnh viễn ở một nước khác.
• Phải khai thuế thu nhập liên bang, tiểu bang, và, nếu áp dụng, địa phương.
• Phải đăng ký với Sở Quân Vụ (Selective Service), nếu quý vị là nam giới từ 18 đến 26 tuổi.
• Phải thông báo cho DHS biết địa chỉ mới của quý vị.

Duy Trì Tình Trạng Nhập Cư Của Quý Vị

Những thường trú nhân rời Hoa Kỳ một thời gian dài hoặc không thể chứng minh được ý định sống lâu dài ở quốc gia này, có thể mất tình trạng thường trú của mình. Nhiều thường trú nhân cho rằng họ có thể sống ở nước ngoài miễn là họ trở về Hoa Kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Điều này không đúng. Nếu quý vị dự định đi ra ngoài Hoa Kỳ hơn 12 tháng, quý vị nên xin một giấy phép tái nhập cảnh (re-entry permit) trước khi ra đi. Quý vị phải nộp mẫu đơn I-131, Đơn Xin Giấy Phép Du Lịch (Application for a Travel Document). Quý vị có thể lấy được mẫu đơn này ở trang web http://www.uscis.gov hoặc gọi điện thoại tới Đường Dây Xin Đơn của USCIS (USCIS Forms Line) số 1-800-870-3676. Quý vị phải trả lệ phí khi nộp mẫu đơn I-131.

Giấy phép tái nhập cảnh có giá trị tối đa hai năm. Quý vị có thể xuất trình giấy phép tái nhập cảnh, thay cho hộ chiếu hoặc Thẻ Thường Trú Nhân, tại cảng nhập cảnh. Có giấy phép tái nhập cảnh vẫn không bảo đảm là quý vị sẽ được nhập cảnh khi trở về Hoa Kỳ, nhưng giấy phép này có thể dễ dàng chứng minh rằng quý vị trở về từ một chuyến du lịch tạm thời. Để biết thêm thông tin, xin vào trang web http://www.state.gov hoặc tới Văn Phòng Lãnh Sự của Bộ Ngoại Giao gần nhất ở nước ngoài.

Khai Thuế Thu Nhập Cá Nhân
Là một thường trú nhân, quý vị phải khai thuế thu nhập và báo cáo thu nhập của mình với Sở Thuế Vụ (Internal Revenue Service hay IRS) cũng như cho cục thuế tiểu bang, cục thuế thành phố hoặc cục thuế địa phương nếu được
yêu cầu. Nếu quý vị không nộp giấy khai thuế trong khi đang sống ở ngoài nước Mỹ trong bất cứ một khoảng thời gian nào, hoặc nếu quý vị khai rằng quý vị là “người không định cư” (non-immigrant) trên giấy khai thuế, chính quyền nước Mỹ có thể quyết định rằng quý vị đã từ bỏ tình trạng thường trú nhân của mình.

Đăng Ký với Sở Quân Vụ
Quý vị phải đăng ký với Sở Quân Vụ nếu là nam giới từ 18 đến 26 tuổi. Khi đăng ký, quý vị khẳng
với chính quyền rằng mình sẵn sàng phục vụ trong Quân Lực Hoa Kỳ. Hiện nay Hoa Kỳ không có chính sách bắt quân dịch. Điều này có nghĩa là thường trú nhân và công dân không phải phục vụ trong Quân Lực Hoa Kỳ trừ khi họ muốn.
Quý vị có thể đăng ký tại một bưu điện Hoa Kỳ hoặc trên Internet. Để đăng ký với Sở Quân Vụ trên Internet, hãy vào trang web của Sở Quân Vụ: http://www.sss.gov.
Gọi số 847-688-6888 để nói chuyện với một nhân viên của Sở Quân Vụ. Đây không phải là một số điện thoại miễn phí.
Quý vị cũng có thể tìm thông tin trên trang web của USCIS ở địa chỉ http://www.uscis.gov.

Thông Báo Địa Chỉ Mới Của Quý Vị Cho DHS
Mỗi lần chuyển chỗ ở, quý vị cần cho DHS biết địa chỉ mới của mình. Quý vị phải nộp mẫu đơn AR-11, Giấy Báo Đổi Địa Chỉ Của Người Nước Ngoài (Alien’s Change of Address Card). Quý vị phải nộp mẫu đơn này trong vòng 10 ngày kể từ khi dọn nhà. Mẫu đơn này miễn phí. Quý vị có thể đổi địa chỉ trên
mạng qua mẫu điện tử AR-11 tại http://www.uscis.gov. Cũng có thể đổi địa chỉ trên mạng cho các hồ sơ đang được cứu xét
Gọi USCIS theo số 1-800-375-5283 hoặc vào trang web http://www.uscis.gov để biết thêm thông tin.

Nếu Quý Vị Là Thường Trú Nhân Có Điều Kiện
Có thể quý vị ở Hoa Kỳ với tư cách là thường trú nhân có điều kiện (Conditional Resident, hay CR).
Quý vị được coi là CR nếu quý vị kết hôn với một công dân hoặc thường trú nhân Hoa Kỳ dưới 2 năm kể từ khi quý vị được chấp thuận tình trạng thường trú nhân. Nếu quý vị có con cái, con cái của quý vị cũng có thể được diện CR. Một số nhà đầu tư nhập cư (immigrant investor) cũng thuộc tình trạng
thường trú nhân có điều kiện.
Thường trú nhân có điều kiện (CR) có quyền lợi và trách nhiệm giống như một thường trú nhân.
Thường trú nhân có điều kiện phải nộp mẫu đơn I-751, Đơn Xin Loại Bỏ các Điều Kiện về Thường Trú (Petition to Remove the Conditions on Residence), hoặc mẫu đơn I-829, Đơn Xin Loại Bỏ các Điều Kiện Thường Trú của Thương Gia (Petition by Entrepreneur to Remove Conditions), trong vòng hai năm kể từ ngày tình trạng thường trú nhân có điều kiện được chấp thuận. Ngày này thường là ngày hết hạn ghi trên Thẻ Thường Trú Nhân. Quý vị nên nộp các mẫu đơn này trong vòng 90 ngày trước khi đến thời hạn hai năm kể từ ngày quý vị có tình trạng thường trú nhân có điều kiện. Nếu không làm như vậy,
quý vị có thể mất tình trạng nhập cư.

Nộp Mẫu Đơn I-751 cùng với Chồng Hoặc Vợ
Nếu là thường trú nhân có điều kiện và tình trạng nhập cư của quý vị dựa trên việc kết hôn với một công dân hoặc thường trú nhân, quý vị và người phối ngẫu phải cùng nộp mẫu đơn I-751 để xin loại bỏ các điều kiện áp dụng cho tình trạng thường trú nhân của mình.
Trong một số trường hợp, quý vị không phải nộp mẫu đơn I-751 cùng với chồng hoặc vợ của mình. Nếu không còn kết hôn với người phối ngẫu nữa, hoặc nếu người phối ngẫu đã ngược đãi quý vị thì quý vị có thể tự mình nộp mẫu đơn I-751. Nếu không đứng đơn chung với người phối ngẫu, quý vị có thể nộp mẫu đơn I-751 bất cứ lúc nào sau khi đã được chấp thuận tình trạng thường trú nhân có điều kiện.

CÁCH NỘP MẪU ĐƠN I-751 VÀ I-829 CHO USCIS
Ai: Những thường trú nhân có điều kiện
Tại sao: Tình trạng thường trú nhân có điều kiện hết hạn sau hai năm kể từ ngày quý vị được diện CR.
Khi nào: Những thường trú nhân có điều kiện đứng đơn với người phối ngẫu phải nộp mẫu đơn I-751. Những nhà đầu tư nhập cư phải nộp mẫu đơn I-829. Cả hai mẫu đơn này phải được nộp trong vòng 90 ngày trước khi tình trạng thường trú nhân có điều kiện hết hạn.
Ngày hết hạn thường được ghi trên Thẻ Thường Trú Nhân của quý vị.
Nơi lấy mẫu đơn: Quý vị có thể gọi Đường Dây Xin Đơn USCIS theo số 1-800-870-3676
hoặc lấy mẫu đơn trên trang web: http://www.uscis.gov.
Gởi mẫu đơn tới: Gởi tới Trung Tâm Phục Vụ USCIS (USCIS Service Center). Địa chỉ của những Trung Tâm Phục Vụ này được ghi trong bản hướng dẫn cách điền đơn.
Lệ phí nộp đơn: Quý vị phải trả lệ phí khi nộp mẫu đơn I-751 hoặc mẫu đơn I-829. Lệ phí này có thể thay đổi, cho nên trước khi gởi mẫu đơn, quý vị hãy hỏi USCIS để biết lệ phí hiện hành.
Nếu quý vị nộp mẫu đơn I-751 hoặc I-829 đúng hạn, USCIS thường sẽ gởi một thông báo gia hạn thêm tình trạng CR của quý vị đến 12 tháng. Trong thời gian này, USCIS sẽ duyệt xét đơn xin của quý vị.


LỜI KHUYÊN: Hãy giữ bản sao của tất cả các mẫu đơn mà quý vị gởi tới USCIS và những cơ quan chính quyền khác. Không nên gởi các bản gốc mà chỉ gởi bản sao. Đôi khi mẫu đơn có thể bị thất lạc. Giữ lại bản sao có thể giúp tránh những rắc rối.
 

langvuon

khoai nướng
#4
Ðề: Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

Tìm Sự Trợ Giúp Pháp Lý

Nếu cần được trợ giúp về vấn đề nhập cư, quý vị có thể mướn luật sư chuyên về luật nhập cư có trình độ và đã được cấp phép hành nghề. Quý vị có thể tìm đến luật sư đoàn ở địa phương để được giúp tìm một luật sư giỏi.

Một số tiểu bang công nhận những luật sư chuyên về luật nhập cư. Những luật sư này đã thi đậu các kỳ thi chứng tỏ họ rất am hiểu luật nhập cư. Các tiểu bang sau đây hiện có danh sách những luật sư chuyên về luật nhập cư có chứng nhận trong trang web của luật sư đoàn tiểu bang họ: California, Florida, North Carolina, and Texas. Xin lưu ý, tuy nhiên, quý vị vẫn chịu trách nhiệm trong việc mướn luật sư riêng hay không. DHS không thỏa thuận hoặc giới thiệu bất cứ luật sư riêng nào.
Nếu quý vị cần sự trợ giúp pháp lý về vấn đề nhập cư, nhưng không có đủ tiền mướn luật sư, thì có một số dịch vụ hỗ trợ miễn phí hoặc giá rẻ. Quý vị có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ:
Một Tổ Chức Được Thừa Nhận. Đây là những tổ chức được thừa nhận bởi Ủy Ban Duyệt Xét Kháng Cáo Di Trú (Board of Immigration Appeals hay BIA). Để được “thừa nhận”, tổ chức phải có đủ kiến thức và kinh nghiệm để cung cấp dịch vụ cho người nhập cư, và chỉ được phép tính lệ phí rất thấp cho những dịch vụ này. Để biết danh sách những tổ chức được BIA thừa nhận, hãy xem trang web
http://www.usdoj.gov/eoir/statspub/recognitionaccreditationroster.pdf.
Một Người Đại Diện Chính Thức. Đây là người có quan hệ với những “tổ chức được thừa nhận” của BIA. Những người đại diện này chỉ được phép tính lệ phí rất thấp cho những dịch vụ của họ. Để biết danh sách những người đại diện chính thức của BIA, hãy xem trang web
http://www.usdoj.gov/eoir/statspub/accreditedreproster.pdf.
Một Người Đại Diện Có Trình Độ Chuyên Môn. Những người này cung cấp các dịch vụ miễn phí.
Họ phải am hiểu về luật nhập cư cũng như những thủ tục của tòa án. “Người đại diện có trình độ chuyên môn” có thể bao gồm sinh viên luật khoa và cử nhân luật cũng như người có quan hệ cá nhân hoặc nghề
nghiệp với quý vị mà có tư cách đạo đức tốt (bà con, láng giềng, nhà tu hành, đồng sự, bạn bè).
Các Nhà Cung Cấp Dịch Vụ Pháp Lý Miễn Phí. Văn Phòng Chánh Án Tòa Án Di Trú (Office of the Chief Immigration Judge) có một danh sách các nhà cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí được thừa nhận cho những ai đang tiến hành thủ tục di trú trên tòa án (hãy xem http://www.usdoj.gov/eoir/
probono/states.htm ). Đây là một danh sách những luật sư và tổ chức có thể sẵn sàng đại diện cho người nhập cư làm các thủ tục trước tòa án di trú. Các luật sư và tổ chức có tên trên danh sách này đã đồng ý giúp người nhập cư “pro bono” (miễn phí) chỉ trong những vụ nhập cư được xử trên tòa án, nên một số người trong số họ có lẽ không thể giúp quý vị những vấn đề không liên quan đến tòa án (thí dụ như đơn xin thị thực, thủ tục nhập quốc tịch,v...v..).
Chương trình “Pro Bono”. Các văn phòng USCIS trong địa phương thường có sẵn những danh sách các tổ chức được thừa nhận cấp dịch vụ pro bono (miễn phí) và những người đại diện của các tổ chức này.

NẾU QUÝ VỊ LÀ NẠN NHÂN CỦA VIỆC BẠO HÀNH TRONG GIA ĐÌNH
Nếu quý vị là nạn nhân của việc bạo hành trong gia đình, quý vị có thể tìm sự trợ giúp thông qua Đường Dây Nóng Bạo Hành Gia Đình Quốc Gia (National Domestic Violence Hotline) theo số điện thoại: 1-800-799-7233 hoặc 1-800-787-3224 (dành cho người khiếm thính). Có cả dịch vụ trợ giúp bằng tiếng Tây Ban Nha và các thứ tiếng khác.
Nếu quý vị là người phối ngẫu hoặc con cái của công dân hay thường trú nhân Mỹ và bị người đó ngược đãi, đạo luật Chống Bạo Hành Phụ Nữ (Violence Against Women Act) cho phép quý vị “tự đề nghị” hoặc tự nộp đơn để trở thành thường trú nhân. Để biết thông tin chi tiết, hãy xem trang web: http://www.uscis.gov hoặc gọi đến Đường Dây Nóng Bạo hành Gia Đình Quốc Gia.


Hãy Cảnh Giác Những Kẻ Giả Danh Hành Nghề Tư Vấn Nhập Cư!
Nhiều người hành nghề tư vấn nhập cư vừa có trình độ chuyên môn vừa lương thiện, và có thể cung cấp dịch vụ tốt cho người nhập cư. Tuy nhiên, cũng có một số kẻ trục lợi người nhập cư.
Trước khi quý vị quyết định tìm sự trợ giúp về vấn đề nhập cư, và trước khi trả tiền, quý vị nên nghiên cứu để có thể quyết định đúng về những dịch vụ trợ giúp pháp lý mà quý vị cần. Hãy tự bảo vệ mình để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ giả danh hành nghề tư vấn nhập cư.

Dưới đây là vài điểm cần nhớ:
• USCIS không có quan hệ đặc biệt với bất cứ một tổ chức tư nhân hoặc cá nhân nào cung cấp dịch vụ nhập cư. Hãy đặt dấu hỏi nghi ngờ đối với những người có lời hứa có vẻ quá thuyết phục hoặc những người khẳng định có mối quan hệ đặc biệt với USCIS. Không nên tin những người bảo đảm chắc chắn
về kết quả hoặc xúc tiến nhanh hơn. Nếu quý vị không hội đủ điều kiện hưởng một tình trạng di trú nào đó, thì việc mướn luật sư hoặc nhân viên tư vấn nhập cư sẽ không thay đổi được điều đó.
• Một số nhà tư vấn, đại lý du lịch, văn phòng kinh doanh bất động sản, và những người gọi là “công chứng viên” có làm dịch vụ nhập cư. Hãy nhớ hỏi kỹ về trình độ của họ và yêu cầu được xem giấy xácnhận của BIA hoặc giấy chứng nhận của luật sư đoàn. Một số người nói rằng mình có đủ trình độ cung cấp dịch vụ pháp lý nhưng trên thực tế thì không. Những người này có thể phạm những sai lầm gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho quý vị.

• Nếu quý vị mướn nhà tư vấn nhập cư hoặc luật sư, hãy làm một văn bản hợp đồng. Hợp đồng phải được viết bằng tiếng Anh và một bản viết bằng ngôn ngữ của quý vị nếu tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của quý vị. Hợp đồng nên liệt kê tất cả những dịch vụ sẽ được cung cấp cho quý vị cùng với các khoản lệ phí phải trả. Trước khi quý vị ký hợp đồng, hãy yêu cầu họ cung cấp tên và số điện thoại của một số người có thể khẳng định tư cách làm việc của họ.
• Cố gắng tránh trả tiền mặt cho những dịch vụ. Nhớ lấy biên lai thu tiền. Nhớ giữ bản gốc của những giấy tờ của quý vị.
• Đừng bao giờ ký tên trên một mẫu đơn chưa điền. Đảm bảo rằng quý vị hiểu hết những gì trong mẫu đơn trước khi ký.
Hãy tìm sự trợ giúp nếu nhân viên tư vấn nhập cư đã lừa gạt quý vị. Gọi cho biện lý địa phương hoặc tiểu bang, cơ quan bảo vệ khách hàng hoặc cơ quan cảnh sát địa phương.

Những Hậu Quả Của Hành Vi Phạm Tội Hình Sự Đối Với Thường Trú Nhân
Hoa Kỳ là một xã hội tôn trọng pháp luật. Thường trú nhân ở Hoa Kỳ phải tuân thủ mọi luật pháp.
Nếu quý vị là một thường trú nhân đã tham gia vào hoặc bị kết án hình sự ở Hoa Kỳ, quý vị có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng. Quý vị có thể bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ hoặc bị cấm tái nhập cảnh nếu rời khỏi Hoa Kỳ, và trong một số hoàn cảnh cụ thể, quý vị có thể bị mất tư cách để nhập quốc tịch Hoa Kỳ.

Những hành động phạm pháp có thể ảnh hưởng đến tình trạng thường trú nhân của quý vị bao gồm:
• Một hình tội được định nghĩa là “tội đại hình có yếu tố gia trọng”, bao gồm những tội bạo lực đại hình có mức án một năm tù giam.
• Cố sát.
• Những hoạt động khủng bố.
• Hiếp dâm.
• Xâm phạm tình dục trẻ em.
• Buôn bán bất hợp pháp ma túy, vũ khí, hoặc buôn người.
• Một tội “sa đọa về đạo đức”, nói chung là các tội phạm với mục đích trộm cắp hoặc lừa đảo; tội phạm gây thương tích hay hăm dọa gây thương tích; những hành vi phạm pháp liều lĩnh gây ra thương tích nghiêm trọng; hoặc các tội phạm về tình dục.

Cũng có nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với thường trú nhân nếu:
• Gian lận để có lợi cho việc nhập cư của chính mình hoặc cho người khác.
• Tự nhận là công dân Mỹ trong khi không phải là công dân Mỹ.
• Đi bỏ phiếu trong một cuộc tranh cử liên bang hoặc địa phương chỉ dành riêng cho công dân Mỹ.
• Là một “người thường xuyên say xỉn” - những người thường xuyên say rượu hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp.
• Kết hôn cùng một lúc với hơn một người.
• Lẫn tránh trách nhiệm nuôi nấn gia đình hoặc không trả tiền nuôi con hoặc nuôi người hôn phối khi có lệnh của tòa án.
• Bị bắt giữ vì tội hành hung hoặc quấy rối một người thân trong gia đình, bao gồm trường hợp vi phạm
lệnh bảo vệ của tòa án. Trường hợp này được gọi là nạn bạo hành trong gia đình.
• Gian lận để hưởng trợ cấp công cộng.
• Không khai thuế khi được yêu cầu.
• Cố tình không đăng ký với Sở Quân Vụ nếu quý vị là nam giới từ 18 đến 26 tuổi.
• Giúp người nào khác không phải là công dân hoặc không có quốc tịch Mỹ nhập cảnh trái phép vào Hoa Kỳ ngay cả khi người đó là thân nhân và giúp miễn phí.
Nếu quý vị đã phạm pháp hoặc bị kết án, trước khi làm đơn xin hưởng một quyền lợi di trú khác, quý vị nên hỏi ý kiến của một luật sư chuyên luật di trú có uy tín hoặc một tổ chức cộng đồng cung cấp dịch vụ pháp lý cho người nhập cư.
 

langvuon

khoai nướng
#5
Ðề: Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

Định Cư Ở Hoa Kỳ​

Phần này cung cấp thông tin có thể giúp quý vị thích nghi với đời sống ở Hoa Kỳ. Quý vị sẽ tìm hiểu về việc tìm kiếm nhà ở và công ăn việc làm, xin số An Sinh Xã Hội và bằng lái, cách quản lý tiền bạc, và cách tìm dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho quý vị và gia đình.

Tìm Chỗ Ở

Ở Hoa Kỳ, quý vị có thể chọn nơi mình muốn sinh sống. Nhiều người sống chung với bạn bè hoặc người thân trong gia đình khi họ mới tới. Sau khi tìm được việc làm, họ chuyển ra ở riêng. Đôi khi những tổ chức tôn giáo hoặc cộng đồng cũng trợ giúp chỗ ở tạm thời.
Ở Hoa Kỳ, hầu hết người ta phải tiêu tốn khoảng 25% thu nhập để trả tiền nhà. Dưới đây là một số hình thức nhà ở khác nhau:

Thuê Nhà
Quý vị có thể tìm thuê những căn hộ hoặc nhà. Quý vị có thể tìm bằng nhiều cách:
• Tìm những bảng hiệu “Căn Hộ Cho Thuê” (Apartment Available) hoặc “Cho Thuê” (For Rent) trên những tòa nhà.
• Xem trên báo ở mục gọi là “Quảng Cáo Rao Vặt” (Classified Advertisements) hoặc “Rao Vặt” (Classifieds).
Tìm phần liệt kê “Căn Hộ Cho Thuê” (Apartments for Rent) hoặc “Nhà Cho Thuê” (Homes for Rent). Những trang này sẽ có thông tin về nhà ở, chẳng hạn như nhà ở đâu, có bao nhiêu phòng và giá thuê là bao nhiêu.
• Xem trên những trang vàng trong niên giám điện thoại dưới mục “Quản Lý Bất Động Sản” (Property Management). Đây là những công ty cho thuê nhà.
Những công ty này có thể tính lệ phí cho việc giúp quý vị tìm nhà.
• Hỏi thăm bạn bè, bà con hoặc đồng sự để biết những nơi cho thuê.
• Đọc các bảng tin trong thư viện, tiệm tạp hóa, và trung tâm cộng đồng để tìm các thông báo
“Cho Thuê”.
• Đọc những mục cho thuê nhà trên mạng Internet. Nếu không có máy vi tính ở nhà, quý vị có thể đến thư viện công cộng hoặc một quán cà phê Internet.
• Gọi đến một nhân viên địa ốc địa phương.

