Phật giáo - Nghệ thuật sống

Status
Không mở trả lời sau này.

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#1
Phật dạy về Tình yêu

Từ ngàn đời xưa đến nay, chủ đề "tình yêu" luôn được con người quan tâm. Nhưng hàng ngàn năm sau người ta vẫn chưa hết quan tâm nó. Tuy nhiên để yêu thương thế nào cho có hạnh phúc dài lâu, thì không phải ai cũng hiểu được. Bạn hãy một lần suy ngẫm về những lời Phật dạy dưới đây để có thể chọn cho mình một cuộc sống hạnh phúc trong tình yêu nhé.


Ảnh minh họa -Nguồn: Internet

Phật dạy rằng: "Có hiểu mới có thương. Tình yêu phải được xây dựng trên cơ sở của sự hiểu biết". Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu. Mỗi con người đều có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng, nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời. Trong cõi đời này, nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau.

Chuyện đó vẫn thường xảy ra. Được hiểu, và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.

Vậy nên, “Có hiểu mới có thương” là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường hoa hồng, nhưng cũng có thể mở ra cánh cửa tù ngục. Chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm lớn. Hãy cẩn thận, nếu không muốn chọn án tù chung thân cho cuộc đời mình. Vì vậy, chọn người hiểu và thương mình - hãy nhớ - đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời.

Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: "từ, bi, hỉ, xả".

“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ lụy, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày.

“Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.

Như vậy, “từ bi” theo Phật dạy là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực. “Từ bi” trong tình yêu không phải tự dưng mà có. Phải học, phải “tu tập”. Cần nhiều thời gian, để quan sát, để lắng nghe, để thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc.

“Hỉ” là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.

“Xả” là không phân biệt, kỳ thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Không thể nói đây là vấn đề của em/anh, em/anh ráng chịu. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hóa nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc...


Vườn hoa Phật giáo
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#2
Tôi vẫn còn Mẹ

Tiếng chuông chùa ngân nga đổ, thời công phu tụng kinh tối, tôi đến quỳ trước đấng Từ Bi sám hối tội lỗi và nguyện cầu cho cha mẹ và những người thân yêu luôn được bình an. Tôi cầu nguyện cho mình và cả những người con vong bội sẽ quay trở về bên mái nhà xưa nơi đó có bóng dáng của mẹ hiền đang mỏi mắt chờ trông con trong nỗi hiu quạnh. Để một ngày kia chúng ta không phải hát lên khúc hát mình mất mẹ thật rồi...



Ảnh minh họa -Nguồn: Internet

Chiều nay, khi đang ngồi dưới sân Tịnh Xá đợi đến giờ lên chánh điện tụng kinh, tôi nhận được điện thoại của đứa em trai báo rằng mẹ tôi đang sốt siêu vi mấy ngày liền. Tôi gặn hỏi lại xác nhận rồi gọi điện ngay về cho mẹ. Bên kia đầu giây giọng mẹ ngột ngạt: "Không sao đâu con, cả xóm mình ai cũng sốt rồi lại khỏi". Tôi nghiêm giọng: "Mẹ không được chủ quan, phải khám và truyền nước thì mới khỏi được". Mẹ tôi ậm ừ: "Thì nếu ngày mai không bớt thì mẹ sẽ đi truyền nước vậy". Vẫn là câu nói trấn an con, tôi biết mẹ đang chịu đựng chỉ vì sợ con lo lắng. Trong không khí tĩnh lặng, tôi nghẹn ngào, miên man khi nhớ về sự hy sinh của mẹ và bao nhiêu lỗi lầm tôi đã tạo mà chưa một lần đến trước mẹ để nói lời hối lỗi ăn năn.

Cuộc đời của mẹ tôi gắn liền với bao nỗi khổ cực cho đến tận bây giờ. Tôi nghe bà ngoại kể ngày mẹ lấy bố, cả hai gia đình nội ngoại đều là những người dân di cư từ miền Bắc vào miền Đông Nam Bộ theo chính sách kinh tế mới nên rất nghèo, đám cưới bố mẹ không có được một tấm hình làm kỷ niệm. Nhà tôi sống, nơi rừng rú cây cối bao quanh mà người ta hay gọi là chốn rừng thiêng nước độc. Mỗi khi chiều tối là bao nhiêu âm thanh vang vọng đến não nề: tiếng dế râm ran, tiếng muỗi vo ve, tiếng kêu của cú mèo, bìm bịp, tu hú và những bầy chim đi tìm mồi về réo rắt gọi đàn. Ngày ấy, ký sinh trùng sốt rét là mối nguy hiểm cho toàn bộ người dân trong vùng và nó cứ đeo bám mẹ tôi để thỉnh thoảng lại chờ cơ hội mà bộc phát.

Mẹ sinh các em tôi ra, chúng tôi lớn lên và chứng kiến bao lần mẹ nằm run bần bật trong hai cái chăn quấn chặt nhưng vẫn không thể nào hết rét vì cái rét của căn bệnh này là nó từ trong ruột rét ra. Cứ thế, những cơn sốt rét hành hạ mẹ từ năm này sang năm khác. Mẹ vẫn sống với nó như người ta sống chung với lũ. Hết sốt mẹ lại cùng bố tôi ra vườn đổ đất, trồng tiêu, vào sâu trong rừng chặt le, lồ ô, thồ cây về làm nọc. Tuy nghèo khó nhưng chị em tôi không phải lao động từ nhỏ như bao đứa trẻ khác trong xóm. Việc học hành của chúng tôi luôn là ưu tiên số một. Mẹ không để cho chúng tôi phải chịu thiệt thòi, thiếu thốn. Tiền học, tiền sách vở chúng tôi có khi mẹ phải chạy đi vay mượn.

Ngày tháng chúng tôi lớn khôn, học hành gắn liền với bao nỗi cực nhọc của mẹ. Bao nhiêu năm chúng tôi đi học là bấy nhiêu năm mẹ dậy từ bốn giờ sáng để chăn bầy heo, đàn gà, nấu nồi cơm và giặt đống áo quần cho cả nhà. Mẹ phải tranh thủ như vậy thì mới kịp sáng ra còn đi làm và con cái có cơm ăn đi học sớm. Chúng tôi đến trường lúc nào áo quần cũng thật thẳng, thật sạch. Vậy mà, sự vô tâm, bất hiếu của chúng tôi đã làm cho lòng mẹ đau đớn, ngậm ngùi. Khi lên cấp ba, bắt đầu biết điệu đà, cả tôi và em gái mình đã từng về nói với mẹ bằng thái độ trách móc rằng ở lớp mới các bạn đều nhà rất giàu, mặc áo quần rất "model" chứ không quê mùa như mình. Những lúc ấy, mẹ chỉ biết im lặng mà cúi đầu buồn tủi.

Ngày tôi thoát ly xa nhà, mẹ đưa tôi đi. Khi đến Sài Gòn, cảnh bến xe chiều mưa rơi xối xả khiến tôi buồn da diết. Tôi cố kìm nước mắt vì mẹ đang bên cạnh và truyền hơi ấm cho tôi.Thế nhưng chẳng bao lâu, chính sự yếu đuối, cô đơn của một đứa con gái xa quê đã đưa tôi đến những việc làm có lỗi với mẹ, với gia đình. Nơi quê nhà mẹ khắc khoải nhớ mong và hy vọng, thì tôi lại bước vào một tình yêu gian dối để rồi bị bỏ rơi trong đau khổ tột cùng. Đêm đêm tôi nằm khóc vì trống vắng bóng ai đó, thì mẹ cũng đau đáu canh thâu, nuốt dòng nước mắt nhớ thương tôi. Những cơn mưa, mẹ mỏng manh khoác chiếu áo tơi trong giá lạnh để vun cho luống tiêu không bị ngập úng thì tôi lại lang thang dưới những con đường tìm lại chút kỷ niệm của cuộc tình đã mất. Những đồng tiền được chắt chiu từ sự khó nhọc của mẹ và cả gia đình thì tôi lại tiêu xài nó một cách vô ích và tội lỗi. Tôi lơ là việc học hành và kết quả học kì đó, điểm số của tôi sa sút. Một hôm, mẹ gọi điện hỏi: "Nhà trường mới gửi phiếu điểm về, sao điểm thấp vậy con?". Tôi viện cớ trong giọng điệu lạnh lùng rằng mình bị bệnh nên làm bài thi không được điểm tốt. Mẹ chỉ im lặng rồi cúp máy. Lúc đó, trái tim mẹ đau nhói, còn trái tim tôi thì lại đang mù quáng chỉ còn biết nhớ mong đến người con trai đã bỏ rơi mình.

"Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
Mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
Giọt nước mắt già nua không ứa nổi
Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng" (*).


