Ðề: Thưởng thức âm nhạc
Trong lần trước đây tôi có giới thiệu ca khúc Bohemian Rhapsody của The Queen do Elton John và Axl Rose (ban nhạc Gun & Roes) trình bày lại tại show ca nhạc AWARENESS OF AIDS tưởng niệm 1 năm ngày mất của Freddie Mercury tại sân vận động Wembley năm 1992. Hôm nay chúng ta quay lại tìm hiểu thêm về ca khúc này và nghe chính giọng hát của người nghệ sĩ tài hoa vắn số này nhé.
Xa hoa, lộng lẫy, phù phiếm, khoa trương,điên rồ và thiên tài là những từ ngữ mà nhiều nhà phê bình âm nhạc cũng như các fan hâm mộ thường hay sử dụng mỗi khi nhắc đến nhóm Queen. Thật vậy, trong lịch sử nhạc rock, chưa có ban nhạc nào hội đủ tất cả những đặc điểm nói trên như Queen. Với Queen, nhạc rock được nâng cấp lên thành một môn nghệ thuật kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc, văn học, kĩ thuật thu âm và phong cách trình diễn. Hầu như trong tất cả các album và ca khúc của Queen luôn ẩn chứa một sự khoa trương và một niềm kiêu hãnh rất "hoàng gia" đúng như cái tên của nhóm. Sự khoa trương của Queen là sự khoa trương thiên tài chứ không phải khoe mẽ một cách thô thiển kệch cỡm. Đỉnh cao của sự khoa trương này được thể hiện hoàn hảo nhất của album "A Night at the Opera" và ca khúc hoành tráng "Bohemian Rhapsody".
Năm 1975, Queen được nhiều người hâm mộ như một Led Zeppelin của nhạc glam rock. Tuy nhiên khác với các nhóm glam rock chỉ chú trọng vẻ bên ngoài,hầu như mỗi ca khúc của Queen đều là một tác phẩm nghệ thuật thật sự được chăm chút từng li từng tí từ việc phối bè, điệu trống, tiếng guitar và tất cả những thứ tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất. Nhưng không bao giờ thoả mãn với những gì mình đạt được các thành viên của Queen luôn khao khát vượt qua chính mình và thử thách tất cả những khó khăn trước mắt. " A Night at the Opera" là một album đầy tính thách thức như thế. Đây là một album được xem như là phung phí nhất mọi thời đại. Một trong những lí do chính của sự phung phí này, ngoài việc thu âm phức tạp, nhóm nhất quyết không sử dụng dàn synthesizer hay Meloltron để nhái tiếng các loại nhạc cụ khác,cách mà các ban nhạc cùng thời hay sử dụng để giảm những chi phí không cần thiết. Một giai thoại rất nổi tiếng khi thu âm album này là nhóm đã bỏ ra 8000 bảng Anh và hơn hai tuần lễ để di dời một cây đàn harp cổ từ một tu viện về phòng thu tìm cách bố trí micro thu âm tiếng của cây đàn này chỉ vỏn vẹn có...2 giây. Nhưng sự phung phí đạt đến mức cực điểm khi Queen thu "Bohemian Rhapsody", ca khúc mà Freddie Mercury tuyên bố sẽ làm thay đổi tất cả những quan niệm cũ về thu âm.
Freddie Mercury sáng tác Bohemian Rhapsody dựa trên một bài hát của ban nhạc Ibex, nhóm mà Freddie tham gia trước khi gia nhập Queen trong thập niên 60. Bohemian Rhapsody được chia làm bốn phần rõ rệt, phần đầu là phần A Cappella được nối tiếp bằng một đoạn ballad chơi trên nền piano ở âm giai Bb. Ở gần cuối đoạn ballad, tiếng guitar điện của Brian May được đưa vào rồi đột ngột cắt ngang để chuyển sang phần opera đầy kịch tính chơi ở âm giai A. Bài hát kết thúc bằng phần nhạc rock trên nền guitar điện rồi quay trở lại phần ballad như lúc ban đầu. Để thu âm ca khúc này, ban nhạc đã mất gần 90 tiếng đồng hồ thu chồng tiếng để tạo hiệu ứng như một dàn hợp xướng 84 người ở đoạn opera. Lúc bấy giờ kĩ thuật tối tân nhất để thu âm là băng master 24 rãnh. Để tạo ra hiệu ứng trên, nhóm đã thu nhiều phần bè khác nhau ở các đoạn băng riêng biệt rồi thu chồng tất cả lên một băng từ chính. Sau đó nhóm cắt bỏ những đoạn không cần thiết rồi dùng băng dính để dán những đoạn ưng ý lại tạo thành một đoạn hoàn chỉnh. Đoạn "Magnifico" và " let him go" được ngân dài bằng hiệu ứng "tiếng chuông" trong đó chỉ có phần bè cao của tay trống Roger Taylor được ngân ra trong khi phần hợp xướng bị cắt ngang đột ngột. Hiệu ứng này trước đây được dùng chủ yếu để thu âm opera và nhạc big band, nhưng Queen đã sử dụng nó ít nhất trong hai ca khúc trước đó là "Killer Queen" và "Bicycle Race". Đoạn hard rock trong bài cũng là một thách thức lớn đối với Brian May. Freddie viết đoạn riff guitar theo kiểu rượt đuổi như có nhiều cây guitar cùng chơi nối tiếp nhau. Brian May thú nhận rằng đó là một cuộc chiến đấu thật sự khi chơi đoạn solo này. Ở cuối bài, nhóm sử dụng tiếng chiêng để kết thúc, nhưng trước lúc phát hành, nhóm lại đổi ý muốn tiếng chiêng phải thật nhỏ, đến nổi nó chỉ có thể nghe thấy nếu người nghe lắng nghe thật kỹ. Những yêu cầu gần như quá đản của nhóm đều được nhà sản xuất Roy Thomas Baker đáp ứng đầy đủ.