Phải Chuẩn Bị Những Gì Khi Thuê Nhà
Nộp Đơn Xin Thuê Nhà. Những người cho mướn căn hộ hoặc nhà ở được gọi là “chủ nhà” (landlord).
Chủ nhà có thể yêu cầu quý vị điền vào mẫu đơn xin thuê nhà. Làm như vậy để chủ nhà có thể kiểm tra xem quý vị có khả năng trả tiền thuê nhà hay không.
Mẫu đơn có thể yêu cầu số An Sinh Xã Hội và giấy tờ chứng minh rằng quý vị đang có việc làm. Quý vị có thể sử dụng Thẻ Thường Trú Nhân của mình để thay thế nếu chưa có số An Sinh Xã Hội. Quý vị cũng có thể sử dụng hóa đơn lãnh lương để chứng minh rằng quý vị đang có việc làm. Quý vị có thể
phải trả một khoản lệ phí nộp đơn nhỏ.
Nếu quý vị vẫn chưa đi làm, có thể quý vị sẽ nhờ ai đó ký tên chung vào bản hợp đồng thuê nhà của mình. Người này được gọi là “người đồng ký tên” (co-signer). Nếu quý vị không thể trả tiền thuê nhà thì người đồng ký tên sẽ phải trả tiền thuê nhà thay cho quý vị.

Ký Hợp Đồng Thuê Nhà. Nếu chủ nhà đồng ý cho quý vị thuê nhà, quý vị sẽ ký hợp đồng thuê nhà (lease). Khi ký hợp đồng, quý vị đồng ý thanh toán tiền nhà đúng hẹn và đồng ý thuê nhà đó trong một thời gian nhất định. Hầu hết hợp đồng có thời hạn là một năm. Quý vị cũng có thể tìm nhà ở với thời hạn ngắn hơn chẳng hạn như một tháng. Có thể quý vị phải trả tiền thuê nhiều hơn cho hợp đồng ngắn hạn so với hợp đồng dài hạn.
Khi ký hợp đồng, quý vị chấp thuận giữ cho nhà sạch sẽ và được bảo quản tốt. Nếu quý vị làm hư hại nơi thuê, có thể quý vị phải trả thêm một khoản phí tổn. Hợp đồng cũng có thể quy định số người có thể ở trong nhà.
Hợp đồng thuê nhà là một văn bản pháp luật. Quý vị phải thực hiện đúng phần của mình trong hợp đồng. Chủ nhà cũng phải thực hiện phần của họ. Họ phải giữ cho nơi ở an toàn và trong tình trạng tốt.

Đặt Tiền Thế Chân. Thông thường, người thuê nhà phải đặt tiền thế chân khi họ dọn vào nhà thuê. Số tiền này thường bằng số tiền thuê nhà một tháng. Quý vị sẽ nhận lại tiền thế chân khi trả nhà nếu nhà sạch sẽ và trong tình trạng tốt. Nếu không, chủ nhà có thể giữ một phần hoặc tất cả số tiền này để trả cho việc lau chùi hoặc sửa chữa.
Hãy kiểm tra nhà hoặc căn hộ trước khi quý vị dọn vào. Nói cho chủ nhà biết về bất cứ vấn đề nào mà quý vị tìm thấy. Trước khi dọn đi hãy hỏi chủ nhà để biết quý vị cần phải sửa những gì để được hoàn trả toàn bộ tiền thế chân của mình.

Trả Các Chi Phí Khác Khi Mướn Nhà. Đối với một số nhà hoặc căn hộ, tiền thuê bao gồm cả những chi phí tiện ích (gas, điện, sưởi ấm, nước và đổ rác). Đối với những nhà khác, quý vị phải trả riêng cho những chi phí này. Khi quý vị tìm nhà ở, hãy hỏi chủ nhà xem giá thuê đã bao gồm chi phí tiện ích chưa. Nếu có, hãy đảm bảo rằng điều này được ghi rõ trong hợp đồng thuê nhà trước khi quý vị ký.
Nếu tiền nhà không bao gồm tiện ích, quý vị nên hỏi xem những khoản này sẽ tốn bao nhiêu. Chi phí của một số tiện ích sẽ cao hơn vào mùa hè (máy lạnh) hoặc mùa đông (máy sưởi).

SỬA CHỮA ĐỒ ĐẠC
Chủ nhà phải giữ nhà hoặc căn hộ mà quý vị thuê an toàn và ở tình trạng tốt. Nếu có vấn đề:
• Đầu tiên, hãy nói cho chủ nhà biết. Nói với họ về những thứ bị hư hỏng và yêu cầu chủ nhà sửa chữa.
• Kế đến, viết thư cho chủ nhà cho biết những thứ bị hư hỏng. Giữ lại một bản sao cho mình.
• Cuối cùng, hãy gọi cho Văn Phòng Nhà Ở (Housing Office) ở địa phương. Phần lớn các chính quyền địa phương hoặc thành phố đều có người kiểm tra những vấn đề về nhà ở. Hãy mời kiểm tra viên tới và chỉ cho họ thấy tất cả những thứ bị hư hỏng.
Nếu chủ nhà không sửa những hư hỏng, quý vị có thể làm đơn kiện họ.


Kết Thúc Hợp Đồng. Kết thúc một hợp đồng thuê nhà được gọi là “chấm dứt hợp đồng” (terminating your lease). Đôi khi chủ nhà đồng ý chấm dứt hợp đồng sớm cho quý vị nếu họ có thể tìm được người thuê khác. Nếu không, có thể quý vị sẽ phải trả tiền thuê hàng tháng cho đến khi chấm dứt hợp đồng ngay cả khi quý vị không còn tiếp tục ở nữa. Hãy gởi thư cho chủ nhà để báo rằng quý vị muốn chuyển đi. Cũng có thể quý vị không lấy lại được tiền thế chân. Hầu hết chủ nhà đòi hỏi bản thông báo ít nhất là 30 ngày trước khi quý vị dự định chuyển đi.

HIỂU RÕ QUYỀN CỦA QUÝ VỊ:
KHÔNG ĐƯỢC PHÉP PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ TRONG VẤN ĐỀ NHÀ Ở
Chủ nhà không được phép từ chối cho thuê nhà vì lý do nhân thân của quý vị. Chủ nhà vi phạm pháp luật nếu từ chối quý vị vì:
• Chủng tộc hoặc màu da.
• Nguồn gốc quốc gia.
• Tôn giáo.
• Giới tính.
• Khuyết tật thân thể.
• Tình trạng gia đình, thí dụ như quý vị đã kết hôn hay chưa.
Nếu quý vị cảm thấy mình bị từ chối được thuê nhà vì một trong những lý do này, quý vị có thể liên lạc với Bộ Gia Cư Và Phát Triển Đô Thị Hoa Kỳ (U.S. Department of Housing and Urban Development hay HUD) theo số điện thoại 1-800-669-9777. Thông tin được viết bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.


LỜI KHUYÊN: Nếu quý vị thay đổi chỗ ở, quý vị nên báo cho Bưu Điện Hoa Kỳ (U.S. Postal Service) để họ có thể gởi chuyển tiếp thư của quý vị đến địa chỉ mới. Quý vị có thể thay đổi địa chỉ của mình bằng cách vào trang web http://www.usps.com hoặc tới bưu điện địa phương và
yêu cầu một “Tập Hướng Dẫn Dành Cho Người Dọn Nhà” (Moving Guide). Đừng quên rằng quý vị cũng phải nộp mẫu đơn AR-11 cho DHS.


Mua Nhà
Việc sở hữu nhà là một trong những “ước mơ của Người Mỹ”. Việc sở hữu một căn nhà mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng là một trách nhiệm lớn.
Nhân viên địa ốc có thể giúp quý vị tìm mua một căn nhà. Hãy hỏi bạn bè, đồng sự hoặc gọi tới đại lý địa ốc tại địa phương để tìm một nhân viên địa ốc. Nên tìm một nhân viên biết về khu vực quý vị muốn mua nhà. Quý vị có thể xem phần “Nhà Bán” (Homes for Sale) ở báo “Rao Vặt” (Classifieds). Quý vị cũng có thể tìm bảng hiệu “Bán Nhà” (For Sale) trong những khu nhà quý vị thích.
Hầu hết người ta cần vay tiền để mua nhà; hình thức vay này được gọi là “nợ thế chấp” (mortgage).
Quý vị có thể vay thế chấp tại một ngân hàng địa phương hoặc tại một công ty cho vay thế chấp. “Vay thế chấp” có nghĩa là quý vị được cho vay tiền với lãi suất nhất định trong một thời hạn nhất định.

Số tiền lãi quý vị trả trên khoản vay thế chấp có thể được khấu trừ từ thuế thu nhập liên bang của quý vị.

LỜI KHUYÊN: Hãy cảnh giác các nhà cho vay thế chấp với lãi suất quá cao. Một số nhà cho vay có thể cố lấy lãi suất cao hơn vì biết quý vị mới tới quốc gia của chúng ta. Có những điều luật bảo vệ quý vị khỏi bị gian lận, bị tính những chi phí không cần thiết, và bị phân biệt đối xử trong việc mua nhà. Muốn biết thêm chi tiết, hãy vào trang web http://www.hud.gov và xem phần “Homes” (Nhà Ở).

Quý vị cũng cần mua bảo hiểm nhà để giúp trả cho những thiệt hại có thể xảy ra sau này. Bảo hiểm thường bao trả những thiệt hại gây ra bởi thời tiết xấu, hỏa hoạn, hoặc trộm cướp. Quý vị cũng cần trả thuế bất động sản căn cứ vào giá trị của căn nhà.
Nhân viên địa ốc hoặc luật sư chuyên về địa ốc có thể giúp quý vị tìm nơi vay tiền thế chấp và mua bảo hiểm. Họ cũng có thể giúp quý vị điền vào các mẫu đơn để mua nhà. Thông thường, thì nhân viên địa ốc không thu phí khi giúp quý vị mua nhà. Nhưng quý vị có thể phải trả lệ phí điền đơn cho luật sư chuyên về địa ốc. Quý vị cũng sẽ phải trả lệ phí cho việc vay tiền nợ thế chấp và nộp những mẫu đơn pháp lý cho tiểu bang. Các lệ phí này được gọi là “các chi phí hoàn tất hợp đồng sang nhượng bất động sản” (closing costs). Nhân viên địa ốc hoặc nhà cho vay phải nói cho quý vị biết các khoản lệ phí này là bao nhiêu trước khi quý vị ký vào các mẫu đơn cuối cùng để sang nhượng nhà.

ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN VỀ VIỆC MUA HOẶC THUÊ NHÀ
Vào trang Web của Bộ Gia Cư Và Phát Triển Đô Thị Hoa Kỳ (U.S. Department of Housing and Urban Development) ở địa chỉ http://www.hud.gov hoặc gọi số: 1-800-569-4287 để biết thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Để biết thông tin về việc mua nhà và vay nợ thế chấp, hãy vào trang Web của Trung Tâm Thông Tin Công Dân Liên Bang (Federal Citizen Information Center) tại địa chỉ http://www.pueblo.gsa.gov. Quý vị cũng có thể xem phần “Dành Cho Chủ Nhà và Người Mua Nhà” (“For Homeowners and Home Buyers”) trong trang web http://www.fanniemae.com.
 

langvuon

khoai nướng
#6
Xin Số An Sinh Xã Hội

Xin Số An Sinh Xã Hội

Với tư cách là một thường trú nhân, quý vị có thể xin Số An Sinh Xã Hội (Social Security Number hay SSN). Số An Sinh Xã Hội là số mà chính quyền Hoa Kỳ cấp cho quý vị. Số này giúp chính quyền theo dõi thu nhập của quý vị để tính số tiền an sinh xã hội quý vị có thể được hưởng. Ngân hàng và những cơ quan khác như trường học cũng sử dụng số An Sinh Xã Hội để nhận dạng quý vị. Và quý vị có thể được hỏi số An Sinh Xã Hội khi thuê căn hộ hoặc mua nhà.
Cơ quan chính phủ phụ trách chương trình An Sinh Xã Hội được gọi là Sở An Sinh Xã Hội (Social Security Administration). Tìm văn phòng An Sinh Xã Hội gần nơi ở của quý vị nhất bằng cách:
• Hỏi thăm bạn bè hoặc hàng xóm để tìm văn phòng An Sinh Xã Hội gần nhất.
• Gọi số 1-800-772-1213 trong khoảng từ 7 giờ sáng đến 7 tối. Có sẵn thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Có sẵn cả dịch vụ thông dịch miễn phí.
• Tìm địa chỉ trên những trang màu xanh trong danh bạ điện thoại.
• Xem trang web của Sở An Sinh Xã Hội tại địa chỉ: http://www.socialsecurity.gov hoặc
http://www.segurosocial.gov/espanol/ (tiếng Tây Ban Nha).

NẾU QUÝ VỊ KHÔNG NÓI ĐƯỢC TIẾNG ANH

Văn phòng An Sinh Xã Hội có thể cung cấp thông dịch viên miễn phí để giúp quý vị làm đơn xin số An Sinh Xã Hội. Hãy nói với nhân viên trực điện thoại số 1-800-772-1213 rằng quý vị không biết nói tiếng Anh. Họ sẽ tìm thông dịch để giúp quý vị qua điện thoại.
Họ cũng có thể sắp xếp thông dịch viên đến giúp khi quý vị đến văn phòng An Sinh Xã Hội.
Trang web của Sở An Sinh Xã Hội có những thông tin hữu ích cho những người mới tới Hoa Kỳ. Tại trang web này có phần đưa thông tin về An Sinh Xã Hội bằng 14 ngôn ngữ. Xem trang web này tại địa chỉ: http://www.socialsecurity.gov hoặc
http://www.segurosocial.gov/espanol/ (tiếng Tây Ban Nha).

Quý vị không cần điền mẫu đơn hoặc đi đến văn phòng An Sinh Xã Hội để xin số An Sinh Xã Hội nếu:
• Quý vị đã xin số hoặc thẻ An Sinh Xã Hội khi làm đơn xin thị thực nhập cư VÀ
• Quý vị đã làm đơn xin thị thực nhập cư trong tháng Mười năm 2002 hoặc sau đó VÀ
• Quý vị từ 18 tuổi trở lên khi tới Hoa Kỳ.

TRÁNH BỊ GIẢ DANH
“Giả danh” nghĩa là ai đó đã ăn cắp thông tin cá nhân của quý vị, ví dụ như số An Sinh Xã Hội hoặc số tài khoản ngân hàng. Họ có thể sử dụng thông tin này để rút tiền từ tài khoản ngân hàng của quý vị hoặc làm một thẻ tín dụng đứng tên của quý vị. Giả danh là một hành vi phạm pháp nghiêm trọng. Hãy tự bảo vệ cho mình bằng những cách sau:
• Chỉ cung cấp thông tin cá nhân của mình cho những người hoặc cơ sở thương mại nào mà quý vị biết rõ và tin tưởng, nhất là trên điện thoại hoặc Internet.
• Cất thẻ An Sinh Xã Hội ở nơi an toàn trong nhà. Đừng mang theo trong người.
• Chỉ mang theo những giấy chứng minh hoặc thẻ tín dụng nào cần thiết lúc đó. Cất những giấy tờ còn lại ở chỗ an toàn trong nhà.
• Xé vụn những giấy tờ hoặc mẫu đơn có thông tin cá nhân trước khi bỏ vào thùng rác.
Nếu gặp trường hợp giả danh, quý vị có thể tìm sự trợ giúp bằng cách gọi cho Đường Dây Nóng về Tội Giả Danh của Uỷ Ban Thương Mại Liên Bang (Federal Trade Commission’s ID Theft Hotline) số 1-877-438-4338. Quý vị cũng có thể xem thông tin trên trang web http://www.ftc.gov/bcp/edu/microsites/idtheft.

Trong trường hợp này, thông tin cần thiết để cấp số An Sinh Xã Hội cho quý vị đã được Bộ Ngoại Giao và Bộ An Ninh Tổ Quốc gởi tới Sở An Sinh Xã Hội. Sở An Sinh Xã Hội sẽ cấp cho quý vị một Số An Sinh Xã Hội và gởi thẻ An Sinh Xã Hội của quý vị tới cùng địa chỉ mà USCIS đã gởi thẻ Thường Trú
Nhân cho quý vị. Thường thì quý vị sẽ nhận được thẻ An Sinh Xã Hội của mình trong vòng ba tuần lễ sau khi tới Hoa Kỳ. Liên lạc với Sở An Sinh Xã Hội nếu quý vị không nhận được thẻ An Sinh Xã Hội của mình sau khi tới Hoa Kỳ ba tuần hoặc nếu quý vị thay đổi địa chỉ nhận thư sau khi đến Hoa Kỳ và
trước khi quý vị nhận được thẻ An Sinh Xã Hội của mình.
Quý vị phải tới văn phòng An Sinh Xã Hội để xin số An Sinh Xã Hội nếu:
• Quý vị đã không yêu cầu cấp số An Sinh Xã Hội hoặc thẻ An Sinh Xã Hội khi xin thị thực nhập cư
HOẶC
• Quý vị đã nộp đơn xin thị thực nhập cư trước tháng 10 năm 2002 HOẶC
• Quý vị dưới 18 tuổi khi tới Hoa Kỳ.
Một đại diện An Sinh Xã Hội sẽ giúp quý vị làm đơn xin số An Sinh Xã Hội. Hãy mang theo những
giấy tờ dưới đây khi đến văn phòng để nộp đơn:
• Giấy khai sinh hoặc những giấy tờ khác như hộ chiếu cho biết năm sinh và nơi sinh VÀ
• Giấy tờ cho biết tình trạng nhập cư của quý vị, gồm giấy phép làm việc tại Hoa Kỳ. Giấy tờ này có thể là Thẻ Thường Trú Nhân hoặc hộ chiếu có đóng dấu nhập cư hoặc dán nhãn thị thực/chiếu khán (visa).
Số An Sinh Xã Hội sẽ được gởi cho quý vị bằng đường bưu điện. Quý vị sẽ có thẻ An Sinh Xã Hội khoảng hai tuần sau khi Sở An Sinh Xã Hội nhận được đầy đủ các giấy tờ cần thiết. Nếu như họ cần xác minh bất kỳ giấy tờ nào của quý vị, quý vị sẽ phải chờ lâu hơn để lấy số An Sinh Xã Hội.

Quản Lý Tiền Bạc

Mở Tài Khoản Ngân Hàng
Tài khoản ngân hàng là nơi an toàn để quý vị giữ tiền của mình. Ngân hàng có nhiều loại tài khoản khác nhau. Tài khoản viết chi phiếu (dành cho việc trả các hóa đơn) và tài khoản tiết kiệm (được trả lãi suất trên tiền gởi) là hai loại tài khoản thông dụng. Quý vị có thể mở một tài khoản cá nhân hoặc tài khoản chung với người phối ngẫu hoặc với một người khác. Ngân hàng có thể thu phí cho một số dịch vụ của họ.
Có những loại hình ngân hàng khác để quý vị chọn lựa như liên hiệp tín dụng (credit union) hay là liên
hiệp tiết kiệm và cho vay (savings and loan association). Chủ sử dụng nhân công của quý vị có thể có một liên hiệp tín dụng để quý vị tham gia. Các liên hiệp tín dụng cung cấp phần lớn các dịch vụ giống như ngân hàng, nhưng một số nơi cũng có thể có thêm các dịch vụ khác. Hãy so sánh dịch vụ, lệ phí, giờ làm việc, và địa điểm của vài ngân hàng khác nhau trước khi quý vị mở tài khoản, để quý vị có thể chọn ngân hàng thích hợp nhất cho các nhu cầu của mình.

LỜI KHUYÊN: Nhiều tiệm có dịch vụ đổi chi phiếu lấy tiền mặt và chuyển tiền nhanh, nhưng những chỗ này có lệ phí cao. Hãy hỏi lại xem ngân hàng của quý vị có cung cấp những dịch vụ này với giá rẻ hơn hay không.

GIỮ TIỀN AN TOÀN
Thật không an toàn khi quý vị giữ một số tiền lớn trong nhà. Cũng không an toàn khi mang trong người một số lớn tiền mặt. Nó có thể bị ăn trộm hoặc bị mất. Tiền của quý vị sẽ được bảo vệ nếu quý vị gởi vào một ngân hàng là thành viên của Tổ Chức Bảo Hiểm Tiền Gởi Liên Bang (Federal Deposit Insurance Corporation hay FDIC). FDIC cung cấp bảo hiểm cho ngân hàng để bảo đảm tiền gởi của quý vị. Nếu ngân hàng của quý vị đóng cửa,
FDIC sẽ trả lại quý vị số tiền hiện có trong tài khoản với mức tối đa lên đến 100.000 đô la.
Hãy đảm bảo rằng ngân hàng mà quý vị chọn có bảo hiểm của FDIC.


Khi mở tài khoản ngân hàng, quý vị sẽ được yêu cầu chứng minh nhân thân của mình. Quý vị có thể chứng minh bằng Thẻ Thường Trú Nhân hoặc bằng lái. Quý vị cũng sẽ cần gởi ngân hàng một số tiền – gọi là “tiền gởi” (deposit) – vào tài khoản mới của quý vị. Sau ít ngày, quý vị có thể rút tiền trong tài khoản. Ở đây được gọi là “rút” tiền. Quý vị có thể rút tiền bằng cách viết chi phiếu, rút từ máy rút tiền tự động (ATM), hoặc điền vào một phiếu rút tiền tại ngân hàng.

Sử Dụng Tài Khoản Ngân Hàng
Quý vị có thể rút tiền từ tài khoản ngân hàng bằng cách sử dụng chi phiếu cá nhân hoặc thẻ ATM. Hãy đảm bảo rằng chỉ quý vị và người đứng tên chung tài khoản với quý vị (nếu có) có thể sử dụng tài khoản của quý vị.

Chi phiếu cá nhân. Quý vị sẽ nhận được một sổ Chi phiếu cá nhân khi mở tài khoản dùng séc. Chi phiếu là bản mẫu in sẵn để quý vị điền vào khi chi trả cho những chi phí nào đó. Thông tin ghi trên chi phiếu báo cho ngân hàng biết để họ chi trả cho người hoặc cơ sở kinh doanh mà quý vị đã viết trên tờ chi phiếu.
Hãy nhớ cất giữ những tờ chi phiếu này ở nơi an toàn.Thẻ ATM. Quý vị có thể yêu cầu ngân hàng cấp thẻ ATM cho mình. Đây là một thẻ nhựa nhỏ kết nối với tài khoản ngân hàng của quý vị. Quý vị có thể sử dụng thẻ này để rút tiền mặt hoặc gởi tiền vào tài khoản của quý vị tại một ATM. Thường thì quý vị không phải trả lệ phí khi sử dụng ATM của ngân hàng của mình. Quý vị có thể phải trả một khoản lệ phí nếu sử dụng ATM của một ngân hàng khác.
Nhân viên ngân hàng sẽ hướng dẫn cách sử dụng thẻ ATM và cho quý vị một số mật mã gọi là PIN (số nhận dạng cá nhân) để sử dụng ATM. Hãy cẩn thận khi sử dụng ATM. Đừng bao giờ đưa cho người khác số PIN hoặc thẻ ATM của mình. Họ có thể sử dụng thẻ để rút tiền trong tài khoản của quý vị.

Thẻ mua hàng nợ.
Ngân hàng sẽ cấp cho quý vị một thẻ mua hàng nợ (debit card) để sử dụng cho tài khoản dùng chi phiếu. Đôi khi thẻ ATM cũng có thể được sử dụng như thẻ mua hàng nợ. Thẻ mua hàng nợ cho phép quý vị trả tiền cho một thứ gì đó mà không cần viết chi phiếu; thay vào đó, ngân hàng sẽ chuyển tiền trực tiếp đến nơi mà quý vị đã mua sắm.