Tuổi mẹ giờ đây đã bắt đầu vào bóng xế. Cuộc sống cũng không còn quá khó khăn, căn nhà tranh liêu xiêu gió hắt, mưa dột năm xưa đã được thay bằng ngôi nhà kiên cố nhưng lòng mẹ vẫn cô đơn, trống vắng vì thiếu bóng những đứa con. Vậy mà khi có ai đó hỏi thăm, mẹ đã kể cho họ nghe về chúng tôi với niềm tự hào khôn xiết.
Tôi ra trường và bước vào đời đi làm việc, gặp bao nhiêu biến cố, chênh vênh như lời tiên đoán của mẹ ngày nào. Con đường tôi đi ngày càng xa xôi thì vòng tay mẹ lại dần dần ngắn lại. Tôi thương yêu mẹ nhưng cái tình thương ấy có lẽ không thấm vào đâu, so với lòng mẹ bao la và những gì mẹ giành cho chúng tôi trên cõi đời này. Để rồi vẫn bao lần tôi vô tâm lãng quên mình đang có mẹ.

Bây giờ tôi chợt hiểu ra, niềm vui sướng tự hào nhất trên cõi đời nầy, và rất hạnh phúc khi còn có mẹ. Cầu mong cho tất cả những ai còn có mẹ trên đời sẽ không bao giờ phải nói với mẹ mình lời hối lỗi muộn màng...


(*) Mẹ - thơ Đỗ Trung Quân

Vườn hoa Phật giáo
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#3
Chiếc lá hoàn mỹ

Ngày xưa, có một vị đại sư muốn chọn một đệ tử làm truyền nhân. Một hôm, ông bảo hai đệ tử rằng:
"Các con hãy ra ngoài và chọn về đây cho ta 1 chiếc lá đẹp nhất, hoàn mỹ nhất".


Ảnh minh họa -Nguồn: Internet

Hai đệ tử vâng lời thầy đi tìm lá.

Thoáng chốc, người anh quay về và trình cho đại sư một chiếc lá không được đẹp lắm:
"Thưa thầy, tuy chiếc lá này không phải là hoàn mỹ nhất nhưng nó là chiếc lá hoàn mỹ nhất mà con thấy".

Người em đi cả ngày trời và quay về với 2 bàn tay trắng, người em nói với vị đại sư:
"Thưa thầy, con đã tìm và thấy rất nhiều lá đẹp, nhưng con không thể nào chọn được chiếc lá hoàn mỹ nhất".

Cuối cùng, vị đại sư đã chọn người anh.

"Tìm một chiếc lá hoàn mỹ nhất", chúng ta vẫn cứ luôn nghĩ đến việc "hoàn mỹ nhất" nhưng nếu bạn cứ một mực đi tìm mà không nhìn vào thực tế, không so sánh với thực tế thì bạn cứ phải vất vả để rồi… trắng tay. Cho đến một ngày nào đó, bạn mới phát hiện rằng: Chỉ vì mãi đi tìm một chiếc lá hoàn mỹ nhất mà bạn đã bỏ qua biết bao cơ hội lớn một cách đáng tiếc!

Hơn nữa, thứ hoàn mỹ nhất của con người cuối cùng có được bao nhiêu? Trên đời này đã xảy ra không ít chuyện đáng tiếc, đó cũng do một số người xa rời thực tế đi tìm "chiếc lá hoàn mỹ nhất", coi thường cuộc sống đạm bạc. Nhưng chính trong cuộc sống đạm bạc, vô vị đó mới chất chứa những điều kỳ diệu và to lớn. Điều quan trọng là thái độ của bạn như thế nào khi đối diện với nó.

Trong cuộc sống chúng ta, không nhất thiết cứ phải theo đuổi những thứ hoàn mỹ mà chỉ cần bình tâm lại, từng bước từng bước tìm chiếc lá mà bạn cho rằng là hoàn mỹ nhất.



Vườn hoa Phật giáo
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#4
Cây phiền muộn!

Người thợ mộc mà tôi thuê để giúp tu sửa lại căn nhà cũ nát đã chấm dứt một ngày làm việc đầu tiên với không ít phiền muộn và bực dọc. Đầu tiên là cái mái ngói nhà đã khiến anh ta loay hoay mất cả giờ đồng hồ. Sau đó đến trò “đình công” của cái máy cưa và chiếc xe tải cũ kỹ.


Ảnh minh họa -Nguồn: Internet

Khi tôi lái xe đưa anh ta về nhà, anh ngồi im như thóc, chẳng buồn cười nói suốt cả chặng đường. Đến nơi, anh mời tôi ghé thăm gia đình anh. Khi chúng tôi đến gần cửa, anh đột nhiên dừng chân bên cạnh một thân cây thấp bé và đưa cả hai tay vuốt nhẹ lên đầu ngọn cây.

Lúc cánh cửa nhà mở ra, tôi ngạc nhiên thấy anh biến đổi thành một người khác hẳn. Gương mặt sạm nắng của anh rạng rỡ nụ cười. Anh siết chặt hai đứa con nhỏ vào lòng và dịu dàng hôn vợ. Sau một hồi hàn huyên, anh đưa tôi ra xe trở về nhà. Khi chúng tôi đi ngang qua cây thấp bé gần cửa, sự tò mò thôi thúc tôi đã khiến tôi buột miệng hỏi về hành động ban nãy của anh.

“Ồ! Đó là cây phiền muộn của tôi”.

“Tôi biết mình không sao tránh khỏi những phiền toái trong công việc và chắc chắn rằng không nên đem về nhà những phiền toái ấy để gây khó chịu cho vợ con, những người đã mong đợi tôi cả một ngày dài.”

“Vì vậy, mỗi buổi chiều khi về đến nhà, tôi đã đem hết nỗi buồn phiền và bực dọc của mình gửi lên ngọn cây rồi sáng hôm sau khi đi làm tôi lại mang chúng đi”.

“Nhưng anh biết không, thật buồn cười”, người thợ mộc kể tiếp: “Khi tôi ra ngoài vào mỗi buổi sáng để mang chúng đi, thì dường như chúng đã vơi đi khá nhiều so với lúc tôi gửi chúng lên ngọn cây đêm hôm trước”.

Trong cuộc sống, chẳng ai có thể thường xuyên đem lại sự bình an cho bạn ngoài chính bản thân bạn. Vì vậy, hãy luôn sống vui, thanh thản và trọn vẹn với những ngày tháng tuyệt đẹp bạn nhé!


Vườn hoa Phật giáo
 
Chỉnh sửa cuối:

hoa_tigon

Thành viên mới
#5
Ðề: Cây phiền muộn!

Được mấy ai gửi lại phiền muộn của một ngày làm việc căng thẳng để vui vẻ cùng những thành viên trong gia đình nhỉ, chính tôi phải học tập rất nhiều, cảm ơn bài viết :)
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#6
Ðề: Cây phiền muộn!

Được mấy ai gửi lại phiền muộn của một ngày làm việc căng thẳng để vui vẻ cùng những thành viên trong gia đình nhỉ, chính tôi phải học tập rất nhiều, cảm ơn bài viết :)
Hãy đếm, những điều an vui hạnh phúc.
Đừng đếm, những điều phiền muộn ưu tư.

Để ta cảm nhận được, cuộc đời này mãi luôn tươi đẹp và có ý nghĩa hơn...
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#7
Buông xả tự ngã

Có một dòng sông nhỏ chảy từ một vùng núi cao đến làng xóm, đến rừng cây, rồi cuối cùng nó chảy qua một sa mạc. Nó nghĩ: "Mình đã vượt qua rất nhiều chướng ngại, lần này chắc cũng có thể vượt qua cái sa mạc này!?".


Ảnh minh họa -Nguồn: Internet

Lúc nó quyết định băng qua sa mạc thì nó phát hiện nước của nó bị tiêu mòn dần trong cát của sa mạc, nó thử hết lần này đến lần nọ nhưng chỉ là uổng công vô ích. Thế là nó nản lòng: "Có lẽ vận mệnh của mình chỉ đến ngang đây, mình vĩnh viễn không bao giờ thấy được biển rộng bao la như người ta từng nói". Nó buồn rầu lẩm bẩm như vậy. Có một dòng sông nhỏ chảy từ một vùng núi cao đến làng xóm, đến rừng cây, rồi cuối cùng nó chảy qua một sa mạc. Nó nghĩ: "Mình đã vượt qua rất nhiều chướng ngại, lần này chắc cũng có thể vượt qua cái sa mạc này!?".

Lúc bấy giờ, bốn phía của sa mạc bỗng vang lên một âm thanh trong và nhẹ: "Nếu một cơn gió nhẹ có thể băng qua được sa mạc thì dòng sông nhỏ cũng có thể qua được". Thì ra âm thanh đó là tiếng nói của sa mạc.
Dòng sông bực mình phản đối: "Đó là vì ngọn gió nhẹ có thể bay qua sa mạc, nhưng dòng sông như tôi thì phải đi qua chứ không thể bay".

