Tin Việt Nam

Status
Không mở trả lời sau này.

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#21
Máy bay chậm chuyến, hành khách nằm ngồi vạ vật tại sân bay

24h.com.vn - Nhiều người lớn, trẻ nhỏ nằm vật vạ tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) trong lúc chờ lên máy bay.


Nhiều người lớn, trẻ nhỏ nằm dưới nền đất lạnh ở sân bay Nội Bài vì máy bay chậm chuyến

Trao đổi với phóng viên, anh Hoàng Nhân Thuận (31 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình) - hành khách đi trên chuyến bay mang số hiệu VJ 135, hãng hàng không VietJet cho hay, anh bay từ Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh, dự kiến cất cánh lúc 17h20 phút ngày 12/09.

Tuy nhiên, sau đó hãng lại thông báo lùi giờ bay sang 18h45 phút, và tiếp đó lại lùi giờ bay đến 22h30 phút cùng ngày mới cất cánh đi TP.Hồ Chí Minh.

“Hãng thông báo hoãn chuyến lần đầu tiên chúng tôi còn chấp nhận được, nhưng đây lại thông báo hoãn nhiều lần. Chúng tôi bị chậm gần 5 tiếng, lỡ hết kế hoạch”, anh Thuận nói.

Theo anh Thuận, điều khiến hành khách không hài lòng nữa là khi vào phòng chờ máy bay, rất nhiều hành khách phải nằm dưới nền đá lạnh.

“Có khoảng 40 người, trong đó có nhiều trẻ nhỏ phải nằm vật vạ ở dưới nền đá lạnh vì không có ghế ngồi. Rất nhiều hành khách đi trên chuyến bay này đều bức xúc, phản ánh về cách phục vụ của hãng”, anh Thuận chia sẻ thêm.

Trao đổi thêm với phóng viên, đại diện truyền thông của hãng VietJet cho hay, do ảnh hưởng của bão số 4 nên tối 12/03 nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng. Do vậy, hãng mong nhận được sự thông cảm từ hành khách đi trên các chuyến bay trên.

Ngày 13/9, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 4 nên trong ngày hôm nay sẽ không khai thác 2 chuyến bay (VN7641/7640) đến/đi từ sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam).

Đồng thời, hãng cũng điều chỉnh giờ khai thác 4 chuyến bay đến/đi từ sân bay Huế, Pleiku sang sau 10h00 bao gồm: 2 chuyến trên đường bay giữa Hà Nội, và Pleiku (VN1613/12); 2 chuyến trên đường bay giữa TP.Hồ Chí Minh, và Huế (VN1370/71).

Vietnam Airlines khuyến nghị hành khách có kế hoạch đến/đi từ các sân bay trên trong thời gian này nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết nhằm chủ động trong lịch trình đi lại.

Ngày 13/09, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 4 nên trong ngày hôm nay sẽ không khai thác 2 chuyến bay (VN7641/7640) đến/đi từ sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam).

Đồng thời, hãng cũng điều chỉnh giờ khai thác 4 chuyến bay đến/đi từ sân bay Huế, Pleiku sang sau 10h00 bao gồm: 2 chuyến trên đường bay giữa Hà Nội, và Pleiku (VN1613/12); 2 chuyến trên đường bay giữa TP.Hồ Chí Minh, và Huế (VN1370/71).

Vietnam Airlines khuyến nghị hành khách có kế hoạch đến/đi từ các sân bay trên trong thời gian này nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết nhằm chủ động trong lịch trình đi lại.

Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#22
Ca sĩ Minh Thuận qua đời ở tuổi 47

vnexpress - Người thân của nam ca sĩ cho biết anh mất khoảng 9h sáng ngày 18/09 tại bệnh viện ở TP.HCM.


Ca sĩ Minh Thuận được nhiều bạn bè, đồng nghiệp, và khán giả yêu quý

Nam ca sĩ mất sau thời gian chống chọi bệnh ung thư phổi. Theo lời kể của anh Cường - em nuôi Minh Thuận, anh ra đi thanh thản trong lúc ngủ. Hiện gia đình đang chuẩn bị tang lễ cho anh.

Từ ngày 19 đến ngày 20/9, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, thực hiện nghi thức lễ cầu nguyện tại gia cho cố nghệ sĩ. Lễ động quan diễn ra vào 5h30 sáng 21/9, đến 6h cùng ngày gia đình tổ chức thánh lễ an táng tại Nhà thờ Tân Dân. Sau đó, linh cữu được hỏa táng ở Bình Hưng Hòa, TP.HCM.

Trước đó, tối 16/9, nhiều nghệ sĩ như: NSND Ngọc Giàu, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, MC Trấn Thành. Biểu diễn trong đêm "Tình nghệ sĩ 8" gây quỹ hỗ trợ Minh Thuận chữa bệnh. Chương trình trích 300 triệu đồng trao tặng anh.

Trong thời gian nằm viện, Minh Thuận nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, đồng nghiệp. Ngày 12/9, ca sĩ Phương Thanh - người bạn thân thiết của Minh Thuận - đã mang bánh kem vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM mừng sinh nhật nam ca sĩ. Chị đọc cho anh dòng nhắn gửi: "Chúc anh bước qua tuổi mới hạnh phúc tràn đầy, và mau hết bệnh để trở lại anh nhé". Nghe lời chúc, Minh Thuận đã khóc.

Trước khi qua đời, dù mắc bạo bệnh, Minh Thuận vẫn cố động viên bạn bè yên tâm. Có lần, thấy Phương Thanh vào thăm, anh xin giấy viết nguệch ngoạc dòng chữ gửi ra cho bạn: "I love Phương Thanh. Cuộc đời này là vui vẻ".