Chi phiếu Ngân Hàng.
Chi phiếu ngân hàng là loại chi phiếu mà ngân hàng viết theo yêu cầu của quý vị. Quý vị gởi một số tiền vào ngân hàng và họ viết một tờ chi phiếu ngân hàng cho số tiền gởi đó để trả cho một cá nhân hoặc cơ sở kinh doanh mà quý vị muốn gởi. Ngân hàng có thể thu lệ phí khi viết chi phiếu ngân hàng.

THẺ TÍN DỤNG
Thẻ tín dụng (credit card) – hay còn gọi là “thẻ chi tiêu” (charge card) – cho phép quý vị mua sắm chịu trả sau. Ngân hàng, cửa hàng và trạm đổ xăng là một vài cơ sở kinh doanh có thể cấp cho quý vị thẻ tín dụng. Hàng tháng quý vị sẽ nhận qua đường bưu điện một hoá đơn tính tiền cho những món hàng quý vị đã mua bằng thẻ tín dụng.
Nếu quý vị trả toàn bộ số tiền ghi trong hoá đơn thì quý vị sẽ không phải trả tiền lời.
Nếu quý vị không trả toàn bộ số tiền ghi trong hóa đơn hoặc nếu quý vị chậm trễ việc trả tiền thì quý vị sẽ bị tính tiền lời và có thể phải trả thêm một khoản phí. Một số thẻ tín dụng có mức lãi suất rất cao.
Hãy cẩn thận khi cho người khác biết số thẻ tín dụng của mình, nhất là qua điện thoại hoặc Internet. Hãy đảm bảo rằng quý vị biết rõ và tin tưởng những người hoặc những cơ sở thương mại đã hỏi số thẻ tín dụng của quý vị.


LỜI KHUYÊN: Hãy kiểm tra hoá đơn tính tiền thẻ tín dụng mỗi tháng để chắc chắn tất cả các khoản tiền phải trả là đúng. Nếu quý vị thấy một khoản tiền phải trả không phải của mình,
hãy gọi ngay lập tức cho công ty phát hành thẻ tín dụng. Thường thì quý vị không phải trả cho những khoản mà quý vị không mua, miễn là quý vị gọi liền cho công ty phát hành thẻ tín dụng.
Hãy viết danh sách liệt kê số của tất cả tài khoản ngân hàng và thẻ mua hàng nợ, thẻ ATM và thẻ tín dụng. Viết cả số điện thoại của những công ty này. Giữ thông tin này ở nơi an toàn. Nếu bóp bị rơi mất hoặc bị đánh cắp, quý vị có thể gọi cho những công ty này yêu cầu huỷ tất cả các thẻ này. Điều này sẽ ngăn chặn người khác sử dụng bất hợp pháp thẻ của mình.


ĐÁNH GIÁ TÍN DỤNG CỦA QUÝ VỊ

Ở nước Mỹ, cách thức quý vị sử dụng tín dụng rất quan trọng. Có những tổ chức ấn định “điểm tín dụng” (credit score) hoặc “xếp loại tín dụng” (credit rating) cho quý vị tuỳ thuộc vào việc quý vị thanh toán hóa đơn như thế nào, có bao nhiêu khoản vay, và một số yếu tố khác. Việc xếp loại tín dụng này rất quan trọng khi quý vị muốn mua nhà, xe hơi hoặc vay một khoản tiền. Sau đây là một số việc quý vị có thể làm để có tín dụng tốt:
• Thanh toán hoá đơn đúng hẹn.
• Giữ cho số tìền vay trong thẻ tín dụng ở mức thấp, và nhớ trả ít nhất mức tối thiểu hàng tháng.
• Không nên nộp đơn xin nhiều khoản vay hoặc thẻ tín dụng.
Theo luật liên bang, quý vị có quyền lấy một bản báo cáo tín dụng miễn phí mỗi năm một lần. Nếu muốn xin một bản báo cáo tín dụng của mình, gọi số 1-877-322-8228 hoặc vào trang web http://www.annualcreditreport.com.
 

langvuon

khoai nướng
#7
Tìm Việc Làm

Tìm Việc Làm
Có nhiều cách tìm việc ở nước Mỹ. Để tăng thêm cơ hội tìm việc, quý vị có thể:
• Hỏi bạn bè, hàng xóm, gia đình hoặc những người khác trong cộng đồng về những nơi đang tuyển người làm hoặc những nơi làm việc tốt.
• Đọc phần “Việc Làm” (Employment) trong mục “Rao Vặt” (Classifieds) trên báo.
• Tìm những bảng “Cần Người” (Help Wanted) trên cửa của những cơ sở thương mại ở địa phương.
• Đến Phòng Tuyển Dụng hoặc Phòng Nhân Sự của những cơ sở kinh doanh trong vùng để hỏi xem họ đang cần người hay không.
• Tìm đến những cơ quan cộng đồng giúp người nhập cư tìm việc hoặc những chương trình dạy nghề.
• Đọc các bảng tin trong thư viện, cửa hàng tạp phẩm, và những trung tâm cộng đồng để tìm thông báo về những nơi cần người.
• Đến hỏi tại phòng dịch vụ việc làm của tiểu bang.
• Tìm việc trên mạng Internet. Nếu quý vị sử dụng máy vi tính ở thư viện thì nhân viên thư viện có thể giúp quý vị.

Xin Việc
Hầu hết chủ sử dụng nhân công sẽ yêu cầu quý vị điền vào một mẫu đơn xin việc. Mẫu đơn này có những câu hỏi về địa chỉ, trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc trước đây. Mẫu đơn cũng có thể yêu cầu thông tin về những đồng sự trước đây của quý vị. Những người này được gọi là “người giới thiệu” (references), và chủ sử dụng nhân công có thể gọi cho họ để tìm hiểu thêm về quý vị.
Quý vị có thể cần làm “lý lịch” (resumé) liệt kê những kinh nghiệm làm việc của mình. Bản lý lịch giới thiệu cho chủ sử dụng nhân công biết về những việc làm trước đây, trình độ học vấn hoặc quá trình huấn luyện, và các kỹ năng làm việc của quý vị. Hãy đem theo lý lịch khi quý vị đi xin việc.
Một lý lịch tốt:
• Có tên, địa chỉ và số điện thoại của quý vị.
• Liệt kê những việc làm trước đây cùng với ngày tháng quý vị đã làm việc.
• Cho biết trình độ học vấn của quý vị.
• Cho biết về những kỹ năng đặc biệt cuả quý vị.
• Dễ đọc và không mắc lỗi.
Hãy tìm đến những cơ quan dịch vụ cộng đồng tại địa phương xem họ có thể giúp quý vị viết lý lịch hay không. Cũng có những cơ sở thương mại tư nhân có thể giúp, nhưng họ sẽ thu lệ phí.

CÓ CÁC KHOẢN TRỢ CẤP NÀO?
Ngoài tiền lương, một số chủ sử dụng nhân công còn trả thêm những khoản “trợ cấp” (benefits). Những khoản trợ cấp có thể bao gồm:
• Chăm sóc y tế.
• Chăm sóc nha khoa.
• Chăm sóc nhãn khoa.
• Bảo hiểm nhân thọ.
• Quỹ lương hưu.
Chủ sử dụng nhân công có thể trả một phần hoặc toàn bộ những khoản chi phí có với các khoản trợ cấp này. Hãy tìm hiểu về những khoản trợ cấp mà chủ sử dụng nhân công của quý vị sẽ trả.

Phỏng Vấn Việc Làm
Chủ sử dụng nhân công có thể muốn gặp mặt quý vị để nói chuyện về công việc mà quý vị đang xin.
Họ sẽ hỏi về công việc mà quý vị đã làm trước đây và các kỹ năng đặc biệt của quý vị. Để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn này, quý vị có thể tập trả lời các câu hỏi về công việc trước đây và về các kỹ năng đặc biệt của mình với một người bạn hoặc người thân trong gia đình. Quý vị cũng có thể đặt các câu hỏi cho chủ sử dụng nhân công. Đây là một cơ hội tốt để tìm hiểu về công việc.

NẮM RÕ CÁC QUYỀN CỦA QUÝ VỊ: PHÁP LUẬT LIÊN BANG BẢO VỆ NHÂN VIÊN
Nhiều điều luật liên bang cấm chủ sử dụng nhân công phân biệt đối xử đối với những người tìm việc làm. Nước Mỹ đã ban hành luật cấm phân biệt đối xử vì lý do:
• Chủng tộc, màu da, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia và giới tính (Đạo Luật Về Quyền Công Dân — Civil Rights Act).
• Tuổi tác (Đạo Luật Chống Phân Biệt Đối Xử Vì Lý Do Tuổi Tác Trong Vấn Đề Việc Làm — Age Discrimination in Employment Act).
• Khuyết tật (Đạo Luật Bảo Vệ Người Mỹ Có Khuyết Tật — Americans with Disabilities Act).
• Giới tính (Đạo Luật Bảo Đảm Tiền Lương Công Bằng — Equal Pay Act).
Để biết thêm thông tin về những quyền được bảo vệ này, hãy vào trang web của Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Bình Đẳng Hoa Kỳ (U.S. Equal Employment Opportunity Commission) tại địa chỉ http://www.eeoc.gov hoặc gọi số 1-800-669-4000 hoặc 1-800-669-6820 (đường dây dành cho người khiếm thính).
Có những đạo luật khác giúp giữ an toàn ở nơi làm việc, cho phép tạm nghỉ trong trường hợp có vấn đề khẩn cấp trong gia đình hoặc phải vào cấp cứu, và có trợ cấp tạm thời cho người thất nghiệp. Hãy vào trang web của Bộ Lao Động Hoa Kỳ (U.S. Department of Labor) tại địa chỉ http://www.dol.gov để biết thêm thông tin về quyền của nhân viên.

Những điều quý vị có thể muốn hỏi:
• Giờ giấc làm việc như thế nào?
• Tiền lương là bao nhiêu? (Pháp luật Mỹ quy định rằng phần lớn chủ sử dụng nhân công phải trả lương ít nhất ở “mức lương tối thiểu”, đó là mức lương thấp nhất mà họ phải trả).
• Được nghỉ phép bao nhiêu ngày?
• Được nghỉ bệnh bao nhiêu ngày?
• Có những khoản trợ cấp nào?
Trong cuộc phỏng vấn, chủ sử dụng nhân công có thể đưa ra nhiều câu hỏi. Nhưng chủ sử dụng nhân công không được phép hỏi một số câu hỏi. Không ai được phép hỏi về chủng tộc, màu da, giới tính, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia, tuổi tác hoặc tình trạng khuyết tật (nếu có) của quý vị.

LUẬT LIÊN BANG BẢO VỆ LAO ĐỘNG NHẬP CƯ
Luật liên bang quy định rằng chủ sử dụng nhân công không được phân biệt đối xử vì tình trạng nhập cư của quý vị. Chủ sử dụng nhân công không thể:
• Từ chối thuê hoặc sa thải quý vị do tình trạng nhập cư hoặc do quý vị không phải là công dân Mỹ.
• Đòi quý vị cho xem Thẻ Thường Trú Nhân, hoặc không chấp thuận những giấy tờ hợp lệ của quý vị.
• Thích thuê người lao động không có giấy tờ hơn.
• Kỳ thị quý vị do nguồn gốc quốc gia.
• Trả thù những nhân viên khiếu nại về các cách đối xử nói trên.
Để biết thêm thông tin về các quyền của quý vị hoặc để nộp đơn khiếu nại, hãy gọi cho Văn Phòng Luật Sư Đặc Biệt (Office of Special Counsel) theo số
1-800-255-7688 hoặc 1-800-237-2515 (đường dây dành cho người khiếm thính).
Nếu quý vị không nói được tiếng Anh, sẽ có thông dịch viên trợ giúp. Để biết thêm thông tin, quý vị cũng có thể vào trang web http://www.usdoj.gov/crt/osc.

Phải Chuẩn Bị Gì Khi Quý Vị Được Thuê Làm Việc
Khi quý vị tới chỗ làm mới lần đầu tiên, quý vị sẽ được yêu cầu điền vào một số mẫu đơn như:
• Mẫu đơn I-9, là đơn Xác Nhận Hội Đủ Điều Kiện Làm Việc (Employment Eligibility Verification Form). Theo pháp luật, chủ nhân trưng dụng nhân công phải kiểm tra những nhân công mới nhận xem họ có hội đủ điều kiện làm việc ở Hoa Kỳ hay không. Trong ngày làm việc đầu tiên, quý vị cần điền đơn I-9. Trong vòng ba ngày làm việc, quý vị phải cho chủ nhân thấy giấy tờ chứng minh thân thế và giấy tờ cho phép đi làm. Quý vị có thể trình những giấy tờ chứng minh quyền làm việc trong Hoa Kỳ, miễn là những giấy tờ này được liệt kê trong mẫu đơn I-9. Một danh sách những giấy tờ có thể được chấp nhận được ghi ở mặt sau của đơn I-9. Ví dụ cho các giấy tờ có thể được chấp nhận là Thẻ Thường Trú Nhân hoặc thẻ An Sinh Xã Hội không giới hạn cùng với bằng lái do tiểu bang đó cấp.

• Mẫu đơn W-4, Giấy Chứng Nhận Cho Phép Khấu Trừ Lương của Nhân Viên (Employee’s Withholding Allowance Certificate). Chủ sử dụng nhân công phải trừ thuế liên bang từ tiền lương của quý vị để gởi lên chính quyền. Ở đây gọi là “thuế tạm thu” (withholding tax). Mẫu đơn W-4 cho phép chủ sử dụng
nhân công khấu trừ thuế cũng như giúp quý vị tính toán số tiền thuế cần giữ lại.

• Những mẫu đơn khác: Có thể quý vị cũng cần điền vào một mẫu đơn cho phép khấu trừ thuế tạm thu cho tiểu bang mình đang sống và các mẫu đơn khác để sau này quý vị có thể lãnh tiền trợ cấp.
Quý vị có thể được trả lương hàng tuần, hai tuần một lần hoặc hàng tháng. Chi phiếu trả lương cho quý vị cho thấy số tiền được trích ra để đóng thuế cho liên bang và tiểu bang, thuế An Sinh Xã Hội, và chi phí cho bất cứ khoản trợ cấp nào mà quý vị đã trả. Một số chủ sử dụng nhân công sẽ gởi lương trực tiếp đến ngân hàng của quý vị, ở đây gọi là “trả trực tiếp vào tài khoản” (direct deposit).

Nói Tiếng Anh ở Nơi Làm Việc
Nếu quý vị không nói được tiếng Anh, hãy cố gắng học càng sớm càng tốt. Quý vị có thể tìm những lớp tiếng Anh miễn phí hoặc có mức học phí thấp trong cộng đồng, thông thường qua các trường công lập tại địa phương hoặc đại học cộng đồng. Biết Tiếng Anh sẽ giúp quý vị trong công việc, trong cộng đồng và trong cuộc sống hàng ngày.

Nếu chủ sử dụng nhân công bắt buộc quý vị phải nói tiếng Anh ở nơi làm việc, họ phải chứng minh được rằng quý vị phải nói tiếng Anh mới có thể thực hiện đúng phần việc của mình. Chủ sử dụng nhân công cũng phải nói với quý vị về yêu cầu phải biết tiếng Anh trước khi quý vị được nhận vào làm việc.
Nếu chủ sử dụng nhân công không thể chứng minh được rằng việc nói tiếng Anh là bắt buộc đối với công việc của quý vị thì có thể họ đang vi phạm pháp luật liên bang. Nếu quý vị cần giúp đỡ hoặc muốn biết thêm thông tin, quý vị có thể liên lạc với Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Bình Đẳng Hoa Kỳ (EEOC).
Gọi số 1-800-669-4000 hoặc 1-800-669-6820 (dành cho người khiếm thính) hoặc vào trang web http://www.eeoc.gov.

Xét Nghiệm Ma Túy Và Kiểm Tra Lý Lịch
Đối với một số công việc, quý vị có thể phải đi làm xét nghiệm để đảm bảo rằng quý vị hiện không sử dụng ma túy bất hợp pháp. Một số công việc đòi hỏi quý vị phải qua cuộc kiểm tra lai lịch, đó là việc thẩm tra những việc làm trong quá khứ và hoàn cảnh hiện tại của quý vị.

Đóng Thuế

Thuế là số tiền của công dân Mỹ và thường trú nhân đóng cho chính quyền liên bang, tiểu bang, và địa phương. Thuế trả cho những dịch vụ được chính phủ cung cấp. Có nhiều loại thuế khác nhau, như là thuế thu nhập, thuế bán hàng và thuế bất động sản.
Thuế thu nhập. Thuế thu nhập được nộp cho chính quyền liên bang, hầu hết các chính quyền tiểu bang và một số chính quyền địa phương. “Thu nhập chịu thuế” (taxable income) là số tiền mà quý vị kiếm được từ tiền lương, tiền do làm nghề tự do mà có, tiền tip và tiền bán bất động sản. Hầu hết người ta đóng thuế thu nhập bằng cách trừ từ lương của họ. Số tiền thuế thu nhập quý vị phải đóng tùy thuộc vào số tiền quý vị kiếm được. Những người làm ra ít tiền được đóng thuế thu nhập ở mức thấp hơn. Bất cứ
ai thường trú trong nước Mỹ và có thu nhập, và đáp ứng một số yêu cầu nhất định, đều phải khai thuế và trả bất cứ số tiền thuế nào mà họ nợ.
Sở Thuế Vụ (Internal Revenue Service hay IRS) là cơ quan liên bang thu thuế thu nhập. Những người nộp thuế nộp mẫu đơn “hoàn thuế thu nhập” 1040 – (income tax return) cho IRS hàng năm. Bản khai thuế cho chính quyền biết số tiền quý vị kiếm được và số tiền thuế trừ ra từ chi phiếu trả lương của quý vị. Nếu tiền thuế trừ ra từ chi phiếu trả lương quá nhiều, quý vị sẽ được hoàn trả lại tiền. Nếu tiền thuế trừ ra từ lương chưa đủ, quý vị phải gởi số tiền còn lại cho IRS.

Thuế An Sinh Xã Hội Và thuế Chăm Sóc Y Tế (Medicare). Những khoản thuế liên bang này cũng được trừ từ chi phiếu trả lương của quý vị. Chương trình An Sinh Xã Hội trợ cấp cho một số người lao động đã nghỉ hưu và gia đình của họ; một số người lao động có bệnh tật và gia đình họ; và một số thân
nhân của người lao động đã qua đời. Thuế chăm sóc y tế trả cho những dịch vụ y tế cho hầu hết những người trên 65 tuổi.

MẪU ĐƠN W-2: BÁO CÁO VỀ LƯƠNG VÀ THUẾ
Mẫu đơn W-2 là mẫu đơn của liên bang liệt kê số tiền quý vị kiếm được và những khoản thuế mà quý vị đã nộp năm trước. Một năm thuế được tính từ ngày 1 tháng 1 cho tới ngày 31 tháng 12 hàng năm. Theo luật, chủ sử dụng nhân công phải gởi cho quý vị một mẫu đơn W-2 trước ngày 31 tháng 1 hàng năm. Quý vị sẽ nhận mẫu đơn W-2 cho mỗi công việc quý vị làm. Quý vị phải gởi bản sao của mẫu đơn W-2 cùng với bản khai thuế thu nhập cho IRS. Nếu quý vị sống hoặc làm việc trong một tiểu bang có thu thuế thu nhập, quý vị phải gởi bản sao của mẫu đơn W-2 cùng với bản khai thuế thu nhập tiểu bang của quý vị.

Trong phần lớn các trường hợp, quý vị phải làm việc tổng cộng 10 năm (hoặc 40 quý) để được hưởng trợ cấp An Sinh Xã Hội dành cho người về hưu và trợ cấp Medicare. Quý vị có thể làm việc chưa đủ 10 năm mà vẫn được nhận tiền trợ cấp bệnh tật hoặc gia đình của quý vị vẫn nhận được tiền tuất sau khi quý vị qua đời căn cứ vào lương của quý vị.

Thuế bán hàng. Thuế bán hàng là thuế của tiểu bang và địa phương. Những khoản thuế này được cộng thêm vào giá mua món hàng nào đó. Thuế bán hàng được tính dựa trên giá của món hàng. Thuế bán hàng giúp trả cho những dịch vụ do chính quyền tiểu bang và địa phương cung cấp như đường xá, cảnh sát, và nhân viên cứu hỏa.

Thuế bất động sản. Là loại thuế địa phương và tiểu bang thu trên nhà và đất của quý vị. Trong hầu hết các vùng, thuế bất động sản giúp tài trợ cho những trường học công lập địa phương và những dịch vụ khác.

Tìm Sự Giúp Đỡ Về Việc Khai Thuế
Với tư cách là một thường trú nhân, quý vị phải nộp bản khai thuế thu nhập liên bang hàng năm. Bản khai thuế này bao gồm các khoản thu nhập của quý vị từ tháng 1 đến tháng 12 của năm trước. Quý vị phải nộp bản khai thuế trước ngày 15 tháng 4. Quý vị có thể được giúp đỡ miễn phí về cách khai thuế ở Trung Tâm Hỗ Trợ Người Đóng Thuế (Taxpayer Assistance Center) của IRS. Quý vị không cần gọi điện thoại trước. Trung Tâm Hỗ Trợ Người Đóng Thuế có văn phòng trong các cộng đồng khắp nước Mỹ. Để tìm Trung Tâm Hỗ Trợ Người Đóng Thuế ở nơi quý vị sống, hãy vào trang web
http://www.irs.gov/localcontacts/index.html. Để nhận được sự giúp đỡ qua điện thoại, hãy gọi IRS ở số điện thoại 1-800-829-1040.

CHÍNH QUYỀN PHỤC VỤ CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO
Thuế chi trả cho những dịch vụ mà chính phủ liên bang cung cấp cho người dân ở nước Mỹ. Một số ví dụ về những dịch vụ này là:
• Gìn giữ đất nước chúng ta an toàn và vững chắc.
• Chữa bệnh và ngăn ngừa các loại bệnh tật thông qua những cuộc nghiên cứu.
• Bảo vệ tiền gởi của chúng ta trong ngân hàng bằng bảo hiểm.
• Giáo dục cho trẻ em và người lớn.
• Xây dựng và bảo quản đường xá và xa lộ.
• Cung cấp những dịch vụ y tế cho người nghèo và các vị cao niên.
• Trợ giúp khẩn cấp khi có những thảm hoạ thiên nhiên, như bão, lụt hoặc động đất.
 

funnyngo139

Thư ký nhà máy pháo! Ác Ôn...
#8
Ðề: Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

Xin được tiếp theo bác Langvuon
Để Có Bằng Lái Xe
Lái xe không bằng lái là vi phạm pháp luật. Nếu quý vị muốn lái xe thì quý vị phải nộp đơn và xin lấy bằng lái ở tiểu bang quý vị đang sống.

Hãy hỏi văn phòng tiểu bang phụ trách cấp bằng lái để biết cách lấy bằng lái.

Những văn phòng này được đặt tên khác nhau tùy theo tiểu bang. Một số tên thông thường là: Nha Lộ Vận (Department of Motor Vehicles, hay DMV), Nha Giao Thông (Department of Transportation), Cục Đăng Kiểm Xe
(Motor Vehicle Administration), hoặc Nha An Toàn Công Cộng (Department of Public Safety).