Sa mạc đáp: "Tại vì ngươi cố chấp, dáng vẻ của ngươi nên suốt đời không thể vượt qua sa mạc này. Ngươi phải biến thành hơi nước để cho cơn gió nhẹ mang ngươi bay qua sa mạc, đến nơi ngươi cần đến. Chỉ cần ngươi buông xả đi hình dáng một con sông như bây giờ, để hòa mình vào cơn gió nhẹ thì ngươi sẽ vượt qua được sa mạc này". Dòng sông vốn chưa từng nghĩ đến chuyện này, buông xả hình dáng một con sông rồi hòa mình trong cơn gió, không, không, không thể như thế, nó không thể chấp nhận khái niệm này. Nó nghĩ, nếu biểu nó vứt bỏ tự ngã của dòng sông thì như chính nó đã bị hủy diệt rồi thì dù có vượt qua được sa mạc cũng đâu có ích gì?!!!

"Trong gió có bao hàm hơi nước (dòng sông nhỏ biến thành), sau đó mang hơi nước bay qua sa mạc, đến nơi rồi, hơi nước bốc hơi tạo thành mưa, sau đó nước lại chảy thành sông, đây không phải là chính ngươi sao? Sa mạc kiên trì giải thích".

Vậy tôi vẫn trở lại được hình dáng ban đầu không? Dòng sông nhỏ hỏi. "Có thể nói phải, cũng có thể nói không phải". Sa mạc đáp: "Bất luận ngươi là một dòng sông nhỏ hay một luồng hơi nước không thể nhìn thấy thì bản chất nội tại của ngươi vẫn không thay đổi, ngươi cố chấp ngươi là một dòng sông nhỏ là do ngươi chưa biết đến bản chất nội tại của ngươi".

Lúc này như vẻ hiểu được lời của sa mạc, dòng sông nhỏ đang miên man nghĩ đến lúc nó chưa hình thành thành con sông nhỏ này, hình như nó cũng được cơn gió mang nó vượt qua làng xóm, rừng cây, sa mạc rồi biến thành mưa, rồi cơn mưa chảy thành dòng sông chính nó hôm nay…!!!

Cuộc hành trình nhân sinh của chúng ta cũng giống một dòng sông nhỏ vậy, muốn vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống, để đạt đến một thành quả mới, hướng đến mục tiêu của "chân, thiện, mỹ". Chúng ta cũng phải có dũng khí "Buông xả tự ngã" để đến những lĩnh vực khác mà mình chưa bao giờ biết đến...


Vườn hoa Phật giáo
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#8
Hãy để tâm bình yên!

Chúng ta có được bình yên không? Tâm chúng ta có được hạnh phúc an lạc không? Nếu không thì chúng ta hãy đưa tâm trở về với bình yên. Thế nào là bình yên? Tâm bình yên là tâm không bị căng thẳng, lo sợ hay buồn khổ bức bách. Tâm bình yên là tâm thanh tịnh, nhẹ nhàng, mát mẻ, an vui. Khi bình yên thì chúng ta không bị đốt cháy vì còn tâm vọng động bất an, còn tâm bị co thắt hay nóng bỏng vì phiền não, là còn tâm đau khổ. Cái tâm ấy rất đau khổ, đau khổ nhiều, bởi vì trên đời này không có cái khổ nào mà to lớn và sâu thẳm, nóng cháy và dễ sợ bằng cái khổ tâm, phiền não ngay ở trong lòng chúng ta.


Ảnh minh họa -Nguồn: Internet

Vậy, chúng ta hãy làm cho tâm mát mẻ bình yên trở lại. Bằng cách tập làm cho tâm được an tịnh tỉnh lặng. Chúng ta đã đau khổ quá nhiều. Bây giờ chúng ta hãy sống. Sống với tỉnh thức, với hạnh phúc và bình yên. Tuy nhiên, muốn được an tịnh tỉnh lặng, chúng ta cần phải cẩn thận suy xét xem những việc làm và lời nói của mình có đưa lại sự bình an cho tâm không.

Chẳng hạn, trước khi đi đánh bài ở casino, chúng ta cần xét xem đi chơi như vậy có đem lại bình an cho tâm không, hay sẽ đưa tâm vào trạng thái tham lam, sân hận và si mê? Hoặc nếu chúng ta thích nói chuyện nhiều và thích nghe nhiều thì những điều mà chúng ta nói và nghe ấy có đem lại sự bình an trong sạch cho tâm không, hay càng nói càng nghe thì tâm càng dao động bất an?

Tâm bất an dao động là tâm không sáng suốt. Tâm không sáng suốt sẽ đưa đến lời nói và việc làm không sáng suốt. Và như vậy thì sự đau khổ sẽ càng tăng. Vậy là chúng ta đang tự nhảy vào hầm lửa tội lỗi của đau khổ tham sân si. Khi thất niệm là chúng ta để cho ô nhiễm phiền não làm chủ tâm mình. Những lúc ấy, chúng ta còn tệ hơn là đã chết, vì chúng ta mặc dù đang "sống" nhưng lại tự hành hạ lấy mình. Với ô nhiễm đang bốc lửa trong tâm, chúng ta hướng ngoại, thích nghe - thích nói - thích làm những điều không an tịnh, để tạo nghiệp bất thiện bằng khẩu, bằng thân hay bằng ý rồi phải gặt hái đau khổ về sau.

Là con Phật, chúng ta phải sáng suốt biết cách sống an vui và ngưng hành hạ lấy mình. Chúng ta có thể ngưng đốt cháy mình. Bằng cách đưa tâm trở về với bình yên.
Trở về với bình yên có nghĩa là trở về với nguồn sống tâm linh. Chúng ta sẽ thắp sáng tâm mình bằng chánh niệm và trí tuệ, tắm mát tâm mình bằng hỉ lạc, làm nhẹ tâm mình bằng thư thái và cụ thể là tâm định, sẽ làm chúng ta rất hạnh phúc, bình yên.

Nhưng trước hết, muốn trở về với bình yên, chúng ta cần thấy rõ những điều bất toàn và đau khổ của thế gian mà chúng ta đã nhiều lần phải trải qua. Ồ, thế gian này là bất toàn! Thế gian này là như vậy đó. Song song với những hạnh phúc nhỏ nhoi là sự phiền muộn sâu dày. Chúng ta không bi quan đâu. Chúng ta chỉ can đảm nhìn nhận sự thật đó thôi.
Kinh nghiệm quá nhiều sự bất toàn và thay đổi của cuộc đời, những hạnh phúc tầm thường và phiền não dai dẳng, khi nhìn lại, chúng ta thấy một kiếp nhân sinh chẳng có gì ngoài tấm thân tàn tạ và còn tâm thì mang đầy những lằn sẹo đau thương.

Chỉ khi nào thấy rõ những điều bất toàn ấy, chúng ta mới quyết định làm một cái gì đó để thay đổi nó đi. Chúng ta sẽ có khả năng từ chối, thường thì mới đầu, chúng ta chỉ từ chối tạm thời, từ chối những hạnh phúc nhỏ nhoi của thế gian để đổi lấy cái hạnh phúc vĩ đại, sâu dày hơn. Chúng ta sẽ từ chối nghe và thấy những gì bất thiện bên ngoài. Chúng ta sẽ chọn bạn mà chơi, sẽ chọn bạn mà nghe. Chúng ta sẽ đến với những gì bình an thanh tịnh. Nếu khước từ ô uế và đến với bình an thanh tịnh, thì chúng ta sẽ được thanh tịnh bình an. Và sự hạnh phúc vĩ đại, sâu dày ấy chỉ được tìm thấy ở tâm định tỉnh, an lạc, và trí tuệ sáng suốt trong thiền.

Vậy là chúng ta hành thiền. Có nghĩa là chúng ta sống với bình yên. Bằng cách đưa tâm trở về với thân. Tâm nằm trong thân, tâm an trú tỉnh lặng nơi thân. Lắng tâm theo dõi, nhìn vào tiến trình chuyển động của hơi thở, tâm chúng ta nằm yên, chìm sâu vào nơi đó. Tâm chúng ta được định tỉnh, cảm giác mát mẻ, hỉ lạc, thư thái, nhẹ nhàng, bình yên thấm nhuần toàn thân tâm. Chúng ta cảm nghe thật nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc cao thượng của thiền định, và đây chỉ là mới bắt đầu.

Khi để tâm nằm yên chánh niệm nơi thân thì chúng ta sẽ được an lạc hạnh phúc. Tâm chánh niệm định tỉnh là tâm an lạc hạnh phúc, đó là điều tự nhiên. Sống được 30 phút như vậy thì thật là đáng sống. Sống được một giờ, hay một ngày như vậy, thì thật là giá trị. Bởi vì chúng ta đang sống với hạnh phúc cao thượng, hạnh phúc hoàn toàn...