Thông tin Minh Thuận mắc bệnh hiểm nghèo được nhiều người biết từ khuya 3/9. Minh Thuận đã nhập viện trước đó một thời gian, tình hình sức khỏe nhiều lúc nguy kịch. Gia đình anh định cư ở Mỹ. Khi nghe tin xấu, bố anh, và người thân gấp rút bay về nước.

Hồi tháng 8, Minh Thuận thông báo trên trang cá nhân sức khỏe đang dần ổn định, và hứa sớm trở lại. Tuy nhiên, sau đó, anh bị tai biến mạch máu não, bệnh tình chuyển biến ngày càng xấu.

Minh Thuận sinh năm 1969, là ca sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng. Từ đầu thập niên 90, Minh Thuận - Nhật Hào tạo thành đôi song ca ăn ý, được nhiều khán giả yêu thích qua các bài hát như: Chiếc thuyền nan, Cô bé dỗi hờn, Thất tình...

Khoảng năm 1996, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, đôi bạn bất ngờ tách nhóm. Con đường âm nhạc của Minh Thuận từ đó không thuận lợi. Anh chuyển hướng sang đóng phim truyền hình, và điện ảnh. Trong đó, vai diễn Ninh Lâm (hay còn gọi là Lâm Ca rô) của anh trong phim truyền hình Cô gái xấu xí được khán giả rất yêu thích. Tại cuộc thi Gương mặt thân quen 2014, Minh Thuận giành giải á quân với phần phụ diễn của Phương Thanh.

Tâm Giao
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#23
Bánh sừng trâu trứng muối gây sốt ở Sài Gòn

vnexpress - Món bánh nổi tiếng bắt nguồn từ Singapore đang trở thành món ăn ưa thích tại TP.HCM, và tạo ra cơ hội kinh doanh hấp dẫn.


Bánh sừng trâu nhân trứng muối đang thu hút người ưa thích bánh

Tại một cửa hàng bánh ở tầng B2 của trung tâm thương mại Takashimaya - Saigon Centre, cứ từ 11h đến 14h lại xuất hiện một hàng dài người xếp hàng mua món bánh sừng trâu trứng muối. Những chiếc cỡ lòng bàn tay, có nhân trứng muối lỏng được lấy ra từ lò, và cho ngay vào hộp nhựa. Mỗi người chỉ có thể mua một hộp 5 chiếc với giá 60.000 đồng.

Theo nhân viên tại cửa hàng này thì món bánh được bán chính thức tại Việt Nam vào ngày 1/10 sau một thời gian thử nghiệm. Ngay khi còn bán thử nghiệm, nhiều khách đã đến chờ trong khung giờ bán bánh ấn định nhưng vẫn không mua được.

Tại Singapore, món bánh này cũng mới trở thành trào lưu vào dịp hè 2016, và được giới trẻ nơi đây săn đón cuồng nhiệt, xếp thành những hàng dài để mua bánh. Sự thu hút của món bánh mới này làm gợi nhớ đến những trào lưu món ăn vặt gần đây ở Việt Nam như xoài lắc, bánh mì nướng muối ớt, bánh bông lan trứng muối, bánh gạo cay Hàn Quốc. Món bánh này được cho là lấy ý tưởng từ món Chau Kee của Hong Kong, và bánh bao kim sa trong các nhà hàng.

Trang, nhân viên văn phòng làm việc tại Saigon Centre cho biết lý do xếp hàng mua bánh: "Mình có dịp ăn thử món bánh này ở Singapore, và rất thích mùi vị của nhân trứng muối, thơm và béo, ăn vào lại không thấy ngán".

Nắm bắt được xu hướng mới, hiện nhiều bạn trẻ đã làm bánh sừng trâu trứng muối tại nhà, và bán trên các mạng xã hội. Một hộp bánh sừng trâu trứng muối được bán online có bốn đến năm chiếc bánh nhưng to hơn bánh tại cửa hàng, và có giá bình quân 100.000 đồng một hộp, chưa bao gồm tiền vận chuyển.

Sở hữu một cửa hàng chuyên bán hàng nhập khẩu online, Tâm Anh đã quyết định bán thêm món bánh sừng trâu trứng muối vì nhận thấy nhu cầu của thị trường. Tâm Anh cho biết lúc đầu chỉ là muốn làm thử món bánh này tại nhà. Sau đó, khi nhận được những nhận xét tích cực từ người thân thì bắt đầu bán đại trà.

"Một ngày tôi nhận được bốn, năm đơn đặt hàng bánh sừng trâu trứng muối. Từ giờ đến cuối năm khi món này phổ biến có lẽ sẽ còn nhiều người đặt bánh hơn nữa", Tâm Anh cho biết.

Một số cửa hàng bánh, hoặc quán cà phê nhỏ cũng đã bắt đầu bán bánh sừng trâu trứng muối từ đầu tháng 10 với giá bán dao động 17.000 đến 25.000 đồng một chiếc. Tuy nhiên, món bánh này phải ăn nóng nên khách phải đến quán trong khung giờ nhất định mới có bánh để thưởng thức.

Anh Dũng, chủ cửa hàng bánh Tiny Cake cho biết bánh sừng trâu trước giờ có nhân ngọt. Với những người ngại ăn ngọt thì bánh nhân mặn là một ý tưởng hay, đồng thời cũng bán khá chạy ở nước ngoài cho thấy nhu cầu lớn, nên anh quyết định mày mò, và thử nghiệm.