Quý vị có thể tìm những văn phòng này trên các trang xanh trong danh bạ điện thoại hoặc đọc thêm thông tin trên trang web URL="http://www.usa.gov/Topics/Motor_Vehicles.shtml."][/URL]

Một số thường trú nhân đã có bằng lái xe được cấp ở một quốc gia khác. Có thể quý vị đổi được bằng lái đó thành bằng lái của tiểu bang mình ở.
Hãy tìm hiểu tại văn phòng tiểu bang xem quý vị có thể đổi được hay không.
10 LỜI KHUYÊN ĐỂ LÁI XE AN TOÀN Ở NƯỚC MỸ
• Lái ở bên phải đường.
• Luôn mang theo bằng lái xe và thẻ bảo hiểm trong xe.
• Luôn luôn thắt dây an toàn.
• Sử dụng dây an toàn thích hợp và ghế an toàn cho trẻ em.
• Mở đèn tín hiệu khi quẹo trái hoặc quẹo phải.
• Tuân thủ toàn bộ luật giao thông và tín hiệu giao thông.
• Tấp vào lề đường nếu có xe khẩn cấp — xe cảnh sát, xe cứu hỏa hoặc xe cứu thương — cần qua mặt quý vị.
• Không vượt xe buýt đưa rước học sinh khi đèn tín hiệu mầu đỏ của xe này
nhấp nháy.
• Không lái xe nếu đã uống rượu hoặc sử dụng ma túy.
• Thật cẩn thận khi đang lái xe trong sương mù, trên đường đông đá,
mưa hoặc tuyết.

*LỜI KHUYÊN: Ở nước Mỹ, bằng lái còn được sử dụng để chứng minh nhân thân. Tốt nhất, quý vị nên lấy bằng lái ngay cả khi quý vị không có xe hơi.
Nếu không biết lái xe, quý vị có thể học lái. Nhiều trường cộng đồng của học khu có những lớp “dạy lái xe”. Quý vị cũng có thể tìm dưới mục “Hướng Dẫn Lái Xe” (Driving Instruction) trong những trang màu vàng của danh bạ điện thoại.
- Việc quá giang xe không phổ biến ở nước Mỹ. Ở một số nơi, việc này là bất
hợp pháp. Vì lý do an toàn, không quá giang xe và không cho người khác quá giang trên xe của mình.
THÔNG TIN CHO VIỆC ĐI LẠI
Đi lại bằng xe buýt:

Greyhound 1-800-229-9424
hoặc http://www.greyhound.com.

Đi lại bằng xe lửa:

Amtrak 1-800-872-7245 hoặc
http://www.amtrak.com.

Đi lại bằng máy bay:

Có nhiều hãng hàng không ở nước Mỹ. Hãy tìm trên những trang màu vàng của danh bạ điện thoại dưới mục “Hãng Hàng Không” (Airlines).
 

langvuon

khoai nướng
#9
Chăm Sóc Sức Khỏe

Chăm Sóc Sức Khỏe

Ở nước Mỹ, mỗi người phải trả cho việc chăm sóc y tế của chính mình. Việc chăm sóc y tế rất tốn kém, cho nên nhiều người mua bảo hiểm y tế. Quý vị nên mua bảo hiểm y tế cho chính mình và gia đình càng sớm càng tốt.
Các chủ sử dụng nhân công trả bảo hiểm y tế như là một khoản trợ cấp cho nhân viên. Một số chủ sử dụng nhân công trả toàn bộ phí bảo hiểm y tế hàng tháng, và một số chỉ trả cho một phần phí bảo hiểm.
Phí bảo hiểm hàng tháng này được gọi là “tiền đóng bảo hiểm” (premium). Quý vị có thể cần phải trả một phần của tiền đóng bảo hiểm. Thông thường chủ sử dụng nhân công sẽ khấu trừ phần đóng bảo hiểm của nhân viên vào séc trả lương cho họ.

TÌM MỘT PHÒNG KHÁM HOẶC NƠI CHĂM SÓC Y TẾ GIÁ RẺ

Phòng khám là văn phòng y tế cung cấp những dịch vụ miễn phí hoặc giá rẻ. Hầu hết mỗi cộng đồng đều có ít nhất một phòng khám. Những tổ chức cộng đồng trợ giúp cho người nhập cư có thể biết những phòng khám miễn phí hoặc giá rẻ trong vùng quý vị sống.
Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ (U.S. Department of Health and Human Services) cũng cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế căn bản cho người nhập cư. Họ có trang web liệt kê những phòng khám và những khả năng chăm sóc y tế khác. Hãy vào trang web http://ask.hrsa.gov/pc để tìm một phòng khám hoặc bác sĩ gần quý vị.
Đánh vào máy tên tiểu bang hoặc mã bưu điện để lấy thông tin. Quý vị cũng có thể tìm trong những trang vàng dưới mục “Những Dịch Vụ Xã Hội” (Social Services).


Bác sĩ sẽ gởi hoá đơn đến công ty bảo hiểm y tế của quý vị. Công ty bảo hiểm y tế sẽ trả cho một phần hoặc toàn bộ những dịch vụ y tế mà quý vị đã hưởng. Thông thường, quý vị phải trả một phần các hóa đơn y tế. Đôi khi việc này được gọi là “tiền đồng trả” (co-payment).

Nếu không có bảo hiểm y tế, quý vị có thể nhận được sự trợ giúp chăm sóc y tế của liên bang hoặc tiểu bang. Nhìn chung, hầu hết các tiểu bang trợ giúp cho trẻ em và những phụ nữ mang thai. Hãy hỏi tại sở y tế công cộng trong tiểu bang hoặc thành phố của quý vị.
Nếu cần chăm sóc y tế khẩn cấp, quý vị có thể đến phòng cấp cứu của nhà thương gần nhất. Pháp luật liên bang quy định hầu hết các nhà thương phải điều trị cho bệnh nhân vào cấp cứu, ngay cả khi họ không thể trả tiền viện phí.

Chương Trình Y Tế Liên Bang Và Tiểu Bang

Medicaid là một chương trình đồng tài trợ của cả liên bang và tiểu bang dành cho những người thu nhập thấp. Mỗi tiểu bang đặt ra những hướng dẫn riêng về chương trình Medicaid. Medicaid trả cho những dịch vụ y tế, như là đi khám bác sĩ và nằm viện. Những thường trú nhân đã nhập cư vào nước Mỹ trước ngày 22 tháng 8 năm 1996 có thể nhận được Medicaid nếu họ hội đủ điều kiện. Những thường trú nhân đã nhập cư vào nước Mỹ từ hoặc sau ngày 22 tháng 8 năm 1996 có thể nhận được Medicaid nếu họ đã sống ở Mỹ 5 năm hoặc lâu hơn và hội đủ điều kiện.

Medicare là chương trình bảo hiểm y tế dành cho người từ 65 tuổi trở lên hoặc người có bệnh tật nào đó. Medicare trả cho những dịch vụ nếu quý vị bị bệnh hoặc bị thương, nhưng không trả cho những chăm sóc định kỳ (ví dụ như khám tổng quát), chăm sóc nha khoa, hoặc nhãn khoa.

ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN VỀ MEDICAID VÀ MEDICARE
Liên lạc với Sở An Sinh Xã Hội theo số điện thoại 1-800-722-1213 hoặc xem trangcủa Trung Tâm Dịch Vụ Medicare và Medicaid (Centers for Medicare and Medicaid Service): http://www.cms.hhs.gov.
Chương trình Medicare gồm có nhiều phần: Phần A, Phần B, và bảo hiểm thuốc theo toa. Phần A miễn phí và trả cho những dịch vụ chăm sóc tại nhà thương và những nhà điều dưỡng được Medicare công nhận. Phần B trả cho tiền khám bác sĩ, xe cấp cứu, thử nghiệm, và chăm sóc ngoại trú. Nếu muốn
hưởng Phần B, quý vị phải trả phí hàng tháng. Bảo hiểm thuốc theo toa giúp trả cho các loại thuốc do bác sĩ kê toa để chữa trị. Ghi danh vào chương trình thuốc theo toa của Medicare là tự nguyện, và quý vị phải trả thêm phí hàng tháng cho chương trình bảo hiểm này.
Thường trú nhân có thể được hưởng Medicare Phần A, Phần B, và bảo hiểm thuốc theo toa nếu họ hội đủ một số điều kiện nào đó. Những người từ 65 tuổi trở lên sẽ tự động được hưởng Medicare khi họ bắt đầu nhận tiền hưu trí của chương trình An Sinh Xã Hội. Nếu quý vị chưa đủ 65 tuổi nhưng hội đủ điều kiện vì những lý do khác, hãy gọi văn phòng An Sinh Xã Hội trong địa phương để biết thông tin về ghi danh. Thông thường, quý vị phải làm việc ở Mỹ đủ 10 năm (hoặc 40 quý) để được trợ cấp Medicare này. Để biết thêm thông tin về Medicare, tải bài viết “Medicare và Quý Vị” (Medicare & You) từ trang web của Medicare tại địa chỉ http://www.medicare.gov/publications/pubs/pdf/10050.pdf.

Chương Trình Bảo Hiểm Y Tế Cho Trẻ Em của Tiểu Bang (State Children’s Health Insurance Program hay SCHIP)

Con cái của quý vị có thể nhận được sự chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc giá rẻ nếu quý vị hội đủ một số điều kiện nào đó. Mọi tiểu bang đều có chương trình bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên. Bảo hiểm trả cho việc khám bác sĩ, thuốc kê toa, chăm sóc trong nhà thương, và những dịch vụ chăm sóc y tế khác. Trong phần lớn các tiểu bang, trẻ em từ 18 tuổi trở xuống, không có bảo hiểm y tế, và sống trong gia đình có thu nhập ở mức giới hạn nào đó thì được xem như hội đủ điều kiện nhận bảo hiểm. Trẻ em có thể được chăm sóc y tế miễn phí hoặc giá rẻ mà không ảnh hưởng đến tình trạng nhập cư của cha mẹ.

THÔNG TIN THÊM VỀ CHƯƠNG TRÌNH SCHIP
Mỗi tiểu bang có những quy định SCHIP riêng. Quý vị cần tìm hiểu về chương trình này trong tiểu bang của mình. Để biết thêm thông tin về SCHIP trong tiểu bang của quý vị, hãy gọi 1-877-543-7669 hoặc vào trang web http://www.insurekidsnow.gov và đánh vào máy tên tiểu bang của quý vị.
Những Chương Trình Trợ Cấp Khác Của Liên Bang

Quý vị hoặc những thành viên trong gia đình có thể hội đủ điều kiện để nhận những khoản trợ cấp liên bang khác, phụ thuộc vào tình trạng nhập cư, thời gian sống ở Hoa Kỳ, và thu nhập của quý vị.

Chương Trình Phiếu Thực Phẩm (Food Stamps)
Một số người nhập cư có thu nhập thấp và trẻ em nhập cư có thể hội đủ điều kiện nhận trợ giúp bằng phiếu thực phẩm, tùy thuộc vào tình trạng nhập cư, thời gian sống ở Hoa Kỳ và thu nhập của họ. Phiếu mua thực phẩm cho quý vị đổi lấy thực phẩm miễn phí ở tiệm thực phẩm. Một số tiểu bang có chương trình phiếu thực phẩm do tiểu bang cấp quỹ với một số điều kiện hợp lệ khác đối với người nhập cư và các điều kiện này có thể khác nhau giữa các tiểu bang. Để biết thông tin về các điều kiện hưởng chương trình phiếu thực phẩm liên bang của Dịch Vụ Thực Phẩm Dinh Dưỡng Hoa Kỳ (U.S. Food and Nutrition Service) bằng 36 ngôn ngữ khác nhau, hãy vào trang web http://www.fns.usda.gov/fsp/outreach/translations.htm.

Các Dịch Vụ Trợ Giúp Nạn Nhân của Nạn Bạo Hành Trong Gia Đình
Những người nhập cư và con của họ, nếu là nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình, có thể hội đủ điều kiện để nhận những khoản trợ cấp và dịch vụ liên bang, ví dụ như nơi tạm trú dành cho phụ nữ bị ngược đãi hoặc phiếu thực phẩm. Để biết thêm thông tin về những dịch vụ này của Bở Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ, hãy vào trang web:
http://www.hhs.gov/ocr/immigration/bifsltr.html.

Chương Trình Trợ Giúp Tạm Thời cho Những Gia Đình Gặp Khó Khăn (Temporary Assistance for Needy Families hay TANF)

Chương Trình Trợ Giúp Tạm Thời cho Những Gia Đình Gặp Khó Khăn là một chương trình của liên bang tài trợ cho tiểu bang để giúp đỡ và tạo cơ hội việc làm cho những gia đình có thu nhập thấp.
Những người nhập cư có thể hội đủ điều kiện, tuỳ thuộc vào tình trạng nhập cư, thời gian sinh sống ở Hoa Kỳ, và thu nhập của họ. Các chương trình khác nhau ở mỗi tiểu bang, và một số tiểu bang có chương trình trợ giúp riêng do chính tiểu bang tài trợ. Để vào các trang kết nối và biết thông tin về TANF, hãy vào trang web http://www.acf.dhhs.gov/programs/ofa/.

Trợ Giúp Những Người Nhập Cư Có Bệnh Tật

Những người nhập cư có bệnh tật có thể hội đủ điều kiện nhận trợ cấp Medicaid, phiếu thực phẩm và tiền Phụ Cấp Bệnh Tật (SSI), tuỳ thuộc vào tình trạng nhập cư, thời gian sinh sống ở Hoa Kỳ, và thu nhập của họ. Để biết thêm thông tin về phiếu thực phẩm, hãy xem trang 31. Để biết thông tin về chương trình Phụ Cấp Bệnh Tật (SSI), hãy xem trang web:
http://www.socialsecurity.gov/ssi/spotlights/spot-non-citizens.htm.

Các Trung Tâm Nghề Nghiệp Toàn Diện (One-Stop Career Centers)
Chính quyền liên bang tài trợ cho những trung tâm nghề nghiệp có đào tạo hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, đăng danh sách tuyển nhân viên, và những dịch vụ khác liên quan đến việc làm. Một số trung tâm này cũng có lớp dạy tiếng Anh là Ngôn Ngữ Thứ Hai ESL (English as a Second Language) và đào tạo những kỹ năng làm việc cho người nhập cư, tuỳ thuộc vào tình trạng nhập cư và thu nhập của họ.
Để biết thông tin về Trung Tâm Nghề Nghiệp Toàn Diện trên khắp nước Mỹ, hãy vào trang web
http://www.doleta.gov/usworkforce/onestop/onestopmap.cfm.

LỜI KHUYÊN: Quý vị có thể vào trang web http://www.govbenefits.gov để tìm hiểu về những dịch vụ có thể trợ giúp cho quý vị.
 

langvuon

khoai nướng
#10
Giáo Dục Và Chăm Sóc Con Em

Giáo Dục Và Chăm Sóc Con Em

Giáo dục có thể giúp cho quý vị và gia đình gắn bó hơn với cộng đồng. Phần này miêu tả những loại trường học ở nước Mỹ dành cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn và trả lời các thắc mắc của quý vị về những trường học này. Phần này cũng đưa ra những lời khuyên về việc tìm một nơi giữ trẻ tốt, nếu quý vị có con nhỏ ở nhà và phải đi làm.

Giáo Dục
Để bảo đảm rằng mỗi đứa trẻ đều được chuẩn bị để thành công, nước Mỹ có nền giáo dục công lập miễn phí. Phần này hướng dẫn quý vị cách đăng ký nhập học cho con mình. Quý vị sẽ tìm hiểu xem các trường học ở Mỹ hoạt động như thế nào và cách giúp đỡ con cái học tập ra sao.

Ghi Danh Cho Con Quý Vị Nhập Học
Phần lớn những trường học công lập ở nước Mỹ có nam nữ học chung (co-educational). Nam nữ học chung có nghĩa là học sinh nam và học sinh nữ cùng học một lớp. Nước Mỹ có những điều luật bắt buộc trẻ em phải đi học. Điều này có nghĩa là hầu hết các tiểu bang đều có luật bắt buộc tất cả trẻ em từ 5 đến 16 tuổi phải đến trường đều đặn. Hãy hỏi nha giáo dục để biết những lứa tuổi nào được quy định phải đến trường đều đặn trong tiểu bang của quý vị.
Quý vị có thể gởi con mình đến trường công lập hoặc trường tư thục. Trong hầu hết các tiểu bang, phụ huynh cũng có thể dạy con mình tại nhà. Điều này được gọi là “trường học tại gia” (home schooling). Những trường học công lập thì miễn phí và không giảng dạy về tôn giáo. Chương trình giáo dục trẻ em ở trường công lập được quy định bởi tiểu bang. Tuy nhiên, giáo viên địa phương và phụ huynh sẽ quyết định cách giảng dạy. Thuế thu nhập liên bang và tiểu bang cũng như thuế bất động sản địa phương tài trợ cho những trường học này.
Học sinh phải trả một khoản lệ phí (được gọi là “học phí” (tuition)) để đi học tại trường tư thục. Nhiều trường tư thục được điều hành bởi các nhóm tôn giáo. Một số trường cho cả học sinh nam và nữ học chung, và một số trường chỉ dành riêng cho học sinh nam hoặc chỉ dành riêng cho học sinh nữ. Một số trường có chương trình trợ giúp tài chính cho những học sinh không thể trả học phí.
Hầu hết trẻ em Mỹ học trong trường 12 năm. Con quý vị sẽ được xếp lớp (gọi là “grade”) căn cứ vào độ tuổi và trình độ học vấn. Đôi khi, trường học có thể sẽ cho con quý vị làm bài thi để quyết định cháu nên học mất lớp nào.
Một trong những việc đầu tiên quý vị nên làm là ghi danh cho con em nhập học. Một số thắc mắc mà phụ huynh thường hỏi về trường học công lập bao gồm:

Hỏi: Năm học kéo dài bao lâu?

Trả lời: Năm học thường bắt đầu vào tháng 8 hoặc tháng 9 và kết thúc vào tháng 5 hoặc tháng 6.
Ở một số nơi, trẻ em đi học cả năm. Trẻ em đi học từ thứ Hai đến thứ Sáu. Một số trường học có chương trình sinh hoạt trước hoặc sau giờ học chính quy dành cho trẻ em có phụ huynh đi làm. Quý vị có thể phải trả một khoản lệ phí cho những chương trình này.

Hỏi: Tôi đăng ký nhập học cho con mình ở đâu?

Trả lời: Hãy gọi điện thoại hoặc tới trụ sở của sở học chánh để tìm hiểu xem bé nên học trường nào.
Hãy nói cho nhân viên của trường biết tuổi của bé và địa chỉ của quý vị.

Hỏi: Tôi cần những giấy tờ gì để ghi danh cho con mình?

Trả lời: Quý vị cần những hồ sơ y tế của bé và giấy tờ chứng minh rằng bé đã được chủng ngừa một số loại thuốc nào đó (cũng được gọi là “shots”) để bảo vệ bé khỏi nhiễm bệnh. Quý vị cũng có thể được yêu cầu nộp bằng chứng cho thấy rằng quý vị đang sống trong cùng khu vực với trường học. Nếu quý vị đã mất những giấy tờ này, hãy hỏi nhân viên trường học để biết cách xin giấy tờ mới. Để tránh chậm trễ, hãy chuẩn bị những giấy tờ này trước khi quý vị đến trường để ghi danh nhập học cho bé.

HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA PHẦN LỚN CÁC TRƯỜNG HỌC Ở MỸ
Trường Tiểu Học Mẫu Giáo và Lớp1 đến Lớp 5
Trẻ em từ 5 đến 10 tuổi

Phổ Thông Cơ Sở Lớp 6 đến Lớp 8
Thiếu niên từ 11 đến 13 tuổi

Phổ Thông Trung Học Lớp 9 đến Lớp 12
Vị thành niên từ 14 đến 18 tuổi

Giáo dục sau trung học hoặc cấp đại học, đại học cộng đồng công lập và tư thục,
Trường đại học cộng đồng hoặc đại học hai năm hoặc bốn năm,
Trường huấn nghệ Tất cả người lớn có thể ghi danh học

Hỏi: Nếu con tôi không biết nói tiếng Anh thì sao?

Trả lời: Trường học chịu trách nhiệm kiểm tra và xếp bé vào chương trình học hợp lý. Trường học nhận tài trợ của tiểu bang và liên bang cho những chương trình và các dịch vụ như dạy tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai ESL (English as a second language) và giáo dục song ngữ. Quý
vị có thể gọi đến trường học của bé để hỏi về việc kiểm tra, xếp lớp và các dịch vụ. Ngay cả khi bé không nói được tiếng Anh, bé cần học những tài liệu phù hợp với trình độ của mình.
Điều này có thể thực hiện được thông qua chương trình học Anh ngữ hoặc giáo dục song ngữ.

Hỏi: Nếu con tôi bị bệnh tật thì sao?

Trả lời: Học sinh bị bệnh tật về thân thể hoặc tâm thần có thể theo học tại trường công lập miễn phí giống như trẻ không có bệnh tật. Nếu có thể, bé sẽ được xếp vào một lớp học bình thường.
Nếu bé có bệnh tật nghiêm trọng, bé có thể được sắp xếp những dịch vụ giáo dục đặc biệt ngoài lớp học bình thường. Muốn biết thêm thông tin về cách tiếp cận dịch vụ qua Hội Đồng Tiểu Bang, xin viếng mạng http://www.acf.hhs.gov/programs/add/states/ddcs.html.

Hỏi: Trước khi đến Hoa Kỳ con tôi chưa đi học. Cháu có thể theo học ở trường công lập miễn phí đến bao nhiêu tuổi?

Trả lời: Trong hầu hết các tiểu bang, cháu có thể theo học miễn phí cho đến khi 21 tuổi. Nếu đến lúc đó cháu chưa tốt nghiệp trung học được, cháu có thể ghi danh vào học ở những lớp dành cho người lớn để lấy được Bằng Phát Triển Giáo Dục Tổng Quát GED (General Educational Development) thay cho bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Hãy gọi cho văn phòng sở học
chánh tại địa phương hoặc nha giáo dục tiểu bang của quý vị để tìm hiểu về những nơi tổ chức lớp GED.

Hỏi: Con tôi sẽ đi đến trường bằng cách nào?

Trả lời: Ở nước Mỹ, đôi khi trẻ em có thể đi bộ đến trường. Nếu trường học ở quá xa, các cháu sẽ đi bằng xe buýt. Các trường công lập có xe buýt miễn phí. Học sinh được đưa rước ở những trạm xe buýt trường học ở gần nhà. Quý vị hãy liên lạc với hệ thống trường học ở địa phương để tìm hiểu xem con mình có thể đi bằng xe buýt hay không. Nếu quý vị có xe hơi, quý vị cũng có thể tổ chức nhóm “đi chung xe” (carpool) với những phụ huynh khác trong khu vực để phân công đưa rước con em đến trường.

Hỏi: Con tôi sẽ ăn gì ở trường?