Vườn hoa Phật giáo
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#9
Sự bao dung

Đến miền đất mới, các vị sư phải xây dựng, mua dụng cụ và bắt tay vào làm việc. Một chú tiểu được giao xây một bức tường gạch. Chú rất tập trung vào công việc, luôn kiểm tra xem viên gạch đã thẳng thớm chưa, hàng gạch có ngay ngắn không. Công việc tiến triển khá chậm vì chú đặc biệt kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chú không lấy đó làm phiền lòng bởi chú biết mình sắp sửa phải xây một bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời.


Ảnh -Nguồn: Internet

Cuối cùng chú cũng hoàn thành công việc vào lúc hoàng hôn buông xuống. Khi đứng lui ra xa để ngắm nhìn công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy có gì đó đập vào mắt: mặc dù chú đã rất cẩn thận khi xây bức tường, nhưng vẫn có hai viên gạch bị đặt nghiêng. Và điều tồi tệ nhất là hai viên gạch đó nằm ngay chính giữa bức tường. Chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn chú.

Kể từ đó mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền chú tiểu đều dẫn họ đi khắp nơi trừ đến chỗ bức tường mà chú xây dựng.

Một hôm có hai nhà sư già đến tham quan ngôi đền. Chú tiểu đã cố dẫn họ sang hướng khác, nhưng hai người vẫn nằng nặc đòi đến khu vực có bức tường mà chú xây dựng. Một trong hai vị sư khi đứng trước công trình ấy đã thốt lên:

"Ôi, bức tường gạch mới đẹp làm sao!"

"Hai vị nói thật chứ? Hai vị không thấy hai viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia ư?"

- Chú tiểu kêu lên trong ngạc nhiên.

"Có chứ, nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt vời lắm!"

- Vị sư già từ tốn.

Đôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với bản thân mình khi cứ luôn nghiền ngẫm những lỗi lầm mà ta mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nhớ đến nó và quy trách nhiệm cho ta. Chúng ta đã hoàn toàn quên rằng đó chỉ là hai viên gạch xấu xí giữa 998 viên gạch hoàn hảo.


Vườn hoa Phật giáo
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#10
Lễ Vu Lan: Ai còn Cha mẹ... xin đừng thờ ơ!

Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn và xin chớ quên rằng: Ai còn Cha mẹ… xin đừng thờ ơ!


Ảnh -Nguồn: Internet

Những ngày tháng bảy âm lịch lại về, mang theo chút mưa nắng thất thường đan xen vào dòng đời tấp nập. Cũng chính lúc này, nhà nhà đều thành kính bước vào mùa Vu Lan - mùa báo hiếu…

Bản chất cuộc đời như con thuyền ngoài biển khơi, có lúc sóng yên gió lặng, thuyền đi êm ả và đích đến dễ dàng đạt được. Nhưng phần lớn trên hành trình ấy, con truyền thường phải đương đầu với muôn vàn sóng gió để cập bờ.

Đó là những lúc buồn - vui – sướng - khổ, là những giây phút tươi nở nụ cười hay rưng rưng nước mắt. Trong khoảnh khắc đó, con người ta thường có thiên hướng nghĩ tới xuất phát điểm của cuộc đời mình mà tung hô hay than vãn.

Và cho dù là sung sướng hay kêu than, thì ngàn đời nay muôn người vẫn thường than với Trời, sau đó là than với Cha mẹ. Ừ thì than Trời, nhưng dẫu có than Trời thì vẫn cao quá, xa quá, đâu thấu lòng ta!

Vậy còn lại chỉ có Cha mẹ là nơi trút bỏ mọi ưu tư, sầu khổ của kiếp người. Bởi Mẹ cha là nguồn cội, là cái nôi sinh thành và cho ta được sống để có thể biết khổ đau hay hạnh phúc!

Kiếm đâu ra trên thế gian này một điểm tựa vững chắc như Cha. Tìm đâu ra giữa biển người bao la một vòng tay ấm áp yêu thương như vòng tay Mẹ. Dù cho đi hết cuộc đời thì lòng cha mẹ vẫn không phút giây nào thôi trông mong, lo lắng cho những đứa con mà họ đã dứt ruột sinh thành.

Công lao trời bể của Mẹ cha cho tới hết đời, không một người con nào có thể trả cạn. Chỉ có thể đền đáp ơn sâu ấy bằng việc sống sao cho nên người, cho lành thiện. Nhất là với người trẻ chúng ta khi nhớ về Mẹ-Cha, bậc sinh thành yêu quý mà trong nhịp thở gấp gáp của cuộc sống hiện đại, ai đó đã có phút sao nhãng, lãng quên.

Mùa báo hiếu tháng bảy âm lịch cũng là dịp để ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và hành động thực sự tới những số phận xung quanh mình.

Ai đã mất đi Cha mẹ thì trọn đời không được quên lãng công lao dưỡng dục của đấng sinh thành. Ai còn cha mẹ thì càng phải sống sao cho có đạo hiếu, chớ thờ ơ, tàn nhẫn mà bất kính, bất hiếu với Mẹ cha để phải ôm trong lòng nỗi xót xa, ân hận.

Ta hành động hiếu hạnh không phải để mong cho bản thân ta có thêm điều lợi hay tiếng thơm, mà đơn giản là để thấy lòng nhẹ bẫng, vui vẻ và thanh thản, hành động để thấu được triết lí giản đơn mà sâu xa của Phật dạy, ấy là phải biết “Từ, bi, hỷ, xả” hay “vô ngã", "vị tha”, cũng là tiếp bước dòng chủ lưu của đạo lý dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Bạn có thể chọn một bông hoa cài lên ngực áo hoặc không trong ngày lễ Vu Lan, nhưng nghĩ về ngày này với ý nghĩa nhân bản, âu cũng là cách để bạn tri ân cuộc sống tươi đẹp này. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương.

Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ-Cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.

Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ-Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm.

Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Và xin chớ quên rằng: Ai còn Cha mẹ… xin đừng thờ ơ!

Vũ Thế Tấn (VTC News)
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#12
Phía cuối con đường - nơi ấy ta sẽ đến

Trong cuộc đời, mỗi chúng ta đều có một con đường để đi, một cái đích để hướng tới, và biết bao ước mơ, hoài bão chờ ta ở tương lai phía trước…
Mọi thứ đều có lúc khởi đầu và có điểm kết thúc. Dòng sông từ rừng già rồi cũng sẽ đổ về biển cả. Và chiếc lá xanh kia, khi lụi tàn sẽ rơi rụng về cội…



Ảnh minh họa -Nguồn: Internet

Ai đó đều có những lựa chọn trong đời, những ước mơ được ủ ấm ngay từ thời trẻ… Và dù họ chọn con đường nào để đi, có một ngày họ sẽ dừng chân, ở nơi họ cần đến hay chỉ là cái đích tạm thời. Ở nơi ấy, họ dừng lại và chiêm nghiệm. Thời gian, cuộc sống và những thử thách, khiến ai đó mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn. Bạn có bao giờ tự hỏi: Ngày ấy sẽ ra sao nếu ta ở phía cuối con đường?

Phía cuối con đường, nơi ta dừng chân, có thể ta sẽ bắt gặp ánh nhìn thân quen mà ta hằng yêu thương, để rồi mỉm cười và cùng người ấy nắm bàn tay thật chặt.

Phía cuối con đường, có thể ta sẽ im lặng lắng nghe, nhặt một chiếc lá vàng rơi, và trân trọng hơn từng thanh âm của cuộc sống để rồi thầm cảm ơn tạo hóa đã cho ta có mặt trong cõi đời để ngày ấy, được nghe và cảm nhận…

Phía cuối con đường, nơi mà ta có thể sẽ đạt được ước mơ, hoặc cũng chính là nơi ta nhận ra hoài bão của mình sẽ mãi còn dang dở. Nhưng nếu ai đó biết yêu lấy chính mình, họ sẽ tận hưởng hạnh phúc khi thành công hoặc nhìn thất bại rồi biết nhận ra bài học từ quãng đường họ đã bước chân qua.

Phía cuối con đường, nơi đó có tình thương, vì có thể ở nơi ấy bạn đủ chính chắn để nhận ra những giá trị mà thuở thiếu thời có khi vì hồn nhiên vô tư mà vô tình lãng quên. Đó là gia đình, quê hương và những người thân thuộc.

Phía cuối con đường, có chăng đó là lần cuối bạn được nhìn ánh bình minh sáng sớm, hay thoáng buồn lặng ngắm hoàng hôn? Và rồi có lẽ ở đó, bạn thấy rằng cuộc sống trôi đi nhưng không bao giờ lặp lại, có những khoảnh khắc chỉ đến một lần trong đời, là ánh trăng đẹp, hay buổi chiều mưa rơi… mỗi một lần sẽ khác.

Phía cuối con đường, bạn có thể cười, nhưng có khi bạn sẽ khóc. Cuộc đời cũng giống như một con đường dài, con đường ấy, phía cuối là hạnh phúc hay đau thương, có ai nào biết được, chỉ biết rằng khi bắt đầu bước đi trên con đường ấy, họ chỉ có thể lựa chọn mà thôi! Và cũng bởi: “Cuộc đời là quả lắc giữa nụ cười và nước mắt”.