“Những ngày đầu tháng 10, cửa hàng làm món bánh này còn chưa phù hợp với khẩu vị khách hàng nên vẫn phải bù lỗ. Nay tôi rút ra được công thức, làm bánh hợp khẩu vị, và thu hút khách mua hơn”, anh Dũng cho biết.

Vĩnh Viễn
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#24
Hơn nửa triệu đồng một kg thanh long vàng

vnexpress - Dù có giá tới 700.000 đồng một kg nhưng thanh long vàng Malaysia vẫn được nhiều khách hàng Việt ưa chuộng.


Thanh long vàng có mùi thơm đặc trưng, giàu dinh dưỡng nên nhiều khách hàng Việt ưa chuộng. Ảnh: Happy Raw

Thanh long vỏ đỏ ruột trắng, ruột đỏ rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng riêng loại thanh long vàng lại khá hiếm. Trước đây, tại Bình Thuận có một số hộ từng trồng thử nghiệm nhưng vì không phù hợp nên ngưng dần. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi biết được công dụng tốt cho sức khỏe, hương vị thơm ngon của trái thanh long vàng lại khiến nhiều khách hàng Việt ưa chuộng.

Chị Hạnh, ở quận 3 cho biết, năm ngoái qua Malaysia du lịch, và biết được trái thanh long vàng nên mua về làm quà, người thân bạn bè ai cũng khen ngon. Năm nay không đi du lịch bên đó, nhưng săn lùng trên mạng chị biết được cửa hàng ở TP.HCM có nhập khẩu về bán nên tìm mua ngay dù giá khá cao.

Cũng khá chuộng thanh long ruột vàng, chị Oanh ở quận Bình Thạnh cho biết, cứ hễ có bạn bè nói đi Malaysia là chị lại gửi mua vài kg. “Loại này bên đó trái khá mọng, bóng, vị thơm đặc biệt và rất ngọt, không chua như thanh long ruột trắng ở Việt Nam. Thông thường ở Malaysia một kg thanh long vàng có giá dao động 150.000-250.000 đồng một kg (tùy loại), cao gấp đôi so với thanh long đỏ bên đó”, chị Oanh nói và cho biết thêm, hơn năm trở lại đây cứ vào dịp cuối năm bạn chị lại đóng thùng hàng về bán. Hàng về đến đâu hết đến đó dù giá trên 500.000 đồng một kg.

Là cửa hàng chuyên bán trái cây lạ ở TP.HCM, quản lý cửa hàng ở quận 1 (TP.HCM) cho biết, đã nhập thanh long vàng hơn một tháng nay. Loại này có nguồn gốc Malaysia, cứ 2 ngày cửa hàng nhập một lần khoảng 40-50kg một thùng, có người trực tiếp đi chọn và gửi hàng về. Vì lạ nên sản phẩm luôn cháy hàng, nhập đến đâu bán hết đến đó.

“Loại này chỉ có vào những tháng cuối năm. Đây là giống thanh long đặc sắc ở Malaysia nên số lượng thu hoạch mỗi mùa khá ít, dẫn đến giá cao nhưng khách rất ưa chuộng”, nhân viên ở đây cho biết.

Hiện giá thanh long tại cửa hàng là 690.000 đồng một kg. Theo quản lý cửa hàng sở dĩ giá sản phẩm cao là vì lượng cung hiếm, lại vận chuyển bằng đường hàng không nên chi phí cao. Ngoài ra, cửa hàng chủ yếu lựa chọn những sản phẩm loại một nên giá đắt.

Nếu so sánh với thanh long ruột trắng, và ruột đỏ của Việt Nam thì loại này gấp 23 lần (tính tại thời điểm giá cao 30.000 đồng một kg). Hiện nay, thanh long Việt Nam luôn trong tình trạng “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa”. Ngoài ra, nhiều nơi còn bị thương lái Trung Quốc thao túng khiến giá biến động liên tục. Nhiều vụ, nông dân thua lỗ nặng, thanh long vứt đầy đường cho bò ăn.

Hồng Châu
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#25
Rau sạch nửa triệu đồng một kg ở miền Tây

vnexpress - Một cơ sở sản xuất rau ở Long An mỗi ngày cung cấp ra thị trường 300-400kg rau sạch với giá nửa triệu đồng một kg.


Bên trong cơ sở rau sạch 500.000 đồng một kg

Theo ông Đồng Quang Đôn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, cơ sở sản xuất rau công nghệ cao với 3 loại rau ăn lá, gia vị có diện tích 2.300m2 do công ty TNHH MTV Rrfarn Green Farm của Nhật Bản đầu tư tại Khu công nghiệp Long Hậu hiện cho thu hoạch 300-400 kg một ngày (theo kế hoạch là 800kg) với giá bình quân khoảng 500.000 đồng một kg. Cơ sở này không trồng rau trên đất như thông thường mà sản xuất bằng hệ thống ánh sáng nhân tạo trong môi trường vô trùng.

Dù quy trình sản xuất rau khá lớn, nhưng cơ sở được vận hành với chỉ 7 công nhân vì phần lớn các khâu đều do máy móc xử lý. Để đảm bảo không bị ảnh hưởng khói bụi, mầm bệnh, đồng phục của công nhân cũng được khử trùng chặt chẽ trước khi vào nhà máy.

Toàn bộ rau “siêu sạch” ở đây có thể ăn được ngay không cần rửa tại vườn nên giá đắt đỏ. Hiện thị trường tiêu thụ loại rau “nhà giàu” này chỉ giới hạn tại các nhà hàng, khách sạn lớn và Đại sứ quán.