Về phần nội dung, các đoạn của ca khúc kết hợp khá lỏng lẻo với nhau, nhưng người nghe cũng có thể hiểu được đó là lời sám hối của một chàng thanh niên phạm tội giết người trước giờ đền tội.Những đoạn không ăn nhập gì đến nội dung như "Bismillah", "Scaramoụch", "Galileo Figaro" là sáng kiến của Mercury để tạo nên hiệu ứng opera cho ca khúc.
Sau khi phát hành, "Bohemian Rhapsody" trở thành một hiện tượng lớn trong âm nhạc thời bấy giờ. Nó leo lên hạng nhất bảng xếp hạng Anh vào mùa giáng sinh năm 1975 và trụ lại ở vị trí đó đến tận giáng sinh năm 1976. Vì lí do ca khúc này không thể biểu diễn live, nhóm đã quay một video clip để gửi đến cho chương trình Top of the Pops của đài BBC để thay thế. Video clip này thường được Freddie Mercury khoe rằng là video ca nhạc đầu tiên của nhạc rock. Thực ra việc gửi video clip để thay thế cho ban nhạc đã được nhóm Beatles năm 1966 làm. Vì không muốn xuất hiện ở chương trình Ed Sullivan show năm 66, Beatles đã quay hai video clip "Paperback Writer" và "Rain" để gửi cho Sullivan thay thế. Nhưng đến khi "Bohemian Rhapsody" ra đời, ý tưởng về một kênh truyền hình âm nhạc MTV mới bắt đầu được hình thành.
Có thể bạn chưa biết:
Trong Bo Rhap, người ta thấy ban nhạc lập đi lập lại những từ ngữ quái lạ như "Bismillah", "Fandango", "Bellezebulb", "Galileo Galileo", "Scaramouche" .Vậy những từ ấy có ý nghĩa như thế nào?"Bismillah" có nghĩa là chúa trời trong tín ngưỡng Bái Hoả Giáo (Zoroastrianism) của Freddie Mercury, được Freddie lấy từ câu kinh tiếng Ả Rập "Bismillah Ir Rahman Ir Rahim" có nghĩa là "Lạy Thánh Allah lòng lành và nhân đức vô cùng". Bellezebulb, ngược lại, có nghĩa là quỉ sứ trong tín ngưỡng Công giáo."Scaramouche" là tên của một nhân vật to mồm nhưng bé gan trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Rafael Sabatini. ”Fandango” là tên một điệu nhảy phóng túng của dân du mục Bohemian. Còn Galileo Galilei chính là tên của nhà thiên văn học nổi tiếng người Ý, người mà Brian May rất nguỡng mộ.
-Khi trình diễn "Bo Rhap" trên sân khấu, Queen thường lượt bỏ hoàn toàn phần a capella và bắt đầu bằng đoạn Freddie chơi piano, đến đoạn opera, cả nhóm rời sân khấu trong khi đoạn băng video được chiếu thay thế, sau đó nhóm mới trở lại sân khấu kết thúc đoạn hard rock.
-Ca khúc này đứng nhất ở Anh trong mùa giáng sinh năm 75, 76, 91 và 92. Đây là ca khúc duy nhất đứng nhất bảng xếp hạng trong bốn dịp Giáng Sinh khác nhau.
-Trong thập niên 70, "Bo Rhap" chỉ đứng hạng 9 ở Mỹ, nhưng sau cái chết của Mercury và sự ra đời của bộ phim Wayne's World, nó trở lại bảng xếp hạng ở Mỹ ở thứ hạng 2.
- Ở đoạn opera, Freddie nhiều lần lặp lại đoạn "mama mia, mama mia let me go". Điều thú vị là chính bài " Mama Mia" của ABBA đã "tiễn đưa" Bo Rhap của Queen ra khỏi vị trí hạng nhất cuối năm 1976.
-Cùng với Freddie Mercury, tay trống Roger Taylor của Queen được dân trong giới gán cho cái biệt hiệu "rock slut" vì sự trác táng đến mức huyền thoại. Ngược lại Brian May và John Deacon thường tránh xa các buổi tiệc tùng và báo giới.
-Roy Thomas Baker, nhà sản xuất chính của Queen hiện đang sản xuất cho nhóm Darkness của anh em nhà Hawkins, nhóm tự nhận mình chịu nhiều ảnh hưởng của Queen.
Bây giờ mời các bạn cùng nghe ca khúc trên:
BOHEMIAN RAPSHODY
[YOUTUBE]<object width="480" height="385"><param name="movie" value="http://www.youtube.com/v/irp8CNj9qBI&hl=en_US&fs=1&"></param><param name="allowFullScreen" value="true"></param><param name="allowscriptaccess" value="always"></param><embed src="http://www.youtube.com/v/irp8CNj9qBI&hl=en_US&fs=1&" type="application/x-shockwave-flash" allowscriptaccess="always" allowfullscreen="true" width="480" height="385"></embed></object>[/YOUTUBE]
* Bài giới thiệu trích từ ttvnol