Mỗi con đường, bằng phẳng hay gập ghềnh gian nan, đều đưa ta đến một chân trời mới. Mỗi khi tiến một bước về phía trước, dù có thể đau vì bàn chân rướm máu, dù có thể khóc vì khó khăn quá nhiều, nhưng ta hiểu đó là cái giá để ta đánh đổi những bài học cuộc sống. Để rồi sau bao tháng năm, ta trưởng thành hơn, tự tin và mạnh mẽ hơn, đủ sức đương đầu với những thử thách mới của cuộc sống.

Và cũng luôn nhớ một điều, bạn không thể lẻ loi bước đi một mình. Có những vấp ngã trong đời mà đôi khi bạn không thể tự mình đứng dậy, rất cần ai đó nâng đỡ sẻ chia. Đó có thể là gia đình, thầy cô, bạn bè hay người mà bạn trao tình yêu thương. Để rồi đến tận cuối con đường bạn đi, bạn hiểu rằng chúng ta cần dựa vào nhau để sống và để vươn lên, và cuộc sống vốn dĩ là cho và nhận…!

Trên con đường bạn đã, đang và sẽ đi, có thể bạn sẽ cần lắm một ngọn đèn chỉ đường, của ai đó từng đi trước bạn. Họ sẽ là người chỉ rõ cho bạn biết những khó khăn mà bạn phải đương đầu, những hành trang bạn cần mang theo, và cái đích cuối cùng bạn cần đến… dù đó là con đường học vấn, con đường hạnh phúc hay con đường sự nghiệp. Những người dẫn đường, bạn có thể gặp họ, ở nơi ấy - phía cuối con đường - nơi mà bạn sẽ nói lời tri ân…

Để đến cuối con đường, điều cần thiết bạn làm là phải bước đi, với ánh mắt luôn hướng về phía trước. Cuộc đời không cho phép chúng ta dừng lại, thế giới này luôn vận động, cuộc sống cũng đầy nghiệt ngã, vì ai cũng hiểu: “Cuộc đời là biển cả, ai không bơi sẽ chìm…”

Phía cuối con đường bạn đi, nơi đó có những điều chưa thể nói. Nhưng bạn hiểu rằng, đến nơi tận cùng, đó là nơi ta hiểu rõ mình nhất. Dù con đường không trải hoa hồng, con đường có lắm chông gai, hãy tin: “Sống có mục đích đời sẽ không vùi dập!”

Dẫu biết rằng cuộc sống không chỉ có màu hồng, trường đời bên cạnh nụ cười là nỗi đau, những nỗi bất hạnh, đắng cay, những mưu toan dằn vặt. Nhưng không một ai đánh đổi cuộc sống của mình bởi bất cứ điều gì khác, bởi tất thảy chúng ta đều cố gắng sống và hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Và dù cuộc sống có làm cho bạn đau, ai đó làm bạn tổn thương, ai đó xúc phạm và gieo nên hạt giống hận thù… hãy vị tha, bao dung và tin về một ngày mai sẽ khác. Hãy cảm nhận tự sâu thẳm tâm hồn để luôn sẵn sàng trả lời câu hỏi: Ta sống vì lẽ gì? Đừng nản bước trên con đường bạn đi, đừng nghĩ rằng đích đến quá xa mà sớm buông xuôi hay gục ngã, hãy tin rằng, có một ngày bạn sẽ đến được… Phía cuối con đường!

Nếu ai đó có suy nghĩ rằng, phía cuối con đường cũng là nơi ta chấm dứt mọi thứ, thì điều đó thật đáng buồn. Đó chỉ là điểm chuyển tiếp cho một khởi đầu mới mà thôi! Vì: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy...". (Mùa lạc - Nguyễn Khải).

Heraclitus từng nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Nhưng tương đối, cuộc sống cũng có những thứ tuần hoàn: mưa rơi, nước chảy, những giây, những phút của dòng thời gian… Vậy thì có hay không nếu ta có thể trở lại con đường mà ta đã đi qua, để chiêm nghiệm và nhìn lại chính mình. Để rồi đến cuối con đường, ta lại có cơ hội bước tiếp một con đường mới hay trở về tìm lại những năm tháng đã qua? Nơi ta muốn đến đôi khi là nơi ta đã bắt đầu, mọi thái cực đều quay về khởi điểm.

Một khi đã hiểu về cuộc sống và chính mình, bạn sẽ là người làm chủ, để sống, cống hiến, trải nghiệm và chinh phục… Nghĩ về nơi tận cuối con đường, để ta sống có ý nghĩa ở hiện tại, hy vọng về tương lai, và cũng để không bao giờ phủ nhận quá khứ…

Hy vọng rằng trong cuộc đời ai đó, khi đặt chân đến phía cuối con đường, dừng lại và đặt tay lên trái tim và nói: “Cảm ơn đời đã cho tôi thử thách, để mỗi khi chiến đấu với khó khăn tôi trở nên mạnh mẽ hơn, để những lúc buồn đau tôi tìm được lẽ sống, niềm tin và chỗ dựa, để khi nhớ về những ngày tháng đã qua tôi không hổ thẹn vì đã dám kiên gan chống chọi với những khắc nghiệt của cuộc sống, để tôi biết quý trọng mình hơn, để tôi mãi biết ơn những người mà nhờ họ, tôi làm nên những kỳ tích cho riêng mình, để rồi tự nhủ rằng ngày hôm nay phải sống tốt hơn ngày hôm qua và trân trọng từng phút giây hiện tại… Cảm ơn con đường tôi đi…!"

Phía cuối con đường, bạn sẽ thấy. Hãy tin: Đêm dù dài nhưng ngày mai, bình minh rồi sẽ đến…!


Vườn hoa Phật giáo
 
Chỉnh sửa cuối:

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#13
Cái lạnh nào đáng sợ nhất giữa mùa Đông?

Mùa đông đến, những cơn gió se lạnh, những đợt gió bấc thổi ném vào người mà thấy như ai lấy dao cắt da cắt thịt ta. Mọi người đều phải trang bị cho mình những chiếc áo thật ấm, những chiếc khăn thật dài, những đôi tất thật dày, những đôi giày thật đẹp, những chiếc mũ thật xinh để chống lại cái lạnh giá của mùa đông. Tất cả mọi người ai ai cũng sợ cái lạnh, cái lạnh được ví như con dao cắt da, cắt thịt, hoặc lạnh buốt đến tận xương.


Ảnh minh họa -Nguồn: Internet

Ở miền Bắc Việt Nam khi nào nhiệt độ xuống dưới 10oc thì cảm thấy quá lạnh. Thông tin trên truyền thông đại chúng luôn nhắc nhở mọi người phải cảnh giác, phải giữ ấm cho người và vật nuôi, cây trồng, để chống trọi với cái lạnh. Nghe nói ở các vùng núi cao như Sapa, Mẫu Sơn của Lạng Sơn có khi nhiệt độ xuống 0oc, dưới 0oc nước bắt đầu đóng băng và có tuyết rơi. Đọc trên báo được biết nhiều nơi vì quá lạnh nên gia súc chết nhiều, thậm trí cả người cũng chết vì lạnh.

Cái lạnh chẳng trừ một ai. Cái lạnh nó đến với cả làng chứ chẳng riêng gì ai. Chẳng ai thích cái lạnh, cái rét làm gì cho khổ, nhưng cực chẳng đã, con người dù không muốn cũng phải chịu. Đi trong thành phố những ngày này, nếu quan sát kĩ, ta thấy những nghịch cảnh: người ngồi làm việc trong các văn phòng mặc ba, bốn tầng áo ấm mà vẫn thấy lạnh cóng, ở ngoài đường thấy mọi người đi xe môtô bịt kín, chỉ hở hai con mắt để quan sát đường đi, nhưng vẫn có những người nông dân phong phanh áo vải gánh những thúng rau, thúng hoa quả đi bán rong giữa lòng Thủ Đô, chạy te tát mỗi khi nhìn thấy công an đến.

Rét như thế, nhưng về nhà quê thấy mọi người vẫn lội dưới ruộng nước cày cuốc, đắp bời, vơ cỏ. Nhìn thấy họ làm việc vất vả trong lạnh giá như vậy, tôi thấy sởn gai ốc. Có người ngủ trong phòng kín, có đầy đủ chăn bông gối đệm mà nhiều khi vẫn thấy lạnh, nhưng có biết bao nhiêu người trong các khu nhà ổ chuột, ở gầm cầu, nhà cửa của họ rất đơn sơ, tôi tự hỏi làm sao họ có thể qua được cái lạnh của mùa đông khắc nghiệt ở miền Bắc. Nhưng lạ thay, họ vẫn phải sống, họ vẫn phải tồn tại năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, và cái rét thì vẫn thế, vẫn theo họ và con cháu họ suốt đời. Có nhiều người vô gia cư nằm ngủ cuộn tròn trong những manh chiếu rách, với mấy bộ quần áo rách quấn kín lấy người, không chăn, không màn, không gối, không đệm.