Tại Long An, hiện phong trào trồng rau an toàn theo hướng công nghệ cao cũng đang lan rộng. Ông Nguyễn Văn An ở Cần Giuộc hiện đang thí điểm trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng với diện tích 400m2, kinh phí ban đầu 400 triệu đồng cho biết, so với trồng lúa, và trồng rau theo cách thông thường trước đây, trồng rau an toàn, và nhất là trồng rau công nghệ cao sẽ cho lợi nhuận tốt hơn. Giá rau sạch đưa ra thị trường của các nhà vườn hiện dao động 12.000-15.000 đồng một kg.

Cụ thể, một năm tại địa phương có 4 vụ rau, bình quân một vụ rau thông thường nếu thuận lợi nông dân lãi gần 50 triệu đồng một ha. Trong khi đó theo đánh giá của các chuyên gia, nếu có nguồn tiêu thụ ổn định, rau trồng bằng công nghệ cao sẽ cho lãi gấp đôi.

Theo kế hoạch, tỉnh Long An sẽ có 2.000ha rau trồng công nghệ cao tại Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, và TP Tân An, trong đó phân nửa diện tích tập trung ở Cần Giuộc.

Tại “xứ sở rau” Cần Giuộc hiện có 29 tổ, liên hợp sản xuất với hơn 700 nông dân trồng trên 1.800 ha chuyên canh rau, năng suất đạt từ 20 đến 22 tấn một ha mỗi vụ, sản lượng ước đạt 125.000 tấn một năm. Các loại rau trồng chủ yếu của địa phương là rau ăn lá, và rau gia vị.

Hiện tại việc sản xuất rau an toàn tại đây còn khá manh mún, việc tham gia của các doanh nghiệp, trang trại quy mô vừa, và lớn cũng hạn chế. Người trồng rau vẫn còn phải thông qua thương lái nên dễ bị ép giá.

Mặc khác, vấn đề quan trọng là rau sạch được đầu tư nhiều công sức hơn, nhưng người tiêu dùng hiện nay lại không phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau thông thường.

Do đó, địa phương này đang tiếp tục vận động người dân nâng cao ý thức, xây dựng các nhà màng, nhà lưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, và hướng dẫn nông dân trồng rau theo phương pháp thủy canh, và sử dụng phân hữu cơ. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 20 nhà lưới trồng rau ăn lá, và rau gia vị. Hiện đã có 7 đơn vị nhận ký kết, tiêu thụ rau chất lượng cao của Cần Giuộc vào những siêu thị lớn.

Hoàng Nam
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#26
'Nữ hoàng' chanh không hạt miền Tây

vnexpress - Khởi nghiệp với 2ha đất phèn, và trải qua nhiều lần tưởng chừng phá sản, nhờ trồng chanh không hạt, bà Ba ở Long An hiện sở hữu nông trại 30 ha, mỗi ngày xuất 40 tấn đi Singapore, Thái Lan, và các nước Trung Đông.


Sơ chế, đóng gói chanh không hạt xuất khẩu tại cơ sở của bà Bùi Thị Ba

Mười năm trước, bà Bùi Thị Ba, 56 tuổi, quê Bến Lức có 2 ha đất phèn nên chỉ trồng được mía, do giá cả bấp bênh nên thường xuyên thua lỗ, gia cảnh chỉ đủ ăn.

Năm 2000, bà Ba chặt mía chuyển sang trồng cây sơ ri, nhưng do tốn nhiều chi phí thuê người chăm sóc nên tiếp tục thua lỗ. Bà lại chuyển sang nuôi gà công nghiệp, nhưng trong dịch cúm vào năm 2003, đàn gà bị tiêu hủy, bà Ba lâm cảnh nợ nần khi thiệt hại lên đến vài trăm triệu đồng.

Không chịu thua, sau đó không lâu bà lại gượng dậy đi nhiều nơi để tìm mô hình làm ăn hiệu quả. Trong một lần thăm vườn của bạn ở Bình Dương, bà Ba chú ý đến cây chanh không hạt thời điểm đó có giá cao gấp 10 lần chanh bình thường. Bà về bàn với chồng gom góp tiền đến một số tỉnh miền Tây, và Viện nghiên cứu cây quả miền Nam để học hỏi kinh nghiệm trồng chanh không hạt.

Sau thời gian học hỏi kỹ thuật, đầu năm 2006, bà Ba quyết định đốn toàn bộ vườn sơ ri đang cho trái chuyển sang trồng chanh không hạt. Thời điểm này ở Long An, và miền Tây gần như chưa có loại cây này.

“Khi chanh cho trái mùa đầu tiên thì lũ về, khoảng 70% vườn cây bị ngập nước thối rễ chết. Tôi hoảng quá xuống Đại học Cần Thơ nhờ các chuyên gia giúp đỡ cứu được phần còn lại, nhưng đến khi thu hoạch xong thì tiếp tục dở khóc dở cười”, bà Ba nhớ lại. Bởi khi chở chanh ra các chợ, thương lái đều lắc đầu vì so với chanh thường, khích cỡ chanh không hạt trông quá khủng. Sau đó, người con trai của bà phải bỏ ra 2 tháng "ăn bờ ngủ bụi", chở chanh đến các nhà hàng, chợ đầu mối ở TP.HCM để cho không, và không quên lưu lại địa chỉ.

Lạ là với cách tiếp thị độc đáo này, chỉ một thời gian ngắn, với giá cả phải chăng, chanh không hạt của bà Ba thu hút nhiều khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm đến đặt hàng, khiến gia đình bà thời điểm đó phải thuê thêm đất mới đủ chỗ trồng.