Trả lời: Trẻ em có thể mang bữa ăn trưa đến trường hoặc mua ở quán ăn tự phục vụ trong trường.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng cung cấp những bữa ăn bổ dưỡng sáng hoặc trưa miễn phí hoặc giá rẻ cho những em không có khả năng mua thức ăn trong trường. Hãy gọi điện hoặc đến trường học bé để hỏi xem trường học có tham gia vào Chương Trình Bữa Ăn Tại Trường của liên bang hay không. Thảo luận với nhân viên trường học để tìm hiểu xem con quý vị có đủ điều
kiện tham gia hay không.

CHƯƠNG TRÌNH BỮA ĂN Ở TRƯỜNG CUẢ LIÊN BANG
Trẻ em học tốt hơn khi được ăn uống đầy đủ. Để cải thiện việc học tập, chính phủ Hoa Kỳ cung cấp những bữa ăn dinh dưỡng với giá rẻ hoặc miễn phí cho hơn 26 triệu trẻ em trong trường học mỗi ngày. Trường học sẽ căn cứ vào thu nhập và số người trong gia đình để xác định xem con quý vị có hội đủ tiêu chuẩn hưởng Chương Trình Ăn Sáng Trong Trường (School Breakfast Program) và Chương Trình Quốc Gia Ăn Trưa Trong Trường (National School Lunch Program) hay không. Chương Trình Sữa Đặc Biệt (Special Milk Program) cung cấp sữa cho trẻ em không tham gia vào những chương trình liên bang trợ cấp bữa ăn tại trường học khác. Để biết thêm thông tin về những chương trình này, hãy xem trang web của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (U.S. Department of Agriculture) tại địa chỉ http://www.fns.usda.gov/cnd/.
Hỏi: Ai có trách nhiệm trả tiền sách và những hoạt động trong trường?

Trả lời: Trường công lập thường phát sách giáo khoa miễn phí. Học sinh thường phải mua những dụng cụ học tập, như là giấy và bút chì. Nếu quý vị không thể mua những dụng cụ học tập này, hãy liên lạc với trường của bé. Một số trường có thể thu một lệ phí nhỏ cho dụng cụ học tập hoặc hoạt động đặc biệt, như là những cuộc đi chơi do trường tổ chức. Nhiều trường tổ chức những chương trình thể thao và âm nhạc sau giờ học. Quý vị có thể phải trả lệ phí để bé tham gia vào một số chương trình này.

Hỏi: Con tôi sẽ học những gì?

Trả lời: Mỗi tiểu bang đưa ra các tiêu chuẩn về chương trình cho ở trường học. Những tiêu chuẩn này quy định rõ những kiến thức và kỹ năng học sinh phải đạt được. Sở học chánh địa phương quyết định xem các kiến thức này phải được truyền đạt như thế nào. Hầu hết các trường đều dạy những môn Anh văn, toán, xã hội học, khoa học, và rèn luyện thân thể. Mỹ thuật, âm nhạc, và ngoại ngữ đôi khi cũng được đưa vào chương trình giảng dạy.

Hỏi: Việc học của con tôi được đánh giá như thế nào?

Trả lời: Giáo viên sẽ cho điểm xếp hạng dựa vào thành tích học tập của con quý vị trong suốt năm học. Điểm xếp hạng thường căn cứ vào các bài tập ở nhà, bài kiểm tra, sự có mặt trên lớp, và tư cách đạo đức trong lớp. Quý vị sẽ nhận được một “thành tích biểu” (report card) vài lần trong năm. Thành tích biểu này cho quý vị biết kết quả học tập của con mình ở mỗi môn học.
Các trường học có thể dùng những phương pháp chấm điểm khác nhau. Một số trường dùng chữ cái để làm thang điểm, chữ A và A+ là học xuất sắc, chữ D và F là học kém hoặc không đạt. Một số trường thì chấm điểm bằng số. Còn những trường khác có thể tổng kết thành tích của con quý vị với những từ như là “xuất sắc”, “tốt”, “cần cố gắng hơn”. Hãy hỏi nhân viên ở
trường xem học sinh trong trường của bé được xếp hạng như thế nào.

Hỏi: Tôi phải làm thế nào để có thể gặp giáo viên của con tôi?

Trả lời: Hầu hết các trường học thường có những cuộc họp phụ huynh định kỳ để quý vị gặp giáo viên của con mình. Quý vị cũng có thể xin hẹn gặp mặt và thảo luận với giáo viên hay giám thị của trường để xem bé học tập như thế nào. Nếu quý vị không nói được tiếng Anh, hãy hỏi xem trong trường có người nào biết ngôn ngữ của quý vị để có thể giúp thông dịch.

Hỏi: Nếu con tôi nghỉ học tôi phải làm gì?


Trả lời: Sự hiện diện ở trường học rất là quan trọng. Phụ huynh phải viết thư gửi cho giáo viên hay gọi điện đến trường để giải thích tại sao con mình vắng mặt. Nếu có thể, hãy báo cho giáo viên biết trước khi con quý vị nghỉ học. Thường thì học sinh phải hoàn thành hết các bài học mà các emđã bỏ lỡ khi nghỉ học.

QUÝ VỊ CÓ THỂ LÀM GÌ
Hầu hết các trường công lập và trường tư thục đều có Hội Phụ Huynh và Giáo Chức (Parent Teacher Association hay PTA) hoặc Tổ Chức Phụ Huynh
và Giáo Chức (Parent Teacher Organization hay PTO). Những nhóm này giúp cho phụ huynh tìm hiểu về những chương trình sinh hoạt ở trường và làm sao để tham gia vào các hoạt động này. Bất kỳ ai, kể cả ông bà nội ngoại của học sinh, đều có thể tham gia. Hội PTA hay tổ chức PTO cũng ủng hộ trường học bằng cách tài trợ cho những hoạt động đặc biệt và có các tình nguyện viên trợ giúp trong lớp học. Quý vị cũng có thể tham gia ngay cả khi quý vị không nói được nhiều tiếng Anh. Nhiều trường học có những bản thông tin dành cho cho phụ huynh có vốn tiếng Anh giới hạn.
Hãy gọi điện thoại hoặc đến văn phòng trường học để biết thời khóa biểu họp của hội PTA hay tổ chức PTO của trường nơi bé học và cách tham gia.
Hỏi: Điều gì xẩy ra nếu con tôi có rắc rối?

Trả lời: Nhiều trường có một danh sách nội qui mà học sinh phải tuân theo. Những nội quy này được gọi là “các qui tắc đạo đức”.
Hãy tìm hiểu những qui tắc đạo đức trong trường học của em. Những học sinh vi phạm nội qui trường học có thể bị phạt ở lại trường sau giờ học. Hoặc là em đó sẽ không được phép tham gia vào những môn thể thao hay các hoạt động khác của trường. Trừng phạt thân thể là KHÔNG được phép ở hầu hết các trường học ở Hoa Kỳ.
Học sinh có thể bị đình chỉ học tập hoặc bị đuổi học nếu chúng có hành vi tồi tệ và thường xuyên vi phạm nội qui của trường. Con của quý vị sẽ không được đi học nữa nếu bị đuổi học.
Trong trường hợp này, quý vị cần phải đến gặp nhân viên của trường học để tìm hiểu xem làm cách nào để đưa em trở lại trường.

Hỏi: Ở trường con tôi có an toàn không?

Trả lời: Hầu hết các trường học công lập ở nước Mỹ là nơi an toàn để học tập. Nhưng một vài trường — chủ yếu là những trường trung học — có các vấn đề như: bạo lực, băng đảng, hoặc ma tuý và bia rượu. Hãy thảo luận với giáo viên, cố vấn viên của trường, hoặc giám thị nhà trường nếu quý vị lo lắng về sự an toàn của con mình.

Giáo Dục Đại Học: Các Trường Cao Đẳng Và Đại Học

Thanh thiếu niên có thể tiếp tục theo học tại những đại học cộng đồng hay cao đẳng kỹ thuật hệ hai năm hoặc đại học hệ bốn năm sau khi đã học xong trung học. Chương trình học này được gọi là “chương trình giáo dục sau trung học” (postsecondary institutions) hay “chương trình giáo dục đại học” (institutions of higher education). Có nhiều trường công lập cũng như tư thục có chương trình giáo dục đại học. Các trường cao đẳng và đại học công lập thường ít tốn kém hơn so với các trường tư thục, nhất là đối với những người thường trú ở cùng tiểu bang với trường. Thanh thiếu niên cũng có thể chọn các trường dạy về một nghề nào đó, chẳng hạn như sửa máy tính hay làm trợ lý chăm sóc y tế.
Sinh viên trong chương trình giáo dục đại học chọn ngành học đặc biệt để học chuyên sâu (được gọi là chuyên ngành” (major)). Chọn chuyên ngành giúp sinh viên chuẩn bị kiếm việc làm hoặc học tiếp các chương trình cao hơn trong lĩnh vực này.

Loại Bằng Cấp
Giấy Chứng Nhận (Certificate)
Bằng Đại Học Đại Cương
(Associate’s)
Cử Nhân (Bachelor’s)
Thạc Sĩ (Master’s)
Tiến Sĩ (Doctorate)
Chuyên Gia (Professional)


Loại Trường Học
Đại Học Cộng Đồng/Trường Dạy
Nghề
Đại Học Cộng Đồng
Đại Học bốn năm
Đại Học
Đại Học
Trường Học Chuyên Ngành


Thời Gian Học
Sáu tháng tới hai năm
Hai năm
Bốn năm
Hai năm sau Cử Nhân
Hai đến tám năm
Hai đến năm năm


Học phí giáo dục đại học có thể rất tốn kém. Một số trường có chương trình trợ giúp tài chính gọi là “học bổng” (scholarships). Chính quyền Mỹ cũng trợ giúp tài chính cho sinh viên. Hầu hết sinh viên vay tiền hoặc xin tài trợ hoặc xin học bổng để giúp trả cho chi phí học tập. Một số học bổng và trợ giúp
giáo dục chỉ dành cho các công dân Hoa Kỳ

Quỹ Tài Trợ Liên Bang cho Sinh Viên Đại Học
Chánh Phủ Hoa Kỳ cung cấp trợ giúp tài chánh cho sinh viên theo học một số đại học. Trợ giúp gồm các chi phí trả cho trường gồm học phí, chi phí linh tinh, sách vở, nơi ở, dụng cụ học đường và di chuyển.
Sinh viên được trợ giúp tùy nhu cầu tài chánh, không căn cứ vào học lực. Có ba loại trợ giúp của liên bang:
• Tiền trợ cấp – là tiền quý vị không phải hoàn trả.
• Tiền Vừa Học Vừa Làm (Work Study) – là tiền làm ra từ những chương trình việc làm của trường.
• Tiền vay – là tiền quý vị phải hoàn trả sau này kèm theo lãi suất.
Để biết thêm về những chương trình trợ giúp tài chính liên bang, hãy gọi 1-800-433-3243 hoặc vào trang web của Bộ Giáo Dục (U.S. Department of Education) tại địa chỉ http://studentaid.ed.gov/students/publications/student_guide/index.html. Có cả thông tin bằng tiếng Tây Ban Nha.

HÃY CẢNH GIÁC KẺ LỪA GẠT VỀ TRỢ GIÚP TÀI CHÍNH
Hãy cẩn thận khi quý vị đang tìm kiếm thông tin về chương trình trợ giúp tài chính cho sinh viên. Tránh xa những người đề nghị giúp đỡ tốt hơn mức bình thường hoặc bảo đảm kết quả với quý vị để đổi lấy tiền. Hàng năm, các gia đình mất hàng triệu đô la vì nạn “lừa gạt học bổng”. Nếu quý vị là nạn nhân của trò lừa gạt này, hoặc muốn biết thêm thông tin miễn phí, hãy gọi số 1-877-382-4357 hoặc 1-866-653-4261 (dành cho người khiếm thính), hoặc vào trang web của Ủy Ban Mậu Dịch Liên Bang (Federal Trade Commission) tại địa chỉ http://www.ftc.gov/bcp/conline/edcams/scholarship/index.shtml.
 

langvuon

khoai nướng
#11
Ðề: Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

Giáo Dục Dành Cho Người Lớn

Việc học không nhất thiết phải kết thúc khi trở thành người lớn Ở nước Mỹ, mỗi người được khuyến khích để trở thành “người học suốt đời”. Nếu quý vị từ 16 tuổi trở lên và chưa học xong trung học, quý vị có thể ghi danh vào lớp Đệ Nhị Cấp Của Người Lớn (Adult Secondary Education hay ASE). Những
lớp này chuẩn bị cho quý vị lấy được bằng Phát Triển Giáo Dục Tổng Quát GED (General Educational Development).
Bằng GED tương đương với bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Bằng này chứng minh quý vị đã nắm bắt được những kiến thức và kỹ năng ở trình độ trung học. Để lấy bằng GED, quý vị phải thi đậu năm môn khác nhau: đọc, viết, xã hội học, khoa học, và toán học. Phần lớn những sở làm Hoa Kỳ cần nhân công xem chứng nhận GED tương đương với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong nhiều vùng, những lớp học chuẩn bị thi GED được tổ chức miễn phí hoặc với giá rẻ. Để biết thông tin, hãy tìm trong danh bạ điện thoại dưới phần “Giáo Dục Cho Người Lớn” (Adult Education) hoặc gọi cho văn phòng sở học chánh địa phương.
Nhiều người lớn ghi danh học thêm về những chủ đề họ thích hoặc học những kỹ năng mới có thể giúp họ trong công việc. Nhiều hệ thống trường học công lập và đại học cộng đồng địa phương mở những lớp học nhiều chủ đề khác nhau cho người lớn. Ai cũng có thể ghi danh vào các lớp học này, và nói chung những lớp này có học phí thấp. Hãy tìm hiểu tại hệ thống trường học địa phương hoặc đại học cộng đồng xem có những lớp học nào, học phí là bao nhiêu, và ghi danh như thế nào.

Học Tiếng Anh
Có nhiều nơi tổ chức lớp học nói, đọc, và viết tiếng Anh. Nhiều trẻ em và người lớn ghi danh học Tiếng Anh như là Ngôn Ngữ Thứ Hai ESL (English as a Second Language). Những lớp học này giúp những người không biết tiếng Anh học ngôn ngữ này. Những lớp học này còn được gọi là Lớp Tiếng Anh cho Người Nói Thứ Tiếng Khác ESOL (English for Speakers of Other Languages) hoặc những lớp dạy đọc viết tiếng Anh.
Trẻ em không biết tiếng Anh sẽ học môn này trong trường. Các trường học công lập Mỹ có những chương trình trợ giúp và giảng dạy đặc biệt cho học sinh cần học tiếng Anh. Những học sinh cần sự trợ giúp thêm thường được gọi là học sinh với Khả Năng Tiếng Anh Hạn Chế LEP (Limited English Proficient).

Học sinh mới bắt đầu học tiếng Anh có thể học lớp ESL thay thế cho lớp Anh Văn chính quy.
Học sinh có trình độ tiếng Anh cao hơn có thể được xếp trong những lớp chính quy nhưng được trợ giúp thêm. Một số trường học cũng đưa ra những chương trình sau giờ học và dạy kèm để giúp học sinh học tiếng Anh. Trường học của bé sẽ cho quý vị biết họ có những chương trình trợ giúp nào cho học sinh cần học tiếng Anh.
Người lớn không hiểu tiếng Anh có thể ghi danh học lớp ESL của những trường công cho người lớn và giáo dục cộng đồng hoặc trường ngôn ngữ tư nhân.
Các chương trình ở trường công cho người lớn và giáo dục cộng đồng thường được tổ chức trong cộng đồng địa phương bởi các sở học chánh và đại học cộng đồng. Những chương trình này có những khoá học ESL có tình nguyện viên địa phương dạy kèm. Những chương trình này thường miễn phí, hoặc quý vị phải trả một khoản học phí nhỏ. Thời gian học có thể ban ngày hoặc ban đêm. Hãy gọi cho đại học cộng đồng địa phương hoặc văn phòng sở học chánh để tìm những lớp học ESL gần nhà nhất. Xem trên những trang màu xanh trong danh bạ điện thoại dưới mục “Trường Học- Công Lập” (Schools-Public).
Hầu hết những thành phố lớn đều có những trường ngôn ngữ tư nhân có lớp học ESL ban ngày hoặc ban đêm. Học phí của những lớp học này thường được tính dựa trên số giờ giảng dạy. Các lớp học ngôn ngữ ở trường tư thường đắt hơn những lớp học công. Để tìm trường dạy ngôn ngữ tư nhân, hãy xem trên những trang vàng trong danh bạ điện thoại dưới mục “Trường Ngôn Ngữ” (Language Schools).
Một số tổ chức cộng đồng, thư viện, và những nhóm tôn giáo cũng có những lớp học ESL miễn phí hoặc giá rẻ. Hãy tìm hiểu trong thư viện công cộng địa phương, cơ quan dịch vụ xã hội, nhà thờ hoặc chùa.
Nhân viên tra cứu của thư viện địa phương cũng có thể cho quý vị biết về những chương trình ESL và giúp quý vị tìm sách, băng video, đĩa CD và phần mềm điện toán để học ESL trong thư viện.

GỌI 211 ĐỂ BIẾT THÔNG TIN VỀ NHỮNG DỊCH VỤ XÃ HỘI
Hiện nay tại nhiều tiểu bang quý vị có thể gọi 211 để được trợ giúp tìm kiếm những dịch vụ mà quý vị cần. Hãy gọi 211 để hỏi nơi quý vị có thể ghi danh học những lớp ESL gần nơi quý vị ở. Quý vị cũng có thể gọi 211 nếu cần trợ giúp tìm những chương trình hỗ trợ thực phẩm, nhà ở, và cai nghiện ma túy, hoặc những dịch vụ xã hội khác.
Một số tiểu bang và địa hạt vẫn chưa có dịch vụ 211. Nếu quý vị gọi và không ai trả lời, thì dịch vụ 211 vẫn chưa có trong cộng đồng của quý vị.
Chăm Sóc Con Em
Nếu quý vị phải làm việc và có con còn nhỏ quá chưa thể đi học, quý vị có thể cần tìm người giữ trẻ trong khi quý vị ở sở làm. Đôi khi trẻ em ở độ tuổi đi học cũng cần người trông chừng sau giờ học nếu phụ huynh không thể có mặt ở nhà. Nếu quý vị hoặc những thành viên khác trong gia đình không thể trông chừng con cái, thì cần phải tìm người chăm sóc bé. Đừng để trẻ em ở nhà một mình.

Tìm Người Giữ Trẻ
Chọn ai đó chăm sóc con mình là một quyết định quan trọng. Khi quý vị có quyết định này, hãy nghĩ đến chất lượng và giá cả của việc chăm sóc.
Cố gắng tìm người giữ trẻ ở gần nhà hoặc nơi làmviệc của quý vị.
Quý vị có thể sử dụng nhiều nguồn thông tin để tìm người giữ trẻ tốt. Hãy hỏi những phụ huynh khác, bạn bè, và đồng sự biết chăm sóc con cái.
Một số tiểu bang có cơ quan giới thiệu dịch vụ giữ trẻ có thể cho quý vị một danh sách những chương trình giữ trẻ đã được tiểu bang cấp giấy phép. Những chương trình này đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể được quy định bởi tiểu bang để bảo vệ con của quý vị. Quý vị cũng có thể gọi văn phòng sở học chánh địa phương để biết nơi những trẻ em khác trong khu phố quý vị được chăm sóc.

LỜI KHUYÊN: Nếu quý vị cần trợ giúp để tìm nơi giữ trẻ tốt trong vùng, Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ có Trung Tâm Thông Tin Giữ Trẻ Quốc Gia (National Child Care Information Center). Để biết thông tin, hãy gọi 1-800-616-2242. Quý vị cũng có thể tìm thông tin và giải đáp những thắc mắc về cách chọn một chương trình tốt cho con mình tại địa chỉ
http://www.childcareaware.org.
CÁC LOẠI HÌNH GIỮ TRẺ
Quý vị có một số lựa chọn về dịch vụ giữ trẻ.

Giữ Trẻ Tại Gia. Người giữ trẻ đến nhà quý vị để trông chừng con cái cho quý vị. Loại hình dịch vụ này có thể tốn kém, con cái của quý vị được chăm sóc nhiều hơn. Chất lượng chăm sóc tùy thuộc vào người quý vị mướn.

Nhóm Trẻ Gia Đình. Con quý vị được chăm sóc ở nhà người khác cùng nhóm với một số ít những đứa trẻ khác. Dịch vụ này thường đỡ tốn kém hơn so với các loại hình khác. Chất lượng chăm sóc tùy thuộc vào người giữ trẻ và số lượng trẻ em mà họ đang chăm sóc tại nhà.

Trung Tâm Giữ Trẻ Ban Ngày. Trung tâm giữ trẻ ban ngày là những chương trình ở trong trường học, nhà thờ hoặc những tổ chức tín ngưỡng khác, và những nơi khác. Trung tâm thường mướn vài người giữ trẻ để trông chừng những nhóm nhiều trẻ em hơn. Trung tâm phải đáp ứng được tiêu chuẩn của tiểu bang và nhân viên đã trải qua khóa đào tạo đặc biệt và có kinh nghiệm.
Chương Trình Head Start. Chính quyền liên bang tài trợ những chương trình “Early Head Start” và “Head Start” dành cho các gia đình có thu nhập thấp.
Những chương trình này cung cấp dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ để chuẩn bị cho chúng đến trường. Để tìm hiểu thêm về những chưong trình này, hãy gọi cho Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ theo số 1-866-763-6481 hoặc xem trang web http://www.acf.hhs.gov/programs/hsb/.

Một số người giữ trẻ sẽ chăm sóc trẻ cả ngày hoặc chỉ một buổi, tùy thuộc vào nhu cầu của phụ huynh. Quý vị cũng cần cân nhắc đến chi phí khi lựa chọn một người giữ trẻ. Hãy kiểm tra xem quý vị có đủ điều kiện để nhận trợ cấp giữ trẻ của liên bang hay tiểu bang hay không. Nhiều tiểu bang hỗ trợ tài chính cho những bậc phụ huynh có thu nhập thấp đang làm việc hoặc đang tham gia học nghề hoặc những chương trình giáo dục.
LỜI KHUYÊN: Hãy kiểm tra xem những nhà cung cấp dịch vụ giữ trẻ hoặc chương trình giữ trẻ quý vị đang sử dụng đã được cấp phép hoặc được công nhận hay chưa. “Được cấp phép” (licensed) có nghĩa là chương trình đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu về sự an toàn và cách chăm sóc mà tiểu bang quy định. Chương trình “được công nhận” (accredited) đáp ứng được những tiêu chuẩn cao hơn so với những yêu cầu để lấy giấy phép của tiểu bang.
Làm Sao Để Đánh Giá Xem Một Người Giữ Trẻ Tốt Hay Không?
Hãy nghĩ đến những câu hỏi cơ bản sau đây khi quý vị đến thăm chương trình giữ trẻ.
• Trẻ em có vẻ thích nhân viên giữ trẻ hay không?
• Có sẵn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi trẻ em hay không?
• Trẻ em có chơi những trò chơi thích hợp hay không?
• Nhân viên giữ trẻ có nói chuyện với con quý vị lúc đến tham quan hay không?
• Nơi giữ trẻ có sạch sẽ và ngăn nắp không?
• Có chương trình giảng dạy hoặc thời khóa biểu sinh hoạt hàng ngày cho trẻ em không?
Hãy nhớ yêu cầu tên và số điện thoại của những phụ huynh khác gởi con vào chương trình này để quý vị có thể trao đổi với họ về chương trình.
 

youandme8110

Thành viên tích cực
#12
Ðề: Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

em ngàn lần cảm ơn anh Langvuon về bài đăng vô cùng hữu ích này, Em mới qua Mỹ mới mười mấy ngày, ngoài dựa vào chồng ra, thì chẳng biết cái gì hết, y như một em bé, cái gì cũng phải bắt đầu từ zero. Cảm ơn những bài viết như vậy
 

langvuon

khoai nướng
#13
Ðề: Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

Các Trường Hợp Khẩn Cấp Và Sự An Toàn

Trường hợp khẩn cấp là những sự kiện bất ngờ có thể gây ra thiệt hại đối với con người và tài sản. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai và ở bất kỳ thời điểm nào. Hãy chuẩn bị sẵn một kế hoạch bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình của quý vị. Phần này cho quý vị biết cách chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp cũng như cách tìm đến sự trợ giúp khi tình huống này xảy ra.