Khi về đến nhà nằm trong chăn bông gối đệm làm tôi suy nghĩ rất nhiều về số phận của những con người đó, tôi tự đặt câu hỏi, nhà cửa của họ đâu? Con cháu của họ đâu? Người thân của họ đâu? Mà sao họ phải nằm ở vỉa hè không tấm chăn, gió tự do đùa giỡn như vậy? Liệu họ có chịu nổi cái lạnh như vậy hay không? Liệu họ có thể sống qua được cái mùa đông giá lạnh đáng sợ như vậy không? Quả là cái lạnh ghê sợ của mùa đông.

Trong xã hội văn minh, hiện đại ngày nay còn có những cái lạnh, thiết nghĩ, còn đáng sợ hơn cái lạnh của mùa đông nhiều và rất nhiều lần. Cái lạnh của lòng người, cái vô cảm của con người, đó là khi ta nhìn thấy những người đau khổ mà không có chút động lòng; hoặc khi ta thờ ơ trước những bàn tay xương xẩu đang dơ lên xin ta chỉ một đồng tiền lẻ để sống qua ngày, khi ta lãnh đạm trước những người gặp cảnh khó khăn cần đến ta. Không gì lạnh hơn những con người "lương tháng thì có, lương tâm thì không", khi một bác sĩ để một người nghèo không có "phong bì" phải chết oan khi vào bệnh viện cấp cứu. Không có cái lạnh nào bằng cái lạnh của một cán bộ khi hạch sách người dân khi họ đến xin một chữ ký mà không có "phong bì". Không có cái lạnh nào bằng cái lạnh khi người khác chào hỏi mà ngoảnh mặt đi không trả lời, khi người với người nhìn nhau bằng ánh mắt lạnh lùng xa cách, nói với nhau những câu lạnh nhạt xỉa sói không lọt được vào tai, khinh bỉ nhau, nói xấu nhau, thấy ai hơn mình thì buồn, tìm cách trừ diệt, hạ bệ.

Cái lạnh lọt cả vào những nơi được coi là tốt nhất, ấm nhất của xã hội, nơi người "kĩ sư tâm hồn" thay vì nói sự thật, nói chân lý, thì lại gieo rắc những tư tưởng, những triết lý sai lầm, những điều đi ngược với chân lý, đi ngược với lương tâm con người.

Cái lạnh thâm nhập cả trong gia đình khi con cái lạnh nhạt với cha mẹ, để cha mẹ chịu đói, rét, để cha mẹ phải đi ăn xin, tục ngữ có câu: "lúc sống con chẳng cho ăn, đến khi thác xuống làm văn tế ruồi". Vợ chồng lạnh nhạt với nhau dẫn đến ly dị, bỏ con bơ vơ vất vưởng. Anh em lạnh nhạt với nhau, khinh bỉ nhau chỉ vì những chuyệt rất nhỏ dẫn đến chia rẽ nhau, cổ nhân có câu: "anh em thì thật là hiền, chỉ vì đồng tiền mà mất lòng nhau".

Mức sống của xã hội càng lên cao thì cái lạnh lòng người càng lộ rõ: có những người quý chó hơn người giúp việc, quý chó hơn đồng loại, quý chó hơn người trong nhà.

Không biết bao nhiêu con người đang chết dần chết mòn, chết dai dẳng, chết âm thầm không phải vì cái lạnh của mùa đông mà là cái lạnh của lòng người. Có người chết lạnh giữa mùa hè nóng bức, có người chết lạnh giữa chăn bông gối đệm, có người chết lạnh trong biệt thự, có người chết lạnh trong khách sạn, có người chết lạnh giữa những người thân. Có thể số người chết vì lạnh, cái lạnh của lòng người còn lớn hơn rất nhiều lần so với số người chết lạnh vì thời tiết.

Cái lạnh của thời tiết đã là rất đáng sợ với những người nghèo, những người sống vô gia cư, vô tài sản, với những người sống bằng nghề bới rác, những người làm ruộng, lội ngập sâu trong nước. Nhưng còn chưa đáng sợ bằng những cái lạnh do con người gây ra cho nhau, cái lạnh lòng người quả là đáng ghê sợ hơn gấp bội phần.


Vườn hoa Phật giáo
 
Chỉnh sửa cuối:

xpro_123

Cựu Ban điều hành
#14
Ðề: Cái lạnh nào đáng sợ nhất giữa mùa Đông?

Có thể thấy chị rất nhân văn và nghệ sỹ qua các bài post.Thanks chị!Thấy có cùng sở thích hướng về Phật pháp...Không biết chị có thích đi chùa không! Mình thì khi rãnh là đến chùa, không tu...nhưng đến thắp hương...Và mình cũng thường ăn chay lắm....Hi vọng sẻ chia các bài viết hay, các bài pháp nêu cao tinh thần nghĩa cử cao đẹp từ bi của phật giáo chị nhé!
 

thaisanhon

Thành viên tích cực
#15
Ðề: Cái lạnh nào đáng sợ nhất giữa mùa Đông?

Chi oi Em da doc duoc nhieu bai cua Chi tren dien dan XNC
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#16
Ðề: Cái lạnh nào đáng sợ nhất giữa mùa Đông?

Có thể thấy chị rất nhân văn và nghệ sỹ qua các bài post.Thanks chị!Thấy có cùng sở thích hướng về Phật pháp...Không biết chị có thích đi chùa không! Mình thì khi rãnh là đến chùa, không tu...nhưng đến thắp hương...Và mình cũng thường ăn chay lắm....Hi vọng sẻ chia các bài viết hay, các bài pháp nêu cao tinh thần nghĩa cử cao đẹp từ bi của phật giáo chị nhé!
Cám ơn em xpro_123 đã quan tâm, chị vẫn thường xuyên đi Lễ chùa thắp hương, và ăn chay 1 tháng/2 ngày (Rằm và Mùng một), lòng thành tâm luôn hướng về Mẹ từ bi, mong sao cho gia đình luôn được bình an, hạnh phúc.

Chúc xpro_123 hưởng một mùa Giáng Sinh thật vui vẻ. Mau sớm được đoàn tụ với vợ yêu.
 

thaisanhon

Thành viên tích cực
#17
Ðề: Cái lạnh nào đáng sợ nhất giữa mùa Đông?

Chi Hoaiphuongchau oi! Em da doc duoc nhieu bai cua Chi tren dien dan XNC. Moi lan doc xong deu dong lai trong long Em mot cam xuc ! Em rat thich ! Em cam on Chi da chia se! Chuc Chi co mot mua dong that am ap ben Gia dinh!
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#18
Ðề: Cái lạnh nào đáng sợ nhất giữa mùa Đông?

Chi Hoaiphuongchau oi! Em da doc duoc nhieu bai cua Chi tren dien dan XNC. Moi lan doc xong deu dong lai trong long Em mot cam xuc! Em rat thich! Em cam on Chi da chia se! Chuc Chi co mot mua dong that am ap ben Gia dinh!
Cám ơn em thaisanhon nhiều nhé! Chúc em mau sớm được đoàn tụ với gia đình. Khi đó là niềm vui lớn thật sự đến với em, và hưởng một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc.
 

PhuongChau

Diễn đàn XNC
#19
Vì sao tình yêu phai nhạt theo năm tháng?

Cảm giác thất vọng về nhau có thể làm cho tình yêu nhạt phai. Xã hội có nhiều tiêu chuẩn và người cũng đi theo vòng xoáy của tiêu chuẩn. Một khi tiêu chuẩn không được thỏa mãn, người thất vọng về nhau, hoặc khi tiêu chuẩn này đã thỏa mãn, người đặt ra một danh sách các tiêu chuẩn khác nữa. Chưa bao giờ người hài lòng với những gì người đang có nên mãi kiếm tìm và khi không đạt được, người buồn lắm và than cho số phận không như ý muốn.


Ảnh minh họa -Nguồn: Internet

Quan tâm là một biểu hiện của tình yêu, vì cần nhau mà quan tâm với nhau. Không phải quan tâm vào lúc khác hay mai mốt mà thể hiện vào lúc này, ngay chỗ này. Giống như ba mẹ đang còn sống thì hãy quan tâm, chăm sóc chu đáo, mai mốt ba mẹ đi xa thì lại lo làm đám giỗ linh đình, e rằng không được hay lắm. Giây phút hiện tại rất quan trọng, nó đánh dấu sự mềm mại của tình yêu và sự dễ thương của hạnh phúc. Tình yêu cũng cần siêng năng như phát triển sự nghiệp vậy. Đi làm kiếm tiền là một sự nghiệp thì tình yêu cũng đắt giá, thậm chí quan trông hơn nhiều lần so với sự nghiệp. Người đầu tư cho sự nghiệp thì cũng nên đầu tư cho tình yêu. Biết bao người theo đuổi công danh mà quên mất tình yêu nên tình yêu đi chỗ khác chơi, còn người rất giàu có về tiền bạc nhưng tình yêu thì nghèo nàn quá, đến lúc thiếu thốn thì chạy đôn chạy đáo để vay mượn, vay mượn không được thì cô đơn mình ênh hay trôi lăn trong những tình yêu chóng vánh.