Đến năm 2008, không chấp nhận qua trung gian, bà Ba tự đứng ra xuất khẩu chanh của gia đình, sau đó kiêm luôn đầu nậu mua chanh cho các hộ dân trong vùng. Bà còn mạnh dạn bỏ ra 800 triệu đồng thuê người chế tạo máy làm sạch, và phân loại chanh.

Từ 2ha đất ban đầu, chỉ trong vòng mười năm, bà Ba mua thêm 10ha đất, và thuê tiếp 20ha của nông dân trong vùng để mở rộng canh tác. Vậy mà sản phẩm vẫn không đủ cung cấp cho nhiều siêu thị tại TP.HCM. Hiện nay, mỗi ngày nông trại này còn xuất khoảng 40 tấn chanh đi Singapore, Thái Lan, và các nước Trung Đông, thu lãi gần 3 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài cơ sở chính ở Long An, bà Ba còn có một cơ sở thu mua khác ở TP.Cần Thơ để gom hàng từ các tỉnh miền Tây.

Ngoài chuyện kinh doanh, bà Ba còn giúp nhiều công nhân ở nông trại làm giàu. Trước đó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga ở Bến Lức không có đất đai, sống qua ngày bằng nghề làm thuê. Bà Ba thấy hai vợ chồng thật thà, chịu khó nên nhận vào làm công nhân. Được vài năm, khi đã tin tưởng bà đứng ra thuê 0,5ha đất, hỗ trợ cả cây chanh giống cho chị Nga trồng. Buổi sáng, chị Nga làm tại cơ sở của bà Ba, chiều về chăm sóc chanh nhà mình. 6 năm sau, chị Nga đã tích lũy được 1ha đất trị giá hàng tỷ đồng. Khi thấy chị Nga đã có vốn, bà Ba vận động chị nghỉ việc ở nông trại để ra làm ăn riêng. Nhiều công nhân có con nhỏ còn được bà Ba cất nhà cho ở để yên tâm làm việc.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, đến nay, địa phương đã tăng diện tích chanh không hạt lên gần 500 ha, và đang là cây trồng cải thiện đáng kể đời sống người dân, trong đó, công lao tiên phong là của bà Ba.

Hoàng Nam
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#27
Giá mía miền Tây cao nhất 5 năm qua

vnexpress - Với giá bán tại ruộng từ 1,1 đến 1,3 triệu đồng một tấn, nông dân miền Tây lãi trung bình 50-60 triệu đồng mỗi ha.


Giá mía nguyên liệu ở miền Tây cao nhất trong 5 năm qua. Ảnh: Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch mía, thương lái, và các nhà máy đường ráo riết tìm đến đặt mua với giá cao. Tại vùng nguyên liệu Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, người dân bán mía tại ruộng từ 1,1 đến 1,3 triệu đồng một tấn.

"Đây là mức giá cao nhất trong 5 năm qua. Với năng suất bình quân 110 tấn một ha, nông dân cầm chắc lời 50-60 triệu đồng”, ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp cho biết.

Ông Nguyễn Văn Bảy ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp vừa bán được một ha mía, năng suất tới 130 tấn, lãi hơn 80 triệu đồng cho biết đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, bà con trồng mía trúng giá và có lời khá cao, chứ trước đây chỉ lỗ nặng. Ai khéo lắm thì hòa vốn, hoặc lãi chút ít.

Huyện Phụng Hiệp hiện có 7.500 ha mía nguyên liệu, giảm 2.000 ha so với năm 2013. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được 1.500ha. “Trước đà giá mía lên cao ngay đầu vụ, và không có lũ gây ngập úng, nhiều hộ muốn tiếp tục giữ lại chờ giá cao hơn mới bán”, ông Nguyễn Thế Tự nói.

Lãnh đạo một công ty mía đường lớn ở miền Tây cho biết, giá mía cao là do vụ này giá đường tăng khoảng 2.000 đồng so với năm trước. Cộng với việc không có lũ nên người dân không vội bán mà chờ thêm để có giá cao hơn, dẫn đến các nhà máy đường thiếu nguyên liệu, không chạy hết công suất.

Sau nhiều năm thua lỗ, nông dân miền Tây đã chuyển nhiều diện tích mía sang trồng cây ăn quả, lúa, hoa màu. Niên vụ 2015-2016, toàn vùng còn gần 42.000 ha mía, giảm 6.000 ha so với vụ trước.

Cửu Long
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#28
Nông sản lạ hút hàng mùa tết

TT - Các loại nông sản có yếu tố nhập ngoại như giống, công nghệ canh tác hoặc người nước ngoài tổ chức sản xuất ngay tại Đà Lạt đang được nhiều nhà bán lẻ, và cả khách hàng cá nhân săn đón trong mùa tết năm nay do được đánh giá là sạch, và đẹp.


Cà chua baby, cocktail với hơn 10 loại khác nhau đang được nhiều khách hàng đặt mua do dễ ăn như trái cây - Ảnh: Mai Vinh

Ghi nhận từ các nông trại cho thấy nông sản công nghệ nhập ngoại chủ yếu được mua dùng làm quà biếu, một số ít được dùng như trái cây để đãi khách.

Khoai tây, dâu tây, xà lách, cà rốt, cà chua, ớt Hà Lan, dưa Nam Mỹ giống nhập ngoại được sản xuất theo công nghệ sạch, thủy canh hoặc trên giá thể, đảm bảo độ an toàn nên được đặt hàng nhiều.