Gọi Cấp Cứu: Gọi 911
Ở nước Mỹ, quý vị có thể gọi 911 bằng bất cứ máy điện thoại nào để nhận được sự trợ giúp khẩn cấp.

Gọi 911 để:
• Báo về một vụ hỏa hoạn.
• Báo về một vụ phạm tội đang xảy ra.
• Gọi xe cứu thương để được trợ giúp cấp cứu.
• Báo về những sự kiện đáng ngờ, như tiếng la hét, kêu cứu hoặc tiếng súng nổ.

Điều Gì Xảy Ra Khi Tôi Gọi 911?
• Những cuộc gọi tới số 911 thường được trả lời trong vòng 12 giây. Quý vị có thể được yêu cầu phải giữ máy. Đừng gác máy! Khi nhân viên trực máy trả lờicuộc gọi của quý vị, đường dây sẽ bị im lặng trong vài giây. Đừng gác máy. Hãy đợi đến khi nhân viên trực máy lên tiếng.
• Nếu quý vị không nói được tiếng Anh, hãy cho nhân viên trực máy biết ngôn ngữ của quý vị. Họ sẽ gọi một thông dịch viên để nói chuyện trên điện thoại với quý vị.
• Nhân viên trực máy 911 sẽ hỏi quý vị để biết được trường hợp khẩn cấp gì đang xảy ra và ở đâu. Hãy giữ bình tĩnh và trả lời những câu hỏi này. Cố gắng nói chuyện với nhân viên trực cho đến khi quý vị trả lời xong tất cả các câu hỏi.

Khi Nào Không Gọi 911
Chỉ gọi 911 khi gặp những trường hợp nghiêm trọng hoặc hiểm nghèo. Nếu gọi 911 vì một lý do không chính đáng, quý vị có thể khiến cho người khác không nhận được sự trợ giúp mà họ cần.

Xin đừng gọi 911 để:
• Hỏi đường.
• Hỏi thông tin về những dịch vụ công cộng.
• Hỏi xem một người nào đó có bị tù giam hay không.
• Tường thuật về những sự kiện không khẩn cấp.
• Hỏi thông tin về việc quản lý động vật.
• Thảo luận với nhân viên cảnh sát về một việc không phải là trường hợp khẩn cấp.
Nếu quý vị có điều muốn hỏi cảnh sát, hãy gọi tới số điện thoại dành cho những trường hợp không khẩn cấp của nha cảnh sát được liệt kê trên những trang màu xanh trong danh bạ điện thoại.
CÁC CƠ QUAN THI HÀNH PHÁP LUẬT Ở NƯỚC MỸ
Ở nước Mỹ, có những cơ quan thi hành pháp luật liên bang, tiểu bang và địa phương, bảo vệ quần chúng. Trong cộng đồng của quý vị, những viên chức thi hành pháp luật là cảnh sát thành phố hoặc cảnh sát quận. Hãy tìm số điện thoại của đồn cảnh sát gần nhà nhất và để ngay bên máy điện thoại của quý vị. Nên nhớ rằng nhân viên cảnh sát ở đó là để bảo vệ bản thân và gia đình của quý vị khỏi bị tổn hại. Đừng sợ khi báo cho cảnh sát một vụ phạm tội, đặc biệt khi quý vị là nạn nhân. Một số kẻ tội phạm lợi dụng người nhập cư vì chúng nghĩ quý vị sẽ không báo cho cảnh sát.
Nếu quý vị bị cảnh sát chặn lại:
• Đừng sợ. Hãy lịch sự và sẵn sàng cộng tác.
• Hãy cho nhân viên cảnh sát biết rằng quý vị không nói được tiếng Anh.
• Nếu quý vị đang ở trong xe, đừng ra khỏi xe cho đến khi nhân viên cảnh sát yêu cầu.
• Để tay quý vị ở nơi mà nhân viên cảnh sát có thể nhìn thấy. Đừng cho tay vào túi hoặc vào những nơi khác trong xe.
Bảo Đảm An Toàn Cho Nơi Ở Và Gia Đình

Hãy chuẩn bị trước để đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra. Dưới đây là một số việc quý vị có thể làm để bảo đảm an toàn:
• Kiểm tra để biết chắc rằng cửa ra vào có ổ khóa tốt và luôn luôn khóa cửa. Không đưa chìa khóa cửa cho người lạ. Hãy cẩn thận khi mở cửa cho người lạ. Hỏi xem họ là ai và muốn gì trước khi quý vị mở cửa.
• Chuông báo khói kêu lớn khi có khói trong nhà hoặc trong căn hộ của quý vị. Kiểm tra để biết chắc quý vị có chuông báo khói gắn trên trần nhà gần các phòng ngủ và trên mỗi tầng nhà. Thay pin trong chuông báo khói một năm hai lần. Kiểm tra chuông mỗi tháng một lần để biết chắc rằng nó vẫn hoạt động tốt.
• Tìm hiều xem các nhà thương, đồn cảnh sát và trạm cứu hỏa gần nhất ở đâu. Để những số điện thoại quan trọng (cảnh sát, cứu hỏa, và bác sĩ) ở gần máy điện thoại, nơi quý vị có thể tìm một cách dễ dàng.
• Tìm những van chính của hệ thống khí đốt, nước và hộp ngắt điện trong nhà quý vị. Kiểm tra để biết quý vị biết cách khóa van lại bằng tay.
• Hãy chuẩn bị một bộ dụng cụ phòng thảm họa, bao gồm đèn pin, radio xách tay, pin dự phòng, mền, túi cứu thương, và đủ thức ăn đóng hộp và nước chai để sử dụng trong ba ngày. Cũng kèm theo túi đựng rác, giấy vệ sinh, và thức ăn cho thú nuôi nếu cần. Hãy cất những thứ này ở một nơi dễ tìm.
• Thực hành với gia đình quý vị cách để thoát ra khỏi nhà trong trường hợp hỏa hoạn hoặc những trường hợp khẩn cấp khác. Nhớ cho con quý vị biết tiếng chuông báo khói kêu như thế nào và phải làm gì nếu nghe thấy tiếng đó. Hãy ấn định trước những địa điểm để gia đình gặp nhau trong trường hợp quý vị không có ở nhà. Chọn một nơi ngay bên ngoài nhà, và một nơi khác bên ngoài khu phố đề phòng những trường hợp quý vị không thể trở về nhà. Hãy nói trước cho một người bạn hoặc thành viên trong gia đình đang sống ở vùng khác rằng mỗi người trong gia đình sẽ gọi điện thoại cho họ trong trường hợp bị lạc. Kiểm tra để biết chắc rằng mọi người đều biết làm thế nào để gọi, và có số điện thoại của người này.
• Hãy hỏi trường học của con cái mình để biết về kế hoạch đối phó của trường trong trường hợp khẩn cấp. Kiểm tra để biết chắc con quý vị biết phải làm gì. Nhớ hỏi xem quý vị có thể đến đón con ở đâu trong trường hợp khẩn cấp.

QUÝ VỊ CÓ THỂ LÀM GÌ
Để giúp bảo vệ an toàn trong khu phố của quý vị, hãy làm quen với những người láng giềng. Thảo luận với họ cách xử lý những trường hợp khẩn cấp trong vùng. Nếu quý vị có người hàng xóm bị tàn tật, hỏi thăm xem họ có cần sự trợ giúp đặc biệt hay không.
Nhiều khu phố có Đội Dân Phố. Đội dân phố là một nhóm người trong khu phố. Họ thay phiên nhau đi tuần đêm trên đường để ngăn chặn những hành vi phạm tội. Nếu khu vực của quý vị có Đội Dân Phố, quý vị có thể tình nguyện tham gia. Nếu quý vị muốn tổ chức Đội Dân Phố, hãy gọi cho cơ quan cảnh sát địa phương để được giúp đỡ.
Vào trang web http://www.usaonwatch.org để biết thêm thông tin.
Khi giúp cho những người khác được an toàn, quý vị cũng đã giúp cho cộng đồng và cả đất nước. Quý vị có thể tham gia nhiều hơn vào cộng đồng thông qua Hội Đồng Cư Dân (Citizen Corps Council). Hãy vào trang web
http://www.citizencorps.gov để biết thêm thông tin.
Sơ Cứu
Học cách giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như khi có người bị chảy máu hoặc nghẹt thở. Việc này được gọi là “sơ cứu” (first aid). Quý vị có thể theo học những lớp huấn luyện phương pháp sơ cứu tại Hội Hồng Thập Tự (Red Cross) địa phương. Gọi văn phòng Hồng Thập Tự địa phương hoặc Hội Đồng An Toàn Quốc Gia (National Safety Council) để hỏi về những lớp học trong vùng. Tìm thêm thông tin tại trang web http://www.redcross.org hoặc http://www.nsc.org/train/ec.
Hãy để sẵn những túi cứu thương ở nhà, ở nơi làm việc và trong xe hơi của quý vị. Túi cứu thương có những dụng cụ quý vị cần có để trị các loại vết thương nhỏ hoặc chứng đau nhức, như là băng, gạc khử trùng, thuốc giảm đau, bịch nước đá, và bao tay. Quý vị có thể mua một túi cứu thương tốt ở nhà thuốc địa phương.

Kiểm Soát Chất Độc
Trong nhà quý vị có nhiều thứ có thể gây độc hại nếu uống phải chúng. Những thứ này có thể là nước lau chùi, thuốc, sơn, rượu, mỹ phẩm và thậm chí là một số loại cây. Hãy để những thứ này xa tầm tay trẻ nhỏ.
Nếu có người uống nhầm một chất độc, hãy gọi cho Trung Tâm Kiểm Độc (Poison Control Center) ngay lập tức ở số 1-800-222-1222. Quý vị có thể được trợ giúp 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Khi gọi vào, nên có sẵn tên chất độc uống nhầm cho tổng đài biết. Nếu quý vị không nói được tiếng Anh, hãy nói cho tổng đài để họ kiếm thông dịch viên cho quý vị. Tất cả những cú gọi đến Trung Tâm Kiểm Độc đều được giữ kín đáo và miễn phí.

Hệ Thống Báo Động Khủng Bố Của Bộ An Ninh Quốc Nội
Bộ An Ninh Quốc Nội DHS (Department of Homeland Security) có một hệ thống báo động nhằm giúp nhân dân biết được nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố. Hệ thống này sử dụng những màu sắc khác nhau để thể hiện những mức nguy hiểm khác nhau. Những màu này là:
■ Màu Đỏ là nguy cơ nghiêm trọng. Nguy cơ khủng bố ở mức nghiêm trọng. Một cuộc tấn công đã xảy ra hoặc sắp xảy ra.
■Màu Cam là nguy cơ cao. Nguy cơ khủng bố ở mức cao. Không biết mục tiêu cụ thể.
■Màu Vàng là nguy cơ đáng kể. Nguy cơ khủng bố ở mức đáng kể. Không biết mục tiêu cụ thể.
■ Xanh Dương là nguy cơ cần đề phòng. Nguy cơ khủng bố ở mức cần đề phòng. Không biết mục tiêu hoặc mối đe dọa cụ thể.
■Xanh Lá là nguy cơ thấp. Nguy cơ khủng bố ở mức thấp.

Nếu Có Vụ Tấn Công Khủng Bố

Chính quyền Hoa Kỳ có thể sử dụng Hệ Thống Báo Động Tình Trạng Khẩn Cấp EAS (Emergency Alert System ) để phổ biển thông tin cho toàn thể nhân dân trong trường hợp khẩn cấp. Tổng thống Hoa Kỳ có thể sử dụng hệ thống này để cung cấp thông tin trực tiếp tới công chúng khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra. Chính quyền tiểu bang và địa phương cũng có thể sử dụng Hệ Thống EAS để đưa tin về trường hợp khẩn cấp cho dân trong vùng. Nếu một trường hợp khẩn cấp xảy ra, hãy nghe radio hoặc TV để biết thông tin về cách bảo vệ bản thân và gia đình của quý vị.

LỜI KHUYÊN: Nếu có cuộc tấn công khủng bố, hãy nghe xem các nhà chức trách địa phương bảo quý vị phải làm gì. Phải có TV hoặc radio chạy bằng pin trong nhà đề phòng trường hợp tạm thời bị cúp điện.

Đừng Sợ, Hãy Chuẩn Bị Trước!
DHS đang giúp người Mỹ tìm hiểu về những nguy hiểm có thể xảy ra, để có thể chuẩn bị đối phó khi có cuộc tấn công khủng bố hoặc thiên tai. DHS cung cấp thông tin để giúp quý vị giữ cho gia đình, nhà cửa và cộng đồng của mình an toàn hơn đối với những nguy hiểm như tội phạm, khủng bố, và tất cả những thảm hoạ. Hãy gọi 1-800-BE-READY để xin những tập thông tin hoặc vào trang web của DHS tại địa chỉ http://www.ready.gov.
Quý vị có thể xin sổ hướng dẫn công dân có tựa đề Are You Ready? An In-Depth Guide to Citizen Preparedness (Quý vị sẵn sàng hay chưa? Sổ hướng dẫn chu đáo cho công dân cách sẵn sàng ứng phó), có nhiều lời khuyên cho gia đình, nhà cửa và cộng đồng của quý vị an toàn hơn. Quý vị có thể xin sổ hướng dẫn này từ Cơ Quan Ứng Phó Khẩn Cấp Liên Bang FEMA (Federal Emergency Management Agency) tại địa chỉ http://www.fema.gov/areyouready, hoặc bằng cách gọi số 1-800-480-2520. Quý vị cũng có thể lấy những tài liệu về chủ đề này từ trang web của Hội Đồng Cư Dân (Citizen Corps) tại địa chỉ http://www.citizencorps.gov/ready/cc_pubs.shtm.

QUÝ VỊ CÓ THỂ LÀM GÌ
Các viên chức liên bang và tiểu bang yêu cầu tất cả những người sổng ở nước Mỹ giúp đỡ để chống khủng bố. Hãy để ý tới mọi thứ xung quanh, nhất là khi quý vị đi lại trên xe buýt công cộng, xe lửa và máy bay. Nếu quý vị thấy một vật khả nghi được để lại như cặp tài liệu, ba lô, hoặc túi giấy, hãy tường trình sự việc với nhân viên cảnh sát gần nhất hoặc những người hữu trách khác. Quý vị đừng tự mở hoặc di chuyển vật khả nghi này.
 
R

ruabo

Guest
#14
Ðề: Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

Cảm ơn bài viết quá hữu dụng :1:
 

langvuon

khoai nướng
#15
Ðề: Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

Tìm Hiểu Về Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một nước dân chủ đại diện, và các công dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc điềuhành đất nước. Trong phần này, quý vị sẽ tìm hiểu xem công dân đã giúp định hình lên chính phủ Hoa Kỳ, quá trình thành lập và phát triển đất nước, và cách làm việc của chính phủ Hoa Kỳ.

Nhân Dân Chúng Ta: Vai Trò Của Công Dân Ở Hoa Kỳ

Ở Hoa Kỳ, chính phủ có được sức mạnh lãnh đạo từ nhân dân. Đất nước chúng ta có chính quyền của nhân dân, do nhân dân bầu, và vì nhân dân. Công dân Hoa Kỳ hình thành nên chính phủ và các chính sách, vì thế mọi người cần học hỏi về những vấn đề công cộng quan trọng và tích cực tham gia vào cộng đồng của mình. Công dân bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tự do để chọn những viên chức quan trọng trong chính phủ, thí dụ như Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thượng Nghị Sĩ, và Dân Biểu. Tất cả mọi công dân đều có quyền gọi điện cho đại biểu do họ bầu lên để đóng góp ý kiến, hỏi thông tin, hoặc xin giúp đỡ về những vấn đề cụ thể.
Chính phủ chúng ta được xây dựng trên một số giá trị quan trọng: tự do, cơ hội, bình đẳng, và công lý. Tất cả mọi người Mỹ đều tôn trọng những giá trị này, và chính những giá trị này đem lại đặc trưng chung cho công dân chúng ta.
Chính phủ Mỹ bảo vệ quyền của mỗi công dân. Nước Mỹ bao gồm những người có gia cảnh, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Chính phủ và pháp luật của chúng ta được tổ chức để những công dân có lai lịch khác nhau và tín ngưỡng khác nhau đều có quyền giống nhau. Không ai có thể bị trừng phạt hoặc bị hãm hại vì có quan điểm hoặc tín ngưỡng khác với đa số người khác.

CỦA DÂN, DO DÂN, VÀ VÌ DÂN: DÂN CHỦ LÀ GÌ?
Từ “dân chủ” (democracy) có nghĩa là “chính phủ do nhân dân làm chủ”. Dân chủ có nhiều hình thức khác nhau trong các quốc gia khác nhau. Ở nước Mỹ, chúng ta có nền dân chủ được gọi là “dân chủ đại diện” (representative democracy). Có nghĩa là người dân chọn những đại biểu để đại diện cho quan điểm và mối quan tâm của họ trong chính phủ.

Nước Mỹ Được Hình Thành Như Thế Nào

Những người di cư đầu tiên đến nước Mỹ do họ trốn khỏi đất nước của mình vì sự đối xử bất công và nhất là sự kỳ thị tôn giáo. Họ tìm kiếm tự do và những cơ hội mới. Ngày nay, nhiều người tới nước Mỹ với những lý do tương tự như vậy.
Trước khi trở thành một quốc gia riêng và độc lập, nước Mỹ được tạo thành từ 13 thuộc địa bị cai trị bởi Đế Quốc Anh. Người dân sống trong những thuộc địa không có tiếng nói vào những điều luật được thông qua hoặc cách cai trị. Đặc biệt là họ phản đối “hệ thống thuế không có sự đại diện”. Điều này có nghĩa là nhân dân phải đóng thuế, nhưng họ không có tiếng nói trong cách vận hành của chính phủ.
Đến năm 1776, nhiều người cảm thấy rằng điều này là bất công và họ cần phải tự điều hành lấy. Những người đại diện cho nhân dân từ các thuộc địa đưa ra Bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Tài liệu quan trọng này tuyên bố rằng những thuộc địa đã được tự do và độc lập và không còn ràng buộc vào Đế Quốc Anh nữa.
Thomas Jefferson đã viết Bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Và sau đó ông trở thành vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ.

QUÝ VỊ CÓ THỂ LÀM GÌ
Với tư cách thường trú nhân, quý vị có nhiều quyền lợi và quyền tự do. Ngược lại, quý vị có một số trách nhiệm. Một trong những trách nhiệm quan trọng là tham gia vào sinh hoạt cộng đồng. Quý vị cũng nên tìm hiểu về lối sống của người Mỹ cũng như lịch sử và chính phủ của chúng ta. Quý vị có thể làm được điều này bằng cách tham dự những lớp giáo dục người lớn và đọc báo địa phương.
HIỆP CHỦNG QUỐC HOA KỲ VÀ MƯỜI BA THUỘC ĐỊA ĐẦU TIÊN

Mười ba thuộc địa được thành lập theo thứ tự sau:
Virginia, Massachusetts, Maryland, Connecticut, Rhode Island, Delaware, New Hampshire, North Carolina, South Carolina, New Jersey, New York, Pennsylvania, và Georgia.


Bản Tuyên Ngôn Độc Lập được phê chuẩn ngày 4 tháng Bảy năm 1776.
Đây là lý do mà nhân dân Mỹ lấy ngày 4 tháng Bảy hàng năm là Ngày Độc Lập: ngày quốc khánh của quốc gia.
Nước Mỹ phải đấu tranh với Đế Quốc Anh để giành tự do trong cuộc Chiến Tranh Cách Mạng. Vị tướng George Washington đã lãnh đạo quân đội Cách Mạng Hoa Kỳ. Ông được coi như “Vị Cha Già Dân Tộc”. Sau đó ông trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
Sau khi chiến thắng, mỗi thuộc địa đã trở thành một tiểu bang. Mỗi tiểu bang có chính quyền riêng.
Người dân trong những tiểu bang này muốn tạo một hình thức chính quyền mới để hợp nhất những tiểu bang thành một quốc gia. Ngày nay, chính quyền trung ương này, là chính quyền quốc gia, được gọi là “chính quyền liên bang” (federal government). Hiện nay Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ gồm có 50 tiểu bang, Đặc Khu Columbia (một khu vực đặc biệt là trụ sở của chính quyền liên bang), và các vùng Guam, American Samoa, quần đảo Virgin, và khối thịnh vượng Northern Mariana Islands và Puerto Rico.

“MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG”

Nhiều người Mỹ đã học thuộc lòng một câu từ Tuyên Ngôn Độc Lập:
“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Đấng Tạo Hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.”
Điều này có nghĩa là mọi người sinh ra đều có quyền căn bản giống nhau. Chính quyền không tạo ra những quyền này, và không chính quyền nào có thể tước đoạt những quyền này.

Xây Dựng “Một Liên Bang Hoàn Hảo Hơn”
Một số năm sau cuộc Cách Mạng Mỹ, các tiểu bang đã cố gắng những cách khác nhau để cùng gia nhập vào chính phủ trung ương, nhưng chính phủ này quá non yếu. Vì thế, đại biểu của các tiểu bang đã nhóm họp tại Philadelphia, Pennsylvania vào năm 1787 để thành lập chính phủ trung ương mới và mạnh hơn. Cuộc họp này được gọi là Hội Nghị Lập Hiến. Sau nhiều cuộc tranh luận, những người lãnh đạo tiểu bang đã dự thảo văn bản mô tả về chính phủ mới này. Văn bản này chính là Hiến Pháp Hoa Kỳ, là một trong những văn bản quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Bản Hiến Pháp vạch rõ xem chính phủ mới được tổ chức như thế nào, các viên chức chính phủ được chọn như thế nào, và chính phủ trung ương mới cam kết mang lại những quyền lợi gì cho nhân dân.

“OLD GLORY”—QUỐC KỲ MỸ



Quốc kỳ Mỹ đã thay đổi theo lịch sử của quốc gia chúng ta. Hiện nay trên lá cờ có 13 sọc tượng trưng cho 13 tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ, và có 50 ngôi sao mỗi ngôi sao cho một tiểu bang. Quốc ca Mỹ ngợi ca quốc kỳ và gọi nó là “The Star-Spangled Banner” (Quốc Kỳ Điểm Sao). Lá cờ này cũng được đặt tên là “Stars and Stripes” (Cờ Sao Và Sọc), và một bài hát người Mỹ ưa thích nhất có tên là “Stars and Stripes Forever” (Lá Cờ Sao Và Sọc Muôn Năm).