Có ông nhà giàu kia lo làm ăn quá mức và sự thuận lợi trong kinh doanh khiến ông chỉ muốn kiếm tiền, đến khi đầu hai ba thứ tóc thì mới thấy mình cần mái ấm gia đình, lúc này ông mới lo tuyển vợ. Cách ông tuyển vợ như một món hàng, và tình yêu đối với ông như tìm kiếm sự lấp đầy. Cái gì lấp đầy thì sẽ mau nhạt vì ngán. Có người thì sùng bái sự nghiệp và có người thì sùng bái tình yêu. Sùng bái chẳng qua là từ khác của luyến ái. Người tôn thờ tình yêu thì người kẹt vào nó và làm nhiều việc để tình yêu lên ngôi, nhưng đã lên ngôi thì phải có lúc thoái trào, không thể đòi hỏi nó ở trên ngôi mãi mãi. Một ông vua nắm giữ ngai vàng, đến lúc nào đó cũng phải nhường ngôi.

Có bao giờ người nghe đến cụm từ tình yêu trong sáng, nhẹ nhàng như cơn gió và bềnh bồng như làn mây? Vì trong sáng nên tình yêu không có tính toán hay vụ lợi, yêu chỉ để yêu thôi mà. Chàng trai nắm tay cô gái và nàng tựa vào vai chàng. Chàng nói, Anh yêu em. Nàng đáp lại, Em cũng vậy. Dẫu biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn của cuộc sống, còn sự chấp nhận của ba mẹ, còn sự đồng thuận về mặt pháp lí, nhưng hai người vẫn ngồi đó, để không khí tình yêu ngập tràn, để cho giây phút thắm đượm hương nồng yêu thương. Tình yêu ngon lành nhỉ, như một giấc ngủ không mộng mị, không vẽ vời bao la, chỉ có phút giây hiện tại, chỉ có hai người, có hàng cây, có vầng trăng và tiếng suối chảy róc rách. Con người bên nhau, yêu thương nhau là thế, đến với nhau bằng tấm chân tình.

Tình yêu không có tập cuối thì chắc là bền vững lắm. Ai chẳng muốn thế. Đời người như một bộ phim nhiều tập, có thể viết thành tiểu thuyết dày cả nghìn trang, nhưng tình yêu trong sáng không có sự kết thúc, nó vẫn ở đây, tươi tắn như hạt sương ban mai còn đọng trên cành lá xanh mướt. Hạt sương vẫn có khi còn kỳ thị, vì biết chọn cành cây xanh mà đọng, tình yêu trong sáng thì không có một kỳ thị nào, không có so sánh, không có phân biệt, và nhất là không biết toan tính. Nàng hỏi chàng, Anh yêu em vì cái gì? Nếu chàng trai trả lời, Anh không biết anh yêu em vì cái gì, anh chỉ biết là anh yêu em thôi. Cách trả lời này rất quân bình nhưng lại tỏ ra trong sáng vì nó không có so sánh trong đó và nhất là không có tiêu chuẩn. Còn nếu chàng trai trả lời, Anh yêu em vì em có đôi môi xinh, làn da trắng, mái tóc đen dài óng ả, thì trong cách nói đó có sự so sánh và đầy dẫy tiêu chuẩn. Chẳng may sau này môi em không còn xinh, làn da trở nên nhăn nheo, mái tóc đen bạc màu thì anh còn yêu em nữa không? Tình yêu của anh dành cho em có trở nên nhạt phai không?

Một lần đức Phật ngụ tại tu viện Trúc Lâm Ca Lan Đà thuộc kinh thành Vương Xá. Một buổi sáng có vị khất sĩ ra sông tắm rồi mặc y áo vào. Lúc này một vị thiên nữ xuất hiện và nói với vị khất sĩ, Thầy là người mới xuất gia, tuổi vẫn hãy còn trẻ, tóc vẫn còn xanh, giờ này đáng lý thầy phải xông ướp hương thơm, trang điểm châu báu, đeo tràng hoa thơm mà hưởng thụ năm thứ vui. Trong khi đó thì thầy lại bỏ những người thương, quay lưng với cuộc đời thế tục, chịu đựng sự biệt ly, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, tin tưởng con đường xuất gia học đạo. Tại sao thầy lại bỏ lạc thú hiện tại mà đi tìm lạc thú phi thời như thế? Vị khất sĩ đáp, Tôi đâu có bỏ lạc thú hiện tại mà đi tìm lạc thú phi thời? Chính tôi đã bỏ lạc thú phi thời để tìm tới hạnh phúc chân thực trong hiện tại đấy chứ. Đây là một đoạn trích từ Kinh Tuổi Trẻ Và Hạnh Phúc. Đoạn kinh nói về sự đối đáp giữa vị khất sĩ và vị thiên nữ về việc buông bỏ lạc thú phi thời để tiếp xúc với hạnh phúc chân thực trong hiện tại. Hạnh phúc chân thực là hạnh phúc không còn dính mắc, nhất là không dính mắc vào năm thứ vui của năm căn. Thu thúc các căn thì hạnh phúc chân thực sẽ biểu hiện. Có người sống chết cũng chỉ vì năm thứ vui.

Người làm đủ thứ chuyện để hưởng thụ và sống chết với điều được hưởng thụ. Tình yêu cũng là sự hưởng thụ nên không ít người sống chết vì tình yêu. Nếu không chết thì cũng ngất ngư. Nhiều khi tình yêu như một con dao vô hình, nó làm người rớm máu hay tan nát cõi lòng. Chết vì yêu nghe có vẻ hay đấy nhưng với đạo thì dại dột quá. Cuộc đời này đâu chỉ có yêu hay năm thứ dục lạc kia, còn nhiều thứ để người tiếp xúc lắm. Tình yêu không đến không có nghĩa là người không yêu ai, mà do nhân duyên chưa đủ hay nhân duyên trong tình yêu thời xa xưa đã tan biến rồi. Hãy vui với cái vui độc thân. Độc thân cũng có cái hay của nó, người có thì giờ hưởng thụ hạnh phúc chân thực trong hiện tại hơn. Nhiều chàng trai hay cô gái hiện đại cho rằng họ cần yêu nhiều đối tượng để có sự lựa chọn. Lựa chọn cái gì? Lựa chọn cách mấy thì tình yêu vẫn vậy, vẫn hời hợt, không có đậm đà, thậm chí dễ phạm giới tà dâm nữa.

Một cô gái yêu chàng trai đã có gia đình, biết rằng làm như vậy là sai trái, nhưng đã lậm quá rồi, dứt ra cũng không được, và đây là cái nhân nhờ duyên đẩy tới quả là chính cô gái này phải chịu kiếp chồng chung trong một thời gian nào đó hay số kiếp nào đó. Lại nữa, có cô gái yêu vị tu sĩ kia, biết là chuyện tình sẽ chẳng đi tới đâu vì vị tu sĩ đi tu rồi, cô chỉ yêu đơn phương thôi. Cô biết cô sẽ chẳng có cơ hội nào nhưng cô vẫn cứ thương, một thứ yêu thương rất nông nỗi. Thêm nữa, có trường hợp hai anh em trong nhà hay hai anh em cùng cha khác mẹ vì không biết mối liên hệ huyết thống mà yêu nhau, một thứ tình yêu rất oan trái. Luyến ái ghê gớm vậy đó, nó đẩy người đến bờ vực thẳm, của đau khổ triền miên, khi tỉnh giấc thì không còn nhận ra người nữa. Người như đang đi giữa trận đồ sa mạc của khổ đau, của đói khát, tình yêu rất nhiều nhưng vẫn cứ đói khát, tình yêu đang lấp đầy nhưng vẫn cứ thiếu thốn.

Thức sinh và thức duyên danh sắc. Tâm có sự phân biệt nên sắc có sự phân biệt và hình sắc biến hiện theo sự biến hiện của tâm, hay sự phân biệt vô tội vạ của tâm. Không phân biệt hình sắc thì tâm sẽ không bị sắc kéo đi. Sắc đẹp hay sắc không đẹp cũng do tâm dẫn. Do đam mê sắc đẹp nên có thức phân biệt với sắc không đẹp, người có khuynh hướng tìm kiếm sắc đẹp để thỏa mãn thức phân biệt. Tiếp xúc với sắc đẹp cũng là một thứ phước nhưng nếu trong cái phước này mà không có đức, người rất dễ phạm giới. Thời đức Phật có vị tỳ kheo thích 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của đức Phật nên thân cận người mà cứ luyến ái với hình sắc của người, không lo tu học.