Hàng “gốc” Nhật 
được ưa chuộng

Những mặt hàng nông sản có giống nhập từ Nhật được nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng tổ chức sản xuất do nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, dù giá cao nhiều lần so với nông sản cùng chủng loại khác.

Chẳng hạn, dâu tây giống nhập từ Nhật do người Nhật canh tác ở Đà Lạt được chào bán trong dịp tết với giá gần 500.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với các loại dâu tây khác nhưng vẫn tiêu thụ rất tốt là một ví dụ.

Ngoài ra, các loại nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao như thủy canh, trồng trên giá thể... cũng được nhiều người tiêu dùng quan tâm hơn.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phú Đà Lạt, cho biết doanh nghiệp này dự kiến cung cấp cho thị trường tết năm nay khoảng 20.000 cây xà lách Nhật.

“Dù có giá cao gấp 3 lần xà lách thông thường nhưng vẫn được người tiêu dùng chọn mua, chủ yếu là những người thu nhập cao” - ông Thành nói.

Theo ông Thành, một khảo sát nhỏ đối với khách hàng thường xuyên mua tại 14 cửa hàng nông sản thuộc hệ thống An Phú cho thấy có đến hơn 80% khách hàng thích các loại nông sản giống ngoại nhập dù giá sẽ cao hơn, với lý do sẽ được dùng rau sạch hơn, ngon hơn, đẹp hơn, và có chút lạ.

Theo ông Nguyễn Văn Cường - giám đốc Công ty Đà Lạt GAP, hơn 80% giống rau, củ của doanh nghiệp này đều là giống mới nhập từ Mỹ, Canada, Nhật, Hà Lan, trong đó có nhiều nông sản thế hệ mới như cà chua tí hon (baby), cocktail, dưa leo baby, củ cải đỏ tí hon, khoai tây tí hon...

Phần lớn các loại nông sản này đều có thể ăn sống như trái cây hoặc chế biến theo phương pháp truyền thống, thích hợp cho những người lười ăn rau củ.

Tương tự, Công ty Phong Thúy (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), chuyên cung ứng rau số lượng lớn cho các siêu thị, cũng dành một diện tích lớn trồng nông sản giống nhập ngoại phục vụ mùa tết năm nay.

“Chúng tôi cũng muốn thử bán nông sản lạ vào dịp tết để xem người tiêu dùng đón nhận như thế nào. Nếu tiêu thụ tốt sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng cho mùa tết năm sau” - ông Nguyễn Hồng Phong, giám đốc Công ty Phong Thúy, cho biết.

Giá cao nhưng 
không đủ hàng

Số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho thấy tổng diện tích nông sản canh tác theo hướng không trồng trực tiếp trên đất ở Lâm Đồng đến cuối năm 2016 đạt gần 800ha. Tuy nhiên, việc trồng rau trên các loại giá thể chỉ mới được áp dụng cho những loại nông sản đắt tiền như dâu tây, rau củ baby...

Ngoài canh tác các loại rau thông dụng trên giá thể, một số nông dân đầu tư vào công nghệ thủy canh - trồng rau bằng nước. Một số nông dân thậm chí còn sang tận Malaysia, Thái Lan học nghề, và nhập thiết bị về canh tác.

Theo nhiều nhà vườn, các loại nông sản thủy canh rất dễ phân biệt với nông sản canh tác dưới mặt đất vì sạch về hình thức và rất đẹp. Bao bì những loại nông sản cao cấp ghi rõ xuất xứ, chỉ tiêu chất lượng.

Bà Phạm Thị Cúc (xã Đạ Nghịt, Lạc Dương, Lâm Đồng) cho biết hơn 4ha rau xà lách, và các loại rau lá ăn được trồng bằng phương pháp thủy canh của gia đình bà đã được nhà phân phối và khách hàng quen đặt mua ngay khi vừa lên giống.

“Nhiều khách gọi điện đặt mua rau thủy canh, và nông sản trồng trên giá thể cho dịp tết, nhưng chúng tôi chỉ có thể xin lỗi vì hết hàng” - bà Cúc cho biết.

Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ trang trại Kim Bằng (P.7, Đà Lạt), cũng cho biết sau khi thu hoạch, các loại nông sản thủy canh không tốn nhiều công sức làm sạch trước khi đóng gói, bởi những sản phẩm này cơ bản đã sạch.

“Người dùng chỉ cần nhúng sơ qua nước là có thể dùng hoặc có thể ăn ngay sau khi tháo bao bì” - bà Huệ nói.

Giá bán các sản phẩm này cũng cao hơn các loại rau thường do chi phí sản xuất lớn hơn, nhưng được nhiều khách hàng ưa chuộng, chủ yếu các đơn hàng nhập rau thủy canh vào dịp tết để đưa vào giỏ quà tết.

“Những giỏ quà giá từ 700.000 đồng có đủ nông sản cho một gia đình dùng trong 3 ngày tết” - bà Huệ khẳng định.

Chị Nguyễn Quỳnh Nga (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết gia đình chị thường xuyên mua củ cải, súp lơ, cải thảo giống Nhật do cảm thấy an tâm hơn, dù sản phẩm này được sản xuất tại VN.

“Việc người trồng chịu mày mò tìm giống mới cũng khiến tôi yên tâm, dù tôi không rành lắm về các tiêu chuẩn an toàn của nông sản” - chị Nga nói.

Tương tự, chị Hành Thị Tuyết Trinh (Q.3, TP.HCM) - người thường xuyên mua nông sản tại các cửa hàng do các chủ nông trại Đà Lạt mở ở TP.HCM, cho biết mùa tết năm nay gia đình chị quyết định chuyển sang mua các nông sản trồng trên giá thể hoặc thủy canh để đảm bảo an toàn, dù giá cao hơn các loại rau trồng theo phương pháp thông thường.