Các đại biểu tại Hội Nghị Lập Hiến thông qua dự thảo Hiến Pháp vào ngày 17 Tháng Chín, 1787. Tiếp đó tất cả 13 tiểu bang phải thông qua. Một số người cho rằng Hiến Pháp không bảo vệ đầy đủ các quyền cá nhân của con người. Các tiểu bang đã đồng ý phê duyệt Hiến Pháp với điều kiện là phải bổ sung thêm một danh sách liệt kê các quyền cá nhân. Hiến Pháp được các tiểu bang thông qua vào năm 1789.
Danh sách liệt kê các quyền cá nhân, được gọi là Tuyên Ngôn Dân Quyền (Bill of Rights), được thêm vào Hiến Pháp vào năm 1791. Những điều thay đổi cho Hiến Pháp được gọi là “tu chánh án”. Mười tu chánh án đầu tiên của Hiến Pháp được gọi là Tuyên Ngôn Dân Quyền.

Hoa Kỳ là một quốc gia tôn trọng pháp quyền. Các viên chức chính phủ căn cứ vào luật pháp để ra quyết định. Hiến Pháp được gọi là “bộ luật tối cao của đất nước” vì mọi công dân (kể cả các viên chức chính phủ) cũng như mọi điều luật được đưa ra đều phải tuân theo các nguyên tắc nêu trong Hiến Pháp.
Luật pháp được áp dụng bình đẳng đối với mọi người. Quyền lực của chính phủ liên bang có giới hạn.
Những quyền hạn nào không được Hiến Pháp chỉ định trực tiếp là thuộc về chính phủ liên bang thì được giao cho các chính quyền tiểu bang.

“NHÂN DÂN CHÚNG TA”
“We the People” (Nhân Dân Chúng Ta) là ba chữ đầu tiên trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Hiến Pháp bắt đầu bằng câu giải thích lý do và mục đích của Hiến Pháp. Phần này được gọi là “lời mở đầu”. Sau đây là lời mở đầu của Hiến Pháp Hoa Kỳ:
“Chúng ta, nhân dân Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ với mục đích xây dựng một Liên Bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối, giữ vững nền tự do cho chúng ta và cho những thế hệ kế tiếp, quyết định xây dựng Hiến Pháp này cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”

Tuyên Ngôn Dân Quyền: 10 Tu Chánh Án Đầu Tiên
Những sửa đổi đầu tiên của Hiến Pháp nhằm mục đích bảo vệ quyền cá nhân của công dân và giới hạn quyền lực của chính phủ. Tuyên Ngôn Dân Quyền liệt kê những quyền tự do quan trọng được đảm bảo cho nhân dân Mỹ. Trong phần lớn các trường hợp, hạn chế quyền lực của chính phủ đối với cá nhân.
Các quyền này bao gồm:
• Tự do ngôn luận. Chính phủ không có quyền bắt nhân dân phải nói gì và không nói gì. Mỗi người đều có quyền nói bất cứ điều gì họ muốn về những vấn đề công cộng mà không phải sợ bị trừng phạt.
• Tự do tín ngưỡng. Chính phủ không có quyền bắt nhân dân phải đi lễ ở đâu. Nhân dân có quyền chọn tôn giáo – hoặc không theo tôn giáo – tuỳ theo ý nguyện của họ.
• Tự do báo chí. Chính phủ không có quyền quyết định những gì sẽ được đăng lên báo hoặc tin gì sẽ được đưa trên radio hay TV.
• Quyền hội họp, hoặc “tụ tập”, ở nơi công cộng. Chính phủ không có quyền ngăn chặn nhân dân hội họp một cách hợp pháp ở nơi công cộng vì những mục đích khác nhau.
• Quyền sở hữu súng ống. Trong hầu hết trường hợp, chính phủ không có quyền ngăn cản nhân dân sở hữu súng.
• Quyền phản đối các hành động của chính phủ và đòi hỏi chính phủ phải thay đổi. Chính phủ không có quyền bắt dân phải im lặng hoặc trừng phạt những người thách thức các hành động của chính phủ mà họ không đồng ý.

Tuyên Ngôn Dân Quyền cũng bảo đảm “quy trình pháp lý” (Due Process). Đây là một loạt những thủ tục pháp lý cụ thể phải tuân theo khi xét xử một người bị buộc tội hình sự. Cảnh sát và lính không được chặn và khám xét một người trừ khi có lý do chính đáng, và họ không được lục soát nhà ở trừ khi có lệnh của tòa. Những người bị buộc tội được bảo đảm là sẽ được xét xử nhanh chóng trước một bồi thẩm đoàn là những người cũng giống như họ. Họ có quyền có người đại diện theo pháp luật cho họ và quyền kêu nhân chứng ra làm chứng để bênh vực cho họ. Các hình thức trừng phạt tàn nhẫn và dị thường cũng bị cấm.

BỔ SUNG SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Hiến Pháp Hoa Kỳ được gọi là một “văn bản sống” vì nhân dân Mỹ, thông qua các đại biểu cấp tiểu bang và quốc gia để bổ sung hay sửa đổi Hiến Pháp khi cần thiết. Những sửa đổi này được gọi là “tu chánh án”. Quá trình thay đổi Hiến Pháp đòi hỏi nhiều thời gian và phức tạp, vì thế nó chỉ được sửa đổi 27 lần trong suốt chiều dài lịch sử nước ta. Ngoài Tuyên Ngôn Dân Quyền ra, một vài tu chánh án quan trọng khác là bản thứ 13 đã cấm sở hữu nô lệ, và bản thứ 14 bảo đảm mọi công dân được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Tu Chánh Án thứ 19 cho phụ nữ được quyền bầu cử.

Chính Quyền Liên Bang Hoạt Động Như Thế Nào

13 thuộc địa đầu tiên đã sống dưới thời toàn quyền cai trị của nhà vua nước Anh. Khi lập ra chính quyền trung ương mới, người Mỹ muốn ngăn chặn việc tập trung quyền lực vào một quan chức chính phủ hoặc một ngành. Hiến pháp thành lập ba ngành của chính quyền liên bang, làm như vậy để quyền lực được cân bằng. Mỗi ngành có những trách nhiệm riêng biệt. Chúng ta gọi đây là hệ thống “kiểm soát và cân bằng”. Không có một ngành nào của chính quyền có thể nắm quá nhiều quyền lực bởi vì nó được cân bằng với hai ngành còn lại.

CHÍNH PHỦ LIÊN BANG
Ba ngành của chính phủ liên bang là:


Ngành Lập Pháp: Quốc Hội Hoa Kỳ và các cơ quan liên quan.
Ngành Hành Pháp: Tổng Thống, Phó Tổng Thống, và các bộ ngành của chính phủ liên bang.
Ngành Tư Pháp: Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ và các tòa án liên bang trên toàn quốc.

Ngành Lập Pháp: Quốc Hội

Công dân Mỹ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử để chọn người đại diện cho họ vào Quốc Hội Mỹ. Quốc Hội có trách nhiệm soạn thảo pháp luật cho quốc gia chúng ta. Quốc Hội gồm có Hạ Viên và Thượng Viện.

Hạ Viện Hoa Kỳ
Người dân trong mỗi tiểu bang đi bỏ phiếu để chọn các Dân Biểu trong Hạ Viện. Có 435 Dân Biểu trong Hạ Viện, thường được gọi là “the House”. Số Dân Biểu của mỗi tiểu bang tùy thuộc vào dân số trong tiểu bang đó. Những tiểu bang được phân chia thành những khu vực bầu cử. Người dân sống trong mỗi khu vực bầu cử đi bỏ phiếu cho người đại diện cho khu vực của họ vào Hạ Viện. Nhiệm kỳ của một Dân Biểu là hai năm, sau đó người dân có cơ hội bỏ phiếu lại cho Dân Biểu này hoặc cho người khác để đại diện cho họ. Dân Biểu có thể phục vụ vô hạn kỳ trong Quốc Hội.
Ngoài ra còn có thêm năm thành viên nữa trong Hạ Viện. Đây là những đại biểu của Đặc Khu Columbia, khối thịnh vượng chung Puerto Rico, và các vùng lãnh thổ Guam, American Samoa, và quần đảo Virgin. Họ có thể tham gia vào những cuộc tranh luận, nhưng không được tham gia trong các cuộc bầu cử chính thức của toàn thể Hạ Viện.

QUAN CHỨC CHÍNH PHỦ PHỤC VỤ NHÂN DÂN
Ở nước Mỹ, mọi người có thể gọi điện thoại cho Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu
đương nhiệm. Quý vị có thể gọi số 202-224-3121 và yêu cầu đượcchuyển đến văn phòng Thượng Nghị Sĩ hoặc văn phòng Dân Biểu của quý vị. Quý vị có thể gởi thư cho Dân Biểu hoặc Thượng Nghị Sĩ để hỏi hoặc đưa ra ý kiến về những dự luật và chính quyền liên bang, hoặc nếu quý vị cần giúp đỡ về những khoản trợ cấp từ liên bang.

Gởi thư đến Dân Biểu:
The Honorable (Thêm họ tên của Dân Biểu)
U.S. House of Representatives
Washington, DC 20515

Gởi thư đến Thượng Nghị Sĩ:
The Honorable (Thêm họ tên của Thượng Nghị Sĩ)
United States Senate
Washington, DC 20510

Quý vị có thể vào trang web của Quốc Hội để tìm hiểu về những hoạt động hiện thời trong Hạ Viện và Thượng Viện và về những Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ của quý vị, gồm cả những địa chỉ trang web của họ.
• Để biết về Hạ Viện, hãy vào http://www.house.gov/.
• Để biết về Thượng Viện, hãy vào http://www.senate.gov/.

Hạ Viện soạn thảo luật pháp, nhưng ngoài đó cũng có một số trách nhiệm đặc biệt. Chỉ Hạ Viện mới có thể:
• Đề xuất những đạo luật về thuế.
• Quyết định việc một viên chức chính phủ bị tố cáo phạm tội hình chống lại tổ quốc sẽ bị đưa ra xét xử trước Thượng Viện hay không. Ở đây gọi là “buộc tội phản quốc” (impeachment).

QUÝ VỊ CÓ THỂ LÀM GÌ
Tìm hiểu về Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ của mình cũng như những gì họ đang làm để đại diện cho quý vị trong Quốc Hội. Quý vị có thể thực hiện điều này bằng cách tìm những bài báo viết về họ trên báo địa phương và xem trên trang web của Quốc Hội. Mỗi Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu đều có văn phòng tại địa phương trong cộng đồng họ đại diện; quý vị có thể tìm địa chỉ và số điện thoại của những văn phòng này trên các trang màu xanh trong danh bạ điện thoại. Nếu quý vị đi thăm Washington, DC, quý vị có thể tham quan miễn phí Toà Nhà Capitol, nơi Quốc Hội làm việc.
Quý vị có thể tìm hiểu về Tổng Thống bằng cách xem trang web của Tòa Bạch Ốc (White House), nơi tổng thống ở và làm việc, tại địa chỉ http://www.whitehouse.gov/.
Thượng Viện Hoa Kỳ
Có 100 Thượng Nghị Sĩ trong Thượng Viện Hoa Kỳ. Người dân trong mỗi tiểu bang bỏ phiếu chọn hai Thượng Nghị Sĩ đại diện cho họ trong Quốc Hội. Nhiệm kỳ của Thượng Nghị Sĩ là 6 năm, và sau đó người dân được cơ hội bỏ phiếu lại cho Thượng Nghị Sĩ này hoặc cho người khác để đại diện cho họ.
Thượng Nghị Sĩ có thể phục vụ vô hạn kỳ trong Quốc Hội. Thượng Nghị Sĩ soạn thảo pháp luật, nhưng họ cũng có những trách nhiệm đặc biệt.


Chỉ Thượng Viện mới có thể:
• “Đồng ý” hoặc “không đồng ý” đối với bất cứ thỏa thuận nào mà Tổng Thống ký với quốc gia khác hoặc những tổ chức của các quốc gia khác. Ở đây gọi là “hiệp ước”.
• “Đồng ý” hoặc “không đồng ý” đối với bất cứ ai mà Tổng Thống chọn vào những chức vụ cao cấp, ví dụ như thẩm phán Tối Cao Pháp Viện hoặc những quan chức điều hành các bộ ngành liên bang như Bộ Giáo Dục hoặc Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ.
• Xét xử những quan chức chính phủ bị Hạ Viện “kết tội”.

Ngành Hành Pháp: Tổng Thống
Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp và chịu trách nhiệm về việc bảo vệ và thi hành pháp luật quốc gia. Tổng thống còn có nhiều trách nhiệm khác, như là đặt ra chính sách quốc gia, đề xuất những đạo luật tới Quốc Hội, và đề cử những quan chức cao cấp và chánh án Tối Cao Pháp Viện. Tổng thống cũng là người đứng đầu quân đội và có thể được gọi là Tổng Tư Lệnh.
Bốn năm một lần, nhân dân đi bầu Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Tổng Thống chỉ có thể phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ bốn năm. Phó Tổng Thống sẽ trở thành Tổng Thống nếu Tổng Thống đương nhiệm bị thương tật hoặc qua đời.


Ngành Tư Pháp: Tối Cao Pháp Viện
Hiến Pháp đã tạo nên Tối Cao Pháp Viện, là tòa án cao nhất của nước Mỹ. Có chín chánh án trong Tối Cao Pháp Viện. Họ là những “Thẩm Phán” (Justices). Tổng Thống chọn những chánh án trong Tối Cao Pháp Viện, và họ có thể phục vụ suốt đời. Tối Cao Pháp Viện có thể bác bỏ cả luật pháp của tiểu bang và liên bang nếu những đạo luật này mâu thuẫn với Hiến Pháp. Có những tòa án liên bang khác, như Tòa Án Liên Bang Đệ Nhất Cấp và Tòa Phúc Thẩm Mỹ.
Để tìm hiểu thêm về Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, hãy vào trang web http://www.supremecourtus.gov.

Chính Quyền Địa Phương Và Chính Quyền Tiểu Bang
Ngoài chính quyền liên bang, mỗi tiểu bang có hiến pháp riêng và chính quyền riêng. Mỗi chính quyền tiểu bang cũng có ba ngành: lập pháp, hành pháp, và tư pháp.
Người đứng đầu ngành hành pháp tiểu bang được gọi là thống đốc (governor). Người dân trong mỗi tiểu bang bầu ra thổng đốc và người đại diện cho họ vào cơ quan lập pháp tiểu bang. Cơ quan lập pháp tiểu bang soạn thảo luật để áp dụng trong mỗi tiểu bang. Luật pháp tiểu bang không thể trái với Hiến Pháp Hoa Kỳ, và ngành tư pháp của mỗi tiểu bang bảo vệ pháp luật của tiểu bang đó.
Mỗi tiểu bang cũng có những chính quyền địa phương riêng. Có chính quyền thành phố hoặc chính quyền quận hoặc đôi khi cả hai. Những chính quyền này cung cấp và giám sát nhiều dịch vụ trong cộng đồng địa phương, như là trường công lập và thư viện, cảnh sát và cứu hỏa, cũng như các dịch vụ nước, khí đốt và điện. Thông thường, nhân dân trong cộng đồng địa phương bầu lên các viên chức chính quyền địa phương, một số viên chức khác thì được bổ nhiệm. Chính quyền địa phương có nhiều loại hình khác nhau. Một số chính quyền địa phương có người đứng đầu là thị trưởng; một số chính quyền địa phương khác có hội đồng thành phố hoặc hội đồng quận. Cộng đồng địa phương cũng có hội đồng giáo dục, là những công dân đã đắc cử hoặc được bổ nhiệm để giám sát những trường công lập.

QUÝ VỊ CÓ THỂ LÀM GÌ
Nhiều cuộc họp của chính quyền địa phương có công chúng tham dự. Nhiều cuộc họp được tổ chức vào ban đêm để bất cứ ai cũng có thể tham dự. Ví dụ, quý vị có thể tới buổi họp của hội đồng thành phố hoặc của hội đồng giáo dục để tìm hiểu về những gì đang diễn ra trong cộng đồng của mình. Những buổi họp này cũng như thời gian và địa điểm họp thường được đăng trên báo địa phương. Có thể cuộc họp cũng được đăng trên trang web của chính quyền địa phương. Một số cuộc họp của chính quyền địa phương cũng được phát sóng trên TV ở kênh truyền hình cáp địa phương.
 

langvuon

khoai nướng
#16
Ðề: Hướng Dẫn Cho Người Mới Nhập Cư

Nhập Quốc Tịch Hoa Kỳ

Trở thành công dân Hoa Kỳ đem lại cho các thường trú nhân các quyền và đặc ân mới. Quyền công dân cũng mang theo những trách nhiệm mới. Phần này vạch ra một số lý do vì sao quý vị nên cân nhắc việc nhập quốc tịch Hoa Kỳ và hướng dẫn thủ tục cần làm để trở thành một công dân.



Nếu muốn nhập tịch Hoa Kỳ, quý vị phải tự nguyện thề trung thành với nước Mỹ. Quý vị phải từ bỏ những bổn phận đối với bất kỳ nước nào khác. Quý vị phải đồng ý ủng hộ và bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ. Khi quý vị trở thành một công dân Hoa Kỳ, quý vị đồng ý thực hiện tất cả những trách nhiệm của công dân Mỹ. Ngược lại, quý vị được hưởng những quyền và đặc ân nhất định dành riêng cho công dân.

Vì Sao Nên Nhập Quốc Tịch Hoa Kỳ?
Thường trú nhân hưởng phần lớn những quyền của công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có nhiều lý do quan trọng để quý vị cân nhắc việc nhập tịch Hoa Kỳ
Sau đây là những lý do cơ bản nhất:
Tỏ lòng yêu nước. Nhập quốc tịch là một cách chứng tỏ lòng trung thành với đất nước mới của mình.
Bỏ phiếu. Chỉ công dân mới được phép bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang. Hầu hết các tiểu bang cũng hạn chế quyền bầu cử, hầu hết các cuộc bầu cử, chỉ dành cho công dân Hoa Kỳ.

Làm bồi thẩm viên. Chỉ công dân Hoa Kỳ mới được phép làm bồi thẩm viên liên bang. Hầu hết các tiểu bang cũng hạn chế quyền làm bồi thẩm viên, chỉ dành cho công dân Hoa Kỳ. Nghĩa vụ làm bồi thẩm viên là một trách nhiệm quan trọng cho tất cả các công dân Hoa Kỳ.
Có hộ chiếu Hoa Kỳ khi đi du lịch. Hộ chiếu Hoa Kỳ cho phép quý vị yêu cầu yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ trợ giúp mình nếu cần thiết khi đang ở nước ngoài.
Đem người thân trong gia đình sang Hoa Kỳ. Thường thì chính phủ Hoa Kỳ sẽ ưu tiên hơn cho những công dân Mỹ nộp đơn xin phép cho người thân trong gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ.
Nhập tịch Hoa Kỳ cho con cái sanh ở ngước ngoài. Trong phần lớn các trường hợp, những đứa con được sanh ở nước ngoài của công dân Hoa Kỳ được tự động hưởng tư cách công dân Hoa Kỳ.
Hội đủ điều kiện làm việc cho chính phủ liên bang. Một số việc làm trong các cơ quan chính phủ đòi hỏi phải có quốc tịch Hoa Kỳ.
Tranh cử các chức vụ dân cử. Chỉ công dân Hoa Kỳ mới được tranh cử chức vụ liên bang (Thượng Viện hoặc Hạ Viện Hoa Kỳ) và hầu hết các chức vụ trong chính quyền tiểu bang và địa phương.
Quyền thường trú vĩnh viễn. Quyền thường trú của công dân Hoa Kỳ không thể bị tước đoạt.
Hội đủ điều kiện hưởng tiền trợ cấp và học bổng của chính phủ liên bang. Nhiều khoản tiền trợ cấp sinh viên, bao gồm các khoản học bổng và tiền tài trợ của chính phủ cho những mục đích đặc biệt, chỉ dành riêng cho công dân Hoa Kỳ.
Hội đủ điều kiện xin trợ cấp chính phủ. Một số khoản trợ cấp của chính phủ được dành riêng cho công dân Hoa Kỳ.

Nhập Tịch: Trở Thành Một Công Dân

Thủ tục trở thành công dân Hoa Kỳ được gọi là “nhập tịch” (naturalization). Quý vị có thể xin nhập tịch khi đã hội đủ những điều kiện sau đây:
Là thường trú nhân ở Hoa Kỳ ít nhất năm năm (hoặc ba năm nếu kết hôn và chung sống với một công dân Hoa Kỳ).
Có mặt tại Hoa Kỳ ít nhất 30 tháng trong năm năm vừa qua (hoặc 18 tháng trong ba năm vừa qua nếu kết hôn và chung sống với một công dân Hoa Kỳ).
Sống ở một tiểu bang hay đặc khu của USCIS ít nhất ba tháng trước khi nộp đơn xin nhập tịch.
Một số điều kiện khác có thể được áp dụng cho quý vị nếu:
• Bản thân quý vị, hoặc quý vị có cha mẹ, người hôn phối hay con cái đã qua đời và đã từng phục vụ cho Quân Lực Hoa Kỳ.
• Quý vị là thường trú nhân ở một số lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ nhưng chưa nhập tịch.
• Quý vị đã được chấp thuận tình trạng thường trú nhân chiếu theo điều luật ân xá năm 1986.
• Quý vị là tị nạn dạng asylee hay dạng refugee.
• Người hôn phối của quý vị là công dân Hoa Kỳ và thường xuyên phục vụ quân đội ở nước ngoài.
• Quý vị đã bị tước tình trạng công dân Hoa Kỳ chiếu theo điều luật trước đây vì đã kết hôn với người không phải là công dân Hoa Kỳ.
• Quý vị là công nhân viên của một số công ty hay tổ chức phi lợi nhuận đặc biệt nào đó.

Hãy tham khảo tập Tập Hướng Dẫn Thủ Tục Nhập Tịch (A Guide to Naturalization) để biết thêm chi tiết. Quý vị cũng có thể hỏi ý kiến của luật sư chuyên về di trú hoặc một chuyên gia về vấn đề di trú.

ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN VỀ VIỆC NHẬP TỊCH
Những người từ 18 tuổi trở lên muốn nhập quốc tịch phải xin mẫu đơn M-476,
Tập Hướng Dẫn Thủ Tục Nhập Tịch (A Guide to Naturalization). Tập này có
nhiều thông tin quan trọng về các điều kiện cần có để nhập tịch. Nó cũng có hướng dẫn các mẫu đơn quý vị cần điền khi bắt đầu làm thủ tục nhập tịch.
Để tìm hiểu xem quý vị hội đủ điều kiện nhập tịch hay không, hãy tham khảo mẫu M-480, là Bảng Hỏi Về Tính Hợp Lệ Nhập Tịch (Naturalization Eligibility Worksheet) ở phần cuối của Tập Hướng Dẫn Thủ Tục Nhập Tịch (A Guide to Naturalization). Để xin nhập tịch, phải điền mẫu đơn N-400. Quý vị phải đóng lệ phí khi nộp mẫu đơn N-400.
Để xin các mẫu đơn M-476, M-480, và N-400, hãy gọi Đường Dây Xin Đơn của USCIS (USCIS Forms Line) tại số 1-800-870-3676 hoặc lấy từ trang Web http://www.uscis.gov.