Được diện kiến hình tướng đẹp của Phật là có phước nhưng từ đó sinh ra tà tư duy hay sinh ra luyến ái thì coi như là không có đức rồi. Thử suy nghĩ sao người có sắc đẹp, vì người có tâm đẹp, có giới hạnh đẹp, có hành trì đẹp. Thức phân biệt đầy dẫy dẫn đến cái biết phân biệt, cái biết phân biệt đó là danh. Như cho rằng, đây là hình sắc đẹp và đây là hình sắc không đẹp, danh đấy. Danh gọi tên của sắc đã được phân biệt. Trong tình yêu, người phân biệt liên tục không ngừng nghỉ. Nàng nấu cho chàng những món ngon mà chàng ưa thích, mặc những bộ đồ có màu sắc mà chàng ưa thích, ướp thân thể bằng những mùi hương mà chàng ưa thích, chiều lòng chàng đi tới những nơi mà chàng ưa thích… và ngược lại. Đã nói đến ưa thích là có sự phân biệt, tức là không trung tính. Giống như nghe pháp thoại vậy, người thích nghe ông thầy này giảng vì vui hay pha trò, còn ông thầy kia dạy cứ đều đều, buồn ngủ quá. Người ham thích cái vui nên tìm kiếm bài giảng vui mà nghe, cứ tưởng nghe pháp thì sẽ được phước, có ngờ đâu trong lúc nghe pháp vui vui đó, người đã không kiềm chế được cái dục của mình.

Sắc là nói tới năm uẩn và danh là sự biết về năm uẩn. Khi hành thiền minh sát tuệ, lúc thở vào hay thở ra thì bụng phồng lên hay xệp xuống. Việc phồng xệp của bụng là sắc và biết về sự phồng xệp là danh. Tùy theo cách nhìn nhận mà danh-sắc được tạo ra. Luyến ái dẫn đến phiền não, các tâm độc dẫn đến phiền não và phân biệt chảy tuôn như dòng suối, và thế là người cho đây là đàn ông, đây là đàn bà, đây là tình yêu, đây là hời hợt, đây là hợp, đây là tan… Do có thức phân biệt nên có danh sắc phân biệt để thỏa mãn sự phân biệt và nó che mờ tất cả mọi bình đẳng và đồng nhất, tức là không thấy được tất cả vạn vật đi vào nhau, không thấy cái này đi vào cái kia hay cái kia đi vào cái này. Thế gian của người như là thế gian của năm uẩn và tuy người đang biểu hiện dưới dạng của năm uẩn nhưng nếu đã chấm dứt phiền não hay những ý niệm, người sẽ tiếp xúc được thực tại cùng tột, một thực tại rất Niết bàn.

Danh và sắc nương vào nhau mà biểu hiện, danh biểu hiện qua sắc và sắc biểu hiện qua danh. Thân không có tâm thì thân còn gì, tâm không có thân thì tâm còn gì. Sự sống biểu hiện khi thân và tâm nương vào nhau hay có mặt cho nhau. Thực tập chánh niệm là cách làm cho thân tâm nhất như, tức là đem cái tâm ở chung với cái thân. Danh như tập hợp các danh hay các tâm sở và sắc là tập hợp của các sắc hay các sắc pháp. Tình yêu với một người như tình yêu năm uẩn và tình yêu dòng chảy của tâm, nói cách khác là yêu danh sắc của người đó. Danh sắc biến đổi thì tình yêu cũng biến đổi, nếu nhiều lắm thì cũng trăm năm và chưa chấm dứt được thì đời sống tiếp theo lại gặp nhau để thỏa mãn tình yêu danh sắc. Tất cả danh sắc đều vô thường và vô ngã, tức là không thể bắt nó bất biến hay đi theo ý muốn được, nên yêu mến cái danh sắc thì phải chấp nhận cái vô thường hay vô ngã của nó, tức là tình yêu dù đậm sâu cách mấy cũng sẽ nhạt phai. Biết vậy thì không còn khổ, không kẹt vào danh sắc, tình yêu đến thì cứ đến và tình yêu đi thì cứ đi. Nghe có vẻ hời hợt nhưng sự thật là vậy, như câu thơ, Có hợp thì phải tan – Hãy tập sống đàng hoàng – Yêu thương trong hiện tại – Xá gì chuyện hợp tan. Dẫu biết rằng mai này tình yêu sẽ nhạt phai thì bây giờ hãy trân quý tình yêu người đang có và nếu sau này có tan, người không hối tiếc nữa vì đã sống sâu sắc trong tình yêu đó rồi.

Một vị tu sĩ đi tu rồi, tuy vẫn mang theo danh sắc, mang theo dòng chảy của tâm và mang theo năm uẩn nhưng vị này nương vào danh sắc để tu tập, không nương vào danh sắc để luyến ái. Mỗi ngày tu đi qua, vị ấy nhìn lại bản thân đã giác ngộ được gì và buông bỏ được gì. Tích lũy được nhiều giác ngộ thì vị ấy có đủ khả năng mua vé đi vào Niết bàn. Thực ra buông bỏ chính là giác ngộ vì buông bỏ là điều kiện để giác ngộ biểu hiện. Niết bàn có mặt đó, nhưng vì không buông bỏ được nên vẫn chưa chạm được Niết bàn. Vị tu sĩ cũng có tình yêu nhưng tình yêu này rất đặc biệt, nó không gói gọn trong một cá thể mà tất cả các cá thể. Khi bất cứ ai vị ấy cũng yêu thương thì vị ấy sẽ không kiểm duyệt tình yêu của vị ấy. Vị ấy không so đo, không hờn ghen, không oán trách, không chờ đợi và cũng không níu kéo, vì tình yêu trong vị ấy lúc nào cũng có mặt đó.

Trong vị ấy không có cái gọi là tình yêu lên ngôi hay tình yêu nhạt phai, mà tình yêu của vị ấy rất bình đẳng, người ấy thực tập để bình đẳng trong tình yêu và do bình đẳng, tình yêu của vị ấy không có kẻ thù, chính lúc này, vị ấy chạm được vào nụ cười, một nụ cười hết sức bình thản, bình thản trước mọi thăng trầm của cuộc đời. Vị ấy xác định được số kiếp của mình là yêu thương hết tất cả chúng sinh, dù cho chúng sinh đó sống ở châu lục nào, hành tinh nào, quốc độ nào hay sắc tộc nào và vị ấy sinh ra là để làm bồ tát. Tâm vị ấy không còn hoang vu, không bị dằn xé bởi sự cô đơn. Vị ấy tinh tấn yêu thương ngày đêm để chấm dứt tình trạng sa mạc hóa của tâm, chấm dứt nghi ngờ, chấm dứt sự chống đối, chấm dứt những phẫn nộ và khi tất cả hoang vu chấm dứt, tâm trở nên đồng bằng hơn, hoa cỏ mọc trở lại và chim chóc bay về.

Vị ấy phát khởi hoan hỷ trong tâm vì vị ấy không còn nghèo nàn trong tình yêu. Vị ấy biết mình không đơn độc mà tình yêu đang nuôi dưỡng vị ấy, một thứ tình yêu cao thượng hướng đến chúng sinh. Vị ấy cũng yêu đấy chứ, nhưng tình yêu của vị ấy rất lạ, không như tình yêu theo kiểu nam nữ mà là thứ tình yêu không còn vọng tưởng, không còn ước mơ, ngược lại nó rất tràn ngập, nó như bung ra, ôm lấy tất cả nhưng lại không ôm gì cả.

Người ra đi để lại ngàn nỗi nhớ
Nhớ bàn tay nhớ ánh mắt thơ ngây
Nhớ hạt mưa long lanh trên khóe mắt
Nhớ đồng cỏ cùng rong chơi tháng ngày.
Ta thương tiếc những mối tình tan vỡ
Những yêu thương tràn ngập ánh nắng vàng
Những ngổn ngang trong tim còn thổn thức
Những nức nở của buổi chiều lang thang.
Khi mái đầu đã không còn xanh mướt
Chợt nhận ra tình yêu quá mong manh
Những lời thương nghe rất đỗi chân thành
Cũng tan biến như hạt sương tia nắng.
Ta biết rằng không có gì bền chắc
Yêu cách mấy rồi cũng phải buông tay
Hạnh phúc khổ đau trên thế gian này
Không có gì được xem là bất tận.



Vườn hoa Phật giáo
 
Chỉnh sửa cuối:

thaisanhon

Thành viên tích cực
#20
Ðề: Vì sao tình yêu phai nhạt theo năm tháng?

"....Quan tâm là một biểu hiện của tình yêu, vì cần nhau mà quan tâm với nhau. Không phải quan tâm vào lúc khác hay mai mốt mà thể hiện vào lúc này, ngay chỗ này. Giống như ba mẹ đang còn sống thì hãy quan tâm, chăm sóc chu đáo, mai mốt ba mẹ đi xa thì lại lo làm đám giỗ linh đình, e rằng không được hay lắm....." :1: !!!
 
Status
Không mở trả lời sau này.