Tiêu thụ nhiều, giá sẽ giảm

Nhiều người tiêu dùng bắt đầu ưa chuộng nông sản có giống và công nghệ nhập ngoại là chuyện rất đáng mừng, cho thấy sự chăm chút kỹ hơn cho bữa ăn.

Thay vì chủ yếu dành tiền mua thịt nhưng lại xem nhẹ rau như trước, nhiều người tiêu dùng hiện có xu hướng chấp nhận bỏ tiền xứng đáng để mua nông sản sạch về sử dụng, bảo vệ sức khỏe bản thân, và gia đình.

Khi nhiều người tiêu dùng chọn mua nông sản sạch, chấp nhận trả tiền xứng đáng cho những sản phẩm này, các nhà vườn cũng sẽ an tâm đầu tư vốn chuyển sang sản xuất sạch, thay vì sản xuất theo kiểu lạm dụng phân, thuốc như trước.

Và một khi được trồng đại trà, giá cả các loại nông sản sạch này sẽ giảm xuống mức phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng.

Mai Vinh
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#29
Chậu kiểng trái cây chưng Tết đua nhau bung hàng

vnexpress - Chậu Phật thủ, nho, bưởi, thanh long, dâu tây… đang là những dòng sản phẩm thu hút không kém các loại trái cây tạo hình khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Đinh Dậu 2017.


Cùng với các dạng thanh long cảnh thông thường, thanh long cảnh hình gà vẫn chưa lộ diện

Phật thủ bonsai

Là loại trái có ý nghĩa tâm linh cao, phật thủ không chỉ được trồng lấy quả mà còn được cho vào chậu để bán nguyên cây trong vài năm trở lại đây. Theo các nhà vườn ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, giá phật thủ bonsai năm nay tiếp tục duy trì ở mức cao. Trung bình mỗi chậu phật thủ bon sai có giá từ 1 đến 2 triệu đồng. Mặt hàng này hiện không chỉ được chuộng tại khu vực phía Bắc mà cũng được nhiều đầu mối mua để mang vào bán tại các tỉnh thành phía Nam.

“Năm nay, do thời tiết không thuận lợi, mưa ít nên các cây phật thủ trồng lấy quả không trúng bằng dịp Tết năm trước. Tuy nhiên, đối với phật thủ bonsai làm cảnh thì do nó nhỏ, dễ tưới, và chăm sóc nên sinh trưởng thuận lợi, sẵn sàng để cung ứng mùa Tết với chất lượng tốt”, anh Tạ Tùy Duy – chủ một vườn phật thủ tại xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết. Dịp Tết Đinh Dậu này, vườn anh Duy cung ứng ra thị trường 1.000 cây phật thủ bonsai với 5-7 dạng kiểu dáng, và kích thước khác nhau. Cho đến nay, ba phần tư số cây đã được bán xong. Cùng với phật thủ bonsai loại nhỏ, 15 gốc phật thủ cổ thụ với hàng chục quả cũng được anh Duy chào bán trong dịp này. Có cây được chào giá đến gần 70 triệu đồng. Dù đã có 2 hécta canh tác nhưng với tình hình giá phật thủ tiếp tục hút hàng dịp Tết, anh Duy đang có ý định mở rộng gấp 5 lần vườn phật thủ của mình trong năm 2017.

Nho cảnh Ninh Thuận

So với phật thủ thì nho cảnh chưng Tết cũng được dự đoán sẽ có giá tiền triệu mỗi chậu khi đến tay khách hàng mua lẻ. Ước tính, thị trường cả nước sẽ chỉ có khoảng vài nghìn chậu nho cảnh có nguồn gốc từ các nhà vườn Ninh Thuận.

Một đại lý giới thiệu mặt hàng nho kiểng vô chậu tại Văn Giang, Hưng Yên cho biết, phải cận Tết thì hàng mới về, và xác định được giá cả. “Giới thiệu mặt hàng này trên Facebook thì cũng có nhiều người liên hệ hỏi mua. Tuy nhiên, phải đến ngày bán thật mới biết sức tiêu thụ ra sao. Mình lấy hàng qua vài trung gian nữa nên giá cả giờ này cũng chưa chốt. Ngoài ra, nho cảnh này cũng có nhiều loại nên sẽ có nhiều mức giá khác nhau.”, anh Vinh - một đại lý bán lẻ nho cảnh cho biết.

Bưởi cảnh

Cũng góp mặt vào thị trường kiểng trái cây chưng tết có giá tiền triệu chính là bưởi cảnh. Bưởi cảnh được các nhà vườn từ Bắc đến Nam cung ứng, đơn cử như bưởi cảnh Văn Giang (Hưng Yên) hay bưởi cảnh Diên Khánh (Khánh Hòa). Nếu như các vườn bưởi cảnh Văn Giang chủ yếu cung ứng các chậu bưởi cảnh có gốc to, được tạo thế như bonsai cổ thụ thì các vườn bưởi cảnh ở Khánh Hòa cũng được chăm sóc tỉ mỉ không kém với 2 năm trồng trong chậu để cho ra quả, với số lượng từ 5 đến hơn 10 quả tùy cây. Giá của các chậu bưởi cảnh ở Diên Khánh dao động từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay từ cuối tháng 12, có vườn đã thông báo bán xong hết toàn bộ hàng Tết Đinh Dậu cho thương lái.