Các Điều Kiện Cần Có Để Nhập Tịch
Nhìn chung, các điều kiện phải hội đủ để nhập tịch là:
1. Cư trú ở Hoa Kỳ với tư cách là thường trú nhân trong một khoảng thời gian nhất định (Cư Trú Liên Tục).
2. Có mặt tại Hoa Kỳ trong những khoảng thời gian nhất định (Sự Hiện Diện Thực Tế).
3. Có mặt ở tiểu bang hay đặc khu của USCIS trong những khoảng thời gian nhất định (Thời gian ở Đặc Khu của USCIS hay Tiểu Bang của Hoa Kỳ).
4. Có hành vi hợp pháp và đứng đắn (Nhân Cách Đạo Đức Tốt).
5. Biết tiếng Anh cũng như các sự kiện về lịch sử và chính quyền Hoa Kỳ (Tiếng Anh và Bổn Phận Công Dân).
6. Hiểu biết và chấp nhận các nguyên tắc của Hiến Pháp Hoa Kỳ (Trung Thành Với Hiến Pháp).

DUY TRÌ TÌNH TRẠNG CƯ TRÚ LIÊN TỤC VỚI TƯ CÁCH THƯỜNG TRÚ NHÂN
Nếu quý vị rời khỏi Hoa Kỳ:

- Quá sáu tháng
Tình trạng cư trú liên tục: Có thể bị hủy bỏ
Để duy trì tình trạng cư trú liên tục quý vị phải:
Chứng minh rằng quý vị đã tiếp tục sống, làm việc, và/hoặc có những ràng buộc tại Hoa Kỳ (thí dụ, quý vị đã trả thuế) trong khi ở nước ngoài.

- Quá một năm
Tình trạng cư trú liên tục: Bị hủy bỏ
Để duy trì tình trạng cư trú liên tục quý vị phải:
Trong phần lớn các trường hợp, quý vị phải bắt đầu tính thời gian cư trú liên tục lại từ đầu. Nếu quý vị dự định trở lại Hoa Kỳ với tư cách thường trú nhân, phải nhớ nộp đơn xin giấy phép tái nhập cảnh (re-entry permit) trước khi trở về.

1. Cư Trú Liên Tục

“Cư trú liên tục” (Continuous residence) có nghĩa là quý vị phải sống ở Hoa Kỳ với tư cách là thường trú nhân trong một khoảng thời gian theo quy định. Hầu hết mọi người phải là thường trú nhân và cư trú liên tục trong năm năm (hoặc ba năm, nếu kết hôn với một công dân Hoa Kỳ) thì mới được nộp đơn xin nhập tịch. Đối với những người tị nạn, điều này có nghĩa là khoảng thời gian năm năm kể từ ngày quý vị đặt chân đến Hoa Kỳ, thông thường đó là ngày quý vị đã được chấp thuận diện thường trú nhân. Đối với người tị nạn chính trị ở tại Hoa Kỳ, khoảng thời gian cư trú liên tục được tính bắt đầu từ một năm trước khi quý vị được chấp thuận diện thường trú nhân. Ngày ghi trên thẻ Thường Trú Nhân của quý vị là ngày bắt đầu thời hạn năm năm. Nếu rời khỏi Hoa Kỳ trong một thời gian dài, thường là sáu tháng trở lên, quý vị sẽ làm “gián đoạn” tình trạng cư trú liên tục của mình.

DUY TRÌ TÌNH TRẠNG CƯ TRÚ LIÊN TỤC ĐỂ HỘI ĐỦ ĐIỀU KIỆN NHẬP TỊCH:
NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN TRỪ NẾU RỜI KHỎI MỸ MỘT NĂM
Nếu quý vị làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ, một viện nghiên cứu được thừa nhận của Hoa Kỳ, hay một số công ty nào đó của Hoa Kỳ, hoặc nếu là nhà lãnh đạo tinh thần ở nước ngoài, có thể quý vị vẫn duy trì được tình trạng cư trú liên tục nếu:
1. Đã có mặt thực sự và cư trú liên tục ở Hoa Kỳ (không xuất cảnh) trong ít nhất một năm sau khi được chấp thuận tình trạng thường trú nhân.
2. Đã nộp mẫu đơn N-470, Đơn Xin Duy Trì Tình Trạng Cư Trú Liên Tục Để Hội Đủ Điều Kiện Nhập Tịch (Application to Preserve Residence for Naturalization Purposes) trước khi quý vị xuất cảnh khỏi Hoa Kỳ hơn một năm. Phải nộp lệ phí cùng với mẫu đơn N-470.
Để biết thêm chi tiết, gọi Đường Dây Xin Đơn của USCIS (USCIS Forms Line) số 1-800-870-3676 và xin mẫu đơn N-470, Đơn Xin Duy Trì Tình Trạng Cư Trú Liên Tục Để Hội Đủ Điều Kiện Nhập Tịch (Application to Preserve Residence for Naturalization Purposes).
Quý vị cũng có thể lấy đơn xuống từ trang web của USCIS tại http://www.uscis.gov.
Nếu rời khỏi Hoa Kỳ từ một năm trở lên, quý vị có thể nhập cảnh trở lại miễn là có giấy phép tái nhập cảnh (re-entry permit). Quý vị nên nộp đơn để xin giấy phép tái nhập cảnh trước khi rời Hoa Kỳ. để biết thông tin về cách xin giấy phép tái nhập cảnh. Trong hầu hết trường hợp, thời gian quý vị sống ở Hoa Kỳ trước khi xuất cảnh sẽ không được tính vào thời gian cư trú liên tục của quý vị. Điều này có nghĩa là sau khi quý vị trở về Hoa Kỳ, thời gian cư trú liên tục được tính lại từ đầu, và do đó có thể phải chờ bốn năm một ngày thì mới hội đủ điều kiện nộp đơn xin nhập tịch.

LỜI KHUYÊN: Giấy phép tái nhập cảnh (re-entry permit, hay mẫu đơn I-131) và Đơn Xin Duy Trì Tình Trạng Cư Trú Liên Tục Để Hội Đủ Điều Kiện Nhập Tịch (Application to Preserve Residence for Naturalization Purposes, hay mẫu đơn N-470) là hai mẫu đơn khác nhau. Quý vị có thể xuất trình giấy phép tái nhập cảnh thay cho thẻ Thường Trú Nhân (nếu đã đi dưới 12 tháng) hoặc thay cho thị thực/chiếu khán (visa) (nếu đã đi trên 12 tháng) khi trở về sau chuyến tạm thời rời khỏi Hoa Kỳ.
CÁC TRƯỜNG HỢP MIỄN TRỪ CHO QUÂN NHÂN
Có thể sẽ không áp dụng các điều kiện về thời gian cư trú liên tục và thời gian hiện diện thực tế nếu quý vị đang tại ngũ hoặc vừa được giải ngũ ra khỏi Quân Lực Hoa Kỳ. Quý vị có thể tìm hiểu thêm trong tập Thông Tin Về Thủ Tục Nhập Tịch Dành Cho Quân Nhân M-599 (Naturalization Information for Military Personnel), số M-599. Thường thì mỗi căn cứ quân sự phải có một người phụ trách việc xử lý đơn xin nhập tịch của quý vị và chứng thực mẫu đơn N-426, Đơn Xin Giấy Chứng Nhận Phục Vụ Quân Đội hay Thuỷ Quân (Request for Certification of Military or Naval Service). Quý vị phải nộp mẫu đơn N-426 cùng với đơn xin nhập tịch. Để xin các mẫu đơn cần thiết, gọi Đường Dây Trợ Giúp Miễn Phí Quân Đội của USCIS số 1-877-CIS-4MIL (1-877-247-4645). Quý vị cũng có thể tìm thêm thông tin tại http://www.uscis.gov/military hoặc gọi cho Phục Vụ Khách Hàng số 1-800-375-5283.

2. Sự Hiện Diện Thực Tế Tại Hoa Kỳ
“Sự hiện diện thực tế” (physical presence) có nghĩa là quý vị đã thực sự có mặt ở Hoa Kỳ. Nếu là thường trú nhân từ 18 tuổi trở lên, quý vị phải hiện diện thực tế ít nhất 30 tháng trong năm năm vừa qua (hoặc 18 tháng trong ba năm vừa qua nếu quý vị kết hôn với một công dân Hoa Kỳ) trước khi nộp đơn xin nhập tịch.

“SỰ HIỆN DIỆN THỰC TẾ”
Hỏi: Thời gian “hiện diện thực tế” và thời gian “cư trú liên tục” khác nhau như thế nào?
Trả lời: Thời gian “hiện diện thực tế” là tổng số ngày quý vị có mặt ở Hoa Kỳ, không tính đến những ngày quý vị ở nước ngoài. Mỗi ngày quý vị ở nước ngoài là một ngày bị trừ vào tổng số thời gian “hiện diện thực tế” của quý vị. Nếu quý vị rời khỏi Hoa Kỳ một thời gian dài, hoặc có nhiều chuyến du lịch ngắn ở nước ngoài, có thể quý vị sẽ không đáp ứng yêu cầu về thời gian “hiện diện thực tế”. Để tính thời gian “hiện diện thực tế” của mình, hãy tính tổng thời gian quý vị đã sống ở Hoa Kỳ, sau đó trừ đi tất cả những ngày quý vị đã đi nước ngoài. Ở đây cũng tính luôn cả các chuyến đi du lịch ngắn ở Canada hay Mễ Tây Cơ. Thí dụ, nếu quý vị đi chơi ở Mễ Tây Cơ trong cuối tuần, quý vị vẫn phải tính số ngày này vào tổng số ngày quý vị đã ở nước ngoài.
Thời gian “cư trú liên tục” là tổng thời gian quý vị đã cư trú ở Hoa Kỳ với tư cách là thường trú nhân trước khi nộp đơn xin nhập tịch. Nếu quý vị có một chuyến đi nước ngoài quá dài, quý vị có thể làm “gián đoạn” thời gian cư trú liên tục của mình.

3. Thời Gian Thường Trú ở Một Tiểu Bang hay Đặc Khu của USCIS
Hầu hết những người nộp đơn nhập tịch phải sống ở tiểu bang hay đặc khu của USCIS nơi họ nộp đơn ít nhất ba tháng. Các sinh viên có thể nộp đơn nhập tịch ở nơi đi học hoặc nơi gia đình của mình sống (nếu còn phụ thuộc vào hỗ trợ của phụ huynh).

4. Có Tư Cách Đạo Đức Tốt
Để hội đủ điều kiện nhập quốc tịch, quý vị phải là một người có đạo đức tốt. Quý vị không được coi là “ đạo đức tốt” nếu phạm pháp trong khoảng thời gian năm năm trước khi nộp đơn xin nhập tịch, hoặc khai láo trong cuộc phỏng vấn nhập tịch.

NHỮNG HÀNH VI CÓ THỂ CHO THẤY THIẾU TƯ CÁCH ĐẠO ĐỨC
• Lái xe trong khi say rượu hay thường xuyên bị say xỉn.
• Đánh bạc bất hợp pháp.
• Mãi dâm.
• Khai láo để xin quyền lợi nhập cư.
• Không trả tiền cấp dưỡng con cái khi có lệnh của tòa.
• Tham gia các hành động khủng bố.
• Ngược đãi người khác vì lý do chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia, quan điểm chính trị, hay quan hệ xã hội.


Nếu phạm một số tội nhất định, quý vị có thể sẽ không bao giờ được trở thành công dân Hoa Kỳ và rất có thể bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Những tội này được gọi là “ngăn trở ” (bars) nhập quốc tịch. Các tội gọi là “đại hình gia trọng” (nếu phạm tội vào hoặc sau ngày 29 tháng Mười Một, 1990), bao gồm: cố sát, hiếp dâm, xâm phạm tình dục trẻ em, hành hung bằng bạo lực, phản quốc, và buôn bán bất hợp pháp ma túy, vũ khí, hoặc buôn người là một số thí dụ về những tội có thể bị ngăn cấm vĩnh viễn không được nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Trong hầu hết trường hợp, những người được miễn quân dịch hoặc bị giải ngũ khỏi Quân Lực Hoa Kỳ vì là người nhập cư, và là người nhập cư đã đào ngũ khỏi Quân Lực Hoa Kỳ cũng bị ngăn cấm nhập quốc tịch Hoa Kỳ vĩnh viễn.
Quý vị cũng có thể bị từ chối nhập tịch nếu có hành vi khác cho thấy rằng quý vị không có tư cách đạo đức tốt.

Có một số tội trạng khác cũng ngăn cấm quý vị tạm thời không được nhập quốc tịch. Ngăn cấm tạm thời thường không cho phép quý vị trở thành công dân Mỹ trong khoảng thời gian có thể đến năm năm sau khi phạm tội.
Các tội này bao gồm:
• Bất cứ tội nào cố tình gây hại cho người khác.
• Bất cứ tội nào liên quan đến việc gian lận tài sản hay gian lận đối với chính phủ.
• Hai tội hoặc nhiều hơn mà tổng thời gian thụ án là năm năm trở lên.
• Vi phạm luật về chất quốc cấm (thí dụ dùng hay buôn ma túy bất hợp pháp).
• Ở tù hoặc bị giam 180 ngày trở lên trong năm năm vừa qua.

Khi quý vị nộp đơn xin nhập tịch, hãy nhớ báo cáo về các tiền án của quý vị, nếu có. “Tiền án” bao gồm cả các tội đã được xóa khỏi hồ sơ hoặc những lần phạm tội trước khi quý vị đủ 18 tuổi. Nếu quý vị không khai báo những tội này cho USCIS biết, quý vị có thể bị từ chối nhập tịch và có thể bị ghép tội.

5. Tiếng Anh và Bổn Phận Công Dân
Nhìn chung, quý vị phải chứng tỏ mình biết đọc, viết, và nói tiếng Anh ở mức căn bản. Quý vị cũng phải có kiến thức căn bản về lịch sử và chính phủ Hoa Kỳ (được gọi là “bổn phận công dân” (civics)).
Quý vị phải đậu cuộc kiểm tra tiếng Anh và cuộc kiểm tra kiến thức về bổn phận công dân để chứng tỏ là quý vị hội đủ điều kiện này.

Nhiều trường học và tổ chức cộng đồng giúp người nhập cư chuẩn bị cho cuộc kiểm tra kiến thức để nhập tịch. Quý vị có thể tìm những câu hỏi ví dụ cho các cuộc kiểm tra trong Tập Hướng Dẫn Thủ Tục Nhập Tịch (A Guide to Naturalization). Văn Phòng Công Dân của USCIS (USCIS Office of Citizenship) cũng biên soạn nhiều giáo trình, ví dụ như Thẻ Hỏi Đáp về Bổn Phận Công Dân (Civics Flash Cards) và Tìm Hiểu về Hoa Kỳ: Bài Học Nhanh về Bổn Phận Công Dân (Learn About the United States: Quick Civics Lessons) để học tập. Quý vị có thể lấy các tài liệu này miễn phí tại địa chỉ http://www.uscis.gov.

6. Gắn Bó Với Hiến Pháp
Quý vị phải sẵn sàng ủng hộ và bảo vệ nước Mỹ cũng như Hiến Pháp Hoa Kỳ. Quý vị sẽ tuyên bố sự “gắn bó” hay trung thành với nước Mỹ và Hiến Pháp Hoa Kỳ bằng cách đọc Lời Tuyên Thệ Trung Thành (Oath of Allegiance). Sau khi đọc Lời Tuyên Thệ Trung Thành, quý vị chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ.

Những người chứng minh được là họ bị khuyết tật về thể xác hay tâm thần khiến cho họ không đủ khả năng hiểu được ý nghĩa của lời tuyên thệ thì sẽ được miễn đọc Lời Tuyên Thệ Trung Thành.
Nếu quý vị chuyển chỗ ở trong thời gian chờ đơn xin nhập tịch được xử lý, quý vị phải thông báo cho USCIS biết địa chỉ mới. Quý vị có thể gọi 1-800-375-5283 để thông báo địa chỉ mới. Quý vị cũng phải nộp đơn AR-11 cho DHS. Quý vị có thể đổi địa chỉ trên mạng qua mẫu AR-11 tại http://www.uscis.gov.

Nếu quý vị:

- 50 tuổi hay hơn
Và thường trú tại Hoa Kỳ trong 20 năm
Quý vị được miễn thi Tiếng Anh
Quý vị phải thi kiến thức về bổn phận công dân bằng ngôn ngữ của quý vị


- 55 tuổi hay hơn
Và thường trú tại Hoa Kỳ trong 15 năm
Quý vị được miễn thi Tiếng Anh
Quý vị phải thi kiến thức về bổn phận công dân bằng ngôn ngữ của quý vị

- 65 tuổi hay hơn
Và thường trú tại Hoa Kỳ trong 20 năm
Quý vị được miễn thi Tiếng Anh
Quý vị phải thi kiến thức về bổn phận công dân được đơn giản hóa bằng ngôn ngữ của quý vị

Nếu được miễn thi tiếng Anh, quý vị phải nhờ một người đi cùng để giúp thông dịch cho phần kiểm tra kiến thức về bổn phận công dân. Trong vài trường hợp, nếu quý vị bị khuyết tật và không thể đi đến nơi phỏng vấn, thì có thể được sắp xếp một cuộc phỏng vấn đặc biệt. Để biết thêm thông tin, gọi Đường Dây Xin Đơn của USCIS số 1-800-870-3676 và yêu cầu họ gởi mẫu đơn N-648, hoặc quý vị có thể lấy một bản xuống từ trang web của USCIS tại http://www.uscis.gov.

Những người chứng minh được là họ bị khuyết tật về thể xác hay tâm thần khiến cho họ không đủ khả năng hiểu được ý nghĩa của lời tuyên thệ thì sẽ được miễn đọc Lời Tuyên Thệ Trung Thành.
Nếu quý vị chuyển chỗ ở trong thời gian chờ đơn xin nhập tịch được xử lý, quý vị phải thông báo cho USCIS biết địa chỉ mới. Quý vị có thể gọi 1-800-375-5283 để thông báo địa chỉ mới. Quý vị cũng phải nộp đơn AR-11 cho DHS. Quý vị có thể đổi địa chỉ trên mạng qua mẫu AR-11 tại http://www.uscis.gov.

Lễ Nhập Tịch

Nếu USCIS chấp thuận đơn xin nhập tịch của quý vị, quý vị phải tham dự lễ nhập tịch và đọc Lời Tuyên Thệ Trung Thành với Hoa Kỳ. USCIS sẽ gởi cho quý vị mẫu N-445, Giấy Thông Báo Lễ Nhập Tịch và Tuyên Thệ (Notice of Naturalization Oath Ceremony), để cho quý vị biết thời gian và địa điểm của buổi lễ. Quý vị phải điền vào mẫu đơn này và đem đến buổi lễ.
Nếu không thể dự lễ được vào ngày hẹn, quý vị có thể xin hẹn vào ngày khác. Để xin hẹn khác, quý vị phải gởi mẫu N-445 trở lại văn phòng USCIS của địa phương cùng với thư giải thích lý do tại sao quý vị không thể dự lễ được.
Khi đến dự buổi lễ Tuyên Thệ, quý vị sẽ nộp lại Thẻ Thường Trú Nhân cho nhân viên ở đó. Quý vị không cần thẻ này nữa, vì sau khi tuyên thệ quý vị sẽ được cấp Giấy Chứng Nhận Nhập Tịch (Certificate of Naturalization).
Sau khi đọc Lời Tuyên Thệ Trung Thành quý vị mới được là công dân Hoa Kỳ. Một viên chức sẽ từ từ
đọc từng phần Lời Tuyên Thệ và yêu cầu quý vị nhắc lại. Sau khi đọc Lời Tuyên Thệ xong, quý vị sẽ
được cấp Giấy Chứng Nhận Nhập Tịch. Giấy chứng nhận này chứng minh quý vị là công dân Hoa Kỳ.
Sau khi đọc Lời Tuyên Thệ Trung Thành tại một buổi lễ nhập tịch chính thức thì quý vị mới được là công dân Hoa Kỳ.
Lễ Tuyên Thệ Trung Thành là một buổi lễ công cộng. Nhiều cộng đồng tổ chức những buổi lễ đặc biệt vào Ngày Lễ Độc Lập, là ngày 4 Tháng Bảy hằng năm. Hãy hỏi xem cộng đồng của quý vị có tổ chức buổi lễ nhập tịch đặc biệt vào ngày 4 Tháng Bảy hay không, và làm thế nào để quý vị có thể tham dự.
Nhiều người mời cả gia đình đến dự lễ rồi đi ăn mừng sau khi tuyên thệ xong.

NHỮNG NGÀY LỄ LIÊN BANG
Chính phủ liên bang đã quy định những ngày lễ chính thức dưới đây. Hầu hết các văn phòng chính phủ đều đóng cửa vào những ngày lễ này. Nếu ngày lễ trùng với ngày thứ Bảy trong tuần, ngày lễ sẽ được chuyển sang ngày thứ Sáu trước đó, và nếu trùng với ngày Chủ Nhật thì được chuyển sang ngày thứ Hai sau đó. Nhiều chủ sử dụng nhân công cũng cho nhân viên của mình nghỉ vào những ngày lễ này.

Tết Tây Ngày 1 Tháng Giêng
Ngày Sinh của Martin Luther King, Jr Ngày Thứ Hai trong tuần lễ thứ 3 của Tháng Giêng
Ngày Tưởng Niệm Các Vị Tổng Thống Ngày Thứ Hai trong tuần lễ thứ 3 của Tháng Hai
Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong Ngày Thứ Hai cuối cùng trong Tháng Năm
Ngày Lễ Độc Lập Ngày 4 Tháng Bảy
Ngày Lễ Lao Động Ngày Thứ Hai đầu tiên trong Tháng Chín
Ngày Tưởng Niệm Columbus Ngày Thứ Hai trong tuần lễ thứ 2 của Tháng Mười
Ngày Cựu Chiến Binh Ngày 11 Tháng Mười Một
Ngày Lễ Tạ Ơn Ngày Thứ Năm trong tuần lễ thứ 4 của Tháng Mười Một
Lễ Giáng Sinh Ngày 25 Tháng Mười Hai

Lời Kết
Chúng tôi hy vọng là sổ hướng dẫn này giúp ích quý vị. Sổ được biên soạn để giúp quý vị khởi đầu cuộc sống ở Hoa Kỳ, cũng như giúp quý vị hiểu rõ quyền hạn và trách nhiệm của mình với tư cách là thường trú nhân. Sổ hướng dẫn cũng cho quý vị biết cách tham gia vào cộng đồng.
Nó cũng cho quý vị biết một số vấn đề phải tìm hiểu thêm nếu muốn trở thành một công dân nhập quốc tịch. Nếu quý vị vào trang web của USCIS, sẽ thấy nhiều tài liệu khác để hiểu biết thêm (http://www.uscis.gov).
Hiện nay quý vị đã ở Hoa Kỳ, và có cơ hội nhìn thấy mọi khía cạnh cuộc sống ở đây. Chúng tôi xin chào đón quý vị là thường trú nhân và chúc quý vị thành công tại quốc gia này.

U.S. Citizenship and Immigration Services • www.uscis.gov