Thanh long cảnh miền Tây

Có nhiều mức giá hàng đầu trong dòng kiểng trái cây chưng Tết chính là thanh long vô chậu. Tương tự như mọi năm, thanh long cảnh có nhiều kích cỡ khác nhau, được xác định bằng lượng quả mỗi chậu như: 9, 12, 26, 28, 39-79, 68-86 và 99, từng số lượng được giải thích bằng một ý nghĩa tốt lành khác nhau. Tương ứng với các số lượng này, giá bán tại các nhà vườn Kiên Giang, Tiền Giang dao động từ 250.000 đồng đến 3 triệu đồng mỗi chậu. Trong khi đó, giá bán lẻ được các đại lý giới thiệu trên Internet hiện "nhảy múa" ở nhiều mức khác nhau trong cùng một kích cỡ. Đặc biệt, dịp Tết Đinh Dậu năm nay còn có cả thanh long chậu loại đặc biệt 168 quả với giá bán lẻ đang được đề nghị hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có dòng thanh long vô chậu tạo hình thú, đặc biệt là hình tượng con gà. Tuy nhiên, vì lý do bảo mật nên hình ảnh về thanh long hình gà vẫn được chưa nhà vườn công bố.

Dâu tây vô chậu Đà Lạt

Có giá "mềm" hơn cả trong dòng trái cây vô chậu chưng Tết phải kể đến dâu tây Đà Lạt. Theo nhà vườn, dâu tây vô chậu là dâu giống New Zealand chịu nhiệt ở mọi khí hậu. Do đó, sau khi chưng Tết và ăn hết quả thì người mua có thể tiếp tục chăm sóc để cây tiếp tục cho ra trái quanh năm.

Hiện các nhà vườn đã bắt đầu nhận đặt hàng, và có thể giao hàng theo thời gian mong muốn của các mối bán, chủ yếu đến từ TP.HCM. Các vườn chỉ bán dâu tây vô chậu theo lô, ít nhất là 30 chậu. Với đơn hàng 30-50 chậu, giá bán sỉ loại chậu 3 cây (với 7-10 trái) là 75.000 đồng mỗi chậu; chậu 2 cây (với 4-7 trái) thì có giá bán sỉ 65.000 đồng mỗi chậu. Với mức giá sỉ này, ước tính giá mỗi chậu dâu tây bán lẻ tại TP.HCM cũng phải vào khoảng 150.000 đồng.

Viễn Thông
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#30
Bé gái Việt Nam nặng 3,3kg chào đời từ trứng đông lạnh

vietnamnet - Sau 3 năm chữa vô sinh không có kết quả, cặp vợ chồng trẻ tại Hà Nam vui mừng đón con gái đầu lòng từ trứng đông lạnh.


Vợ chồng chị Thanh hạnh phúc khi đón con gái đầu lòng
Bé gái nặng 3,3kg vừa chào đời tại BV Bưu Điện vào cuối tháng 3 vừa qua, là trường hợp thụ tinh nhân tạo đầu tiên từ trứng đông lạnh thành công tại bệnh viện này.

Vợ chồng anh Trần Đức Thành và chị Đỗ Thị Thanh (28 tuổi, Hà Nam) kết hôn từ năm 2012. Hơn 1 năm sau vẫn chưa có tin vui, chị Thanh mới đi khám, phát hiện bị buồng trứng đa nang.

Cặp đôi đã 2 lần thử bơm tinh trùng vào trứng nhưng không thành công. Bác sĩ chỉ định thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp ICSI – tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương của noãn.

Cuối tháng 6/2016, chị Thanh đến BV Bưu Điện để làm ICSI, tuy nhiên vì lý do đột xuất, chồng chị không đến kịp. Các bác sĩ quyết định đông lạnh toàn bộ trứng của chị Thanh theo phương pháp mới nhất để thử vận may.

1 tháng sau, chồng chị quay lại để lấy mẫu tinh trùng. Trứng đông lạnh được lấy ra rã đông, và thụ tinh ICSI. Ngày 20/7, bệnh nhân được bác sĩ chuyển 2 phôi.

22 ngày sau, vợ chồng chị đón nhận tin vui đầu tiên khi bác sĩ thông báo đã có túi thai, 28 ngày sau bắt đầu có tim thai.

Đến tuần thứ 38 vào cuối tháng 3 vừa qua, chị Thanh hạ sinh con gái đầu lòng. Vợ chồng chị đã không giấu nổi niềm hạnh phúc vỡ oà sau nhiều năm đợi mong.

BS Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện cho biết, phương pháp đông lạnh trứng có thể giúp lưu trữ trứng khi còn trẻ cho một số phụ nữ có nhu cầu, đặc biệt giúp bảo toàn khả năng làm mẹ cho nhiều bệnh nhân không may mắc ung thư khi phải xạ, hóa trị.

Phương pháp đông trứng đã được thế giới áp dụng từ những 80 thế kỷ trước, tuy nhiên tỉ lệ trứng thoái hóa sau đông cao do trứng chứa nhiều nước, dễ bị hình thành các tinh thể đá nội bào gây phá hủy cấu trúc tế bào trứng. Do đó, việc đông lạnh trứng không phổ biến bằng đông lạnh tinh trùng.

Với phương pháp mới, cho phép đông trứng nhanh hơn phương pháp cổ điển 600 lần sẽ giúp hạn chế việc hình thành các tinh thể đá.

Theo BS Nhã, việc thụ tinh thành công cho ca đông trứng đầu tiên này sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho nhiều trường hợp khác.

Minh Anh
 
Status
Không mở trả lời sau này.